Qua một đêm, quan huyện lập tức bắt hết những người liên quan tới xét hỏi. Việc ấy đã làm náo động cả huyện. Nghe thấy chuyện kì lạ đó, ai ai cũng thương xót Trương thị, và nghiến răng căm giận con dâm phụ. Họ đến đông nghịt cả huyện đường, để xem quan huyện xét xử thế nào. Bọn sai nha cũng nhận hối lộ của Hồ Nham, nên cứ nói lấp la lấp lửng che giấu cho hung thủ. Những người liên quan trong vụ án, có người đứng về phía họ Trương, cũng có người đứng về phía họ Uông, nên họ nói khác nhau. Khi bọn phạm nhân quỳ trước tòa, trước hết tri huyện hỏi Trương Diệu: - Con gái đã chết bao nhiêu tuổi? - Dạ bẩm quan, mười chín tuổi, mới về nhà chồng năm ngoái. - Trương Diệu nói: - Ngươi kiện Chu Luân, Chu Mâu vào phòng đánh chết con gái có đúng không? - Quan huyện hỏi tiếp. - Vì vợ Uông gian dâm với bọn này, - Trương Diệu nói, - nên chúng muốn gian dâm với con gái con, song nó không chịu, rồi bị chúng đánh chết. Hiện con sen trông thấy tận mắt. Quan huyện lại gọi tới cha con lão Uông. Con trai Uông nói thoái thác rằng: - Lúc ấy con không ở nhà, xin quan cứ hỏi bố mẹ con. Uông Khách say xỉn, quan huyện hỏi không trả lời, khấu đầu như đang ngủ gật. Quan huyện cáu tiết. Thư lại bẩm rằng: - Tên này say khướt chẳng còn biết gì nữa. Quan huyện bèn gọi vợ Uông. Vợ Uông quỳ xuống nói: - Từ khi con dâu về con vẫn đối xử tốt với nó, chỉ vì gần đây nó gian dâm với Vương Tú, con trách cứ, nhưng nó không nghe, con lỡ tay đánh chết, đó là sự thực. Trương Diệu cáo giác hoàn toàn là bịa đặt. Xin ngài đừng nghe lão. Quan huyện bèn gọi Vương Tú hỏi: - Ngươi có gian dâm với Trương thị không? - Có ạ! - Vương Tú nói. - Vì gian dâm mà Trương thị phải chết, - quan huyện quát, phải khép mày vào trọng tội. - Con nguyện xin chịu tội. - Vương Tú đáp. Những người xem đứng hai bên, thấy hai người nhận tội, họ đều kêu Trương thị bị chết oan khuất. Thấy Vương Tú nhận tội ngay, quan huyện cũng hơi nghi. Bởi vậy ông gọi láng giềng hỏi: - Hằng ngày Trương thị có trong trắng không? Chức trách địa phương thoái thác rằng: - Vì ở xa, chúng con không biết được. Hai người láng giềng nói: - Trương thị là người con gái tốt ở trấn An Đình. Hằng ngày giữ mình trong sạch, làm trọn đạo đàn bà. Còn những lời nói vô lương tâm kia, chúng con không dám nói. Vợ Uông bèn hỏi ngay: - Các ngươi là người ngoài biết sao được việc nhà ta! Tai vách mạch rừng, - hai người láng giềng nói, - người tốt vẫn là người tốt, kẻ xấu vẫn là kẻ xấu. Chỉ giấu ông lớn, chứ giấu sao nổi mọi người. - Không phải lắm lời! - Quan huyện quát. - Ta hỏi ngươi, Trương thị bị đánh chết như thế nào? - Việc này chúng con không trông thấy. - Hai người hàng xóm nói. - Đêm ấy, vào lúc canh hai, thấy cháy nhà chúng con đến cứu, khi lửa bị dập tắt, chúng con chỉ thấy con dâu nhà ấy bị đánh chết, nằm dưới đất, mình đầy máu me. Vì sao bị đánh chết, xin ông lớn cứ hỏi đứa ở thì biết, chính nó tận mắt nhìn thấy. Quan huyện bèn hỏi đứa ở. Đứa bé ấy mới chỉ mười một mười hai tuổi, đến trước mặt quan, nó như bị oan hồn Trương thị nhập vào, thông thốc nói hết những hành vi của vợ Uông. Không ai bịt mồm nó được. Quan huyện nói: - Đây là việc của chủ mày, không phải khai. Ta chỉ hỏi, Trương thị bị đánh như thế nào? - Đêm hôm trước, vào đầu canh một, - đứa ở nói, - Hồ Nham chui qua cửa sổ vào phòng Trương thị, bị Trương thị dùng gậy ngắn đánh. Hồ Nham lại về ngủ trong phòng bà chủ. Cô chủ khóc suốt đêm, sáng hôm sau không ăn uống gì. Đến tối, họ tụ tập tại phòng bà chủ ăn uống. Vào canh hai, họ cầm khí giới vào phòng cô chủ, bức cô phải ngủ với chúng. Cô không chịu, bọn chúng dùng khí giới đánh cô rất đau, thấy cô chưa chết, chúng đâm liền mấy nhát, rồi cô tắt thở. Nghe xong quan huyện đùng đùng nổi giận, bèn hỏi Trương Diệu rằng: - Tên Hồ Nham là đầu sỏ, sao ngươi không tố cáo? - Con sợ cha hắn là kẻ độc ác, thường đi lại chốn nha môn, cho nên con không dám kiện. - Nói láo! Thế rồi ông ra lệnh bắt Hồ Nham. Lúc ấy Hồ Nham cũng đang ở đó xem thẩm vấn, bị sai nha lôi vào, bẩm rằng: - Đã bắt Hồ Nham tới. Quan huyện hỏi cung, hắn cứ quanh co không thừa nhận. Quan bèn bắt bọn hung đồ quỳ xuống, rồi hỏi đứa ở ngay trước mặt bọn chúng. Đứa ở chỉ từng tên nói: - Tên này dùng chùy đánh cô chủ; tên này dùng búa bổ cô chủ; tên này cũng dùng chùy đánh cô chủ, cô chủ kêu cứu. - Rồi lại chỉ vào Hồ Nham nói. - Tên này đâm vào cô liền mấy nhát. Hồ Nham vẫn còn chối quanh. Đứa ở nói: - Ngươi đâm vào cổ cô, lại đâm vào ngực cô, rồi lại đâm vào âm hộ cô hai nhát, có đúng không? Sau đó bà chủ và người gọi bọn chúng khiêng xác cô đi, nhưng khiêng không được, rồi mới châm lửa đốt nhà. Tất cả có đúng thế không? Đứa ở vạch rõ từng tên như thế, khiến bọn chúng sợ xanh mắt, cứng họng không nói được gì. Quan huyện lại hỏi: - Lúc đó bà chủ có ở đó không? - Bà chủ không ở đó mà đứng ngoài nghe. - Đứa ở nói. - Lúc ấy mày ở đâu? - Quan huyện hỏi. - Con không dám ra, - đứa ở nói, - con nấp ở sau cánh cửa nên đã nhìn thấy hết. Thấy đứa ở khai đúng sự thực, quan huyện nhìn bọn chúng nhếch mếch cười, nói: - Bọn chúng mày còn chối cãi nữa đi, sắp chết đến nơi rồi! Bản huyện hôm nay chưa dùng hình phạt. Sau đó quan huyện lệnh giam tất cả lại, chờ ông đích thân khám nghiệm rồi sau mới định tội. Cha con Uông Khách được người bảo lãnh. Đứa ở dẫn Trương Diệu đi. Lúc ấy, người xem vỗ tay reo hò, nói rằng: - Đúng là trời có mắt, thần xui quỷ khiến, nhập vào mồm đứa bé khai ra, Trương thị nhất định được minh oan! Thấy con bị tống ngục, tính mệnh khó bảo toàn, Hồ Đường vội vã tìm người đút lót, lên huyện nói giúp. Thời ấy ở Gia Định có Trương Phó sứ, bị bãi chức, nghỉ tại quê, Khâu Bình sự có đại tang cũng ở nhà. Hai người này tham lợi, không kể gì đến liêm sỉ, họ câu kết với nhau làm những việc xấu trong huyện, hằng ngày vẫn đi lại thân quen với Hồ Đường. Ngay hôm ấy, Hồ Đường mang tới nhà Trương Phó sứ năm trăm lạng bạc. Phó sứ mời vào thư phòng. Hồ Đường đặt bạc lên bàn rồi nói: - Con tôi bị giam trong ngục, muốn nhờ tiên sinh lên nói giúp với quan huyện thả cháu ra. Xin biếu trước ngài năm trăm lạng, xong việc sẽ biếu thêm ngài năm trăm lạng nữa. - Việc này không phải mình tôi làm được, mà tôi cũng phải bàn với lão Khâu cùng lo việc này. Thế là ông ta sai người đi mời Khâu Bình sự. Một lát sau, Khâu Bình sự tới, Trương Phó sứ nói rõ chuyện này, hẹn nhau đi nói giúp, rồi cùng nhau chia bạc. Khâu Bình sự gật gật đầu nói với Hồ Đường rằng: - Chúng tôi xin đảm bảo con ông vô sự, nhưng ông phải giữ lời hứa đấy. - Đâu dám, đâu dám thế! Hồ Đường nói xong, cảm ơn ra về. Hôm sau, Trương và Khâu lên huyện, đưa danh thiếp. Quan huyện lập tức mời vào. Chủ khách ngồi vào bàn, nói mấy câu thăm hỏi xã giao. Khâu Bình sự nói: - Gần đây nghe thấy ở Yên Đình có án mạng, không biết ngài đã xử thế nào? - Vẫn chưa định tội. - Quan huyện nói. - Đang tìm cách xử vụ án này. Trương Phó sứ chỉ vào Khâu Bình sự nói: - Ông là quan tư pháp nổi tiếng, sao không bàn với ngài? - Xin được ngài dạy bảo. - Quan huyện nói. - Không biết tình tiết thế nào? - Khâu Bình sự nói. Quan huyện thuật lại khẩu cung đương sự đã khai. - Đúng thì đúng rồi, - Khâu Bình sự nói, - nhưng có điều, những người làm quan hình sự chúng ta cũng phải thể tất chút đức hiếu sinh của trời, vì một người con gái mà giết bốn năm mạng người, về tình lí có lẽ hà khắc quá. Hơn nữa tên Hồ Nham trong nguyên đơn không có, căn cứ vào lời khai của con sen nhỏ tuổi, nếu xử nặng tội, tâu trình lên quan trên, e rằng quan trên bác bỏ, như thế sẽ mất uy tín. Xin ngài hãy đắn đo. Theo thiển ý của tôi, thì một người chết cũng chỉ nên một người đền mạng. Đã có thằng Vương Tú đền tội, thì người chết cũng toại nguyện rồi. Không biết ý ngài thế nào? Quan huyện mới ra làm quan, thấy Khâu Bình sự dỗ ngon dỗ ngọt như thế, bèn nói: - Xin nghe theo lời dạy bảo của ngài. Hai người thấy đã ổn, bèn cáo từ ra về. Quan huyện giải quyết theo cách nhẹ nhàng, ngay xét nghiệm cũng không làm nữa, và cũng chẳng xét xử gì thêm. Mấy hôm sau cho bọn gian ác được bảo lãnh ra khỏi nhà tù. Chỉ giam vợ Uông và Vương Tú. Toàn huyện nghe thấy thế đều kinh sợ. Về sau họ biết được hai gã Trương, Khâu đã đến nói với quan huyện, ai ai cũng chửi hắn hết sức thậm tệ. Họ cứ truyền nhau bàn tán, rồi sau đó đến tai một vị từng lừng lẫy tiếng tăm, tài kiêm văn võ. Vị này tên là Quy Hữu Quang, tự là Chấn Xuyên, người Côn Sơn. Dạo ấy ông đến sống tại An Đình, nghe thấy đường thị chết thê thảm, ông cho rằng bọn hung đồ này có bị giết cũng không đền hết tội! Đến khi thấy quan huyện nghe theo Trương Phó sứ và Khâu Bình sự thả bọn hung đồ, rồi vu cho Trương thị gian dâm với Vương Tú, bèn đập bàn giận dữ nói: - Việc đến thế này thì đâu còn là lẽ trời, đâu còn công lí. Nhân đó viết một thiên "Bàn về người đàn bà trinh tiết" để nói với thân sĩ ấp Gia. Những thân sĩ ấp Gia đọc bài văn ấy, ai ai cũng xúc động, phẫn uất. Họ nói rằng: - Tiên sinh ở huyện khác, thấy thế còn bất bình, huống hồ chúng ta là người cùng ấp, lại ngồi đấy để cho trinh nữ chịu oan, bọn côn đồ lọt lưới, thì còn mặt mũi đâu mà nhìn người khác. Có người nói: - Phải làm cho hai gã Trương, Khâu chịu nhục nhã và xấu hổ. Có người nói: - Ta chấp gì với bọn người ấy? Ngày mai là ngày rằm, quan huyện nhất định đến Học Miếu dâng hương, chúng ta hẹn bạn bè cùng đến Minh Luân Đường nói với quan huyện mới được. Quan huyện định xử vụ án này qua loa cho xong chuyện, yết thị trưa mai sẽ phúc thẩm. Đêm ấy ngủ, ông nằm mơ thấy thần Kim Giáp, hai tay máu chảy ròng ròng, cầm đao chỉ về phía trước nói: - Kẻ sát nhân là Hồ Phong, Hồ Nham, nếu không nhanh chóng xử vụ án này, thì ta đâm vào tim ngươi. Quan huyện kinh sợ giật mình tỉnh giấc. Sáng hôm sau dậy, hỏi người xung quanh rằng: - Hồ Phong và Hồ Nham là thế nào? - Hồ Nham có cha là Hồ Đường. - Người xung quanh trả lời. Quan huyện ngẫm nghĩ: "Chữ Đường với chữ Phong âm gần giống nhau. Có lẽ trong mộng ta nghe nhầm." Đang lúc kinh hãi, ông đến Học Miếu, thì thấy những thân sĩ trong ấp ùn ùn kéo tới gặp ông, nói về việc ấy, đòi ông phải xác định đúng tội giết người của Hồ Nham, để minh oan cho Trương thị, rồi trình lên quan xem bài "Bàn về người đàn bà trinh tiết" của tiên sinh Chấn Xuyên. Quan huyện xưa nay vốn coi trọng nhân cách của Chấn Xuyên, thấy lời bàn rất xác đáng, chợt hiểu ra, rồi ông nói với thân sĩ rằng: - Vụ án chưa xử xong, trở về huyện đường tôi sẽ lập tức xét xử ngay. Thế rồi ông lên kiệu ra về. Hôm ấy, bọn Hồ Nham đến cửa huyện nghe ngóng, chúng nói rằng vụ án xét xử xong chúng sẽ thoát tội, và bình yên vô sự. Ngay cả vợ Uông cũng sẽ được bảo lãnh ra tù. Trương và Khâu ngồi tại một nhà gần huyện chờ tin tức, vụ án kết thúc sẽ kiếm thêm năm trăm lạng bạc chia nhau. Chúng không ngờ lại xảy ra sự biến. Hôm ấy đến nha môn, quan huyện lệnh cùm bọn hung thủ lại, trói giật cánh khuỷu rồi dùng sơn quét lên mặt. Sau đó sai áp giải tới An Đình hầu tòa, cho mang lễ đi trước cúng oan hồn tiết phụ, mang theo những người khám nghiệm tử thi, và ông đích thân tới khám. Trước đó thấy Gia Định đại hạn, ba tháng không mưa, khi quan huyện tới An Đình thì trời mưa như trút. Trương thị chết đã ba tháng, lại gặp trời nóng nực, ai cũng tưởng thi thể đã thối rữa. Song khi mở quan tài ra thì nhan sắc vẫn tươi nguyên như khi còn sống, không hề thấy mùi hôi thối. Thấy dưới cổ và trước ngực có hai vết dao đâm, máu tương đang rỉ. Người xem vô cùng kinh ngạc, ngay cả những người khám nghiệm cũng phải lè lưỡi lắc đầu. Khám xong, quan huyện hạ lệnh kẹp bọn tội phạm ngay tại chỗ, đứa nào cũng chết đi sống lại. Bọn chúng đau đớn không chịu nổi, đều phải khai ra hết. Vợ Uông cũng bị kẹp, đành phải khai hết sự thể. Khi hỏi đến Vương Tú, vì sao vu cáo Trương thị, hắn khai rằng đã gian dâm với vợ Uông, vợ Uông bắt hắn phải vu cho Trương thị. Quan huyện nổi giận, về công đường lại hạ lệnh đánh mỗi đứa bốn mươi gậy rồi khóa tay tống ngục. Uông Khách dung túng cho vợ dâm loạn, phạt bốn mươi gậy. Ba hôm sau vợ Uông chết trong ngục, quan huyện thấy thị dâm ác, lệnh phơi thây thị, không cho thân thuộc khâm liệm. Hằng ngày vợ hắn cho hắn uống rượu thả cửa, khi chết hắn rất thương, lấy chiếc khăn xanh che lên người thị đến đêm khiêng đến một chiếc quan tài gỗ, định khâm liệm, vừa đến bên xác chết, thì một tiếng sét ngang trời đột nhiên ập xuống, thấy hàng trăm ngàn tên quỷ hung ác đến đuổi. Hắn thất thểu bỏ chạy. Về sau xác thị bị diều tha quạ mổ. Vì sao vợ Uông lại chết ngay tại ngục? Vì đời thị chưa từng chịu khổ, suy đi nghĩ lại thị thấy vì Hồ Nham mà mang vạ, lại thấy Hồ Nham giấu biến số tiền thị tạm gửi, rồi định kiện lên quan đòi lại, sợ bị rầy rà, Hồ Nham bèn hối lộ bọn coi ngục giết thị để bịt đầu mối. Điều ấy cũng là sự báo ứng cuộc đời dâm loạn của thị. Hôm ấy hai gã Trương và Khâu đang ngồi trước cửa huyện, thấy sự việc đã đổi khác, tiu nghỉu bỏ về. Sau đó Hồ Đường lại tới bàn mưu lật lại bản án. Khâu Bình sự còn muốn kiếm chác ít tiền nữa, nên hắn nói: - Ta lại sắp được bổ làm quan, nếu đến gặp Đại lý(1) thì có thể lật ngược vụ án này. (1) Đại lý: cơ quan pháp luật trung ương (ND). Song bỗng nhiên hắn mắc chứng bệnh ác tính, toàn thân lở loét thối rữa, chưa kịp bổ làm quan, thì đã về chầu trời! Trương Phó sứ sống tại quê, chẳng ai thèm để ý đến hắn, đi đến đâu cũng bị người ta phỉ nhổ, không dám ló mặt ra ngoài đến nỗi u uất rồi chết. Vừa trình vụ án về kinh đô, bọn côn đồ Hồ Nham đều bị chặt đầu giữa chợ. Không bao lâu Hồ Đường cũng chết, thế là hắn tuyệt tự. Kim Bính thấy Hồ Nham giơ đầu nộp mạng, rồi cũng chết theo. Vì xử tử quá nhiều, nên chỉ có Chu Mân, mặc dầu nhúng tay giết chết cô gái nhưng được lọt lưới. Bỗng một hôm, thẳng biết vì sao, hắn quỳ xuống khấu đầu xin tha tội, rồi hộc máu mồm chết. Trước đây, ở Gia Định vốn có một ngôi miếu thờ tiết phụ, hôm Trương Thị chết, người ở cạnh miếu nghe thấy có tiếng trống, tiếng nhạc từ trên cao vọng xuống, rồi thấy ánh lửa sáng rực chiếu ra bên ngoài, ba đêm mới hết. Người ta cho rằng, sau khi chết Trương thị đã trở thành thần. Thế rồi họ rước bài vị của Trương thị vào miếu thờ, hằng năm xuân thu đều tế lễ. Chấn Xuyên tiên sinh có bài "Ký về vị nữ thần Trương thị". Thời Ung Chính, có Ngụy thị là tiết phụ, người Sản Than, huyện Thiên Tân. Năm mười bảy tuổi lấy Cao Nhĩ Tín. Cao Nhĩ Tín nhà nghèo, dọn nhà đến ở phía đông Quan Ngao, liền sân với Tống Mỗ. Vợ Tống thường làm ăn không cẩn thận, Ngụy thị thường cười thầm, khiến vợ Tống giận dữ, nói xấu sau lưng Ngụy thị. Một hôm mẹ đẻ Ngụy thị sai cháu là Tự Tiển tới đón con về. Lúc ấy mẹ chồng và chồng không có nhà, cô gái cùng ngồi trong phòng với Tự Tiển. Tống thị báo cho những người láng giếng xung quanh, vu cho cô thông dâm với Tự Tiển trong nhà. Bọn vô lại ở đông Quan Ngao, nghe thấy thế ập vào, hùa nhau vu cáo. Chúng bắt Tự Tiển cởi quần áo, rồi nói là Tự Tiển hành dâm với cô gái, bắt "phải lập biên bản làm chứng cứ rồi mới thả về. Nếu không thì hô hoán mọi người cùng làm chứng". Cô gái gào lên bảo Tự Tiển rằng: - Đừng viết biên bản. Nếu nghe bọn chúng viết giấy để làm chúng cứ, thì tôi sẽ chết ngay tức khắc. Tự Tiển là loại người nhút nhát, khẩn thiết van nài được thoát thân trở về, cầm bút định viết. Thấy thế cô gái tự đâm cổ chết. Sau khi cô chết. Bọn chúng trói Tự Tiển, buộc anh phải viết chúng cứ. Tự Tiển sợ bọn hung ác, đành viết giấy tự nhận để mong thoát thân. Đến khi quan thẩm vấn, lấy tờ giấy Tự Tiển viết làm chứng cứ, kết tội chị em thông dâm với nhau, ghép Tự Tiển vào trọng tội. Sau đó biết anh ta bị oan, năm Càn Long thứ nhất thì được tha. Ôi! Thời ấy Ngụy thị đã tự dùng cái chết để minh oan, mà người có chức trách không xem xét, ngược lại khi cô chết đã ghép tội cho cô, không nghĩ rằng đó là do hành động của bọn mặt người dạ thú nên cô đã tự giết mình để minh oan. Bất chợt lâm nạn mà ngàn năm ngậm oan nơi chính suối, so với liệt nữ Trương thị đau đớn hàng ngàn lần. Tiên sinh Vọng Khê ở Đồng Thành Phương đã viết "Cao liệt phụ truyện" để ca ngợi cô và cũng thương cho số phận bất hạnh của cô. Bởi thế ta chép thêm việc này vào đây.