Đi tới đầu thôn, chợt thấy phía sau nhà có một bóng người trèo tường, nhảy vào bên trong. Triệu Hổ nghĩ: "Vừa mới tối sao đã có trộm? Kệ nó, ta cứ theo vào xem sao. Kẻ kiếm ăn. đâu có kể gì đến lương tâm! Nếu không ăn trộm thì mò vào đó làm gì nếu có lương tâm thì đã chẳng đi ăn trộm. Nghĩ thế, Triệu Hổ bỏ bị gậy xuống, lẳng đôi giày rách, đi chân đất, nhún người nhảy phốc lên mặt tường. Thấy bên trong tường có một đống củi, Triệu Hổ tụt người xuống. Chú ý nhìn, thì thấy một người đang bò lổm ngổm. Triệu Hổ nhoài người tóm chặt lấy. Người ấy kêu "Ối!" lên một tiếng. Triệu Hổ nói: - Mày mà kêu ta bóp chết. - Tôi không kêu! Tôi không kêu! - Người ấy nói. - Xin ông tha cho. - Mày tên gì? - Triệu Hổ hỏi. - Lấy trộm cái gì? Để ở đâu? Nói mau! - Tôi là Diệp Thiên Nhi, có một người mẹ già đã tám mươi tuổi - Người ấy nói. - Vì không có gì nuôi dưỡng, nên lần đầu tiên tôi đi ăn trộm. Xin ông tha cho. - Có đúng mày chưa lấy được gì không? - Triệu Hổ hỏi. Triệu Hổ vừa tra hỏi vừa xét kĩ, thấy dưới đất có một dải lụa trắng. Triệu Hổ vừa lôi thì dưới đất tung ra, càng lôi càng dài, giũ mạnh, thấy hai chiếc chân nhỏ lòi ra, bèn nắm chặt lấy chân lôi thật mạnh, thì đó là chiếc xác đàn bà không đầu. Thấy thế Triệu Hổ nói: - Ngươi giỏi thật! Đã giết người lại còn lừa dối ta. Ta nói thực với ngươi, ta không phải ai khác mà là Triệu Hổ dưới trướng Bao đại nhân ở phủ Khai Phong. Vì việc này mà ta phải bí mật tới đây điều tra. Diệp Thiên Nhi nghe thấy thế sợ hết hồn, van nài: - Ông Triệu! Thưa ông con quả thực là đi ăn trộm, chứ hoàn toàn không giết người. - Ai nghe mày, cứ trói lại đã rồi hãy hay. Thế rồi Triệu Hổ lấy dải lụa trắng trói lại. Sợ hắn kêu lại xé lụa nhét chặt vào mồm, rồi nói: - Mày hãy ở đây, ta đi một lát sẽ tới. Triệu Hổ theo đống củi nhảy ra ngoài, chẳng để ý gì đến bị gậy và đôi giày rách, cứ chân đất, chạy như bay về thẳng công đường. Lúc ấy trời vừa canh một, thằng nhỏ đang đứng đó chờ. Hình như ngài Triệu Hổ, song lại nghe thấy tiếng bước chân chạy uỳnh uỵch, bèn vội ra đón, nói: - Việc ấy ngài làm thế nào rồi? - Chú nhỏ, ta rất thú vị. - Triệu Hổ nói. Vừa nói, vừa chạy như bay vào công đường. Thằng nhỏ thấy thế rối rít chạy theo. Ai ngờ, vì có quan Khâm sai, nên các cửa công đường đều đóng, canh gác rất nghiêm ngặt. Bỗng thấy có một người ăn mày xồng xộc chạy vào, họ vội ngăn lại, nói: - Ngươi có biết đây là đâu không, mà dám liều lĩnh như thế. Chưa nói hết thì đã thấy Triệu Hổ dùng tay gạt họ ngã bổ chửng xuống đất. Triệu Hổ vào rồi. Mọi người mới gào ầm lên, thấy thằng nhỏ của Triệu Hổ chạy vào nói: - Đừng kêu nữa, ngài Triệu Hổ đấy! Mọi người nghe thấy sũng sờ không biết vì sao. Triệu Hổ chạy vào, gặp ngay Bao Hưng liền kéo tay nói: - Đến đúng lúc quá. Bao Hưng giật mình vội hỏi: - Ngươi là ai? Thằng nhỏ chạy tới nói: - Triệu Hổ đấy. Trong đêm tối, Bao Hưng nhìn không rõ, chỉ nghe thấy Triệu Hổ nói: - Ngươi hãy vào bẩm... Bao đại nhân... nói là Triệu Hổ xin gặp. Nghe thấy tiếng Triệu Hổ, Bao Hưng nói: - Chà, chà! Ngài Triệu Hổ, ngài làm tôi hết cả hồn vía. Tới chỗ ánh đèn, thấy dáng vẻ Triệu Hổ không sao tưởng tượng nổi, tự nhiên cười phá lên. Triệu Hổ nói: - Thôi đừng cười nữa, vào nói ngay với Bao đại nhân, ta có việc rất quan trọng xin gặp. Mau lên, mau lên. Thấy thế Bao Hưng cho rằng chắc là có việc gì, bèn đưa ngài Triệu vào thư phòng Bao Công. Bao Hưng vào bẩm. Bao Công lập tức gọi vào. Thấy dáng vẻ Triệu Hổ như thế, cũng bật cười, hỏi: - Có việc gì thế? Triệu Hổ kể lại việc mình bí mật đi điều tra, gặp Diệp thiên Nhi, thấy xác một người đàn bà không đầu như thế nào. Đang lúc chưa tìm ra đầu mối, thấy thế Bao Công vô cùng mừng rỡ, lập tức sai hai người coi giữ thi thể và hai người giải ngay Diệp Thiên Nhi tới. Dặn dò xong, mới bảo Triệu Hổ ra phía sau thay quần áo, rồi hết lời khen ngợi Triệu Hổ. Triệu Hổ dương dương tự đắc đi ra. Thằng nhỏ đã chuẩn bị sẵn quần áo và nước sạch. Triệu Hổ thưởng cho thằng nhỏ mười lạng bạc, nói: - Thằng nhỏ giỏi thật, không có mày thì ta làm sao lập được công. Triệu Hổ rất vui sướng, ông thảnh thơi chải đầu nghỉ ngơi. Một lát sau, sai nhân đã giải Diệp Thiên Nhi về, hắn vẫn còn bị trói. Bao Công lập tức lên công đường, lệnh đưa Thiên Nhi đến trước mặt, rồi cởi trói. Ông hỏi: - Ngươi tên gì? Vì sao lại giết người? Hãy nói mau! - Con tên là Diệp Thiên Nhi, - Diệp Thiên Nhi nói, - nhà có mẹ già. Chỉ vì khổ quá không sống được mới đi ăn trộm. Không ngờ lần đầu đã bị bắt. Xin ngài tha tội. - Ngươi đi ăn trộm là phi pháp, vì sao lại còn giết người? Bao Công hỏi. - Đúng là con đã đi ăn trộm. - Diệp Thiên Nhi nói, - song con không giết người. - Mày là một tên gian manh độc ác! - Bao Công đập bàn quát. Ta hỏi mày không chịu khai, các người hãy lôi nó ra, đánh cho nó hai mươi gậy. Chỉ đánh hai mươi gậy mà Diệp Thiên Nhi đau quằn quại, vội khai ngay: - Con thật không may, lần trước như thế, mà lần này cũng vậy. Thật oan con quá! Thấy có uẩn khúc, Bao Công hỏi: - Lần trước thế nào, nói mau?! Biết rằng đã lỡ lời, Diệp Thiên Nhi im lặng. Bao Công quát: - Vả vào mồm nó cho ta, vả thật đau vào. Diệp Thiên Nhi vội nói: - Mong ngài bớt giận, con xin khai. Vì thôn Bách Gia có Bách Viên Ngoại, gọi là Bách Hùng. Ngày sinh nhật ông ta, con tới giúp để kiếm cơm. Xong việc, con tưởng rằng sẽ được thưởng tiền hoặc được ăn. Ai ngờ Bạch An là quản gia nhà ông ta còn cay nghiệt hơn ông. Xong việc, không những không thưởng tiền, mà ngay cả những thúc ăn thừa cũng không cho. Bởi thế con rất tức, đến tối con tới nhà ông ăn trộm. Bao Công nói: - Người vừa nói đó là lần đầu, còn hôm nay là lần thứ hai ư? - Lấy trộm nhà Viên Ngoại là lần đầu. - Diệp Thiên Nhi nói. - Ăn trộm thế nào nói mau! - Bao Công hỏi. - Đường ngang lối tắt nhà ông ấy con thuộc hết. - Diệp Thiên Nhi nói. - Con lẻn vào lối cổng chính, rồi nấp vào nhà phía đông. Đây là phòng của vợ ông ta tên là Ngọc Nhụy. Con biết là hòm tủ của bà ta rất nhiều của cải. Đang nấp, con nghe thấy tiếng gõ cửa. Ngọc Nhụy ra mở, một người bước vào, rồi đóng cửa lại. Trong chỗ tối con nhìn thấy người ấy chính là quản gia Bạch An. Hai người hú hí cười đùa với nhau, rồi họ vào trong màn. Một lát sau, hai người ngủ say, con rón rén mở tủ rờ được một chiếc tráp gỗ rất nặng, bèn lấy ngay, vượt qua tường về nhà. Thấy ở tráp có chìa khóa, con mừng quá, mở ra xem, thì ôi thôi, đó là một chiếc đầu người. Lần này lại gặp một xác chết, cho nên con nói: "Lần trước như thế, lần này lại cũng như thế". Đó chẳng phải là con gặp vận đen ư! - Đầu người trong tráp, - Bao Công hỏi, - là nam hay nữ? Nói mau! - Là đầu đàn ông. - Diệp Thiên Nhi nói. - Ngươi đã mang đi chôn hay báo quan. - Bao Công hỏi. - Con không chôn, - Diệp Thiên Nhi nói, - cũng không báo quan. - Không chôn, cũng không báo quan, - Bao Công nói, - vậy ngươi vứt ở đâu? Nói mau. - Trong thôn con có một người tên là Khâu Phượng. Vì con lấy trộm bí ngô bị ông bắt được... - Ăn trộm bí ngô là lần thứ ba. - Bao Công nói. - Ăn trộm bí ngô là lần đầu. - Diệp Thiên Nhi nói. - Lão Phượng tức giận, dùng giây múc nước giếng đánh con một trận nhừ tử, rồi mới tha. Bởi thế con thù, vứt chiếc đầu lâu ấy vào nhà ông ta. Bao Công lập tức lệnh cho hai người đi bắt Bạch An, và hai người đi bắt Khâu Phượng, ngày mai tới xét hỏi. Giam Diệp Thiên Nhi vào nhà giam. Hôm sau, Bao Công đang chải đầu, vẫn chưa ra công đường, thấy một sai nha đi coi xác người đàn bà về báo: - Tối qua con vâng lệnh đi coi chiếc xác, sáng nay kiểm tra lại, thì nơi ấy là sân sau nhà gã đồ tể họ Trịnh, cửa trước vẫn còn khóa, cho nên con trở về báo với ngài. Nghe xong Bao Công hiểu ra ngay, nói: - Ta hiểu ra rồi. Ngươi hãy tới đó ngay. Bao Công lập tức lên công đường. Ông lệnh cho sai nha dẫn ngay gã đồ tể họ Trịnh tới hỏi: - Mày là thằng đáng chết, mày đã giết người còn đổ tội cho người khác. Mày không biết đầu người đàn bà, nhưng tại sao sân sau nhà mày lại có xác chết đàn bà. Hãy khai thực đi! Sai nha hai bèn quát để uy hiếp: - Nói mau! Nói mau! Gã đồ tể họ Trịnh cho rằng quan đã cho người lục soát tìm thấy chiếc xác đàn bà ấy. Hắn khiếp sợ đúng ngây người như tượng gỗ, một lúc lâu hắn mới nói: - Con xin khai. Hôm ấy khoảng canh năm con dậy giết lợn thấy có người gõ cửa kêu cứu. Con vội mở cửa ra cho người ấy vào. Con nghe thấy bên ngoài có tiếng người truy đuổi, nói: “Không thấy thì ngày mai ta hãy lục soát kĩ, có lẽ nó chỉ ẩn nấp quanh quẩn đây thôi”. Nói xong họ bỏ đi. Con chờ đến lúc yên tĩnh mới thắp đèn lên, thì đó là một cô gái trẻ. Con hỏi vì sao đêm hôm khuya khoắt lại chạy trốn. Cô ta nói: "Tôi là Cẩm Nương. Chỉ vì mắc lừa nên bán mình cho nhà chứa. Tôi là con gái nhà lành, không chịu nghe theo. Sau đó con của Thái thú Tưởng cậy quyền cậy thế, đưa nhiều vàng bạc đòi mua tôi làm thiếp. Tôi bèn giả vờ niềm nở, ân cần, liếc mắt đưa tình dâng rượu, chuốc cho con của Thái thú Tưởng say mềm, rồi chạy trốn". Con thấy cô ta đẹp, đầu cài đầy trang sức, bất giác nổi máu tham. Ai ngờ cô ta kêu la chống cự, con cầm dao dọa cô. Không ngờ vừa kề dao vào cổ, đầu cô đã rơi ra. Thấy cô chết, con lột hết áo quần, chôn cô ở sân sau. Trở lại con rút hết đồ trang sức gài trên đầu. Bỗng nghe thấy có người mua thủ lợn, con vội tắt đèn. Sau đó con nghĩ, sao không gói chiếc đầu này lại đưa cho nó mang đi vứt. Đúng là con ngu đần hoảng sợ, và cũng là oan hồn đeo bám nên tự nhiên con gói chiếc đầu ấy vào tấm vải lót, rồi lại thắp đèn mở cửa, gọi người mua thủ lợn quay lại, thì đó lại là ông Hàn. Rất may ông không mang cái đựng, bởi thế con đã đưa cho ông gói đầu lâu ấy, thế là ông mang đi. Ông đi rồi con mới hối hận. Việc này làm sao mà ông ta có thể bỏ qua được? Nhất định sẽ rắc rối to. Rồi sau đó lại nghĩ, nếu như ông ấy vứt đi cho mình thì may, nếu ông ấy làm ra chuyện, thì cứ chối phắt đi là xong. Không ngờ ngài sáng suốt phán xét, đã tìm ra chiếc xác ấy. Thật đáng thương, con đã giết người. Tất cả quần áo và đồ trang sức vẫn còn nguyên vẹn. Con đã phạm tội. Con oan uổng! Thấy hắn đã khai đúng sự thực, Bao Công bèn bắt hắn kí vào tờ khai. Vừa đưa hắn xuống, thì thấy một sai nha vào bẩm: - Thưa ngài đã bắt Khâu Phượng tới. - Giải nó vào đây. - Bao Công nói. Hỏi lão vì sao lại chôn đầu người. Lão Khâu không dám che giấu, đành khai thực. - Hôm ấy nghe bên ngoài đến “uỵch" một cái, tưởng kẻ xấu vào lấy trộm, con vội chạy ra xem, thì thấy một chiếc đầu lâu, sợ quá con bảo người làm công là Lưu Tam mang đi chôn. Ai ngờ Lưu Tam không nghe, đòi con phải đưa một trăm lạng bạc. Không còn cách nào khác, con trả năm mươi lạng, anh ta mới chịu chôn. - Chôn ở đâu? - Bao Công hỏi. - Ngài hỏi Lưu Tam thì biết rõ. - Lão Khâu trả lời. - Hiện Lưu Tam ở đâu? - Bao Công hỏi. - Hiện đang ở nhà con. - Lão Khâu nói. Bao Công lập tức lệnh cho quan huyện dẫn sai nha giải lão Khâu về tìm Lưu Tam, và đào ngay đầu người đưa về. Vừa đi xong, lại có sai nha về bẩm báo: - Đã bắt được Bình An. Rồi lập túc giải vào công đường. Hắn còn rất trẻ, đẹp trai, rất ăn diện. Bao Công hỏi: - Ngươi có phải là Bạch An, quản gia của Bạch Hùng không? - Thưa ngài, con đúng là Bạch An ạ. - Chủ ngươi đối đãi với ngươi như thế nào? - Chủ con coi con như ruột thịt, quả thực đó là công ơn tái tạo. - Mày là đồ loạn luân! - Bao Công đập bàn quát. - Đã như thế sao mày còn thông dâm với vợ chủ nhà? Hãy khai mau. Bạch An thấy thế bỗng sợ hãi, nói: - Hằng ngày con vốn hết lòng hầu hạ ông chủ, không có gì phải sợ. Bao Công bảo dẫn Diệp Thiên Nhi vào. Thấy Bạch An, Thiên Nhi nói: - Ông không nên biện bạch nữa. Khai đi tôi. Ta đã khai hết ông thế nào rồi. Tối ấy, ông gõ cửa, sau đó cùng với Ngọc Nhụy vào màn, ta cũng ở đó. Khi hai người ngủ say, ta mở tủ lấy tráp gỗ, tưởng rằng phát tài to, ai ngờ trong đó là một chiếc đầu lâu. Không cần phải nói việc giữa chủ và đầy tớ, ngươi hãy khai thực đi. Ngươi không khai cũng chẳng được đâu. Nghe thấy thế Bạch An cứng họng, mặt tái mét. Bao Công giục: - Đó là đầu ai? Hãy khai thực. Bạch An không còn cách nào khác, bò lên nửa bước nói: - Con xin khai. Đó là chiếc đầu em họ nhà chủ con. Tên là Lý Khắc Minh. Vì khi chủ con còn nghèo, có mượn của anh ấy năm trăm lạng bạc ròng, vẫn thưa trả. Hôm ấy Lý Khắc Minh đến nhà Viên ngoại con, một là thăm hỏi, hai là đòi số bạc ấy. Chủ nhà con đãi rượu. Ai ngờ khi say rượu, Lý Khắc Minh lỡ lời, nói rằng trên đường gặp một hòa thượng điên tên là Đào Nhiên Công, nói rằng trên mặt anh có ám khí, rồi cho anh một chiếc gối Du Tiên, và bảo đưa cho Tinh Chủ. Anh ta cũng không biết Tinh Chủ là ai. Bởi thế đòi mượn gối Du Tiên xem. Chủ con nói, trong đó có vườn Lãng lầu Quỳnh(1) hoa thơm cỏ lạ, vô cùng huyền diệu. Một là chủ con tham lam chiếc gối Du Tiên, hai là để khỏi phải trả năm trăm lạng bạc, nên đã giết anh, rồi bảo con đem chôn xác tại nhà chứa hàng. Con nghĩ, con và Ngọc Nhụy yêu nhau, nếu bị chủ nhà phát hiện thì làm thế nào đây? Thôi thì ta đem chiếc đầu ấy ngâm vào thủy ngân, rồi giấu vào tủ của Ngọc Nhụy, để nắm đằng chuôi, nếu sau này chủ nhà phát hiện ra. Ai ngờ bị Diệp Thiên Nhi lấy cắp chiếc đầu ấy, và đến nay xảy ra nông nỗi này. (1) Vườn Lãng lầu Quỳnh: chỉ nơi tiên ở. Nói xong Bạch An cúi lạy. Bao Công hỏi: - Nhà ngươi chôn xác ở đâu? - Sau khi chôn, - Bạch An nói, - thì thấy ma hiện hình. Bởi thế đã dọn nhà đi nơi khác, mở cửa cho Hàn Thụy Long thuê. Nghe xong Bao Công hiểu ra ngay, bảo Bạch An kí vào bản lời khai, lập tức ra lệnh bắt Bạch Hùng. Lúc ấy quan huyện đã về, vào công đường bẩm rằng: - Tôi áp giải Khâu Phượng, trước hết tới nhà Lưu Tam đào đầu Lưu Tam dẫn tới cạnh giếng, đào lên thì lại là xác đàn ông. Xét nghiệm thấy ở thái dương có dấu vết hung khí bằng sắt. Hỏi Lưu Tam thì Lưu Tam nói rằng "đào nhầm", bên này mới là nơi chôn đầu người thật, đó là chiếc đầu đàn ông được ngâm bằng thủy ngân. Tôi không dám chuyên quyền, giải can phạm Lưu Tam về để ngài xét hỏi. Nghe quan huyện nói, Bao Công thấy lần này ông rất cẩn thận, không hoang đường như lần trước, nên rất vui, bèn nói: Quý huyện vất vả quá, hãy đi nghỉ ngơi đi. Sau đó ông gọi Lưu Tam tới hỏi: - Chiếc xác đàn ông bên giếng, từ đâu tới? Nói mau! Lưu Tam vội cúi đầu, nói: - Mong ngài đừng nổi giận, con xin khai. Thưa ngài, chiếc xác đàn ông ấy không phải ai khác, đó là Lưu Tú anh em thúc bá của con. Chỉ vì con được chủ thuê năm mươi lạng bạc mang đầu đi chôn, ai ngờ Lưu Tú theo sau, nói: - Chôn trộm đầu người, đáng khép vào tội gì. Con hứa cho nó mười lạng, nhưng nó không nghe. Hứa chia cho nó một nửa nó cũng không chịu. Con hỏi nó đòi bao nhiêu? Nó nói: "Bốn mươi lăm lạng”. Con nghĩ, tất cả có năm mươi lạng, thế thì con chỉ còn lại có năm lạng. Tức quá, con giả vờ bằng lòng gọi nó đến đào hố giúp. Khi đào đã sâu, thấy nó cúi xuống bốc đất, con dùng xẻng đâm thẳng vào thái dương, và cứ thế chôn luôn. Sau đó đào hố khác chôn đầu. Không ngờ hôm nay thần xui quỷ khiến nên đã đào nhầm. Nói xong gã khấu đầu lạy. Bao Công bắt hắn kí vào lời khai, rồi cho hắn xuống dưới. Lúc ấy, Bạch Hùng cũng bị giải tới, hắn đã khai đúng như Bạch An, đồng thời đã trình chiếc gối Du Tiên lên Bao Công. Bao Công xem xong giao cho Bao Hưng, rồi tuyên án. Đồ tể họ Trịnh phải đền mạng cho cô gái; Bạch Hùng phải đền mạng cho Lý Khắc Minh; Lưu Tam phải đền mạng cho Lưu Tú. Tất cả đều bị chém đầu; Bạch An bị tống giam chờ treo cổ, Diệp Thiên Nhi bắt phải sung vào quân đội. Lão Khâu chôn đầu người sợ tội đưa hối lộ chịu tội đồ. Ngọc Nhụy bị bán cho nhà quan làm nô tì; Hàn Thụy Long không nghe lời mẹ, tham tiền, lẽ ra cũng phải trị tội, song vì còn trẻ người non dạ nên được về phụng dưỡng mẹ già và tiếp tục học tập. Hàn Văn thị biết nuôi dưỡng dạy bảo con thấy của nghĩ đến nghĩa, biết cách dạy con, được quan huyện thưởng hai mươi lạng bạc để nêu gương. Quan huyện lẽ ra phải tấu trình lên cấp trên, nhưng nghĩ rằng ông vất vả làm việc chuyên cần, nên vẫn giữ chức cũ. Bao Công xử xong vụ án này tiếng tăm lừng lẫy.