“Nam kha tử": Lấy nhầm đừng oán hận, lòng trinh gửi đỗ quyên. Nếu như nói việc kín với người khác thì sẽ làm cho bạn lãng tử trộm phấn son ngấm ngầm sinh lòng gian tà. Vì sao lại đi theo người. muốn ngủ với người ta ư? Cho dù tìm được nhân duyên cũ, thì mình đã bị ô nhục quá nhiều, khó mà rửa sạch được. Con gái đã hứa gả cho người ta, trong đó thường có những biến cố, không thể lấy nhau được, thì lấy một người khác thích hợp. Nếu không chịu lấy người khác thì thủ tiết cho đến khi chết ấy là cao thượng nhất. Chẳng hạn như thời Vạn Lịch có một cô gái mà người ta đồn ầm cả lên, vì họ lấy nhau vội vội vàng vàng nên không biết nhầm bao nhiêu lần. Lúc ấy ở huyện Thanh Điền có một người đi xa vừa mới về nghe thấy câu chuyện ấy gả ngay con gái mình cho một người nông phu. Giữa đường không có gì, người ấy đã dùng một dải áo làm sính lễ. Khi về tới nhà, lại có một nhà giàu tới hỏi, mẹ cô lại gả cô cho người ấy. Đến tối họ mang kiệu đến đón dâu, vì cha đã hứa gả trước, nên không theo lời mẹ, cô mang theo con dao, rồi tự đâm cổ ngay kiệu đón dâu. Quan huyện thấy thế khen cô là một liệt nữ, lập đền thờ, rồi lệnh cho chồng phải làm ông từ đèn nhang hương khói tại ngôi đền này. Quả là trong hàng ngàn người, mới có một người như thế, chỉ tiếc rằng ta quên mất họ tên. Trường hợp thứ hai là bất đắc dĩ phải lấy, nhưng rốt cuộc vì nhớ người chồng cũ mà chết. Đó là cô gái nước Lương. Cô này đã hứa hôn với một người, song người này đi xa quê, suốt một năm trời ròng rã mà vẫn không về. Cha mẹ ép cô phải lấy một người khác, tuy cô đã lấy người ấy, nhưng suốt ngày cứ nhớ người chồng cũ, rồi u uất mà chết. Ở nơi xa, người chồng nghe tin cô ấy vì thương nhớ mình mà chết, bèn tới mộ cô, đào quan tài lên, cô gái ấy tự nhiên sống lại. Người chồng sau thấy thế làm đơn đưa lên quan kiện anh kia. Quan nói: - Đây là chuyện hết sức khác thường, không thể dựa vào lý bình thường mà xét xử. Ông xử cho cô ấy thuộc về người chồng cũ. Còn như chuyện về một cô gái, không đến nỗi chết ngay mà vẫn còn để tâm đến việc già trẻ giàu nghèo. Tuy không quên lời cha mẹ, nhưng lại thất thân với người khác. Tức là cô có lưu luyến người đã hỏi trước, đó cũng chỉ là điều bình thường thôi. Thời ấy ở phía tây thành Lật Dương có một người tên là Thang Khôn Nguyên, hiệu là Tiểu Xuân, chừng hai mươi tuổi, khôi ngô tuấn tú, chẳng có chút nào tỏ ra quê mùa. Phía tây thành có một nhà giàu tên là Phùng Huyền, không có con trai, chỉ sinh một người con gái, gọi là Thục Nương cũng gần hai mươi tuổi. Lão Phùng thấy Thang Tiểu Xuân người sáng sủa, sau này chắc cũng không đến nỗi nào, thế là ông kén anh làm rể, rồi nhờ người mối đến nói với nhà họ Thang nhận Tiểu Xuân làm rể. Vì nhà nghèo không môn đăng hộ đối nên cha mẹ Tiểu Xuân không dám nhận lời. Người mối đi lại tới mấy lần, lão Phùng mới bằng lòng. Song tuy bằng lòng đấy cũng chỉ nói mồm thôi chứ không bắt tay vào lo việc cưới xin. Một năm sau, nhà họ Phùng cho người mối đến giục cưới, nhà họ Thang nói: - Tôi rất cám ơn tấm lòng tốt của ông Phùng, nhưng nay hoàn cảnh vẫn còn eo hẹp, chưa lo được sính lễ, lẽ nào lại tay không đến xin cưới thì còn ra cái gì nữa. Ngươi mối nói: - Thôi thì ông cứ đến nói trước đi, miễn là ông bằng lòng cho Thang Tiểu Xuân làm rể là được rồi, còn lễ lạt không cần phải lo, nhà họ Phùng sẽ đưa lễ vật tới, để chàng rể mang đi. Vợ chồng ông Thang thấy thế mừng quýnh lên, nói: - Vậy thì nhà ông Phùng chọn ngày cưới ngay đi. Người mối trở về nói với lão Phùng, rồi ông chọn ngày mười lăm tháng Chín làm lễ cưới. Tháng sau bàn định như thế thì ngờ đâu tháng Bảy lão Phùng đổ bệnh, chỉ sau mấy hôm là qua đời. Lo ma chay xong, gia đình họ Phùng giàu có, nhất định sẽ có nhiều của hồi môn, người ta đua nhau nhờ người đến hỏi. Khi còn sống ông Phùng đã hứa gả cho Thang Tiểu Xuân, gia đình không dám thay đổi, nên không nhận lời ai. Thấy ông Phùng chết ông Thang nghĩ rằng giàu nghèo không môn đăng hộ đối, ông Phùng lại chưa nhận sính lễ, chắc rằng đã thay đổi ý định nên nhà họ Thang không dám cưới xin nữa. Lại qua mấy tháng nữa Thục Nương có một người chú tên là Phùng Kỳ. Thấy cháu đã lớn mà chưa có chồng để nương tựa ông đã đứng lên gả cháu làm vợ kế cho một tú tài ngươi phía nam thành. Ngươi tú tài này tên là Tiền Nham, tự là Hiện Dân, trạc bốn mươi tuổi, nghèo rớt mồng tơi, anh ta thường dựa vào mấy quyển sách nát, dạy học sống qua ngày. Cưới được ba ngày, Tiền Nham hỏi Thục Nương: - Em ơi, khi cha còn sống ông là một người giàu có, tại sao lại để em tới ngần này tuổi mới lấy chồng? Thấy chồng hỏi thế cô chợt chau mày, quay đi gạt nước mắt, cúi đầu thở dài, im lặng. Tiền Nham không hiểu vì sao, rồi hớn hở tươi cười thân thiết hỏi: - Em thân yêu, trong lòng em có gì vướng mắc sao không nói với anh, để anh cùng em chia sẻ. - Chuyện này lẽ ra không nên nói với anh, - Thục Nương thở dài nói. - Mà có nói với anh cũng vô ích thôi, nói mà làm gì. Tiền tú tài thấy thế cứ vò đầu bứt tai van nài đòi cô nói ra. Thục Nương nói: - Anh bảo em có chuyện gì vướng mắc ư? Ngày cha em còn sống, vốn đã bằng lòng gả em cho Thang Tiểu Xuân, tháng sau chọn ngày mười lăm tháng Chín thì cưới. Không ngờ tháng Bảy cha em ốm rồi mất, nhà họ Thang chưa đưa sính lễ, thế là họ không vấn lại nữa, cuộc nhân duyên đành như nước chảy bèo trôi. Nói ra càng thêm đau khổ. Nói xong, nước mắt lại giàn giụa rơi lã chã. Đấy quả là tấm lòng tốt của Thục Nương, lẽ ra phải giấu kín. Mà nói thì hóa ra người một dạ hai lòng. Tiền tú tài lại là một người thẳng như ruột ngựa, anh chẳng chút nghi ngờ bực bội. Tiền tú tài lại cười nói: - Chuyện này vốn không nên nhắc tới, tóm lại đã là vợ chồng thì đã có đổ vỡ, rồi tự nhiên cũng sẽ xum họp. Mà đã không phải duyên số thì dù có hợp rồi thì nhất định sẽ tan. Đã gọi duyên số từ kiếp trước thì người ta không thể định đoạt được. Khóc mà làm gì. Nói chưa dứt lời thì người nhà họ Phùng đã mang hòm của hồi môn tới. Thục Nương lau nước mắt, mặt mày rạng rỡ đứng dậy chuẩn bị ít quà bánh rồi cử người tiễn chân. Đến ngày thứ năm, có một số bạn học và mấy học sinh đi theo đến chúc mừng. Trong lúc uống rượu bạn bè hỏi: - Anh Tiền! Nghe nói chị ấy có nhiều của hồi môn lắm. - Hình như có tới hơn một ngàn lạng. Nhà tôi có nỗi buồn thầm kín, chưa mở ra nên cũng chẳng biết đích xác bao nhiêu, thì sao nói là giàu to được. - Con gái vừa mới lấy chồng, - những người bạn nói, - có gì mà buồn, chẳng qua là do tuổi tác và diện mạo không xứng đôi mà thôi. "Chỉ hiềm em sinh ra quá muộn, không gặp được anh lúc thiếu thời". Anh Tiền, anh trả lời chị ấy thế nào? - Không phải thế. - Tiền tú tài nói. - Không phải vì thế thì vì cái gì cơ chứ? Mới có năm sáu ngày mà đã nói nỗi lòng thầm kín với anh, thì chắc rằng nhất định chị ấy cũng nói với người khác rồi. Anh còn giấu làm gì mà không nói ra. Thấy bạn bè cứ hỏi gặng, rồi cứ pha trò mãi, Tiền Nham đành phải kể lại hết những lời của Thục Nương với bạn bè. Bạn bè thấy đây là câu chuyện khó nói nên mọi người đều im lặng. Trong đó có một người tên là Dư Lâm, trạc hai lăm hai sáu, hằng ngày anh ta thường hay lừa gạt. Vừa nghe Tiền Nham nói hắn vừa ngấm ngầm tính toán. Đây quả là điều Tiền tú tài qua loa đại khái. Vì rằng qua những điều Thục Nương nói với Tiền tú tài ta cảm thấy hình như cô không thích Tiền tú tài. Nói ra người ta sẽ biết ngay là cô không yêu Tiền tú tài, như thế thì sao mà không khiến cho kẻ khác nẩy ra ý nghĩ lừa gạt! Điều này quả là Tiền tú tài đã dẫn chó vào nhà. Hôm ấy uống rượu xong, mọi người ra về. Mười hôm sau đúng vào tết Đoan Ngọ. Dư Lâm biết rằng thế nào chủ nhà mà Tiền tú tài ngồi dạy học cũng mời anh tới uống rượu, nên đúng vào lúc giữa trưa cố ý mò đến nhà Tiền tú tài, rón rén bước vào. Thăm dò một hồi, quả nhiên Tiền tú tài không ở nhà thật. Hắn hỏi nhỏ: - Có người ở nhà không? Thục Nương ở trong nhà hỏi vọng ra: - Ai đấy? - Tôi là Thang Tiểu Xuân ở phía tây thành, muốn gặp ông Tiền nói câu chuyện. Thục Nương nghe nói Thang Tiểu Xuân, tình xưa nghĩa cũ bèn trỗi dậy, vội vàng bỏ dở công việc chạy ra, thì thấy một người con trai trẻ đẹp, dáng vẻ nhanh nhẹn, bèn cảm thấy tuổi tác dung mạo Tiền Nham thật đáng chán. Thục Nương nói: - Xin mời anh vào xơi nước. Thấy thế Dư Lâm biết ngay chuyện Tiền Nham nói hôm trước quả không sai, bèn ngồi xuống ngay. Thục Nương nghĩ, đây đúng là Thang Tiểu Xuân rồi, bèn bước tới nói: - Anh, anh là Thang Tiểu Xuân thật ư? Du Lâm cười nói: - Thang Tiểu Xuân có phải là người tiếng tăm lừng lẫy gì đâu mà người ta phải mạo danh. - Anh với nhà họ Phùng ở phía đông thành có quan hệ thông gia gì không? - Thục Nương hỏi. - Không nên nói nữa. - Dư Lâm giả vờ nói. - Dạo ấy còn bác Phùng, bác có lòng tốt gã con gái cho tôi. Không ngờ chọn ngày xong thì bác Phùng mất, đến nay thì việc hôn nhân không thành quả là công toi. Nói xong Dư Lâm thở dài. Thục Nương nói: - Tôi là Phùng Thục Nương đây. Anh là người con rể mà cha mẹ khi còn sống rất ưng ý. Thế rồi Thục Nương ưa khóc vừa nói: - Anh ơi, khi cha em còn sống sau anh không cưới em? - Nhà anh nghèo, - Dư Lâm nói, - một lúc kiếm đâu ra một đồng bạc, bởi thế ngay sính lễ cũng không lo được, nếu lo được sính lễ thì không đến nông nỗi này. - Đáng trách là chú em chẳng biết ất giáp gì gả em cho một lão đồ kiết nho hủ lậu, làm lở dở cuộc đời em. - Thục Nương nói. - Tiền tiên sinh, - Dư Lâm nói, - tuy là một nhà nho nghèo, nhưng sau này nhất định có ngày phát đạt. Chúng tôi làm sao mà bì với ông ấy được, cô đã lấy ông ấy thì chắc chắn sẽ là bà lớn gấp hàng vạn lần dân làm ruộng chúng tôi. Vì sao lại cứ nhớ tôi mãi. - Sao anh nói thế! - Thục Nương nói. - Vợ chồng thì tuổi tác và dung mạo phải ngang nhau, tình ý phải hợp nhau. Khi cha em hứa gả cho anh, lúc nào em cũng mơ tưởng tới anh. Ai ngờ đâu lại xảy ra cớ sự thế này, chôn vùi em vào tay lão đồ nho nghèo và hủ lậu. Các bạn thân mến, đó là lý do vì sao Thục Nương chê Tiền Nha và đó cũng là nguyên nhân Thục Nương trốn theo Dư Lâm. Thấy cá đã cắn câu. Dư Lâm giả vờ rớt nước mắt nói: - Nói thế thì đúng là tại anh làm lở dở đời em. Song việc đã đến thế này nói lại cũng không được nữa, mà càng làm cho nhau đau khổ. Dứt lời Dư Lâm đứng dậy đi ngay. Thục Nương kéo lại nói: - Ngày nào em cũng nghĩ tới anh, hôm nay mới gặp được anh, sao anh nỡ nhẫn tâm bỏ em mà đi? Dư Lâm lại ngồi xuống, rồi kẹp Thục Nương ngồi bên cạnh nói: - Cám ơn em luôn luôn nghĩ tới anh. Anh có một kế là hẹn một ngày nào đó em sẽ trốn đi với anh. - Thế thì tốt quá, - Thục Nương nói, - nhưng đi đâu cho an toàn. Nơi đến phải yên ổn mới tốt. - Cách cửa thành phía đông năm dặm, - Dư Lâm nói, - đó là Mộc Gia trang, nhà cậu anh ở đấy, tới đó thì tuyệt vời, đến thánh cũng chẳng tìm thấy được. - Việc này không thể chậm trễ, - Thục Nương nói, - dù thế nào chăng nữa đúng vào canh năm đêm nay anh đến cửa sau, hãy ho lên một tiếng ra hiệu rồi cùng nhau trốn ra khỏi thành. Hai người đã bàn soạn xong. Dư Lâm ôm hôn Thục Nương rồi mới về. Thục Nương nhận lầm Thang Tiểu Xuân, thấy rất mãn nguyện, vội vàng thu xếp của hồi môn và tư trang thành hai bao to, suốt đêm không ngủ, chờ mãi đến canh ba nghe thấy cửa sau có tiếng ho, cứ tưởng là Thang Tiểu Xuân tới mới len lén châm đèn mở cửa bước ra, thấy một người ngủ lăn quay bên ngoài cửa. Nhìn kỹ thì không phải là Thang Tiểu Xuân mà là Tiền Nham. Các bạn có biết vì sau lúc ấy Tiền Nham lại ở ngoài cửa sau không? Vốn là Tiền Nham uống rượu tại nhà chủ mình dạy học, anh cũng là người biết uống rượu, song anh nghĩ, mình mới cưới, đêm nay còn phải về nhà với vợ, không thể uống nhiều được, nghĩ thế nhưng anh không giữ được mà uống say khướt. Về tới nhà thì bất tĩnh nhân sự, nằm vật ngoài cửa sau tới quá nửa đêm. Nếu không ho thì ngủ ở ngoài cho tới sáng. Giá mà Dư Lâm đến cũng không dám hành động mà dứt khoát bỏ về. Chỉ vì Tiền Nham ho nên Thục Nương mới mở cửa, thấy chồng vẫn chưa tỉnh, bèn dìu chồng đi ngủ. Một lát sau gần tới canh năm, cửa sau lại có tiếng ho. Thục Nương biết chắc lần này là ai rồi, vội vàng xách bao ra cổng sau, đúng là Dư Lâm. Hai người hết sức vui mừng, không nói không rằng mỗi người vác một bao rồi đi thẳng ra cửa phía đông thành. Có bài thơ tiếc cho việc này: Hẹn ước xưa kia đâu dám quên Đêm ngày vẫn mơ tưởng chàng Thang. Thương thay nhẹ dạ theo kế xấu. Đào Tiềm mà cứ tưởng Nguyễn Lang. Tiền tú tài ngủ tới sáng hôm sau, tuy tỉnh rượu song vẫn không dậy, cứ luôn mồm gọi mang trà tới, nhưng gọi mãi mà chẳng thấy. Tiền tú tài dậy tìm khắp mọi nơi không thấy bóng dáng vợ đâu. Anh ra cửa sau thì thấy cửa mở toang, chiếc đèn vất lỏng chỏng dưới đất, mới biết được vợ mình đã cao chạy xa bay mất rồi. Tiền tú tài tri hô những người hàng xóm tới. Nghe tú tài nói người vợ mới cưới của mình đã bỏ đi, những người ấy thấy đó là chuyện lạ, tìm hỏi nguyên do. Tiền Nham nói: - Tối qua tôi uống rượu say, trở về vấp ngã ở cửa sau, cô ấy vẫn ra mở cửa dìu tôi đi ngủ. Không biết cô ấy đi lúc nào? Một người láng giềng nói: - Ông Tiền, ông ngã ở bên ngoài có gõ cửa không? - Không! - Tiền Nham nói. - Không gõ cửa sau chị ấy lại biết mà ra mở cửa. - Người ấy nói. - Vậy thì nhất định họ đã hẹn nhau từ trước, cho nên mới để tâm tới, chắc chị ấy đã bỏ đi từ lúc đó. - Ông Tiền, vậy thì hoàn toàn là do ông rồi. - Một người khác nói. - Vợ chồng lấy nhau là một việc quan trọng, vả lại đã bỏ nhà đến với ông thì ít ra ông phải ở với chị ấy hàng tháng trời ấy chứ, Đằng này không ai như ông, mới ở với nhau bốn năm hôm đã đi dạy "tử viết" "thi vân", bỏ mặc vợ mới cưới ở nhà phòng không lạnh lẽo, sống cô đơn một mình như thế thì chịu làm sao nổi, nên chị ấy bỏ đi là chuyện đương nhiên. Sự việc xảy ra đột ngột Tiền Nham ngơ ngác hỏi mọi người: - Các vị ạ các vị bảo rằng liệu người đàn bà ấy có về không? Mọi người ồ lên, nói: - Những điều mà tú tài nói ra đều là những điều cứng nhắc. Nếu như cô ấy chịu về thì cô ấy đã không bỏ đi. - Xin nhờ các vị làm chứng, - Tiền tú tài nói, - ta sẽ sớm làm quan rồi sẽ đi kiện.