Hôm ấy, trước công đường của quan huyện họ Địch, tiếng khóc như ri, một toán đàn ông đàn bà túm lấy một thanh niên chừng hai lăm, hai sáu tuổi, kêu oan suốt từ ngoài cửa vào tới bên trong, đi theo phía sau là một người đàn bà chừng bốn năm chục tuổi, khóc lóc càng thảm thiết hơn. Trông thấy Địch công đang ngồi trên công đường, cả bọn quì xuống trước án, ai nấy vừa khóc vừa kể làm Địch công không hiểu ra sao. Ông bảo viên lại trực nhật: - Ngươi hỏi đám người kia xem họ đến đây vì việc gì? Không cho nhiều người cùng nói, chỉ gọi một mình nguyên cáo lên hỏi, còn những người khác tạm thời cho lui để nghe cho được rõ ràng. Viên lại trực nhật vâng lệnh, đẩy đám người kia ra khỏi công đường rồi nói lại ý Địch công cho họ nghe. Có hai nguyên cáo theo viên lại này lên công đường. Địch công nhìn xuống, thấy một người là phụ nữ đã đứng tuổi, còn người kia là ông già tóc bạc. Hai người bước tới trước án thì quì xuống, người bên phải, người bên trái. Địch công hỏi: - Hai người tên họ là gì? Có oan ức gì hay chỉ đến thưa xằng? Người đàn bà đứng tuổi nói trước: - Tiểu phu nhân họ Lý, cha đẻ họ Vương, chồng là Tại Công, học trò bản huyện. Vì chồng chết sớm nên tiểu phu nhân ở vậy rau cháo nuôi một con gái duy nhất là Lê Cô, năm nay mười chín tuổi. Năm ngoái, ông Sử Thanh Lai người cùng huyện làm mối cho cháu làm vợ cậu Hoa Văn Tuấn, con trai vị cử nhân bản địa Hoa Quốc Tường. Hôm trước nhà trai chọn ngày lành đưa xe hoa đến đón dâu, chưa được ba ngày thì hôm qua cháu đã chết đột ngột. Tiểu phu nhân được tin khác nào được tin trời sập, vội vàng chạy tới xem sao. Nào ngờ thấy con gái cả người sưng mọng bầm tím, mắt mũi miệng tai đều ứa máu. Mắt thấy con gái chết có điều ám muội, hẳn là nhà trai mưu hại đó thôi. Đáng thương cho Tiểu phu nhân có một con gái, chỉ mong con rể trông nom cho êm ấm. Nay chuyện ra như thế, đành khổ sở kêu van quan trên soi xét, làm sáng tỏ cho. Nói xong, người đàn bà cất tiếng khóc lóc, lăn lộn trên đất. Địch công vội vàng sai người đàn bà đi theo đỡ dậy. Địch công quay sang hỏi ông già: - Ông là Hoa Quốc Tường phải không? Ông già đáp: - Thưa vâng. Địch công nói: - Chồng đẹp vợ xinh vốn là việc vui của đời người, làm sao con dâu mới cưới được ba ngày mà ông đã mưu hại? Hoặc là bố mẹ chồng ngược đãi nàng dâu, hoặc là gia giáo nhà ông không nghiêm, để cho con trai gây nên chuyện phi pháp đó? Ông cứ thực khai ra, bản huyện sẽ tới hiện trường khám nghiệm. Địch công chưa nói xong mà Hoa Quốc Tường đã đầm đìa nước mắt, thưa: - Cử nhân là con nhà thi lễ, đâu dám ngược đãi con dâu. Con trai tôi là Văn Tuấn tuy chưa chiếm được công danh nhưng cũng là học trò ứng thí. Hơn nữa cháu đang vui đêm tân hôn, vợ chồng hòa thuận, đâu nỡ hạ độc thủ như vậy? Chỉ có điều nhân ngày vui hôm trước buổi tối sau khi vợ chồng cháu vái chào nhau xong, lúc ấy khách khứa đầy nhà, rất nhiều bạn bè trẻ tuổi của cháu muốn quấy đảo phòng tân hôn. Cử nhân tôi thấy đó là chuyện vui đùa của bọn trẻ nên không tiện ngăn cản. Nào ngờ trong số đó có tên Hồ Tác Tân cũng là học trò bản huyện, vốn là bạn đồng song với con trai tôi, thường ngày hắn là người thích đùa bỡn nhất. Khi ấy hắn thấy con dâu tôi có mấy phần nhan sắc, hẳn là sinh lòng đố kị nên bình phẩm từ đầu tới chân không chịu thôi. Cử nhân tôi thấy đêm khuya sắp sang canh, e lỡ mất giờ tốt của hai cháu bèn mời bọn trẻ lên thư phòng uống rượu. Chẳng ngờ bọn đó đồng thanh đòi vào tân phòng đùa bỡn. Sau đó có người dàn hòa, bắt cô dâu phải uống ba chung rượu để tỏ ý xin tha. Bọn trẻ đều đồng ý, chỉ riêng tên Hồ Tác Tân nhất định không chịu. Sau đó cử nhân tôi nói nặng lời mấy câu, hắn xấu hổ bèn giở mặt, giận dữ nói: "Xưa nay không ai cấm đoạn bạn bè náo loạn tân phòng cho vui, ông già rồi mà sao không hiểu điều đó. Trong ba ngày nữa, tôi sẽ cho ông biết thế nào là lợi hại!”. Bấy giờ cử nhân tôi cũng nghĩ là hắn nói đùa, ngày hôm sau lại mời hắn đến uống rượu. Ai ngờ hắn tâm địa hẹp hòi, để bụng hận thù, không biết làm thế nào bỏ được thuốc độc vào ấm trà trong phòng tân hôn. Tối hôm qua cháu Văn Tuấn may mà chưa uống trà nên mới thoát chết. Con dâu tôi không biết uống trà lúc nào nên đã uống phải thuốc độc. Chưa được ba canh giờ, cháu đau bụng dữ dội, khiến cả nhà lúc ấy đầu trở dậy thăm nom rồi vội vàng mời thầy thuốc đến cứu. Vào khoảng canh tư thì tính mệnh cháu đã ôi thôi! Đáng thương cho cháu, một người đẹp như hoa tựa ngọc thế mà bị tên Hồ Tác Tân bỏ thuốc độc cho chết. Cử nhân tôi là người trong hàng thân sĩ mà gặp phải tai họa này, cúi xin quan lớn tra xét giúp cho. Nói xong, ông già cũng khóc rống lên. Địch công nghe hai người khai xong, hỏi: - Cứ theo như lời hai người thì vụ án mạng này rõ ràng do tên Hồ Tác Tân gây ra, nhưng không biết tên này đã bỏ trốn hay chưa? Hoa Quốc Tường nói: - Hiện chúng tôi đã túm hắn đến đây, đang chờ ở ngoài cổng. Địch công lập tức cho điệu Hồ Tác Tân vào xét hỏi. Lệnh vừa truyền ra thì từ ngoài cũng đã có một người đàn bà cũng trạc bốn năm chục tuổi dắt một anh con trai, luôn miệng gào khóc, đi vào tới trước án thì quì xuống. Địch công quát hỏi: - Người có phải là Hồ Tác Tân không? Chàng trai trẻ quì bên dưới đáp: - Học trò chính là Hồ Tác Tân. Địch công lại quát: - Khen cho ngươi còn dám tự xưng là học trò! Ngươi đã là học trò sao còn chưa biết lễ của Chu Công? Những việc hiếu hỷ, con gái gả chồng, con trai đến tuổi đội mũ đều có lễ nghi nhất định, ngươi sao dám hành động vượt thân phận mình, vô lễ đến náo loạn tân phòng. Hoa Văn Tuấn lại là bạn đồng song với người, vợ chồng là nhân luân lớn của con người, sao ngươi dám thấy vợ người xinh đẹp thì tức, tức rồi sinh ghen ghét, ngấm ngầm làm hại? Mạng người liên quan đến trời, xem ra việc ngươi làm phụ lòng trời rồi. Hôm nay hai người kia đến đây tố cáo, bản huyện xét việc sáng suốt như thần, ngươi hôm ấy vì sao manh tâm, bỏ thuốc độc như thế nào, hãy mau mau khai ra, may chi bản huyện có thể lượng tình, giảm nhẹ khi luận tội. Nếu ngươi tự cho là tú tài, cậy mình có bùa hộ mệnh, không ai được khảo đả hỏi tra thì ngươi tự chuốc lấy khổ sở đó! Bản huyện cũng xuất thân từ khoa cử, mười năm đèn sách bên song lạnh, làm được tới huyện lệnh nơi này thì dù những đứa bất hiếu, tham lam gặp phải vụ trọng án này, ta tuy có quốc pháp song cũng có tình người, không cho ai có quyền bênh che. Vả chăng bản huyện đã nói là pháp luật làm theo liền. Chỉ thấy Hồ Tác Tân đầm đìa nước mắt, bò rạp trên đất, thưa: - Xin quan lớn dẹp bớt lôi đình để nghe học trò thưa kỹ. Việc quấy đảo tân phòng hôm ấy tuy học trò có đùa cợt thật, nhưng chẳng qua cũng chỉ là tuổi trẻ hăng máu, đùa bỡn theo mọi người mà thôi. Lúc ấy, khách khứa bè bạn trong nhà họ Hoa có tới ít nhất cũng ba bốn chục người. Học trò thấy ông Hoa Quốc Tường không xin người khác miễn cho, lại chỉ ngăn cản một mình học trò. Học trò sợ lúc ấy mình nhận lời với ông già ắt làm mọi người mất hứng cho nên không nhận lời ông. Ngờ đâu ông bỗng nhiên giở mặt mắng học trò. Học trò đứng trước mặt ông mà bị ông mắng ngay giữa mặt, không còn nể tình chút nào, vì vậy vô tình nói một câu đùa bỡn như vậy, cho ông cụ phòng bị trong ba ngày, chẳng qua cũng chỉ mượn thế cho qua chuyện mà thôi. Vả chăng hôm sau ông cụ Hoa lại mời học trò tới uống rượu, dù có hiềm khích thì như vậy cũng đã giảng hòa rồi, sao học trò còn dám làm điều phi pháp, bỏ thuốc độc hại mạng người nữa? Học trò đứng trong hàng kẻ sĩ, há lại không biết phép nước rõ ràng, lưới thưa nhưng không bỏ sót? Huống hồ trong nhà học trò còn có mẹ già, vợ trẻ, con thơ, đều nhờ học trò dạy học sống qua ngày, sao nỡ để chuyện phi pháp đó làm lụy đến cả nhà? Nếu bảo học trò có lòng ghen ghét thì ghen ghét can gì đến vợ nhà người? Cho dù ghen ghét thì mưu chiếm vợ người mới phải. Kẻ phi pháp đã có kế gian, nhất định không khi nào lại bỏ thuốc độc cho người ta chết. Còn như quan lớn bảo học trò không được đùa bỡn vượt lễ phạm qui thì học trò xin chịu trách mắng; nếu bảo học trò mưu hại chết người thì học trò thực là oan uổng, cúi xin quan lớn xét cho. Người trai trẻ nói xong, người đàn bà đứng tuổi quì bên ngẩng đầu kêu oan, khóc mãi không nín. Địch công hỏi ra mới biết người đó là mẹ của Hồ Tác Tân, góa chồng từ hồi con còn bé, ở vậy nuôi con khôn lớn. Vì con nói đùa mà phải vạ, bà sợ con vào công đường bị khổ nên đi cùng con vào xin Địch công xem xét. Địch công nghe xong lời khai của ba người, trong lòng hồ nghi không quyết định được, thầm nghĩ: "Hai nhà họ Hoa, họ Lý thấy con gái, con dâu đột tử, tất nhiên đều sốt ruột đến tố cáo là điều tất nhiên. Chỉ riêng việc Hồ Tác Tân dính líu vào, kêu rằng anh ta ghen ghét rồi mưu hại thì còn hồ nghi lắm. Chưa nói không có lý nào người quấy đảo tân phòng lại đi giết người, mà xét nhân phẩm của anh chàng này thì cái cách đùa bỡn phong lưu nho nhã ấy không thể của kẻ giết người được. Vả chăng lời anh ta vừa nói thật là chí tình chí lý, bởi vậy việc này ta không thể vội vàng tin ngay lời tố cáo được?". Nghĩ một lát, Địch công bảo bà lấy chồng họ Lý: - Con gái bà lấy chồng chưa được ba ngày đã chết đột ngột. Tuy chết không được rõ ràng nhưng theo lời Hoa Quốc Tường cung khai thì không phải do nhà ông ấy giết hại. Còn nếu Hồ Tác Tân náo tân phòng mà đến nỗi bỏ thuốc độc hại người thì việc này lấy ai làm bằng? Bản huyện không thể nghe theo lời một bên nào mà cho là sự thực được. Các người hãy tạm lui về; cần khai thêm thì chuẩn bị sẵn, ngày mai ta sẽ tới nơi khám nghiệm, lúc ấy mới có thể xét đúng sai. Hồ Tác Tân không dưng gây chuyện, bị chỉ là kẻ đầu sỏ, giao về cho nhà học của huyện trông coi, ngày mai nghiệm xác xong sẽ hỏi đến. Lý thị vốn là con nhà thế gia, hiểu phép tắc nơi cửa công là sau khi khám nghiệm xong mới đối chất, nên cùng lui ra theo Hoa Quốc Tường, lên kiệu về nhà, đợi tin khám nghiệm ngày hôm sau. Chỉ riêng người mẹ của Hồ Tác Tân thấy con bị giao cho nhà học của huyện trông giữ, bất giác trong lòng chua xót, khóc rống lên. Nhưng quan huyện đã ra lệnh như thế còn biết làm sao, bà đành đứng nhìn con đi khuất rồi mới về nhà, chuẩn bị hôm sau trình bày khi quan gọi đến. Lại nói Hoa Quốc Tường về đến nhà biết rằng khi nào khám nghiệm thì người xem chen vào rất đông, đành bảo người nhà chuyển đồ đạc trên sảnh cùng nhà trước nhà sau cho quang quẻ. Đằng trước đằng sau phòng tân hôn đều dựng mái che, tuy biết đồ đạc trong phòng tất bị làm hư hỏng, song đây là vụ trọng án, ông không thể làm khác được. May mà ông còn là người trong khoa bảng, bọn sai dịch địa phương không dám sách nhiễu lôi thôi. Cả nhà họ Hoa bận rộn suốt đêm, chỉ riêng Hoa Văn Tuấn thấy người vợ xinh đẹp mới ân ái có hai đêm đã đột ngột chết uổng thì khóc thương đến mức chết đi sống lại. Còn bà Lý thương xót con gái cũng đến nhà họ Hoa khóc ròng. Tai họa này thật khiến cho quỉ thần cũng chẳng được yên. Ngày hôm sau, chức dịch địa phương cùng viên lại trực nhật đến trước bố trí, kê bàn xét xử trên sảnh rồi cho mở tất cả cửa lớn cửa bé để tiện nghiệm xác ở sân trước, tiện việc đối chất với lời khai. Tất cả những đồ dùng cần đến đều được chuẩn bị đầy đủ. Lúc ấy Hoa Quốc Tường lại nhờ một người bà con tin cậy chuẩn bị sẵn một cỗ quan tài cùng quần áo vải vóc, đồ trang sức để sau khi khám nghiệm thì nhận xác về đem chôn. Chuẩn bị xong, đã đến gần trưa. Nghe thanh la ngoài cổng gõ vang, biết Địch công tới nơi khám nghiệm, Hoa Quốc Tường vội vàng chỉnh lại mũ áo cùng con trai ra cổng nghênh đón. Bà Lý đang khóc lóc vội lui vào phía sau. Địch công xuống kiệu trước nhà, bước lên trên sảnh. Quốc Tường mời quan huyện ngồi vào bàn, gia nhân dâng trà, Văn Tuấn bước tới lạy chào xong xuôi. Địch công thấy đó là con trai Hoa Quốc Tường thì nhìn ngắm một thôi, thấy chàng trai này cùng là thư sinh học hành nho nhã, trong lòng càng không biết phán quyết ra sao, đành hỏi chàng trai: - Vợ ngươi về nhà chồng mới được ba ngày, tối hôm kia lúc nào ngươi về phòng tân hôn? Lúc vào phòng ngươi thấy vợ ngươi thế nào? Sau đó làm sao biết trong ấm trà có thuốc độc, vợ ngươi uống lầm mà bỏ mạng? Văn Tuấn thưa: - Nhân ngày vui, họ hàng thân thích đến chúc mừng, nên học trò vâng lệnh cha mẹ tới các nhà cảm ơn. Khi trở về người đã mỏi mệt, gặp lúc khách khứa lại tới nhà, học trò đành vâng lệnh đón tiếp chu đáo, lúc khách ra về đã là canh hai. Học trò lập tức tới thăm hỏi mẹ cha rồi mới về phòng. Lúc này vợ học trò đang ngồi bên mép giường, thấy học trò về liền sai cô phù dâu rót hai chén trà đặc để hai vợ chồng cùng uống. Vì học trò sau khi nhìn xong đã uống trà ở thư Phòng và trong buồng cha mẹ rồi nên không uống nữa. Vợ học trò uống chén trà đó rồi vào giường đi ngủ. Tới canh ba, học trò đang ngủ say thì loáng thoáng nghe tiếng vợ kêu đau, học trò tưởng cô ấy bị lạnh mà đau bụng, nào ngờ càng ngày càng đau, kêu la không dứt. Đang tính sai người đi mời thầy thuốc thì đến canh tư, vợ học trò đã qua đời. Sau đó truy hỏi nguyên do mới biết cô ấy đau bụng là vì uống chén trà kia. Học trò tôi xem ấm trà thì nước trà đã thành màu đen thẫm, há lại không do trúng độc hay sao? Địch công nói: - Nói như thế thì hôm kia lúc đến phá quấy, Hồ Tác Tân có vào phòng tân hôn hay không? Văn Tuấn thưa: - Học trò đi ra khỏi nhà đến tạ ơn khách từ trước trưa nên không được rõ. Hoa Quốc Tường lập tức nói: - Trước trưa, anh ta cùng mọi người có vào phòng tân hôn. Địch công hỏi: - Trước trưa có vào phòng tân hôn, vậy ấm trà ấy đặt ở chỗ nào? Sau trưa, con dâu ông có uống trà không? Người pha trà là ai? Hoa Quốc Tường bị Địch công hỏi liền mấy câu, không trả lời được cuống quít giậm chân khóc rằng: - Nếu cử nhân này sớm biết có tai họa ấy thì khi đó đã chú ý lưu tâm đến mọi việc rồi. Vả chăng con dâu mới cưới, những việc lặt vặt ấy cũng không tiện hỏi đến nên không được biết rõ ràng. Chỉ biết rằng tên Hồ Tác Tân kia vốn hay đùa bỡn, trước hôm cưới đã lúc vào lúc ra. Hắn để bụng hại người bằng thuốc độc thì tất nhiên không để cho ai trông thấy. Huống hồ đến canh hai, hắn mới cùng mọi người ra về, không chừng sau nửa đêm lén bỏ thuốc độc ngay trước đèn cũng nên. Việc này xin nhờ quan lớn khảo tra hắn, tự nhiên hắn phải khai nhận ngay. Địch công phán: - Việc này không phải trò trẻ, trọng án liên quan đến mạng ngươi sao có thể chỉ tin chắc ý kiến một bên mà không nghi ngờ gì? Cho dù xưa nay Hồ Tác Tân có hay đùa bỡn, nhưng hai ngày nay các cô phù dâu đều ở trong phòng, hắn dám hạ thủ được sao? Việc này e rằng có cơn cớ khác, nay hãy gọi phù dâu ra cho bản huyện hỏi xem sao. Hoa Quốc Tường thấy quan huyện biện bác hộ cho Hồ Tác Tân thì ngờ quan có ý bao che cho hắn, bất giác cuống lên nói: - Quan lớn là cha mẹ dân, làm quan ăn lộc lẽ ra phải minh oan cho dân, lẽ nào cử nhân tôi rắp tâm vu hại cho Hồ Tác Tân? Nếu quan lớn nói hắn không chắc đã bỏ thuốc độc hại người rồi cứ thế mà hàm hồ cho xong việc hay sao? Cử nhân tôi đang ở trong hàng thân sĩ, xảy ra án này mà quan lớn còn dềnh dàng như thế, nếu là dân thường há chẳng để cho oan chìm đáy biển hay sao? Nếu đúng như thế thì thường ngày quan cũng chỉ có hư danh mà thôi! Địch công thấy ông ta nói bừa bãi, song hiện đang là khổ chủ nên không tiện nổi giận, chỉ đành bảo: - Bản huyện không phải không muốn xử vụ này. Lúc này đang tra hỏi cũng chính là muốn minh oan cho con dâu ông đấy thôi. Nếu chỉ nghe lời ông, đưa Hồ Tác Tân ra khảo đả, thế nếu anh ta cũng oan thì ai là người minh oan cho anh ta? Phàm việc gì cũng phải xét rõ, vả chăng lúc này còn chưa khám nghiệm, cớ sao ông nóng vội như vậy? Bản huyện phải hỏi người đưa dâu mới được . Địch công liền sai nha dịch vào trong nhà giải lên. Hoa Quốc Tường bị quan nói cho như thế, đành vâng theo lời quan dạy. Chỉ trong nháy mắt, người đưa dâu đã tới quì dưới đất. Địch công hỏi: - Ngươi là người đưa đâu chăng? Hay là người hầu của nhà họ Lý đi theo sang đây? Hay là người hầu của nhà bên này? Mấy ngày nay trong phòng tân hôn, người ra người vào nhiều, sao ngươi không cẩn thận trông nom? Người này thấy Địch công nói năng dữ dằn thì sợ run lên, cúi đầu thưa rằng: - Nô tì họ Cao, họ con gái là Trần, từ nhỏ chịu ơn của Lý phu nhân, nuôi dưỡng trong nhà làm người hầu. Sau lại đội ơn bà cho lấy chồng họ Cao tên Khởi, vợ chồng đều cùng làm người hầu của nhà họ Lý. Gần đây vì vợ chồng Lý lão gia nối nhau qua đời, Lý phu nhân gả chồng cho tiểu thư, thấy nô tì là người hầu cũ nên cho đi theo bầu bạn, không ngờ đêm hôm kia xảy ra cái vạ đó. Tiểu thư con chết không rõ ràng, cúi xin quan lớn tra hỏi Hồ Tác Tân cho rõ.