Cao thị bị hỏi liền một chặp như thế, mới nghĩ lại hôm ấy thực là chẳng hề lưu tâm, không biết thuốc độc được bỏ vào khi nào. Huống hồ ấm trà đó do chính tay mình pha, nghĩ đến đây thì đâm hoảng sợ, khó mà lấy lời nào biện bạch cho được. Cao thị định một lần nữa đổ riệt cho Hồ Tác Tân nhưng Hồ Tác Tân đã bác đi rồi. Địch công lại oai nghiêm như thế khiến mụ sợ hãi nói không nên lời. Thấy thế, Địch công bèn nói: - Ngươi nói Hồ Tác Tân buổi chiều có vào phòng nhưng hắn không vào. Vả lại vừa nãy ngươi khai khi ngươi ra ngoài ăn cơm tối thì Tác Tân đang cùng với cậu chủ nhà ngươi uống rượu trong thư phòng. Lão gia nhà ngươi cũng nói Tác Tân vào phòng cô dâu lúc ban sáng, theo như thế, rõ ràng việc bỏ thuốc độc không do hắn làm. Ngươi là người hầu lâu năm, lẽ ra phải hết sức để ý, hơn nữa ấm trà là do người pha, sao lại có thể vu vạ cho Tác Tân? Bản huyện suy xét tình lý thì vụ án này do ngươi gây ra. Nếu ngươi không chịu khai, thì ta sẽ đãi ngươi bằng cực hình đó. Nghe quan nói vậy, Cao thị sợ hãi run rẩy cả người, lạy như tế sao, miệng kêu: - Xin quan lớn đèn trời bớt giận, nô tì đâu dám sinh lòng độc ác phụ ơn lớn của lão phu nhân họ Lý? Hơn nữa tiểu thư là do nô tì bế ẵm cho tới khi lớn, nỡ nào một sớm một chiều hạ độc thủ như vậy? Việc này cúi mong quan lớn truy tìm đến cùng mới được. Địch công nghe nói, thầm nghĩ: "Vụ án này kỳ quái thật. Cả hai khai như thế thì đến ta cũng chẳng biết làm sáng tỏ ra sao. Một bên là thư sinh nho nhã, một bên là bà vú lâu năm, không lý nào họ lại mưu sát? Vụ này mà không phán quyết được thì sao xứng là quan phụ mẫu của dân? Xem ra phải truy cứu từ chiếc ấm trà mới được". Địch công một mình ngồi trên công đường vắng lặng, nghĩ mãi không ra manh mối, chợt gia nhân trực nhật đưa lên một chén trà vì ông ngồi xét án đã lâu, e rằng ông cần đến nước uống. Địch công thấy gia nhân đưa nước đến, bèn mở nắp chén lên, thấy trong chén có bụi đen nổi trên mặt trà. Ông hỏi người kia: - Ngươi vô ý vô tứ từ lúc nào vậy? Phòng trà dâng trà cũng không chọn nước trong mà nấu, trên mặt chén trà có nhiều bụi đen ở đâu ra vậy ? Gia nhân vội vàng thưa: - Việc này không liên can gì đến con. Con đứng bên cạnh nhìn thấy đúng lúc pha trà thì trên mái hiên bỗng rơi xuống một túm bụi vì thế mà nước trà không được trong. Nghe gia nhân nói, Địch công đột nhiên bừng tỉnh, ngoảnh sang bảo Cao thị: - Ngươi nói ấm trà do ngươi pha, thế nước pha trà do phòng trà mua về hay là nước trong nhà tự nấu? Cao thị thưa: - Vì việc hỉ kéo liền mấy hôm, khách khứa đến đông, Hoa lão gia sợ mua nước bên ngoài không tiện có ngay nên từ hôm có việc vui đều là nước do trong nhà tự nấu. Địch công nói: - Nước do người nhà nấu, vậy có do ngươi nấu không? Cao thị đáp: - Nô tì chỉ dùng nước sôi có sẵn, có riêng một người cai quản việc đun nước. Địch công lại hỏi: - Ngươi không nấu nước, vậy chỗ nấu nước ở đâu? Cao thị đáp: - Dạ ở một gian bỏ không đằng sau nhà bếp. Địch công nghe khai xong, phán bảo: - Bản huyện đã biết phải tra vụ án này từ đâu rồi. Hai ngươi hãy tạm lui ra, giam vào hai nơi, chờ bản huyện ngày mai phá án xong sẽ thả các ngươi. Nói xong, ông đứng lên bước vào nhà trong. Lúc này Hoa Quốc Tường đứng ở phía sau nghe thẩm vấn, thấy quan huyện chuyên nói thay cho Hồ Tác Tân, tức giận không được vào công đường, đánh cho quan huyện một trận. Chỉ vì đây là công đường xử kiện của quốc gia, không được sơ suất, sau lại thấy quan trầm ngâm, không phán quyết được bề nào rồi bỗng nhiên lại cho hai người lui xuống thì trong lòng càng bực bội. Thấy Địch công bước ra, Hoa Quốc Tường sầm mặt hỏi: - Xưa nay quan lớn xét án cả như vậy hay sao? Không dùng cực hình tra hỏi đã đành, cả đến bác bỏ cũng không dám mở miệng hay sao? Cứ theo thế mà suy thì ngày này năm sau cũng chưa thể xử cho rõ ràng được. Ngài không biết nha môn châu phủ ở đây chưa từng đóng cửa bao giờ. Ngoài trời còn có trời khác, đến lúc ấy xin đừng trách cử nhân này vượt cấp! Nói xong, hầm hầm đứng dậy đi ra. Địch công thấy thế cười mà bảo rằng: - Vụ việc của nhà ông, bản huyện đã rõ rồi. Xin cứ yên tâm đừng nóng vội. Chiều mai, bản huyện nhất định sẽ làm sáng tỏ. Đây là việc thuộc bổn phận bản huyện, không cần mệt nhọc kiện lên cấp trên. Nếu ngày mai bản huyện không làm sáng tỏ được, khi ấy không cần ông phải mất công đưa lên trên mà bản huyện cũng không còn mặt mũi nào làm quan huyện ở đây nữa. Xin ông hãy trở về nhà. Hoa Quốc Tường nghe nói như thế cũng bán tín bán nghi, đành nói: - Chẳng phải cử nhân tôi nóng lòng sốt ruột mà chỉ vì vụ án để đã lâu ngày, không nỡ để người chết phải ngậm oan mà thôi. Quan lớn đã nhìn ra manh mối, vậy ngày mai xin chờ đón quan lớn tại nhà. Nói xong, cáo từ về nhà. Địch công vào thư phòng, Mã Vinh tới trước mặt hỏi: - Quan lớn hôm nay thăng đường quả quyết nói ngày mai sẽ kết thúc vụ án là do đâu? Địch công đáp: - Phàm vụ việc gì cũng phải xét tới chữ lý. Ngươi xem Hồ Tác Tân là người như thế có lý nào là kẻ hại người? Chẳng qua chỉ là tuổi trẻ đang hăng, thích đùa bỡn rồi lỡ miệng nói mấy câu có ý đe dọa, nào ngờ vừa đúng ngày hôm sau xảy ra tai họa như thế nên người ta mới đổ riệt cho hắn. Nếu bản huyện cũng hùa theo họ khảo đả anh ta mà anh ta là con nhà thế tộc bây giờ mắc phải vụ này, mẹ và con đã khổ sở lắm rồi, bản huyện lại tin chắc một phía, bắt phải khai nhận thì chẳng đợi bản huyện tra xét thêm, mẹ con họ đã có thể liều mình. Thế thì vụ án này chưa kết thúc, vụ án oan uổng khác đã lại nảy ra. Về Cao thị, nghe lời bà ta khai, nhà họ Lý vốn là ân nhân, càng không có lý nào mưu hại chủ. Bởi vậy mấy ngày nay, bản huyện nghĩ tới nghĩ lui mà vẫn tìm không ra nguyên do vụ án, vì thế mà không thăng đường. Hôm nay Hoa Quốc Tường tới giục giã bản huyện đành thăng đường hỏi cho xong chuyện. Bản huyện vẫn biết có chuyện ở cái ấm trà, không ngờ khi phòng trà dâng trà cho bản huyện, trên mặt nước có nhiều bụi nổi do rơi từ mái hiên xuống. Nơi nấu nước của nhà họ Hoa ở một căn phòng bỏ không đằng sau bếp, suy ra chẳng thấy rõ manh mối của vụ án này rồi hay sao? Mã Vinh nghe xong nói: - Trí xét đoán của quan lớn thật là tinh tế, nhưng nếu tìm theo hướng đó mà vẫn không kết thúc nổi vụ án thì vụ này xem ra càng khó hơn vụ Tất Thuận ở trấn Hoàng Hoa rồi. Sáng ngày hôm sau, Địch công đội mũ nhỏ, mặc áo xanh, đem theo hai viên chức dịch trực nhật cùng trợ thủ Mã Vinh, Kiều Thái đi bộ tới nhà Hoa Quốc Tường. Cả đoàn lên trên sảnh, gặp lúc Hoa Quốc Tường đang sai người quét dọn trước sảnh, thấy quan huyện đã vào tới bên trong, Quốc tường đành đón vào cùng ngồi rồi sai người đi lấy mũ áo. Địch công cuộc bảo: - Bản huyện đã không câu nệ hình thức, tôn ông hà tất vất vả. Chỉ vì vụ việc của con dâu ông hôm ấy có thể xét rõ, vậy xin cho gọi người nấu nước đến đây cho bản huyện xét hỏi. Hoa Quốc Tường không hiểu quan huyện có ý gì, thấy ông sáng sớm đã đến, không tiện ngăn trở đành cho gọi người kia. Địch công thấy đó là cô hầu chừng mười tám, mười chín tuổi, tới trước mặt Địch công thì cúi chào, quì xuống. Địch công bảo: - Đây không phải là công đường, không cần phải giữ lễ như vậy. Ngươi tên gì? Lâu nay vẫn chuyên một việc nấu nước hay sao? Cô hầu thưa: - Tiểu nữ tên Thái Cô, lâu nay hầu hạ phu nhân, chỉ vì mấy ngày gần đây nghênh đón mợ chủ nên được giao việc nấu nước. Địch công hỏi: - Buổi chiều hôm ấy Cao thị đến lấy nước, ngươi ở tại bếp có phải không? Thái Cô đáp: - Tiểu nữ đang ở trong bếp nấu nước sôi. Sau đó lúc lên đèn, phòng trên có việc gọi con, bà Cao đến lấy nước pha trà không thấy con. Việc xong, con trở lại bếp, thấy nước đổ lênh láng trên lò. Hỏi ra mới biết lúc bà Cao đến lấy nước pha trà, trên lò nước chưa sôi, bà ấy mang lò xuống đặt dưới mái hiên, rồi bỏ thêm than, quạt lửa đun được một ấm nước sôi. Bà ấy chỉ dùng hết một nửa ấm, bèn xách nửa ấm nước ấy ra sân đổ thêm nước lạnh, không ngờ chân trái vấp một cái, nước trong ấm đổ cả xuống đất. Lúc con trở về bếp múc ấm nước mới, bà ấy mới đi về phòng. Đó là đầu đuôi việc pha trà sau lúc lên đèn hôm ấy, còn những việc khác thì con không được biết. Địch công nghe xong, sai Mã Vinh trở về huyện nha đưa Cao thị về đây. Mã Vinh vâng lệnh ra đi, lát sau đưa Cao thị về Địch công quát: - Đồ chó nhà ngươi xảo quyệt lắm thay. Hôm trước ngươi khai xẩm tối hôm ấy pha trà là dùng nước đun sôi sẵn có. Hôm nay Thái Cô khai hôm đó ngươi chuyển lò ra dưới mái hiên đun cho nước sôi, lấy một nửa pha trà, một nửa còn lại đổ cả xuống thềm. Rõ ràng ngươi cung khai không thật, ngươi còn dám chối không? Cao thị bị quan quát mắng sợ quá, lạy như tế sao, nói: - Xin quan lớn ra ơn, nô tì do phải ra công đường nên quá sợ hãi, trong lúc lòng dạ rối bời nên khai sai đi để đỡ phải trả lời quan lớn chứ thục ra nô tì không hề có ý gì khác. Địch công nổi giận: - Người chỉ biết bẻo mép nhất thời, còn nỗi oan uổng của tiểu thư bị nhà ngươi làm chậm trễ đến bao nhiêu ngày. Nếu bản huyện không sáng suốt, há lại chẳng làm oan thêm Hồ Tác Tân nữa hay sao? Nếu ngươi sớm khai thật như vậy thì làm sao bản huyện phải lao tâm khổ tứ, nghĩ không ra manh mối? Đợi vụ án này làm sáng tỏ xong, ta sẽ trách phạt ngươi. Nói xong, Địch công đúng dậy bảo với Hoa Quốc Tường: - Bản huyện cùng ông xuống bếp để tiện sai người tra xét. Lúc này Hoa Quốc Tường đành theo Địch công xuống bếp. Tới nơi, Địch công thấy bếp là ba gian nhà trên quay mặt về hướng đông, hai bên nam bắc là bốn phòng xép. Địch công hỏi Thái Cô: - Ngươi nấu nước hôm ấy phải chăng ở gian phòng xép hướng bắc kia. Thái Cô đáp: - Chính là gian ấy, bây giờ bên trong hãy còn đặt cái lò bằng đất. Địch công bước vào gian ấy, thấy đúng như vậy. Mái hiên gian này quá cũ kỹ, ngói, cột hủy hoại đến quá nửa. Địch công lại hỏi Cao thị: - Tối hôm ấy người chuyển lò đun nước tới thềm gian nào? Cao thị chỉ về phía trước: - Dạ con để lò trên hòn đá xanh kia. Địch công theo hướng Cao thị chỉ nhìn kỹ mái hiên phía đó thấy mái đã sa xuống nửa gang, ngói mái đã vỡ nát. Ông quay qua bảo Cao thị: - Hôm trước ngươi khai không đúng, lẽ ra phải cho ngươi ăn tát, song nghĩ lại thấy ngươi tuổi cao lú lẫn, ta phạt ngươi đặt lò ra chỗ cũ nấu nước sôi để ta ngồi đây uống trà. Hoa Quốc Tường thấy Địch công xem xét một chập, không phán rõ được lời nào, bây giờ bỗng nhiên lại bắt Cao thị nấu nước sôi. Nấu nước sôi không phải là tra xét án, bất giác ông ta thầm nổi giận, bảo với Địch công: - Quan lớn đến nhà xét án, lẽ ra chúng tôi phải chuẩn bị sẵn nước trà. Nếu đợi đồ chó ấy đun sôi nước, e rằng lâu la không kịp tra xét. Mụ đó cung khai không thật, lẽ ra ngài nên đưa về công đường trừng trị để hai năm rõ mười. Nếu ngày bày trò này ra, há chẳng trở thành đùa bỡn hay sao? Địch công mỉm cười, nói: - Tôn ông thấy chẳng khác gì trò đùa, song ông nên biết rằng bản huyện truy tìm duyên do chính ở việc này. Xin để bản huyện làm chủ, tôn ông không phải nhiều lời. Nói xong, Địch công sai người mang hai bộ bàn ghế đặt trong bếp, rồi ngồi xuống đó nói chuyện gẫu với đám kẻ ăn người làm tại bếp. Một lúc sau, Địch công lúc thì giục Cao thị cho to lửa, lúc thì quạt lò, lúc thì bỏ trà, luôn tay luôn chân. Tới lúc nước đun đã sôi, trà đã pha xong thì Địch công lại chẳng uống, cứ như thế đến cả chục lần. Cao thị đang ở đằng ấy đẩy củi cho lửa cháy to, bỗng trên mái hiên có mấy vụn đất rơi xuống đấu bà ta. Cao thị lấy tay phủi đất trên dầu. Địch công đã trông thấy ngay từ đầu, vội gọi: - Ngươi mau lại đây! Thấy quan gọi, Cao thị đành đi tới trước mặt quan. Địch công bảo: - Người đứng dậy đợi lát nữa, con vật độc địa hại chết tiểu thư nhà ngươi sắp xuất hiện ngay thôi. Cao thị không dám nói gì, Hoa Quốc Tường không tin lời quan huyện, đứng dậy bỏ đi lên nhà trên. Địch công không ngăn ông ta, vẫn ngồi trên ghế, hai mắt nhìn chằm chằm vào mái hiên. Quả nhiên ở chỗ mái hiên, có đất bụi rơi ló ra một màu hồng nhấp nháy, lúc thò ra, lúc thụt vào, song không biết là con vật gì. Địch công mừng khấp khởi trong lòng, bảo Mã Vinh: - Các ngươi đã nhìn thấy chưa? Mã Vinh đáp: - Nhìn thấy rồi ạ, quan cho lấy vật đó ra chăng? Địch công vội nói: - Chớ có động thủ! Đã có vật này thì ta nên mời gia chủ cùng quan sát đã. Để ông ta thấy con vật này bỏ chất độc như thế nào thì mới khiến ông ta tin phục được. Xưa nay bản huyện xét án không khi nào xử oan cho người khác. Nếu chưa tra cứu được đến cùng thì sao gọi được là cha mẹ dân? Lúc ấy Thái Cô cũng đã thấy rõ, bèn chạy lên nhà trên báo cho Hoa Quốc Tường biết. Mọi người trong nhà được tin đều lấy làm bất ngờ, ai cũng thầm phục Địch công xét án như thần. Hoa Quốc Tường cũng tới xem. Địch công bảo: - Vụ án này hầu như đã rõ. Xin ông ngồi một lát đợi xem con vật đó ra sao. Lúc ấy Hoa Quốc Tường ngẩng đầu lên nhìn kỹ, thấy một luồng khói trên lò bốc lên mái hiên, cái ánh màu đỏ bị khói xông lên ngọ nguậy chuyển động rồi đột nhiên thò ra một cái đầu con rắn. Rắn thò cổ nhìn xung quanh, mồm nhểu dãi rỏ xuống bếp lò. Rắn thấy đông người lại thụt ngay vào bên trong. Mọi người đứng xem đều im lặng nín hơi, sợ đến nỗi không dám lên tiếng. Địch công bảo Hoa Quốc Tường: - Thì ra con dâu ông bị con vật này giết hại. Đây là điều tôn ông chính mắt nhìn thấy, không phải tôi bênh che cho Hồ Tác Tân nhà này của ông hư nát đã lâu, lâu ngày không sửa sang nên làm chỗ ẩn cho rắn độc. Chi bằng bây giờ dỡ bỏ ngay đi. Dứt lời, bảo mọi người không có việc gì thì lui ra, sai Mã vinh, chức dịch trực nhật và mấy người làm việc vặt của nhà họ Hoa cầm gậy gộc, trước hết dỡ bỏ mái hiên. Trên mái có tiếng động rồi một con rắn mình đỏ như lửa dài hơn một sải lao mình xuống sân toan chạy trốn. Mã Vinh nhìn thấy đang tính đến bắt thì Kiều Thái vớ được thanh sắt chọc lò nhằm đầu rắn quật một nhát. Con rắn không bò được nữa, Kiều Thái cho một nhát nữa, đánh chết luôn. Mọi người sợ trên mái vẫn còn rắn nhỏ, thế là ùa cả vào, dỡ tan dẫy phòng xép. Địch công sai người đem con rắn tới trước sảnh. Lúc này cả nhà đều biết tin, sang mời bà Lý đến. Địch công ngồi xuống, bảo Hoa Quốc Tường: - Trong vụ án này, khi bản huyện lần đầu tới khám nghiệm đã biết con dâu ông không phải do người giết hại. Hồ Tác Tân là thư sinh nho nhã, không khi nào dám làm càn trái lễ. Khi vào phòng cô dâu lại ngửi thấy mùi tanh, lúc bấy giờ bản huyện đã rất nghi hoặc. Tới lúc khám nghiệm xác, có người nói bụng xác chết động đậy, bản huyện nghĩ thuốc độc hại người chẳng qua mấy thứ phê sương, thạch tín, uống phải thì tai, mắt, mũi, mồm ứa máu mà thôi, làm sao lại có mùi tanh xộc lên? Vì vậy không dám xử vội, mấy ngày qua nghĩ tới nghĩ lui. Khi lấy khẩu cung của Cao thị, bà ta khai trà do chính tay bà pha. Sau khi pha trà, Hồ Tác Tân không hề vào phòng; ngoài lúc đi ăn cơm tối ra, Cao thị không hề rời, cũng không có ai khác vào phòng, vậy lẽ nào cô dâu tự đánh thuốc độc hại mình? Hôm nay nghe lời khai của Thái Cô mới rõ khi đi lấy nước hôm ấy, Cao thị đưa lò ra thềm đun, khói xông lên mái hiên, nhớt dãi rắn rỏ xuống ấm đun nước. Lúc ấy Cao thị không nhìn thấy nên dùng nước sôi ấy pha trà. Còn lại nửa ấm, may mà do vấp chân đánh đổ xuống thềm cho nên không hại tới ai khác. Nguyên nhân tai họa vẫn là do Cao thị bất cẩn, khiến cho con dâu ông uống nhầm thiệt mạng. Lẽ ra phải trị tội Cao thị nhưng xảy ra việc là do vô tâm, già cả đáng thương nên chỉ đáng phạt nhẹ. Con dâu ông vô cớ bị chết cũng là mệnh trời xui khiến, vậy ông nên mời mấy vị cao tăng tụng kinh sám hối, siêu độ vong hồn. Hồ Tác Tân không gây án mà bị dính líu khổ sở, lẽ ra nên tha về, song tính hay đùa bỡn, không phải phẩm hạnh của kẻ sĩ, phải được răn đe nơi nhà học, cảnh cáo cho lần sau. Nói xong, Địch công quay qua bảo bà Lý: - Nguyên do cái chết của con gái bà nay đã được làm sáng tỏ. Bản huyện xét xử như thế, bà có chịu phục không? Lý thị khóc, thưa rằng: - Thì ra do ngộ độc mà chết. Chỉ thương cho con gái tôi số khổ mà thôi. Quan lớn xử như thế là công bằng rồi, tôi còn biết nói gì nữa. Địch công thấy bà Lý đã bằng lòng liền lập tức cho kết thúc vụ án.