Ngô Đan Dương Doãn Tôn Hử bị tay chân là Đới Viên, Cừu Lãm giết, bức vợ là Từ thị phải lấy hắn. Từ thị lấy cớ là đang có tang, hẹn bao giờ mãn tang sẽ lấy. Sau đó Từ thị ngầm tính kế với người tâm phúc của chồng. Đến ngày hẹn, quả nhiên thấy Từ thị ăn mặc rất đẹp, thản nhiên nói cười như không. Đới Viên nghĩ Từ thị là đàn bà, chắc không gây tai họa, liền sai người tới thăm dò. Thấy Từ thị ăn mặc rất đẹp cười nói tự nhiên lại càng không nghi ngờ, bèn ăn mặc rất sang trọng vào phủ cầu hôn. Tới nơi vừa mới chào hỏi thì Từ thị nói: - Các người đâu? Từ thị vừa nói dứt lời thì người hai bên xông tới, chặt đầu Đới Viên. Nhân lúc không để ý tới, họ cũng giết luôn Cừu Lãm. Từ thị thay lại tang phục, dâng hai chiếc đầu lên cúng chồng rằng mình đã trả được mối thù. Một con người vừa can đảm vừa khôn khéo, xứng đáng là đấng trượng phu trong nữ giới. Sau đó có Tạ Tiểu Kiều, một người từng báo thù cho cha và anh, có thể sánh ngang với Từ thị. Còn ở chỗ khác lại thấy có chuyện vợ báo thù cho chồng. Ngột Mộc Bộ vợ chết, đã giết chồng người, lấy vợ người ta làm vợ kế. Người ấy rút dao đâm Ngột Mộc. Ngột Mộc hỏi vì sao, người ấy bảo ta trả thù cho chồng. Ngột Mộc không giết người đàn bà ấy mà đuổi đi rồi lấy vợ khác. Người đàn bà ấy tuy không hầu hạ kẻ thù, song cũng không biết tự bảo vệ mình để báo thù. Lại có một Tổng binh ở Quảng Đông, giết người rồi cướp vợ làm thiếp. Nhân lúc hắn vào ngủ người đàn bà ấy cũng rút dao giết, Tổng binh sợ quá bỏ chạy. Đúng lúc ấy đứa ở đóng cửa, giữ người đàn bà lại, song không dám giết. Đến khi Tổng binh cho người tới bắt thì người đàn bà ấy đã tự vẫn. Đó là những người không quên chồng, không để thân mình bị ô nhục, song không trả thù được. Nếu như họ suy tính kỹ, biết rằng trước mắt không thể địch nổi thì sao không chờ sau này, chẳng chóng thì chầy mình cũng minh oan được cho chồng, chứ không nên liều mình cho hả nổi giận nhất thời. Nếu được thế thì người đàn bà này có thể sánh ngang với Từ phu nhân, Tạ Tiểu Kiều. Chồng oan, thề tất báo, Con cái nhờ ai nuôi? Nhẫn nhục gần mười năm, Đèn tàn đêm nuốt hận. Chỉ ghét bọn bất lương, Coi ta như gà mái. Có chí ắt trả thù, Phép vua không mất được. Chồng chết con vẫn còn, Con còn thù sẽ trả. Đẹp thay nữ anh hùng, Được muôn đời ca ngợi. Người đàn bà này họ Tiền, vốn là con gái của một vị thân hào. Chồng chị họ Thủy, là họ có tiếng ở Thanh Hà. Bố chồng hiếu liêm(1) từng làm quan châu huyện. Gia đình nhà chồng giàu có được ba người con trai, con trưởng là Bá Tấn, con thứ là Trọng Duy, chồng chị là con út tên là Phúc Miện. Thuở nhỏ ba anh em thường chơi với nhau, anh đôi khi bắt nạt em, và em cũng có khi hỗn láo, song chẳng bao giờ để bụng, cãi nhau xong rồi thôi chứ không hề hiềm khích nhau. Đến khi mười bốn mười lăm tuổi, có khi anh lên mặt dạy bảo em, còn em thì ghét anh, tỏ ra ta đây người lớn. Đôi khi tỏ ra ta là chủ thì anh cho rằng em khinh thường mình, điều ấy cũng chẳng ngại gì. Song đến khi lập gia đình thì lòng dạ họ thay đổi hẳn. Trong ba nàng dâu thì ai cũng tỏ ra kiêu căng về gia thế của mình, có người thì tự hào về nhân phẩm, có người thì lên mặt vì tiền của, có người thì tự mãn về tài năng, thêm vào đó mẹ chồng lại kẻ trọng ngươi khinh và bọn nô tì thường hay xúc xiểm, làm lộn bậy cả lên. (1) Hiếu liêm: cử nhân. Suối kia vốn cùng nguồn, Sau chia thành nhiều nhánh. Theo thế đất vòng vèo, Không bao giờ hợp lại. Trong ba anh em, thì Bá Tấn lấy vợ ngay từ khi cha chưa làm hiếu liêm, vợ là con một nhà nho nghèo, đó là một người rất tiết kiệm, biết yêu quý tiền bạc. Bá Tấn cùng cha đồng cam cộng khổ, và cũng không thoát khỏi cảnh vất vả trong nhà. Rất may cha thi đỗ, mới kiếm được chút chức sắc, song cũng chỉ được cái tiếng mà thôi chứ không chịu học hành, không chịu giao thiệp với ai, anh ta chỉ là thần giữ của. Trọng Duy vốn có chút tài vặt, được cha cưới vợ cho khi vừa mới đỗ đạt. Vợ Trọng Duy là con một nhà giàu, có nhiều của hồi môn, bởi thế Trọng Duy kết thân với những danh sĩ. Thúc Miện lại được cha cưới vợ sau khi ông đã làm quan. Cho nên bố vợ là một danh gia vọng tộc, Thúc Miện nhờ vào thế lực cha nên học hành thành đạt. Theo Bá Tấn nói, trong ba người thì hai em không biết nỗi gian nan vất vả, không biết được cái gian truân của công việc trong nhà. Trọng Duy thì chê cười anh cả là một gã keo kiệt, em út là đứa khinh bạc. Thúc Miện khinh bỉ anh cả là kẻ bẩn thỉu, bụng dạ xấu xa, anh hai là kẻ tham danh, bất tài. Ba anh em họ dần dần trở thành: Thế như nước với lửa, Dần dần thù địch nhau. Không ngờ từ sau khi họ có vợ thì mâu thuẫn ngày càng sâu sắc Vợ Bá Tấn là Cao thị, nói: - Ta là dâu cả. Vì không còn mẹ chồng nên phần lớn việc nhà đều do Cao thị cai quản, tất cả mọi việc đều đứng ra lo toan. Trong nhà, Cao thị là người có quyền hành nên bọn nô tì đua nhau nịnh nọt. Vợ của Trọng Duy là Vương thị, vì giàu có nên tung tiền ra như rác để áp đảo mọi người, bọn nô tì hùa theo xu phụ. Còn Tiền thị tuy là con dâu thứ ba, lại cậy mình là con nhà gia thế nên cũng không chịu lép, hơn nữa lại có chút tài, kẻ dưới không thể khinh thường bắt nạt, ngược lại họ sợ Tiền thị nên không dám gần. Ba người này quả là: Chân vạc như Ngô Sở, Can qua ắt nổ ra. Xưa nay trong anh em, chị em dâu khi xảy ra điều này tiếng nọ thì người chồng phải biết dàn hòa, không nghe theo vợ sẽ không xảy ra cãi cọ. Anh em trai có gì tức nhau thì vợ phải biết phân giải, ngăn ngừa thì không sinh ra hiềm khích. Song anh em họ mỗi người một khác, không ai chịu ai. Tuy đã ăn riêng song họ vẫn mưu chiếm ruộng đất tài sản chung để dùng riêng. Tuy cùng ở một nhà nhưng họ luôn xoi mói nhau, rình mò nhau từng li từng tí. Kẻ tiếng chì người tiếng bấc, gần như ngày nào cũng có chuyện. Hơn nữa Bá Tấn lại có một người anh vợ là Tiến Tử An, một người vô cùng keo kiệt, chuyên xúi bẩy làm những điều xấu xa. Bên cạnh Trọng Duy lại có hai người khách giỏi nịnh nọt, khéo đặt điều, đó là Hoàng Trung Bạch và Trúc Tiêu Nhiên. Bên cạnh Thúc Miện lại có những bạn luôn ngông cuồng phóng đãng, đó là Cung Lạc Quân và Trương Quốc Tộ. Họ chỉ biết phá tung ra chứ không muốn hàn gắn. Bá Tấn là người trọng tiền bạc khinh tình nghĩa, Tiền Tử An xúi bẩy rằng: - Hai người em thả sức kết bạn, chỉ riêng anh ta phải làm việc vất vả thôi thì cứ chia quách ra người nào phận nấy, mình tự lo lấy mình. Trọng Duy là một kẻ hiếu danh, Hoàng Trọng Bạch và Trúc Tiêu Nhiên lại nói: - Bá Tấn là một tên điền chủ, Thúc Miện là đứa trẻ ranh, thường chê bai anh trước mặt người ngoài. Cung Lạc Quân, Tương Quốc Tộ đều là những kẻ không đứng đắn, thường là sau khi uống rượu cứ oang oang ca ngợi Thúc Miện rằng: - Ông là người mưu lược, không nên như anh cả yên phận với đống tiền trước mắt, rằng Thúc Miện là một bậc chân tài, sẽ thăng tiến rất nhanh, không như người anh thứ hai toàn dựa vào đút lót cầu cạnh đánh lừa mấy vị quan trên. Những kẻ ăn người ở cũng hùa theo xúi bẩy. Đúng là: Ngả nghiêng vì đứa ở, Lung lay bởi bạn bè. Cây tử kinh ngoài ruộng, Khó trở lại tốt tươi Hiển nhiên tất cả đều dẫn đến chia rẽ, mà chia rẽ sẽ phải loại trừ nhau. Trong đó kẻ nào có mưu mô sẽ thắng, bè cánh đông sẽ thắng, kẻ nào đơn độc sẽ thua. Trọng Duy là một người đầy toan tính, biết anh cả là một người keo kiệt ngu đần, hàng ngày hắn thả ra một ít lợi lộc để làm thân với anh, thường xúi bẩy anh làm điều xấu, rồi đứng giữa châm chọc khích bác. Bá Tấn thấy Trọng Duy tôn kính mình, hơn nữa Trọng Duy học hành có tiếng tăm, nghĩ rằng thế nào Duy cũng đỗ và rất tin tưởng ở Trọng Duy. Vương thị vợ Duy thấy chồng xúi bẩy cũng tìm cách lôi kéo chị dâu cả, nay biếu cái này mai cho cái khác thả của ra để mua chuộc, dần dần thân thiết như chị em ruột và luôn nói xấu vợ chồng Thúc Miện. Kế giỏi sai khiến người Của nhiều lòng dễ dãi. Hàn, Ngụy vừa hợp tung Hàm Cốc cũng nguy ngập. Thúc Miện là một người phóng đãng, không tự kiềm chế được thường hay nói những thiếu sót của anh chị cả với Trọng Duy. Song không ngờ Trọng Duy lại đem chuyện ấy nói với anh cả. Thúc Miện cũng nói với anh cả những sai sót của anh chị hai, thì anh cả lại đem chuyện ấy nói với Trọng Duy. Bởi thế hai người càng thù hận Thúc Miện, càng cấu kết với nhau ngày một chặt chẽ. Song Thúc Miện hoàn toàn không biết gì. Tiền thị đã thấy rõ điều đó nói với chồng rằng: - Hai người rất thân thiết nhau, anh cứ thẳng như ruột ngựa, nói năng bừa bãi, e rằng họ sẽ oán trách anh, lần sau anh phải lưu tâm giữ mồm giữ miệng. - Tính ta xưa nay vốn thẳng thắn, - Thúc Miện nói, - anh em ruột với nhau có gì thì cứ nói, ta không thể như câm như điếc được. - Tuy là thế, - Tiền thị nói, - song cũng phải giữ gìn mới được. Song Thúc Miện nào có chịu nghe lời. Một hôm Thúc Miện uống rượu ở một nhà nào đó trở về, thấy hai ni cô ở nhà anh hai đi ra. Thúc Miện máu sôi lên, nói: - Những ni cô này quen thói dụ dỗ đàn bà, cho hòa thượng vụng trộm! Anh Hai suốt ngày ở trường, các ngươi đến làm gì? Thế là Thúc Miện làm ầm lên, đánh ni cô, rồi đánh cả người coi nhà của anh hai. Vương thị biết được rất căm tức. Vợ Bá Tấn cố ý dựng đứng lên rằng: - Thúc Miện bảo ni cô và Vương thị gian dâm với hòa thượng, cho nên đánh ni cô. Chuyện ấy làm cho Trọng Duy tức giận. Thúc Miện về nhà, Tiền thị trách móc, nói: - Người nào phận nấy, việc gì đến anh? Cho dù ni cô có lai vãng tới thì anh nói việc ấy với anh Hai, lần sau không cho họ đến là được rồi, cớ sao lại làm chị ấy mất thể diện như thế? Thúc Miện vốn là người cương trực, thẳng thắn, lại nghiện rượu bèn nói: - Ngay đến cô cũng muốn gian dâm với hòa thượng ư? Thấy chồng say, Tiền thị cũng không dám khuyên giải nữa. Nhũng kẻ nghiện rượu, Thường sống bê tha. Nói năng bừa bãi, Làm hại chính mình. Một hôm Cao thị đánh đứa ở đến ba bốn mươi roi mà vẫn chưa thôi. Thúc Miện đang say vội chạy sang. Thấy Cao thị ngồi ở trên, còn anh cả đang đánh đứa ở. Thúc Miện hỏi mới biết nó lỡ tay đánh vỡ một chiếc bát. Đang còn hơi men, Thúc Miện nói: - Tôi tưởng việc gì, hóa ra cái việc cỏn con ấy mà đánh nó ghê gớm như thế. Lỡ ra nó chết thì hàng ngàn hàng vạn chiếc bát cũng chẳng còn nữa đâu. Chị cả thì ngồi như thế mà anh thì đánh người, thật là đẹp mặt! Thúc Miện cứ nói đi nói lại tới mấy lần rồi bỏ đi. Lúc ấy Bá Tấn xấu hổ, mặt đỏ bừng thôi không đánh nữa. Cao thị điên tiết nói với chồng: - Chú út coi giữ chúng ta như thế thì kẻ ăn người ở ta sai bảo sao được. Bên này Tiền thị cứ rày la chồng mua thù chuốc oán, nhưng Thúc Miện nào có lọt tai. Bên kia thì chị cả từ lâu đã căm ghét Thúc Miện đến tận xương tủy. Còn Thúc Miện cứ rượu vào lời ra, không giữ được mình, nên không những các anh muốn đánh, mà ngay cả bọn gia nhân của họ cũng ghét Thúc Miện. Đến như trước đây cha yêu quý Thúc Miện là thế, bây giờ thấy Thúc Miện nát rượu, lại thêm hai người anh nói xấu, nên cha cũng ghét Thúc Miện. Nhiều lần khuyên bảo con, song đã thành cố tật thì làm sao mà sửa được. Giá ở ngay nhà thì Tiền thị còn ngăn cản được, nhưng ra ngoài quần tam tụ ngũ, say mèm, hò hát nói năng bừa bãi thì cấm làm sao. Khi say bảo chị cả dung túng cho bọn ni cô ra vào, rồi bảo anh chị đánh bọn con hầu gần chết, hai anh sợ vợ, khi say Thúc Miện đem chuyện đó ra giễu cợt. Tất cả những chuyện ấy đều có thật. Bởi thế hai người anh tức giận, nói: - Dứt khoát ta không để nó thế được, sau này nó sẽ dựa vào chuyện phòng the, việc nhân mạng để o ép ngăn cản mình. Thôi thì đánh nó chết đi là yên chuyện, rồi bảo đó là do cha, bắt cha phải nhận, chả nhẽ vì chết một đứa con mà cha chịu để hai đứa con kia phải đền mạng? Nhất định buộc cha phải nhận. Mà cha đã nhận rồi thì ai làm gì được mình. Thế rồi chúng quyết ra tay. Hả dạ trừ mối hận, Kể gì đến người thân. Hôm sau khi ăn cơm xong, thấy Thúc Miện từ ngoài quán rượu trở về, họ không cho về nhà, nói: - Cha bảo em ra vườn sau nói chuyện. Thúc Miện ra vườn sau, thấy hai anh đang ngồi ở đó, cũng không đứng dậy. Thúc Miện nói: - Cha đâu? Có chuyện gì thế? Bá Tấn nói: - Cha bảo ngươi ra ngoài vu cáo chị cả gian dâm với hòa thượng, đánh chết người, làm bại hoại gia phong. - Làm gì có chuyện đó, - Thúc Miện nói, - hãy mời cha đến cho rõ trắng đen. Hai người anh nào có chịu nghe, cùng lúc ra tay, dùng búa, gậy đánh tới tấp. Thúc Miện chết ngay tức khắc. Tình máu mủ không còn, Nói bừa nên chuốc họa. Nói năng nên thận trọng, Không nói, chẳng ai thù. Sau đó chúng mời cha đến và cho người tới nói với Tiền thị rằng: - Chồng Tiền thị trúng độc, chết ngoài vườn sau, đến mà khâm liệm. Cha tới, chúng nói: - Thúc Miện vu cho chị cả gian dâm, giết chết người, không thể tha thứ được, chúng tôi đã đánh chết rồi. Nếu cha che chở cho một đứa đã chết thì ba đứa cùng chết. Chúng tôi đã cho người đi gọi vợ nó, nếu vợ nó nói ra những điều không tốt thì hôm nay chúng tôi cũng kết liễu luôn đời nó. - Anh em cùng một mẹ đẻ ra, - người cha nói, - sao các người độc ác thế! Nói xong nước mắt ông giàn giụa. Sau đó thấy Tiền thị tay ôm con nhỏ, dắt theo hai đứa lớn, một đứa lên năm, một đứa lên ba đi tới, hai người bác nói: - Chồng ngươi ngỗ ngược, cha đã đánh chết rồi, ngươi hãy thu xếp chôn cất chồng. Cha đánh chết đứa con ngỗ ngược cũng chẳng sao.