Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 3 (A)
Thanh Liêm, Dân Chúng Không Kiện Tụng
Trung Dũng, Quản Chi Đóng Vai Hầu

Tiên quan triều Hán bao giờ lại,
Hiểm nguy đường Thục vén khói mây.
Ngàn dặm tiếng đàn bay mất hạc,
Trời xanh guốc gỗ ngóng chim bay.
Mây giăng đường đá nghiêng nghiêng gác,
Rừng cây sông chảy nước quanh co.
Giấu dao mới biết anh hùng chí,
Thông minh mới biết cổ nhân tài.
 
Bài thơ do Lô Luân đời Đường sáng tác, khi ông tiễn bạn tới làm quan ở Tân Đô. Lô Luân đã ca ngợi bạn mình là quan thanh liêm, giỏi giải quyết công việc, đáng được người đời tin cậy. Nhân đó ông nghĩ tới cuộc sống xưa nay không lúc nào yên ổn. Vì sao thế? Vì quan cai trị không thanh liêm và không có tài trị dân, khiến cho dân không yên tâm làm ăn, mà cứ phải kiện cáo nhau. Các bạn thân mến, mọi việc trên đời này đều dựa vào những bậc trưởng giả đội mũ the đen. Trong đó lại có nhiều người không đủ tiêu chuẩn: người có đức lại không có tài; người có tài lại không có đức. Bởi thế xã hội ngày càng rối bời như canh hẹ. Những viên quan này, trừ bọn tham lam, tàn ác, ngu xuẩn, bất lương ra, vẫn còn một số người thông minh học vấn uyên thâm. Song đến khi xử án thì chẳng ích lợi gì. Chỉ có người biết lặng lẽ suy tư, chân thành, đối xử công bằng không thiên vị, không dựa vào học vấn, sự thông. minh, mới có được những quyết đoán thông minh và thỏa đáng. Nếu như đầu óc không thông minh, quyết đoán chỉ dựa vào sự vô tư, thì dễ nổi nóng, cuối cùng dẫn đến nhiều điều oan khuất. Người dân gặp phải tính khí ấy của họ, sẽ chịu không ít rủi ro. Thật là:
Quan nổi lôi đình khi xử kiện,
Dân đen oan ức biết kêu ai.
Quan lớn khoe rằng tiền chẳng lấy,
Hình phạt răn đe tội kiếp người.
Xem ra, làm quan quả thực là rất khó. Xưa nay bậc đế vương trị thiên hạ chỉ thích nói câu “quan là cha mẹ dân". Song thực ra phủ quan ngày nay ai chịu coi dân là con cái.
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ dưới đây để các bạn nghe.
Vào thời Thành Hóa(1) trong phủ Kiến Ninh, Phúc Kiến, có một nhà giàu chuyên tích trữ hổ phách, tê giác, trầm hương, và coi trọng của cải. Ông ta là Bình Tất Dụng, thông gia với một cử nhân tên Tất Vinh. Tất Vinh lại là người tham lam, thấy đồ vật của người, bất kể là tốt hay xấu, bằng giá nào cũng phải xem cho bằng được. Một hôm tuyết rơi rất dày, Bình Tất Dụng đội một chiếc khăn nhung. Vì là một thứ trang phục quý, nên bên trên ông ta lại đội thêm một chiếc mũ lông chồn trắng như tuyết, lông dài khoảng hai tấc. Không ngờ Tất Vinh nhìn thấy hỏi:
- Ông Bình! Cái mũ này rất quý, không biết ông mua bao nhiêu, tôi cũng muốn mua một chiếc.
(1) Thành Hóa: niên hiệu Hiếu Tông thời Minh.
- Đây là mũ của người khách bán nhân sâm Liêu Đông mang tới. - Lão Bình nói. - Tôi phải mua mất bốn trăm lạng.
- Loại mũ này là của những vương hầu phò mã đội, - Tất Vinh nói, - khó mà mua được. Quả thực tôi rất quý.
Ngày hôm sau, Tất Vinh gói tám mươi lạng bạc, số bạc này một nửa lẫn đồng và sắt, sai người mang đến cho lão Bình, đòi mua lại chiếc mũ, nếu không đủ sẽ đưa thêm. Lão Bình xem xong cười nhạt nói:
- Đây là một chiếc mũ đặc biệt, tôi rất quý. Đội nó gió thu không thể lọt qua, tôi sẽ dùng nó suốt đời. Nếu như bán cho Tất Vinh thì sao tôi lại phải chịu lỗ ba trăm hai mươi lạng bạc. Thôi thì, anh hãy mang bạc về.
Người nhà trở về nói lại với Tất Vinh, Tất Vinh lại đưa thêm mươi hai lạng nữa. Cứ thế đi lại rất nhiều lần, cho tới khi tăng tới một trăm mười bảy lạng ba, thậm chí phải bỏ hết cả trâm, đinh hương, ngà voi, vòng nhẫn, lão Bình vẫn khăng khăng đòi đúng bốn trăm lạng, không thiếu một li.
Tham lam nhưng không được, Tất Vinh rất buồn. Tất Vinh có một người cháu ngoại, tên là Tuyên Anh được cử trông coi việc lễ. Thấy lão Bình cứ một mục khăng khăng như thế, Tuyên Anh chẳng nghĩ gì đến tình thân, bàn với Tất Vinh chờ sang năm.
Tới mùa đông năm sau, trời rét buốt, lão Tất nói với Tuyên Anh:
- Ngày mai ta đến nhà thông gia cúng, cháu hãy mượn giúp ta chiếc mũ ấy.
Lão Bình đành phải cho mượn. Quả nhiên chiều hôm sau lại mang tới trả. Ai ngờ, Tuyên Anh là một tên xỏ lá. Cách đó nửa năm hắn đã đệ đơn lên huyện, khai mất chiếc mũ. Sử Bi là quan xử kiện, người Quảng Tây, xuất thân từ tiến sĩ. Sử Bi cũng là một tên tham của. Trước tiên ông ta cho phép Tuyên Anh đi tìm. Một hôm lão Bình đội chiếc mũ đi nghênh ngang ngoài phố, Tuyên Anh nhìn thấy túm lấy áo, kêu toáng lên:
- Cướp cướp làng nước ơi, cướp, cướp!
Hai người cãi nhau, giằng co mãi, rồi đưa nhau lên huyện. Lão Bình cứ kêu oan. Quan huyện thét.
- Bắt lấy, đưa vào đây!
Hai người quỳ trước huyện đường. Tuyên Anh bẩm rằng:
- Năm ngoái tôi bị mất mũ, đã từng đệ đơn kêu lên huyện. Chiếc mũ ấy làm bằng da lông chồn trắng. Song vẫn chưa tìm thấy. Nay, lưới trời lồng lộng, lại thấy tên trộm này đội.
- Con là Bình Tất Dụng, - lão Bình thưa, - là người dân lương thiện, trong sạch. Chiếc mũ này do chính con mua.
Quan huyện hỏi, hiện thiếc mũ ấy đâu. Lão Bình lấy trong tay áo ra đệ lên quan. Quan huyện xem xong kinh ngạc nói:
- Từ khi tôi làm quan đến giờ, chưa từng thấy chiếc mũ nào như thế. Đây là một thứ cực kì xa xỉ.
Quan huyện cũng thèm muốn chiếc mũ ấy, bèn nói:
- Ăn cắp là trọng tội, đơn kêu mất cắp không phải chỉ một thứ. Nếu vụ này điều tra ra sự thực, thì các vụ khác cũng đúng là ngươi lấy. Anh có nhớ chiếc mũ này có đặc điểm gì không?
- Toàn là màu trắng. - Lão Bình nói. - Không lẫn một loại lông nào. Bên trong có lần vải lĩnh hoa trắng, chỗ che-tai bên trái có dính một vết máu, đó là do tai con bị xước gây ra.
- Dấu vết ấy ai cũng nhìn thấy, - Tuyên Anh nói, - ai chả nói được! Mũ của con đánh dấu vào một chỗ kín, đó là một dấu hình vuông, nét chữ mầu đỏ, ghi là "Tuyên Anh chi ấn" ở phía trong vải lĩnh, chỗ giáp lai, xé đường chỉ ra thì sẽ thấy.
Quan huyện sai người xé đường chỉ ra, quả đúng như thế. Quan huyện kêu to:
- Đúng rồi! Đúng rồi! Đúng là có một dấu tên hình vuông, ghi là "Tuyên Anh chi ấn".
Lão Bình cứng họng, không sao nói được, đành chờ phúc thẩm. Đúng là:
Dân chúng đáng phải khổ
Có quan chẳng có ngày.
Quan Kính là quan sát viện, người Triết Giang, hiệu là Thiết Sơn. Ông là người nghiêm minh chính trực và tài giỏi. Đúng vào hôm xét xử vụ kiện Bình Tất Dụng, thì hôm đó Quan Kính tới theo dõi. Khi xét hỏi việc này, ông nhìn kĩ thần thái của hai người. Thấy lời lẽ của lão Bình không giống giọng nói của trộm cướp, lẽ nào chính hắn đi ăn trộm, lại công khai đội chiếc mũ mình đã ăn trộm!
Trở về nha môn, ông suy nghĩ rất kỹ, rồi lẩm bẩm một mình: "Có manh mối rồi! Tìm ra manh mối rồi!". Ngày hôm sau, cửa công đường mở từ rất sớm. Ông viết giấy gọi phạm nhân Bình Tất Dụng, quan huyện Kiến Ninh, đồng thời bắt nguyên cáo Tuyên Anh, lập tức tới tòa xét hỏi. Tri huyện cuống lên, hồn bay phách lạc, mang chiếc mũ lên Sát viện để điều tra.
Quan Kính sai người mang chiếc mũ đặt lên bàn, gang tay đo thấy dài chín tấc. Sau đó nhìn kỹ đầu hai người, xem to nhỏ thế nào. Rồi lại xem dấu tên ở mặt trong, đúng là có đóng dấu kiềm thật. Sau đó hỏi Tuyên Anh:
- Chiếc mũ này ở đâu ra?
- Do bố vợ con làm quân môn tại Thẩm Dương mang về cho. - Tuyên Anh trả lời.
- Anh đã đội chiếc mũ này chưa?
- Khi còn đi học con thường đội, nên đã đóng dấu vào đó để ghi nhớ.
Quan Sát viện lại hỏi Tất Dụng:
- Chiếc mũ này ở đâu ra?
- Con mua của người khách bán nhân sâm, - Tất Dụng trả lời - mất bốn trăm lạng bạc.
- Các anh hãy mang mũ áo mặc hàng ngày vào đây. - Quan Sát viện nói. - Bất kể là vuông hay tròn hoặc màu sắc nào cũng được.
Hai người ra ngoài, bảo người nhà lấy mũ áo. Quan Sát viên gọi hai người vào rồi lệnh cho họ mặc áo đội mũ trước mặt ông. Lão Bình mặc áo nhung, đội mũ nhung. Còn Tuyên Anh đội mũ the, mặc áo the màu xanh da trời. Quan Kiểm sát viện nghĩ: "Mặc áo đơn, chít khăn thì không phải là loại hàng cùng bộ". Sau đó ông gọi Bình Tất Dụng, đưa mũ cho lão Bình đội, thấy ông đội rất vừa. Tiếp đó ông lại đưa mũ cho Tuyên Anh đội. Thật đáng thương, đầu Tuyên Anh nhỏ khăn thấp, mũ quá rộng, trùm xuống tận mắt. Quan Sát viện cười rộ lên nói:
- Chiếc mũ này không phải của anh.
- Hiện còn dấu vết bên trong. - Tuyên Anh nói. - Quả là Bình Tất Dụng lấy cắp rồi về nới rộng ra.
Quan Sát viện cầm mũ xem đi xem lại, thấy đường may vẫn còn nguyên vẹn, con dấu thì đóng trùm lên trên đường may. Ông đùng đùng nổi giận quát:
- Hãy mang kẹp ra đây ngay!
Tuyên Anh bị kẹp, không chịu nổi kêu lên:
- Ngài tha tội! Con xin khai thật, không phải con can phạm. Vốn là cậu con muốn mua chiếc mũ ấy, song Tất Dụng không bán, cậu con đành phải giả vờ mượn mũ đi phúng viếng đám ma, con đã xé bên trong, đóng dấu tên con vào đó, rồi viết đơn thưa lên quan, vu tội cho ông ấy.
Quan Sát viện gọi người đánh cho năm mươi roi, giải lên phủ Thụ giám định tội. Sau đó hỏi cậu hắn ta là ai. Tuyên Anh nói:
- Đó là cử nhân Tất Vinh.
Rồi ông trả lại mũ, thả Tất Dụng về. Quan Sát viện lập tức sai người gọi cử nhân tri huyện vào mắng: "Ngươi là đồ ngu dốt vô liêm sỉ". Chửi cho hả giận, rồi ông viết tờ hạch tội tri huyện Sử Bi, là người tính tình nóng vội bộp chộp; cử nhân Tất Vinh là kẻ tham lam. Tuyên Anh bị tống giam, rồi chết trong nhà tù.
Kìa xem những kẻ thường gian dối
Quan vốn thanh liêm trị thẳng tay.
Các bạn thân mến, làm quan quả là chẳng dễ chút nào! Tri huyện Sử Bi thấy có đóng dấu, đã cho ngay là sự thực. Còn quan Sát viện là một vị cứu tinh, đã gỡ cho lão Bình khỏi mang tiếng oan là một tên trộm cướp. Thiết Kính là một vị quan thanh liêm chính trực, ông đã làm sáng tỏ nhiều vụ án, mà những chứng cứ giả dối như một sự thực khó bác bỏ.
Tới đây, lại nói thêm về một ông quan thanh liêm khác. Cát Ngu một tiến sĩ tài giỏi ở Giang Tây, hiệu là Thủy Nguyên, đỗ tiến sĩ năm Tiến Đức. Mẹ chết sớm, cha là tú tài nghèo, tên là Cát Thánh Tường, hiệu là Đạo Phù, suốt đời thật thà ngay thẳng, gìn giữ nếp xưa. Khi dạy dỗ con cái ông thường khuyên con đừng bôi nhọ lương tâm, sang hèn đều do số mệnh. Nếu gặp vận may, được trị dân, thì không những phải trong sạch, có tiết tháo nghiêm khắc nhưng lại phải ôn hòa thận trọng, vừa nhã nhặn phải vừa thật thà chất phác. Thủy Nguyên luôn luôn ghi nhớ lời cha dạy. Năm ông hơn ba mươi tuổi thì cha qua đời, rồi sau đó vợ chết. Hoàn cảnh ông rất khó khăn, nhưng rất may ông được nhập học. Ông cố gắng học hành chẳng quản nắng mưa, rét mướt. Trên tường ông đã dán bốn điều để răn mình đó là:
Không dạy học, không uống rượu
Không gặp quan, không kết bạn.
Cát Thủy Nguyên, một thân một mình đóng cửa tuyệt giao, ăn đói mặc rét, đọc sách suốt ngày. Thời gian trôi đi rất nhanh, mới thoáng qua mà ông đã hơn bốn mươi, cuộc sống vẫn nghèo túng. Người ta khuyên ông hãy xé bốn điều răn mình, thích ứng với cuộc đời thì sẽ không bị thiệt thòi. Song ông vẫn không thay đổi, và nói rằng giữ mình như thế mới thực là có ích. Người ta lại hỏi ông có ích ở chỗ nào? Thuỷ Nguyên nói:
- Thầy nghiêm, đạo được tôn trọng, thì mình mới giữ được thể diện. Tôi thấy những tiên sinh ngày nay theo đòi đèn sách đều vị kỉ. Kẻ chơi bời dâm đãng, lại tự cho mình là người thầy hướng dẫn người. Họ đều là những người lòng dạ xấu xa, đạo đức hư hỏng. Tôi một đời nghiêm túc chăm chỉ học hành, sao lại kết bè kết đảng với họ được! Còn như ăn uống tiệc tùng, mới nghe thấy tôi đã chán ngán. Trên đời, việc này ai ai cũng mong muốn, song đối với tôi, nó chẳng có chút hứng thú nào, bởi vì những người không hiểu biết rất đông, đến đó có ích lợi gì đâu! Những người đang làm việc ở phủ quan, đều xuất thân từ tú tài. Đến khi được làm quan thì ăn uống bê tha, họ thấy tú tài như chiếc gai trước mắt. Tôi vô cùng khinh bỉ loại quan như thế, hạng người như thế có đáng gặp hay không? Nếu nói, nay kết bè mai kết bạn, thì đây là một việc hết sức vô bổ. Người xưa nói: "Tú tài như cô gái trinh tiết". Gái trinh không thể thân quen với người này, người khác. Kết thân bạn bè có phải trên đầu lưỡi thôi đâu. Bởi thế cho dù tôi nghèo túng thế nào chăng nữa, tôi cũng không thể vứt bỏ nhũng điều tôi gìn giữ, để dấn thân vào thói xấu của tú tài.
Mọi người thấy Thủy Nguyên nói thế, than rằng: "Quả thực đây là một người vô cùng trong sạch và đạo đức". Đúng là:
Chẳng thể luyện được vàng,
Kẻ sĩ thường nghèo túng.
Sách vở chất đầy nhà,
Ra ngoài không có bạn.
Cát Thủy Nguyên nghèo đến mức khó mà sống nổi, người ta khuyên anh nên làm một việc gì đấy. Anh nói:
- Là nho sinh mà thay đổi nghề nghiệp, quả thực tôi rất lo sợ. Giảng giải kinh dịch, bàn luận về số mệnh, ấy là duy trì đạo giữa trời và người của bậc Thánh nhân. Số phận của ta là trong sạch. May mà sang năm ta được thi, nhưng sang năm cũng cần ăn cần mặc, cần phải có tiền đến trường thi, nhưng kiếm đâu ra tiền, thôi thì ta thử làm xem sao?
Thế rồi anh tìm một tờ giấy dán vào tấm gỗ viết: "Gia cư sĩ đoán số mệnh".
Dựa tấm biển vào trước cửa nhà, Thủy Nguyên ngồi chờ người đến xem. Mọi người lần lượt đến nhờ ông đoán số mệnh. Thủy Nguyên cứ theo lí nói thẳng, chẳng khác nào như đuổi khách đi. Thấm thoát thế mà anh đã đoán số mệnh được bốn năm tháng.
Một hôm bỗng có một người dáng vẻ tu hành đắc đạo, tên là Mễ Niên, đầu đội mũ kiểu thời Đường, mặc áo thụng, lắc được quẻ Cấn. Thủy Nguyên hỏi:
- Ông cần gì?
- Tôi cần lấy vợ. - Mễ Niên trả lời. - ông xem người ấy có phúc, có duyên, có thuận hòa với kẻ trên người dưới không?
- Nếu không phải là vợ cả thì đều tốt. - Thủy Nguyên nói: - Cấu có nghĩa là gặp, năm dương mà gặp một âm, chứng tỏ âm vượng, dương chầu. Vả lại hôm nay là Thanh long dẹp đường, chim chu tước im tiếng hót, chim loan đỏ trông coi việc, sao khiên ngưu ngủ gật, hẳn là người vợ cả phẩm hạnh kém, mà lại có biểu hiện vô cùng tốt, chỉ có điều về mặt trinh tiết kém một chút.
Cát Thủy Nguyên nói thế, Mễ Niên vô cùng sung sướng, nghĩ bụng: "Quẻ này nói rất đúng" rồi lại nói ngày sinh tháng đẻ của mình để xem số phận của cả đời. Mệnh thuộc long, sinh vào giờ Giáp Tí, ngày Kỉ Mão, tháng Bính Dần, năm Giáp Thìn.
Thủy Nguyên viết tám chữ ấy theo hàng, xem xong rồi nhìn Mễ Niên nói:
- Tám chữ tạo nên sự kì lạ khó mà nói hết, tám chữ bổ sung cho nhau, sánh bên nhau, sự thịnh vượng cứ như ùa cả đến. Hiêu thần, Niết thần ra sức giúp đỡ việc ăn uống, Tử Vi không mời mà tự đến. Mệnh thuộc loại hèn kém không thể tính hết được. Nhưng vận phú quý chẳng gì cao hơn thế. Ông là người quê ở đâu thế?
- Xin cảm ơn ngài đã có con mắt tinh tường. - Mễ Niên nói. - Nhất định sẽ có ngày đền đáp công ơn.
Mễ Niên nhét quẻ thẻ vào tay áo, cảm ơn Thủy Nguyên, rồi ra đi. Đúng là:
Bế tắc, thông suốt đều do mệnh
Suy đoán sau này sẽ biết thôi.
Hôm sau Thủy Nguyên cất biển đi. Nghĩ rằng: "Mệnh đoán hôm qua là mệnh hết sức thấp hèn, mà cái vận thì vô cùng kì lạ quả thực đoán không ra, khiến người ta chê cười. Chi bằng hãy gắng công học tập, chuẩn bị kì thi cho tốt”.
Thi hương xong, yết bảng đề danh, anh xếp thứ hai trong số bảy người. Người trong làng ai cũng kinh ngạc nói: "Cát Tiên sinh đã đỗ rồi!': Họ đến chúc mừng, song ông vẫn tiếp đãi lạnh nhạt như cũ. Mấy ngày sau, những người tôn ông làm thầy, cũng chưa đưa chút lễ vật nào, bạn đồng khoa cũng không ai muốn gặp. Ông khăn gói lên đường tới kinh đô. Đúng là:
Đô thành mưa tạnh buồn vô hạn,
Quán trọ đèn tàn khách mộng mơ.
Không ngờ thi Hội xong, Thủy Nguyên lại đỗ tiến sĩ. Mặc dù là người đỗ cao trong kì thi Hội, song ông vẫn lo âu buồn bã. Ông thấy triều đình rối ren, quan lại ở địa vị cao đều hùa theo thế tục, coi việc nước như trò đùa. Họ bày cỗ linh đình, cúng tế trời đất tổ tông, viết hai câu thề nguyền, nhưng lại không hề thực hiện. Họ làm thế, là muốn tô vẽ thêm cho mình. Hai câu ấy như sau:
Nguyện dốc sức mình cho đất nước,
Tuân theo phép tắc phục vụ dân.
Thủy Nguyên ở lại kinh đô, lấy người vợ kế là Thị Cầm, và được bổ làm Tri huyện Tức Mặc, Sơn Đông. Khi tới nhậm chức, ông mở mang trường lớp, nâng đỡ việc học tập, trừ phi thừa hành lệnh cấp trên ra, ông thường không dùng hình phạt nặng. Khi thừa hành chức trách, không bao giờ ông nhận lễ vật. Đúng là quan thanh liêm chỉ uống nước lã. Ông là người ôn hòa, tài năng mẫn tiệp. Bằng tài năng ấy, ông đã tìm ra nhiều sự việc rắc rối liên quan đến trộm cướp, và số phận con người. Tôi sẽ kể lại một vài câu chuyện đã lưu truyền trong dân gian mà chính sử không ghi chép, để chúng ta thấy được sự tinh vi thận trọng trong cuộc đời làm quan của ông.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết