Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 114

Murtaza không còn bày trò gì thêm được nữa: thôi thì đành để họ đi. Chúa Alla hãy tha tội cho con!
Vua Piotr trở về Taganrok với hạm đội. Ngày 28 tháng tám tàu La Sitadell chở sứ thần, một viên lục sự và các phiên dịch, đi, rồi có bốn tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ đi kèm, vượt qua mũi Kesk và thuận theo chiếu gió, chạy dọc theo bờ biển phía Nam xứ Krym.
Các tàu Thổ Nhĩ Kỳ chạy theo sau sát lái, ngay trên làn nước sủi bọt. Một phái viên đi trên chiếc tàu đầu tiên. Haxan thì ở lại Kesk. Đến phút cuối cùng hắn chỉ yêu cầu cấp cho hắn một giấy chứng nhận viết rõ rằng sứ thần của Sa hoàng đã tự ý đi theo đường biển còn chính hắn, Haxan, đã can ngăn. Nhưng yêu cầu nầy cũng bị khước từ.
Khi đã trông thấy Balaklava, người phái viên xuống một chiếc xuồng, đi đến ngang tàu La Sitadell và yêu cầu thuyền trưởng vào Balaklava để lấy nước dự trữ.
Hắn vừa vung cánh tay áo một cách tuyệt vọng vừa chỉ chỏ những ngọn đồi đỏ hoe. "Đây là một thành phố tốt, xin mời ngài tạt vào thăm". Thuyền trưởng Pambur, tì khuỷu tay lên lan can, từ trên cao lầu bầu:
- Cứ làm như ta không biết là thằng phái viên muốn vào Bakaklava để bắt dân nộp tiền. Hà! thùng chúng ta đầy ắp nước.
Người ta từ chối yêu cầu của tên phái viên. Gió trở lạnh. Pambur nhìn trời và ra lệnh kéo thêm buồm.
Tàu Thổ Nhĩ Kỳ nặng nề, rõ ràng là mỗi lúc một tụt lại. Chiếc tàu đầu kéo cờ hiệu: "Hạ bớt buồm".
Pambur giương ống nhòm nhìn và rủa bằng tiếng Bồ Đào Nha. Hắn bổ xuống cầu thang dẫn vào phòng sĩ quan lát bằng gỗ bồ đào rất sang trọng. Sứ thần Emelian Ukrainsev say sóng ngồi bên bàn, trên chiếc ghế dài đánh xi bóng, mắt nhắm nghiền, y nắm chặt trong tay bộ tóc giả đã bỏ xuống Pambur giận dữ bảo:
- Bọn quỷ ấy đòi tôi hạ bớt buồm. Đời nào tôi nghe chúng tôi cho tàu ra khơi đây.
Ukrainsev chỉ khẽ phe phẩy bộ tóc giả.
- Ông muốn đi đường nào thì đi.
Pambur leo lên cầu chỉ huy trên sàn tàu, vuốt ria vểnh lên để khỏi vướng khi thét:
- Tất cả mọi người lên boong! Chú ý nghe lệnh! Kéo buồm lớn trên cùng. Buồm lớn… Buồm lớn thứ hai… Buồm lớn thứ ba, buồm tam giác… Lái sang phải Thẳng tiến!
Tàu La Sitadell kêu răng rắc, nghiêng về một bên, lái ngoặt; buồm bắt gió căng phồng, tàu chạy xa dần các tàu Thổ Nhĩ Kỳ, tốc độ nhanh đến nỗi tưởng như các tàu Thổ đứng im một chỗ, rồi vượt qua Cầu Exin, tiến thẳng đến Constantinop.
Chiếc tàu nghiêng hẳn về một bên, lướt nhanh như bay trên mặt biển xanh thẫm, lô xô dưới làn gió Đông Bắc. Sóng nghểnh cao đầu đầy bọt sủi như để xem còn phải lăn lộn bao lâu nữa trên biển cả mênh mông hiu quạnh trước khi tới những bờ nóng bỏng ánh mặt trời: Mười sáu người trong đoàn thuỷ thủ - Hà Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch - đều là những người đã từng vẫy vùng khắp các mặt biển, vừa nhìn sóng vừa hút tẩu: cuộc hành trình thật là dễ dàng, như một trò chơi.
Trái lại, nửa số quân lính trên tàu, bộ binh và pháo thủ nằm la liệt ở hầm tàu, giữa những thùng nước và thức ăn muối. Pambur ra lệnh phát vodka cho tất cả những người ốm ba lần một ngày. "Phải quen với biển đi".
Một ngày, rồi một đêm trôi qua; sang ngày thứ hai qua vùng đá ngầm, tàu chòng chành mạnh, nước tràn vào một làn sóng bọt bỗng tràn khắp boong. Pambur không hề nao núng, thổi những hạt nước lấp lánh trên bộ ria.
Đoàn sứ thần rất khổ sở vì say sóng. Ukrainsev và viên lục sự Sheredeev, nằm trong một ca-bin mới sơn xong ở đằng lái, ngóc đầu khỏi gối, đưa mắt nhìn qua một ô cửa vuông… Ô cửa hình như tụt dần xuống vực sâu; nước xanh rờn réo sèo sèo, dâng lên tới bốn ô kính nhỏ với một tiếng vỗ nặng nề, bịt kín ánh sáng làm căn phòng tối om. Vách phòng kêu răng rắc, cái trần thấp như muốn sụp xuống. Vị sứ thần và viên lục sự rên rỉ nhắm mắt lại.
Vào một buổi sáng quang đãng ngày mồng hai tháng chín, chú thuỷ thủ nhỏ, một chú bé Kalmys, đứng trên thùng canh ở cột buồm dưới, hét lên: "Đất liền!" Những hình gò đống ngổn ngang, xanh nhạt của hai bên bờ eo biển Bosfo mỗi lúc một gần. Xa xa, những cánh buồm hình tam giác. Chim hải âu lượn quanh vừa kêu trên đuôi tàu cao trầm trồ. Pambur gọi mọi người lên boong: "Rửa ráy đi, chải áo nẹp, đội tóc giả vào".
Đến trưa, tàu La Sitaden trương hết buồm, đi vào eo Bosfo, vượt qua những tháp canh cổ kính. Trên tường pháo đài, những tín hiệu xuất hiện trên đỉnh một cột buồm: "Tàu nào?" Pambur cho trả lời: "Phải biết lá cờ xứ Moskovi chứ". Từ bờ đánh hiệu: "Hãy lấy một người hoa tiêu". Pambur cho kéo tín hiệu: "Ta đi không cần hoa tiêu".
Ukrainsev mặc áo nẹp màu đỏ thẫm, có lon vàng và đội mũ cài lông chim; viên lục sự Sheredeev. - người xương xẩu, mũi mỏng, hệt một vị thánh tử vì đạo như người ta thường vẽ ở Xuzdan - mặc áo màu xanh lục, thêu bạc và cũng đội mũ cài lông chim. Pháo thủ đứng bên súng đại bác, binh lính đeo súng dài đứng trên sàn tàu phía sau.
Tàu lướt trên eo biển phẳng lặng như gương. Bên trái, giữa những ngọn đồi khô cằn, người ta nhìn thấy những cánh đồng ngô chưa bẻ, những bể chứa nước, những đàn cừu trên đồi, những lều ngư dân bằng đá mái phủ thân ngô khô. Bên hữu ngạn là những khu vườn sum suê, những bức tường trắng, những mái ngói, những bậc thang chạy xuống bờ nước… Những cây trắc bá cao, màu xanh đen, trông giống những con quay kéo sợi. Những tàn tích của một toà lâu đài bị cây cỏ phủ kín. Bên kia lùm cây là một mái tròn và một tháp nhà thờ Hồi giáo… Tới sát bờ hơn, người ta nhìn thấy những trái quá tuyệt đẹp lủng lẳng trên cành, không khí toả hương ôliu và hoa hồng. Người Nga ngạc nhiên trước cảnh đất Thổ Nhĩ Kỳ tươi tốt:
- Ở ta, mọi người gọi họ là đồ trọc đầu và đồ tà giáo. Thế mà hãy nhìn xem, họ sống khá lắm đấy chứ?
Ánh chiều tà đỏ ối lan ra xa, tưởng như lan tới cùng trời cuối đất, rực đỏ lên rất nhanh rồi giảm dần nhuốm nước vùng Bosfo một màu đỏ máu. Tàu La Sitaden thả neo cách Constantinop ba hải lý. Trong ánh đêm xanh thẳm xuất hiện vô vàn các vì sao lớn mà người ta không hề thấy ở Moskva. Sông Ngân hà in bóng dưới nước, tựa một đám mây mù.
Trên tàu không ai muốn ngủ. Ai cũng nhìn xuống hai bờ giờ đây thanh vắng, lắng tai nghe tiếng kéo nước cót két từ giếng lên, tiếng ve sầu inh ỏi. Ngay cả chó ở đây cũng sủa một cách khác thường. Dòng nước cuốn dưới đáy những con cá kỳ lạ ngời sáng. Binh lính yên lặng ngồi trên nòng súng đại bác, nói: "Đất nước mới giàu có làm sao! Người ở đây sống hẳn là dễ chịu…"
Mơ màng nhìn một ngọn nến, ánh sáng che lấp nhiều ngôi sao lớn trên ô cửa sổ nhỏ tối om của căn phòng, Emelian Ukrainsev thận trọng chấm chiếc bút lông ngỗng vào lọ mực. Y kiểm lại xem có chút gợn, nhỏ nào ở đầu bút không. - nếu có, y chùi ngòi bút vào bộ tóc giả, và chậm rãi viết một lá thư cho Piotr Alekseevich bằng mật mã:
"Chúng thần đã đỗ ở đây gần hai mươi bốn tiếng đồng hồ… Ngày 3 tháng chín, những tàu Thổ Nhĩ Kỳ tụt lại sau, nay đã tới nơi. Tên phái viên vừa khóc vừa trách móc chúng thần đã bỏ họ đi trước và nói với chúng thần là hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặt đầu hắn. Hắn yêu cầu chúng thần đợi hắn ở đây để hắn có thể đích thân báo tin cho hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ biết là chúng thần đã đến. Chúng thần có dặn hắn chú ý đến việc làm thế nào để hoàng đế tiếp chúng thần với đầy đủ nghi lễ. Đến buổi chiều, hắn từ Constantinop trở lại và tuyên bố là hoàng đế sẽ tiếp chúng thần với mọi nghi lễ và sẽ cho thuyền của họ đến đón. Chúng thần đã trả lời: không, chúng thần sẽ tới bằng tàu của mình. Chúng thần đã trả lời như vậy nhưng cuối cùng đã đồng ý lên thuyền của họ, với điều kiện là tàu La Sitadell đi trước chúng thần.
"Ngày hôm sau, ba chiếc thuyền của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ trải đầy thảm đón chúng thần. Chúng thần xuống những thuyền đó và tàu La Sitaden chạy trước. Chẳng bao lâu, chúng thần đã nhìn thấy Constantinop, một thành phố kỳ lạ. Tường thành và các tháp tuy đã cũ nhưng vững chắc. Thành phố hoàn toàn lợp bằng ngói, các giáo đường bằng đá trắng đều rất lạ lùng và lộng lẫy. Nhà thờ đức Thánh bà Sofia thì bằng sa thạch. Từ biển nhìn vào trông rõ Stambul và vùng ngoại ô Pera như ở trong lòng bàn tay. Trên bến, hàng loạt đại bác bắn chào chúng thần và thuyền trưởng Pambur đã cho tất cả các khẩu đại bác của ta bắn đáp lễ. Chúng thần dừng lại trước cung hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ: từ trên tường cao, hoàng đế nhìn xuống, có người phe phẩy một cái quạt trên đầu.
"Một trăm môn vệ cưỡi ngựa và hai trăm thị vệ binh cấm gậy tre đứng đón chúng thần ở trên bờ. Họ có dẫn đến cho thần và cho viên lục sự hai con ngựa yên cương rất sang trọng. Khi chúng thần ở thuyền bước xuống, tên chỉ huy môn vệ của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đến hỏi thăm sức khỏe. Chúng thần lên ngựa và đi qua nhiều phố nhỏ, rất hẹp và quanh co tới dinh thự dành cho chúng thần. Dân chúng chạy theo hai bên.
"Tàu của bệ hạ làm mọi người ở đây rất kinh ngạc: người ta muốn biết ai đã đóng tàu đó và làm thế nào đã ra được khỏi sông Đông vào kỳ nước cạn. Người ta hỏi thần xem bệ hạ có nhiều tàu không và kích thước thế nào. Thần có trả lời là bệ hạ có rất nhiều tàu, sống tàu không phẳng như ở đây người ta tưởng và đi biển rất tốt. Hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Armenia và Do Thái đến xem tàu La Sitaden. Chính hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đi thuyền đến và đi vòng quanh tàu ba lần. Người ta đặc biệt khen buồm và dây cáp bền, khen gỗ làm cột buồm. Tuy nhiên cũng có kẻ cho là tàu đóng không được chắc. Xin bệ hạ tha thứ cho thần, nhưng theo thần thì hình như thế nầy: trong cuộc hành trình trên biển, gió lúc đó thổi không mạnh lắm vậy mà tàu La Sitaden đã kêu răng rắc, chòng chành và bị nước tràn vào. Những người đóng tàu - Iosif Ney và Jhon Dey đã ăn lãi nhiều, thần nghĩ như vậy. Một chiếc tàu không phải là một vấn đề nhỏ, nó đáng giá một thành phố lớn. Ở đây người ta ngắm nhìn nhưng không hỏi giá và chẳng có thương nhân nào hỏi mua… Xin bệ hạ tha thứ cho thần, thần biết sao viết vậy. Người Thổ Nhĩ Kỳ, họ đóng tàu của họ rất cẩn thận và rất vững chắc: tàu của họ thấp hơn tàu của ta nhưng không bị nước tràn vào.
"Một người Hy Lạp nói với thần: người Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ trong trường hợp Sa hoàng bịt Hắc Hải thì ở Constantinop sẽ có nạn đói, vì họ nhập lúa mì, gỗ làm nhà và củi đun của các thành phố trên sông Dunai. Ở đây có tin đồn là bệ hạ đã chỉ huy hạm đội tới Tribizond và Xinov. Họ có hỏi thần về vấn đề đó và thần có trả lời: Tôi không biết, trong khi tôi ở đó thì Sa hoàng không làm thế…"
Pambur và các sĩ quan của hắn đi đến Pêra thăm viếng một sứ thần các nước châu Âu và hỏi thăm sức khỏe của họ. Các sứ thần Hà Lan và Pháp tiếp người Nga rất ân cần, cảm ơn họ và uống rượu chúc mừng sức khoẻ Sa hoàng. Rồi Pambur và những người đi theo đến sứ quán Anh.
Họ xuống ngựa trước thềm danh dự và gõ cửa. Một tên hầu cao hai thước, râu đỏ bẻm bước ra. Một tay giữ cánh cửa, y hỏi họ muốn gì. Pambur, mắt đỏ ngầu, nói cho y biết mình là ai và mục đích cuộc thăm viếng.
Y đóng sập cửa lại và sau một lát khá lâu, y mới trở ra mặc dù những người Moskva phải đứng đợi ở ngoài phố. Y nói, giọng chế giễu:
- Sứ thần đã ngồi vào bàn ăn trưa và cho ra nói với các ông là ngài không thấy cần gặp thuyền trưởng Pambur.
- Thế thì, - Pambur hét lên - ngươi vào nói với sứ thần là ta cầu cho hắn hóc phải xương mà chết. - Rồi Pambur giận dữ nhẩy lên ngựa, phi nước đại, qua những bậc thang bằng gạch, trước mặt những người hàng rong, những trẻ em trần truồng và những con chó, phóng về phía Galats, nơi lúc nãy, hắn đã trông thấy nhiều bạn cũ của hắn trong các cửa hàng chả nướng và cà phê, và trước cửa những nhà thổ.
Pambur và các sĩ quan của hắn uống rượu Hy Lạp duzic say khướt cho đến khi không còn biết trời đất gì nữa; họ làm ầm ĩ và gây sự với thuỷ thủ Anh. Bạn bè của hắn đến gặp hắn - những hoa tiêu đường biển, những tên cướp biển nổi tiếng thường trốn tránh trong những ngôi nhà lụp xụp ở Galata, đủ mọi loại người không rõ tung tích. Pambur mời tất cả những người đó lên chè chén trên tàu La Sitaden.
Ngày hôm sau, thuỷ thủ nhiều nước: Thuỵ Điển, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, Morơ đáp thuyền đến, người thì đội tóc giả, đi tất lụa và đeo gươm, người thì đầu bịt một chiếc khăn đỏ, chân đi giầy tã, không tất, súng ngắn giắt ở thắt lưng to bản; có người mặc áo ngắn bằng da và đội mũ vải dầu sặc mùi cá mắm.
Mọi người ngồi dự tiệc trên boong, ngoài trời, dưới ánh nắng ấm áp tháng chín. Người ta nhìn thấy ở bên kia các bức tường, hoàng cung âm u, với những lưới sắt đan mau ở các cửa sổ; phía bên kia eo biển là những lùm cây và các khu vườn sum suê của thị trấn Xcutari.
Binh lính các trung đoàn Preobrazenski và Xemionovski thổi kèn, gõ thìa, hát lện những điệu vũ, và bắt chước tiếng hót đủ mọi loại chim, huýt sáo "cảnh mùa xuân".
Pambur, đầu đội tóc giả rắc phấn bạc, áo dài đỏ đính dải và đăng-ten, một tay cầm cốc, tay kia cầm chiếc mùi-soa nhỏ, - mỗi lúc một thêm bốc, nói với khách khứa:
- Nếu chúng tôi cần đến một nghìn chiếc tàu, chúng tôi sẽ đóng một nghìn… Chúng tôi đã có ở công trường đóng tàu những tàu tám mươi và một trăm khẩu đại bác. Năm tới hãy đợi chúng tôi ở Địa Trung Hải, hãy đợi chúng tôi ở biển Baltic. Chúng tôi sẽ thâu nạp tất cả những thuỷ thủ giỏi. Và chúng tôi sẽ ra đại dương.
- Một loạt đại bác! - Các thuỷ thủ mặt đỏ bừng bừng kêu lên. - Một loạt đại bác mừng thuyền trưởng Pambur.
Khách khứa hát các bài ca thuỷ thủ, dậm chân. Khói thuốc lững lờ bay trong không khí yên tĩnh, bên trên boong tàu. Chẳng ai nhận thấy là mặt trời đã lặn, các ngôi sao trên bầu trời chiếu sáng bữa tiệc khác thường nầy. Đến nửa đêm, khi nửa số sói biển đã ngáy khò khò người thì nằm lăn lóc dưới gầm bàn, người thì đầu bạc trắng vì giông tố, bão táp, gục xuống giữa các đĩa ăn, Pambur chạy lên cầu chỉ huy:
- Chú ý! Pháo thủ, ai nấy về chỗ! Nạp đạn! Châm ngòi. Chú ý? Cả hai mạn tàu - một loạt đạn… Bắn!
Bốn mươi sáu khẩu trọng pháo khạc lửa. Bầu trời hầu như đổ ụp xuống Constantinop đang yên ngủ.
Tàu La Sitaden, khói phủ kín, bắn một loạt đạn thứ hai.
Emelian Ukrainsev viết bằng mật mã:
"Chính hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả dân chúng đều kinh hoảng: thuyền trưởng Pambur đã suốt ngày uống rượu trên tàu với các thuỷ thủ, và đến nửa đêm, say khướt, đã ra lệnh nổ tất cả các khẩu pháo trên tàu nhiều lần. Trận bắn pháo nầy khiến khắp thành Constantinop xì xào và có tin đồn lan truyền đi là thuyền trường cho bắn đại bác ban đêm để báo cho đoàn tàu của bệ hạ đang chạy trên Hắc Hải biết có thể tiến vào eo biển được.
"Đêm đó hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ hoảng sợ, cứ để nguyên quần áo ngủ, bỏ phòng ngủ chạy ra ngoài, nhiều vị thượng thư và tổng đốc cũng sợ, và cuộc bắn pháo lạ lùng của thuyền trưởng đã làm cho hai vương phi ở thượng cung đẻ non. Hoàng đế rất tức giận Pambur và cho người đến yêu cầu chúng thần bắt thuyền trưởng lên bộ để chặt đầu. Thần có trả lời hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ là thần không rõ tại sao thuyền trưởng lại cho bắn súng, thần sẽ hỏi ông ta về vấn đề nầy và nếu trận bắn pháo đó đã làm phiền đến hoàng đế, thần sẽ nghiêm khắc cấm chỉ thuyền trưởng từ nay trở đi không được bắn nữa, nhưng thần không có một lý do nào bắt ông ta lên bộ được. Sự việc đến đó thì chấm dứt.
"Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp chúng thần vào ngày thứ ba. Người Thổ Nhĩ Kỳ chờ đợi thuyền trưởng Metzomo nguyên đầu cướp ở Angie, để hỏi ý kiến hắn: ký hoà ước với bệ hạ hay tuyên chiến".
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)