Huyết lệ cạn khô. Bỗng dung thỏ làm chim trĩ sa vào lưới. Lòng Phật tính sao đây. Nhân quả rõ ràng. Có Di Đà chứng giám. Biến thành Đức Như Lai về Đông Thổ. Khiến cho bể khổ trở lại trong xanh. Từ xưa tới nay, đi tu cũng như đi học, nếu đi tu mà phạm phải những điều: giận dữ, ngu muội, tham lam, dâm dục, giết người, cướp của... đều không xứng đáng là đệ tử của đấng Như Lai. Còn như kẻ đọc sách mà quên mất hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ cũng không thể coi là đệ tử cửa Khổng sân Trình. Chỉ trách những kẻ quá yêu quý sư, dù sư tốt hay xấu, cứ gặp là vái lạy. Nếu có ai đó nói, sư không tốt thì họ chẳng bao giờ tin cả. Họ hoàn toàn không biết rằng chửi sư là chửi họ không biết theo lời răn dạy của Đức Phật. Chửi sư không phải là nhạo báng Tăng, Phật, Pháp, mà chính là yêu tăng phụng sự Pháp. Dưới đây ta sẽ kể về mấy hòa thượng mang danh xuất gia, song chính họ là đạo tặc, hai người thường dân phát tâm quy Phật, lại là hòa thượng chân chính và hai người không cắt tóc, không mặc áo cà sa mà có tấm lòng ngay thẳng, trừ hung diệt bạo. Họ là viên quan hiểu được lời răn dạy của Khổng Tử, là vị Bồ Tát theo lời răn dạy của Đức Phật. Xin các bạn hãy lắng nghe câu chuyện nhân quả sau đây. Năm Chính Hòa thời Tống Huy Tông, ở huyện Đồng Hương, Chiết Giang, có một thư sinh tên là Lai Pháp, tự là Bản Như. Lai Pháp trạc hai mươi tuổi, chưa vợ, cha mẹ đều qua đời. Thời trẻ Lai Pháp là người rất ham học, nhà tuy nghèo nhưng đầy nhiệt huyết. Quả là người làu thông kinh sử, lược thao, phong thái lịch thiệp, tính tình ngay thẳng khoáng đạt. Lai Pháp tài năng nhưng lại không gặp may, hơn hai mươi tuổi, Lai Pháp vẫn chưa đỗ tú tài, ở nhà nhận dạy học cho một nhà giàu ở ngoại thành. Người chủ tên là Thủy Giám, có người con gái, con vợ cả tên là Quan Cô mười bốn tuổi. Vợ cả chết, ông lấy người thiếp là Phong Nguyệt Di, được đứa con trai lên sáu tuổi. Lai Sinh dạy học cho đứa bé này. Từ ngày Lai Sinh tới, Nguyệt Di thấy Lai Sinh là một thanh niên đẹp trai, đem lòng yêu mến, thường đến bên cửa sổ nhìn vào nhà học. Lai Sinh nhìn thấy nhưng vẫn ngồi nghiêm trang đọc sách, không hề nhìn ngang liếc dọc. Nguyệt Di đến bên cửa sổ hái hoa, Lai Sinh lại vội đứng dậy ngồi quay vào. Thấy Lai Sinh tỏ thái độ như thế, Nguyệt Di cố ý sai đứa ở, hoặc vú em vào dâng trà mời nước, bắt chuyện, làm cho Lai Sinh thẹn đỏ mặt không dám nói chuyện. Có thơ rằng: Nhà vắng một mình ngồi ngâm ngơi. Song cửa nhòm qua thiếu nữ cười. Muốn gửi tình riêng vào tiếng nói. Mười năm chàng vẫn giữ trắng trong. Từ đó người nhà họ Thủy thường nói với nhau rằng, đã mời được người thầy chẳng khác gì trinh nữ. Thủy Viên Ngoại rất quý mến Lai Sinh, vì anh là người có trí mà thành thực, định gã con gái cho anh. Lai Sinh từ chối: - Tôi đi học nhưng vẫn chưa tiến được là bao. Đợi khi nào . công thành danh toại, lúc đó nói đến việc xây dựng gia đình cũng chưa muộn. Từ đó việc hôn nhân đành gác lại. Một hôm Lai Sinh cho học trò nghỉ, vào thành thăm bạn bè. Khi trở về thì trời đã muộn, anh đi theo đường tắt cho gần. Đi được hai ba dặm, qua một ngôi miếu cổ, bỗng nghe thấy bên trong có tiếng đàn bà khóc. Lai Sinh nghi ngờ có sự chẳng lành liền đẩy cửa bước vào. Thấy hai hòa thượng to béo bắt một thiếu nữ lột trần truồng đè xuống đất. Lai Sinh giật mình hoảng sợ, chưa kịp nói gì thì một gã hòa thượng xông tới, cầm thiền trượng quát: - Tự dưng dẫn xác tới đây, ta sẽ cho ngươi ăn đòn. Lai Sinh thấy tình thế không địch nổi, vội vã quay ngoắt ra, song vướng bậu cửa suýt ngã, tụt mất chiếc giày đỏ ngay trước miếu. Ngoái lại, thấy lão hòa thượng đang đuổi sát nút, Lai Sinh chạy bán sống bán chết, ai ngờ đằng trước có một chiếc giếng cạn không có bờ bao, Lai Sinh hụt chân, lao người xuống. Hòa thượng đuổi tới, nhìn xuống thấy tối om, thọc thiền trượng khua, giếng sâu hun hút không thấy đáy. Hòa thượng nghĩ, chắc người ấy không thể nào lên được, quanh quẩn một lúc rồi lững thững kéo lê thiền trượng về miếu. Tới nơi, hắn thấy người đàn bà đã bị giết, nằm vật trong miếu, còn gã hòa thượng đồng bọn không biết đã bỏ chạy đi đâu. Đứng lặng giây lát, gã hòa thượng cũng trốn luôn. Đúng là: Hành dâm, giết người cùng một lúc. Hỡi ôi! Đầu trọc ác độc thay. Bồ Tát thấy rồi lim dim mắt. Kim Cương giận dữ mắt trợn trừng. Người đàn bà ấy là Chu thị, vợ Ngưỡng A Nhuận bán rượu trong thành. Vợ chồng lục đục xô xát, chị tức giận bỏ về nhà mẹ đẻ. Nhà mẹ ở dưới quê, nên khi chạy qua ngôi miếu cổ, gặp hai tên hòa thượng. Thấy đi một mình, chúng tóm cổ lôi vào trong miếu cưỡng dâm. Lai Sinh bắt gặp, một gã truy đuổi Lai Sinh, còn tên kia ở lại miếu. Vì người đàn bà ấy kêu gào, sợ lại có người phát hiện, tên này dùng dao tùy thân đâm chết. Hắn không chờ đồng bọn, bỏ chạy thoát thân. Thấy Chu thị bỏ đi, mấy người hàng xóm đến khuyên Ngưỡng A Nhuận rằng: - Gần tối rồi, chị ấy còn ra khỏi thành, sợ rằng không đến kịp nhà mẹ đẻ, hơn nữa là đàn bà con gái, sao lại để chị ấy đi một mình. Anh hãy cùng chúng tôi đuổi theo khuyên chị ấy quay về. Ngưỡng A Nhuận chưa nguôi giận, không chịu đi, song họ cứ lôi anh đuổi theo. Đi vòng qua ngôi miếu cổ, bỗng thấy một chiếc giày đỏ, mọi người nhặt lên xem, nói: - Tại sao giày lại rơi ở đây nhỉ? Nhất định trong miếu có người. Vào miếu, mọi người sợ dựng tóc gáy. Một người đàn bà trần truồng, mình đầy máu chết vật ở đó. Nhìn kĩ, hóa ra Chu thị vợ Ngưỡng A Nhuận. Trên cổ cô có vết dao đâm. Mọi người vô cùng kinh sợ. Ngưỡng A Nhuận chết lặng. Họ đoán rằng: “Đích thị kẻ giết người đã đánh rơi chiếc giày, chắc hắn chưa đi xa được, phải chia nhau đi các ngã đuổi gấp. Nếu thấy kẻ nào chỉ có một chiếc giày. Họ hò nhau chạy túa đi mọi ngả. Chưa đầy nửa dặm, bỗng láng máng tiếng rên rỉ kêu cứu quanh quẩn đâu đây. Mọi người dò theo thì thấy tiếng kêu vọng ra từ một chiếc giếng cạn trên bãi cỏ. Thấy lạ, họ bèn tháo dây lưng, xà cạp cuốn chân nối vào, giòng xuống giếng. Thấy người đến cứu, Lai Sinh vội bám chặt lấy đầu dây. Họ hò nhau kéo lên, quả nhiên thấy người ấy chỉ đi một chiếc giày đỏ. Mọi người lấy chiếc giày ra đối chiếu thì đúng là cùng một đôi. Tất cả đều nói: - Lưới trời lồng lộng, thưa mà không thoát được, trời đã bắt mày phải rơi xuống giếng này. - Tôi có giết ai đâu? - Lai Sinh kinh sợ nói. - Mày còn chối quanh ư? - Mọi người đều nói. Họ lôi Lai Sinh đến miếu, chỉ vào người đàn bà chết, nói: - Đây không phải là người mày giết ư? Lai Sinh kêu oan, nói lại việc anh đã gặp hòa thượng, rồi bị đuổi rơi xuống giếng thế nào, nhưng họ nào có tin anh. Đúng là: Dưới giếng lôi lên. Chứng cớ rành rành. Dù có thanh minh, Chẳng ai tin được. Một mặt họ cho người gọi lý trưởng tới, giao trông coi thi thể mặt khác họ giải Lai Sinh lên huyện. Quan huyện thấy đây là trọng án, bèn sai Tuần bổ tới khám nghiệm tử thi. Ngày hôm sau quan huyện mở phiên tòa, cho dẫn phạm nhân vào xét hỏi. Quan huyện là Hồ Hồn, vốn là học trò của Thái Kính, rất tôn sùng Phật, thích ăn chay và bố thí. Trước tiên ông ta hỏi Ngưỡng A Nhuận và những người hàng xóm, rồi quát thét mắng Lai Sinh: - Sao ngươi lại làm việc độc ác và xấu xa như thế? Lai Sinh trình bày lại những điều mà chính anh đã nhìn thấy. Tri huyện nói: - Ngươi đã nhìn thấy hòa thượng thì phải biết hòa thượng là người ở chùa nào chứ? - Họ ở xa đến thì sao tôi biết được? - Lai Sinh nói. - Các người đuổi theo, trên đường có gặp hai hòa thượng nào không? - Quan huyện hỏi mọi người. Họ đều nói không gặp. Quan huyện lại chỉ vào mặt Lai Sinh mắng: - Ta biết mày là loại người xấu xa, giữa đồng không mông quạnh gặp đàn bà nẩy sinh ý nghĩ bất lương, lôi vào miếu hành dâm. Vì người ấy chống cự nên mày đã giết đi. Lại sợ người khác biết nên hốt hoảng bỏ chạy, bởi thế mất giày, người thì rơi xuống giếng. Bây giờ lại còn xảo trá quanh co đổ tội cho người khác. Lai Sinh gào lên kêu oan. Tri huyện nói: - Thằng này cứng đầu cứng cổ, không đánh thì sao nó chịu cung khai. Sau đó ông ta cho gọi tay chân đưa Lai Sinh tra tấn. Không chịu nổi Lai Sinh phải khai theo lời quan huyện. Quan huyện lập bản án, khép Lai Sinh vào tội chết, rồi tống giam. Một mặt ông cho khâm liệm, chôn cất thi thể người phụ nữ, cho Ngưỡng A Nhuận và những người láng giềng về. Tin ấy đồn khắp nơi, Thủy Viên Ngoại nghe tin, nghĩ rằng: "Thầy Lai là người có chí mà thành thực, lẽ nào đi làm chuyện xấu xa ấy? Thật là oan cho thầy". Rồi Thủy Viên Ngoại đích thân đến trại giam thăm hỏi. Lai Sinh khóc lóc kêu oan, Thủy Viên Ngoại phải an ủi mãi. Là người nghèo khó, nên Lai Sinh coi lớp học là nhà, tuy cũng có mấy người họ hàng, xong họ đối xử rất lạnh nhạt. Lai Sinh mắc tội, họ đều cho là tự mình làm mình chịu, chẳng người nào đến thăm. Chỉ có Thủy Viên Ngoại tin Lai Sinh là người tốt, luôn sai người mang cơm và bỏ tiền ra đút lót kêu oan cho anh. Bởi thế, ở trong ngục Lai Sinh cũng không đến nỗi quá khổ. Đúng là: Trọng Ni biết người, Hiểu được Công Dã. Tuy đang bị trói, Chẳng phải phạm nhân. Thời gian thấm thoát thoi đưa, chỉ thoáng một cái Lai Sinh ngồi tù đã ba năm. Quan tri huyện họ Hồ mãn hạn chuyển đi nơi khác, quan tri huyện mới chưa tới nhận chức. Khi ấy Phương Lạp đang nổi loạn ở Giang Nam, triều đình lệnh cho Trương Thúc Dạ làm Đại chiêu thảo, dẫn quân của Lương Sơn Bạc vừa đầu hàng, tiến đánh Phương Lạp. Phương Lạp bỏ Giang Nam, mang tàn quân chạy đến Triết Giang, đi qua huyện Đồng Hương. Vì tri huyện chưa có, lợi dụng lúc thiếu người cai trị, quan lại và những người coi tù đều bỏ chạy, cửa nhà tù mở toang. Những tội phạm lợi dụng sự hỗn loạn, thừa cơ chạy trốn, nhà tù trống rỗng. Mọi người bỏ trốn, nhưng Lai Sinh vẫn ngồi lì trong ngục không chạy. Sợ quan quân truy kích, binh mã của Phương Lạp không dám dừng, ngay đêm ấy chạy tới Hàng Châu. Trương Thúc Dạ dẫn quân đuổi theo, tới huyện Đồng Hương thì tạm dùng, vỗ về nhân dân, kiểm tra kho tàng, nhà ngục. Thấy phạm nhân trong ngục đều chạy trốn, chỉ còn duy nhất một người không chạy. Thấy lạ, Trương Thúc Dạ gọi đến trung quân hỏi: - Bọn tù, nhân lúc loạn lạc bỏ trốn, tại sao chỉ còn mình ngươi không chạy? - Tôi vốn là thư sinh, - Lai Sinh nói, - mắc tội oan. Quan trên sáng suốt liêm khiết thì sẽ có ngày được minh oan. Nếu nay nhân lúc loạn lạc mà bỏ chạy thì đó là kẻ nổi loạn, loại người ấy có khác gì giặc đâu. Cho nên dù chết tôi cũng không chạy. Trương Chiêu Thảo nghe xong gật đầu nói: - Nếu quan lại và dân chúng đều phụng sự việc công, giữ gìn luật pháp, lâm nạn không sống bừa bãi thì thiên hạ loạn sao được. Sao đó ông hỏi rõ vì sao Lai Sinh phạm tội. Lai Sinh kể tỉ mỉ sự việc đã xẩy ra và mình bị đánh đập bức khai thế nào. Trương Chiêu Thảo lấy hồ sơ của Lai Sinh xem, nghĩ: "Quan xử kiện dạo ấy thật chẳng hiểu gì, nếu anh ta giết người, thì cớ gì để lại chiếc giày đỏ làm chứng. Nếu không có người đuổi thì sao anh ta lại không nhặt lấy giày rồi mới bỏ đi? Nếu không hốt hoảng, thì cớ gì lại rơi xuống giếng? Hơn nữa người đàn bà bị đâm, song vì sao lại không có hung khí? Việc này quả là oan uổng. Chỉ tiếc, chưa bắt được hai tên hòa thượng kia để xử tội. Song, nếu căn cứ vào hiện tại, loạn lạc nhưng anh ta không vì thế mà bỏ trốn, nhất định người ấy trước đây không phải là người xấu”. Rồi ông lấy bút xóa ngay bản án, tha cho Lai Sinh. Lai Sinh tạ ơn, nói: - Tôi được pháp luật xử như thế mới dám ra khỏi nhà tù. - Anh hãy thư thả một chút đã. - Trương Chiêu Thảo nói. - Tôi nghĩ anh là một nghĩa sĩ trung thần, không dám phản bội triều đình, hơn nữa anh là một thư sinh nhất định sẽ có chút hiểu biết. Ta vẫn muốn hỏi kĩ anh. Trương Chiêu Thảo hỏi Lai Sinh những điều về quân cơ, chiến lược. Hỏi một Lai Sinh đáp mười, ứng đối trôi chảy. Trương Chiêu Thảo rất mừng, nói: - Trong quân đang thiếu một người tham mưu, anh có thể đóng góp công sức cho đội quân của ta. Nói xong, Trương Chiêu Thảo lệnh cho Lai Sinh cởi bỏ áo tù thay áo mũ triều đình, cùng anh bàn việc quân sự. Đang lúc bàn luận, thì có người vào bẩm, đã bắt được mấy trăm phụ nữ mà bọn giặc bỏ lại, xin chờ xử lý. Thấy thế Lai Sinh bèn thưa: - Những người đàn bà này đều là người dân quê, bị giặc bắt. Nay nên xếp họ vào những gian nhà còn bỏ trống, chờ gia thuộc họ đến đón về. Trương Chiêu Thảo nghe theo, lệnh cho Lai Sinh tới điểm danh, ghi tên vào sổ sách, sắp xếp cho họ nghỉ ngơi, chờ gia đình đến đón. Lai Sinh vâng lệnh, đến lập danh sách những phụ nữ bị bắt. Ghi tên được hơn nửa số người thì thấy một người đúng sững nhìn Lai Sinh, hỏi: - Có phải ông là thầy Lai không? Lai Sinh ngạc nhiên hỏi: - Chị là ai? Sao chị biết tôi? - Tôi là Phong Nguyệt Di, - người ấy nói, - thiếp của Thủy Viên Ngoại. Viên Ngoại và những người trong gia quyến hiện ở đâu? - Lai Sinh hỏi. - Sao chị gặp phải nông nỗi này? - Viên Ngoại nghe thấy quân giặc tới gần, - Nguyệt Di nói, - dẫn thiếp và con cái tới lánh nạn tại am ni cô Lạc Hương, không ngờ giữa đường lạc nhau. Tôi không may bị giặc bắt, hiện Viên Ngoại và con cái sống ra sao thì tôi không biết. Lai Tiên sinh gặp rắc rối, giam cầm trong ngục, được làm quan từ bao giờ thế. Lai Sinh kể cho Nguyệt Di nghe chuyện Trương Chiêu Thảo phóng thích và cho làm tham mưu. Rồi hỏi Thủy Viên Ngoại trốn ở am ni cô nào. Nguyệt Di nói: - Ở am Thủy Nguyệt, cách nhà khoảng năm mươi dặm. Lai Sinh sai quân mang danh thiếp của mình đến Thủy Nguyệt, mời Thủy Viên Ngoại tới gặp, đồng thời báo cho ông biết tin Nguyệt Di. Sau đó tìm phòng mời Nguyệt Di đến ở, chờ Thủy Viên Ngoại. Những người đàn bà còn lại đều sắp xếp nơi ăn chốn nghỉ chu đáo, đợi người nhà đến đón về. Thủy Viên Ngoại đang rất lo buồn, không biết tin tức Nguyệt Di, bỗng thấy Lai Sinh sai người tới mời, lại biết Nguyệt Di vẫn bình yên, ông xiết đỗi vui mừng, bèn tới ngay quân doanh bái kiến. Lai Sinh cảm ơn ông đã quan tâm tới mình trong lúc ngồi tù, và kể lại việc mình được Trương Chiêu Thảo rộng lòng tha tội, nhận làm tham mưu, cho ghi tên những phụ nữ bị giặc bắt và gặp được Nguyệt Di. Thủy Viên Ngoại vô cùng biết ơn Lai Sinh, sau đó nhắc lại chuyện hôn nhân. Lai Sinh nói: - Tôi đã chịu ơn ông nhiều, song chưa được đền đáp. Nay vẫn được ông thương yêu, tôi sẽ nguyện làm con rể ông. Hiện nay việc quân bận rộn, e rằng chưa được nghỉ ngơi để nghĩ đến việc xây dựng gia đình. Chờ tôi bẩm với chủ soái rồi sẽ thưa chuyện lại. Thủy Viên Ngoại dẫn Nguyệt Di về. Ngày hôm sau Lai Sinh vào gặp Trương Chiêu Thảo, thừa lại với ông về tình thân thiết với Thủy Viên Ngoại trước đây và việc hôn nhân sắp tới. Trương Chiêu Thảo nói: - Đây là việc vui mừng, ta sẽ hết sức giúp đỡ. Trương Chiêu Thảo chọn ngày lành tháng tốt, đưa hai trăm lạng bạc, hai mươi tám lụa màu cho Lai Sinh làm sính lễ, hẹn ngày chiến thắng trở về, làm lễ thành hôn. Thủy Viên Ngoại rất đỗi vui mùng. Đúng là: Lúc ấy đua nhau khen chàng rể, Tù nhân chịu nhục chính là anh. Nếu chẳng thân tình sao gặp được. Duyên lành loan phương thật xứng đôi. Sau khi đưa sính lễ, Lai Sinh lập tức theo Trương Chiêu Thảo dẫn quân ra trận. Lai Sinh khuyên Trương Chiêu Thảo soạn ra những điều cấm, không cho quân lính quấy nhiễu dân chúng. Từ đó những nơi đại binh đi qua, không xảy ra việc xâm phạm tài sản của dân, tới đâu, dân chúng cũng vui mừng chào đón. Ngay cả những hảo hán ở Lương Sơn Bạc đầu hàng, thấy kỷ luật nghiêm minh như thế càng kính phục. Lai Sinh lại hiến mật kế, khuyên Trương Chiêu Thảo chia quân mai phục, bắt sống được tên giặc đầu sỏ Phương Lạp. Phút chốc dẹp tan quân giặc chiến thắng về triều. Trương Chiêu Thảo tâu lên triều đình những công tích của Lai Sinh. Triều đình hạ lệnh thăng Trương Chiêu Thảo làm Xu mật viện Chánh sứ, tham mưu Lai Pháp được ban tiến sĩ, cất nhắc làm Giám sát Ngự sử Quảng Đông. Lai Ngự sử dâng biểu tạ ơn, xin về làm lễ cưới. Được triều đình cho phép, Lai Ngự sử cáo từ trường xu Mật lên ngựa về quê làm lễ thành hôn với Quan Cô, con gái Thủy Viên Ngoại. Khi ấy Lai Ngự sử đã hai mươi bốn tuổi. Quan Cô mười bảy tuổi. Đúng là: Trước là thầy học, nay là rể yêu. Ba năm ngồi tù, gặp bọn diều hâu cú vọ. Một năm chinh chiến, trở thành rồng hổ oai hùng. Trùng Nhĩ lấy Bá Cơ, vốn là Bồ Thành tội phạm, Vân Vương cầu thục nữ, từng tại Dìu Lý ngồi tù. Vinh nhục thăng trầm đắp đổi. Cuộc đời sẽ lại bình yên. Cưới nhau được tròn một tháng, Lai Ngự sử lên ngựa tới Quảng Đông nhậm chức. Thời ấy, ở huyện Long Môn, Quảng Đông xảy ra một vụ án oan, được Lai Sinh xét xử và được giải oan. Đây là một câu chuyện li kì, thú vị. Ngay cả nỗi oan uổng trước đây của Lai Sinh cũng được sáng tỏ. Huyện Long Môn có một viên Tham tướng coi giữ địa phương tên là Cao Huân, nhận làm cháu họ của quan Thái úy Cao Cầu Thông Phổ. Cậy thế Cao Thái úy, Cao Huân cho dân vay với lãi suất cắt cổ. Nếu ai không biết vay vế, thì ông ta sẽ làm cho người ấy khuynh gia bại sản. Tăng Tiểu Tam, người huyện Long Môn, anh có một cửa hàng điểm tâm. Vì mẹ mắc bệnh chết đột ngột, không tiền chôn cất, không còn cách nào, Tăng Tiểu Tam đành tới Cao Tham tướng mượn mười lạng bạc lo ma chay cho mẹ. Qua một năm, lãi mẹ đẻ lãi con, cả vốn lẫn lãi tới ba mươi lạng. Nhiệm kì làm Tham tướng của Cao Huân đã hết, hắn cho người tới đòi Tăng Tiểu Tam phải trả cả vốn lẫn lãi ngay lập tức. Binh lính đến đòi nợ, anh cuống lên, không biết làm cách nào trả được. Anh nghĩ: "Ta vì mẹ đẻ mà vay nợ, nếu nay bán con cái đi trả cũng đáng, song chỉ tiếc mình không con". Suy đi tính lại, an nghĩ ra một kế quả là vạn bất đắc dĩ, anh kéo những người lính tới nói nhỏ: - Tôi nghèo lắm, ngay một lúc không trả hết được nợ, trong nhà chẳng có gì đang giá để gán nợ, chỉ có một người vợ là Thương thị xin để cho các ông dẫn đi. - Chúng tôi chỉ cần tiền chứ không cần người. - Binh lính nói. - Mà một người đàn bà- làm gì mà bán tới ba mươi lạng bạc. Ta hoãn cho anh thêm hai ngày nữa, anh bán vợ đi rồi trả tiền ta. Dứt lời họ bỏ đi. Tăng Tiểu Tam nghĩ: "Vợ mình sắc đẹp cũng bình thường, bán sẽ không nỗi ba mươi lạng. Trừ phi bán cho nhà chứa thì mới được, nhưng ta nỡ lòng nào làm như thế". Chẳng còn cách nào, Tăng Tiểu Tam đành gạt nước mắt nói thực với vợ. Thương thị nghe xong chết lặng người, lát sau òa lên khóc nức nở. Tăng Tiểu Tam lòng đau như cắt, cũng gào lên khóc. Tiếng khóc đã làm cho Thi Huệ Khanh, người hàng xóm động lòng. Thi Huệ Khanh làm nghề đóng giày, sống độc thân, không có vợ con. Nhờ chăm chỉ làm việc anh tích cóp được hai, ba mươi lạng bạc. Lúc ấy chùa Báo ứng ở ngoại thành đang quyên góp xây dựng chùa, một hòa thượng đã làm ngôi lều cỏ ở ngay xóm để khuyên giáo. Thi Huệ Khanh định đem số bạc tích góp lâu nay tiến cúng xây dựng chùa. Hôm ấy Thi Huệ Khanh mời hòa thượng Hóa Duyên đến nhà ăn chay, thì nghe thấy vợ chồng Tăng Tiểu Tam khóc lóc thảm thiết, bèn sang hỏi nguyên do. Biết được tình cảnh ấy, Thi Huệ Khanh hết sức thương tâm. Về nhà, khi hòa thượng đi khỏi, đóng cửa lại Thi Huệ Khanh nghĩ: "Nếu ta tiến cúng số tiền ấy cho chùa, thì chi bằng ta đưa cho Tăng Tiểu Tam trả nợ, để bảo toàn tính mạng của họ, làm thế sẽ tốt hơn là ta tiến cúng số tiền ấy cho chùa". Ý đã quyết, anh liền sang nhà Tăng Tiểu Tam nói: - Anh chị đừng khóc nữa. Tôi đã góp được ba mươi lạng, nay không nỡ thấy anh chị lìa bỏ nhau. Anh chị hãy lấy số tiền của tôi mà trả nợ. Thấy Huệ Khanh nói thế, Tăng Tiểu Tam lau nước mắt nói: - Rất cảm ơn lòng tốt của anh, song đâu phải anh giàu có gì. Đây là số tiền lâu nay anh tốn bao công sức mới tích góp được tôi nỡ lòng nào một lúc tiêu hết của anh. - Lòng thương người ai ai cũng có. - Thi Huệ Khanh nói. - Tôi với anh là hàng xóm với nhau, nhìn thấy thảm cảnh này, ai mà không thương xót. Tôi đã có lòng như thế, xin anh đừng từ chối nữa! Tăng Tiểu Tam còn đang ngần ngại thì bọn lính đã xồng xộc đến hỏi nợ. Chúng quát thét ầm ĩ. - Ông lớn không gia hạn nữa, hôm nay mày phải trả bằng hết. Nếu không thì bắt ngay tới cửa quan treo cổ. Huệ Khanh chạy ra ngăn lại nói: - Các ông đừng la hét nữa. Tôi sẽ cho anh ấy mượn để trả cho các ông là được chứ gì! Nói xong, anh chạy ngay về nhà, mang đủ ba mươi lạng bạc giao cho bọn lính. Thấy bạc, chẳng kể đến tiền ấy ở đâu, nhận đủ là chúng kéo nhau đi thẳng. Tăng Tiểu Tam vô cùng cảm động, cúi xuống lạy, Thi Huệ Khanh vội vàng đỡ dậy. Mấy hôm sau, Tăng Tiểu Tam với vợ, làm một mâm rượu mời Thi Huệ Khanh. Đúng hẹn Thi Huệ Khanh đến. Thấy trên bàn có ba chiếc chén, ba đôi đũa, Thi Huệ Khanh ngỡ là Tiểu Tam còn mời thêm ai. Lát sau, thấy Tăng Tiểu Tam dẫn vợ là Thương thị ra gặp Thi Huệ Khanh, cùng ngồi tiếp rượu. Thi Huệ Khanh nghi ngại, uống hai ba chén định đứng dậy, Tăng Tiểu Tam ngăn lại, rồi đúng lên đi vào trong. Rất lâu Huệ Khanh không thấy Tiểu Tam ra, còn Thương thị cứ ngồi nhìn Thi Huệ Khanh. Thấy lạ, Thi Huệ Khanh hỏi: - Sao không thấy anh ấy ra uống rượu? Thương thị cúi dầu không nói. Thi Huệ Khanh quay vào trong gọi: - Anh Tiểu Tam, mau ra uống rượu. Tôi về đây. Thương thị nước mắt giàn giụa nói với Thi Huệ Khanh: - Anh ấy đã trốn ra lối cửa sau, không về nữa. - Vì sao thế? - Thi Huệ Khanh kinh ngạc nói. - Anh ấy bảo, anh rất nghèo, - Thương thị nói, - mà tự nhiên bỏ ra ngần ấy tiền. Chúng ta được anh cứu vớt, nay anh vẫn chưa có vợ, nên bảo tôi lấy anh. Anh ấy đã viết giấy để lại. Hôm nay mời anh sang uống rượu cốt giao tôi cho anh. Anh ấy đã cắt tóc, khoác áo lên Ngũ Đài Sơn tu hành rồi.