Một buổi sáng Bành Công vừa thăng đường tra xét, bỗng nghe bên ngoài ồn ào rồi có tiếng kêu oan, xin quan huyện cứu mạng. Các nha dịch toan ngăn cản thì Bành Công sai đưa người kêu oan vào. Nha dịch trực ban đưa tám người vào đều là nông dân, trẻ có già có. Người đi trước tuổi ngoài năm mươi, mặc quần áo vải chàm, giày xanh tất trắng, mặt mũi ngay ngắn nhưng buồn rầu ứa lệ. Bành Công hỏi: - Ngươi tên gì? Ở đâu? Có oan uổng gì nói ra! Ông già mặt còn ngấn nước mắt, thưa: - Thảo dân họ Trương tên Vĩnh Đức, từ nhỏ theo nghề nông, chỉ sinh được một trai một gái, vợ đã qua đời. Con trai tên Trương Ngọc, hai mươi tuổi, con gái tên Phượng Nhi mới mười bảy tuổi. Con trai chưa vợ, con gái chưa nhận lễ ăn hỏi. Gia đình ở thôn Hạ Điếm. Hôm ấy là ngày hai mươi tám tháng Tư, trong thôn có đám hát, con gái đi xem, bị một tên vô lại nổi tiếng ở Hạ Điếm cướp đi. Tên này tên họ là Tả Khuê, biệt hiệu Tả Thanh Long. Chú hắn là người cung cấp lương thực cho phủ Dụ vương, hắn cũng mở cửa hàng lương thực, thủ hạ là những tên đầu gấu. Thằng bé Trương Ngọc của con tìm đến nhà nó, nó đánh cho một trận, con gái cũng không biết sống chết ra sao, còn con trai bị thương rất nặng nên con mới đến đây kêu oan, xin quan lớn gia ân cho tìm con gái về thì cả nhà con đội ơn đức của ngài. Bành Công nói: - Được rồi! Còn những người khác thì vì việc gì, có đơn trình hay không? - Chúng con đều tố cáo tên Tả Thanh Long, có đơn trình ở đây! Bèn đưa tờ trình lên. Nha dịch nhận lấy, chuyển lên cho lão gia. Bành Công xem đơn thấy tờ đầu người đứng đơn là Dư Thuận, là dân thôn Tiểu Đông thuộc Hạ Điếm ở huyện Tam Hà. Đơn rằng: Đơn trình về việc ỷ thế ăn hiếp người, dọa nạt lừa dân. Kẻ buôn bán hàng lương thực ở Hạ Điếm là Tả Khuê, tên hiệu là Tả Thanh Long ỷ thế chú hắn là Tả trang đầu ức hiếp dân làng. Trước đây, ngày mồng chín tháng Tư, hắn mua tám mươi thạch lúa mạch, ba mươi thạch ngô ở phố Hạ Điếm, thành tiền là năm trăm hai mươi lạng bạc nhưng hắn không trả tiền. Đến tận nơi đòi hắn thì hắn sai đồng đảng hơn mười người, trong đó có tên Tôn Nhị Lừa, tên Hà Mắt Trố, và tên Gia Hữu Lý, cùng những tên khác, lại bảo Thuận tôi sai ngoa, cầm gậy và thước sắt đánh thành hơn hai chục vết thương nặng khắp người. Trước đây đã được quan huyện tiền nhậm khám nghiệm rõ ràng nhưng đến nay vẫn chưa truyền gọi hắn đến xử án. Vì thế Thuận tôi đánh liều mạo phạm thiên uy, chỉ xin gia ơn truyền gọi hắn đến xử án để xét xử cho công bằng. Bành Công xem xong, lại xem đến tờ trình thứ hai, vẫn kêu về việc Tả Thanh Long chiếm nhà đất; lại còn cấu kết hợp mưu làm giả giấy tờ, ức hiếp gái góa, gian dâm với trẻ con, xâm chiếm ruộng vườn, tự ý lập ra công đường khảo đả lương dân, uy hiếp phải gả con, v.v... Xem hết các đơn trình, Bành Công thấy việc này có mối quan hệ trọng đại, thật giả khó biết. Nếu hắn quả là ác bá, tại sao quan huyện trước đây không có hồ sơ truy tố hắn? Có thể là chuyện ghen ăn tức ở, một nhà ấm no nghìn nhà oán hận, cho vay mượn không đồng đều nên mọi người mới tố cáo hắn chăng? Ông tự nhủ phải xem xét tận nơi, mắt nhìn thấy mới là thực, còn tai nghe chưa lấy gì làm chắc. Nghĩ rồi Bành Công nói: - Các ngươi hãy về đi, ba ngày nữa đến nghe ta phán xử. Dân bèn ra về. Bành Công lui khỏi công đường, sai Bành Hưng ra ngoài kiếm mấy bộ quần áo để Bành Công giả thành một tiên sinh nho nhã. Ông đi một mình, lấy lạng bạc giắt lưng đổi thành tiền lẻ, thuê một con lừa đi thẳng tới Hạ Điếm. Lúc ấy là sau tết Đoan Ngọ, trời đang nóng nực, lúa má ngoài đồng đang lên tươi tốt, khí trời trong sáng, cây xanh rợp bóng. Vào đầu mùa hè, nông dân đang cày bừa ngoài ruộng, người đi lại trên đường cái hầu hết là chịu khổ bôn ba vì danh vì lợi. Bành Công ngồi trên lưng lừa, thấy Hạ Điếm không còn xa. Bỗng thấy trước mặt có một đám đông, đến gần để xem, trong đám ấy có người dắt lừa thuê khoảng ngoại tứ tuần, mình mặc áo vải chàm đã cũ, bên ngoài là chiếc áo cộc tay đã rách, chân trần, xỏ đôi giày cũ, trên mặt lấm tấm vết bùn, râu ngô, mắt tròn, lông mày ngắn. Đứng bên là một người ngoài ba chục tuổi, mặt trắng trẻo, mình mặc áo ngắn rộng vải lam, áo trong cũng vải lam, tất trắng giày xanh, mày dài mắt to, miệng đang kêu lớn: - Mi là cái đồ ngang ngược. Ta hỏi mi, mi phải nói cho rõ. Nay mi lại chày bửa, đất nhà mi bắt nạt người lạ quá lắm! Người mặc áo cộc tay nói: - Không cần nói nhiều, ta đánh mi trước đã? Nói xong giơ nắm đấm lên đánh liền. Người kia nói: - Ta không muốn đánh nhau với mi. Nếu mi muốn đánh ta thật thì ta cũng đánh lại đấy! Mọi người kéo đến hỏi xem là chuyện gì. Người trẻ tuổi mặt trắng trẻo nói: - Tôi ở trong huyện thành Tam Hà, họ Tào tên Nhị, mở một hiệu tạp hóa An Lạc Đường ở chân thành phía Bắc sau cửa Kinh đô. Vì ở quê còn có mẹ già tám mươi tuổi, lại có một chú em, hôm qua có gửi cho tôi một bức thư, nói mẹ tôi đã mất. Tôi vội vàng mua mấy chiếc quần áo. Trời sáng, tôi ra thành đến cửa Tề Hóa thuê con lừa đến Thông Châu. Nghe tin mẹ mất tôi chẳng thiết ăn cơm. Mẹ con gắn bó, tôi hận không có cánh để bay về nhà. Đến Hạ Điếm tôi lại thuê con lừa khác, đã nói rõ với ông ta là trả hai trăm tiền. Tôi cưỡi lừa, đi được một quãng, ông ta bảo tôi đi nhanh quá, trời nắng nóng, tiết trời viêm nhiệt nên nói rằng ông ta không theo nổi và không dắt lừa nữa, kéo lừa lại bảo tôi xuống. Tôi liền xuống, chẳng hơi đâu bực mình với ông ta. Tôi nghĩ mình đã cưỡi lừa đi một đoạn đường nên trả ông ta năm mươi tiền, ông ta cứ đòi đủ hai trăm tiền, nếu không trả, ông ta không cho tôi đi, vì thế mà cãi nhau như các vị đã thấy. Nghe thấy thế, Bành Công bèn xuống lừa, bảo người dắt lừa: - Ông là người dắt lừa cho thuê, sao lại không biết điều? Người ấy không nghe, sấn tới cho người thuê lừa một đấm. Tào Nhị giơ đấm lên đón đỡ, vừa đấm trả, lập tức đã đánh chết ngay người kia. Tào Nhị sợ tái mặt. Mọi người thấy là án mạng đều rạt cả sang hai bên. Lúc ấy có hai người làm việc quan đi tới hỏi: - Ai đánh chết người này? Người kia phải không? Đám người đứng xem đều giơ tay chỉ vào Tào Nhị. Người làm việc quan bảo: - Đi lấy cái khóa mang lại đây, khóa Tào Nhị lại rồi sau sẽ xử lý. Lát sau có mấy người chức dịch trong làng như hương ước, bảo giáp đi tới, ai nấy nói: - Đi lấy cái nong đậy lại, cử một người ở lại trông. Một chức dịch địa phương tên Đỗ Lượng bảo: - Cậu Ngụy Bảo Anh trông xác đi, chúng tôi giải người này đến nha môn báo có án mạng. Án mạng là chuyện hệ trọng, không phải chơi. Nói xong lôi Tào Nhị về huyện Tam Hà. Bành Công thầm nghĩ: "Nhà anh kia số đen quá, vừa một đấm đã đánh chết người. Lạ thật, tuổi thọ người ta có số định sẵn thật". Nghĩ rồi quay người đi vào phố Hạ Điếm, thấy người đông đúc, cửa hiệu rất nhiều, đường nam nẻo bắc, hàng hóa buôn bán thật là hưng thịnh. Đang đi, thấy phía bắc có một quán rượu, cửa hàng sạch sẽ. Bành Công bước vào, người hầu bàn chạy tới nơi: - Quí khách muốn gọi món gì? Bành Công nói: - Cho hai dĩa thức nhắm và hai hồ rượu. Lát sau, rượu và thức nhắm bày lên. Bành Công hỏi người hầu bàn: - Ta muốn hỏi thăm anh về một người, không rõ anh có biết không? Hầu bàn nói: - Quí khách cứ nói. Người nào có tên thì biết, không tên thì chịu. Xin hỏi quí khách trước, người ấy là ai? Bành Công nói: - Ta muốn hỏi thăm ông Tả Thanh Long Tả Khuê, chủ cửa hàng lương thực. Người hầu bàn lè lưỡi đáp: - Ngài hỏi người khác thì tôi có thể không biết chứ hỏi Tả Khuê thì ai cũng biết. Quí tính ngài là gì? - Ta họ Thập, muốn mua ít lương thực ở đây. - Mua lương thực mà quen biết ông Tả thì lợi lắm. Giá lương thực ở phố này do ông ấy định. Hàng đáng giá mười lạng, ông ấy trả năm lạng, không ai dám không bán, ít người dám bực bội. - Hầu bàn đáp. - Vậy chứ ông Tả Thanh Long ở đâu?- Bành Công hỏi. - Hôm nay ông ấy không ở đây. Phiên chợ ngày ba, ngày sáu ngày chín mới tới. Bành Công thầm nghĩ: "Hôm nay uổng công rồi, chi bằng ta về xem xét vụ án mạng kia đã, sau sẽ thăm Tả Thanh Long cũng chưa muộn". Nghĩ rồi uống vài chén rượu, trả tiền, trở lại nha môn. Trời đã sẩm tối, Bành Công tới cổng sau gọi cổng. Bành Hưng đang mong chủ, bỗng thấy tiếng gọi cổng liền hốt hoảng đi ra mở cổng sau, cầm đèn lồng lên soi, hóa ra lão gia đã về. Vào qua cổng rồi, Bành Công bảo đóng cổng lại, đi thẳng tới thư phòng ngồi xuống. Bành Hưng tới thỉnh an xong, hỏi: - Lão gia đã dùng cơm chưa? - Ta ăn rồi. Hôm nay có công văn giấy tờ gì không? - Có hai văn kiện, một trong số đó là vụ án mạng do ẩu đả của Tôn Lượng ở Hạ Điếm trình báo. Hung thủ Tào Nhị cũng được giải đến, hắn là người trong thành của bản huyện. - Bành Hưng nói. Bành Công nghe xong, uống mấy chén trà rồi gọi trực ban chuẩn bị cho ông thăng đường. Thay xong quan phục, ông vào ngồi giữa công đường. Đèn hai bên chiếu sáng như ban ngày. Bành Công phán: - Đưa hung thủ vụ án mạng do địa phương Hạ Điếm trình báo lên công đường để nghe xét xử. Người đứng đầu trực ban vâng lời, đưa phạm nhân đứng bên dưới lên. Tào Nhị quỳ xuống nói: - Bẩm quan lớn, tiểu nhân là Tào Nhị xin cúi lạy. Bành Công để ý nhìn, hung thủ chính là người vừa đánh nhau ban sáng, bèn hỏi: - Ngươi là Tào Nhị phải không? - Bẩm vâng. - Vì sao ngươi đánh chết người. Người bị chết là người ở đâu? Tào Nhị kể lại đúng như tình hình lúc ban sáng. Bành Công nghe xong, sai người giải xuống, dặn trông giữ cho kỹ. Ông làm thêm mấy việc của nha môn rồi lui khỏi công đường về thư phòng nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, Bành Công ăn cơm sáng xong dẫn theo nha dịch làm ở phòng hình sự cùng đi đến Hạ Điếm nghiệm xác. Ra khỏi thành huyện Tam Hà, người ngựa, phu kiệu đi thẳng về Hạ Điếm. Tới nơi để xác, chức trách địa phương đã đứng đón quan huyện. Bành Công xuống kiệu nhìn thì có người đã lợp mái che, giữa để bàn xét xử, trên bàn đặt giấy bút, bèn vào ngồi trước bàn, sai người đến nghiệm xác. Người nghiệm xác tên Lưu Vinh, xem xong, quì thưa: - Xin quan lớn xem qua, người này khắp người bị bốn mươi tư vết thương, bảy vết thương chí mạng. Bành Công nghe nói không vui, thầm nghĩ: "Hôm qua chính mắt bản huyện nhìn thấy Tào Nhị vung một đấm đánh chết người dắt lừa, tại sao hôm nay lại có đến bốn mươi tư vết thương?". Tức thì đứng dậy lại xem, quả nhiên xác này khắp người là vết máu, mặt mũi khó nhận ra. Bành Công trở lại ghế, bảo Tào Nhị: - Tào Nhị, rốt cuộc ngươi làm sao lại đánh hắn chết? Tào Nhị thưa: - Tiểu nhân vì việc thuê lừa, cãi nhau rồi chỉ đấm một cái hắn đã chết. Nếu bảo con đâm hơn bốn mươi vết thương thì thật là không đúng. - Tào Nhị, ngươi đến nhận xem sao? - Bành Công nói. Tào Nhị được người dẫn đến bên xác chết. Vừa nhìn thấy, Tào Nhị đã ngẩn ra vì đó là xác một thanh niên chừng mười tám, mười chín, nước da trắng trẻo, bị máu loang nên không nhận ra mặt mũi; mình mặc bộ quần áo lụa màu lam dính đầy máu, khắp người bị thương. Tào Nhị xem xong, trở về quì tâu với Bành Công: - Bẩm quan lớn, tiểu nhân oan uổng! Hôm qua bị con đâm chết là người đàn ông ngoài bốn mươi mặc quần áo rách, còn hôm nay là người trai trẻ, khắp người thương tích, không biết bị ai đánh chết. Bành Công nghe nói, suy nghĩ một lát rồi bụng bảo dạ: "Hôm qua chính mắt ta nhìn thấy đó là người đàn ông tuổi hơn bốn chục, sao hôm nay lại là người khác? Nhất định là có chuyện". Nghĩ xong lại đến cạnh xác chết xem kỹ một lượt, đúng là không phải người bị đánh chết sáng hôm qua, đúng là có duyên cớ chi đây. Xem xong, Bành Công trở về chỗ ngồi, bảo: - Cho gọi quan chức địa phương lên đây. Người đứng cạnh vâng dạ, dẫn tới một người. Người này quì mọp, nói: - Bẩm lão gia, Đỗ Lượng xin khấu đầu. - Ngươi là chức dịch ở địa phương đây. - Bành Công hỏi. Đỗ Lượng nói: - Vâng tiểu nhân được làm chức dịch ở địa phương. - Ta hỏi ngươi, hôm qua Tào Nhị đánh chết người dắt lừa, ngươi trông coi xác phải không? - Không ạ. - Không phải ngươi thì là ai? - Bành Công hỏi. - Vì tiểu nhân phải giải hung thủ lên nha môn trình báo, nên nơi này chỉ để người giúp việc của tiểu nhân là Ngụy Bảo Anh trông xác thôi ạ. Bành Công phán: - Đưa Ngụy Bảo Anh lên đây cho ta hỏi. Đỗ Lượng vâng dạ rồi đứng lên gọi Ngụy Bảo Anh. Lát sau có người thưa và bước vào lán, tới trước mặt Bành Công quì xuống khấu đầu. Bành Công nhìn xuống, nói: - Ngươi ngẩng mặt lên cho ta coi! Ngụy Bảo Anh ngẩng đầu lên, Bành Công thấy hắn khoảng hai mươi tám, hai mươi chín tuổi, da mặt xanh xao, không có lấy một giọt máu, lông mày vàng, mắt ba góc múi thịt hằn trên mặt, mũi cao, môi mỏng, mình mặc áo vải màu lam, tất vải có hoa tím, giày vải xanh, quì mọp thưa: - Trên có quan lớn, tiểu nhân là Ngụy Bảo Anh xin cúi lạy. Bành Công nói: - Nguy Bảo Anh, ngươi năm nay bao nhiêu tuổi, làm việc được mấy năm rồi? Nguy Bảo Anh thưa: - Tiểu nhân hai mươi chín tuổi, từ nhỏ đã giúp việc ở cửa công. Cha tiểu nhân tên hiệu là Ngụy Bất Hoạt, từng làm bảo giáp ở nơi này, nay đã chết. Tiểu nhân giúp việc cho ông Trưởng Đỗ. Bành Công hỏi: - Một mình ngươi trông xác hay còn người khác nữa? - Một mình con trông xác, không có người nào khác. Đã không có người khác, vậy ta hỏi ngươi, tại sao xác lại bị đánh tráo trong đêm qua? - Bành Công hỏi. - Tiểu nhân trông xác suốt đêm không hề ngủ, sao lại có chuyện đánh tráo được? - Ngụy Bảo Anh cãi. Bành Công mỉm cười: - Ta thấy đồ nô tài đáng chết là ngươi to gan thật, trong đêm qua đã đánh tráo xác mà còn dám không khai thực. Ngụy Bảo Anh vẫn cãi: - Tiểu nhân đâu có dám gây chuyện gì, xin lão gia lượng xét. Bành Công phán: - Ta hỏi mà ngươi không chịu khai thật. Người đâu, lôi xuống vả vào miệng hắn cho ta! Nha dịch lôi Ngụy Bảo Anh xuống, vả cho bốn mươi cái, lại đánh thêm bốn chục hèo nữa. Ngụy Bảo Anh nói: - Lão gia dù có đánh chết tiểu nhân, cũng không có khẩu cung đâu. Mong lão gia làm ơn cho! Bành Công nói: - Ta đã biết ngươi không phải là người lương thiện, nếu ngươi không chịu khai thật, ta cho người đánh chết tươi! Người đâu đánh nữa cho ta! Nha dịch lại lôi xuống đánh nữa, Ngụy Bảo Anh đành nói: - Xin lão gia đừng đánh nữa, con xin khai là xong. Bành Công sai nha dịch lôi dậy, Ngụy Bảo Anh cúi lạy rồi khai: - Hôm qua được Đỗ Đầu mục sai phái, con ở lại trông xác. Con ăn cơm tối xong, uống hai lạng rượu, tới nằm ngủ bên xác chết. Tới trống canh hai, một luồng gió lạnh thổi thấu xương, khiến con dựng tóc gáy. Trở dậy nhìn trời, khắp trời đầy sao mà không có trăng, không có một ai làm bạn. Con định thần nhìn, thấy bên xác chết đèn bấc lụi dần, con bèn cắt muội bấc đèn rồi toan đi ngủ. Bỗng một trận gió lạnh nữa thổi tới, thật là rùng rợn, cứ thổi quây tròn lấy con. Con bèn bịt mắt lại ngủ đến khi trời sáng bảnh rồi gọi mấy người dựng mái che, chờ quan lớn đến nghiệm xác. Lời khai này là thực, không có nguyên cớ gì khác xin quan lớn tra xét kỹ, đừng đánh con nữa. Bành Công thấy Ngụy Bảo Anh-mồm mép liến láu che đỡ như thế liền gọi: - Người đâu, đánh chết tươi tên Ngụy Bảo Anh cho ta. Sai dịch dạ ran, lôi Ngụy Bảo Anh xuống vít cổ, giơ hèo lên đánh cho hai chục hèo. Ngụy Bảo Anh không chịu được đòn, lại kêu: - Thôi thôi con xin khai, quan lớn đừng cho đánh nữa! - Tên nô tài gian trá kia, ngươi đã chịu khai, ta bảo người thả ra cho ngươi khai. Ngụy Bảo Anh đầm đìa nước mắt, chịu khai ra: - Đêm qua tiểu nhân canh cái xác bị đánh chết. Khoảng canh ba, một trận gió lạnh thổi tới làm con tỉnh giấc. Trở dậy xem thì không thấy cái xác bị đánh chết ấy đâu nữa. Con nghĩ, nếu đến sáng mà không thấy xác, quan lớn đến xét nghiệm thì con ắt bị đòn. Con chợt nghĩ ra trong đám gò mả có một xác chôn liền nảy ra ý đem xác ấy tới đây để thay thế vào xác kia, tránh được đòn vọt của quan. Xin quan lớn gia ân, lời khai này là sự thực. Bành Công hỏi: - Ta hãy hỏi ngươi, sao ngươi biết có xác mới chôn ở đó? - Bẩm quan lớn, cái xác ấy là do tiểu nhân tham chén làm hỏng việc. Hôm ấy là tối ngày chín tháng Năm, con đánh bạc ở quán rượu phố sau, thua mất bốn mươi hai quan. Đang lúc nguy cấp, ở ngoài bước vào một người, gọi: "Ngụy Bảo Anh ra đây tớ bảo". Con nhìn ra, nhận được đó là tên bom rượu Trương Bướng Đầu. Con mới hỏi: "Anh Hai Trương gọi em làm gì thế?". Hắn lôi con ra chỗ vắng người, bảo con đem chôn một người. Con theo hắn vào vườn hoa nhà ông Tả Thanh Long, hắn bảo: "Này chú Hai Ngụy, tôi bảo cho chú biết nhé! Hiện tôi theo lệnh Tả lão gia Tả Thanh Long. Trong vườn hoa này có một cái xác, lão gia tho tôi tám lạng bạc, bảo tôi đem xác đi, tôi gọi chú để chú giúp tôi, tôi cho chú ba lạng bạc". Tiểu nhân nhận lời cũng là trong một lúc xiêu lòng vì mấy lạng bạc, con theo hắn vào vườn hoa. Vào đến nhà sau, con thấy quản gia và người báo canh đều đứng đấy canh giữ. Hai chúng con nhận bạc xong mới khiêng xác chết ra khỏi vườn hoa, đem chôn ở bãi tha ma vô chủ. Đến tối hôm qua mới đem xác ấy tới để thay thế, đó là việc thực lời thực không sai một chút nào. Bành Công nghe lời khai, biết rằng lại có một vụ án mạng nữa nên hỏi tiếp Ngụy Bảo Anh: - Ta hỏi ngươi thêm một việc nữa, cái tên dắt lừa thuê không rõ họ tên bị Tào Nhị đánh chết hôm qua, xác hắn hiện ở đâu? Ngươi khai thực đi! Ngụy Bảo Anh thưa: - Xin quan lớn gia ân, tiểu nhân thực sự không biết trong vụ này có duyên cớ gì. Con thật sự không biết cái xác bị đánh chết kia làm sao lại tác quái, khiến con khổ sở như thế này! Đúng lúc ấy, phía ngoài có người nói: - Xin quan lớn gia ơn thả người thuê lừa ra. Tiểu nhân chưa chết, xin trả lừa cho tiểu nhân. Bành Công nhìn ra, thấy người nói đó thì giật nảy người vì đó chính là người bị đấm chết hôm qua. Bất giác ông tái mặt, hỏi: - Ngươi là thế nào, mau nói ra để bản huyện khỏi phải dùng đến cực hình. Ngươi đến gặp bản huyện là vì cớ gì? Người kia nói: - Con là người ở Yên Giao, tên Lã Lộc, nhà cửa điêu linh, còn mẹ già hơn bảy mươi tuổi. Vì không biết làm gì, chỉ sống về nghề dắt lừa thuê. Hôm qua, có một người ở Hạ Điếm thuê lừa tới huyện Tam Hà. Người thuê lừa là Tào Nhị. Con và người ấy tranh chấp rồi cãi nhau, trong lúc nóng nãy không nhẫn nại được chúng con liền đánh nhau. Con bị đấm một cú, chết giấc. Khoảng canh ba đêm qua, con tỉnh lại, thấy chiếu đắp trên người, bên cạnh có chiếc đèn lồng, lại có một người nữa cũng nằm ở đấy. Con hiểu ra là do mình bị chết giấc, sau đó nhìn đến lừa thì không thấy lừa đâu. Con nghĩ người đánh con hẳn đã dính đến việc quan, con bèn không đánh thức người canh giữ dậy, sợ làm người ấy sợ hãi trong lúc đêm khuya canh vắng. Con lại đói quá, chỉ muốn về ngay nhà để ăn cơm rồi đợi đến khi quan lớn đến nghiệm xác sẽ xin lại lừa. Nhưng khi tới nơi để xác thấy quan lớn đã đến rồi và lại có một cái xác nữa, hẳn trong việc này có duyên cớ chi đây, vì thế con chưa dám thưa với quan lớn. Vừa nãy Ngụy Bảo Anh đã khai hết thực tình con mới dám thưa với quan lớn gia ơn đặc cách, thả Tào Nhị ra, cho con được nhận lừa về để còn dắt lừa thuê, lấy tiền nuôi sống mẹ già. Bành Công nghe Lã Lộc nói, nghĩ hắn và Tào Nhị đều thuộc người làm ăn nhỏ, nếu không thể tất cho họ thì họ sẽ oán. Bèn nói: - Lã Lộc, ta trả con lừa cho ngươi, việc của ngươi thế là xong.