Ngoài cửa non xanh nước biếc, Đường xa rong ruổi mịt mù. Đi đường không ngại khó, Phút chốc chồng bắc vợ nam. Thôi thôi đừng khóc nữa, Nhân duyên cuối cùng chẳng đoạn tuyệt đâu. Đây là bài từ Như mộng lệnh, nói rằng trên đời vợ chồng gắn bó như keo sơn, vốn chỉ mong bách niên giai lão. Song trong đó vận mệnh khác nhau, hoặc là đàn ông cứng số sát vợ hoặc là đàn bà tinh tướng sát chồng. Trong sách tướng số có ghi: "Nam gặp Dương Nhân thì hại vợ, nữ phạm Thương Quan phải tái giá". Mệnh đã định như thế thì không sao thoát được. Trong đó cũng có trường hợp chồng không khắc vợ, vợ cũng không khắc chồng mà đột nhiên gặp biến cố, thế là hai vợ chồng đang sống cuộc đời ngọt ngào như mật, không rời nhau nửa bước, phút chốc sẻ nghé tan đàn. Vợ chồng chẳng khác nào như chim cùng tổ khi gặp hạn lớn tới, mỗi người bay một phương trời. Cũng có thể sau khi chia ly, đoạn tình đoạn nghĩa, không bao giờ sống với nhau nữa, âu cũng là chuyện bình thường không lấy gì làm lạ. Chỉ có người nhân duyên chưa đứt, sau này lại trở lại với nhau, há chẳng phải là chuyện mới lạ sao? Ngày xưa đời Đường có vị Ninh vương, em hoàng đế Huyền Tông. Dựa vào thế thân vương ông ta kiêu ngạo hống hách ngang tàng tham dâm hiếu sắc. Ngoài cửa vương phủ có vợ một người bán bánh, dáng người tầm thước trắng trẻo xinh đẹp dịu dàng, đôi mắt thanh tú, nước da trắng ngần, môi đỏ như son, đôi tay nõn nà tựa ngó sen, đôi chân nhỏ nhắn như đôi chân của Phiên Phi(1) mỗi bước đi như nở một bông sen. Ninh vương thấy nàng như bị hút mất hồn, liền sai người gọi vào phủ đường. Người phụ nữ ấy tuy gắn bó với chồng như keo son, song vì Ninh vương cưỡng bức buộc phải tuân lệnh. Nếu người bình dân phạm phải việc này, nặng thì ghép vào tội gian dâm, nhẹ thì coi như lừa gạt, nhất định mắc trọng tội. Song ông vốn là thân vương thì ai dám khép tội? Còn như câu "Con cháu thuộc dòng dõi nhà vua cũng khép tội như dân thường", thì đó là những điều trống rỗng chỉ nói mà không thi hành, chẳng có chút can hệ gì. Từ khi chiếm được người đàn bà này, suốt ngày dâm dục, không một ai được sủng ái như nàng. Tất cả những cô gái yêu kiều xinh đẹp trong phủ Ninh vương coi như bùn đất. Đúng là tình nhân chẳng khác nào Tây Thi, không ai tranh giành được. (1) Phiên Phi: Phi của Đông Hôn Hầu, Nam Tề Đông Hôn Hầu đã xây ba cung điện cực kỳ xa hoa cho nàng ở, lại đúc những hoa sen bằng vàng để nàng đi. Xuân qua thu tới, thoáng cái mà đã hơn một năm, niềm hoan lạc đã tới cực điểm thì mùi vị cũng dần dần trở thành bình thường. Vào một hôm đang dịp tháng Ba, hoa hải đường nở rộ. Ninh vương ngắm hoa uống rượu, vợ người bán bánh ngồi bên cạnh thưởng hoa, tự nhiên nước mắt trào ra. Thấy thế Ninh vương bèn hỏi: - Nàng sống trong vương phủ của ta so với cuộc sống long đong được bữa sớm lo bữa tối ở nhà gã bán bánh lại không gấp hàng ngàn lần sao? Có gì đáng phiền lòng đâu mà khóc? Vợ chàng bán bánh bèn quỳ xuống nói: - Nếu tiện thiếp sinh ra và lớn lên tại vương phủ thì chẳng phải lo nghĩ gì, song trước đây thiếp là vợ người bán bánh, bởi thế thiếp chạnh lòng mà khóc. Ninh vương vội đỡ dậy, nói: - Tại sao trước đây nàng không chạnh lòng, nay ta mới thấy nàng như thế? - Bởi vì, tiện thiếp là con gái nơi thôn dã, chỉ biết hoa đào hoa mận, hoa lê chứ cứ biết hoa hải đường thế nào đâu. Xưa kia thiếp cùng chồng bán bánh trước cửa phủ đường, thấy người trong vương phủ gánh hoa hải đường đi qua. Đời thiếp chưa từng nhìn thấy hoa hải đường bao giờ nên mới bảo chồng ngắt một bông cho thiếp cài đầu. Chồng thiếp vừa bước tới ngắt hoa thì bị người trong phủ đánh cho một gậy vào vai, nói: "Hải đường trong thiên hạ đều có sắc mà không có hương, chỉ có hải đường ở Xương Châu là có sắc có hương thôi. Ta vâng lệnh đại vương tới Xương Châu hái hoa về mà ngươi to gan lớn mật dám thò tay hái". Lúc ấy thiếp chỉ biết tự oán trách mình, vì mình mà chồng bị đánh. Nay thiếp thấy hoa hải đường trong vương phủ cho nên nhớ tới chồng, nước mắt cứ trào ra. Ninh vương thấy thế bỗng mủi lòng, nói: - Nay nàng còn nghĩ tới chồng, đó là điều tốt. Ta sẽ truyền lệnh cho chồng nàng tới đây gặp nàng có được không? Vợ người bán bánh quỳ xuống nói: - Nếu được gặp chồng một lần thì thiếp dẫu chết cũng không còn ân hận nữa. Nghe xong Ninh vương gật gật đầu đỡ nàng dậy, ngay lập tức cho người đi gọi. Lát sau chồng nàng tới, quỳ xuống bên khóm hoa. Anh bán bánh tuy quỳ trong vương phủ, song vẫn nhìn vợ bằng con mắt lạnh lùng, không dám khóc mà cũng không dám ngước mắt nhìn. Ai ngờ người vợ thấy chồng gào lên khóc nức nở, không hề sợ hãi. Tuy Ninh vương sống phóng đãng nhưng vẫn thương người. Thấy tình cảnh ấy ông thầm nghĩ: "Vì ta tham sắc mà chia duyên rẽ thúy vợ chồng họ, ta quả là có tội" Thế rồi ông thưởng cho họ một trăm lạng bạc để che giấu nỗi hổ thẹn của mình, cho người bán bánh dẫn vợ về. Thời ấy nhà thơ Vương Duy có làm một bài thơ ghi lại chuyện này như sau: Chẳng vì được sủng ái Mà quên mối tình xưa. Nhìn hoa hàng lệ nhỏ, Chẳng nói cùng Sở vương. Câu chuyện chia phôi lại sum họp này đó là vì vợ người bán bánh tuyệt đẹp lại gần vương phủ, suốt ngày liếc mắt đưa tình ngấm ngầm trang điểm dụ dỗ người nên xảy ra như thế. Nay ta lại nói về một người đi thi bỗng chốc mất vợ. Chuyện này còn thê thảm hơn bị Ninh vương cướp đoạt rất nhiều. Sau này vô tình lại được sum họp, càng lạ lùng hơn chuyện vợ chồng người bán bánh được đoàn viên. Câu chuyện này xảy ra vào thời Cao Tông Nam Tống. Người này tên là Vương Tùng Sự, người Biện Lương. Thời nhỏ đỗ tú tài, được tiến cử vào trường Thái học. Vợ là Kiều thị, cũng là con nhà gia giáo, đi học hành và biết lễ nghĩa. Hai vợ chồng thật xứng đôi vừa lứa. Vì nghèo nên hai vợ chồng không có kẻ hầu người hạ và cũng chưa con cái. Thời ấy Cao Tông vừa mới xây dựng kinh đô ở Lâm An, khắp nơi trộm cắp nổi lên như ruồi. Năm ấy Vương Tùng Sự được nhậm chức, bàn với vợ rằng: - Năm nay anh mới hai bốn hai nhăm tuổi, lẽ ra phải đi thi để đoạt công danh mới phải lẽ. Song chỉ vì nhà nghèo, lại thêm nạn trộm cắp. Vùng Biện Lương lại là miếng mồi của chúng, nếu chẳng may chúng tới thì cho dù anh không chết, cũng bị chúng bắt đi, suốt đời phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Vả lại đường tới Lâm An cũng gần, anh định thu xếp tư trang cùng nàng tới Lâm An. Ở đó ta sẽ được sống yên ổn, chờ mãn hạn quan, trời đất yên hàn rồi sẽ trở về quê hương. Nếu như binh lửa chưa yên thì cứ nhập tịch ở Lâm An, có gì mà không được, ý em thế nào? - Em là đàn bà con gái chẳng biết gì, em chỉ vâng theo lời anh thôi. - Anh đã định rồi em đừng do dự gì nữa. Thế rồi vợ chồng thu xếp hành lý, chọn ngày tốt lên đường, gửi nhà cửa cho người thân trông coi, rồi theo đường thủy thanh thản tới Lâm An. Thấy phong cảnh ở đây thật tuyệt vời: Phượng Hoàng cao vòi vọi Tần Vọng vút tầng mây, Tuệ Nhật như bức bình phong nhiều đá lạ, Cô Sơn u tịch ngan ngát nở hoa mai Thiên Trúc, Phi Lai đối nhau ngọn ngọn, Nơi đại bàng bay tới chốn linh thiêng. Vạn Tùng, Phượng Hoàng lớp lớp đặt bày Vốn là nơi suối Tiên xuất phát. Hồ rộng mênh mông, đào liễu bên cầu tràn xuân sắc bao bọc thành tráng lệ nguy nga. Hàng trăm lâu dài như bức họa Không đếm xuể đình đài: Mộng Nhi, Thúy Vi Phóng Hạc, du ngoạn cảnh thiên nhiên. Mộ Đỗ Phủ, Phù Lai, Hứa Viễn nhìn không biết chán. Khiến ta nhớ lại những bậc thánh hiền xưa, Hẳn mới thấy mười tháp, chín cái không đầu, chứng tỏ nhân dân đời đời ghi nhớ. Vương Tùng Sự tới Lâm An, vội vàng tìm nơi nghỉ trọ. Lâm An rộng lớn, buổi đầu còn lạ lùng bỡ ngỡ, nghỉ chân tại Bão Kiêm Doanh, xung quanh đều là nhà chứa. Hằng ngày gái làng chơi ăn mặc lòe loẹt đứng cửa đón khách. Đã có nhà chứa thì những gã làng chơi du đãng ăn diện lượn lờ đi lại. Bọn thanh niên đến chơi gái đó là điều đương nhiên, song ngay cả bọn không có tiền chơi gái cũng mò vào các nhà quả phụ uống nước chè hâm. Bởi thế Bão Kiếm Doanh vô cùng ồn ào nhốn nháo. Đã có bọn gái làng chơi, lại có những bọn thanh niên du đãng, nam nữ ô hợp, thì lại mọc ra những cửa hàng bán rượu thịt, bán thư họa, bán đồ cổ, bán ngọc thạch, lụa là gấm vóc, khăn tay, túi đựng đồ trang sức, túi hương liệu, thuốc kích thích xuân tình, dầu chải đầu, son phấn... Đã có những người buôn bán thì trộm cắp như ruồi, vợ chồng con cái bọn vô lại đều tụ tập ở đây. Vương Tùng Sự không biết, đã thuê một chiếc kiệu khiêng Kiều thị về nơi ở. Phong tục của Lâm An xưa nay, dù là dân thường hay quan lại đều đi kiệu mát, đó là loại kiệu không có rèm che. Ngay có rèm đi chăng nữa, người ta cũng vén lên cho người ngoài nhìn thấy cũng chẳng ngượng ngùng gì. Vợ Vương Tùng Sự cũng đi loại kiệu mát không có rèm, Kiều thị là người xinh đẹp tuyệt vời đi kiệu tới nhà trọ. Ai ai nhìn thấy cũng tấm tắc khen ngợi: - Không biết cô gái này ở đâu tới mà xinh đẹp đến thế. Không ngờ chính vì nhan sắc tuyệt vời mà tai họa bỗng dưng ập tới. Đúng là: Thỏ chết vì lông quý, Rùa chết vì mai thiêng. Vợ chồng Vương Tùng Sự vừa tới chỗ ở, thấy nơi đây không tốt thì trong lòng ngán ngẩm. Đến tối khi kỹ nữ tiếp khách, kẻ uống rượu, người hát xướng; bên đông chơi trò phạt rượu, bên tây đánh bài; trên lầu chơi đàn, dưới hiên thổi sáo; ầm ĩ nhốn nháo mãi tới tận đêm khuya mới yên. Vợ chồng Vương Tùng Sự thấy ở đây rất tồi tệ không yên tâm, bàn nhau dọn đi nơi khác. Mà cũng lạ thay, nhà cửa ở Lâm An chỉ đẹp mặt ngoài, còn bên trong chỉ ngăn gian bằng phên lau sậy trát vách, quét trang trí qua bằng lượt nước vôi. Cho nên nhà ở kề sách vách nhau không những chỉ nói với nhau một câu người ta cũng nghe thấy, mà ngay như đi đại tiểu tiện người ta cũng biết. Chỗ ở của Vương Tùng Sự sát với một nhà chứa, thị là Lưu Trại, thường quan hệ với gã đồ tể Triệu Thành. Tên này vừa hung tợn vừa gian manh, quen thói xúi bẩy người khác kiện tụng. Ở sòng bạc hắn tha hồ bỏ túi, tại nha môn hắn tới từng người mua chuộc. Hắn còn kết giao với bọn vô lại, hô một tiếng là hàng trăm tên hưởng ứng. Hắn dùng mọi thủ đoạn cướp giật, lừa đảo dối trá, nuôi dưỡng trộm cướp, chứa chấp của gian, bức người khác phải đi vào con đường trộm cắp, chẳng từ một việc gì mà hắn không làm. Vì sợ nên Lưu Trại phải quan hệ với hắn, chứ hoàn toàn không phải là tự nguyện. Kiều thị đến nơi ở, Triệu Thành nhìn thấy đã có ý định đánh lừa. Bởi thế suốt mấy ngày liền hắn chỉ uống rượu tại nhà Lưu Trại để theo dõi động tĩnh. Nào ngờ vợ chồng Vương Tùng Sự bàn nhau chuyển nơi ở, mặc dù nói khẽ, song Triệu Thành cũng láng máng biết được. Hắn nghĩ: "Thằng ngu, mày ở nơi khác đến mà đã phân biệt sang với hèn, thật là đáng ghét. ở đây thì ngại gì mà mày dọn đi nơi khác. Ta phải xem hắn dọn đến đâu đã rồi sẽ xử trí". Đến khi Vương Tùng Sự đi tìm phòng, Triệu Thành bí mật theo dõi. Vì lúc đầu do vội vã nên tìm nhầm chỗ, lần này Vương Tùng Sự quyết phải tìm được nơi thật yên ắng tĩnh mịch. Mãi đến khi tới Tiền Đường mới tìm được chỗ ở vừa ý, sau đó lại tìm hiểu tỉ mỉ kỹ càng những nhà láng giềng, thấy họ đều là những nhà buôn bán, lúc đó Vương Tùng Sự mới yên tâm thuê nhà, nói với vợ chọn ngày tốt dọn nhà. Những việc ấy Triệu Thành biết rất tường tận. Tùng Sự không có con ở đi theo, mọi việc đều phải nhúng tay làm. Tới hôm chuyển nhà, Kiều thị thu xếp hòm xiểng, Vương Tùng Sự nói: - Tôi cùng với phu khuân vác mang đi trước, rồi sẽ thuê kiệu đón nàng sau. Nói xong áp tải phu khuân vác mang hòm xiểng đi. Kiều thị đợi ở nhà chưa tới nửa giờ sau, thấy hai người đàn ông đến nói: - Ông Vương bảo chúng con đến đón bà tới nhà mới ở Tiền Đường, kiệu đang chờ ngoài cửa. Nghe xong Kiều thị lập tức đi ra, thấy một chiếc kiệu rèm vải Kiều thị lên kiệu, phu khiêng kiệu lập tức buông rèm rồi khiêng đi ngay. Nàng cũng không biết đi được bao xa, tới cửa phu khiêng kiệu dừng lại, mở rèm, Kiều thị xuống kiệu bước vào nhà, chẳng thấy chồng đâu, chỉ thấy một tên gian manh lạ hoắc. Vốn là, khi Vương Tùng Sự dặn vợ, rồi mang đồ đạc đi trước, Triệu Thành ở gian bên nghe thấy bèn tương tế tựu kế, hắn đi thuê ngay hai người khiêng kiệu tới đánh lừa Kiều thị. Phong tục ở Lâm An xưa nay kiệu không buông rèm. Triệu Thành sợ Vương Tùng Sự trở về trông thấy sẽ bại lộ. Bởi thế buông rèm, rồi khiêng thẳng tới dây. Thấy nhũng người này Kiều thị biết rằng đã có chuyện, sợ quá mặt tái mét như chàm đổ. Lập tức quay ngoắt lại gọi phu khiêng kiệu: - Các ngươi nói rằng nhà tôi bảo các anh đón tôi tới nhà mới, tại sao lại khiêng tôi tới đây? Hãy mau mau đưa tôi đi khỏi nơi này. Bọn phu khiêng kiệu chẳng thèm trả lời, bỏ đi ngay. Triệu Thành gọi bọn đàn em, xốc nách đưa Kiều thị vào, nói: - Chồng cô bảo chúng tôi ở đây coi rồi về ngay. Kiều thị vừa yếu đuối, vừa sợ hãi, làm sao mà cưỡng nổi hai gã đàn ông này. Nàng bị chúng lôi vào nhà trong. Kiều thị kêu lên: - Các người là ai mà lại vô lễ như thế. Chồng ta không phải là kẻ xoàng đâu, ông ấy là cống sĩ Hà Nam tới đây tham gia tuyển quan. Hãy mau mau đưa ta ra khỏi nơi này thì tất cả đều được bỏ qua. Nếu cứ chậm trễ thì ông ấy chẳng tha các ngươi đâu. - Xin cô đừng có nóng vội, - Triệu Thành nói, - hãy ở tạm đây vài hôm ta sẽ đưa đi. - Nói càn, - Kiều thị nói, - ta là vợ người lương thiện, sao lại ở nhà ngươi được? Triệu Thành nhếch mép cười, cúi sát vào mặt Kiều thị nói: - Em ơi, em người Hà Nam, anh người Lâm An, thật là duyên trời dun rủi, sao em lại nói thế? Kiều thị đùng đùng nổi giận, tát vào mặt hắn, chửi: - Mày là tên kẻ cướp chết đâm chết chém! Đất nước đang thanh bình mày lại lừa dối đàn bà lương thiện, mày đáng khép vào tội chết. Triệu Thành bị đánh, nổi khùng nói: - Mày là con giặc cái! Chẳng ai bênh mày. Tao không nói khoác đâu, dù mày là tiểu thư, là bà lớn, đã vào tay tao thì có mà chạy đằng trời. Song rất tiếc mày là vợ một tên kiết xác, ta bắt chết phải chết, để sống được sống, xem có đứa nào dám làm gì được tao không? Thấy thế Kiều thị nghĩ: "Mình đã rơi vào tay kẻ cướp, chồng lại không biết thì làm sao thoát được miệng hùm? Thôi thì cứ chết là xong". Rồi nói: - Hóa ra ngươi là tên giết người cướp của, thôi ngươi hãy giết ngay ta đi. - Nếu mày muốn chết, tao cũng không cho chết. Đồng bọn nói: - Ta nói thực với ngươi, đã đến đây không thoát được đâu, hãy ngoan ngoãn nghe theo thì hơn. Lúc ấy Kiều thị muốn đâm đầu xuống sông xuống ao cũng không sao được, muốn treo cổ tự vẫn thì cũng bị bọn chúng coi chặt. Quả là muốn sống không được sống, muốn chết không được chết. Chẳng biết làm sao, Kiều thị nấc lên khóc nức nở. Khóc rồi lại chửi, chửi rồi lại khóc, đập đầu, đấm ngực, dậm chân, đầu tóc rối bù, ngay chiếc giày thêu ba tấc ba cũng bật tung ra. Tại sao Triệu Thành bị đánh bị chửi như thế mà không hành hung. Chỉ vì hắn tham nàng kiều diễm, vốn rất muốn gian dâm, và cũng rất muốn bán nàng. Cho nên không dám giở trò hung ác mà chỉ ngấm ngầm toan tính. Hắn nói: - Này các chú em, cứ mặc nó. Chờ khi ta chơi thả sức, nhất định sẽ cho nó một trận no đòn. Một lát sau chúng mang cơm rượu đến, ăn uống trong tiếng khóc nghẹn ngào, nức nở của Kiều thị. ăn xong Triệu Thành đuổi bọn đàn em đi, gọi vợ là Hoa thị và các tì thiếp đến làm quen để đề phòng bất trắc. Triệu Thành có một vợ cả, hai vợ lẽ và bốn nàng hầu, tất cả bọn họ đều thay nhau tới khuyên nhủ Kiều thị. Chúng mang thau đồng đựng nước ấm cho Kiều thị rửa mặt. Kiều thị vẫn không nín. Hoa thị nói: - Sắt sợ cho vào lò, người sợ rơi vào đồn, nay thì cô chẳng mọc cánh mà bay đi được, thôi thì cứ theo ông nhà tôi thôi. - Theo sao được! Theo sao được. - Kiều thị gào lên. - Thôi thì ngủ với ông ấy mấy đêm, - vợ hắn nói, - nếu như hầu hạ ông vừa lòng thì ông sẽ nhận cô làm vợ bé, cũng gọi là theo. Hoặc cho người khác làm vợ bé hay bán cho lầu xanh làm gái đứng cửa đón khách thì đó cũng gọi là theo. Thôi tùy cô muốn theo đằng nào thì theo. Kiều thị nghe xong giậm chân gào lên khóc, đầu tóc sổ tung, chiếc trâm vàng rơi xuống đất, Kiều thị vội vàng cầm lấy. Chiếc trâm này vốn là sính lễ của Vương Tùng Sự, trên đó có đề bốn chữ "Vương Kiều trăm năm", cho nên nàng cực kỳ yêu quý. Đang lúc bị ô nhục, nàng không nỡ bỏ đi. Lúc ấy Triệu Thành lại uống thêm mấy chén rượu, lửa dục ngùn ngụt bốc lên. Kiều thị tuy sầu thảm, mắt đẫm lệ trông càng xinh đẹp, hắn không kìm nổi, xông tới ôm chặt Kiều thị hôn lên môi. Kiều thị phẫn nộ, tay đang cầm sẵn chiếc trâm, đâm ngay vào mặt trúng mắt phải Triệu Thành, sâu khoảng hơn một tấc. Đau quá Triệu Thành không chịu nổi, vội cầm chặt lấy cổ tay Kiều thị lôi ra, chiếc trâm theo tay ra ngoài, máu vọt ra, hắn ngã gục xuống đất ngất đi. Tiếc thay cơn hứng tình vừa mới trào lên bỗng chốc tiêu tan, vợ cả, hai vợ lẽ và bốn gái hầu vội vàng gói tàn hương vào khăn tay rịt vào mắt cho Triệu Thành, rồi xúm vào, kẻ lôi người đánh Kiều thị, náo loạn cả lên. Triệu Thành thiếp đi một lúc lâu mới ráng chịu đau đớn, nói: - Được được! Mày là đồ khốn nạn, không theo ta thì thôi lại còn đâm ta mù mắt. Mày không biết rằng mày làm mù mắt tao thì luật pháp của riêng tao cũng rất công bằng. Rồi hắn gọi con hầu dìu hắn vào trong nhà nghỉ, và cho gọi thầy thuốc đến chữa trị. Bảo thê thiếp thay nhau coi giữ, không cho Kiều thị tự vẫn. Thơ rằng: Chim ăn liền cánh ở bãi sông, Tên bắn từ xa thật hãi hùng. Giam hãm trong lồng sao thoát được, Mịt mù thảm thiết tiếng lẻ loi. Vương Tùng Sự áp tải đồ đạc đến nơi ở mới, quay trở lại thuê kiệu. Tới nơi ở cũ chỉ thấy cửa trong cửa ngoài mở toang hoác, không biết vợ đã đi đâu. Hỏi những người lân cận, họ đều nói không biết. Chỉ có Lưu Trại nói: - Tôi vừa thấy một chiếc kiệu tới đón cô ấy đi, họ không phải là người của ông thì là ai. Nghe nói thế Vương Tùng Sự chưa biết phải làm thế nào. Một là mình người nơi khác tới, không người quen biết; hai là một thân một mình biết tìm đâu bây giờ. Đi tìm hai ba ngày nên chẳng thấy, trong lòng uất hận không biết trút giận vào đâu. Vương Tùng Sự bèn đệ đơn kiện lên phủ Lâm An, ghi tên cả hai người ở sát vách vào đơn kiện. Hai nhà này, một người là Lưu Trại, một người họ Lam trạc sáu bảy, sáu tám, người Nam Tấm chuyên làm đậu phụ. Mọi người đều gọi ông là Lam Lão Nhi, hay Lam Đậu Phụ. Phủ doãn Lâm An cho gọi Lưu Trại và Lâm Đậu Phụ tới phủ đường thẩm vấn, chẳng tìm ra vết tích gì. Một mặt cho điều tra truy tìm, một mặt bắt Lưu Trại, Lam Đậu Phụ phải cam đoan. Triệu Thành ở nhà chữa mắt, biết Lưu Trại bị kiện, hắn ngấm ngầm sai đồng bọn đảm bảo cho Lưu Trại. Lại dựa vào Lưu Trại đảm bảo cho Lam Đậu Phụ. Vương Tùng Sự đi kiện lần này chỉ mong tìm ra sự thục, nào ngờ đã bỏ vào đấy ít tiền mà vẫn không tìm ra, chẳng biết dựa dẫm vào đâu, Tùng Sự đành trở về nơi ở mới, tạm sống trong quán trọ, chờ ngày thi tuyển và dò la tin tức vợ. Thật là: Khác nào đáy biển mò kim, Lênh đênh sóng vỗ biết tìm nơi đâu. Triệu Thành tuy bị mù một mắt song lòng dạ hắn vẫn như cũ. Hắn nghĩ rằng người đàn bà ấy là một người cứng rắn, chắc chẳng bao giờ theo mình, thôi thì hãy bán ngay cho chủ khác. Đúng lúc ấy có một vị tiến sĩ mới cũng họ Vương, tên là Tùng Cổ người huyện Ngô, phủ Bình Giang, mới được cất nhắc làm tri huyện Tây An, phủ Cù Châu. Vương Tùng Cổ trạc năm mươi tuổi, nhưng vẫn chưa có con, bởi thế ông muốn mua một người thiếp tại đế đô Lâm An. Chỉ cần người đàn bà ấy dung nhan kiều diễm, có đức hạnh thì dù người ấy có tái giá ông cũng mua với giá cao mà không so đo tính toán. Triệu Thành quen buôn tranh bán cướp, lại có một gã cò mồi cũng quen thói buôn bán này, nghe thấy tin đó bèn báo cho Triệu Thành biết. Triệu Thành định bán cho người này song vẫn còn do dự, sợ Kiều thị không nghe. Hắn bảo vợ hỏi dò Kiều thị, vợ hắn nói dối rằng: - Ngài tri huyện mới nhậm chức tại Tây An, vợ cả đã mất, tiếng là vợ lẽ nhưng thực ra là vợ cả. Cô không chịu theo ông nhà tôi thì cô lấy người ấy cũng vốn là bà lớn như xưa, há chẳng tốt lắm sao? Kiều thị nghe xong cứ suy đi tính lại mãi: "Chị ta nói cũng có phần đúng. Ta hiện ở đây dẫu có muốn chết cũng không chết được lại không được gặp mặt chồng, bao giờ vợ chồng mới được gặp nhau đây? Vợ chồng ta đang sống hạnh phúc bên nhau bỗng nhiên tên đạo tặc này làm cho đôi nơi cách trở, bị hắn làm nhục, mối thù này nếu không trả, thì dù có chết cũng không sao nhắm mắt được!". Rồi sau đó Kiều thị lại nghĩ: "Đã đến nước này đành nhẫn nhục sống qua ngày đoạn tháng, dựa vào thời cơ để tạo ra thời cơ. Lấy người ấy để thoát khỏi nơi này, rồi sẽ tìm cách trả thù. Nghe thấy Lâm An và Tây An cách nhau không xa, chồng mình thế nào rồi cũng được làm quan. Nếu chàng thương ta vô cớ lâm nạn, sau này sẽ có ngày biết được tông tích, lúc ấy mình sẽ nói rõ sự thực đã bị cướp và bán đi thế nào, hoặc nếu như những kẻ sĩ nghĩ tới những bạn bè đèn sách thì chưa biết chừng vợ chồng sẽ được gặp nhau, và cũng chưa biết đâu ta sẽ trả được mối thù này. Song nếu mình bị chôn chân ở đây cũng chẳng biết đây là đâu và cũng chẳng biết tên cướp này là họ Trương hay họ Lý. Ta hoàn toàn chẳng nắm được gì". Nghĩ hồi lâu nàng cảm thấy xấu hổ, không dám đáp lời, nước mắt giàn giụa rơi lã chã, nàng gục xuống bàn khóc nức nở.