Hạm đội xuôi dòng sông Đông, nước đục lờ, đấy ắp các cánh buồm kẻ sọc căng phồng dưới làn gió ấm.Mười tám chiếc tàu hai boong đi đầu, đằng trước và đằng sau là hai mươi thuyền buồm nhẹ và hai mươi thuyền chiến nhỏ, thuyền buồm lớn có chèo, du thuyền, thuyền chiến chèo tay: tám mươi sáu tàu trận và năm trăm thuyền chở quân Cô-dắc hợp thành một đoàn dài rải ra trên các khúc sông.Từ trên boong tàu cao nhìn xuống là những cánh đồng cỏ xanh rờn; mặt nước lăn tăn của những hồ ao do lũ mùa xuân tạo thành dọc theo bờ sông. Từng dàn chim bay về phương Bắc. Từng quãng lại có những ngọn đồi đá vôi điếm trắng ở chân trời. Gió Đông Nam thổi lúc đầu là gió người, mọi người phải chèo lái gay go cho đến khi tàu quay mũi sang hướng Tây: các cánh buồm rũ xuống, tàu giạt đi, các thuyền trưởng dùng loa quát tháo dữ dội. Nhật lệnh nói rõ: "Không một tàu nào được tụt lại sau tàu chỉ huy. Mọi tàu đều phải theo sát tàu nầy. Nếu ai đến chậm ba giờ sẽ bị khẩu một phần tư lương hàng năm, chậm sáu giờ khẩu hai phần ba và chậm mười hai giờ khẩu lương cả năm".Khi tàu quay mũi về hướng Tây Nam, cuộc hành trình trở nên thích thú. Ánh chiều tà ẩm ướt và rực rỡ trải ra trong chốt lát trên đồng cỏ. Một phát trái phá từ tàu đô đốc ầm nổ. Tiếng kèn thay phiên gác vang lên. Đèn hiệu leo lên đỉnh cột buồm. Buồm được thu lại, mỏ neo thả xuống nước kêu lũng bũng. Những đống lửa được nhen lên trên bờ sông mờ mờ tối, tiếng quân Cô-dắc í ới, nghe như hát.Từ cái khối đem ngòm của chiếc tàu Sứ đồ Piotr do Sa hoàng chỉ huy, một phát pháo hiệu, tựa cái đuôi của mụ phù thuỷ, bay lên bầu trời đầy sao, tiếng rít làm đàn cun cút hoảng sợ. Mọi người tập hợp tại phòng sĩ quan ăn bữa tối. Trong những đêm say sưa đó, các đô đốc thuyền trưởng, cận thần của Sa hoàng, từ các tàu gần nhất đến đây bằng thuyền.Khi qua tu viện Divnogorski, sáu chiếc tàu do công ty của vương hầu Boris Alekseevich Golixyn đóng, gia nhập hạm đội. Trong dịp nầy, đoàn tàu bỏ neo bên bờ sông đá vôi, tiệc tùng linh đình hai ngày ròng rã ở ngoài trời trong vườn tu viện. Người ta tìm cách cám dỗ các tu sĩ bằng tiếng kèn đồng hoặc những lời bông đùa hai nghĩa; người ta cho phát hoả cả tám trăm khẩu đại bác của hạm đội để làm họ kinh hoảng.Rồi buồm lại căng gió trên cả dòng sông. Tàu lượn theo dọc bờ sông cao, chạy qua những thành nhỏ chung quanh có những hàng giậu bằng phên đan và luỹ đất, qua những lãnh địa mới của các đại thần và các tu viện, qua những nơi đánh cá. Gần thành nhỏ Pansin, người ta thấy hàng đàn kỵ binh Kalmys đen ngòm, mang giáo dài, và bên hữu ngạn, quân Cô-dắc đóng giữa các xe cộ xếp thành một ô vuông với hai khẩu đại bác. Quân Kalmys và quân Cô-dắc đương đầu với nhau, tranh dành những đàn ngựa và những nơi đánh cá chiến.Tổng trấn Sein đi xuống tới gặp quân Kalmys, Boris Alekseevich, Golixyn thì tới gặp quân Cô-dắc. Họ giảng hoà đôi bên. Nhân dịp nầy lại tiệc tùng linh đình trên những ngọn đồi xanh rờn, dưới những đám mây lừng lờ trôi, dưới những đàn sếu bay ngang trời.Cornelix Cruyx, rượu say, ra lệnh câu rùa rồi chính tay hắn đem nấu xúp. Vua Piotr cũng ra lệnh câu rùa và đãi các đại thần một món ăn đặc sắc. Ăn uống xong, nhà vua đưa những đầu rùa ra, tổng trấn Sein nôn ọe luôn.Mọi người cười mãi.Ngày 24 tháng năm, vào buổi trưa, khí trời oi bức những pháo dài thành Azop xuất hiện ở phía Nam, qua một màn sương mù che lấp cả mặt biển. Nơi đây, dòng sông Đông trải ra rộng mênh mông; nhưng lòng sông không đủ sâu để các tàu gắn bốn mươi cỗ đại bác có thể vượt qua được cửa sông.Trong lúc phó thuỷ sư đô dốc thăm dò lòng nhánh sông Đông - sông Kutiurma - và vua Piotr tới Azop và Taganrok bằng du thuyền để thăm các thành luỹ, pháo đài - thì đoàn sứ thân của phiên vương (tức Krym) từ Bakhsitxarai tới, cưỡi trên những con ngựa tuyệt đẹp, có cả một đoàn ngựa chở đầy tặng phẩm đi theo. Họ dựng lên những lều thảm rồi cắm trên dỉnh đồi một cái "túc" tức là một ngọn giáo dài trên đầu có buộc một cái đuôi ngựa và một hình trăng lưỡi liềm, - rồi cho phiên dịch tới hỏi xem Sa hoàng có vui lòng nhận lời chào và tặng phẩm của phiên vương hay không.Các sứ thần được trả lời là Sa hoàng ở Moskva, chỉ có đại diện của nhà vua là thuỷ sư đô đốc Golovin và các đại thần có mặt ở đây. Ngọn "túc" phấp phới bay ba ngày trên đỉnh đồi. Quân Tarta phi trên mình những con ngựa hung dữ trước nòng những khẩu trái phá. Đến ngày thứ tư, các sứ thần ra mắt trên tàu đô đốc. Người ta trải một tấm thảm trắng của miền Anatoli rồi đặt tặng phẩm lên trên: một cốt sắt cho yên ngựa, một thanh kiếm, súng ngắn, một dao găm, một bộ yên cương, mọi thứ khá giản dị, bằng bạc nạm ngọc, giá trị không bao nhiêu. Golovin ngồi trịnh trọng trên chiếc ghế gấp, người Tarta ngồi trên thảm, chân xếp bàn tròn. Họ nói đến hiệp ước đình chiến do Voznixyn đã kết kết, rồi nói đến việc nầy việc nọ, vừa nói vừa vuốt vuốt chòm ria lưa thưa hai bên mép, vừa đưa cặp mắt linh hoạt như mắt chó biển sục sạo khắp nơi, vừa tặc tặc lưỡi:- Moskva rất tốt, hạm đội rất tốt… Nhưng các ngài đã lầm khi đặt vào đó nhiều hy vọng quá. Những tàu lớn của các ngài sẽ không qua được dòng sông Kutiurma. Mới đây, hạm đội của vua Thổ Nhĩ Kỳ đã định lọt vào sông Đông nhưng rồi đành chịu tiu nghỉu trở về Kesk.Tất cả mọi việc đều chứng minh là họ đến chỉ có mục đích dò xét tình hình. Sáng sớm hôm sau, trên đồi cột "túc" lều kỵ binh đều biến mất, chẳng còn gì nữa.Cuộc thăm dò cho biết là dòng sông Kutiurma nông. Mực nước sông Đông ngày càng xuống. Người ta chỉ còn mong một cơn gió dữ từ phía Tây Nam thổi tới để dồn nước biển vào trong eo mà thôi.Vua Piotr từ Taganrok trở về. Mặt nhà vua sa sầm khi được biết là lòng sông không được sâu lắm. Gió Nam uể oải thổi. Nóng bức bắt đầu. Từ các sườn tàu, hắc ín chảy nhỏ giọt. Vỏ tàu bằng gỗ không được phơi kỹ trong mùa đông bây giờ nứt nẻ. Người ta phải hút nước từ hầm tàu lên. Buồm thu cả lại, các tàu đậu bất động, hư hư ảo ảo trong không khí nóng bức.Có lệnh phải bỏ bớt đồ nặng trên tàu. Từ hầm tàu, những thùng thuốc súng và thức ăn muối được chuyển xuống thuyền để chở tới Taganrok. Tàu nhẹ đi nhưng mực nước sông Kutiurma cứ tiếp tục rút.Ngày 22 tháng sáu, vào giờ bữa ăn trưa, chuẩn đô đốc Julius Retet, nặng nề và mặt đỏ nhừ, từ phòng sĩ quan nóng như cái lò bước ra đứng trên cầu tàu đái xuống. Mắt long lên, hắn nhìn thấy ở phía Tây Nam một đám mây xám đang ùn lên rất nhanh. Đái xong, hắn nhìn đám mây một lần nữa, rồi trở về phòng sĩ quan, cấm lấy mũ, gươm và nói lớn: "Sắp có giông!"Vua Piotr, các đô đốc và các thuyền trưởng đứng bật cả dậy, rời khỏi bàn. Những dám mây tơi tả, lướt trên trời cao: từ phía sau mặt nước nhợt nhạt, những khói đen ngòm bốc lên. Mặt trời nóng giãy lấp lánh ánh sắt. Cờ xí quần áo thuỷ thủ phơi trên thừng cột buồm rủ xuống, im phăng phắc. Trên tất cả các tàu, các thuỷ thủ trưởng thổi còi báo động: tất cả mọi người lên boong! Người ta buột chặt buồm lại, thả những neo dùng khi có bão.Mây đen phủ kín nửa bấu trời. Mặt nước xám xịt lại Một tia sáng lớn từ sau rìa làn mây lóe ra. Gió rít trên dây buồm càng dữ dội hơn, khắc khoải hơn. Cờ đập phành phạch. Gió thổi mạnh vào những đám mây đen ngòm đang cuồn cuộn, tan tác. Cột buồm kêu răng rắc; những quần ngắn bị giật khỏi các dây thừng, bay lên. Gió xô đẩy mặt nước, giật đứt các dây dợ trên tàu. Các thuỷ thủ trên các trục buồm co quắp bíu chặt lấy dây thừng. Các thuyền trưởng dậm chân, quát tháo át cả cơn bão mỗi lúc một mạnh thêm. Nước sủi bọt xô vào mạn thuyền. Bầu trời như vỡ toác ra trong tiếng sấm động ầm ầm, ánh chớp sáng loáng; sấm rền không ngừng. Những cột lửa đổ xuống.Vua Piotr, đầu trần, vạt áo nẹp bay tung, tay bám chặt lấy lan can tàu, đứng ở đằng lái con tàu lúc chúi xuống, lúc nhoi lên. Oang tai choáng mắt, nhà vua há hốc mồm như cá ngáp. Chớp đánh lằng nhằng chung quanh tàu, tưởng như đánh vào đầu các ngọn sóng. Julius Retet thét vào tai nhà vua:- Chưa có gì đâu. Cơn bão thực sự một lát nữa mới bắt đầu.Cơn bão tới, gây nhiều thiệt hại. Sét đánh chết hai thuý thủ trên bờ. Bão giật đứt dây cáp buộc mỏ neo, quật gẫy nhiều cột buồm, xô giạt vào bờ nhiều tàu nhỏ làm những tàu nầy ngập nước. Nhưng mặt khác, một cơn gió Tây Nam dữ dội dồn đến, đúng như mọi người mong muốn.Nước sông Kutiurma dâng lên vùn vụt. Tang tảng sáng các tàu bắt đầu lên đường. Khoảng năm mươi thuyền chèo tay, dùng những dây thừng dài, kéo chiếc La Sitadell đi trước. Từ hải tiêu nầy đến hải tiêu khác, đáy tàu không một lần nào chạm lòng sông, chiếc tàu ra khỏi sông Kutiurma và tiến vào biển Azop, nổ đại bác và kéo cờ hiệu của thuyền trưởng Pambur.Cùng ngày hôm đó, các tàu có tầm nước cũng được kéo ra khơi: Sứ đồ Piotr, Voronez, Azop, God Darag và Vijin Drag. Ngày 27 tháng sáu, toàn thể hạm đội thả neo trước những pháo đài của thành Taganrok.Ở đây núp trong kè xây ở cảng, người ta xảm lại tàu quét hắc ín và sơn lại những vỏ tàu bị khô nẻ, nối lại các dây thừng, xếp đồ nặng lót đáy tàu. Vua Piotr ngồi trên một chiếc ghế đẩu treo lơ lửng bên mạn tàu La Sitaden hàng ngày ròng rã. Nhà vua vừa khe khẽ huýt sáo vừa đập búa vào những chỗ xảm. Hoặc chồng cái mông lép kẹp dưới chiếc quần chẽn bằng vải thô nhem nhuốc, nhà vua leo lên cột buồm để mắc một trục buồm mới. Cũng có khi nhà vua lại tụt xuống tận đáy hầm tàu, nơi Fedorxey Xkliaev làm việc. Trong lúc cãi cọ hắn đã đi đến chỗ chửi nhau tục tằn với Jhon Dey và Ioxif Ney - Hắn đang lắp mộng ở đằng lái.- Piotr Alekseevich, nhân danh Chúa, xin bệ hạ đừng làm vướng hạ thần, - Fedorxey nói, giọng cáu kỉnh - Nếu các mộng của hạ thần không vững, xin bệ hạ cứ đem chặt đầu hạ thần đi nếu bệ hạ muốn, nhưng xin bệ hạ đừng làm vướng hạ thần!- Được, được ta chỉ muốn giúp nhà ngươi thôi!- Thế thì xin bệ hạ đến giúp Aladuskin, vì bệ hạ và hạ thần cùng làm thì chỉ có cãi nhau mất!Mọi người làm việc suốt tháng bảy. Chuẩn đô đốc Julius Retet huấn luyện thuỷ thủ các tàu, tuyển trong số binh lính các trung đoàn Preobrazenski và Xemionovski.Nhiều thuỷ thủ là con nhà quý tộc: suốt đời họ, họ chưa hề trông thấy biển cả. Về tính hung ác và lòng dũng cảm, Julius Retet là một thuỷ thủ thực sự. Hắn dùng roi thừng nhồi vào óc các thuỷ thủ lòng say mê đi biển, buộc họ phải đứng trên trục chiếc buồm cao tít, cách mặt nước mười hai xagien, nhảy từ trên lan can tàu xuống nước, đầu đâm xuống trước và để nguyên quần áo: "Kẻ nào chết đuối, kẻ đó không phải là thuỷ thủ". Đứng giang hai chân trên cầu chỉ huy, quai hàm bạnh như mõm một con chó giữ nhà, tay cắp gậy sau lưng, tên cướp biển độc nhỡn nầy nhìn thấy hết thảy: ai lề mề tháo một nút thừng hay buộc một đầu dây không chắc: "Nầy đằng kia, trên một buồm đằng mũi kia, đồ con bò, mầy thả dây buồm thế nào thế?" Hắn dậm chân: "Tất cả mọi người về sàn đằng lái… Bắt đầu lại!".Emelian Ukrainxev, sứ thần mới được bổ nhiệm, từ Moskva tới. Hắn là một nhà kinh doanh dày dạn kinh nghiệm, làm việc tại Bộ các sứ thần. Đi theo hắn có viên thư ký Sheredeev và các phiên dịch Lavretski và Botvinkin. Để làm tặng phẩm cho vua Thổ Nhĩ Kỳ và các viên tổng đốc Thổ Nhĩ Kỳ, họ có đem theo lông hắc điêu thử, nanh hải báo và một pud rưỡi chè.Ngày 14 tháng tám, tàu La Sitaden dong buồm, cùng toàn thể hạm đội ra khơi vào một buổi gió Đông Nam thổi mạnh, thẳng dường tiến về hướng Tây Tây- Nam. Ngày 17, bên mạn trái tàu, trên bờ sông Nogai. Hạm đội vượt qua eo biển, nổ súng đại bác, khói thuốc súng mù mịt, rồi đến trước Kesk và thả neo. Tường thành nầy đã có từ lâu, những tháp vuông cao nhiều chỗ đã đổ nát. Không có pháo đài, thành luỹ. Bốn chiếc tàu đỗ gần bờ. Rõ ràng là người Thổ Nhĩ Kỳ hốt hoảng: họ không ngờ thấy trong vịnh xuất hiện nhiều buồm và nhiều khói thuốc súng đại bác đến thế.Murtaza, tổng đốc thành Kers, một người Thổ Nhĩ Kỳ ăn bận chải chuốt và lười nhác, khiếp sợ nhìn qua lỗ châu mai một ngọn tháp. Hắn cử phái viên xuống tàu đô đốc của xứ Moskovi để hỏi lý do sự thăm viếng của một đoàn tàu lớn đến như thế. Một tháng trước đây quân Tarta của phiên vương Krym đã về báo cáo là hạm đội của Sa hoàng không ra gì, hoàn toàn không có đại bác và không bao giờ có thể vượt qua được các bãi cát ngầm ở Azop.- Ai-ai-ai… Ai-ai-ai, - Murtaza vừa lẩm bẩm vừa gạt một cành cây con mọc trong lỗ châu mai để nhìn cho rõ hơn. Hắn đếm, đếm mãi số tàu. Rồi hắn bỏ không đếm nữa.- Đứa nào đã tin vào bọn gián điệp của phiên vương? - hắn thét lên với bọn công chức đứng sau hắn trên hiên tháp, đầy cứt chim. - Đứa nào đã tin vào bọn chó Tarta?Murtaza dậm đôi giầy mõm nhái. Bọn viên chức, được nuôi béo và quen sống lười biếng trong cái thành phố hẻo lánh quá yên tĩnh nầy, đặt tay lên ngựa, lắc cái đầu đội mũ dấu hoặc quấn khăn, vẻ mặt đau khổ. Chúng hiểu rõ là Murtaza sẽ phải viết cho hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ một bức thư chẳng thú vị gì và ai biết được sự việc sẽ xoay chuyển ra sao? Hoàng đế tuy là đại diện tối cao của Giáo tổ nhưng tính tình nóng nảy, người ta đã từng thấy nhiều viên tổng đốc, còn quan trọng hơn Murtaza, rên rỉ mà ngồi lên cọc tội hình.Cánh buồm chéo của chiếc thuyền nhỏ chở đoàn phái viên rời khỏi tầu đô đốc. Murtaza vội sai một viên chức ra bờ vịnh để thúc giục bọn phái viên, và hắn lại đếm số tàu. Các phái viên - hay người Hy Lạp - đến trình diện; mắt ngước lên trời, so vai rụt cổ, họ tặc tặc lưỡi. Murtaza giận dữ, vươn cổ, nghểnh bộ mặt phì nộn về phía họ. Họ kể:- Viên đô đốc xứ Moskovi ra lệnh cho chúng tôi gửi lời chào ngài và nói là họ đưa sứ thần đến gặp hoàng đế. Chúng tôi có cho viên đô đốc biết là ngài không thể để sứ thần qua đường biển được và phải qua Krym và Baba như tất cả mọi người khác. Viên đô đốc trả lời: "Nếu các người không để ta đi qua đường biển, tất cả hạm đội của ta sẽ đi cùng với sứ thần đến tận Constantinop!"Ngày hôm sau, tổng đốc Murtaza phái hai quan chức thượng cấp đến gặp đô đốc. Và họ nói:- Thưa các ngài xứ Moskovi, chúng tôi ái ngại cho các ngài. Các ngài không biết Hắc Hải của chúng tôi. Những khi có tai biến, trên biển nầy, lòng người trở nên đen tối, do đó mới có tên gọi là Hắc Hải. Các ngài hãy nghe chúng tôi, hãy theo đường bộ mà tới Baba.Đô đốc Golovin cau mặt lại: "Các người tưởng làm ta sợ chăng? Lúc ấy có một người cao lênh khênh, mắt sáng, ăn mặc theo kiểu Hà Lan phá lên cười và tất cả những người Nga đều cười theo.- Làm thế nào bây giờ đây? Làm thế nào ngăn không cho họ qua được khi mà lúc gió sớm nổi lên, các tàu xứ Moskovi dong buồm và sắp thành hàng theo đúng mọi phép tắc trong ngành hàng hải, đi đi lại lại trong vịnh, bắn phá các tấm biển bằng vải cắm trên các phao. Làm thế nào mà từ chối bọn láo xược cờ nầy? Chỉ còn hy vọng ở Chúa Alla(1). Murtaza kéo dài cuộc thương lượng.Xuồng cặp mạn tàu đô đốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cornelix Cruyx và hai người chèo xuồng, mặc quần áo thuỷ thủ Hà Lan - vua Piotr và Alexaska - bước lên tàu. Trên sàn tàu đằng lái, thuỷ thủ Thổ Nhĩ Kỳ bắn một loạt súng chào viên phó đô đốc xứ Moskovi. Đô đốc Haxan trịnh trọng bước ra khỏi căn buồng phía lái tàu, mặc áo dài lụa trắng và chít khăn có cài một vành kim cương hình lưỡi liềm. Hắn trang nghiêm đặt ngón tay lên trán và lên ngực. Cornelix Cruyx bỏ mũ ra và vừa phất phất những chiếc lông chim trên mũ vừa đi giật lùi trước Haxan.Người ta đưa đến hai chiếc ghế. Hai viên đô đốc ngồi dưới một cái tán vải. Một người béo lùn - tay đầu bếp đã bị hoạn - bưng một chiếc khay trên có một đĩa nhỏ đựng kẹo bánh, một ấm cà-phê và những chén nhỏ không lớn hơn cái đê khâu là mấy. Hai viên đô đốc chuyện trò lịch sự. Haxan hỏi thăm sức khỏe Sa hoàng.Cornelix Cruyx trả lời Sa hoàng vẫn mạnh và cũng hỏi thăm sức khỏe hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ. Haxan cúi đầu xuống sát mặt bàn: "Alla phù hộ hoàng đế". Cặp mắt buồn bã của hắn nhìn sang bên cạnh Cornelix Cruyx.- Ở Kesk, - hắn nói - chúng tôi không để một hạm đội lớn. Chúng tôi chẳng phải lo ngại ai ở đây. Trái lại ở biển Marmara, chúng tôi có những tàu mạnh. Súng đại bác trên tàu lớn đến mức có thể bắn đạn đá nặng ba pud.Cornelix Cruyx vừa nhấm nháp cà-phê vừa trả lời:- Tàu của chúng tôi không bắn đạn đá. Chúng tôi dùng đạn gang nặng từ chín đến mười lăm cân. Đạn nầy xuyên qua tàu địch từ bên nầy sang bên kia.Haxan khẽ nhướn cặp lông mày đẹp:- Chúng tôi rất lấy làm lạ thấy người Anh và người Hà Lan, những người bạn tốt của Thổ Nhĩ Kỳ, phục vụ một cách mẫn cán trong hạm đội của Sa hoàngCornelix Cruyx, với một nụ cười cởi mở, nói:- Ồ thưa ngài Haxan, người ta phục vụ cho những ai trả lương hậu hơn.Haxan nghiêm nghị gật đầu:- Hà Lan và Anh thu được những món lãi lớn trong việc buôn bán với xứ Moskovi. Sống hoà bình với Sa hoàng có lợi hơn là gây chiến. Xứ Moskovi giàu có hơn tất cả các nước khác trên thế giới.Haxan, vẻ nghĩ ngợi:- Thưa ngài phó đô đốc, Sa hoàng lấy đâu mà có nhiều tàu như vậy?- Chính người Moskovi đóng lấy, trong hai năm.- Ai-ai-ai, - Haxan vừa kêu lên vừa lắc lư chiếc khăn.Trong khi các đô đốc chuyện trò, vua Piotr và Alexaska mời các thuỷ thủ Thổ Nhĩ Kỳ hút thuốc và bày đủ trò cho họ cười. Thỉnh thoảng Haxan lại liếc mắt nhìn những anh chàng cao lớn có vẻ như quá tò mò ấy. Chẳng hạn, một trong hai người đã leo lên tận chòi canh trên đỉnh cột buồm. Người kia đưa mắt ngắm một khẩu đại bác bắn nhanh kiểu Anh. Nhưng Haxan lịch sự lặng im, ngay cả khi thuỷ thủ dẫn những người Moskovi xuống tận sàn giữa tàu.Cornelix Cruyx xin phép xuống bến để mua hoa quả kẹo bánh và cà phê. Haxan suy nghĩ một lát và trả lời chính hắn có thể bán cà phê cho phó đô đốc.- Ngài cần nhiều không?- Độ bảy mươi đồng tiền vàng.- Apdula-Alla!Haxan gõ gót giầy gọi. Người đầu bếp hoạn lặc lè chạy đến, nghe lệnh rồi đem đến một cái cân, theo sau là mấy thuỷ thủ kéo lê những túi cà phê. Haxan nhích ghế lại gần cho tiện xem lại mặt cân, rồi rút từ trong bụng ra một chuỗi hạt hổ phách để tính mã cân. Hắn ra lệnh thác một túi. Vừa để những hạt cà phê tuôn trên những ngón tay sạch sẽ chau chuốt của hắn, hắn vừa nói, mắt lim dim:- Cà phê nầy là thứ cà phê tốt nhất ở Java. Ngài sẽ cám ơn tôi, ngài phó đô đốc ạ. Ngài thật là một người tốt. - Và cúi sát tai phó đô đốc - Tôi không muốn làm hại ngài, ngài hãy khuyên can người Moskovi đừng đi theo đường biển: dọc bờ biển có nhiều đá ngầm và nhiều bãi cát nguy hiểm. Chính chúng tôi cũng ngại vùng ấy.- Chúng tôi đi theo dọc bờ biển làm gì? - Cornelix Cruyx trả lời. - Miễn là có gió thuận, tàu chúng tôi cứ thẳng đường mà vượt biển.Cornelix Cruyx đếm bảy mươi đồng Shervonitz(2).Hai vị đô đốc chia tay nhau. Ra đến cầu xuống tàu, Cornelix Cruyx nghiêm khắc gọi: "Ôhê, Piotr Alekseyev!"Một tiếng vội vã trả lời: "Có tôi!"Vua Piotr và theo sau là Alexaska, từ một cửa hầm tàu vọt ra: cả hai người đều đã đội mũ đỏ hình đấu.Phó đô đốc xứ Moskovi ngả mũ chào đô đốc Thổ Nhĩ Kỳ và ngồi vào chỗ bẻ lái. Xuồng chạy về phía bờ, vua Piotr và Alexaska ra sức chèo, mái chèo oằn lại, và vui vẻ cười nhe cả hai hàm răng.Một đợt sóng nhào lao chiếc xuồng vào đá sỏi trên bờ. Từ cổng thành, các phái viên và các thượng quan Thổ Nhĩ Kỳ hồi nãy vội vàng tiến ra, men theo dãy thuyền đã hư nát và các cọc xanh rêu. Họ đến yêu cầu những người Moskovi đừng vào trong thành phố: nếu cần, các thương nhân sẽ đem đến tận xuồng mọi thứ hàng hoá cần mua… Vua Piotr trợn mắt, hai má đỏ bừng bừng vì giận dữ. Alexaska dựng thẳng mái chèo như một ngọn giáo.- Myn Herz, hãy nói cho chúng biết… Hạm đội ta sẽ tiến lại cách một tầm súng đại bác… Nghĩa là…- Họ có quyền không đế ta vào: đây là một toà thành, - Cornelix Cruyx nói - Ta hãy đi dạo trên bờ, dọc theo tường thành, ta sẽ thấy tất cả những điều ta muốn biết. Chú thích:(1) Thánh của đạo Hồi.(2) Tiền cổ Nga, bằng 10 rúp.