Đấng mày râu, nhân vật anh hùng xưa nay hiếm có. Gặp nguy nan, lòng những thương gái nhỏ. Không hổ thẹn thanh danh hào hiệp nơi gác tía lầu son. Nổi giận mắt trừng gian tà khiếp vía, quỷ quái yêu ma tức thời bị diệt. Hả hê cười nói ra về, lòng can đảm sáng trong như tuyết. Thư hẹn tòng quân, gươm sắc đeo lưng diệt trừ ác nghiệp. Mật kế không thành, nhà ngục che mờ nhật nguyệt. Cứu vớt gái quê lầu son môi tỏ, đấng mày râu, son phấn. Công lao ghi sử sách, đến nay thiên hạ vẫn lưu truyền. Hữu Điệu ký "Niệm nô kiều” Người xưa nói: "Làm ơn không mong đền đáp". Có lẽ người mong báo đền thì lúc nào cũng tính toán, người ấy đền đáp ta cái gì, rồi sau mới làm ơn. Người chịu ơn cũng sẽ tính ngược lại, người ấy đã làm ơn mình cái gì để mà báo đền. Bởi thế mà tình cảm không sâu sắc. Cái đó gọi là quan huyện buôn bán, sau này tất dẫn đến hiềm khích. Muốn được ơn trước rồi sẽ lo trả ơn sau, thì làm sao mà có được? Chỉ có vợ chồng mới khẳng khái cứu vớt nhau lúc khó khăn hoạn nạn, coi đó là bổn phận của mình, không khoe khoang kể lể công lao, tuy không mong báo đền, song người ta lúc nào cũng canh cánh bên lòng, tìm cách báo đền. Cứu người thì người khác cứu mình. Vậy cứu người cũng chính là tự cứu mình. Thời Vạn Lịch, có một vị công tử hào kiệt, tên là Tăng Anh, tự Chí Viễn, quê Tứ Xuyên. Cha làm phó sứ Hà Nam, sau khi nghỉ việc, thấy Lạc Dương là nơi trung tâm trong thiên hạ, bèn chuyển gia đình tới sống ở đấy. Mới mười ba tuổi, cha mẹ qua đời, ba năm mãn tang, năm mười bảy tuổi thì đỗ tú tài. Tuy công tử theo nho học, song không bị sách vở ràng buộc, nhà giàu có lại có tấm lòng khẳng khái, ai có việc cần cứu giúp anh đều sẵn lòng. Anh lại có sức khỏe kì lạ, hai tay có thể nâng bổng được ngàn cân, thích sống tại một trang trại ở ngoài thành. Vào mùa xuân, mùa hạ thì anh đọc sách; mùa thu, mùa đông thì săn bắn. Là người sống phóng khoáng, nhưng lại thường nức nở khóc than rằng trên đời này không có ai tri kỉ. Đã hai mươi tuổi, anh vẫn chưa có người nâng khăn sửa túi. Tuy cha đã qua đời, song những học trò tiếng tăm của cha vẫn còn, những vị quan to thời ấy, nếu không là bạn đồng khoa, thì cũng là bạn cũ của ông. Là người còn trẻ lại có tài, những nhà giàu có quyền quý đều muốn anh làm con rể. Công tử rất khác người, ai nói tới việc hôn nhân, anh đều cảm ơn, rồi chối từ. Có người hỏi vì sao, công tử cười trả lời rằng: - Trượng phu phải có chí lớn bốn phương, việc lớn đang bề bộn, sao lại tham lam cuộc sống yên lành. Vả lại người xưa thường nói, ba mươi mới thành lập gia đình, năm nay mới hai mươi, vẫn còn sớm chán. Bởi thế những người mối lái cũng không đến quấy rầy anh nữa. Một đêm, công tử chong đèn đọc sách, vào lúc trước canh hai, đang định lên giường ngủ, nghe thấy đằng sau có tiếng hò hét. Tưởng nhà cháy, công tử vội mở cửa phòng chạy ra xem. Người nhà nói rằng: - Bắt được một tên trộm tại kho phía sau. - Bắt tới đây cho ta. - Công tử nói. Thế rồi công tử ra nhà khách, thấy mọi người túa đến như ong vỡ tổ, giải tên trộm đến, quỳ trước mặt công tử. Công tử hỏi: - Ngươi ở đâu mà dám đến nhà ta ăn trộm? - Con là người Quý Châu, - người ấy đáp, - tới đây tìm người nhà nhưng không gặp, không còn tiền để về. Đêm qua thấy cửa trang trại bỏ ngỏ, cho nên con đã lẻn vào định ăn trộm ít đồ đạc bán đi để lấy tiền về, nhưng chưa lấy được gì thì bị bắt. Mong ông thương tình tha cho. - Ngươi đã lấy trộm mấy lần rồi? - Công tử hỏi. - Đây là lần đầu, - người ấy vừa khóc vừa nói, - thì bị bắt. - Nếu ta giải lên quan trị tội, - công tử nói, - thì hại cả đời ngươi, ngươi mãi mãi mang tiếng là tên ăn trộm, nên ta tha cho. - Xin cám ơn ông, - người ấy nói, - sau này dù tôi có chết đói cũng không ăn trộm nữa. - Chỉ sợ đói không chịu nổi, - công tử nói, - lại đi vào con đường ấy - Bây giờ thì con phải vừa đi vừa xin ăn để về quê, xin cảm ơn tấm lòng cao thượng của ngài. Công tử bảo người nhà cởi trói, rồi lấy ra mười lạng bạc, nói: - Ta nghĩ, ngươi là người nơi khác, ta cho ngươi mười lạng bạc để lấy tiền ăn đường. Từ nay về sau hãy học làm người tốt nhất định không đi theo con đường này nữa. Người ấy phủ phục xuống đất lạy tạ công tử. Công tử nói: - Đừng làm thế, ta chỉ mong ngươi trở thành người tốt, thôi hãy đi đi. Rồi sau đó bảo người nhà dẫn anh ta ra lối cửa sau. Người ấy lại định cúi đầu tạ ơn, thì công tử đã đi vào nhà trong. Mọi người hỏi công tử rằng: - Bắt được trộm, sao công tử không giải lên quan trừng trị mà lại tha cho họ, rồi còn cho tiền họ nữa? - Ta thấy anh ta rách rưới, xanh xao gầy gò, - công tử nói, - đúng là anh ta cùng túng quá phải làm liều, chứ không phải chuyên trộm cắp, cho anh ta một ít lộ phí để anh ta về quê hương, trở lại làm người lương thiện, sao lại bảo là không lợi? Người xưa nói: "Cứu người phải cứu đến cùng". Chính là như thế đó. Cần phải biết rằng người ấy lần đầu tiên ăn trộm bị các người bắt được. Nếu gặp kẻ trộm nhà nghề, nó cuỗm đi một mẻ to, thì cũng đến báo quan truy nã mà thôi. Còn người này lần đầu phạm pháp, nếu giải lên quan, thì sẽ lộ rõ tung tích, dù anh ta có hối cải thì hằng ngày cũng bị họ truy lùng theo dõi, nhất định sẽ dồn anh ta đến đường cùng. Anh ta suốt đời làm trộm cướp, chẳng hóa ra ta bảo anh ta cứ đi ăn trộm ư? Thôi thì đáng tha thì tha, để cho anh ta trở thành người tốt chẳng hóa hơn sao. Nói một hồi lâu, mọi người mới gật đầu cho như thế là phải rồi đi ra. Tới hôm sau, nhân ngày sinh nhật của Thái thú Quy Đức, công tử muốn đi mừng thọ, dặn lại người nhà rằng: - Lần này ta phải đi quanh quẩn tới mấy ngày, các người ở nhà cần hết sức chú ý, đừng để xảy ra việc gì. Dặn dò người nhà xong, công tử cùng mấy gia nhân đi theo gánh lễ vật lên đường. Ở thôn Tích Thiên, huyện Linh Lăng, phủ Quy Đức, có một người dân thường tên là Lục Tất Đại, vợ là Trương thị. Hai vợ chồng chỉ sinh được một người con gái. Nhà có mấy chục mẫu ruộng, đều tự trồng cấy lấy, lúc nông nhàn thì buôn bán chêm pha, cuộc sống cũng tạm gọi là khá giả. Con gái họ là Kim Thư, tuy là dân thường, nhưng tính nết dịu dàng, giỏi may vá thêu thùa. Trương thị thấy con xinh xắn, bèn bó chân cho con. Đến năm mười bảy tuổi, cô xinh đẹp hẳn lên. Hằng ngày cô chăm chỉ đỡ đần cha mẹ, chưa từng bao giờ xa nhà. Một hôm, có cô gái láng giềng đi dâng hương về, tới nhà họ Lục hớn hở nói: - Cách đây chừng một dặm, có một am ni cô là nơi rất vắng vẻ tĩnh mịch, ni cô khá đông, họ đều hòa nhã. Trong am có nhiều cảnh đẹp, như động tiên. Đấy là nơi du ngoạn tuyệt vời, bà và cô sao không tới mà xem. Nói xong cô ra về. Kim Thư còn tính trẻ con, nói với mẹ rằng: - Con nghĩ, nơi ấy người ta đi được thì mẹ con mình cũng đi được. Mẹ nói với cha nhà mình đi một chuyến cũng hay. - Mẹ cũng đã nghe quanh đây có một vài am ni cô, Phật Bồ Tát rất thiêng. Hôm nào tốt ngày ta mua hương nến tới đó lễ. Xưa nay con chưa đi đâu bao giờ, lần này cũng nên đi vãng cảnh. Một lát sau, Lục Tất Đại trở về, người vợ bèn xin chồng đến am lễ Phật. Tất Đại nói: - Dâng hương là việc bình thường, hai mẹ con bà đi thì đi. Tất Đại không muốn trái ý vợ, lại thấy con gái rất thích thú, nên không nỡ ngăn cản họ. Ai ngờ lần đi này lại gây ra tai vạ. Am có bốn ni cô, họ đều không giữ phép tu hành, chuyên tới các nhà giàu có kết thân với những thí chủ là quan to, suốt ngày họ quần là áo lượt, bài trí phòng ở cực kì sang trọng. Trong am thường có một lớp đồ đệ du đãng trẻ tuổi, biến nơi tu hành thành nơi trêu hoa ghẹo nguyệt, cho nên không cầu xin bố thí mà người ta vẫn mang đến, tuyệt nhiên không phải đi đâu khuyên giáo. Sư nữ trụ trì am, pháp danh là Tĩnh Tu, trạc dưới ba mươi tuổi, nói năng hoạt bát, thái độ nhã nhặn, đối nhân xử thế, tiếp đãi khách khứa tới thăm hết sức lịch thiệp và tỏ ra hiểu biết. Tĩnh Tu sống thân thiết với Cố Khắc Xương, một gã nhà giàu có trong thành. Cố Khắc Xương là tên dâm đãng và hiếu sắc, trong nhà có cả thê lẫn thiếp mà hắn vẫn chưa thỏa mãn. Hắn thường ra ngoài hái hoa bẻ liễu. Thấy Tĩnh Tu lẳng lơ phóng đãng, hắn kết bạn chơi bời. Một tháng có tới mười lăm ngày hắn ngủ qua đêm tại đây. Khắc Xương lại cậy có của, kết giao với bọn hào bá, ra vào cửa quan, khinh rẻ, áp bức người lương thiện. Bởi thế hắn đi lại trong am rất tự do, không hề một ai dám làm phiền. Tĩnh Tu cũng biết mình là người không đoan chính, nên dùng quà cáp kết thân với những người láng giềng quanh am. Những người nhà quê thường tham chút lợi nhỏ, cho nên ai cũng khen, không dám chê Tĩnh Tu. Lục Tất Đại, tuy cách đó không xa, nhưng sống yên phận, không quan tâm đến những việc đâu đâu, nên không biết họ xấu xa thế nào. Hôm ấy, hai mẹ con dậy sớm trang điểm rồi đi dâng hương. Vừa tới cửa am, ni cô ân cần tiếp đón. Sau khi lễ Bồ Tát xong, hai mẹ con được các sư cô mời dùng trà, và dẫn đi thưởng ngoạn cảnh trí trong am. Quả nhiên thấy hành lang thăm thẳm, phòng ốc quanh co, trong sạch thanh nhã, đồ vật trong phòng sang trọng bày biện ngăn nắp chỉnh tề, khác hẳn với nhà mình. Mẹ con hết lời thán phục. Ai ngờ, đêm qua Khắc Xương cũng ngủ tại đây, hoa nguyệt suốt đêm, vừa mới dậy, nghe thấy có khách đến hành hương, bèn ra nhìn trộm. Hắn thấy một người phụ nữ trung tuổi, dáng vẻ nông thôn, theo sau là một cô gái mười sáu, mười bảy tuổi, dung nhan xinh đẹp, dáng người thùy mị, phút chốc hồn vía chơi vơi, hắn rạo rực khát khao thèm muốn. Sợ rằng cô gặp phải đàn ông, nên hắn lén lút nấp vào một phòng kín nhìn trộm qua khe hở. Ni cô biết ý, dẫn cô ngồi vào ghế giữa, rồi bày đồ điểm tâm. Mẹ con nhà họ Lục thích nơi đây vắng vẻ tĩnh mịch, còn những ni cô thì cứ một điều bà, hai điều cô, luôn mồm tâng bốc, khiến hai mẹ con càng thích thú, cười nói vui vẻ thân mật. Kim Thư vui mừng hớn hở, khiến cô càng trở nên xinh đẹp. Trong phòng nhòm ra, Khắc Xương thèm khát, người hắn bừng bừng rậm rật. Người xưa nói: "Tình nhân trước mắt giống Tây Thi". Hơn nữa Kim Thư là người nhan sắc tuyệt vời thì sao mà Khắc Xương không chết mê chết mệt. Hai mẹ con ngồi một lúc lâu, biếu lễ vật rồi xin phép ra về. Tĩnh Tu giữ lại dùng cơm chay. Trương thị nói: - Ở nhà không có người trông nom, xin để hôm khác lại tới vãn cảnh. Những ni cô tiễn chân ra khỏi am rồi từ biệt. Khắc Xương gặp Tĩnh Tu, oán trách rằng: - Sao không giữ họ lại chơi, mà để họ về! - Nhìn trộm mãi, - Tĩnh Tu nói, - vẫn chưa chán hay sao? Cô ta chẳng qua cũng là người chứ có phải báu vật Tây Dương đâu mà nhìn không chán! - Đúng là báu vật, - Khắc Xương cười nói, - chỉ nhìn suông mà người cứ rạo rực cả lên. Tôi phải lấy cô ta làm thiếp, cô bảo nhà nó có chịu gả không? Tĩnh Tu vỗ vai Khắc Xương nói: - Cô ta là con gái Lục Tất Đại ở Tiền Thôn, nhà cũng khá giả đầy đủ, họ chẳng chịu bán con gái đi làm vợ bé đâu. Còn chúng em đây tha hồ mà chơi bời. - Cô không ghen đấy chứ, - Khắc Xương nói, - thư thả rồi tôi sẽ bàn với cô. Nếu như cô ta không chịu làm thiếp, thì lấy về làm vợ và mỗi người ở một nơi, như thế có được không? - Đúng là "mèo thấy mỡ", không biết anh có may mắn được hưởng thụ không! Rồi họ nhìn nhau cười. Khắc Xương cơm trưa xong, nói là có việc rồi về thành. Dọc đường hắn nghĩ miên man: “Vớ được con ấy cũng không uổng phí một đời". Dò được Lục Tất Đại có một người bạn trong thành, hắn bèn nhờ anh ta làm mối, tình nguyện làm người ở rể, sẽ phụng dưỡng bố mẹ vợ suốt đời. Người ấy đi rồi quay về nói: - Tôi đã thăm dò, ông ta cần một người con rể tương xứng về tuổi tác và có tài năng, nếu chỉ là nhà giàu thôi thì ông cũng không muốn gả. Xem ra có nói cũng bằng thừa. Khắc Xương nghĩ rằng: "Hắn cậy có cơm ăn cho nên không gả con gái cho ta, trừ phi phải làm hắn nghèo khổ, thì buộc hắn phải bán con gái làm thiếp. Nhưng làm thế nào để hắn nghèo khổ”. Khắc Xương chau mày, trong óc hắn chợt lóe ra một ý nghĩ: "Quan phủ đang thu tiền thuế, nhất định phải chọn những nhà giàu có làm thủ quỹ, nếu thiếu hụt bắt thủ quỹ bồi thường. Những người làm việc này thường là cửa mất nhà tan. Nay đang lúc thu thuế, phải làm thế nào khoác cho hắn việc này, thì nhất định hắn phải mắc câu”. Tính toán xong, hắn bèn giắt đi mười lạng bạc, tới nhà người bạn quen biết là Lý Thư Biện. Chào hỏi xong, nói mấy câu thăm sức khỏe, Khắc Xương hỏi: - Anh Lý, năm nay đã chọn ai làm thủ quỹ chưa? - Vẫn chưa định ai. - Lý Thư Biện nói. - Việc này cần những người giàu có làm. - Khắc Xương nói. - Tôi đến đây tiến cử cho anh một người, anh thấy thế nào? - Chỉ cần có máu mặt, - Lý Thư Biện nói, - là tốt lắm rồi. - Lục Tất Đại làng Tích Thiện, - Khắc Xương nói, - người này giàu có, tôi và hắn có mối hiềm khích. Tôi muốn hắn làm việc này để buộc hắn phải tốn phí một ít tiền cho hả dạ. Ông có thể đứng giữa kiếm lời. Nếu ông anh hết sức vì em, thì em xin đưa trước cho ông anh mười lạng bạc. Thế rồi Khắc Xương lấy bạc ra đặt trên bàn. Thấy bạc, Lý Thư Biện như mèo thấy mỡ, mặt tươi hớn hở, vội chắp tay nói: - Việc đó có gì đâu chỉ cần chú em dẻo mồm một chút nói với quan là xong, cần gì phải phiền đến anh cho nhọc lòng? - Nếu anh không nhận, - Khắc Xương nói, - thì chẳng hóa ra anh coi em như người ngoài à. - Đã nói như thế thì anh đành phải nhận thôi. - Thư Biện nói. - Nội trong ba ngày tôi sẽ báo lại. Thế rồi hai bên chắp tay từ biệt nhau. Một hôm, Lục Tất Đại đang ở nhà, bỗng thấy hai lính lệ vào nhà, hỏi: - Thưa ông, ông có phải là Lục Tất Đại không? - Đúng ạ? - Lục Tất Đại trả lời. Lính lệ lập tức lấy ra một tờ trát giấy đỏ, đưa cho ông xem. Thấy tờ trát chọn ông làm thủ quỹ, bèn kinh ngạc nói: - Tôi nhà nghèo, làm việc này sao được! - Chúng tôi chỉ là người thừa lệnh quan. - Lính lệ nói. - Xưa nay từng nói: "Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy". Nếu ông muốn nói thì mời ông lên quan mà nói. Tất Đại vội giữ họ lại ăn cơm, trước khi đi còn biếu ít quà, hẹn ngày mai gặp nhau ở huyện. Lính lệ đi rồi, Tất Đại vào nói với vợ: - Họ chọn tôi làm thủ quỹ. Nếu thiếu hụt thì lấy tiền đâu mà đền. Bây giờ làm thế nào? Vợ Tất Đại nghe được tin ấy vô cùng lo lắng, suốt đêm khóc lóc không sao chợp mắt được. Sáng hôm sau Tất Đại đành liều lên huyện. Đúng lúc tri huyện đang làm việc tại công đường, lính hầu vào bẩm rồi dẫn Tất Đại vào gặp quan. Tri huyện nói: - Quan huyện chọn ngươi làm thủ quỹ, việc đó cũng chẳng có gì khó lắm đâu, chỉ cần làm việc cẩn thận là được. - Con là người quê mùa ngu đần, chẳng biết tính toán ghi chép, - Tất Đại nói, - sợ rằng làm hỏng việc công. Mong ngài chọn người khác. Tri huyện đập bàn quát: - Người nào cũng thoái thác như ngươi thì lấy ai làm thủ quỹ! Những việc trong huyện đều nhờ Lý Thư Biện lo liệu, người mà anh ta đã cử chắc không sai. Thế rồi quan nói với người giúp việc rằng: - Phải ép anh ta viết ngay đơn xin nhận việc. Nếu trái lệnh sẽ phạt nặng. Tất Đại sợ xanh mắt không nói sao được nữa, để khỏi bị phạt Tất Đại đành phải viết đơn xin nhận việc. Người giúp việc trình đơn lên quan, rồi sau đó nói với Tất Đại rằng: - Anh phải chuẩn bị tinh thần, ba hôm nữa bắt đầu thu. Phải ở ngay tại thành mới làm việc được. - Vâng ạ! - Tất Đại nhận lời. Tất Đại trở về nhà, lấy chăn chiếu và mang theo ít tiền, trọ tại hàng cơm trước cửa huyện. Phải biết rằng, thủ quỹ là việc rất khó, ngay người biết việc còn bị người ta lừa, huống hồ Tất Đại, một người nhà quê thật thà chẳng biết gì về chất lượng bạc và cân tiểu li, tiền bạc thu vào xuất ra cứ bị họ đánh lừa, đến lúc kết toán, hút mất hơn tám trăm lạng, quan bắt anh phải đền. Tất cả vốn liếng, ruộng đất, nhà cửa của Tất Đại chưa đầy ngàn lạng, vậy lấy bạc đâu mà bù vào. Tất Đại đành phải bán ruộng vườn và tất cả đồ đạc trong nhà, vắt kiệt sức mà vẫn còn thiếu một trăm lạng. Quan hẹn đúng kì phải giao nộp đủ, nhưng đã quá hạn mấy lần Tất Đại vẫn chưa giao đủ số bạc thiếu hụt, quan huyện buộc phải bắt giam để truy hoàn. Tất Đại đành gửi thư về cho vợ bảo phải bán nhà. Vì bán đột xuất nên không ai mua. Mẹ con ở nhà ôm nhau khóc lóc. Đáng thương thay, một nhà đang no ấm, bị kẻ gian ngấm ngầm mưu hại, làm cho tan cửa nát nhà.