Ngự sử ngớ người ra nghĩ: “Xem ra công tử Kim đến nhờ vả mình là công tử giả". Ông lập tức ra lệnh sai nha bắt ngay cử nhân giả ấy. Sai nha cầm lệnh tức tốc đi ngay. Tới nơi thì quả nhiên cử nhân Kim cũng ở chùa Thừa Ân, sai nha vào chùa hỏi: - Cử nhân họ Kim người Chiết Giang trú ở phòng nào? Người ấy nghe nhầm, nói: - Cử nhân Đinh ở phòng thứ mười. Sai nha như hùm sói xông vào. Đúng lúc Đinh Hiệp Công ăn mặc chỉnh tề đi dự tiệc. Sai nha quát: - Thằng này giả cử nhân để lừa người. Đinh Hiệp Công ngẩng đầu lên nhìn, thì thấy năm bảy sai nha. Nghe họ nói là cử nhân giả, có tật giật mình, như sét đánh ngang tai, bụng định nói nhưng miệng cứng lại, tim đập thình thình. Mặt tái xanh tái nhợt, hai hàm răng run lập cập. Thấy thế sai nha càng hung hăng, lấy ngay một chiếc thừng . tròng ngay vào cổ. Nhũng người nhà đi theo cho rằng nhà họ Từ ở Nam Kinh kiện nên quan sai người tới bắt. Họ trốn chạy tán loạn. Nhũng sai nha này ghi lại những hành lý mang theo, giao cho hòa thượng, chờ quan phân giải, khóa tay Đinh Hiệp Công giải về nha môn. Đúng là: Xưa nay giả dối đều tủi nhục, Ngông cuồng vẫn là họa phong lưu. Vàng ròng ngọc quý là vô giá, Cú vọ làm sao sánh phượng hoàng. Đinh Hiệp Công bị nhục, vì hắn sống ngông cuồng. Cho nên, những người quân tử có học vấn chân chính hoàn toàn không sống như thế. Những sai nha này định giải Đinh Hiệp Công qua đường, có ai đó hỏi, họ đều bảo đây là cử nhân giả, chứ họ cũng chẳng nói là họ Kim hay họ Đinh. Đinh Hiệp Công cứ đinh ninh đổ cho Từ Bằng Tử và cũng chẳng còn lòng dạ nào nghĩ tới giả hay thật. Giải tới nha môn, thì đúng vào lúc ngự sử đi dự tiệc, đành phải tống vào nhà tạm giam, ở đó chỉ có một manh chiếu cói, cũng chẳng có người nhà nào đi theo, chẳng ai đưa cơm cho nước, hắn đói hoa cả mắt, đành cởi chiếc áo ngoài đưa cho người đấu bếp cầm lấy mấy đồng mua cơm lót lòng. Cả đời hắn vênh vang ra vẻ ta đây, đã bao giờ chịu khổ thế này đâu. Rất may là hắn mang theo một người quản gia già tên là Lai Đắc, là người hầu hạ cha Đinh Hiệp Công. Người này thường đi theo ông tới nhiệm sở nên cũng có hiểu biết đôi chút. Lai Đắc nghĩ: "Việc này nếu do Từ Bằng Tử gây ra thì vị ngự sử họ Mạc làm quan giám trường của bản tỉnh không thể giữ được. Nếu Từ Bằng Tử tới tận Nam Kinh kiện thì vụ kiện này sẽ liên lụy tới nhiều người, ngài hình sảnh họ Mạc cũng không thể gỡ được. Nhưng tại sao ta đi lại đây nhiều mà không gặp một người quen nào? Việc này thật đáng ngờ, nhà không có ai vi phạm thì sợ gì. Hơn nữa gia chủ đã bắt đi rồi mình là kẻ hầu ngươi hạ thì trốn không nên. Thế rồi Lai Đắc đánh liều đi nghe ngóng xem sao. Ông ta đến cửa nha môn hỏi: - Hôm kia ngài bắt Đinh cử nhân về việc gì thế? Người ấy đáp: - Người bị bắt là cử nhân giả, họ Kim chứ không phải họ Đinh. Hắn giả làm công tử của ngài chủ khảo họ Kim, tới đây vay mượn. Ông là ai hỏi làm gì? - Tôi cũng là người ở địa phương này. - Lai Đắc nói. - Nghe thấy ông lớn bắt hắn, hắn cũng đã lừa tôi, tôi đến hỏi cho rõ, ngày mai đến ông lớn cáo giác để đòi lại. - Té ra là như thế. - Người ấy nói. - Cử nhân giả này vẫn chưa xử, trong nội ngày nay phải gặp, nếu ông muốn tố cáo thì ngày mai đến hầu là được. Đúng là: Người ta chẳng biết ai khôn dại, Chỉ cần nghe ngóng, nắm thời cơ. Lai Đắc biết rõ sự thực, quay về, nghĩ: "Ta đoán không sai, may mà chưa gặp quan, nếu không thì bị nhục. Bây giờ ta chưa cần gặp ông ấy vội, mà phải tới ngay ngài Thị lang hộ Lại để bẩm với ngài việc này. Xin ngài lá thư đưa ông chủ ra khỏi nhà tạm giam, thì càng có thể diện". Thế là Lai Đắc tới. gặp quan Thị lang. Ông kinh ngạc, lập tức viết thư sai người đưa cho quan ngự sử. Nhận được thư, quan ngự sử thấy khó nghĩ, gọi ngay những sai nha đi bắt tới, đánh cho mỗi người bốn mươi gậy, quát: - Đồ cơm toi, cử nhân không bắt đi bắt cử nhân thật. Không sao thì thôi, nếu xảy ra rắc rối, thì tội sẽ đổ lên đầu chúng bay. Hãy mau mau thả ông ấy ra. Ngự sử nghĩ: "Vị cử nhân mới này là con nhà gia thế, lại có chỗ dựa vững chắc là ngài Thị lang bộ Lại, nếu được thả ra, ông ta quyết chẳng chịu đâu. Việc không những sẽ làm cho ta mất thể diện, mà có khi lại làm trở ngại đến việc thăng quan tiến chức của ta chứ chẳng chơi. Ta phải nghĩ cách, trước hết hãy chặng đứng chuyện này". Một lát sau, ông "à" lên một tiếng phải rồi". Lập tức ông sai thư phòng viết mấy tờ cáo thị, nhanh chóng đưa tới các chùa, nói rằng, nếu như cho khách ở kiếm lời thì cả tăng ni đều phải cùm ba trăm cân trong ba tháng. Sau đó lại viết một bức thư gửi cho Thị lang bộ Lại biết việc này. Thị lang bộ lại thấy ông đã làm đến mức ấy, lại giữ thái độ kính trọng ông. Biết rằng việc đó là do ông ta, song nếu xảy ra rắc rối giữa hai nha môn thì thật là đáng sợ. Sau đó ông cho viết một tờ thông cáo cấm chỉ du khách, dán ngay trước cổng. Đúng là: Không muốn mở cửa, Mong thoát búa rìu. Tuần hoàn báo ứng, Nhân quả, không sai. Những sai nha này cùng đến mở cửa nhà tạm giam, làm ra vẻ khó dễ, cố ý trêu chọc, rồi thả Đinh Hiệp Công ra. Tuy được thả ra, song Đinh Hiệp Công cũng không biết nổi oan ức này do đâu, hắn cúi đầu buồn bã lủi thủi đi về chỗ ở. Trên đường đi gặp ngay Lai Đắc. Lai Đắc hỏi: - Tướng công, ông được ra rồi à? - Ông đi đâu về? - Đinh Hiệp Công hỏi. Lai Đắc kể hết đầu đuôi việc bắt lầm người, mình dò la ra việc ấy rồi đến nói cho ngài Thị lang bộ Lại biết, được ngài viết thư cho quan Ngự sử mới xong việc. Đinh Hiệp Công nói: - Việc này làm ta rất tức giận, về tới chỗ ở thu xếp xong xuôi sẽ bàn bạc tìm cách, tới ngài Thị lang bộ Lại lần nữa để ngài trị cho quan Ngự sử một trận. Hai người về tới chùa Thừa Ân, hòa thượng đã khuân đồ đạc hành lý của họ ra ngoài rồi đóng cửa lại và cũng không biết họ đi đâu. Ngoài cửa chùa dán một tờ cáo thị đuổi khách. Biết không thể đừng lại đây được nữa, họ cho một người giữ hành lý rồi cùng Lai Đắc tới dinh quan Thị lang bộ Lại, tới nơi thì thấy trước cửa cũng dán một tờ thông cáo đuổi khách. Họ nói với người canh cửa, người canh cửa không dám vào bẩm. Lai Đắc bước tới gõ cửa, Đinh Hiệp Công nói: - Làm thế thật là bất nhã, không nên làm ông giật mình. Một cử nhân mới tinh chịu nhục, thì nhất định là con đường thăng tiến sẽ có chút long đong. Thật là điềm thẳng lành, cũng chẳng còn mặt mũi nào nghênh ngang tại Nam kinh nữa, hãy mau mau trở về thu xếp hành lý lên đường, thi hội xong sẽ tính chuyện. Lai Đắc nói: - Ông nói thế là phải. Đúng là: Tự quét tuyết trước cửa Đừng cố di dò dầy Sau này chớ sai sót Đã đi đừng vấn vương. Ngay hôm ấy họ thu xếp hành lý, qua sông Dương Tử tới Phố Khẩu, đáp xe ngựa đi Bắc kinh. Chỉ có Đinh Hiệp Công là chẳng vui vẻ gì, hắn nghĩ: "Ta cho rằng Từ Bằng Tử trả thù, nếu quả đúng như vậy thì bị nhục như thế cũng không phải là quá đáng. Nhưng không biết vì sao lại bị vu cáo? Qua việc này xem ra thì nhất định ta không thể không đỗ tiến sĩ. Lần vào kinh này, dù có lên trời hay xuống biển ta cũng phải đỗ tiến sĩ để khỏi bị kẻ khác đè nén, rồi sau đó trả thù cũng không muộn". Từ đó, trên đường đi hắn chỉ nghĩ mưu kế để đỗ tiến sĩ chẳng mấy chốc đã tới Bắc Kinh. Tìm được chỗ ở, hắn đi suốt ngày, la cà hết nơi này tới nơi khác, gặp gỡ khách khứa, vui chơi yến ẩm, chẳng lúc nào nhòm ngó đến sách vở. Ngờ đâu hắn là người giảo hoạt khôn khéo, luồn lọt mọi ngóc ngách, hơn nữa về trường ốc hắn lại thông thuộc, không bị người ta lừa dối. Rồi tự nhiên hắn lọt qua tam trường, không ngờ đến ngày yết bảng hắn lại đỗ tiến sĩ vào loại cuối bảng. Tin đỗ báo về nơi hắn trọ, như thế là hắn đã toại nguyện lắm rồi. Hắn bèn viết thư về nhà báo tin. Nhà hắn ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Tới khi thi Đình hắn lại đỗ tam giáp, thuộc hàng tri huyện. Tại Bắc Kinh, ngày nào hắn cũng ngựa xe võng lọng, mặt mày hớn hở tới Quan chính nha môn(1) và ở ngay Bắc Kinh chờ tuyển dụng. Đúng là: (1) Quan chính nha môn: cơ quan xem xét chính tích những người đỗ. (ND) Một phút lên tận mây xanh, Mấy ai vui tới bạc đầu. Lại nói Từ Bằng Tử bị quan tri phủ họ Mạc khống chế, không sao mở miệng, con đường công danh cũng bị chặn đứng nằm trong nhà lao chịu hình phạt buộc anh phải đền mạng Xuân Anh. Dưới trướng người khác buộc anh phải cúi đầu. Vương thị phải cầm áo, bán vòng, ngày ngày lo cơm nước cho chồng. Tri phủ họ Mạc tác oai tác quái, ai dám đến nơi khác kêu oan, anh đành chịu chờ chết. Bị giam trong ngục ròng rã ba năm trời, đến khi tri phủ họ Mạc được thăng quan, đi nhậm chức ở nơi khác, Từ Bằng Tử mới gửi thư cho vợ, bảo vợ bán nhà nhờ một người có danh vọng lớn cứu mình. Vương thị vội vàng viết tờ thông báo bán nhà, rồi dán ngay trước cửa. Rất may ở đó có một ông quan đã nghỉ hưu, vừa thôi giữ chức tuần phủ Bắc Trực. Người mới về nhậm chức tri phủ lại là học trò của ông. Vương thị nhờ người nói với ông. Ông bảo: - Đã có nhà thì đừng bán cho người khác, hiện ta cũng muốn mua nhà để cho các công tử có nơi xem sách. Tôi sẽ bảo môi giới tính toán tiền, rồi chị đưa số tiền ấy cho tôi để tôi đi nói giúp, tôi đảm bảo chắc chắn anh ấy sẽ được tha. Vương thị vô cùng mừng rỡ, dọn ra ở gian nhà còn để không phía sau. Rồi đưa tờ văn tự cho viên quan ấy. Thế rồi ông lập tức gửi thư cho quan tri phủ. Xem thư xong, quan tri phủ thấy vụ án này không có căn cứ, nghe theo lời thầy, tri phủ liền thả Từ Bằng Tử ra khỏi nhà giam. Đúng là: Trong Ni làm lữ khách, Văn Vương phải trốn đời. Số phận đã qua rồi, Uống thuốc bèn khỏi bệnh. Từ Bằng Tử ra khỏi nhà giam, hai vợ chồng ôm nhau òa lên khóc. Từ Bằng Tử nói: - Không biết đứa ở trốn đâu để ta phải khổ mất năm trời. Kiếp trước mình với lão Mạc có thù oán gì không mà lão đã nói với cha mẹ Xuân Anh bắt ta phải đền mạng. Nếu lão không thăng quan, thì lão bắt ta chết rũ trong nhà tù. - Đời bây giờ kể gì đến đạo lý. - Vương thị nói. - Thôi thì anh dẹp bỏ cái tính tự tôn của anh đi để mà sống thôi. Từ Bằng Tử bị chặn đứng con đường tiến thân mà cũng chẳng muốn sinh sự, song anh không sao dứt bỏ được bản lĩnh của mình. Anh đành bàn với vợ mở một lớp dạy trẻ kiếm sống. Thế rồi ông nói với ông già hàng xóm, ông nói: - Lệ mới ngày nay khác rồi, muốn tìm được học trò thì trước hết hãy chuẩn bị một ít giấy mời, đi mời nhũng ông bố đến bàn thì mới được. Tôi sẽ đi mời giúp, nhưng anh chị cũng chuẩn bị ít tiền để đãi khách. - Ông nói phải đấy. - Từ Bằng Tử nói. Thế rồi anh bàn với vợ bán chiếc áo khoác vợ đang mặc, được hai đồng mua một ít rượu và thức nhắm, rồi nhờ ông già hàng xóm đi mời giúp. Quả nhiên, vừa mời đã có mười bảy mười tám ông bố đến. Người thì bán rau, áo cũn cỡn, đòn gánh tre đè nát hai vai; người thì làm ruộng, chân dính đầy bùn, người làm nghề bói toán, ngồi vuốt râu mồm thở ra thối hoắc, người thì làm nghề thầy thuốc, chẳng biết phân biệt thương truật, sinh trần (hai vị thuốc bắc), người thì làm nghề mối lái thì nói chuyện dông dài nhà nọ nhà kia, người đốt than thì mặt mũi chân tay nhem nhuốc, người làm bếp khắp người sực nức mùi hành, người làm lính lệ thì ngồi tót lên ghế cao, người làm lý trưởng thì khăn áo chỉnh tề. Mấy vị ấy uống rượu xong bằng lòng cho mở lớp, tất cả có mười bảy mười tám học trò, lương thầy chỉ được mười hai lạng, họ sẽ thay nhau nuôi cơm. Anh chọn ngày tốt mở lớp. Hôm khai trương, lớn bé có mười một mười hai đứa. Anh lại nhờ ông già hàng xóm đi mời những học sinh vắng mặt. Khi trở về ông nói, những nhà này cơm chẳng có mà ăn lấy đâu ra tiền trả thầy. Người thì bảo là con ốm, kẻ lại bảo là con còn nhỏ, đường xa không đến được. Tính ra lương chỉ độ bảy tám lạng. Không còn cách nào khác, Từ Bằng Tử đành phải dạy. Trong lớp, chỗ này dạy "Thiên tha huyền hoàng", chỗ kia hỏi "Triệu Tiền Tôn Lý". Đứa lớn thì mang theo gói đất màu đỏ đứa bé tập viết thì khóc vì không có giấy mực. Thay nhau nuôi thầy thì cơm trên là của cải, dưới là tỏi hành, hễ nhấc roi lên là chúng kêu cha kêu mẹ. Suốt ngày anh rát cổ bỏng họng vì lũ học trò. Từ Bằng Tử dạy được hai tháng, bảo họ chi tiền lương cho vợ thầy mua gạo, thì mọi người đều khất đến mùa. Khi họ gặt về lại cho người đi đòi, thì có người mang bột mì, có người mang dưa hoặc rau đến rồi trừ vào tiền lương của thầy, đi mòn cả ngõ mà cũng chỉ thu được ít tiền rách nát. Bước sang tháng sáu học sinh bỏ học quá nửa, họ nói là trời làm đại hạn, nhà không có ăn lấy tiền đâu mà thuê thầy. Từ Bằng Tử dạy bốn năm đứa trẻ lớn nhỏ, chân tay đầy bùn đất thì sao mà sống nổi, anh đành dứt khoát thôi không dạy nữa. Từ đó cuộc sống Từ Bằng Tử càng ngày càng khốn đốn. Cơm lạnh canh suông bữa có bữa không. Khăn rách giày thủng, nữa kín nữa hở Mặt bủng da chì, Chân tay ghét gúa. Gặp người chẳng nói chẳng rằng. Nhìn bóng, thở dài than ngắn. Ai bảo là tú tài bụng chữ hàng bồ Ai bảo đã từng phong lưu công tử Từ Bằng Tử như người mất hồn, chẳng ai thèm để ý tới. Một hôm anh lủi thủi đi trên đường, bỗng có một người hỏi: - Từ tiên sinh đi đâu thế? Từ Bằng Tử ngước nhìn thì đó là Thúc Tự, người Vệ Lý trước đây cũng có con đến học anh. Bằng nói: - Chẳng có việc gì đi quanh quẩn cho đỡ buồn. - Sau khi thôi không dạy học, anh đã tìm việc gì làm chưa? - Chưa. - Có một lớp học xa, không biết anh có chịu không? - Thế thì tốt quá kể chi xa hay gần. - Nếu chịu đi xa thì tôi sẽ nói giúp. Chỉ huy Vệ Lý áp tải lương vào Kinh. Muốn tìm một người giúp việc. Song nha môn này không có việc gì ghê gớm lắm, cũng không cần người học vấn uyên thâm, chỉ cần người đọc thông viết thạo để ghi sổ sách. Mỗi năm trả lương ba mươi lạng, tạm ứng trước một nửa, số còn lại tới nơi sẽ trả nốt. Nếu anh chịu đi thì tôi đảm bảo với anh chắc chắn là được. - Thế thì tốt quá. - Từ Bằng Tử nói. - Phiền anh giúp cho tôi xin hậu tạ. - Tôi tới đó nói rồi sẽ báo lại cho anh. - Người ấy nói. Vệ quan vốn đã biết tiếng Từ Bằng Tử, nay có người đến nói ông rất vui mừng, lập tức sai người đi mời Từ Bằng Tử để thương lượng. Ông đưa trước cho Từ Bằng Tử nửa số tiền lương mang về. Hôm sau lại mời anh tới uống rượu hẹn ngày lên thuyền. Từ Bằng Tử vui mừng khôn xiết, số bạc ấy anh đưa cho Thúc Tự ba lạng để tạ ơn, và mua hai bộ quần áo vải, còn bao nhiêu đưa hết cho vợ ở nhà chi dùng. Từ Bằng Tử lên thuyền cùng họ reo hò nhổ neo. Đúng là: Nhà nghèo chưa sạch nợ, Được nhà giàu đãi cơm. Từ Bằng Tử lên thuyền lương, được ăn uống no đủ. Trên thuyền vô sự, anh thầm nghĩ: "Quan áp tải lương có việc thì đi hết việc thì về, ta cùng ông tới Bắc Kinh, khi trở về có thể ông không dùng mình nữa. Đến đấy nếu có cơ hội mình nhờ một người nào đó tiến cử làm người giúp việc cho một viên quan to nào đó thì tốt biết mấy. Chưa biết chừng người quen ở Chiết Giang nhiều, mình ra sức giúp việc cho họ, có thể sống được thế thì còn lo nghĩ gì nữa". Càng nghĩ anh càng thấy phấn chấn. Chưa đầy một tháng thì thuyền đến Lâm Thanh. Đây là một bến cảng lớn, không thể không thắp hương cúng phúc thần. Viên quan vận lương ấy thưởng một bữa rượu, mọi người vui vẻ ăn uống thỏa thích. Vì quá chén say mèm, quên không tắt đèn, lửa bén vào mui thuyền mà không ai hay hết, đến khi lửa bốc to nổ lốp đốp lan ra khắp thuyền, lúc ấy mọi người mới chợt tỉnh, kêu gào kinh thiên động địa. Từ Bằng Tử tỉnh dậy thì lửa cháy đến tận chỗ nằm, anh vùng dậy, quáng quàng vơ vội quần áo nhảy phốc lên bờ rồi mặc vào. Gió to lửa cháy càng dữ dội: Không phải trận ác chiến Xích Bích, Thì cũng là rồng lửa bao vây. Dòng sông lửa bốc cao đỏ rực, Chẳng khác nào ma quỷ tung hoành. Trên bờ, Từ Bằng Tử chỉ biết đấm ngực dậm chân. Thuyền lương chở nặng, trong lúc khẩn cấp thẳng biết làm sao mà đẩy đi được chỉ cứu được người lên bờ là may, ai còn nghĩ tới vớt lương thực nữa. Hôm sau quan đảm trách vận chuyển lương thực làm một tờ trình, quan địa phương bắt giữ, chờ chiếu chỉ nhà vua. Lúc ấy ngay đến quan cũng chẳng lo nổi mình thì làm sao mà quan tâm đến Từ Bằng Tử được. Không có một xu dính túi Từ Bằng Tử sống sao đây. Lang thang khắp nơi, đến lúc tới miếu Đông Nhạc thì anh thấy người nhờ viết sớ rất đông, anh nghĩ: "Việc này ta cũng làm được". Bèn tới nói với đạo sĩ: - Tôi là người nơi xa tới, chẳng may gặp nạn không chỗ nương thân, muốn nhờ thầy cho thuê một cái bàn viết sớ, kiếm ít tiền sống qua ngày, mong thầy rộng lòng thương! - Sao không được. - Đạo sĩ nói. - Chỉ cần anh viết rõ ràng sạch sẽ, một ngày cũng kiếm được một trăm đồng. Từ Bằng Tử bèn mượn một chiếc bàn, vừa đặt bút nghiên đã có người mang sớ đến nhờ viết. Hôm ấy anh kiếm được chín mươi đồng. Đúng là: Chẳng như khất thực cam chui háng, Lại giống thổi tiêu lẩn đám đông.