Mọi người nói rằng, đúng là phải kiện rồi. Nếu không kiện thì e rằng nhà họ Phùng cũng sẽ kiện. Lại có người nói, tú tài mất vợ thì còn mặt mũi nào mà đi kiện nữa? Chỉ cần viết một bản thông báo là được rồi. Lại có một người khác nới, dán tờ thông báo thì cũng chẳng ra sao cả, thôi thì cứ lặng lẽ mà đi tìm, thấy rồi hãy tính chuyện. Tiền tú tài thấy mỗi người nói một cách bèn hỏi: - Theo ý các vị bàn thì viết một tờ thông cáo là phải lắm. Thế là Tiền tú tài viết một tờ thông cáo, song tú tài không viết theo cách viết ngày nay, mà viết hơn mười câu như sau: "Vì Tiền Nham không cẩn thận, nên vào đêm ngày tết Đoan Ngọ, vợ là Phùng Thục Nương trạc hai mốt hai hai tuổi, không biết bị kẻ gian nào đã cả gan lừa gạt rồi bỏ nhà đi theo hắn. Tiền bạc và đồ trang sức trong hòm lấy hết sạch không còn gì. Người hàn nho cô độc này muốn đi kiện nhưng không đủ sức. Nếu các bậc quân tử nào ở bốn phương thấy được tông tích thì xin báo cho hàn nho này biết, và tình nguyện hậu tạ số bạc là. Xin dán tờ thông báo này chứng tỏ là đúng sự thực". Viết xong thông báo, đang định tìm người mang đi dán thì gặp một bà lão ở ngay sát vách bước tới nói: - Ông Tiền, không nên nóng vội, kẻ đánh lừa bà nhà ông, lão cũng biết được chút ít. - Cụ đã biết, vậy thì người ấy là ai? - Tiền tú tài nói. - Người ấy thì tôi không biết được, - bà cụ nói, - có điều trưa hôm qua tôi ở nhà bóc bánh chưng, nghe thấy có một người tới tìm Tiền tiên sinh. Nói là Thang Tiểu Xuân ở cửa tây thành. Bà nhà ông gặp người ấy trò chuyện một hồi lâu rồi khóc. Hai người nói chuyện rất lâu, người ấy ra về, chắc là họ đã đánh lừa bà ấy rồi. Nghe thấy thế tú tài dập tay xuống bàn nói: - Thế thì đúng rồi, cô ấy từng nói là khi cha cô còn sống đã hứa gả cho Thang Tiểu Xuân, tới nay lúc nào cô. Ấy cũng tưởng nhớ tới anh ta. Nhất định là hai người vốn đã đi lại với nhau, cho nên nhân lúc sơ hở bỏ trốn. Ta phải tới cửa tây thành dò la xem sao, rồi bàn với mọi người. - Nếu như tìm thấy bà ấy, - bà lão nói, - thì xin ông đừng bảo là già này nói nhé, sợ rằng khi về bà ấy lại trách già này. Tiền Nham từ biệt bà lão đi một mạch tới cửa tây thành, hỏi nhà họ Thang, thăm dò những nhà láng giềng, dò la rất kỹ nhưng không thấy tăm hơi. Tiền Nham liền hỏi. - Thang Tiểu Xuân là người như thế nào? Chưa dứt lời thì thấy một người còn rất trẻ bước ra. Người láng giềng nói: - Người ấy là Thang Tiểu Xuân đấy. Tiền Nham nhìn kỹ thì thấy đó là một chàng trai có đôi mắt thanh tú, hàm răng trắng nõn, môi đỏ như son. Tuy không chuyên trang điểm son phấn như Hà Lang(1) song da trắng không kém Trần Bình(2) không diêm dúa như Đổng Tử, cũng phong lưu gần như Tống Ngọc(3). Anh đội một chiếc khăn hợp thời, mặc bộ quần áo rất vừa, trông rất đàng hoàng, cố nhiên không có dáng vẻ hiên ngang của con nhà giàu có. Song lại có dáng vẻ nho nhã, nhưng không có tài bẻ quế, nên đâu dám hái trộm hoa. (1) Hà Lang: Hà Yến, một người thích trang điểm thời xưa. (2) Trần Bình: người Dương Vũ thời Hán. (3) Tống Ngọc: học trò của Khuất Nguyên thời Chiến Quốc. Tiền Nham nghĩ bụng: "Thằng nhỏ này, đi đường còn sợ tiếng bước chân, lẽ nào lại liều lĩnh như thế? Hơn nữa nếu nó có lỡ gây ra việc này, thì nhất định nó sẽ giấu giếm lẫn tránh, hoang mang sợ hãi, chứ sao tự nhiên thanh thản thế kia? Xem ra không phải nó. Người xưa nói: “Làm việc có thư thả mới trọn vẹn . Ta hãy trở về hỏi rõ sự thực rồi sau sẽ nói chuyện với hắn". Tiền Nham buồn rầu trở về. Bà lão trông thấy hỏi ngay: - Ông Tiền! Đã dò la được tin tức gì chưa? Tiền Nham lắc đầu nói: - Việc này tuy có nguyên cớ, song vẫn chưa rõ ràng. Hai nhà hàng xóm kề bên đều nói là không biết. - Ông hãy đến nhà họ Thang dò la xem động tĩnh thế nào. Bà lão nói. - Tôi đang định vào, - Tiền Nham nói, - thì thấy ngay Thang Tiểu Xuân đi ra, xem kỹ thì hình như nó không phải loại người làm việc ấy. - Bây giờ còn sớm, ông hãy đến nói ngay cho người tộc trưởng họ Phùng biết, để ngày mai đỡ phải tốn công giải thích. - Cụ nói đúng. Tiền Nham nói xong đi ngay. Đúng là người ta thường nói: "Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa". Phùng Kỳ đã biết, đang đi tới. Tiền Nham nói lại lời bà cụ với Phùng Kỳ. Phùng nói: - Vậy thì hòm của hồi môn có còn lại gì không? - Chẳng còn gì cả. - Như vậy thì đây là việc không thể biết ngay được. Bây giờ thì không khó nữa rồi, cứ theo lời bà cụ ta viết một lá đơn kiện Thang Tiểu Xuân, cứ khoác vào cổ hắn phải đền ngươi. - Vợ của một tú tài, - Tiền Nham nói, - bị người ta lừa, bây giờ đi kiện, sợ rằng người ta chê cười. - Tuy mất thể diện thật đấy, - Phùng Kỳ nói, - nhưng chẳng có lý nào, vợ mình bị người ta đánh lừa mà im đi không nghe ngóng gì. Theo tôi đệ đơn kiện mới phải. Tiền Nham nghe theo, lập tức viết đơn và nhờ Phùng Kỳ làm chứng. Hôm sau đưa đơn lên huyện. Quan huyện sai người đi bắt Thang Tiểu Xuân, cha mẹ Tiểu Xuân không hiểu vì cớ gì đành phải nhờ láng giềng cùng lên gặp quan. Quan huyện hỏi về sự việc xảy ra trước đây. Thang Tiểu Xuân kể lại tỉ mỉ việc hôn nhân trước đây khi ông Phùng còn sống. Còn việc hiện nay bỏ trốn thì anh không hề biết. Quan huyện nghiêm mặt nói: - Trước đây có việc ấy thì đích thị nay ngươi đã lừa người đàn bà ấy rồi. Rồi ông ghép anh thanh niên mặt còn búng ra sữa là một tên lừa đảo, cho người kẹp anh ta, buộc phải trả người. Những người láng giềng đều kêu với quan là anh bị oan ức, song quan huyện không nghe. Cha mẹ Tiểu Xuân thấy con oan uổng khổ sở cứ rập đầu xuống đất van xin thảm thiết. - Chúng con xin ông lớn gia hạn cho mấy ngày, tìm được người thì quả là ơn ngài to như trời biển. Thấy thế quan huyện cho phép nhũng người láng giềng bảo lãnh cho Thang Tiểu Xuân. Ngài còn đang dặn dò thêm mấy câu thì thấy quan điển sử vào bái kiến. Điển sử vái chào xong, hỏi: - Thưa ngài, đây là việc gì vậy? - Đây là vụ lừa gạt người. Điển sử nhìn Thang Tiểu Xuân, nói: - Thằng nhỏ này lừa gạt người, hay là nó bị người ta lừa? - Thằng này là Thang Tiểu Xuân, - quan huyện nói, - tuy còn ít tuổi nhưng nó thật to gan. Đêm ngày mồng năm tháng Năm, lừa gạt vợ Tiền tú tài rồi dẫn đi, này Tiền tú tài đưa đơn kiện song vẫn chưa phân quyết được. Điển sử cúi đầu nghĩ một lát, nói: - Thưa ngài, việc này điển sử cũng thấy nghi ngờ, chưa chắc là người này. - Thế ông biết việc này ư? - Quan huyện nói. - Con không biết việc này. - Quan điển sử nói. - Song vào lúc canh năm, đêm mồng năm rạng ngày mồng sáu, con đi tuần tra ở ngoài thành trở về, sắp vào cửa đông thì thấy một người đàn ông và một người đàn bà, mỗi người vác một bao đi ra khỏi thành. Lúc ấy con nhìn kỹ thấy hai người có phần hoảng hốt vội vã đi qua. Con sinh nghi, nhưng thấy hai người dáng vẻ tử tế, hình như không phải là trộm cướp, cho nên con không bắt. Bây giờ nghĩ lại, chắc đó là vợ anh Tiền. Song người đàn ông cùng đi lại khác hẳn tên này. Thấy thế quan huyện càng nghi nghi hoặc hoặc, nghĩ bụng: "Việc này ta nghĩ sai rồi". Rồi ông nói: - Truy lùng kẻ chạy trốn là việc của các ông, nay thì phiền các ông đi truy bắt thì mới giải thoát cho người vô tội này. Điển sử nhận lời, xin cáo từ. Quan huyện cho Thang Tiểu Xuân được bảo lãnh tại ngoại. Lệnh cho năm ngày sau phải tới. Mọi người cúi lạy tạ ơn rồi ra về. Từng có người làm thơ ca ngợi Điển sử như sau: Tù và báo sáng, ngựa tới nơi, Vội vã đúng là kẻ gian rồi, Một lời giải thoát người tù tội, Lại bắt kẻ gian đã lừa người. Điển sử về tới nha môn, song lại cảm thấy hơi ân hận, vì đã nhận lời ngài quan huyện, chỉ trong một thời gian ngắn làm sao mà bắt được hắn. Đang nghĩ cách thì thấy người của quan huyện tới nói: - Ông lớn đang chờ gặp ông ở hậu đường. Điển sử nghĩ bụng: "Ngài vừa mới dặn xong, lẽ nào lại vào nghe ông nói lại". Thế rồi vội vàng ăn mặc chỉnh tề tới hậu đường gặp ngài. Ngài quan huyện nói: - Tôi có một người bạn giỏi về dịch số. Ông vừa tới đây, tôi bèn đem chuyện ấy ra nhờ ông xem giúp. Ông nói: "Người đi mất, chưa ra khỏi chỗ gần mộc, cách thành về phía đông nam chừng hơn năm mươi dặm". Có một người gác cổng trong nha môn nói: "Cách năm mươi dặm về phía đông nam thành thì chỉ có Mộc Gia Trang". Vậy thì hai đứa trốn ở đó chăng? Nhờ ông hỏa tốc đi một chuyến xem sao. Hôm nay đi ngày mai quay về thì sẽ phán quyết được vụ án này. Điển sử vâng lệnh ngài quan huyện, thay thường phục, mang theo một số người, rồi nhảy phóc lên mình ngựa ra khỏi thành. Chẳng mấy chốc đã đến gần Mộc Gia Trang. Một số người nông phu nhận ra quan Điển sử, vội bỏ cày bừa, đến cúi đầu chào, hỏi: - Thưa ngài, hôm nay có việc gì mà ngài xuống làng? - Ta nhận lệnh của ông lớn đến Mộc Gia Trang để bắt phạm nhân. Mùa màng đang vào lúc cày cấy bận rộn, chúng tôi không muốn làm trở ngại đến nông tang kỳ vụ, các ông hãy đi làm đi. Trong đó có hai người ở Mộc Gia Trang hỏi: - Không biết ông lớn tới Mộc Gia Trang bắt ai? - Bắt bọn cướp chạy trốn. - Vậy có phải là Dư Đại Lang, cháu ngoại của Mộc Trang không? - Hai người ấy nói. - Đúng là Dư Đại, - Điển sử nói, - ngày mồng sáu hắn đưa một người đàn bà đến đây. Hai người ấy nói ngay: - Đúng là có một người đàn bà còn khá trẻ cùng đi theo anh ta. Họ còn đang ở đó. Điển sử nhờ hai người này chỉ đường đến Mộc Gia Trang. Thấy Điển sử trực tiếp đến bắt, nhà họ Mộc sợ rằng việc tày đình như thế sẽ mang họa vào thân, bèn vội vàng lôi Dư Lâm và Phùng thị ra. Lúc ấy trời cũng đã tối, Điển sử giao hai người này cho người trong làng coi giữ, rồi mượn chỗ ngủ nhờ một đêm. Người trong làng giết gà mổ dê tiếp đãi rất thịnh soạn. Sáng hôm sau họ giải hai người về huyện. Tri huyện thấy Điển sử đã giải người tới rất vui mừng, lên ngay công đường, cho sai nha gọi Tiền sinh viên, Thang Tiểu Xuân và những người có liên can đến nghe xét xử. Tri huyện cho giải Thục Nương tới, rồi hỏi Tiền Nham: - Đây có phải là vợ anh không? - Thưa ngài, đúng là vợ con ạ. Đã bắt được vợ con rồi, vậy kẻ lừa đảo quan phụ mẫu đã bắt được chưa ạ. - Hắn đang ở đây. - Xin ngài cho con được gặp xem hắn là người thế nào? Ngài quan huyện cho gọi Dư Lâm ra. Thấy Dư Lâm, Tiền Nham giậm chân đấm ngực kêu lên: - Hóa ra là mày! Hóa ra là mày ư! Dư Lâm tự thấy đuối lý, cúi gằm mặt xuống, chẳng nói chẳng rằng. Ngài quan huyện nói: - Anh quen biết hắn ư? - Thưa ngài, con với hắn là bạn học cùng trường, con cưới vợ được năm sáu hôm, nhân khi bạn bè tới, con làm một bữa tiệc để ăn mừng. Lúc ấy con đâu có biết mà đề phòng loại cầm thú đội lốt người đang ở đó. Trong lúc uống rượu, ngẫu nhiên bàn đến việc hôn nhân của vợ con, không biết thế nào lại lại lừa vợ con rồi dẫn đi. Ngài quan huyện cười, rồi quay lại hỏi Dư Lâm: - Đối với bạn bè ngươi không nên làm như thế. Ta hỏi ngươi, ngươi đã nói thế nào mà lại lừa được Phùng thị? Vì sao Phùng thị không quen biết nhau mà lại trốn theo ngươi? Hãy khai thực, nếu quanh co che giấu ta sẽ cho nếm đòn rồi nói chuyện sau. - Thưa ngài, - Dư Lâm nói, - vì ông Tiền nói rằng vợ ông ấy vốn đã gả cho Thang Tiểu Xuân làm vợ, nhưng không thành. Vợ ông ấy không lúc nào là không thương nhớ Tiểu Xuân. Bởi thế, vào ngày tết Đoan Ngọ con đã cố ý đến nhà ông Tiền. Không ngờ Phùng thị ra hỏi, con bèn mạo nhận là Thang Tiểu Xuân. Phùng thị tưởng thật, muốn thỏa nguyện ước xưa, bằng lòng bỏ trốn. Thế là hẹn nhau bỏ trốn vào lúc canh năm ngay đêm ấy. Nói chưa dứt lời thì Thang Tiểu Xuân đang quỳ bên cạnh đánh bừa vào đầu Dư Lâm, nói: - Mày giả danh tao lừa người ta, khiến ta bị đòn oan. - Không được ăn nói bừa bãi, - quan huyện nói, - không cho phép ngươi báo thù. - Bẩm ông lớn, - Tiền Nham nói, - điều này không thể trách Thang Tiểu Xuân được, ngay con đây cũng không chịu nổi. Quan huyện hỏi Phùng thị: - Tại sao trong phút chốc ngươi nghe the mưu gian, rồi theo hắn trốn đi? Thục Nương kìm nén nỗi xấu hổ, cố giữ không cho nước mắt chảy ra. Kể ra tỉ mỉ khi cha còn sống đã hứa nhận Thang Tiểu Xuân là con rể như thế nào. Ngài quan huyện nói với Tiền Nham: - Anh Tiền, căn cứ vào lời khai của Phùng thị, thế thì chẳng phải là anh cưỡng ép người ta lấy anh ư? - Thưa ngài, nhà con nghèo xơ xác, tiền không mà thế lực cũng không, thì làm sao mà cưỡng ép cô ấy được? Đó là do chú cô ấy bằng lòng gả cho con làm vợ kế. Đã thế thì nay cô ấy cũng không còn là vợ con nữa, Phùng thị một lòng muốn về với Thang Tiểu Xuân, nếu con giữ cô ta lại thì sau này sẽ sinh sự. Thôi thì ngài đứng ra gả Phùng thị cho Thang Tiểu Xuân để trọn mối tình xưa nghĩa cũ. - Tuy anh nói như thế, - ngài quan huyện cười nói, - song ta sợ rằng lòng anh nghĩ khác! - Thưa ngài, con là một tú tài kiết xác, nhưng cũng có chút khí tiết, một lời đã quyết thì sẽ không thay lòng đổi dạ. Huống hồ vợ đã thất thân, về ly cũng khó mà tái hợp được. - Anh nói phải, - quan huyện nói, - song người đã về nhà họ Thang, thì phải trả lại lễ vật cho anh. Khi nào Thang Tiểu Xuân bồi hoàn xong lễ vật thì đưa Phùng thị về làm lễ thành hôn. - Thưa ngài, - Tiền Nham nói, - khi con cưới Phùng thị, lễ vật chẳng đáng là bao. Nếu nay xử cho Thang Tiểu Xuân phải mang bạc đến trả thì chẳng hóa ra con lợi dụng vợ ư? Sau này bạn bè biết được, bảo con vì nghèo túng quá mà bán vợ đi thì chẳng đẹp mặt chút nào. Con chỉ mong ông lớn cho Thang Tiểu Xuân dẫn ngay Phùng thị về làm lễ thành hôn, như thế con mới giữ được thể diện và được trong sạch. - Như thế - quan huyện nói, - thì quả là việc hiếm có trên đời, và cũng thấy được phẩm cách của anh. Dư Lâm gian đâm lừa dối vợ nhà lành xử theo luật định không thể tha thứ được. Thế rồi ông quát tả hữu lôi Dư Lâm ra, đánh ba mươi gậy, đày đi Tĩnh Nam làm khổ sai ba năm. Phùng thị bằng lòng cho Tiểu Xuân đón về làm vợ. Hai người cúi lạy tạ ơn, ra khỏi cổng bèn gọi một chiếc kiệu nhỏ khiêng Phùng thị về nhà mình. Còn Tiền tú tài một mình lủi thủi trở về nhà. Hai ba hôm sau, Tiền Nham lại tới bẩm với quan huyện rằng: - Thưa ngài của hồi môn của Phùng thị rất nhiều, họ đều mang đến Mộc Gia Trang. Tuy là bỏ đi trốn, nhưng đây không phải là của ăn cắp, cho nên về lý vẫn thuộc về Phùng thị. Xin quan lớn cho người đến lấy về trả cho nguyên chủ. Quan huyện chuẩn y, sai hai người tới chuyển về, thì chỉ còn khoảng năm sáu phần mười. Lúc ấy quan huyện coi trọng nhân cách của Tiền tú tài, bảo thư lại làm mối tìm cho Tiền một người vợ khác. Sau đó anh cũng làm được mấy việc công. Kiếm được khoảng một trăm lạng. Tiền Nham đã sống khá hơn trước. Mấy hôm sau Thang Tiểu Xuân khăn áo tới tạ ơn quan huyện. Quan huyện nói: - Không phải tạ ơn ta. May mà bổ nha trông thấy, chứ không thì bản thân anh có đến cũng không được. Bây giờ anh nên tới tạ ơn quan bổ nha. Thang Tiểu Xuân vâng dạ, rối rít rồi tới ngay cảm ơn Điển sử. Điển sử cười nói: - Quả là nếu trước đó tôi không nhìn thấy họ thì khó có thể gỡ oan cho anh được. Anh về còn phải lạy tạ ông bạn họ Tiền của anh. Một người nhẹ nhàng thoải mái giao vợ mình cho người khác như thế quả là hiếm có. Còn Dư Lâm tuy làm liên lụy khiến anh phải chịu chút ít hình phạt, song nếu anh ta không lừa cô ấy thì làm sao anh được vợ. Việc này quả là tội nặng mà công thì cũng lớn. Bởi thế tôi đi tuần tra suốt một đêm, không bắt được trộm mà lại làm mối cho anh được vợ, vậy mà tôi chưa được uống rượu cưới đấy. Hôm nào đó tôi đến chúc mừng anh kiếm bữa rượu. Thang Tiểu Xuân rất mừng kêu lên: - Xin mời, xin mời ông. Tiểu Xuân cáo từ ra về, chuẩn bị hai tấm vải, ba bốn lạng bạc tới biếu Điển sử. Điển sử vui vẻ nhận, đây cũng là việc bình thường, nhận cũng chẳng có gì sai. Có bài thơ như sau: Xưa nay bắt trộm được chia của, Nay thì bắt trộm giải được oan. Lại thêm nối lại nhân duyên cũ. Đến tới bạc muôn cũng chẳng vừa. Về sau nghe nói, Phùng Thục Nương và Thang Tiểu Xuân sống với nhau rất tâm đầu ý hợp. Sinh được mấy người con, chỉ vì nhẹ dạ tin những lời lừa gạt của kẻ khác lại thất thân với hắn, thật là ê mặt. Tuy nói là không bội ước; nhưng cũng không phải là thục nữ có tấm lòng trinh bạch. Hơn nữa lại nói rằng: "Ta lấy một tú tài nghèo kiệt xác hữu lậu”. Nếu như Tiền tú tài trẻ và giàu có thì chắc gì cô ta nhớ đến Thang Tiểu Xuân. Tiền tú tài không chú ý giữ gìn, sơ suất nói ra chuyện thầm kín của vợ mình, gây nên nỗi ô nhục cho chính mình. May mà còn có một chút ít chí khí, không nhận người vợ đã bỏ trốn, không nhận sính lễ, được ông lớn cho là người chưa nhụt mất nhuệ khí. Vả lại gặp những sự cố xảy ra trong gia đình, cũng không đến nỗi mất hết tinh thần, đó là do có lòng tốt mà được đáp đền. Còn như Dư Lâm là loài cầm thú đội lốt người, cho nên thật đáng ghét. Nếu Thục Nương không thương nhớ mối tình cũ, Tiền Nham cũng không nói lộ ra, không có kẻ hở thì Dư Lâm làm sao mà chui vào được. Ôi, phàm là mình tự khinh mình, rồi sau đó người khác mới khinh mình. Người ấy có lẽ là Tiền Nham chăng? Võ Tắc Thiên từng nói: "Sau này khanh có mời khách cũng phải chọn người"(1) Các bạn thân mến, xem tới đây mới thấy chúng ta nói năng phải thận trọng và giao du cũng phải thận trọng. Thời ấy có một bài thơ trào lộng như sau: Thục Nương quyến luyến người tình cũ, Một tháng ba lần phải thay chồng. Chàng Tiền vợ mất, đêm chung gối. Cớ sao làm mối, giúp Từ Lâm. Mượn Lý khoe Trương còn giữ được, Tưởng thật, theo gian chẳng phải ngoan. Thương ôi! Phà tổ về chủ cũ, Dù có phong lưu cũng sượng sùng. (1) Võ Tắc Thiên ra lệnh cấm giết gia súc. Trương Đức sinh con trai giết để ăn mừng mời bạn đồng liêu tới dự. Đỗ Túc cũng được mời song hắn ngầm tâu với võ Tắc Thiên. Hôm sau vào chầu, Võ Tắc Thiên nói với Trương Đức: "Nghe nói ái khanh mới xin con trai, trẫm xin chúc mừng". Trương Đức cúi đầu lạy tạ. Võ Tắc Thiên hỏi: "Lấy thịt ở đâu ra mời khách đấy". Trương Đức hồn xiêu phách lạc cúi đầu nhận tội. Võ Tắc Thiên nói: "Trẫm cấm giết gia súc, nhưng việc hiếu lễ thì không hạn chế, có điều sau này khanh mời khách cũng phải chọn người". Trích Truyện Võ Tắc Thiên, NXB Thuận Hóa, 2003.