Hôm sau, Vương Tuần phủ trao trát và hiểu dụ trước ba quân, giao Giám kỷ tuyển chọn. Công tử bèn lệnh cho quân sĩ, ai có thể bắn ngoài trăm thước, nâng được năm trăm cân thì mới trúng tuyển. Chọn mười ngày chỉ được ba trăm người. Công tử mua trâu, rượu khao quân, trực tiếp huấn luyện võ nghệ, cùng đồng cam cộng khổ với quân sĩ, ai ai cũng phải khâm phục. Chỉ mấy tháng, tất cả quân sĩ đều dũng mãnh như hổ lang. Có lần giặc đến, công tử xông pha gươm giáo cung tên, chỉ huy ba trăm hùng binh, xung phong hãm trận, không trận nào không chiến thắng. Ngay cả bọn giặc mạnh nổi tiếng xưa nay, thấy quân của công tử đến đều bỏ chạy. Vương Tuần phủ dâng tấu tâu với triều đình về công tích của công tử, được triều đình phong lên chức phó tổng binh. Tuy được phong chức quan võ cũng coi là một dịp may, không uổng công nuôi chí lớn lâu nay, song họa phúc khôn lường, thăng trầm khó biết. Dân tộc Miêu, Man ở vùng Quý Châu sống xen kẽ nhau, bên ngoài là động Miêu, chủ động gọi là Thổ ty, có quyền sinh quyền sát cả một vùng, song cũng chịu sự khống chế của Tuần phủ. Thời ấy có một động chủ tên là An Bang Ngạn, tính hay lật lọng ngang ngược khác thường. Hắn cậy quân mạnh, địa thế hiểm trở không theo lệnh vua, nhiều lần quấy nhiễu nội địa, giết hại nhân dân. Khi Vương Tuần phủ tới nhậm chức, có ý định tiến đánh vào sào huyệt của chúng. Song dưới trướng chưa có tướng tài, nên tạm thời nín nhịn chưa tiến quân. Nay công tử làm tướng, thắng giặc khắp nơi, uy danh lừng lẫy, bèn quyết tâm đánh dẹp. Một mặt gửi giấy về kinh, đồng thời hạ lệnh xuất quân, chọn công tử làm tiên phong, đem ba ngàn quân đi tiên phong, còn mình chỉ huy trung quân tiếp viện phía sau. Quân tiên phong tiến vào biên giới đất Miêu, quân Miêu nghe tin bỏ chạy tán loạn, thế mạnh như chẻ tre. Xem chừng còn cách động không xa, có quân sĩ về cấp báo: "Trước mặt động là cửa rừng hiểm trở, có quân Miêu chốt giữ". Thấy trời đã tối công tử ra lệnh dựng trại đóng quân, ngày mai sẽ tiếp tục tiến. Thấy bên cạnh có núi, trên núi, đá nằm ngổn ngang rất nhiều, công tử bèn lệnh cho quân sĩ rời trại lên núi, không cho quân sĩ nghỉ ngơi, nhặt thật nhiều đá chất bên mình, cao ngang vai mới thôi. Nếu có giặc đến sẽ dùng đá ném xuống, nhất thiết không được dùng súng và cung nỏ. Động chủ An Bang Ngạn biết có quân triều đình tới gần, tụ tập quân lính, trước hết chốt giữ nơi hiểm yếu chờ địch tới. Thấy quân triều đình đóng cách đó gần mười dặm, bèn truyền lệnh đến canh hai tiến quân, cướp trại, giết cho bằng hết. Bọn giặc đến, công tử hạ lệnh: "Khi nào bọn giặc tới, cách mười bước mới bắt đầu ném đá xuống". Quân Miêu xông tới như ong vỡ tổ chỉ thấy đá ném xuống như mưa, sát thương gần hết, không sao tiến lên được, cứ liên tục như thế tới mấy lần, quân Miêu chết không sao kể xiết. Trời gần sáng, trên núi bỗng có một tiếng pháo nổ đinh tai, quân lính ồ ạt xông xuống, tất cả đều dũng mãnh tiến lên, tranh nhau lập công, súng, cung tên bắn như mưa. Bởi vì ban đêm hoàn toàn dùng đá chống địch, hỏa khí và cung tên dư thừa nên bây giờ thả sức bắn vào quân địch. Quân Miêu làm sao chống cự nổi, chúng đại bại bỏ chạy. Công tử dẫn ba trăm quân tinh nhuệ đuổi sát nút, tiến thẳng vào cửa hiểm yếu. Quân Miêu chốt giữ tại đó, kẻ chết, đứa bỏ chạy. An Bang Ngạn dẫn tàn quân chạy về đông, cố thủ không ra. Công tử một mặt báo tin thắng trận, một mặt chốt giữ cửa động, chờ hậu quân tới cùng ồ ạt tấn công vào động. Vương Tuần phủ biết tiền quân đã thắng lớn, bèn dẫn đại quân tới, vây chặt cửa động, ngày đêm đánh vào. Bang Ngạn thấy quân triều đình thế mạnh, nghĩ rằng khó mà chống nổi, bèn chạy trốn ra phía sau, tới một động khác cầu cứu. Thấy tình hình trong động thay đổi, công tử thừa thế tấn công vào. Người xưa thường nói: "Rắn mất đầu không sao bò được", số quân Miêu còn lại đều quỳ gối xin hàng. Vương Tuần phủ lập tức đóng quân trong động, kêu gọi thổ ty các động nếu không đến thì lập tức đem quân tiến công vào sào huyệt. Các thổ ty đều sợ kéo quân ra hàng, nguyện sẽ sẵn sàng theo triều đình. Công tử nói với Vương Tuần phủ rằng: - Tên đầu sỏ đã chạy trốn, quân Miêu đã hàng phục. Nếu như chia đất của Bang Ngạn cho các thổ ty cai quản, thổ ty các động khác nhất định hợp sức tấn công, chẳng mấy chốc có thể chặt được đầu Bang Ngạn mang về tế cờ. Toàn quân kéo về đó là thượng sách. Nếu không thì việc để lâu sẽ sinh biến, khó bảo toàn thắng lợi lâu dài. - Quân Miêu ngang ngạnh từ lâu, - Vương Tuần phủ nói, ta đang thắng thế, chúng rất khiếp sợ, ta muốn sát nhập các nơi vào bản đồ, chiếm các nơi hiểm yếu, đặt quan đàn áp, vĩnh viễn diệt trừ tận gốc cái hại vùng biên giới. Hơn nữa Bang Ngạn chưa bị bắt phải bắt ngay để trị tội, mới thể hiện rõ quốc Uy. - Nếu thực hiện kế ấy, - công tử nói, - e rằng các động sẽ nghi ngờ, sợ hãi rồi sinh ra thay lòng đổi dạ, mà đã thay lòng đổi dạ tất sẽ cắt đứt các đường, quân ta vào sâu khu trung tâm sẽ tiến thoái lưỡng nan. Vương Tuần phủ cho rằng công tử nói thế không đúng. Mấy hôm sau, quân Miêu thấy đại quân không rút, hết thảy đều nghi kị, cho rằng tuần phủ muốn chiếm đất của họ. Về sau quân triều đình kêu gọi, thì chẳng thấy động nào ra. Lúc ấy, thấy quân Miêu đã thay lòng, theo lời công tử, Vương Tuần phủ lệnh cho quân sĩ, đổi trung quân thành quân tiên phong, lệnh cho công tử bảo vệ phía sau, lần lượt rút khỏi biên giới quân Miêu. Nào ngờ An Bang Ngạn trốn tới động Sinh Miêu, nói bừa rằng tất cả của cải châu báu không biết bao nhiêu mà kể đã bị quân triều đình chiếm hết, mong được mang quân đến cứu, giết hết quân triều đình, trừ đất đai ra, con gái, ngọc lụa... các chủ động sẽ lấy hết mà dùng. Người Miêu vốn rất tham lam, nghe thấy nói thế, hớn hở theo ngay. Thế rồi đem mấy ngàn quân cùng với số quân còn lại của Bang Ngạn nhất tề tiến công. Quân Miêu đều nhận được lệnh, thấy đại binh đã lên đường đều theo các ngả đường kéo tới. Tuy đã rút quân, song chưa biết Bang Ngạn quay lại, quân Miêu theo quân phản nghịch, Vương Tuần phủ dọc đường dựng . trại đóng quân, hoàn toàn không phòng bị biến loạn. Đêm ấy, vừa lúc canh hai, quân sĩ đang ngủ say, bỗng nghe thấy tiếng la hét ngoài doanh trại, vội vàng bật dậy, mang quân ra ngoài doanh trại nghe ngóng. Chỉ thấy quân Miêu rất đông tràn vào doanh trại. Quân lính đang ngủ chợt tỉnh, hồn vía rụng rời, bị quân Miêu chém chết như ngả rạ, bó tay chịu chết. Tuần phủ đem quân nghênh chiến, thấy quân Miêu tràn tới, quân của mình bị giết gần hết, khí giới mất sạch, không còn đường thoát, than rằng: "Tiếc thay ta không theo lời công tử!". Rồi dùng dao tự vẫn. Đội quân phía sau của công tử cách đó mấy dặm, nghe thấy phía trước có tiếng thét "giết, giết", vang trời dậy đất, biết rằng đại quân đã thất bại, vội vàng đem quân tới cứu. Bỗng thấy mấy người lính sống sót chạy tới báo: - Chủ tướng đã chết, toàn quân bị tiêu diệt! Công tử vô cùng kinh hãi, quân lính hoảng loạn, vừa truyền lệnh phải bình tĩnh, thì quân Miêu đã ập đến trước mặt. Công tử liều chết nghênh chiến, tuy giết được mấy trăm quân Miêu, nhưng hình như càng giết càng thấy đông, giặc vây bốn phía, ba ngàn quân chết gần hết, chỉ còn ba trăm quân thân cận theo công tử, tả xung hữu đột. Quân Miêu vây chặt, đến khi trời sáng tất cả đều trọng thương. Quân Miêu biết đấy là đội quân tinh nhuệ, chúng dùng nỏ, cung tên tẩm thuốc độc từ xa bắn tới như mưa, dính tên là ngã vật. Công tử liều mạng chạy. theo đường tắt, nào ngờ ngựa trúng tên gục ngã, công tử bị quân Miêu bắt được, giam vào doanh trại. Đúng là: Rồng sa vũng cạn bị tôm cười Hổ lạc đầm sâu khiến chó khinh Công tử không còn hi vọng, chỉ có đường bó tay chờ chết. Tự nhiên thấy một tên lính Miêu đi tới, nhìn công tử từ đầu đến chân, rồi khe khẽ hỏi: - Ngài có phải là công tử Tường Phù Tăng không? - Đúng đấy. - Công tử đáp. Người ấy bỏ đi, tối đến mang rượu thịt tới nói với quân tiêu rằng: - Chủ tướng đang mang quân truy đuổi, để chúng ta lại đây coi giữ, bọn người này có chạy lên mây. Đêm nay chúng ta cứ việc ăn uống cho thỏa thích. Thế rồi chúng reo hò ầm ĩ, uống thả sức say túy lúy. Người ấy bèn cởi trói rồi kéo công tử chạy. Ra khỏi cửa doanh trại, đến chỗ đường tắt vắng vẻ, người ấy biếu công tử một thanh gươm, một bao lương khô, rồi nói: - Đây là con đường nhỏ đi hai ngày hai đêm sẽ tới vùng Trung Thổ thì công tử sẽ sống. Công tử hỏi họ tên. Người ấy nói: - Công tử còn nhớ tên ăn trộm tại trang trại của công tử Không? Người ấy chính là tôi. May mà được công tử cho tiền lộ phí trở về nhà, sau đó vào động gia nhập quân Miêu. Nay quân Miêu động ta bắt được công tử, may mắn gặp được công tử, nên tìm cách cứu, để báo đền ơn xưa. Xin công tử đi ngay đừng nấn ná nữa. Đang lúc cuống cuồng gấp gáp, công tử không kịp cảm ơn, ba chân bốn cẳng rời khỏi nơi này, chẳng quản gì đến núi rừng hiểm trở, gập ghềnh. Đi tới sáng, thấy bụng đói cồn cào, mới lấy gói lương khô ra, thì thấy một mảng thịt trâu, dùng dao cắt ăn một bữa no, rồi lại tiếp tục đi. Tuy gặp mấy chỗ hiểm yếu song không thấy một tên lính Miêu nào ngăn cản. Đi thêm một thôi đường nữa, thì thấy đường dần dần bằng phẳng, xa xa đã thấy nhà dân, lúc đó mới tin rằng đây là địa giới miền Trung Thổ. Nhân dân vùng biên đang lo sợ quân Miêu tới, vừa thấy bóng công tử, biết là trốn từ động Miêu ra, tranh nhau hỏi. Công tử kể hết sự tình, họ mới biết đây là một vị quan, rồi vội vàng mời công tử lưu lại ăn cơm. Công tử hỏi: - Từ đây tới tỉnh thành còn bao xa nữa? - Đi theo đường tắt còn gần một trăm dặm nữa, - có người nói, - chờ chúng tôi chuẩn bị ngựa đưa đi cho tiện. Lại đi thêm một ngày, tới tỉnh thành, quan viên coi giữ ở đây biết Tuần phủ đã tử trận, đại quân không trở về, hoàn toàn lấy dân chúng lên thành canh gác, cửa thành đóng chặt. Thấy công tử trốn về, mới mở cửa cho vào. Công tử nhìn các quan òa khóc, nói là mình đã làm mất quân, làm nhục nước, thật đáng tội chết. Có người nói: - Tướng quân đừng đau buồn nữa, bây giờ thành đang trơ trọi, cần phải hợp sức coi giữ. Công tử đến dinh Tuần phủ, an ủi gia quyến ông, rồi lên thành coi giữ như cũ. Bởi vì công tử trước đây uy danh lừng lẫy nay trốn về được các quan tôn làm Trưởng thành, lúc ấy nhân dân mới yên tâm đôi chút. Rất may quân Miêu chỉ cướp đoạt vùng biên giới, không dám vào sâu, cho nên tỉnh thành vẫn an toàn. Công tử nghĩ rằng xưa kia mình tình cờ cứu giúp một người, nay cũng tình cờ được người ấy cứu thoát, chẳng phải là việc kì lạ sao? Song không biết rằng tội thua trận, triều đình sẽ xử trí thế nào, nên suốt ngày lo lắng. Chưa đầy nửa tháng, bỗng nghe tin Tuần phủ mới đi ngựa tới nhậm chúc, công tử mang quân ra nghênh tiếp, đưa tờ thiếp, lập tức truyền cho vào gặp. Công tử cùng các quan yết kiến quan Tuần phủ xong. Tuần phủ hỏi: - Ai là Tăng Anh? - Thưa ngài, tôi là Tăng Anh. - Công tử thưa. - Ngươi có biết chiếu chỉ của triều đình không? - Quan Tuần phủ hỏi. Nghe thấy có chiếu chỉ, công tử bèn quỳ xuống. Tuần phủ nói: - Chiếu chỉ của vua nói là, Vương Tuần phủ chết vì nước, tặng chức tước, ban thụy hiệu, những tướng quân bại trận chạy trốn về, không ứng cứu đều giải về kinh, giao cho Tam pháp ty xét xử định tội. - Sau đó Tuần phủ mới lại nói với công tử rằng: "Ta cũng biết ngươi là viên tướng tài, nhưng thánh chỉ rất nghiêm minh, ai dám bảo lưu ý kiến của mình". Nói xong Tuần phủ lập tức cho cởi bỏ áo mão cân đai, đeo gông vào cổ, rồi sai người giải về kinh. Những bạn đồng liêu quyên góp tiền biếu công tử làm lộ phí, và dặn dò công tử đi đường phải cẩn thận. Công tử cho hết những người hầu của mình về, chỉ giữ lại bốn người nhà đi theo tới kinh đô. Ngày đi đêm nghỉ, tới kinh đô công tử bị đưa đến giam trong nhà giam Bộ Hình, giao cho Tam pháp ty thẩm vấn. Ngày hôm sau công tử được dẫn ra khỏi ngục, thẩm vấn ngay tại chỗ. Đứng ngay dưới thềm nhà tù công tử tự viết lời khai, khai hết mọi việc đã xảy ra, từ nguyên nhân thất bại, đến việc mình ở đội quân phía sau, không kịp ứng cứu, để đến nỗi bị bắt, và thừa cơ trốn thoát. Tam pháp ty nói: - Ngươi là tiên phong, không bảo vệ được chủ tướng, bị bắt rồi trốn thoát, tội này quá lớn. Sau đó lại cho vào nhà giam, xin chiếu chỉ định đoạt. Cần hiểu rằng pháp luật thời Minh tội nặng nhất là để mất thời cơ, phàm là những người để mất thời cơ đều bị hành quyết. Huống hồ là công tử thoát thân một mình, không cứu viện, nhất định sẽ chịu tội nặng. Thời ấy, ai bị giam ở Thiên lao thì chỉ còn đường kề cổ vào lưỡi đao. Bốn người nhà công tử cũng nghĩ rằng chủ mình sớm muộn rồi cũng bị tử hình. Họ khóc lóc tiếc thương. Bỗng một hôm, ngục quan cười ha hả tới nói rằng: - Ngài Tăng, rất may ngài vô sự! Thượng thư Bộ Binh dâng sớ tâu rằng, ngài là nhân tài có ích cho đất nước, hãy nghĩ tới việc dùng ngài sau này. Thánh thượng chuẩn y, hạ lệnh miễn tội chết, cho ra chiến trường lập công chuộc tội. - Tôi đáng tội chết, làm sao mong được ơn trời biển ấy. - Công tử nói. Đang lúc nửa tin nửa ngờ, thấy Bộ Hình gửi giấy tới, lập tức công tử được thả ngay. Công tử vui mừng không sao kể xiết chẳng khác nào thoát khỏi địa ngục của quỷ sứ Diêm vương. Công tử từ biệt quan coi ngục ra khỏi Thiên lao, tìm chỗ nghỉ ngơi. Người nhà vô cùng vui sướng. Song công tử nghĩ rằng: "Trần thị lang mình vốn không quen biết, sao lại dâng sớ cứu mình". Thế rồi công tử đưa danh thiếp quỳ trước cửa tạ ơn. Thị lang nói: - Xin mời ông đứng dậy, đó là do ngài cống hiến tài năng cho đất nước, chứ đâu phải tôi ra ơn cho ngài. Người thi ân cho ngài, đó là vị tân khoa Hàn lâm Kim Lương, xin ngài đi tạ ơn quan Hàn lâm mới phải. Công tử vâng dạ rồi cáo từ. Công tử nghĩ: "Kim Hàn lâm mình cũng chua gặp bao giờ, vì sao ngài lại cứu mình, cứ mờ mờ mịt mịt không sao hiểu nổi". Thế rồi ông mang danh thiếp tới nhà ngài Kim Hàn lâm. Hàn lâm thấy đanh thiếp, lập tức mời vào tư dinh. Hai người chào hỏi, rồi ngồi vào bàn. Công tử nói: - Tôi vừa tới tạ ơn Trần đại nhân, ngài nói tính mạng của Tăng Anh hoàn toàn do lão tiên sinh cứu vớt, cho nên tôi tới tạ ơn ngài. Nói xong định quỳ xuống, quan Hàn lâm đỡ dậy nói: - Tính mạng của ông do một người khác cứu, tôi không dám nhận ơn. Cũng không phải là người này cứu mà do ngài tự cứu. Nghe xong công tử càng thêm khó hiểu, chắp tay nói: - Xin tiên sinh nói rõ. - Chút nữa sẽ biết. - Kim Hàn lâm nói. Sau đó ông mời vào thư phòng, bày tiệc khoản đãi. Hai người uống xong vài tuần rượu, quan Hàn lâm hỏi công tử về việc xuất quân. Công tử kể lại tỉ mỉ từ đầu đến cuối. Quan Hàn lâm nói: - Đây là do trời quý trọng tài năng, không nỡ hủy hoại anh hùng, đây là phúc lớn của triều đình, cho nên khắp nơi gặp hiểm nguy mà vẫn thoát chết. Hai người đang nói chuyện vui vẻ, thì tiểu đồng vào báo: - Phu nhân đã tới. Chỉ thấy một đám con gái, đi theo một vị phu nhân ăn mặc lộng lẫy. Công tử định đứng dậy tránh ra, thì phu nhân đã quỳ xuống nói: - Xin mời ân nhân ngồi lên để thiếp bái tạ. Quân tử không kịp tránh, đành quỳ xuống. Quan Hàn lâm hai tay đỡ dậy. Công tử phủ phục xuống đất không dám dậy, chờ phu nhân bái xong quay vào trong mới đứng dậy hỏi, quan Hàn lâm nói: - Lẽ nào ngài không nhận ra? Người ấy là Lục thị, từng lâm nạn ở am ni cô đấy. Nhờ ngài cứu vớt, rồi lại cứu cha bà ra khỏi nhà tù, cả nhà đã mang ơn công tử. Thời tôi chưa đỗ, lưu lạc tới Ninh Lăng, vì vợ trước qua đời, lấy bà làm vợ. Lúc nào bà cũng ca ngợi ân đức của ngài. Tôi kính phục nghĩa khí của ngài từ lâu. Nay nghe thấy ngài mắc tội bị giam trong ngục, bà nhà tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi thuộc loại thư sinh mới đỗ tiến sĩ. Những việc lớn trong triều không dám nói, đành phải khẩn thiết nhờ thầy đứng ra dâng tấu sớ. Rất may được ơn vua tha tội. Điều ấy hoàn toàn do đức độ của ngài vậy. Hôm nay bà nhà tới bái tạ như thế mới phải. Nếu trước đây ngài không trọng nghĩa, thì sao được báo đền như ngày nay, vậy ngài phải tạ ơn chính mình. Nói xong Kim Hàn lâm vỗ tay cười ha hả. Lúc ấy công tử mới rõ, rồi nói: - Kì lạ, kì lạ thật. Quan Hàn lâm nói với công tử rằng: - Tôi và ngài tuy mới gặp nhau lần đầu, song về tinh thần thì đã biết nhau từ lâu rồi, xin nguyện kết nghĩa anh em, không biết ngài có cho phép không? - Đã nhận thì bao giờ bỏ nhau, - công tử nói, - đâu dám không vâng lệnh. Thế rồi họ bày hương án, hướng lên trời cao vái lạy. Nói về tuổi tác Kim Hàn lâm hơn công tử ba tuổi làm anh, công tử làm em. Phu nhân bên trong nghe thấy rất vui. Công tử nói: - Đã là anh em thì phải coi nhau như ruột thịt, xin mời chị ra bái kiến. Hàn lâm mời phu nhân ra phòng ngoài, rồi cùng với vợ chào em kết nghĩa. Công tử tạ ơn cứu mạng. Kim Hàn lâm nói: - Hai bên làm ơn, thì cứ nói thẳng ra. Cả ba người cùng cười, rồi lại tới thư phòng. Hai người vui vẻ uống rượu cho mãi tới tàn canh mới chia tay. Sau đó mấy hôm, Bộ Binh gửi trát xuống, lệnh công tử tới Quý Châu làm việc, công tử không dám nấn ná. Vợ chồng quan hàn lâm đến hậu tạ, bàn tiệc tiễn chân, gạt nước mắt chia tay. Công tử tới Quý Châu, gắng sức mấy năm, nhận chiếu chỉ phục hồi chức cũ. Mãi hơn ba mươi tuổi mới lấy vợ, quả như đã nói trước đây. Về sau tiêu diệt hết quân Miêu, nhiều lần lập công, được thăng tới chức Đô đốc, áo gấm về quê. Công tử sinh được hai con trai, đến thời Sùng Trinh họ đều đỗ tiến sĩ. Những người đọc truyện này, nếu không phải là người hào kiệt trời sinh như công tử, thì cũng học làm những việc vì nghĩa mà cứu giúp người, thì sau này nhất định sẽ được đền đáp.