Chu Nhị người Thượng Hải, vốn là con nhà tử tế, còn nhỏ đã đi học. Chỉ vì cha mẹ qua đời, nhà nghèo túng, mà phải đến cửa hàng Tiền Giám sinh để học buôn bán. Chu Nhị là một người học trò thật thà, thấy chủ sai người về gọi, anh xuống thuyền tới gặp chủ ngay. Tiền Giám sinh thấy Chu Nhị đến, nói ngay: - Có một việc nhờ anh, xong việc ta sẽ hậu tạ, không để anh chịu thiệt đâu. Chu Nhị hỏi chủ có việc gì. Tiền Giám sinh nói: - Vì ta muốn cưới vợ bé, nhà gái không chịu, muốn anh làm con rể giả để lừa họ cắn câu. Nhất thiết anh không được chối từ. Thấy vậy Chu Nhị im lặng không nói. Tiền Giám sinh nói: - Anh có bằng lòng không, cứ nói, đừng ngại. - Ông chủ lấy người ta làm thiếp, tôi lại nhận làm vợ, chẳng hóa ra tôi lừa ông chủ sao? Tôi đã nhận là vợ, thì làm sao lại là thiếp của ông chủ? Việc này quan hệ đến danh dự, sợ rằng không làm thế được. Thấy Chu Nhị trả lời dứt khoát, Tiền Giám sinh giận dữ nói: - Mày ăn cơm, mặc áo của tao, tao chỉ nhờ một việc nhỏ, vậy mà mà cứ chối đây đẩy. Thế ra ta đã tốn cơm nuôi mày à! Rồi Tiền Giám sinh hậm hực bỏ đi. Trương, Lý hết lời khuyên nhủ Chu Nhị. - Tôi khuyên anh nên nghe theo lời ông chủ. Nếu không nghe, ông ấy tức giận thì làm sao anh thành thân được, hoặc có thể anh làm thất thoát tiền, thâm vào vốn, người ta sẽ khoác cho anh, thì anh lấy gì mà đền. Hơn nữa, nếu nghe theo ông ấy, sau này anh sẽ được lợi nhiều. Cứ thế mỗi người một câu, hai người ấy đã dồn Chu Nhị vào thế bí, buộc phải nghe theo. Họ gọi Tiền Giám sinh về nói: - Chúng tôi đã khuyên được Chu Nhị, anh ta đã nghe theo. Ngày mai bảo lão Vưu mang hoa quả, trà thuốc đến nhà họ Vương, không nên chậm trễ nữa. Tiền Giám sinh rất đỗi vui mừng, mua ngay trà và hoa quả bảo Vưu Đại đích thân mang tới nhà lão Vương. Thấy hắn ta đến một cách kì quặc, lão Vương bèn chỉ vào trà và hoa quả nói: - Ông mang những thứ này đến làm gì? - Tôi gả đứa con gái cho nhà họ Chu, hôm qua đã nhận trà. Người ta muốn xin cưới, cho nên tôi đến nói với ông một tiếng. - Ông đừng lừa dối tôi! - Lão Vương đùng đùng nổi giận nói. - Khi nhận làm con nuôi ông đã hoàn toàn giao quyền cho tôi có bà Triệu làm chứng. Tôi nuôi nó mười năm, bây giờ thấy nó khôn lớn ông lại đứng ra gả chồng. Tôi e rằng về tình cũng như lí ông nói thế không lọt tai. - Con gái tôi đẻ ra, - Vưu Đại nói, - đương nhiên tôi có quyền, ông cấm sao được tôi gả bán tho người ta. Hai người cứ giở lí ra với nhau, rồi dẫn tới cãi nhau. Ở nhà trong Thọ Cô nghe thấy hết, cô trở ra trách cha rằng: - Trước đây ông đã nhẫn tâm ruồng rẫy tôi, nay lại tham lam lễ vật. Nếu không có cha nuôi thì tôi đã chết từ lâu rồi! Vừa nói cô vừa gào lên khóc. Xóm giềng nghe thấy đều chạy đến. Lão Vương kể hết đầu đuôi, mọi người đều bảo Vưu Đại như thế là sai. Thấy thế, Vưu Đại chỉ vào mặt lão Vương nói: - Nói riêng với nhau không xong, thì tôi phải kiện cho ra nhẽ. Nói xong Vưu Đại bỏ đi. Lão Vương uất quá ngất di, sau đó ông đến nhà bà mối Triệu kể lại chuyện Vưu Đại đã đến nhà ông. Nghe xong, bà Triệu dậm chân nói: - Chính mồm Vưu Đại đã nói ra, giờ còn muối mặt đến tranh! Song lần này hắn nói đi kiện là hắn kiện thật đấy. Nếu hắn đi kiện, ép nó phải lấy chồng thì phải làm thế nào, ông không thể không phòng bị. - Lẽ nào lại để cho hắn cướp con gái của ta đi! - Lão Vương nói. Thọ Cô khóc nức nở nói: - Bà Triệu, đây là cha đẻ tôi đánh lừa để bán tôi đi làm vợ bé, tôi sẽ dứt khoát không đi. - Chuyện này, - lão Vương nói, - Lý Bách Hiểu đã nói rồi. Đến cửa quan tôi chỉ nói hắn giả dối để lừa Thọ Cô làm thiếp, Bách Hiểu không thể chối cãi được. - Bách Hiểu là một đứa ranh ma, - bà Triệu nói, - làm sao mà nó giúp ông được, hơn nữa lời nói gió bay, quan phủ cũng không tin lời ông. Theo tôi, nhất định phải tìm một người nào đó nhận sính lễ, gả trước đi thì mới được. - Kế đó là đúng rồi, - lão Vương nói, - nhưng bảo ngay lập tức thì tôi tìm đâu ra con rể. - Chỉ tạm thời lừa họ thôi, - bà mối nói, - tìm trước người con rể giả là được rồi. Nếu ông chưa tìm được thì tôi có một đứa cháu ngoại, nó họ Phương, mười tám tuổi, nhà đối diện nhà tôi, thường thì nó biết nghe lời tôi. Chỉ cần cho nó mấy lạng bạc để nó làm con rể giả, tôi sẽ làm người mối, gặp quan cứ nói dứt khoát như thế, nhất định con gái ông cũng phải nghe theo. Xong việc thì tìm một người con rể khác. Ông xem có được không? Lúc ấy lão Vương đang sợ họ cướp mất con, chưa nghĩ hết, nghe theo bà mối, cho đó là diệu kế, rồi làm ngay. Khi Vưu Đại tới nhà lão Vương, việc không thành, lại xảy ra tranh cãi, bực tức hắn trở về bàn với bọn Trại Cát, rồi tới huyện kiện. Quan phủ hỏi xong, bắt Vưu Đại làm đơn đưa lên. Trại Cát viết cho hắn một lá đơn, nói: "Vì lão Vương đòi tiền cưới và lễ vật không được, nên ngăn trở con gái nuôi không cho lấy chồng". Và ghi rõ ngày cưới, họ tên con rể và người làm mối là Bách Hiểu, rồi trình ngay lên phủ quan. Sau ba ngày, quan phê: "Chờ xét hỏi". Lão Vương nghe thấy thế cũng tố cáo rằng: "Tôi nuôi nó từ nhỏ, việc dựng vợ gả chồng là quyền tôi, tôi đã gả chồng cho nó", cũng viết rõ họ tên con rể và người làm mối, cũng được phủ quan phê: "Chờ xét hỏi". Xưa nay thường nói: "Việc quan nóng nước lã". Lại gặp phải viên quan lơ ma lơ mơ không hiểu lí sự, tuy phê chuẩn, nhưng cứ treo chuông để đấy, không xét hỏi. Vưu Đại lên thúc giục nhiều lần nhưng việc vẫn không giải quyết, từ mùa đông năm trước, mãi sang trung tuần tháng sáu năm sau mới xét hỏi đến. Hôm ấy quan huyện mở cửa huyện đường, đầu tiên gọi Vưu Đại lên hỏi, rồi sau đó hỏi đến lão Vương, rồi ông nói: - Theo ta, thì trừ phi chia người con gái này làm hai, hoặc hai người con trai này nhập một thì mới hết tranh nhau. Con gái không thể chia đôi, con trai không thể nhập làm một thì ta cũng chịu thôi. Đây đều là do lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng. Thấy thế bà mối Triệu với quỳ xuống nói: - Từ xưa tới nay con làm mối chẳng có điều tiếng gì, việc này là do người làm mối bên kia gây ra mà thôi. Bách Hiểu cũng quỳ xuống thưa rằng: - Con gái người họ Vưu, con làm mối cho nhà họ Vưu, thì con có gì là sai. Quan huyện nổi giận đập bàn quát: - Người này bảo mình không sai, người kia cũng bảo mình không sai, vậy thì quan huyện ta sai à! Ta không hơi đâu mà xét hỏi nữa, các người về tự dàn xếp với nhau. Nói xong quan đuổi hết ra ngoài. Nghe tiếng quát, cả hai đều phải lui ra. Quan huyện rời công đường, rồi dẫn bà trẻ đi. Khi trở về, bên nguyên cáo đến khuyên lão Vương rằng: - Anh Vương, anh nên hiểu rằng, Vưu Đại kiện anh, là có người ngấm ngầm bỏ tiền ra cho anh ta. Còn anh thì lại bỏ số tiền mồ hôi nước mắt của mình ra đút lót quan, thôi thì anh nhường quách đứa con ấy cho anh ta. Lão Vương vẫn không nghe. Tiền Giám sinh thèm muốn Thọ Cô, tưởng là cô sẽ lọt vào tay mình tức khắc, song không ngờ mới có ít hôm ở Thượng Hải, việc không thành mà số tiền bọn nha môn, Trương Trại Cát và Lý Bách Hiểu ngốn đi cũng không ít. Hắn rất lo buồn. Bởi thế Trại Cát nói: - Bây giờ quan chỉ giải quyết những việc có tiền, trừ phi đưa tiền hối lộ thì họ mới phê cho cha đẻ gả chồng, người nuôi không được tranh chấp, án đã giải quyết xong, thì nhất định lão Vương buộc phải cho con nuôi đi. Song khoản chính và những phí tổn lặt vặt, nhất định phải tới hàng ngàn lạng mới trúng mục tiêu. Không còn cách nào khác, Tiền Giám sinh theo hắn đi móc nối, đưa hối lộ cho quan huyện. Quả nhiên "tiền có sức mạnh như thần thánh", chưa đầy hai ngày, quan huyện đã gửi một tờ trát đỏ như sau: "Súc cho Vương Mộ Quách phải trả ngay con gái cho Vưu Đại để gả chồng. Hạn trong ba ngày. Trái lệnh sẽ mắc tội". Tiền Giám sinh dương dương đắc ý, cho rằng việc đã trót lọt chẳng còn vướng mắc gì. Lão Vương khi nghe thấy tin ấy thì chân tay rụng rời, cha con nhìn nhau khóc rống lên. Vưu Đại cùng với nha lệ tới nhà lão Vương. Vì đã nhận được một món tiền hối lộ lớn, nên vừa vào tới nhà chúng lấy ngày tờ trát ra, rồi nói với lão Vương rằng: - Bây giờ thì còn nói sao được nữa! Xem đây, tờ trát đỏ ứa máu, hạn trong ba ngày phải giao đứa con nuôi cho người cha đẻ. Lão Vương chưa kịp trả lời, đã thấy Thọ Cô đầu tóc rũ rượi khóc rống lên, bước ra chỉ vào mặt Vưu Đại nói: - Ông làm chuyện ám muội, tôi không muốn làm người phụ bạc! Nếu bây giờ bức tôi đi, thì tôi sẽ chết ngay trước mặt ông cho mà xem! Thọ Cô vừa nức nở khóc vừa tiện tay vớ lấy con dao rọc giấy trên bàn, định tự vẫn. Vưu Đại vội vàng giật lấy. Lão Vương cũng khuyên nhủ cô. Lính lệ sợ chuyện sẽ xảy ra rắc rối, bèn lắc đầu nói: - Đúng là một đứa con gái bướng bỉnh, chúng ta đi thôi, hãy nhẹ nhàng khuyên cô ta bình tâm lại, rồi sẽ trở lại gọi sau. Thừa cơ, Vưu Đại cũng lủi mất tăm. Thấy con gái như thế, lão Vương càng không đang tâm, cứ thở dài thườn thượt. Sau đó một hôm, lão Vương đang lo Vưu Đại và lính lệ về bắt con gái, thì thấy một người bạn đến nói rằng: - Anh Vương, anh đã có vị cứu tinh rồi. Hiện nay quan cũ đã rời nhiệm sở, quan mới vừa đến hôm nay. Có người nói vị quan mới này là người thanh liêm chính trực, chưa từng để cho người dân nào chịu oan khuất. Anh hãy đi thưa quan ngay, còn có thể cứu vãn được. Thấy vậy, lão Vương rất mừng, nói ngay cho Thọ Cô biết. Thọ Cô mới yên tâm đôi chút. Quan huyện mới là người Kỳ Hạ, đậu cử nhân, tính ông thanh liêm nhân từ, coi dân như con. Đầu tiên ông để cho mọi người tự do kiện cáo, người đi kiện ùn ùn kéo đến. Thấy lão Vương nộp đơn kiện, tình tiết li kì, ông phê vào đơn xét xử ngay. Quả nhiên không còn đọng lại vụ nào, chỉ có mấy ngày, treo biểu xét hỏi, sai lính lệ bắt đủ phạm nhân tới, không cho phép lọt lại một người nào. Lúc đó, cả hai chàng rể giả đều bị bắt về. Thọ Cô cũng phải tới cửa quan, trước lúc xét xử, tất cả mọi người đều có mặt đầy đủ trước cửa huyện đường. Người xem đông nghịt, một là để xem nhan sắc Thọ Cô, hai là xem quan huyện mới xử kiện. Một lát sau, quan huyện lên công đường, lính lệ dẫn tất cả phạm nhân vào, rồi điểm danh hết lượt, sau đó bảo mọi người quỳ sang hai bên. Trước tiên quan gọi bà mối Triệu, hỏi tỉ mỉ về việc Thọ Cô làm con nuôi, và ngày kết hôn, rồi quát: - Quỳ xuống! Sau đó gọi lão Vương hỏi: - Người nuôi Thọ Cô đã lâu, nhưng gả chồng có nói cho Vưu Đại biết không? - Vưu Đại phiêu dạt tới nơi xa, - lão Vưu nói, - mười năm nay không về, thì bảo con biết đâu mà nói? Quan huyện gật đầu, gọi Vưu Đại hỏi: - Người không nuôi nổi con, Vương Mộ Quách nuôi nó thành người, nếu gả chồng cho nó thì cũng phải cho người ta biết chứ, cớ sao lại tự mình quyết định. Ta thấy ngươi đã bỏ con hơn mười năm nay, vì sao ngươi lại đột nhiên chọn rể ở đây hẳn phải có duyên cớ gì khác. Bị quan phủ nói đúng tim đen, Vưu Đại đành cúi đầu, song lại nói: - Đã được vị tiền nhiệm giải quyết sáng suốt rồi, nhưng vì Vương Mộ Quách kháng án không theo, cho nên làm nhọc lòng ông lớn. Quan huyện đập bàn quát: - Nói láo, tiền nhiệm xử theo cách của ông, còn ta xử theo cách của ta, ngươi nói tới tiền nhiệm tiền nhiếc cái gì! Người xem đứng hai bên đều nghi rằng vụ kiện này Vưu Đại sẽ bị thua. Quan huyện gọi Thọ Cô tới, ngước mắt nhìn thấy cô dáng vẻ đoan trang, không giống con gái nhà nghèo, khi hỏi, cô trả lời rành mạch y như lời khai của lão Vương. Sau đó lại gọi đến hai chàng rể giả, thấy Chu Nhị tướng mạo thanh tú, xứng đôi với Thọ Cô, Phương Đại người thô kệch, kém xa Chu Nhị. Quan huyện nẩy ra ý định ghép cô với Chu Nhị, bèn nói với hai bên rằng: - Việc hôn nhân này, vốn hai bên đều phải làm chủ. Hai bên không làm chủ được, mà đến cầu bản huyện làm chủ, thì bây giờ quan huyện có quyền làm chủ. Thế rồi ông bảo Thọ Cô vào nhà trong thay quần áo, rồi lại lệnh cho chuẩn bị hương án, bảo những người chơi nhạc vào hầu. Lúc ấy sân huyện người đông nghịt, không hiểu quan huyện sẽ làm gì. Có người nói: - Khéo mà quan cho cô cưới ngay tại đây. - Chưa xử xong, - người khác nói, - thì bảo cô lấy ai? Họ bàn luận, tranh cãi xôn xao mãi. Vào nhà trong, Thọ Cô thấy bà huyện, vội cúi đầu lạy. Bà huyện cũng là một người tài năng, đức hạnh, thường khuyên chồng phải trở thành một viên quan tốt, làm được nhiều việc tốt. Thấy Thọ Cô xinh đẹp, bà càng thương cô, thưởng cho cô mấy bộ quần áo đẹp, và ít đồ trang sức, trang điểm cho cô đẹp như hoa như ngọc. Vừa ra công đường, tất cả mọi người đổ dồn mắt vào cô, càng thấy cô dung nhan tuyệt mỹ. Lúc ấy, Tiền Giám sinh trong đám đông, lén lút nhìn, tiếc nhỏ rãi. Nghe thấy quan huyện nói rằng: - Con gái lấy chồng là một việc lớn của đời người, huống hồ duyên chồng vợ là do trời định. Ta đã ghi họ tên hai chàng rể vào hai chiếc thăm để ở đây, cô hãy quỳ trước hương án cầu khấn rồi tự tay bốc thăm, bốc được người nào thì người đó là chồng cô, bản huyện sẽ làm lễ cưới ngay. Lúc ấy Thọ Cô chỉ mặc cho số trời run rủi, đến trước hương án phủ phục xuống đất khấn thầm, rồi nhặt lấy một chiếc thăm trình lên quan. Quan huyện mở ra xem, thấy thăm ghi người họ Chu. Ông mừng rỡ nói: - Hay! Hay lắm? Thế rồi ông làm lễ hợp cẩn ngay. Lúc ấy lão Vương đứng bên chỉ biết khóc, không dám nói năng gì. Trại Cát vội xúi giục Vưu Đại quỳ xuống nói: - Con rể không có nhà ở, con xin dẫn về gả chồng. Quan huyện nổi giận, quát: - Người còn dám giở trò ma mãnh trước mắt ta ư? Thế rồi đuổi hết các phạm nhân ra ngoài, chỉ để Chu Nhị, Thọ Cô ở lại làm lễ cưới. Rồi ông hỏi Chu Nhị: - Ngươi có nhà ở không? - Thưa ngài, không có. - Chu Nhị nói. Quan huyện bèn phát cho hai mươi lạng bạc, bảo thư lại mượn ngay ba gian nhà cạnh nha môn, chuẩn bị đầy đủ giường chiếu, chăn màn và tất cả mọi vật dụng cần thiết, lại thưởng cho hai tấm lụa đỏ, và chuẩn bị một chiếc kiệu để đưa dâu về. Lúc ấy người xem ào lên như sóng biển, đông nghịt huyện đường. Chỉ thấy quan huyện nghiêm trang ngồi ở trên, những người giúp việc xếp hàng hai bên, nhạc cưới tấu lên vang lừng, người chủ hôn đọc văn tế. Cô dâu chú rể lễ trời đất, rồi quay lên lạy tạ quan huyện. Sau đó Thọ Cô ngồi lên kiệu, Chu Nhị choàng lụa hồng, đi trước kiệu, rước ra khỏi cửa huyện. Quan huyện rời khỏi công đường. Ồn ào náo nhiệt suốt dọc đường đi, ai ai cũng bảo: - Nem công chả phượng, tự nhiên dâng đến mồm cho Chu Nhị. Tiền Giám sinh về tới cửa hàng oán trách hai gã Trương, Lý: - Các anh bày sẵn cỗ cho người khác ăn. - Nước trà đầu không được uống, - hai người nói, - thì còn được uống nước thứ hai. Ngày mai phải đến thúc Chu Nhị đưa vợ về Sùng Minh, để anh dùng cho tiện. Nếu Tiền Giám sinh từ bỏ ý nghĩ đó, thì Trương, Lý cũng thôi không giở trò gì nữa, mà đương nhiên cũng vô sự. Chỉ vì mưu gian vẫn chưa hết, để đến nỗi phải giơ đầu chịu báng. Hai vợ chồng Chu Nhị về tới chỗ ở, người phù dâu mời họ uống rượu hợp cẩn, nói: - Quan huyện dặn, hai người không được làm rầy ở đây, chúng ta đi rồi, mời cô dâu chú rể dùng cơm tối. Nói xong mọi người ra về. Suốt ngày hầu tại công đường, hai người đói mềm, thấy sẵn có cơm, họ ngồi đối diện ăn cơm. Được quan huyện nâng đỡ, lại lấy được người chồng tốt, Thọ Cô rất vui mừng. Chu Nhị còn vướng víu với Tiền Giám sinh nên cứ ngồi ngây như tượng. Thọ Cô lên tiếng nói trước: - Việc của anh em đã biết rồi. Bây giờ chúng ta đã là vợ chồng, thì anh cứ nói thẳng với em, đừng ngại. Thấy vợ hỏi mình, Chu Nhị nói: - Tiền Giám sinh muốn lấy cô làm vợ bé, thuê tôi làm chồng giả, nay giả đã thành thật, sợ rằng sau này ông ta lại gây sự. - Em cũng chẳng giấu gì anh, - Thọ Cô nói, - chàng rể họ Phương cũng là giả. Nay quan lớn đã đứng ra làm chủ hôn thì anh còn sợ gì nữa? Sau này em với anh về ở với cha nuôi. Cha nuôi rất thương em, nhất định cha sẽ nhận chúng mình. Thôi anh đừng về Sùng Minh nữa. Hai người chuyện trò rất tâm đầu ý hợp, rồi cởi áo đi ngủ, đêm chăn gối, họ vô cùng biết ơn quan lớn. Tuy chưa biết hết việc họ Tiền mua thiếp, song khi tại công đường, quan huyện rất khả nghi. Sáng hôm sau quan huyện bảo với sai nha rằng: - Các ngươi phải đến theo dõi chỗ ở của Chu Nhị, nếu có người đến gây sự, bắt về cho ta. Các bạn thân mến, vụ kiện đã giải quyết, nhưng tại sao còn phải theo dõi điều tra? Vì rằng hôm qua khi xét xử, thấy lão Vương cứ lăn ra kêu khóc, còn Vưu Đại thì lại không vui, quan mới biết là trong đó còn có uẩn khúc gì đây, chàng rể thì đúng là giả rồi. Bởi thế nhìn con gái mà chọn chồng, cho nên tương kế tựu kế, muốn làm một việc tốt, dựa vào ý trời, cho Chu Nhị lấy cô, thực ra trong hai chiếc thăm quan đều viết tên Chu Nhị. Sợ rằng sau khi thành hôn, còn có rắc rối khác, nên sai người theo dõi. Đây là sự quan tâm chu đáo của quan huyện. Sai nha ngồi uống trà tại quán hàng đối diện nhà Chu Nhị, đến giữa trưa, thấy Trương, Lý cùng với Vưu Đại tới, giục hai vợ chồng họ về Sùng Minh. Đêm qua, đã nghe Thọ Cô nói, Chu Nhị mạnh dạn đứng dậy cự tuyệt. Họ chửi Chu Nhị là đồ lừa dối, Chu Nhị cũng chửi lại hai người là bọn lừa dối mình. Thọ Cô cũng đứng dậy oán trách cha đẻ. Hai bên đang đôi co, thì sai nha nghe thấy tiếng chửi nhau ầm ĩ, bèn ập vào nói: - Ông lớn sai chúng tôi mời ba vị tới công đường, có chuyện gì thì nói với ông lớn. Rồi lôi họ đi. Ba người kinh sợ đứng như trời trồng, rồi xin sai nha tha cho. Sai nha nói: - Tôi muốn tha các ông, nhưng ông lớn không chịu tha! Đi, đi mau lên! Sau đó bảo Chu Nhị rằng: - Anh cũng tới đó để nói với ông lớn. Tới huyện đường, sai nha vào bẩm với quan, quan huyện bèn gọi Chu Nhị hỏi. Chu Nhị quỳ xuống, kể lại việc trước đây ông chủ họ Tiền bảo anh làm rể giả, mặc dù anh không nhận nhưng họ vẫn buộc anh phải làm, hôm qua ông lớn đã cho phép được lấy nhau, và bây giờ những người này lại đến bắt Thọ Cô đi làm thiếp cho Tiền Giám sinh. Quan huyện nghe xong đùng đùng nổi giận, rồi gọi Bách Hiểu và Trại Cát hỏi: - Vì sao các người lại móc nối, toan tính cho họ Tiền mua con gái nhà lành về làm thiếp? Hai tên vẫn cứ quanh co chối cãi. Quan huyện quát phải kẹp chúng lại. Sai nha như hùm sói mang kẹp xông đến kẹp. Hai tên rống lên như bò đâm tiết, nói: - Con xin cung khai. Quan huyện quát: - Đã khai phải khai cho thực, nếu nói sai ta sẽ cho người đánh chết tươi. Hai tên như chui từ hang quỷ sứ Diêm vương lên, đâu còn dám che giấu nữa, chúng đã khai hết sự thực. Quan huyện rút ngay chiếc trát, sai người đi bắt Tiền Giám sinh. Không ngờ Tiền Giám sinh nghe thấy hai tên Trương, Lý và Vưu Đại bị bắt, đang đứng thập thò ngoài cửa nha môn, sai dịch trông thấy, bắt ngay Tiền Giám sinh như diều hâu quắp gà con. Thấy Tiền Giám sinh bị lôi tới, quan huyện quát: - Ngươi là người Sùng Minh, dám làm loạn phép nước ở vùng này! Lúc ấy Tiền Giám sinh sợ đến nỗi hồn xiêu phách lạc, chỉ còn biết cúi đầu thưa: - Giám sinh biết có tội rồi. Quan huyện quát phải khai hết sự thục. Tiền Giám sinh khai rõ tất cả. Quan huyện quyết: "Trương Trại Cát, Lý Bách Hiểu, bàn mưu gây ác, mỗi đứa phạt bốn mươi gậy, cùm ba tháng để mọi người cùng biết. Vưu Đại thông đồng bán con gái phạt bốn mươi gậy, không được phép quấy nhiễu nữa. Tiền Giám sinh âm mưu mua người lương thiện làm thiếp, gây ra oán thù, phạt bốn mươi gậy, sẽ định tội sau”. Bọn chúng phủ phục dưới đất chịu đòn, đánh đến mức rách da nát thịt. Tới lượt Tiền Giám sinh bị lính lệ lôi ra đánh, Tiền Giám sinh ra sức kêu oan: - Giám sinh nguyện chịu phạt, song xin quan bảo toàn danh dự. Quan huyện cất cao giọng quát: - Bản huyện chỉ trị tội bọn lưu manh ở nơi khác tới, bất kể là ai. Thấy quan huyện nổi giận, sai nha kẻ kéo chân người lôi tay dúi bừa hắn xuống đất. Đáng thương thay, Tiền Giám sinh là con nhà giàu,- chưa chịu khổ nhục bao giờ, đương làm sao nổi, vừa mới đánh, hắn quằn người giãy giụa như giun đất, đánh một phát nữa, thì "Trời đất ơi!" hắn khóc rống lên, đánh phát thứ ba, thì hắn kêu cũng không được nữa, chỉ muốn tìm lỗ mà chui xuống đất. Tất cả mọi người ở đó đều che mặt cười. Quan huyện cũng buồn cười, bèn bảo ngừng đánh, rồi hỏi: - Ngươi muốn đánh hay muốn phạt? - Thưa quan lớn, - Tiền Giám sinh trả lời, - muốn phạt ạ. - Người muốn phạt, - quan huyện nói, - thì đáng phạt bao nhiêu? - Xin tùy quan lớn. - Tiền Giám sinh vừa khóc vừa nói. - Trời sinh ra mày là đồ chó! - Quan huyện nói. - Mày còn phải chịu ba mươi bảy gậy nữa, mỗi gậy phạt mày mười lạng, hãy mau mau về mang tới ba trăm bảy mươi lạng bạc, cho Chu Nhị làm vốn ta mới tha cho. Tiền Giám sinh còn đang ấp a ấp úng, quan huyện nói: - Nếu ngươi không muốn nộp phạt thì đánh lại từ đầu. Lính hầu thét vang, Tiền Giám sinh sợ hết vía, lạy như tế sao nói: - Con xin theo quyết đoán của quan lớn. - Đã tuân theo quyết đoán của ta, - quan huyện nói, - thì phải về lấy bạc giao ngay cho Chu Nhị. Tiền Giám sinh nước mắt như mưa, tập tà tập tễnh theo sai nha về cửa hàng, mang đủ ba trăm bảy mươi lạng bạc, giao ngay tại công đường. Quan huyện gọi lão Vương tới, nói rằng: - Hôm kia ông mất con gái, hôm nay tôi lại giao thêm cho ông chàng rể. Hơn nữa con rể ông lại có vốn liếng đủ để buôn bán, hãy đón chúng về chung sống, tuổi già ông sẽ phải sống dựa vào chúng. Lão Vương mừng quá cúi đầu bái tạ. Rồi nhận đón vợ chồng đứa con gái nuôi về. Tiền Lột Da không dám quấy rầy mà phải “tuân lệnh". Xét xử xong, ai ai cũng hả lòng hả dạ. Lão Vương đưa con gái, con rể về nhà, nỗi buồn biến thành niềm vui. Cả nhà đều mừng rỡ, họ đặt bài vị quan huyện, sáng chiều thắp hương cầu mong cho quan huyện phúc thọ dài lâu, tới nay người Thượng Hải vẫn còn ca ngợi ông. Có người hỏi: - Một vị quan tốt như thế, sao các nhà viết sách không ghi rõ tên ông, để mọi người cùng biết. Những việc ấy đã xảy ra gần đây, người trong chuyện đều còn sống. Nếu nói bên này tốt, thì bên kia là xấu, khiến cho người đời oán hận, thôi thì ta cứ dấu tên ông đi là hay hơn cả. Ta cũng biết rằng, những vị quan tốt như thế trên đời này có được mấy người? Cho dù không ghi rõ họ tên, song ai thực sự muốn biết, thì cũng tìm được tên ông. Đọc câu chuyện này, ta thấy lão Vương là người nhân hậu, rốt cục cũng có được người con gái và chàng rể để nhờ vả lúc tuổi già. Còn bọn vô lại như Trương Lý và Tiền Giám sinh gian manh quỷ quyệt, gặp phải ông quan huyện nhân từ sáng suốt, thì không những mất hết cả thanh danh mà còn chịu nhục hình. Vậy xin người đời phải ăn hiền ở lành, ngay thẳng thật thà, đừng làm điều xằng bậy. Người xưa nói rất đúng: Ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão. Chỉ có điều là sớm muộn mà thôi. Làm người phải sống cho ngay thẳng Tham sắc tham tài, mắc tai ương Nhãn tiền trông thấy đều sự thực Khiến cho gỗ đá cũng rùng mình.