Ông gọi chức dịch địa phương trả lừa cho Lã Lộc, kết thúc vụ án ngay tại chỗ. Chức dịch địa phương nghe Bành Công phán bảo, vội gọi: - Người đâu, con lừa hôm qua các ngươi buộc ở đâu? Người giúp việc là Trâu Văn nói: - Dạ, buộc ở Đinh Gia Điếm, con xin dắt đưa đến. Trâu Văn đi một lát đã dắt con lừa về trao cho Lã Lộc. Cả Tào Nhị cũng được cho về. Bành Công lại nói: - Ngụy Bảo Anh, ngươi dẫn chức dịch của ta đưa tên Trương Nhị nát rượu ấy về đây để ta tra hỏi kỹ lưỡng. Một vài chức dịch cùng Ngụy Bảo Anh ra đi, một lúc sau trở về báo: - Thưa quan lớn, không thấy Trương Nhị nát rượu đâu cả. Bành Công lại bảo người dân ở đấy: - Những người đứng xem quanh đây, nếu có ai nhận được xác này thì nên đến nhận, bản huyện không bắt tội đâu. Quan nói xong, những người đến xem xúm xít đứng quanh, cả nam lẫn nữ nhưng không một ai chen ra. Bành Công lại sai chức dịch truyền lời lần nữa: - Trong số những người đến xem đứng quanh đây, nếu có ai nhận được xác này thì không việc gì phải sợ hãi, chỉ cần nói rõ lai lịch là được. Người nào người nấy trong số người đến xem đều bước tới nhìn kỹ cái xác. Thấy xác không nát rữa, ai nấy thầm nghĩ: "Cậu thanh niên này không biết con cái nhà ai. Mặt mũi xinh đẹp da lại trắng bóc, xem ra chỉ khoảng mười bảy, mười tám tuổi không biết đứa ác độc nào giết chết thế? Đáng thương khắp mình đều là thương tích, gặp chuyện rủi ro này mà không có người thân nào kêu oan cho cậu ta?". Đám người đứng xem bàn ra tán vào, ồn ào cả lên. Bỗng ở một phía có tiếng người kêu to: - Oan uổng quá! Oan uổng quá! Bành Công ngẩng lên nhìn, thấy người kêu oan tuổi chừng ngoài sáu chục, mình mặc áo quần vải màu nguyệt bạch, giày xanh tất trắng, da mặt hơi vàng, hai lông mày rậm, đôi mắt mở to, đầu tóc ngay ngắn, quanh mép có râu đen, quỳ trước bàn kêu: - Trên có quan lớn, tiểu nhân oan uổng quá! Bành Công bảo: - Ngươi có việc oan uổng gì cứ nói thật ra! Ông già nói: - Con là Triệu Vĩnh Trân, nhà ở đầu đằng đông phố Hạ Điếm, làm nghề nông. Con có một trai một gái, với hai vợ chồng con nữa là bốn người. Con trai con mười tám tuổi đang đi học, con gái con hai mươi tuổi, chưa gả chồng. Thằng bé Triệu Cảnh Phương của con thường ở ngay tại trường, đêm ngày mười ba tháng này không về nhà, hôm sau cũng không thấy về. Con cho người đi tìm nhưng không biết cháu ở đâu. Hôm nay thấy quan lớn nghiệm xác ở đây mới biết xác ấy chính là cháu Triệu Cảnh Phương, không biết cháu bị kẻ nào sát hại. Kính mong quan lớn đặc cách gia ân, truy bắt hung thủ cho con được báo thù rửa hận. Bành Công bảo: - Ông hãy nhận lấy xác con, tạm thời quản ở một nơi, chờ ta bắt hung thủ báo thù cho. Ông già nhận xác con đem về. Bành Công gọi: - Mã Thanh, Đỗ Minh, hai ngươi cấp tốc tróc nã tên Hồ Thiết Minh đưa về huyện để thẩm vấn. Hai người vâng lời đi ra. Bành Công giải Ngụy Bảo Anh về huyện Tam Hà giam lại, sau đó cho người đi bắt Trương Nhị nát rượu. Sáng hôm sau, trời vừa sáng, cơm nước xong xuôi, Bành Công truyền ba ban sai nha hầu quan thăng đường. Bổ đầu Mã Thanh, Đỗ Minh thưa lại là không tìm thấy tên Hồ Thiết Đinh ở phủ của Tả Thanh Long. Bành Công nghĩ bụng: "Tả Khuê là một tài chủ nơi này, có mấy tờ đơn đều tố cáo hắn. Lần trước ta vi hành về Hạ Điếm, giữa đường gặp vụ án người dắt lừa. Vụ án này, ta phải đích thân dò la mới xong. Chỉ e trên phố Hạ Điếm có người nhận ra ta mà thôi". Nghĩ xong liền gọi Đỗ Hùng, trưởng bổ đầu ba ban. Bành Công nói: - Đỗ Hùng, ngươi đến Đại Đạo Lý Tân Trang mời Bạch Mã Lý Thất Hầu đến đây! Đỗ Hùng vâng lời, xuống nhà gọi người giúp việc chuẩn bị ngựa rồi lên ngựa ra khỏi thành, đi thẳng tới Lý Tân Trang. Tới đầu trang, Đỗ Hùng xuống ngựa, vào đến cổng nhà họ Lý thấy gia nhân nhà này là Lý Trung đúng ngoài cổng. Đỗ Hùng gọi: - Ông Lý ơi, phiền ông vào bẩm có Đỗ Hùng ở huyện Tam Hà đến thỉnh an Thất lão gia và có chuyện muốn thưa. Lý Trung nói: - Vâng. Ngài hãy ngồi chờ ở đây, tôi vào bẩm với trong nhà một tiếng. Nói rồi quay người đi vào bên trong. Tới thư phòng, thấy Lý Thất Hầu đang bế con trai tên gọi Lý Vân, mới lên ba. Thằng bé bụ bẫm, tai to mặt vuông, mắt mũi mồm miệng ngay ngắn. Lý Thất Hầu từ khi nhận em trai đưa về nhà khuyên giải một hồi, lại chỉ bảo một hồi thì Lý Bát Hầu cũng thông suốt, hối hận về những sai lầm của mình, từ đấy đóng cửa ngồi nhà, thôi không bao giờ dám làm những việc trái lẽ nữa. Tám người bạn lục lâm của Thất Hầu là Lưu Trị, Lý Thông, Phùng Báo, Đỗ Thanh, Phùng Thái, Lý Long, Lưu Ngọc, Cát Hùng muốn tới Sơn Hải Quan chơi một chuyến. Lý Thất Hầu nghĩ, trong đám lục lâm có người nào thọ đến bát tuần đâu! Tuy nói là lấy của kẻ giàu giúp cho người nghèo, hành hiệp trượng nghĩa song không tránh khỏi làm tổn hại, vì thế từ đấy đóng cửa tạ khách, không gặp ai nữa. Ngày hôm ấy ở thư phòng với con là Lý Vân, thấy gia nhân Lý Trung vào báo, nói: - Thưa lão gia, ngoài cổng có bổ đầu của huyện Tam Hà là Đỗ Hùng xin thỉnh an. - Mời vào đi! Lý Thất Hầu nói. Lý Trung đi ra mời Đỗ Hùng vào thư phòng. Thất Hầu đứng dậy nói: - Đỗ hiền đệ, đã lâu không được gặp. Đỗ Hùng thỉnh an xong, nói: - Thất lão gia, hôm nay tôi vâng lệnh huyện chủ đến mời lão gia tới nha môn, có việc cần kíp muốn nhờ. Thất Hầu nói: - Huyện lão gia hôm nay bảo đệ đến gọi tôi. Ông ấy là quan phụ mẫu, đáng ra tôi phải đến. Có điều việc nhà quấy rối, tôi không xẻ được người thành hai nửa. Phiền đệ trở về nói lại tôi thực không thể vâng mệnh. Đỗ Hùng nói: - Thất lão gia mà không đi thì e rằng chủ tôi còn sai người đến mời nữa, chi bằng cùng tôi đi là hơn. Thất Hầu nói: - Để ở đây ăn cơm xong rồi hãy về, tôi thực không thể đi cùng được. Đỗ Hùng thấy Thất Hầu không chịu đi đành ăn cơm rồi cáo từ về nha môn, bẩm rõ với Bành Công. Bành Công nói: - Ngươi cầm danh thiếp của ta đi mời lần nữa. Ngươi nói là bản huyện công việc đầy mình, không thể đến được. Đỗ Hùng cầm danh thiếp, lại tới Đại Đạo Lý Tân Trang mới mời được Lý Thất Hầu. Tới nơi, Thất Hầu nói: - Trên có quan lớn, tiểu nhân xin thi lễ. Không biết lão gia cho gọi là có việc gì? Bành Công nói: - Hạ Điếm có tên Tả Khuê, biệt hiệu là Tả Thanh Long. Người này tiếng tăm ra sao? Lý Thất Hầu trầm ngâm một lúc, thầm nghĩ: “Việc này ta biết làm thế nào đây? Tả Thanh Long là đứa vô tri, ta mà không nể mặt chú hắn thì đã dạy bảo hắn rồi. Nay huyện lão gia hỏi về hành vi của hắn, hẳn là có duyên cớ đây?". Nghĩ rồi nói: - Lão gia muốn hỏi về Tả Thanh Long thì đấy là con người vô tri không biết hắn đã làm điều gì rồi? Bành Công kể lại việc dân chúng tố cáo, rồi ông vi hành dò xét và lúc này đã nhận được đơn từ, cũng đã nghiệm xác cho Thất Hầu nghe. Lý Thất Hầu nói: - Lão gia định truyền gọi hắn thì chỉ phí công. Hắn dựa vào thế lực người thân vì hắn là con nuôi của Sách thân vương, không điều gì không làm. Theo ý của tiểu nhân, lão gia nên dùng một kế thỏa đáng để mời hắn đến. Trước hết truyền gọi nguyên cáo đến nghe thẩm vấn, sau đó mới hỏi hắn. Bành Công gọi. - Mã Thanh, Đỗ Minh, hai ngươi mang danh thiếp của ta đi mời Tả Thanh Long đến đây? Hai nha dịch vâng lời đi ngay tới nhà của Tả Thanh Long ở phố Đông Hậu thuộc Hạ Điếm. Tới nơi, nói với người canh cổng: - Phiền các bác vào bẩm một tiếng, nói là có bổ đầu của huyện Tam Hà là Mã Thanh, Đỗ Minh tới thăm hỏi trang chủ. Người coi cổng đi vào bên trong, thì Tả Thanh Long đang cùng uống rượu với hai người là Thai Lý Hoại Hồ Thiết Đinh và Lư Khiếm Đường. Gia nhân đến báo: - Hiện có bổ đầu huyện Tam Hà là Mã Thanh, Đỗ Minh muốn gặp trang chủ, không biết trang chủ có cho gặp hay không? Tả Khuê nói: - Mời họ vào đây! Gia nhân ra cổng dẫn hai vị bổ đầu vào trong đại sảnh. Mã, Đỗ nhìn xem thì đại sảnh có năm gian, phía đông và tây lại có ba gian phòng nữa. Trong phòng phía bắc có kê chiếc bàn dài mà hẹp, trước bàn dài là chiếc bàn bát tiên, mỗi bàn một ghế bát tiên. Trên ghế phía đông có một người ngồi, chính là Tả Thanh Long, mình cao chín thước, mặt thâm như tương, hai hàng lông mày dựng đứng, hai mắt thô lố, miệng vuông, râu đen chạy quanh mép; trên người là chiếc áo dài lụa màu xanh, quần lụa màu lam, áo trong cũng màu lam, chân dận đôi giày thanh vân tất trắng, tuổi chừng ngoại tam tuần. Trên ghế ở phía dưới là một người gầy gò, khô đét, tướng mạo bình thường, đó chính là tên Thai Lý Hoại Hồ Thiết Đinh. Hai vị bổ đầu nhìn rồi nói: - Thưa trang chủ, chúng tôi vâng lệnh của huyện lão gia mang danh thiếp đến mời trang chủ. Tả Thanh Long nghe hai vị Mã, Đỗ nói xong, quay sang hỏi Lư Khiếm Đường: - Việc này ta đi thì hơn hay không đi thì hơn? Lư Khiếm Đường nói: - Đi vẫn là thượng sách. Hồ Thiết Đinh nói: - Tôi đi với. Tả Khuê sai sắp sẵn ngựa, cùng Mã, Đỗ ăn cơm. Cơm xong lên ngựa cùng hai bổ đầu và Hồ Thiết Đinh đi thẳng tới huyện Tam Hà. Trời đang giữa trưa, vào đến huyện thành Tam Hà rồi tới ngoài nha môn. Hai nha dịch vào bên trong bẩm với Bành Công. Lát sau nghe bên trong nói: "Xin mời!". Tả Thanh Long dẫn Hồ Thiết Đinh đi qua nghi môn; thấy trên công đường không có một ai. Qua khỏi công đường chợt nhìn thì giật nảy người. Thì ra Bành Công quan phục chỉnh tề ngồi ở chính giữa, nha dịch ba ban chia ra đứng hai bên; Lý Thất Hầu cũng có mặt, không rõ vì cớ gì. Tả Thanh Long đang còn hồ nghi thì nghe thấy tiếng hô của hai hàng nha dịch: - Tả Thanh Long đã được dẫn tới! Sau đó người của ba ban đều hô: "Quì xuống!". Tả Khuê quát: - Bành Bằng, ông về nhận chức chưa được bao lâu, thế mà mời thân sĩ đến lại ngạo mạn đến thế kia ư? Bành Công nói: - Ngươi ỷ vào thế lực kim tiền, hiếp đáp người lương thiện, gian dâm đàn bà con gái, chiếm đoạt nhà cửa ruộng đất của người ta, lại còn gian dâm cả với con trẻ, không điều gì là không dám làm. Hôm nay ngươi tới trước mặt bản quan huyện mà còn không coi trưởng quan ra gì, quát tháo cả ở công đường hay sao? Bèn bảo tả hữu: - Bắt nó quỳ xuống cho ta! Hai hàng nha dịch hô vang lấy oai: "Quỳ xuống!". Bành Công thẩm vấn: - Ngươi cướp con gái của Trương Vĩnh Đức, đánh què Trương Ngọc, khấu trừ quá nhiều giá lương thực của Dư Thuận, nhân đây hãy khai thực ra! Tả Khuê đùng đùng nổi giận: - Bành tri huyện, ông tự tiện bịa đặt tội danh cho ta, định vòi vĩnh tiền của ta, ta phục ông sao được? Bành Công nói: - Đưa Trương Vĩnh Đức lên đây để đối chất ngay giữa công đường. Nha dịch vâng lời, đưa Trương Vĩnh Đức lên quỳ trước mặt lão gia, nói: - Xin lão gia làm chủ thay cho tiểu nhân. Đây chính là kẻ cướp con gái tiểu nhân, xin lão gia báo thù rửa hận cho cháu. Bành Công nói: - Tả Khuê, ngươi nghe thấy chứ? Có chịu khai thực không? Tả Khuê biết có người tố cáo hắn bèn nói: - Huyện lão gia tham tiền của người ta nên đối đầu với ta chứ gì? Bành Công mắng: - Ngươi nói láo, lôi xuống đánh cho ta! Tả Khuê giật mình sợ hãi, Hồ Thiết Đinh cũng run như cầy sấy. Nha dịch hai hàng lập tức vít cổ Tả Khuê xuống đất, đánh cho bốn chục hèo đến nỗi da thịt tơi tả. Đánh xong, Bành Công nói: - Cả cái tên theo hầu hắn cũng đưa lên đây để ta xét hỏi. Hồ Thiết Đinh quỳ mọp, kêu: - Đại lão gia, con không phải là người theo hầu Tả Khuê. ông ta với con cùng ở một phố, hôm nay ông ta bảo con đi cùng. Xin lão gia tha cho con, con hiện còn mẹ già bảy mươi tuổi. Bành Công nghe Hồ Thiết Đinh luôn mồm kêu nài, lại thấy mặt mũi hắn không có gì hung ác liền phán: - Ngươi đâu, đuổi tên này ra khỏi nha môn cho ta. Hồ Thiết Đinh sợ đến nỗi vãi đái nên được lệnh là chuồn thẳng. Bành Công phán: - Tả Khuê, nếu ngươi còn định giấu giếm thì làm sao thoát khỏi tay bản huyện? Từ khi đến nhận chức, ta đã biết tiếng ác của ngươi vang dội. Con gái của Trương vĩnh Đức hiện giờ ở đâu? Tiền bạc của Dư Thuận, ngươi nuốt rồi mà còn không chịu khai thực à? Tả Khuê vốn chưa từng chịu hình phạt của quan, quen dựa vào thế lực kim tiền, ở nhà chuyên kết giao với quan lại, oai vang dậy một phương, không ai dám gây sự. Nay bị đánh bốn chục hèo, hắn đau quá van nài: - Lão gia không phải đánh nữa, tôi bảo bạn tôi đến gặp ngài là xong. Bành Công nói: - Bạn bè ngươi thế nào, cứ đánh cho hắn bốn chục hèo nữa! Hai bên nha dịch đều nói: - Khai mau! Nếu không chịu nói lại đánh nữa đấy! Tả Khuê không biết làm thế nào đành phải thừa nhận những việc đã làm và khai: - Con gái Trương Vĩnh Đức hiện ở trong vườn hoa của tôi. Số bạc của Dư Thuận, tôi có thể đền bù. Còn con trai Triệu Vĩnh Trân, vì say rượu, tôi có gian dâm với cậu ấy; sau khi tỉnh rượu, cậu ấy đòi tố cáo tôi nên tôi đã đánh chết, gọi Trương Nhị nát rượu và Ngụy Bảo Anh khiêng đi chôn ở bãi tha ma vô chủ trên đồi. Việc chiếm đoạt năm chục mẫu ruộng của Lưu Tứ, tôi cũng xin thừa nhận hết. Thư ký viết lời cung khai, Tả Khuê in tay vào. Bành Công cho gọi Dư Thuận: - Ngươi hãy đợi bản huyện đòi lại số bạc cho ngươi. Lại bảo Trương Vĩnh Đức: - Trương Vĩnh Đức, ông hãy đợi bản huyện dẫn con gái ông về đây để nhận lại con gái ngay tại công đường. Bành Công sai Mã Thanh, Đỗ Minh và Lý Thất Hầu: - Ba ngươi hãy tới nhà Tả Khuê ở Hạ Điểm, đưa con gái rương Vĩnh Đức về đây, lấy năm trăm hai mươi lạng bạc, truyền cho trương Nhị nát rượu và Hồ Thiết Đinh tới nha môn, ngày mai nghe nghị án! - Ba người vâng lời ra đi, còn Tả Khuê thì đem giam vào ngục. Bành Công lui khỏi công đường dùng cơm. Canh hai đêm ấy mới được nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, mọi việc đã xong, Bành Công thăng đường, nha dịch ba ban đứng hầu hai bên. Mã Thanh, Đỗ Minh, Lý Thất Hầu trình bạc lên nói: - Vâng lệnh lão gia, hiện đã đưa Trương Phượng Nhi đến. Trương Nhị đã bỏ trốn, không biết đi đâu. Còn Hồ Thiết Đinh cũng bỏ trốn hôm qua. Bành Công phán: - Gọi Trương Vĩnh Đức nhận con gái đưa về nhà, Dư Thuận nhận số bạc để kết thúc vụ án ngay tại đây! Lại sai đem Tả Thanh Long lên, đối chất đúng lời khai, in dấu tay. Bành Công xử hắn vào tội chém đầu không được hoãn thi hành. Vừa mới dẫn Tả Thanh Long ra thì từ ngoài bước vào một người mình cao tám thước, cổ ngắn mà to, mặc quan phục, đội mũ quan, da mặt hơi vàng, lông mày dựng đứng, hai mắt thô lố mặt vuông, miệng vuông, tuổi khoảng ngoài tam tuần. Người này đi thẳng vào công đường, hai tay nắm vào nhau giơ lên, nói: - Lão phụ đài, vãn sinh Vũ Văn Hoa xin có lễ. Bành Công nhìn ra thấy người này ăn vận theo lối cử nhân, bèn hỏi: - Ngươi là ai, đến có việc gì? Người này nói: - Tôi là Vũ Văn Hoa, cử nhân của bản huyện. Vì lão gia bắt Tả Khuê là một thân sĩ; nhà giàu có nên bị người ta vu cáo, lão gia không xét kỹ, dùng cực hình lấy khẩu cung, lăng nhục thân sĩ. Tôi rất lấy làm bất bình nên đến thỉnh thị ngài. Thì ra Vũ Văn Hoa là người ở Vũ Gia Trang, nhà có hơn hai trăm khoảnh ruộng, bản thân lại là cử nhân về võ, chơi rất thân với Tả Khuê. Nghe người ta kháo nhau Tả Khuê bị bắt đưa về nha môn, nên đến đây định cứu bạn. Bành Công nói: - Vũ Văn Hoa, ngươi cậy mình là cử nhân võ mà làm náo loạn công đường. Tả Thanh Long vi phạm phép nước, hiện có người đối chứng, ngươi há không biết vương tử mà phạm pháp thì cũng xử như dân hay sao? Người đâu, đuổi Vũ Văn Hoa ra khỏi công đường cho ta! Vũ Văn Hoa nói: - Bành tri huyện, ông về nhận chức chưa lâu mà đã làm nhục thân sĩ, lộn cả đất lên. Tôi mà để cho ông ngồi ở ghế lâu dài thì tôi là kẻ bất tài! - Nói xong, hiên ngang xuống khỏi công đường, bỏ đi. Bành Công sai giam Tả Thanh Long vào ngục, định hình phạt xử chém ngay không được hoãn. Vừa toan lui khỏi công đường thì nghe bên ngoài lại có người kêu oan. Ông sai người đưa lên. Khi nha dịch trực ban đưa hai người kêu oan lên công đường thì hai người này đều ngoài ba mươi tuổi, mình mặc quần áo vải màu nguyệt bạch, chân dận giày xanh tất trắng. Người quỳ phía đông mặt mũi ngay ngắn, da hơi đen, vẻ mặt nhân từ. Người quỳ phía đông mặt mũi cũng hiền lành trung hậu. Bành Công nhìn xong, hỏi: - Hai ngươi vì sao kêu oan, nhân đây hãy nói thực ra. Người quỳ phía đông nói: - Tiểu nhân họ Diêu, tên là Quảng Lễ, nhà ở thôn Hà, chỉ có một mình, sống với cô mẫu cho qua ngày tháng, năm nay ba mươi tuổi. Tối hôm qua, tiểu nhân đạo chơi ở đầu thôn, thấy Tiếu Lâm Trương Hưng đi rất vội vàng như có chuyện gì vậy. Tiểu nhân thường ngày hay nói đùa với hắn nên hỏi: " Trương Nhị ca, anh phát tài rồi lờ bạn bè đi đấy à?". Hắn đứng ngay lại tái mặt đi nói: "Diêu Tam ca, anh gọi tôi có việc gì?". Tiểu nhân nói: "Anh mời tôi uống một chén rượu đã!". Hắn kéo con vào một quán rượu ở trong thôn, nói: "Hai chúng mình uống hai hồ nhé!". Hắn gọi rượu và thức nhắm, hai chúng con uống, rồi con hỏi hắn: “ Anh ở đâu về thế, làm sao lâu nay không thấy anh?". Tiếu Lâm Trương Hưng nói: "Hôm nay tôi từ huyện Hương Hà về đây, có phát tài được một món nhỏ, anh có dám nhận một phần hay không?". Nói xong, hắn lấy trong lưng ra hai đỉnh bạc, đặt lên bàn rồi nói: "Anh cần dùng thì cho anh một đĩnh đấy!". Con nói: "Tôi không dám nhận đâu!". Con hỏi hắn do đâu mà phát tài, hắn nói hắn hại một người ở trạm Hòa Hợp, vứt xác xuống giếng, được một trăm lạng bạc. Con nghe xong giật nảy người, nói: "Tôi không lấy đâu, anh cầm lấy đi!" Uống xong hai hồ rượu, chúng con chia tay, càng nghĩ càng thấy không ổn sợ bị liên lụy với hắn. Sáng nay con trở dậy đang định vào thành tố cáo hắn thì lại gặp Trương Hưng hốt hoảng như muốn bỏ trốn. Con bước tới túm lấy hắn, bảo: "Hai chúng ta vào thành kêu oan nhé?". Con liền kéo hắn đến đây kêu oan. Con và Trương Hưng tiếu lâm ngày thường không có thù oán gì. Chỉ vì hắn phạm tội, con biết mà không tố cáo thì phạm vào tội dung túng cho kẻ phạm tội bỏ trốn. Bành Công hỏi Trương Hưng: - Ngươi tên gì, khai ra? Trương Hưng nói: - Con tên Trương Hưng, côi cút một mình, ở cùng với cậu con cho qua ngày tháng. Cậu con ở Kinh đô theo hầu quan, tên là Lưu Tường. Mợ con không có con. Hôm qua cậu con được nghỉ về nhà, con ở nhà cậu giúp việc mua sáu mươi mẫu ruộng của Triệu Đình Tuấn ở huyện Hương Hà, định rõ giá tiền là bốn trăm tám mươi lạng bạc. Hôm qua cậu con hết hạn nghỉ phép, người theo hầu quan khi nào dám để lỡ việc nên cậu con vội về kinh ngay. Trước khi đi, cậu con có dặn, bạc đặt cọc là một trăm lạng và bảo mợ con giao bạc để con giao cho nhà họ Triệu ở trong thành huyện Hương Hà. Đến nhà, người nhà họ nói ông chủ không có nhà, đi thăm bạn rồi. Con đợi đến khi mặt trời lặn mới nói: "Khi nào ông chủ về nhà thì nói với ông ngày mai đợi tôi ở nhà. Bây giờ tôi về nhà đây!". Con về đến đầu thôn thì gặp Diêu Quảng Lễ. Hắn hay đùa với con, mà tên hiệu của con là Tiếu Lâm Trương Hưng, nên khi nghe hắn hỏi con phát tài, con mới cố ý nói đùa, bảo đã giết một người ở trạm Hòa Hợp, ném xác xuống giếng. Quan lớn soi xét, nếu con giết người thật thì đời nào con lại kể với hắn? Đấy là do lỗi ở con thích bông đùa, bởi vậy mới có việc ngày hôm nay. Nếu lão gia còn chưa tin thì gọi Triệu Đình Tuấn đến hỏi sẽ rõ. Bành Công thấy người này mặt mũi hiền lành, lời khai cũng có thể tin được, bèn nói: - Đỗ Minh thảo văn thư, truyền gọi Triệu Đình Tuấn ở huyện Hương Hà đến đây để ta thẩm vấn ngay tại công đường. Đang nói thì bên ngoài lại có hai người nữa bước vào, đó là hương ước Lưu Thăng và chức dịch địa phương ở trạm Hòa Hợp là Lý Phúc. Hai người vào khấu đầu, thưa trình: - Bẩm lão gia, trước miếu Thiên Tiên ở trạm Hòa Hợp chúng con có một cái giếng, người ở đấy đều ăn nước giếng này. Sáng sớm hôm nay có người đi lấy nước thì thấy trong giếng có một xác chết, không biết bị ai ném xuống. Vì vậy chúng con phải đến trình báo cho quan lớn biết. Bành Công nghe nới thấy vừa khớp với vụ án ông định hỏi, bèn gọi: - Này Tiếu Lâm Trương Hưng, ngươi là đồ nô tài đáng chết ngươi giết chết người ta ở chỗ nào, cứ thực khai ra, tránh cho da thịt bị đòn. Trương Hưng cuống lên nói: - Thưa quan lớn, tiểu nhân oan uổng quá! Tiểu nhân có biết gì đâu! Bành Công sai trước hết canh giữ Diêu Quảng Lễ và Trương Hưng cho cẩn thận, tự mình đem theo nha dịch trông coi hình sự đi thẳng tới trạm Hòa Hợp nghiệm xác.