Hai vợ chồng vội vàng đến cứu cho Nghênh Nhi tỉnh lại, kiếm ít thuốc an thần định phách cho uống, rồi vợ áp ty hỏi: - Vừa nãy mày trông thấy gì mà ngất đi thế? Nghênh Nhi đáp: - Thưa bà, vừa nãy con nhóm lửa trên bếp, thấy lòng bếp từ từ trồi lên rồi thấy ông nhà ta khi trước, cổ tròng đây kéo nước, mắt ứa máu, tóc xõa ra gọi "Nghênh Nhi" thế là con sợ quá ngã ra. Vợ áp ty nghe thấy thế thì tát ngay cho Nghênh Nhi mấy cái, mắng: - Con ranh này, bảo mày nấu ít canh giã rượu, mày cứ nói là ngại nấu đi cũng thôi, sao còn giả vờ làm ra vẻ nửa sống nửa chết thế? Thôi không phải nấu nữa, dập lửa đi rồi mà ngủ! Nghênh Nhi theo lời đi ngủ. Lại nói hai vợ chồng về đến phòng thì vợ áp ty khẽ nói: - Anh Hai này, con bé ấy đã trông thấy rồi, không dùng được nữa đâu, cho nó ra khỏi nhà mình đi. Tôn Bé hỏi: - Cho nó đi đâu được? - Em sẽ có cách! - Vợ áp ty đáp. Sáng hôm sau, cơm nước xong, áp ty Tôn Bé lên huyện làm việc quan, vợ áp ty gọi Nghênh Nhi đến bảo: - Nghênh Nhi, con ở nhà ta cũng đã được bảy tám năm, ta cũng không thờ ơ với con, nhưng hồi này con làm việc không được như hồi ông áp ty nhà ta trước kia còn sống, xem ra ý con muốn kiếm tấm chồng có phải không. Nghênh Nhi đáp: - Con đâu dám mong như thế, nhưng bà định gả con cho ai đây? Vợ áp ty chỉ vì muốn Nghênh Nhi lấy phức một người nên mới bị áp ty Tôn Lớn đòi mạng. Thật là: Gió lặng mới hay ve rộn tiếng, Đèn tàn thời thấy nguyệt nhòm song. Lúc ấy không cho Nghênh Nhi quyết định, gả luôn cho một người. Người này họ Vương tên Hưng, biệt hiệu là Vương Tửu Tửu, vừa nát rượu lại mê cờ bạc. Nghênh Nhi lấy chồng chưa được ba tháng, có bao nhiêu tiền mang về đã tiêu hết sạch. Thằng cha nọ uống say thế về nhà chửi bới: - Đồ hèn mọn đáng đòn kia! Thấy tao khổ như thế này, sao không đến hỏi vay chủ mày cho tao dăm ba trăm tiền làm vốn? Nghênh Nhi không chịu được chửi mắng, vắt váy lên giắt vào cạp rồi đi thẳng đến nhà áp ty Tôn Bé. Vợ áp ty thấy thế hỏi: - Nghênh Nhi, con đã lấy chồng rồi còn đến đây làm gì? Nghênh Nhi nói: - Thưa bà, thực con không dám giấu. Con lấy người ấy không tốt lành gì, vừa nghiện rượu lại vừa đánh bạc. Nay chưa đầy ba tháng, con có ít tiền thì chồng con đã tiêu hết sạch. Chẳng còn cách nào khác, con nói với bà xin bà cho vay năm ba trăm tiền để làm lộ phí. Vợ áp ty nói: - Nghênh Nhi, con lấy chồng không tốt là việc của con. Nay ta cho con vài lạng bạc, về sau đừng có mà đến nữa đấy! Nghênh Nhi nhận lấy bạc, tạ ơn bà chủ rồi về nhà. Nào ngờ chưa được bốn năm ngày lại tiêu hết sạch. Hôm ấy, trời đã tối Vương Hưng uống rượu say mèm, bước vào thấy Nghênh Nhi liền mắng: - Đồ hèn mọn đáng đòn kia! Mày thấy tao khổ như thế này, sao không đến nói với chủ mày lần nữa? Nghênh Nhi đáp: - Lần trước tôi đi vay được một vài lạng bạc đã phải nghe không biết bao nhiêu câu, lần này làm sao tôi còn đến được nữa? Vương Hưng chửi: - Đồ hèn mọn đáng đánh kia, mày mà không đi thì tao bẻ gãy chân mày! Nghênh Nhi không chịu được chửi mắng đành ngay đêm ấy đến nhà áp ty Tôn Bé. Đến cổng thì cổng đã đóng, toan gọi thì lại sợ bị trách mắng, thật là tiến thoái lưỡng nan, sau đành quay về nhà. Đi qua vài ba nhà, chợt thấy một người gọi: - Nghênh Nhi, ta cho con cái này! Chỉ vì có người ấy mà vợ áp ty và áp ty Tôn Bé chịu bao điều phiền não. Thật là: Rùa bơi mặt nước chia dòng biếc, Hạc đậu ngọn tùng thấy rõ xanh. Nghênh Nhi ngoảnh đầu lại nhìn người gọi mình, chỉ thấy dưới hiên nhà kia có một người đội khăn phốc đầu bỏ múi, mặc áo bào đỏ thắt đai, ôm một đống giấy tờ, khẽ nói: - Nghênh Nhi, ta là áp ty ngày trước của con đây. Bây giờ ta ở nơi khác, chưa nói cho con biết được, con đưa tay đây, ta cho con cái này. Nghênh Nhi giơ tay ra nhận lấy vật ấy, ngay sau đó không thấy người mặc áo bào đỏ thắt đai đâu nữa. Nhìn lại vật kia, thấy là một gói bạc vụn, Nghênh Nhi liền đi về nhà gọi cửa, thấy trong nhà nói vọng ra: - Mình ơi, mình đến nhà bà chủ, sao muộn thế mới về? Nghênh Nhi đáp: - Nói cho anh biết, tôi đến nhà bà chủ vay gạo nhưng cổng đã đóng, tôi không dám gọi cổng sợ bị trách mắng. Khi đi trở về, thấy ông áp ty chủ cũ đang đứng dưới hiên một nhà kia, đội khăn phốc đầu bỏ múi, mặc áo bào đỏ thắt đai, ông cho tôi một gói bạc đang cầm đây. Vương Hưng nghe nói thế thì chửi ầm lên: - Đồ tiện tì đáng đòn kia! Mày dám bịa chuyện ma quỉ với tao à? Gói bạc của mày đáng ngờ lắm. Mày hãy vào nhà đã. Nghênh Nhi vào nhà. Vương Hưng nói: - Mình ơi, câu chuyện ngày trước mình kể thấy ông áp ty chủ cũ ở chỗ bếp lò, tôi vẫn còn nhớ đấy. Việc này nhất định có gì lạ đây. Tôi sợ hàng xóm nghe thấy nên cố ý chửi át đi như thế. Mình hãy cất bạc đi, ngày mai tôi vào huyện trình báo. Thật là: Dốc ý trồng hoa, hoa chẳng sống. Nhàn chơi cắm liễu, liễu xanh um. Sáng hôm sau, Vương Hưng nghĩ bụng: "Hãy khoan, có hai điều tố cáo không xong. Một là, Tôn Bé bây giờ là áp ty số một trong huyện, mình sao dám làm mất lòng ông ấy! Hai là, chẳng có chứng cớ gì, cả số bạc này cũng phải nộp quan, thế là mình đi kiện vô cớ. Chi bằng ta hãy chuộc mấy cái quần áo, mua hai hộp bánh đem biếu nhà áp ty Tôn Bé để ra mắt thử xem sao". Suy tính xong, mua hai hộp bánh để biếu. Hai vợ chồng ăn mặc sạch sẽ đến nhà áp ty Tôn Bé. Vợ áp ty thấy hai vợ chồng ăn mặc sạch sẽ, lại có hai hộp bánh đem biếu thì hỏi: - Anh chị lấy tiền đâu mà mua? Vương Hưng đáp: - Hôm qua con giúp áp ty việc giấy tờ được ông cho hai lạng bạc nên con mang hai hộp này đến biếu ông bà. Từ nay con không uống rượu, cũng không đánh bạc nữa. Vợ áp ty nói: - Vương Hưng, anh về trước đi, để vợ anh ở đây chơi vài ngày. Vương Hưng về rồi, vợ áp ty bảo với Nghênh Nhi: - Ta có việc phải đi lễ tạ miếu Đại Nhạc trên Đông Phong, ngày mai ta cùng con đi nhé! Tối hôm ấy không có chuyện gì. Sáng mai trở dậy chải dầu rửa mặt xong, áp ty Tôn Bé lên huyện, vợ áp ty khóa cửa rồi cùng Nghênh Nhi đi lễ. Tới miếu, lên điện thắp hương xong, xuống điện vào hai bên hành lang thắp hương tiếp. Tới trước Ty tốc báo, Nghênh Nhi thắt lưng không được chặt, tuột cả ra, vợ áp ty bèn đi trước. Nghênh Nhi đang ở mé sau thắt lại dây lưng thì thấy trong Ty tốc báo có một phán quan đội khăn phốc đầu bỏ múi, mặc áo bào đỏ thắt đai lên tiếng gọi: - Nghênh Nhi, ta là áp ty hồi trước của con đây, con hãy trình bày nỗi oan cho ta nhé! Ta đưa cho con cái này đây. Nghênh Nhi nhận lấy vật ấy trong tay, một pho tượng, coi qua rồi nói: - Lạ thật đấy, thần nặn bằng đất mà cũng biết nói! Chẳng hiểu sao lại đưa cho mình cái này? Thật là: Khai thiên lập địa ít khi nghe, Từ cổ chí kim hiếm được thấy. Nghênh Nhi nhận xong vội vàng nhét ngay vào người, cũng không dám nói cho bà chủ biết. Ngày hôm ấy thắp nhang xong, ai về nhà nấy. Nghênh Nhi kể chuyện vừa nãy cho chồng nghe. Vương Hưng đòi xem, khi đưa ra là một tờ giấy, trên viết: "Con gái lớn, con gái bé, người trước cày người sau được ăn. Muốn biết việc canh ba, gạt lửa mà xuống nước. Tháng hai, ba năm sau, câu dĩ ắt giải được". Vương Hưng xem mà chẳng hiểu gì cả, dặn Nghênh Nhi không dược nói cho ai biết, chờ xem tháng hai, ba năm sau có chuyện gì xảy ra. Bấm đốt ngón tay, khoảng tháng hai, ba năm sau thì có tri huyện mới về. Ông này người ở thành Kim Đầu thuộc Lư Châu, họ Bao tên Chủng, tức tướng công Bao Long Đồ nổi tiếng mà người ngày nay truyền tụng. Sau ông làm quan tới Học sĩ các Long Đồ, cho nên gọi là Bao Long Đồ, còn tri huyện lúc này là buổi đầu mới nhận chức. Bao Công từ nhỏ thông minh chính trực, khi làm tri huyện mổ xẻ được những việc ám muội trong dân gian, phanh phui được những điều hồ nghi trong thiên hạ. Ông nhậm chức ba ngày đầu còn chưa làm việc, đêm nằm mơ thấy mình ngồi trên công đường, trên đó có dán đôi câu đối: "Muốn biết việc canh ba, gạt lửa mà xuống nước". Ngày hôm sau, Bao Công ra công đường, cho gọi hết những người giúp việc giấy tờ rồi đưa hai câu đó ra cho họ giải nghĩa, song không ai hiểu. Bao Công sai lấy cái thẻ bài trắng bảo viết đôi câu đối ấy lên, người viết lại chính là áp ty Tôn Bé. Viết xong, Bao Công cầm bút đỏ ghi ở đằng sau: "Ai giải được câu này, thưởng mười lạng bạc". Thẻ bài được treo ngoài cổng huyện, làm náo động cả đàng trước đàng sau huyện, cả người có chức và dân thường chen vai thích cánh tranh nhau vào xem trước chỉ vì mong được thưởng số bạc đó. Lại nói Vương Hưng đang đứng trước cổng huyện mua bánh táo ăn, nghe người ta kháo nhau quan huyện treo một thẻ bài trắng, trên có viết hai câu đối nhưng không ai giải nghĩa được. Vương Hưng bước lại xem, thấy đúng là câu viết trên giấy mà phán quan Ty tốc báo đưa cho, bèn thầm giật mình, nghĩ: "Nếu ra khai báo, quan huyện mới đến là người kỳ quặc, chỉ sợ lại trêu ngươi ông ta; nếu không khai báo, thì ngoài mình ra, chẳng có người thứ hai nào hiểu được lai lịch của hai câu đó". Mua bánh táo xong, Vương Hưng về nhà nói cho vợ biết chuyện ấy. Nghênh Nhi bảo chồng: - Áp ty ngày trước đã ba lần hiện thân bảo tôi trình bày nỗi oan khuất cho ông. Mình lại được ông cho không một gói bạc nữa, nếu không đi khai báo, e rằng quỉ thần đều trách. Vương Hưng vẫn còn do dự, bèn lại tới huyện, vừa lúc đó gặp ngay người hàng xóm là Khổng Mục họ Bùi. Thường ngày Vương Hưng đã biết Bùi Khổng Mục là người thạo việc, bèn kéo ông ta tới một ngõ vắng, đem việc đó bàn với ông ta, xem có nên khai báo hay không. Bùi Khổng Mục đáp: - Tờ giấy của phán quan Ty tốc báo hiện giờ ở đâu? Vương Hưng đáp: - Tang vật ấy hiện cất trong rương quần áo của vợ tôi. Bùi Khổng Mục bảo: - Tôi vào huyện bẩm quan thay anh trước, anh về nhà lấy mảnh giấy ấy đem lên huyện, đợi khi nào quan huyện gọi đến anh thì anh trình lên làm chứng cớ. Vương Hung bèn đi về nhà. Khổng Mục họ Bùi chờ Bao Công tan buổi làm, áp ty Tôn Bé không có ở bên cạnh, mới quì xuống bẩm rằng: - Bẩm quan, hai câu ngài cho viết trên thẻ bài chỉ có anh hàng xóm với con là biết được lai lịch. Anh ấy bảo Ty tốc báo miếu Đông Nhạc có cho anh ta một tờ giấy, trên giấy viết nhiều lắm, nhưng trong đó có hai câu này. Bao Công hỏi: - Vương Hưng hiện đang ở đâu? Bùi Khổng Mục đáp: - Bẩm anh ta đang về nhà lấy tờ giấy ấy. Bao Công liền sai người đi bắt Vương Hưng đến hỏi. Lại nói Vương Hưng về đến nhà, mở rương quần áo của vợ lấy tờ giấy đó đem ra coi thì ôi thôi, chỉ còn là tờ giấy trắng, chẳng còn một nét chữ nào. Anh ta không dám lên huyện nữa, nỗi lòng khó ngỏ, tránh mặt ở nhà. Công sai của quan huyện tới nhà, quan mới phủ mới, việc gấp như lửa, làm sao thoái thác được? Vương Hưng đành mang theo tờ giấy trắng theo công sai vào huyện, đến thẳng đằng sau công đường. Bao Công cho tả hữu lui hết ra ngoài, chỉ để lại một mình Khổng mục họ Bùi. Bao Công hỏi Vương Hưng: - Bùi mục có nói nhà ngươi nhận được một tờ giấy ở miếu Đông Nhạc, hãy trình lên cho xem. Vương Hưng khấu đầu lia lịa thưa: - Vợ con năm ngoái có đến miếu Đông Nhạc dâng hương. Khi tới trước Ty cấp báo thì vị thần ở đấy hiện ra đưa cho nhà con một mảnh giấy. Trên giấy có viết một số câu, trong đó có hai câu mà đại nhân đã viết lên thẻ bài. Chúng con cất tờ giấy đó trong rương quần áo nhưng vừa nãy lấy ra xem thì lại là một tờ giấy trắng. Này tờ giấy trắng đó còn đây, con không dám nói dối. Bao Công lấy tờ giấy lên xem rồi hỏi: - Những câu viết trên giấy ngươi còn nhớ được không? Vương Hưng đáp: - Con còn nhớ rõ ạ. Tức thì đọc lên cho Bao Công nghe. Bao Công viết ra trên giấy ngẫm nghĩ một lát rồi gọi: - Vương Hưng, ta hỏi ngươi, vị thần đưa mảnh giấy này cho vợ ngươi rồi có dặn câu gì nữa không? - Dạ, vị thần đó chỉ dặn trình bày nỗi oan giúp ông ấy thôi ạ. Vương Hưng đáp. - Nói láo! Đã là thần thì có nỗi oan nào không giãi bày được, sao vợ ngươi lại phải giãi bày giùm? Sao ông ấy lại phải nhờ đến ngươi? Những điều vớ vẩn như thế, ngươi định lừa ai? - Bao Công giận dữ quát lên. Vương Hưng vội vàng khấu đầu thưa: - Bẩm đại nhân, có duyên cớ đấy ạ. - Được, ngươi cứ kể thật kỹ. Kể mà có lý ta sẽ thưởng, nếu kể toàn là điều vô lý thì hôm nay ngươi là người mở hàng cho hèo gậy của ta đó. - Bao Công nói. Vương Hưng thưa: - Thưa đại nhân, nhà con nguyên là người hầu cho áp ty Tôn Lớn của bản huyện, tên gọi là Nghênh Nhi. Vì ông thầy bói đoán áp ty Tôn Lớn sẽ chết vào lúc canh ba lẻ ba ngày ấy tháng ấy năm ấy, quả nhiên đúng ngày giờ thì chết nên bà chủ con theo về với ông áp ty Tôn Bé hiện nay rồi gả Nghênh Nhi cho con làm vợ. Vợ con khi trước có nhìn thấy ông áp ty chủ cũ hiện thân ở dưới bếp nhà họ, trên cổ tròng dây kéo nước giếng; lưỡi lè ra, mắt ứa máu gọi: "Nghênh Nhi, con hãy giãi bày nỗi oan cho ta!". Lần thứ hai, vợ con đến cổng nhà họ Tôn lúc đã khuya lại gặp ông áp ty chủ cũ đội khăn phốc đầu bỏ múi, mặc áo bào đỏ thắt đai, cho vợ con một gói bạc vụn. Lần thứ ba, phán quan Ty tốc báo ở miếu Đông Nhạc hiện thân đưa cho vợ con tờ giấy này, lại dặn trình bày giùm nỗi oan cho ông. Hình dáng ông phán quan ấy đúng là áp ty Tôn Lớn, ông chủ của vợ con hồi trước. Bao Công nghe xong cười khà khà: - Thì ra là như thế! Tức thì sai tả hữu đi bắt hai vợ chồng áp ty Tôn Bé đến. Bao Công quát: - Các ngươi làm chuyện gớm thật! Áp ty Tôn Bé nói: - Tiểu nhân có làm chuyện gì đâu ạ? Bao Công liền giải thích lời lẽ trong mảnh giấy của Ty tốc báo: - "Con gái lớn, con gái bé." Con của con gái là ngoại tôn, tức cháu ngoại, cũng có nghĩa là ngoại lang họ Tôn, rõ ràng chỉ áp ty Tôn Lớn và áp ty Tôn Bé. "Người trước cày người sau được ăn" là nói nhà ngươi được hưởng không vợ anh ta và sản nghiệp của anh ta. "Muốn biết việc canh ba, gạt lửa mà xuống nước" là áp ty Tôn Lớn chết vào khoảng canh ba, muốn biết nguyên nhân cái chết thì "gạt lửa mà xuống nước". Nghênh Nhi thấy ông chủ hiện thân ở bếp, lưỡi thè lè, mắt ứa máu, ấy là hình trạng bị thắt cổ chết. Trên cổ tròng dây giếng, giếng là nước, bếp là lửa, nước ở dưới lửa, thế thì bếp nhà ngươi ắt xây trên miệng giếng, còn xác người chết ắt ở dưới giếng. "Tháng hai ba năm sao chính là hôm nay, "câu dĩ ắt giải được", thì hai chữ câu và dĩ ghép lại thành chữ Bao, ý nói hôm nay ta đến đây làm quan sẽ giải được lời báo, rửa oan cho áp ty Tôn Lớn. Phán xong, Bao Công gọi tả hữu: - Hãy cùng Vương Hưng giải Tôn Bé tới bếp nhà hắn. Bất kể thế nào cũng phải lấy được cái xác bị thắt cổ rồi về đây trình ta. Mọi người nửa tin nửa ngờ đến nhà họ Tôn dỡ bếp ra. Dưới nền bếp là một phiến đá, lật phiến đá lên là miệng giếng. Người công sai cho gọi thợ đấu đến tát cạn nước giếng. Dòng dây thả sọt cho người xuống vớt, vớt lên được một xác người. Ai nấy xúm vào xem, thấy nét mặt xác chết vẫn không nát, có người nhận được là áp ty Tôn Lớn. Trên cổ quả có dây thắt cổ. Áp ty Tôn Bé sợ quá, mặt như chàm đổ, không dám mở miệng. Ai nấy cũng kinh hãi. Thì ra áp ty Tôn Bé vốn là người bị chết cóng trong ngày tuyết lớn. Lúc ấy áp ty Tôn Lớn thấy có người ngã vì bị cóng mà lại là một thanh niên điển trai liền cứu cho sống lại, rồi dạy cho học viết công văn giấy tờ. Nào ngờ vợ áp ty có tình ý với anh ta. Hôm áp ty Tôn Lớn xem bói xong về nhà, vừa lúc đó áp ty Tôn Bé cũng đang lén lút ở nhà ông ta. Thấy nói áp ty Tôn Lớn ắt chết vào khoảng canh ba, nhân dịp này chúng chuốc rượu cho say mềm rồi ngay đêm ấy thắt cổ cho áp ty Tôn Lớn chết, xong ném xuống giếng. Áp ty Tôn Bé che mặt chạy ra khỏi nhà, vác một viên đá to ném xuống sông huyện Phụng Phù cho vang lên tiếng ùm. Lúc ấy ai cũng tưởng áp ty Tôn Lớn nhảy xuống sông chết. Sau đó chúng xây bếp đè lên miệng giếng, rồi mối lái thành vợ chồng. Công sai theo lệnh trở về bẩm với Bao Công. Hai vợ chồng Tôn Bé không khảo mà xưng, cả hai đều bị khép vào tội chết, đền mạng cho áp ty Tôn Lớn. Giữ chữ tín đối với người dân bình thường, Bao Công thưởng mười lạng bạc cho Vương Hưng. Vương Hưng biếu lại Khổng Mục họ Bùi ba lạng, không còn chuyện gì nữa. Vừa mới đến nhận chức, Bao Công đã tra xét ra vụ án này do đó mà tên lừng thiên hạ. Ngày nay người ta vẫn côn nói Bao Công ban ngày xử việc người, ban đêm xử việc ma. Có thơ làm chứng: Án đố trong thơ ai giải được. Bao Công xử án quỉ thần kinh. Tối tăm làm bậy này bao kẻ, Đừng ngỡ trời cao xét chẳng tinh...