Nói xong anh cúi lạy. Thi Công nhìn Tri phủ, nói: - Tri phủ nghe rõ không? Canh tư ngài bắt người. Nhưng canh tư Kim Hữu Nghĩa mới rời khỏi nhà. Còn Triệu Tam canh ba ra khỏi cửa. Như vậy người bị chết ra khỏi nhà trước, hung thủ rời khỏi nhà sau. Kim Hữu Nghĩa canh tư mới rời khỏi nhà nhặt được tráp thì bị ngài bắt được. Về thời gian không khớp nhau. Vả lại không có hung khí. Ngài khép Kim Hữu Nghĩa vào tội tử hình, quả là chưa thỏa đáng. Tri phủ cúi đầu nói: - Quả là ngài Khâm sai đã phán đoán tài giỏi như thần thánh. Tôi thực không sao sánh kịp. Xin hết sức mong ngài tha thứ. Thi Công lạnh nhạt mỉm cười, nói: - Triệu Mai thị, ngươi nói Triệu Tam nghèo khổ, đói rét, đi săn để kiếm ăn, và có một người bạn là Phùng Đại Sinh có phải không? - Chỉ có anh ấy thôi, - Mai thị nói, - ngoài ra không còn ai khác. - Thế thì khi đi họ đều hẹn nhau cùng đi, - Thi Công nói, - hay là chồng chị đi trước tìm Phùng Đại Sinh. - Ai dậy trước thì người ấy đi gọi, - Mai thị nói, - chứ không phân biệt rạch ròi, họ đi với nhau vào lúc mấy giờ. - Ngươi nói hôm ấy vào canh ba, - Thi Công nói, - mang theo gậy phòng thân, đi tìm Phùng Đại Sinh. Song không biết có tìm thấy Phùng Đại Sinh không? - Khi anh ấy đi rồi, - Mai thị nói, - con đóng cửa nằm ngủ. Một lát sau bỗng nghe thấy gọi liền mấy tiếng: "Thím Tam! Thím Tam!". Đúng là tiếng Phùng Đại Sinh. Con bảo: "Anh ấy đi từ sớm rồi!". Phùng Đại Sinh nói: "Không tìm thấy anh ấy đâu?”. Thế rồi anh ấy lẩm bẩm bỏ đi. Nghe xong Thi Công nói: - Mai thị! Thường ngày Phùng Đại Sinh đến gọi chồng chị, thì gọi thế nào? - Thường ngày khi tới cổng, - Mai thị nói, - Phùng Đại Sinh thường gọi rất to: "Lão Tam, dậy đi! Muộn rồi". - Thế là được rồi, - Thi Công vừa nói vừa rút lệnh, nói tiếp - Hãy đến bắt ngay Phùng Đại Sinh tới xét hỏi. Sai nha nhận lệnh, đến thẳng thôn Tiền, thấy mấy người dân, trong đó có một người biết Trịnh Hồng. Trịnh Hồng cười nói: - Tôi có một chút việc công, mời đến quý thôn, xin phép hỏi thôn Tiền có vị nào là Phùng Đại Sinh đi săn không? - Ngài hỏi Phùng Đại Sinh ư? - Người ấy nói. - Trước đây anh ấy thường kết bạn với Triệu Tam. Từ khi Triệu Tam chết, Phùng Đại Sinh không đi săn nữa, bây giờ thì anh không ra khỏi cửa, suốt ngày ru rú ở nhà, chỉ đóng cửa ngồi lặng lẽ một mình. Ông Trịnh, ông cứ đi theo hướng bắc, cái cửa đen thứ sáu là nhà anh ấy đấy. - Xin cám ơn ông. - Trịnh Hồng cười nói. Anh tới cửa nhà Phùng Đại Sinh, gõ cửa. Phùng Đại Sinh đang ngồi trong nhà. Vợ anh ta là Chu thị đang nghĩ về món tiền lớn trời cho. Bỗng nghe thấy có tiếng gõ cửa, Phùng Đại Sinh giật mình đánh thót, nói: - Mình hãy ra ngoài xem ai? Nếu là người lạ thì hỏi họ tên gì! Nếu họ hỏi tìm ta, thì bảo mấy hôm nay ta không về. - Không cần phải dặn, - Chu thị nói, - tôi khắc biết nói, anh cứ yên tâm. Vừa nói Chu thị vừa ra mở cửa, thấy một người đội mũ tua đỏ, mặc áo dài màu lam, đứng trước cửa, dáng oai vệ. Chị ta khép cửa lại. Trịnh Hồng nhìn người đàn bà, bất giác cười thầm, anh nói: - Tôi là bạn thân của Phùng Đại Sinh, hôm nay có một việc cần nhờ anh, xin chị mời anh ấy ra đây, anh em chúng tôi gặp nhau nói cho tiện. Chu thị vốn là người ngu đần, nghe thấy thế không biết thực hư, cười nói: - Đã là người thân thiết, thì xin mời anh vào trong nhà uống nước, chuyện trò. Phùng Đại Sinh là chồng em, suốt ngày ngồi ở nhà buồn bã, mong có bạn bè tới chơi. Trịnh Hồng là sai nha nhiều năm, rất quen việc, thấy vợ Đại Sinh nói thế, anh nói: - Cám ơn chị, chị đi trước dẫn đường. Phùng Đại Sinh lắng tai nghe vợ nói, nhưng không rõ. Lại nghe thấy gọi nhau anh anh chị chị mời chào như người quen. Cứ nghĩ rằng bạn bè thân thiết đến. Chợt ngẩng lên nhìn thì lại là sai nha, anh ta cuống lên. Chu thị nói: - Chủ nhà đâu, mau ra tiếp khách đi. Tôi đã dẫn anh anh vào đừng buồn rầu nữa. Đại Sinh đành phải ra tiếp. Trịnh Hồng chắp tay cười nói: - Ông anh nhàn nhã quá, cứ ở nhà lâu nay không gặp. Phùng Đại Sinh không còn cách nào, bèn nói. - Không dám, tôi dạo này cứ hay buồn ngủ, tự nhiên thấy người mệt mỏi uể oải, mong ông anh tha thứ cho. Xin phép được hỏi tên quý anh là gì, hiện ở đâu? - Chúng ta mới xa nhau mà anh đã quên rồi. Nghĩ rằng anh phát tài, nên không nhận ra đứa em này. Có anh em ở nha môn mời anh, nhắc anh là có việc cần ra ngay. Tôi là Trịnh Hồng. - Anh vốn là em Trịnh Đại, - Phùng Đại Sinh nói, - quả là có mắt như mù, tôi thật là vô lễ. Xin anh đừng giận, tôi quên thật. Người trong nha môn mà anh nói tên gì mà tôi không nhớ ra? - Tôi cũng không biết tường tận. - Trịnh Hồng nói. - Tôi nghĩ rằng đã mời anh, anh đến là biết ngay thời. Nói xong Trịnh Hồng nghiêm nét mặt, nhìn quanh nhà một lượt, rồi rút chiếc còng trong người ra, nói: - Cho tay vào thì tốt hơn, tôi sợ ông lớn trốn bữa tiệc. Anh còng vào tay, Đại Sinh mặt tái nhợt cắt không ra máu. Chu thị cuống lên. Trịnh Hồng nói: - Anh ấy làm gì, chắc rằng chị cũng rõ. - Đã còng tôi, - Đại Sinh nói, - chắc là tôi bị kiện lên quan rồi. - Anh đừng nói nữa, tôi đã còng thì mở ra làm sao được. Trịnh Hồng nói. - Xin ông rộng lòng thương. - Đại Sinh nói. - Được! Trịnh Hồng nói. - Theo lời ông anh thì ngại gì mà không kết bạn bè, hơn nữa việc của anh cũng chẳng quan trọng gì. Tôi thấy anh có một số người bạn nói ra khiến người trong làng xóm cũng thấy khó coi. Hai người tới thành, vào công đường. Thi Công dùng cơm xong đang uống trà. Sai nha tới báo. - Đã giải Phùng Đại Sinh tới. Thi Công lên công đường. Lập tức truyền lệnh dẫn Nhâm thị, Phùng Đại Sinh, Mai thị và những người láng giềng tới, mới có thể kết án được. Thi Công hỏi: - Ngươi là Phùng Đại Sinh phải không? - Con là Phùng Đại Sinh, - Phùng Đại Sinh trả lời, - con xin cúi đầu lạy ngài. - Ngươi làm nghề gì? - Thi Công hỏi. - Có mấy người bạn? - Con là người thôn Tiền, - Đại Sinh nói, - cha mẹ đều mất, vợ con là Chu thị. Con sống bằng nghề đi săn. Con có một người bạn tên là Triệu Tam. Hằng ngày vẫn đi săn với nhau, không ngờ anh ấy bị Kim Hữu Nghĩa giết chết. Chỉ còn lại mình con, khó mà đi săn được, chỉ ở nhà một mình. Con luôn luôn tôn trọng luật pháp, không làm điều gì sai trái. Hôm nay sai nha của ngài tới bắt con, không biết vì duyên cớ gì. Thi Công lạnh lùng cười, nói: - Quý Tri phủ chú ý nghe đây. Ngươi là người khoa bảng, không như những người thường, xét hỏi ngươi không thể qua loa, Triệu Mai thị nói là Kim Hữu Nghĩa không phải là bạn bè thân thiết, không có thù oán gì. Triệu Tam lại là người nghèo khổ vì sao Kim Hữu Nghĩa lại giết người? Vì sao anh ta giết người vô cớ, rồi bỏ đầu vào tráp mang về nhà? Hơn nữa giờ giấc cũng không khớp, vậy thì Triệu Tam chết bởi một lí do nào khác. Từ nhà Phú Gia, thôn Tiền và Hậu Trại, ba nơi ấy cách sông bao xa? Trần Tri phủ cúi người thưa rằng: - Cách sông hai dặm. Thi Công cười phá lên nói: - Ngài Tri phủ nói thế, về tình và lí càng không thể xuôi được. Thi Công xét xử bằng tấm lòng thương dân, biết rõ oan khuất, nhưng vẫn sợ còn có chỗ giấu giếm, nên ông cố ý quát hỏi Kim Hữu Nghĩa. Kim Hữu Nghĩa cúi đầu nói: - Đúng là con tìm đến chỗ để bạc, chứ hoàn toàn không giết người, con đâu có biết Triệu Tam đến nhà Phú Gia, mà tới đó chờ để giết anh ấy? Lát nữa ngài gọi hàng xóm của con tới hỏi thì biết. - Những lời ngươi khai ở đây sao không giống lời khai với quan Tri phủ? - Bẩm quan lớn. - Kim Hữu Nghĩa cúi đầu nói. - Trước đây con cũng khai với quan phủ như thế. Không biết vì sao quan phủ không nghe, dùng mọi hình thức tra khảo con. Quả thực con không chịu nổi hình phạt, nên mới nhận. Một lát sau sai nha vào quỳ, nói: - Bẩm ngài, láng giềng nhà Triệu Tam đã tới. Thi Công ngẩng đầu lên, thấy một ông già quỳ trước công đường. Ông nói: - Gọi các ông đến chẳng có việc gì khác, chỉ yêu cầu các ông phải khai thực về Kim Hữu Nghĩa, không có chút ảnh hưởng gì đến các ông. Nếu nói sai thì các ông sẽ bị liên lụy. - Phùng Đại Sinh, - quan khâm sai nói, - bạn ngươi đã bị giết, ngươi tất phải biết sự thực. Sự việc đã xẩy ra thế nào, ngươi phải khai mau. - Con tuy là bạn Triệu Tam, - Phùng Đại Sinh nói, - anh ấy bị người ta sát hại, quả thực con không biết. Xin quan lớn cứ điều tra cho rõ. - Các ngươi hãy nói, - Thi Công nói với những người láng giềng, - ai là hàng xóm của ai? - Chúng con là Triệu Đại và Vương Nhị, là hàng xóm của Trương Hữu Nghĩa. - Người bên dưới nói. - Mẹ con Kim Hữu Nghĩa từ trước tới nay tốt xấu thế nào, - Thi Công nói, - các ngươi phải nói thực. - Mẹ con anh ấy là người sống yên phận, - hai người nói, - mẹ hiền lành, con hiếu thảo. - Đúng! - Thi Công nói. Lại có hai người: - Chúng con là Lý Vĩnh và Tôn Xương, là hàng xóm của Triệu Tam. - Khi còn sống, - Thi Công nói, - hành vi của Triệu Tam thế nào? - Khi còn sống, - hai người nói, - Triệu Tam rượu chè, quan hệ lăng nhăng, chẳng có gì là anh ta không làm. Mai thị vợ anh ta là một người hiền lành. - Đúng rồi! Đúng rồi! - Thi Công nói. Lại có hai người nói: - Chúng con là Vương Tứ, Trương Lục là láng giềng của Phùng Đại Sinh. - Tính cách Phùng Đại Sinh thế nào? - Thi Công hỏi. - Phùng Đại Sinh, - hai người nói, - cũng có cái tốt, cái không tốt. Ra ngoài thường hay gây gổ, trong nhà thì vẫn yên lành. Thi Công cho hai người xuống dưới. - Triệu Tam là bạn đi săn của ngươi, - Thi Công hỏi Phùng Đại Sinh anh ta bị giết chết ngươi có biết không? - Bẩm ngài, - Phùng Đại Sinh nói, - Triệu Tam cùng đi săn với con. Anh ấy bị người ta giết chết con không biết. - Đã là bạn với nhau, - Thi Công gật đầu nói, - nếu đi săn anh có gọi anh ấy đi không? - Khi đi săn, có ngày anh ấy gọi con, có ngày con gọi anh ấy - Đại Sinh trả lời. - Còn ngày hôm ấy thì sao? - Thi Công hỏi. - Con dậy sớm, - Đại Sinh nói, - khoảng canh tư con ra khỏi nhà. Đến cửa nhà Triệu Tam gọi: "Thím Tam, Thím Tam". - Mai thị, - Thi Công hỏi Mai thị - chồng chị đi khỏi nhà lúc mấy giờ, chị có nhớ không? - Chồng con ra khỏi nhà lúc canh ba. - Mai thị đáp. - Phùng Đại Sinh, - Thi Công hỏi Đại Sinh, - canh ba Triệu Tam ra khỏi nhà, ngươi đến tìm anh ấy vào lúc canh tư, đến cửa nhà Triệu Tam ngươi gọi như thế nào, ngươi phải nói ngay. Sai một chữ ta sẽ không tha. - Thường ngày con vẫn gọi là: - Đại Sinh nói: "Lão Tam, dậy rỗi! Muộn rồi!". - Triệu Mai thị, - Thi Công nói, - Phùng Đại Sinh nói đúng hay sai? - Anh ấy nói đúng. - Mai thị nói. - Hôm ấy đã muộn, anh ấy đến gọi, đang lúc mơ mơ màng màng con bỗng nghe thấy tiếng gọi: "Thím Tam! Thím Tam! Thím gọi Triệu Tam dậy đi”. Con nói: "Anh ấy đi từ lâu rồi?". Anh ấy đứng ngoài nói: "Sao tôi không gặp, nếu gặp thì càng tốt, không gặp thì tôi đợi ở nhà". Nói xong anh bỏ đi. - Phùng Đại Sinh, - Thi Công nói, - ngươi đi săn với Triệu Tam, mang gì đi? - Chúng con săn cả thú lẫn chim. - Đại Sinh nói. - Săn chim thì dùng lưới, săn thú thì Triệu Tam mang chiếc gậy cao gần đầu người, con mang một con dao. - Hôm ấy ngươi đợi ở nhà, - Thi Công nói, - anh ấy có tới không? - Con đợi ở nhà đến sáng mà vẫn không thấy tới. Về sau nghe thấy người ta nói anh ấy bị Kim Hữu Nghĩa giết chết. Thi Công nhếch mép cười, nhìn các quan và sai nha nói: - Các người nghe kĩ thì thấy hung thủ không phải là Kim Hữu Nghĩa, mà là Phùng Đại Sinh. Không biết vì sao hắn lại giết Triệu Tam, rồi lại đến cửa nhà anh gọi để che mắt mọi ngươi. Hằng ngày tới tìm, gọi "Triệu Tam", hôm ấy tới tìm lại gọi "Thím Tam". Rõ ràng hắn biết Triệu Tam không ở nhà giả vờ tới tìm, chính là để đánh lừa mọi người. Hơn nữa nếu Triệu Tam gặp tai họa thì phải đi tìm Phùng Đại Sinh. Bỏ đầu vào tráp, vứt bên ngoài, ai nhặt được chiếc tráp ấy, thì coi như đã sa vào bẫy của hắn. Các người suy nghĩ kĩ xem có đúng không? Các quan khom người nói. - Ngài thật là cao kiến. Chúng tôi không sao sánh nổi. - Vẫn chưa có đối chất, - Thi Công nói, - lát nữa chúng ta sẽ rõ . Nói xong ông viết một tờ thiếp bằng giấy đỏ, gói vào tờ giấy. Rồi nói: - Trịnh Hồng. - Dạ, - Trịnh Hồng quỳ xuống thưa. - Người có biết chữ không? - Thi Công hỏi. - Con cũng biết đôi ba chữ, - Trịnh Hồng nói. - Ngươi hãy mang tờ thiếp này đi. - Thi Công cười nói. - Cứ theo đó mà làm. Không được cho ai biết. Nếu lộ ra, ngươi sẽ bị trọng tội. - Vâng ạ? - Trịnh Hồng đáp. Trịnh Hồng nhận tờ thiếp đi ra. Năm bảy sai nha theo sau cứ đòi xem tờ thiếp ấy thế nào. Trịnh Hồng lè lưỡi nói: - Đến bố tôi sống lại cũng không được nhìn nữa là. Chờ tôi về sẽ biết. Nói xong anh tới chỗ vắng, mở xem. Ra ngay khỏi thành tới nhà Phùng Đại Sinh gõ cửa, gọi: - Bà chị ơi! Hãy ra mở cửa mau! Chu thị vội ra xem, thấy sai nha. Trịnh Hồng theo chân vào ngay, nói: - Chị thật nguy rồi, việc anh ấy giết Triệu Tam đã bị bại lộ, anh ấy đã khai trước công đường, quan đã lấy khẩu cung, song rất may không khai ra chị, mà chỉ có mình anh ấy thôi. Anh ấy bí mật nhờ tôi nói với chị, hiện có ít vốn liếng, hãy mau mau đi đút lót. Nếu tra tấn đau quá không chịu nổi mà lôi cả chị ra thì khốn. Chu thị thấy thế tưởng thật, nói: - Nếu không quen biết anh, thì anh ấy cũng chẳng dám nhờ. Tôi nói thực với anh, số vốn ấy có thật, tôi cũng nhìn thấy rồi. Anh với anh ấy thân thiết như anh em ruột, nên tôi mới cho anh biết. Anh hãy lại đây! Vừa nói, chị ta vừa mở chiếc ang lấy dao cạy, lôi ra một gói vải, để lên giường, mở ra thì đó là năm thoi bạc. Chu thị vừa nói tới việc chia bạc, Trịnh Hồng nghiêm sắc mặt, lôi chiếc còng ra nói: - Đi mau lên, tới công đường hãy nói. Chu thị sợ hết hồn, nói: - Đưa cho anh ấy ba thoi cũng không dùng hết, mà để lại cho tôi ba thoi cũng không dùng hết. Thôi thì anh lấy hai, tôi hai, còn phần chú một. Cho anh ấy hai thoi để lo kiện, còn hai thoi tôi mua ít đồ trang sức để đi lấy chồng. Trịnh Hồng thấy Chu thị tính toán như thế nói: - Chị chia như thế không được, chị hãy đi theo tôi về thành, đến chỗ Khâm sai đại nhân mà chia. Nói xong Trịnh Hồng nghiêm sắc mặt, mở còng ra tra vào tay Chu thị, bấm còng đến tách một cái, nói: - Chị đi cho, công đường đang chờ lấy khẩu cung. Chu thị biết rằng khó mà thoát được, bèn gói bạc lại vác lên vai, khóa cửa. Hai người tới thẳng công đường, quỳ trước án thư. Vừa thấy Chu thị, Đại Sinh đã hoang mang lo sợ. Thi Công thấy đấy không phải là người đàn bà lương thiện. Ông hỏi: - Mụ kia hãy khai thực, số bạc này ở đâu ra? Nếu khai không đúng với chồng ngươi đã khai thì ngươi sẽ phải phạt rất nặng. Hãy khai từ đầu. Thấy thế Chu thị quỳ xuống rồi bò lên nửa bước nói: - Con không dám nói sai: chồng con là Phùng Đại Sinh, chơi thân với Triệu Tam. Hôm đó anh ấy đến gọi chồng con đi săn. Chồng con dậy, giắt dao vào hông rồi ra khỏi cửa, khoảng hai canh sau, trời vẫn chưa sáng, thì anh ấy về gọi cửa. Con mở cửa ra, anh ấy bước vào nhà, vội đánh diêm đốt đèn, rồi lấy từ trong người ra năm thoi bạc, buộc bằng chỉ đỏ. Người đàn bà khai xong, cúi lạy. Phùng Đại Sinh nghe thấy thế, sợ quá. Thi Công nói: - Phùng Đại Sinh, ngươi còn quanh co nữa hay thôi? Ngươi hãy khai thật tỉ mỉ. - Bẩm ông lớn, - Phùng Đại Sinh nói, - hôm ấy Triệu Tam tới gọi con trước, lúc ấy trời còn đêm, chưa quá canh ba. Trước đây cũng thường dậy sớm như thế bỗng nhiên nghĩ tới một việc, muốn về nhà, đi qua nhà Phú Gia, nghe thấy có tiếng trẻ con cãi nhau. Con vào xem thì thấy trong vườn Phú Gia có năm đứa bé trắng trẻo khôi ngô, đeo yếm đỏ. Nhiều lần tới gần thì chúng biến mất. Tới bên bãi sậy, Triệu Tam đá phải một chiếc tráp. Cầm lên xem, thấy sẵn cả chìa khóa, mở ra thì bên trong là năm thoi bạc. Thấy đó là bạc Nguyên Bảo. Ai cũng đòi được nhiều. Ai ngờ rằng tiền của nhiều là tai họa. Hai chúng con cãi nhau. Con đã chém chết anh ấy, giắt bạc vào người rồi cắt đầu anh ta bỏ vào tráp. Con nghĩ rằng vụ này nhà họ Phú sẽ chịu kiện thay. Để chiếc tráp ấy trước cổng nhà Phú Gia. Sau đó con lại tới gọi cửa nhà Triệu Tam, để mọi người khỏi nghi ngờ. Con đã giết người, ai ngờ ngài tới, đúng lúc hồng nhạn kêu oan. Thế mới biết thiện ác đều có báo ứng. Con nhạn ấy đã minh oan cho Kim Hữu Nghĩa, bởi vì: một hôm con và Triệu Tam đánh lưới được một con nhạn, lúc ấy Kim Hữu Nghĩa đi tới mua con nhạn ấy ba trăm đồng, rồi thả ra! Nào ngờ biết anh oan khuất con nhạn đã tới kêu oan để cứu anh. Đúng là ăn hiền gặp lành, ác giả ác báo. Xin ngài cũng không cần phải truy hỏi nữa. Con hoàn toàn khai hết sự thực và tình nguyện chết. Thi Công nghe Phùng Đại Sinh cung khai, nghĩ rằng đó hoàn toàn là sự thực, ông nổi giận quát: - Kim Hữu Nghĩa, mẹ con ngươi có nghe thấy không? - Con đã nghe rõ rồi ạ. - Mẹ Hữu Nghĩa cúi đầu nói. - Kim Hữu Nghĩa tham của không nghe lời mẹ, - Thi Công nói, - để đến nỗi mang họa, suýt nữa thì mất đầu. - Đa tạ ông lớn đã phán xử rõ vụ án này. - Mẹ Kim Hữu Nghĩa nhìn lên, cúi lạy nói. - Quả là con con đã được cải tử hoàn sinh. Không những con vô cùng biết ơn ngài, mà ngay chồng con ở dưới suối vàng cũng vô cùng cảm ơn đức độ của ngài. - Mai thị, - Thi Công nói, - Triệu Tam chồng ngươi bị Phùng Đại Sinh giết chết. Ngươi không biết lại đổ oan cho người tốt. - Thưa ngài, - Mai thị vội nói, - hung thủ do ngài Tri phủ bắt, xét hỏi tại công đường và Kim Hữu Nghĩa cũng nhận tội tại công đường, không liên quan gì tới con. Nói xong cúi đầu lạy. Thi Công nói: - Quý tri phủ đã nghe rõ chưa? Xin hỏi ngài, Kim Hữu Nghĩa có phải là người giết Triệu Tam không? Ta phán xét như thế có đúng không? Còn có chỗ nào chưa phải, xin Tri phủ cứ nói rõ. Tri phủ tuyệt nhiên không biện hộ cho những yếu kém của mình. Trần Tri phủ cúi lạy nói: - Tôi quả là bất tài, xin ngài tha thứ. Thi Công cầm bút phán quyết: "Phùng Đại Sinh giết Triệu Tam, tạm giam vào ngục, chờ giao thuế xong sẽ trảm đầu trước mọi người. Kim Hữu Nghĩa tham tài, không nghe lời mẹ cũng có tội. Nghĩ rằng Hữu Nghĩa gặp oan khuất, nay ta tha cho. Mấy thoi bạc tuy trời cho, là vật của Phú Gia, cũng có phần của họ Kim, ta thưởng cho Nhâm thị hai thoi, vì nhà nghèo, lo lắng cho con, tới cúng Triệu Tam mà bị Mai thị đánh đau”. Nhâm thị khấu đầu lia lịa nói: - Kim Hữu Nghĩa gặp nạn, được ngài cứu mạng, ơn ấy không gì sánh nổi, nay được ngài thưởng cho hai thoi bạc khiến con khắc cốt ghi xương, không bao giờ quên được. Con chỉ biết thắp hương cầu trời khấn Phật phù hộ cho ngài đời đời quan cao chức trọng, phò tá triều đình. Nói xong lại cúi đầu vái lạy. Thi Công nói: - Mai thị nhà mẹ đẻ ngươi còn ai thân thuộc không? - Chồng con khi còn sống, - Mai thị nói, - toàn chơi bời với bọn xấu xa, và cũng không còn ai thân thích. Con lên bảy thì cha chết, khi đi lấy chồng thì mẹ cũng qua đời. Cô cậu và các dì cũng không còn nữa, chỉ còn một thân một mình chẳng biết nương tựa vào đâu. Nói xong Mai thị khóc như mưa. - Mai thị không nên thương cảm nữa. - Thi Công nói. - Ta thấy việc này nhất cử lưỡng tiện: Kim Hữu Nghĩa thông minh ngay thẳng, mẹ anh cũng là người hiền lành đạo đức, ngươi cũng vốn là người ngay thẳng. Có thể cùng với Hữu Nghĩa nên vợ nên chồng, cả nhà hiền lành hiếu thuận cũng rất tương xứng. Ta thưởng cho ngươi ba thoi bạc để nuôi thân khi chồng chết, vợ chồng mới nuôi nhau. Ngươi có bằng lòng không cứ nói thẳng ta không trách cứ. - Bẩm ngài, - Mai thị vừa khóc vừa nói. - Ngài đã minh oan cho chồng con, bắt hung thủ phải đền mạng, con phải hết lòng trinh tiết với chồng mới đúng. Nhưng vì tính cách của Triệu Tam con không thể là một người hết lòng trinh tiết được. Bây giờ con chỉ còn biết vâng theo ngài. Công ơn của ngài như biển cả con nguyện theo lệnh ngài không dám trái lời. Nghe xong Thi Công rất vui, nói: - Kim Nhậm thị, con ngươi gặp oan, đấy cũng là kết quả của kiếp trước. Bạc là người mối, làm chứng cho Mai thị làm dâu nhà bà. - Xin đa tạ công ơn trời biển của ngài. Con hoàn toàn nghe theo lời chỉ bảo của ngài. Thi Công quay lại nhìn Tri phủ nói: - Quý Tri phủ, ngài xử vụ này chính là vu cáo cho người lương thiện, lẽ ra ta phải xử tội ngài, nhung ta nghĩ đây là lỗi ngài sơ tâm chứ không phải là tham ô. Việc này có thể tha thứ được. Ta nghĩ rằng, ngài được đỗ đạt không phải là chuyện dễ, nên ta gia ân tha cho. Sau này mọi việc ngài phải giải quyết hết sức thận trọng. Tri phủ vâng vâng dạ dạ nghe lời. Thi Công nói: - Phạt ngài một khoản tiền: Mai thị lấy Kim Hữu Nghĩa, phí tổn cưới xin bao nhiêu ngài phải lo. - Tôi xin vâng lệnh. - Tri phủ nói. Thi Công lệnh giam Phùng Đại Sinh vào ngục, còn cho tất cả mọi người về. Ai ai cũng rất đỗi vui mừng, khen Thi Công là một vị quan thiên tài.