Hai tên tay chân của Lý Phúc Đạt, vào khoảng canh ba tới thư phòng, không thấy Tiết Lương, vội vàng báo với chủ. Biết được Tiết Lương đã bỏ đi, Phúc Đạt sợ xanh mặt. Thấy nguy cấp, suốt đêm không sao ngủ được, lại nghe thấy bên ngoài có tiếng người ngựa, rồi sau đó thấy tiếng đập cửa thình thình. Mở cửa ra, thấy đèn đuốc sáng rực ập vào, đi sau là hai vị phủ quan, quan thấy Phúc Đạt liền quát thét: - Bắt ngay! Phúc Đạt phân trần mình vô tội. - Ngươi là Lý Phúc Đạt, - quan lớn quát, - hiện có Tiết Lương đang tố cáo, còn biện bạch gì nữa! Thấy sự việc bại lộ, Phúc Đạt bèn cúi đầu chịu trói. Quan phủ khóa tất cả bọn người nhà giải đi. Kiểm tra toàn bộ tài sản, niêm phong cửa, một mặt báo cho địa phương trông coi, mặt khác giải phạm nhân về dinh quan tra hỏi. Tiết Lương được gọi ra cùng đối chất với Phúc Đạt. Tiết Lương nói rất rạch ròi, Phúc Đạt tuy giảo hoạt, nhưng sự thực rành rành, không thể che giấu nổi, đành phải thừa nhận. Quan phủ thấy hắn cung khai, cũng không tra tấn, giam hắn vào ngục, rồi bẩm lên cấp trên xin chiếu chỉ định đoạt. Rồi lập tức gửi văn bản về kinh đô bắt hai đứa con. Thời ấy phủ Thái Nguyên đều có báo tin tức, người ta túm năm tụm ba truyền tin đi khắp mọi nơi rằng: "Đời nay có tiền thì kẻ cướp cũng được làm quan". Tuy Phúc Đạt bị giam, song vẫn liên hệ thông suốt với kinh đô. Ngay đêm ấy đã báo tin cho hai đứa con, bảo chúng trốn chạy đến phủ Vũ Định hầu, nhờ ông ta cứu giúp, nhất định sẽ hậu tạ. Quách Huân biết tin gửi thư cho Tất Chiêu là quan Tuần phủ Sơn Tây, nhờ ông ta phóng thích. Là một kẻ muốn đề cao quyền lục, thấy Quách Huân có thư nhờ cậy, Tất Chiêu ghép luôn Tiết Lương vào tội vu cáo. Các quan thẩm phán ra sức tranh cãi, song vẫn không thể bác bỏ, cuối cùng vụ trọng án thật lại dần dần trở thành mơ hồ. Đúng lúc ấy quan Ngự sử tiếng tăm lừng lẫy tên là Mã Lục được lệnh tuần du Sơn Tây. Vốn là người thanh liêm, chính trực chưa tới nhiệm sở, Mã Lục đã nghe thấy vụ án này tuần phủ không chịu chấp hành pháp luật, lại trì hoãn lâu ngày không giải quyết, lập tức ông đưa vụ án Lý Phúc Đạt ra phúc thẩm. Ông cho người tới huyện Quách Đại Châu bắt những người hàng xóm Lý Phúc Đạt đến nhận mặt, lại đưa giấy đến huyện Từ Câu kiểm tra nơi ở của hắn. Kết quả phúc thẩm: "Phúc Đạt không phải là người ở đây, hắn đã tới đây từ năm bị truy lùng, hắn đã mạo nhận là họ Trương, đổi tên là Trương Dần". Đâu đâu cũng thấy chứng cứ, sau đó Mã Lục lại bắt Phúc Đạt lấy khẩu cung, thì quả nhiên hắn cung khai đúng như thế. Vụ án đã kết luận, đang định tấu lên Chính pháp, bỗng một hôm quan Tuần bổ bẩm rằng: - Vũ Định hầu sai người đưa thư tới. Theo quy định của nha môn, tất cả những thư đã dán kín không được bỏ vào hòm thư. Thư của Vũ Định hầu gửi tới tất có sự nhờ vả về vụ án, phải đệ trình ngay lên quan. Sai nhân bước tới trước bàn dâng thư, quan Ngự sử họ Mã bóc ra xem, cười ha hả nói: - Thật là một đại thần quốc thích! Đã nói giúp cho một tên đại tặc, lẽ nào ông không hiểu được phép vua! Sai nhân cậy mình là người của phủ Hầu, nói: - Thưa ông lớn, phép vua vốn cần thiết, song e rằng tình riêng cũng rất cần. Tuần án quát: - Đánh đánh rồi hãy nói sau! Tay chân đồng thanh quát, lôi tuột ra đánh. Bị đánh hai mươi gậy, sai nhân đau quá không chịu nổi, van xin tha tội: - Con tự biết đã xúc phạm, xin ngài nể mặt ông lớn nhà con. - Nể mặt chủ mày, đánh thêm hai mươi gậy nữa! - Tuần án đáp. Mã Lục trừng phạt hắn bốn mươi gậy, rồi bảo hắn chống nạng mà về. Sai nhân ôm đầu lủi ra. Tuần án lập văn bản, gửi kèm theo cả bức thư của Quách Huân. Gia Tĩnh đế xem văn bản chuẩn y ngay, lại giáng chỉ, quở trách Quách Huân. Đúng là án đã quyết thì phép trời cũng không thể lập được. Nếu như gián quan không tham gia hạch tội, thì việc ấy đã kết thúc. Tiếc rằng phong khí thời Minh, gián quan rất thích tranh luận để tỏ rõ năng lực của mình. Bản thứ nhất không phê lại đệ lên bản thứ hai, bản thứ hai cũng không phê chuẩn, thế là cứ tiếp tục dâng bản tấu lên, triều đình cứ rối như canh hẹ. Bởi thế vương thân quốc thích có đôi chút sai sót cũng đều sợ ông. Lúc đầu họ bàn luận về đúng sai, tiếp đó họ lại đề cao chí khí, cốt yếu là thể hiện tài hùng biện của họ. Triều đình chán ngán để lại, không nhắc đến nữa. Nay thấy Mã Tuần án tấu trình lên, Vũ Định hầu che chở cho kẻ phản nghịch, viết thư riêng nhờ vả, các quan đều đùng đùng nổi giận. Có người nói: - Phúc Đạt giết hàng vạn người, trốn biệt tăm tích, nay tội đã rõ ràng, khép hắn vào tội cực hình vẫn còn chưa xứng. Vũ Định hầu lại quanh co xin cho hắn cũng đáng phải trị tội. - Liên hệ với kẻ giặc phản nghịch, - có người nói, - rõ ràng là kẻ nhận hối lộ của Phúc Đạt, phải chu diệt. Quách Huân cũng khó mà tha được . Những bản vạch tội hắn càng về sau càng ghê gớm. Họ nói về kẻ che chở cho bọn phản nghịch, bụng dạ khó lường, phải ghép vào tội mưu phản, phải diệt cả họ mới đáng. Quách Huân sao có thể chống cự nổi, bèn đi van xin Trương Thông, Quế Ngạc, những sủng thần tâm phúc của triều đình, cầu mong họ che chở. Vì sao Trương Thông, Quế Ngạc lại được triều đình sủng ái? Thời ấy hoàng đế Chính Đức băng hà, không có con nối dõi, di chiếu để lại là lập Hậu Thông - con cả Hưng Hiếu vương, thuộc cháu ruột Hiếu Tông - lên thừa kế. Quần thần bèn tôn ông lên làm hoàng đế, đó là Gia Tĩnh đế. Gia Tĩnh tức vị, tôn cha đẻ của mình làm Hưng Hiếu hoàng đế, gọi Hiếu Tông hoàng đế là Bá. Đó là tình riêng, chứ thực ra không thuận lẽ trời, lòng người. Chẳng hạn như dân thường không có con lập người thừa tự, giao hết tài sản cho người thừa kế, tự tiếp nhận việc thờ cúng, thì cha mẹ sinh ra mình phải kém một vai. Nếu chỉ coi trọng người sinh ra mình, coi cha mẹ mà mình thừa kế như chú bác, thì việc thừa tự có ích gì? Thiên tử và thứ dân cũng thế thôi. Bởi thế mà quần thần làm căn cứ vào kinh điển, đều nói không nên xưng Hưng Hiếu là Khảo. Gia Tĩnh bị công luận ngăn trở, đành phải nín nhịn. Thời ấy Trương Thông vừa đỗ tiến sĩ, những việc lớn trong triều chẳng thấy ông mở miệng bao giờ. Một hôm Trương Thông gặp một người thầy tướng, người ấy nói: - Xem tướng thì thấy trong hai năm nữa ngài sẽ làm tới chức tể tướng. - Ta mới đỗ tiến sĩ, - Trương Thông nói, - làm sao hai năm nữa, bỗng chốc leo lên hàng tể tướng được? - Tướng ngài sinh ra như thế, - thầy tướng nói, - ngay đến tôi cũng không sao biết được. Đúng lúc cuộc bàn luận về đại lễ xảy ra, Thông thấy triều đình muốn tôn sùng người đẻ, song bởi hội nghị triều đình ngăn trở, nên không toại nguyện. Ông ta bèn nghĩ rằng: "Nếu ta sáng lập ra một cuộc bàn luận khác, bác bỏ những lời bàn của quần thần, thì hoàng đế nhất định vui lòng, và phú quý sẽ đến tay". Thế là ông ta dâng sớ tâu rằng: - Hoàng thượng được thừa trị đại tông, tôn Hiếu Tông là Hoàng Khảo, tôn Hưng Hiếu vương là Hoàng Thúc Phụ, các triều thần trong triều đình quá câu nệ vào chuyện cũ, Hán Ai đế Tống Anh được lập làm thái tử dự bị, nuôi trong cung. Rõ ràng từ sớm đã coi như con, còn như hoàng thượng kế vị là vì sau khi vua băng hà, quần thần theo di chiếu tôn làm vua, khác hẳn với thái tử dự bị được nuôi dưỡng trong cung. Về lý thì nên tôn Hưng Hiếu làm Hoàng Khảo để làm trọn đạo con. Nếu theo thiên hạ mà làm con thừa kế của người thì e rằng đã làm mất điều nghĩa đối với cha mẹ. Ông ta nói rất khẩn thiết, hoàn toàn trái hẳn với những lời bàn của triều thần. Thấy vậy Gia Tĩnh rất vui mừng, truyền dụ cho triều thần rằng: "Lời bàn ấy tuân theo di huấn của tổ tiên, hợp với lễ xưa, các người sao lại hiểu sai trẫm là bất hiếu”. Tiếp đó Quế Ngạc lại dâng sớ tán đồng với ý kiến của Tương Thông. Vua thấy thế hả dạ. Lúc ấy quần thần thấy hai người này dâng sớ, đều cho đó là tà thuyết, ghét họ như kẻ thù, những người gác cửa hoàng cung đều muốn cho hắn một trận, tống hắn ra khỏi cửa. Thấy mọi người phẫn nộ, không làm gì được họ, hai người này đến nhà Vũ Định hầu cầu viện. Vũ Định hầu nói với Gia Tĩnh, rồi sau đó có ngay chiếu chỉ, lệnh cho hai người làm Hàn lâm học sĩ, đại lễ bắt đầu từ lời đề nghị ấy. Tất cả những điều không hợp đều bãi bỏ hết. Chưa đầy hai năm, quả nhiên Trương Thông trở thành tướng, kết bè kết đảng với Quách Huân. Nay Quách Huân đến cầu cứu sao Trương Thông không ra sức giúp đỡ. Hơn nữa hai người này đều là tay chân của triều đình, lời nói của họ dễ lọt tai hoàng đế, bởi thế họ thừa cơ dâng sớ tâu rằng: "Vì Quách Huân bàn đến lễ khiến cho quần thần tức giận, cả triều đình đều coi là kẻ thù, nên đã nhao nhao hạch tội. Chúng thần xét thấy chỉ huy Trương Dần không phải là do Phúc Đạt đổi tên. Vì chư thần muốn hại Quách Huân, nên vu cho Trương Dần là phản nghịch. Xin hoàng thượng đừng nghe lời quần thần mà gây ra oan ức". Phải hiểu rằng Gia Tĩnh đế không phải là ông vua ngu tối song khi bàn về đại lễ đã bị các đại thần làm cho khó chịu. Nay thấy hai người này nói, đã động chạm đến nỗi oán hận của ông, ông tin là thật, bèn ban một chỉ dụ chuyển vụ án của Phúc Đạt về kinh, đồng thời bắt Tuần án Mã Lục về xét hỏi. Quần thần vẫn như mê ngủ, không hiểu triều đình đã nghe theo bọn Trương Thông. Khi đưa xét hỏi Mã Lục, Tam pháp ty vẫn lấy khẩu cung dâng tấu sớ như cũ. Gia Tĩnh nổi giận trách mắng việc quan xét hỏi không đúng sự thực, lệnh cho Trương Thông kiêm Đô sát viện, Quế Ngạc kiêm Hình bố cùng xem xét vụ án này. Tới lúc ấy, quần thần mới biết triều đình đã nghe lời xiểm nịnh, tình thế thay đổi hẳn. Hai người tuân theo chiếu chỉ, chỉ làm vừa lòng vua, chẳng kể gì đến chân lí, lương tâm. Khi xét hỏi tuyệt nhiên không xét hỏi Phúc Đạt, chỉ trách Tuần án Mã Lục không tôn trọng pháp luật mà xét xử theo tình riêng, hãm hại người vô tội. Tuần án Mã ra sức tranh biện, song hai người này không nghe, ra lệnh dùng cực hình tra tấn Mã Tuần án hết sức dã man. Thương thay, một viên quan Ngự sử chính trực bị tra tấn đến chết đi sống lại? Mã Lục thấy rằng nếu không nhận bừa, thì sẽ chịu khổ mãi, nên đành nhận tội, vì riêng tư mà ghép tội cho người. Tiết Lương cũng bị khép vào tội vu cáo. Hai người này lấy xong khẩu cung, cho rằng đã tìm ra sự thực, không bị quần thần lừa dối, nào có biết đâu kỉ cương triều đình trắng đen đã bị quyền thần làm đảo lộn! Tuyên bố chỉ dụ rằng: "Tha Phúc Đạt, Tiết Lương phải tử hình, Tuần án Mã Lục và các quan trong Đài gián đều do Cẩm y vệ đánh một trăm trượng tại triều đình, trị tội theo từng loại". Loại pháp luật đánh chết tại triều đình xưa nay không có, chỉ triều Minh mới có lệ này. Từ khi đặt ra phép này không biết đã giết chết bao nhiêu trung thần? Thế mới biết chế độ đình trượng ghê gớm biết chừng nào? Phàm là quan phủ phạm tội, chỉ lệnh cho Cẩm y vệ tra hỏi, theo lệ, phạm quan phải dùng kẹp kẹp năm mươi cái, dùng cặp cặp năm mươi chiếc, đánh ba mươi gậy gọi là "một bộ". Đây là phép tra khảo của Cẩm y vệ. Người nào đã chịu cực hình thì chỉ có chết mà thôi. Nếu theo chiếu chỉ đánh tại triều đình thì sai nội thần giám sát các quan lớn nhỏ đều mặc áo đỏ đứng xếp hàng dưới thềm phía ngoài Ngọ môn. Trung sứ ngồi bên trái, Cẩm y vệ ngồi bên phải, mỗi bộ phận đều có ba mươi người, bên dưới có một trăm người. Kỳ hiệu đều mặc quần áo có nếp gấp, tay cầm gậy gỗ xếp hàng ngay ngắn. Tuyên đọc chiếu chỉ xong, một người mang bao gai trùm từ vai xuống lưng phạm nhân, bó chặt lấy hai tay, không được chuyển động sang phải, sang trái. Một người trói hai chân, quấn chặt xung quanh chỉ để lộ hai đùi cho gậy đập vào. Đầu mặt tiếp giáp xuống mặt đất, đất cát thộc vào đầy mồm, đến kêu la cũng không được. Cứ đánh một gậy thì bên trên lại hô “Đánh mạnh vào!”. Đánh hết một trăm cái gậy phải gẫy đến mấy chiếc. Quần thần lấm lét nhìn nín thở, cảnh tượng hết sức nghiêm ngặt như thiên la địa võng, những viên kỳ hiệu đã luyện thành một nghệ thuật đánh, đánh cho hai đùi sưng lên như hai cái vò, bên trong máu thịt nát như tương nhưng da không hề rách. Phép chữa trị là dùng dao cắt da ra, vét hết thịt nát bên trong, lấy một con cừu sống cắt thịt đùi nhét đầy chỗ trống, làm cho máu thịt gắn liền với nhau thành một khối, sau đó có thể hoạt động được. Cho nên thời Minh có những "tiên sinh mông cừu” mà mọi người rất kính nể. Có một vị tri huyện đi ra khỏi huyện đường, bắt một người xông qua đường thét bảo lính hầu phải phạt nặng. Lột quần người ấy ra thì thấy mông đít là thịt cừu, biết người ấy đã từng chịu đánh tại triều đình, tri huyện vội vàng xuống kiệu xin nhận tội và luôn mồm xin lỗi. Người ấy cười ha hả rồi bỏ đi, khiến cho quan huyện sợ toát mồ hôi. Vì những người đã từng bị đánh tại triều đình, nếu vua nghĩ lại thì lập tức được trọng dụng. Bởi thế nếu người bị đánh may mà không chết thì sẽ trở thành tiên sinh mông cừu, chẳng may mất mạng thì cũng được tiếng là người trung trực! Thương thay những vị quan vì căm giận bọn gian tặc, đến nay phải chịu cực hình! Mã Tuần án bị đánh tại triều đình, rồi bị đày ra biên ải, bổ sung vào quân lính. Bốn mươi người còn lại bị tù tội, hoặc bị chết. Vì thế mà Đài gián chẳng còn ai. Kẻ phản nghịch Lý Phúc Đạt vẫn là chỉ huy, hai đứa con vẫn là tượng dịch, nghiễm nhiên giữ chức quan võ. Há đây chẳng phải là trời nghiêng đất ngả sao! Vì sợ lòng người không phục, sau này sẽ sinh sự biến, Trương Thông, Quế Ngạc bèn biên soạn Khâm mệnh đại ngục lục, xin vua ban chiếu chỉ khắp thiên hạ, khiến cho những quan lại bị oan đời đời không ngóc đầu lên được. Nào ngờ kẻ xảo trá muốn như thế, song lòng trời lại không thế. Tứ Xuyên có một tên gian ác, trước đây là đồng bọn của Phúc Đạt tên là Thái Bá Quý. Vì việc Sơn Tây bại lộ, hắn chạy trốn đến Tứ Xuyên, tụ tập bọn vô lại, đặt ra tên riêng, vẫn theo bọn tà đạo Bạch Liên mưu phản, bị quan quân bắt được, lục soát thấy thư từ qua lại của Phúc Đạt. Trong đó có bức thư viết rằng: "Đổi tên là Trương Dần, hiện làm chỉ huy, cứ yên tâm không lo sợ gì". Tuần án Tứ Xuyên theo sự thực dâng sớ lên. Thời ấy Gia Tĩnh băng hà, Long Khánh lên ngôi, thấy bản tấu dâng lên, ông đùng đùng nổi giận, lập tức bắt cả nhà Lý Phúc Đạt chém đầu, bọn dư đảng đều khép vào tội phản nghịch. Vụ án ấy mới sáng tỏ. Đô Ngự sử Bàng Thượng Bằng dâng sớ tâu rằng: "Vũ Định hầu cùng với đại thần Trương Thông, Quế Ngạc bao che cho Phúc Đạt, vụ án đã giết hại hơn bốn mươi viên quan, nỗi hiểm họa ấy của quan lại không vụ nào lớn hơn vụ này. Nay ba vị quan tuy đã chết, cần phải khôi phục lại chức tước để làm gương cho đời sau. Những vị quan đã bị giết oan, nên đặc cách khen thưởng để biểu dương chí khí các bậc trung thần". Triều đình hoàn toàn nghe theo lời tấu trình trên đây, cho triệu hồi Mã Lục về kinh, khôi phục lại chức Ngự sử, số còn lại thăng quan, ban tặng tước vị. Tới nay trên sử sách nhà Minh vẫn còn ghi lại tiếng thơm, còn bọn gian thần để lại tiếng xấu cho muôn đời. Đây chẳng phải là do trời báo ứng sao! Mọi người đều sung sướng hả hê. Người đời sau bàn về việc này, đểu cho rằng lúc đầu Quách Huân quan hệ với Phúc Đạt, chỉ vì tham của hối lộ, vốn chỉ biết là Trương Dần chứ không biết hắn là Phúc Đạt. Đến khi sự việc đã bại lộ mà còn đi nói cho hắn thì Quách Huân đáng phải chịu tội. Chỉ nói về thư riêng của Quách Huân xin cho hắn cũng đủ để khép tội rồi. Song mọi người muốn ghép hắn vào tội phản nghịch, đã xử phạt nặng dẫn đến gây ra đại họa, trên thì làm tổn hại đến nguyên khí quốc gia, dưới thì làm nhục thân thế của cha mẹ để lại, các bậc quân tử cũng không thể không nhận thấy sai sót của mình. Kẻ bàn luận này cũng không phải cho rằng người đời a dua, bợ đỡ người khác, không theo con đường ngay thẳng. Tóm lại, hỏi tội kẻ sai phạm cũng phải có lòng khoan thứ, không hẳn cứ khăng khăng theo ý mình mà đây người ta vào chỗ chết, đó là đạo lí minh triết bảo thân, các bậc sĩ đại phu không thể không xem xét tới.