Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 9
Mua Thủ Lợn, Thư Sinh Gặp Tai Ương
Hỏi Thiên Nhi, Bao Công Tài Kết Án

Hôm ấy, tới trấn Tam Tinh, thấy nơi đây yên tĩnh, Bao công thầm nghĩ: "Quan vùng này biết cách cai trị dân", bỗng thấy có tiếng kêu oan. Bao Hưng lập tức xuống ngựa, thấy có người từ cây liễu rỗng bên đường chui ra, quỳ xuống đội đơn. Bao Hưng vội cầm lấy đơn. Lúc ấy kiệu dừng, Bao Hưng dâng tờ đơn cho Bao Công. Xem xong Bao Công nói với người đàn bà:
- Trong lá đơn ngươi nói là không có ai, vậy ai viết lá đơn này?
- Từ nhỏ con đã thuộc lòng thi thư, - người đàn bà đáp, - Anh em đều là cử nhân, chồng con cũng là tú tài, không lúc nào rời nghiên bút.
Sẵn có nghiên bút trên kiệu, Bao Công bảo Bao Hưng đưa cho người đàn bà viết một bản khác. Bà ta không đắn đo gì, cầm lấy bút viết ngay. Bao Công nhận đơn, xem qua rồi gật gật đầu nói:
- Bà kia cứ về đi. Ta tới nha môn sẽ xét xử vụ này.
Người đàn bà ấy cúi lạy nói:
- Đa tạ ngài.
Bao Công lên ngựa, đi thẳng tới nha môn.
Người đàn bà này họ Văn, làm dâu nhà họ Hàn. Khi chồng chết, bà có một đứa con tên là Thụy Long, mười sáu tuổi. Sống ở ba gian nhà thuê tại Bạch Gia Bảo. Hàn Văn thị làm nghề khâu vá thêu thùa, dạy con học hành. Con học ở gian phía đông, mẹ làm việc ở gian phía tây. Hai mẹ con sống dựa vào nhau, không có người ăn kẻ ở.
Vào một tối, Hàn Thụy Long chong đèn đọc sách, bỗng thấy gian phía tây động rèm, rồi thấy một người mặc áo màu lá hẹ, đi giày đỏ lẻn vào phòng. Anh vội đứng dậy sang phòng phía tây. Mẹ anh đang thắp đèn làm việc. Thấy Thụy Long vào, mẹ anh hỏi:
- Bài vở tối nay con học xong chưa?
- Con tự nhiên quên mất một điển cố, con đến tìm sách tra xem nó thế nào!
Vừa nói anh vừa tới giá sách. Tuy tìm sách, song anh lẳng lặng để ý dò tìm nhưng chẳng thấy gì. Anh buồn rầu cầm một cuốn sách bước ra. Cứ sợ trộm nấp trong bóng tối, lại không dám nói, e rằng mẹ sợ. Đêm ấy anh không sao chợp mắt được. Tối hôm sau, đọc sách đến canh một, anh hoảng hốt thấy rèm buồng phía tây lại động, và vẫn thấy người mặc áo xanh đi giày đỏ y như hôm trước vào phòng. Hàn Sinh vội vã chạy sang, gọi:
- Mẹ ơi!
Tiếng gọi là Hàm Văn thị giật mình, nói:
- Con không học à? Vì sao mà hoảng hốt đến thế?
Thấy mẹ hỏi, Hàn Sinh không còn cách nào khác, đành nói thực:
- Vừa thấy có người vào đây, con vội chạy sang thì không thấy đâu cả. Tối qua cũng như thế.
Hàn Văn thị nghe xong thấy lạ, nói:
- Nếu có kẻ xấu ẩn nấp ở đây, thì sợ thật. Con hãy soi đèn xem sao.
Hàn Sinh soi đèn xuống gầm giường, nói:
- Mẹ ơi! Vì sao đất dưới gầm giường lại cao gồ lên như thế?
Hàn Văn thị vội nhìn xuống; quả là đất gồ lên thật, bà nói với con:
- Ta hãy khiêng giường ra và nhìn kĩ xem sao.
Hai mẹ con hì hục khiêng giường ra bới chỗ đất gồ lên, thấy một chiếc hòm, bất giác trống ngực đánh hơn trống làng, Hàn Văn thị vội tìm một đoạn sắt cạy hòm ra. Bà bủn rủn cả chân tay.
Thấy hòm đựng đầy vàng bạc, Hàn Sinh vô cùng sung sướng, nói:
- Mẹ ơi! Quả là của đến tìm người!
Văn thị thấy thế, quát:
- Nói bậy, làm gì có chuyện đó! Đúng là tiền của nhưng là tiền của bất nghĩa, đừng có động vào.
Hàn Sinh còn bụng non dạ trẻ, thấy nhiều vàng bạc, bỏ đi sao được. Hơn nữa mẹ con rất nghèo túng, anh nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Xưa nay người đào được vàng không phải ít. Hơn nữa đây không phải mình trộm cướp, cũng không phải người khác đánh rơi, mình nhặt được thì sao gọi là phi nghĩa? Đây quả là trời thương mẹ con mình, nên mới ban cho số của cải này. Xin mẹ xét kĩ cho.
Thấy con nói có lí, Văn thị nói:
- Đã thế thì sáng mai mua ít lễ vật về tạ ơn thần, như thế mới phải đạo.
Thấy mẹ nói thế, Hàn Sinh rất đỗi vui sướng, nghe theo lời mẹ. Thế rồi họ lấp hòm đi, khiêng giường đặt vào như cũ.
Hai mẹ con tắt đèn đi ngủ.
Hàn Sinh trằn trọc suốt đêm, nghĩ ngợi lung tung, cứ nhắm mắt lại thì ánh vàng ánh bạc lại rực sáng, chẳng còn lòng dạ nào mà ngủ được. Bỗng nhiên anh choàng tỉnh dậy, thấy trời sáng, vội vàng thưa với mẹ đi mua lễ vật. Ai ngờ ra khỏi cửa, trời vẫn còn sớm, anh đành lững thững đi. Tới cửa hàng thịt nhà họ Trịnh, thấy bên trong có ánh đèn, anh vội vàng gõ cửa mua thủ lợn, đèn bỗng phụt tắt. Một lúc lâu, không thấy ai lên tiếng, anh đành quay về. Vừa đi được mấy bước nghe thấy nhà họ Trịnh mở cửa. Quay lại nhìn thấy đèn đã bật sáng. Rồi nghe thấy người hàng thịt họ Trịnh gọi:
- Ai mua thủ lợn thế? Lại đây!
- Bán cho tôi chiếc thủ lợn. - Hàn Sinh nói.
- Tưởng ai, hóa ra là ông Hàn, - lão Trịnh nói, sao mua thủ lợn mà không mang cái đựng?
- Vội quá, tôi quên mất, làm thế nào đây. - Hàn Sinh nói.
- Không lo, - lão Trịnh nói, - lấy mảnh vải lót của tôi mà gói, ngày mai mang tới trả cũng được.
Thế rồi lão Trịnh dùng mảnh vải lót gói lại, đưa cho Hàn Sinh. Hàn Sinh cầm lấy mang về. Đi một lát, thấy mỏi rã cả tay, Hàn Sinh đặt xuống nghỉ một chút, rồi lại đi tiếp. Vừa lúc ấy lính tuần tra tới, thấy Hàn Sinh mệt nhoài thở hổn hển, hai tay bê gói vải dính máu, họ nghi ngờ, hỏi đó là vật gì. Một người cúi xuống mở gói khám xét. Dưới ánh trăng vằng vặc và ánh đèn sáng rực, một chiếc đầu lâu đàn bà, tóc rối bù đẫm máu. Hàn Sinh sợ hết hồn, lính tuần canh đêm không nghe những lời phân trần, lập tức giải Hàn Sinh về huyện Nghiệp, chờ trời sáng bẩm quan.
Quan huyện thấy án mạng, lập tức ra công đường. Thấy Hàn Sinh là một thư sinh yếu đuối, bèn hỏi:
- Ngươi tên gì? Vì sao lại giết người?
- Thưa ngài, con là Hàn Thụy Long, - Hàn Sinh khóc lóc nói, - đến cửa hàng thịt nhà họ Trịnh mua thủ lợn, quên không mang cái đựng, ông Trịnh đã dùng vải lót gói lại rồi đưa cho con. Không ngờ đó là chiếc đầu lâu.
Nói xong Hàn Sinh khóc như mưa như gió. Quan huyện nghe thấy, lập tức ra lệnh bắt anh hàng thịt họ Trịnh. Ai ngờ gã họ Trịnh đã chối phắt rằng, hắn không bán thủ lợn cho Hàn Sinh. Quan huyện lại hỏi:
- Thế thì miếng vải lót không phải là của ngươi ư?
- Cách đây ba hôm Hàn Sinh đã đến mượn tấm vải ấy, - gã họ Trịnh nói, - không ngờ hắn đã dùng mảnh vải ấy gói đầu lâu rồi đổ vạ cho con.
Thương thay anh học trò non nớt, làm sao địch nổi gã đồ tể lòng lang dạ sói. May mà quan huyện hiểu cho, thấy Hàn Sinh không giống loại người hung ác, không dám tra tấn. Ông lệnh giam Hàn Sinh và gã đồ tể vào ngục, nghĩ cách xét xử sau.
Không ngờ, Hàn Văn thị tại trấn Tam Tịch đã trình đơn cho Bao Công. Tới nha môn, Bao Công nghỉ một lát uống trà, sau đó làm việc với quan huyện về vụ án Hàn Thụy Long. Quan huyện nói:
- Vụ án này còn đang nghiên cứu, chưa thể kết án được.
Bao Công bảo đưa các nhân chứng, vật chứng tới công đường xét hỏi.
Một lát sau. Bao Công tới công đường, thấy Hàn Thụy Long khóc đẫm nước mắt, run lẩy bẩy, quỳ trước công đường Bao Công hỏi:
- Hàn Thụy Long! Vì sao giết người? Hãy khai mau.
Hàn Sinh giọt ngắn giọt dài nói:
- Chỉ vì con mua thủ lợn tại cửa hàng họ Trịnh, quên mang cái đựng. Ông ta dùng vải lót gói cẩn thận rồi đưa cho con. Không ngờ lại xảy ra nông nỗi này.
Bao Công nói:
- Được rồi! Ngươi mua thủ lợn rồi gặp tuần tra vào lúc nào?
- Khi trời còn chưa sáng - Hàn Sinh nói.
- Trời chưa sáng ngươi đi mua thủ lợn làm gì, nói mau. - Bao Công hỏi.
Đến lúc này Hàn Sinh không thể giấu được nữa. Anh kể lại ngọn ngành từ đầu tới cuối sự việc đã xẩy ra, rồi khóc rống lên:
- Xin ngài tha cho tấm thân hèn mọn này.
Bao Công lặng lẽ gật đầu, nghĩ: "Thằng nhỏ nhà nghèo, thấy của sinh lòng tham, nó như thế chắc rằng không phải là kẻ giết người". Thế rồi ông lệnh cho nó xuống công đường, rồi ông nói với quan huyện:
- Ngài hãy dẫn sai nha đến nhà Hàn Thụy Long khám nghiệm chiếc hòm ấy, phải khám xét thật tỉ mỉ.
Quan huyện vâng lệnh, ra khỏi nha môn, cưỡi ngựa dẫn sai nha đi.
Bao Công lại bảo dẫn lão đồ tể họ Trịnh tới. Thấy bộ mặt hung ác, Bao Công biết đây là loại bất lương. Khi hỏi, hắn vẫn nói như trước. Bao Công nổi giận tát cho hắn hai mươi cái, rồi lại đánh thêm ba mươi gậy. Tên gian ác quả là một thằng chịu đòn, hắn không hề hé răng khai nửa lời. Ông bảo cho hắn xuống. Quan huyện trở về bẩm báo: - Tôi vâng lệnh ngài, đến nhà Hàn Thụy Long khám nghiệm chiếc hòm, thấy trong hòm đầy vàng bạc, song đều là vàng bạc làm bằng giấy cúng người chết. Moi xuống dưới tìm thì ngờ đâu, đó lại là một xác chết không đầu, mà lại là xác đàn ông.
- Có kiểm tra xem người ấy bị giết bằng gì không? - Bao Công hỏi.
Quan huyện ngớ người ra, thưa:
- Tôi chỉ thấy đó là chiếc xác không đầu, chứ không khám nghiệm người ấy bị giết bằng gì.
- Đã đi khám nghiệm, tại sao không xem xét rõ ràng!? - Bao Công quát.
- Tôi quả là sơ ý. - Quan huyện vội nói.
- Hãy xuống dưới kia. - Bao Công nói.
Quan huyện sợ toát mồ hôi, vội lui ra, nghĩ thầm: "Quả là ngài Khâm sai đại thần ghê thật, lần sau phải cẩn thận mới được”.
Bao Công lại gọi Hàn Thụy Long vào, hỏi:
- Hàn Thụy Long, ngôi nhà ngươi ở là do cha ngươi để lại, hay là ngươi làm ra?
- Đây là ngôi nhà con mới thuê. - Hàn Thụy Long nói.
- Trước đây ai ở? - Bao Công hỏi.
- Con cũng không biết. - Hàn Sinh nói.
Nghe xong Bao Công lệnh giam Hàn Sinh và gã đồ tể họ Trình vào ngục. Bao Công buồn rầu rời khỏi công đường. Cho người gọi Công Tôn tiên sinh tới, trao đổi kĩ việc này. Cái đầu là đàn bà, mà thân xác lại là đàn ông, thì sẽ xử lí thế nào đây. Công Tôn tiên sinh đòi phải bí mật thăm dò. Bao Công lắc đầu nói:
- Đã biết rồi không nên đi nữa, để tôi nghĩ kĩ xem sao.
Công Tôn Sách lui ra, bàn với các ông Vương, Mã, Trương, Triệu, song họ đều bó tay. Công Tôn tiên sinh ra về.
Triệu Hổ nói với ba ông anh rằng:
- Chúng ta tới phủ Khai Phong, quả là vô tích sự. Nay Bao Công đang gặp khó khăn, lẽ ra phải chia sẻ nỗi lo với ông, em thử bí mật đi điều tra xem sao.
Ba người nghe thấy thế cười phá lên, nói:
- Đây là việc bí mật, tế nhị, chứ là người thô lỗ không làm được đâu nếu chẳng may xảy ra điều gì sai sót thì sao?
Nói xong họ lại cười phá lên, Triệu Hổ cụt hứng. Ngượng ngùng trở về, song cũng không trách móc họ. Thế rồi đứa hầu lại rất khôn khéo, nó nói thầm với Triệu Hổ rằng:
- Con nghĩ ra rồi.
- Mày định thế nào? - Triệu Hổ nói.
- Vừa rồi chẳng phải ba ông đã chê cười ông sao? - Thằng nhỏ nói. - Cũng cần phải biết tự trọng một chút chứ, ông thử bí mật đi dò xét xem sao. Nhưng phải hóa trang cho thật khéo, khiến người ta không nhận ra được. Nếu dò la ra, thì đó là công lao của ông. Nếu không tìm ra, thì cứ lặng lẽ về không ai biết được cũng chẳng đến nỗi phải hổ thẹn. Ông thử nghĩ xem có được không?
Nghe xong Triệu Hổ rất vui, nói:
- Thằng nhỏ giỏi quá, ý mày rất hay, mày hãy lo giúp ta đi.
Thằng nhỏ vội đi ngay, một lúc lâu nó trở về nói:
- Thưa ông, làm việc này rất tốn kém, khó khăn lắm con mới tìm ra. Tốn hết mười sáu lạng bạc.
- Chẳng kể nhiều hay ít, - Triệu Hổ nói, - chỉ cốt được việc thôi.
- Chắc chắn là tốt rồi. Ta đi tìm một chỗ vắng, để con hóa trang cho.
Triệu Hổ nghe xong, rất mừng, đi theo thằng nhỏ ra khỏi công đường, tìm một chỗ vắng vẻ nhất. Nó bảo Triệu Hổ cởi áo, rồi nó mở gói đồ ra. Trong gói có một ít nhọ nồi, nó xoa nhọ nhem lên mặt và khắp người Triệu Hổ. Sau đó nó đội cho
Triệu Hổ một chiếc mũ rách nát, lại mặc cho Triệu Hổ một chiếc áo rách như tổ đỉa, xỏ cho đôi tất rách bươm, rồi mặc cho Triệu Hổ một chiếc quần cụt ống rách tướp như xơ mướp, dán hai lá cao lên đùi, nhổ vào đó mấy bãi nước bọt, xoa cho nhem nhuốc, trông như máu mủ rỉ ra. Sau đó xỏ cho Triệu Hổ một đôi giầy há mõm vẹt đế, đưa cho một chiếc bát mẻ và một chiếc bị, một chiếc gậy đánh chó. Triệu Hổ bỗng chốc giống như một người ăn mày. Bộ trang phục này đến ba mươi đồng cũng chẳng ai thèm mua, chứ nói gì đến mười sáu lạng rưỡi bạc? Chỉ vì Triệu Hổ giàu có, tiêu tiền như rác thì sá gì nhiều hay ít, hơn nữa đây là việc công nên chẳng cần phải tính toán. Trước lúc lên đường, thằng nhỏ nói:
- Vào lúc canh một, con sẽ đợi ông ở đây.
Thế rồi Triệu Hổ tay trái đeo bị, tay phải cầm gậy, đi tới thôn trước mặt.
Cứ đi mãi đi mãi, bỗng thấy đau nhói dưới gan bàn chân. Triệu Hổ tới ngồi trên một hòn đá trước cửa một ngôi chùa nhỏ lấy giày ra xem, thì thấy một chiếc đinh xuyên qua đế giày Triệu Hổ cầm giày đập phành phạch vào hòn đá, mãi chiếc đinh mới bật ra. Thấy động, tưởng có người gõ cửa, hòa thượng chạy ra xem, thì hóa ra là một người ăn mày đang đập giày. Triệu Hổ ngẩng đầu nhìn, vội hỏi:
- Hòa thượng có thấy mình người con gái, đầu người con trai ở đâu không?
Hòa thượng thấy vậy cho rằng: "Đó là một thằng điên". Chẳng nói chẳng rằng, đóng cửa chùa đi vào. Triệu Hổ bỗng nhiên tỉnh ngộ, tự chế giễu mình: "Ta đóng vai đi dò la bí mật, sao lại tùy tiện nói năng được, thật là đồ bỏ đi. Thôi mau lên!". Rồi lại nghĩ tiếp: "Đã đóng giả ăn mày thì phải biết kêu xin chứ. Điều này đúng là ta chưa học bao giờ, thôi thì đến đâu ta nói đấy cứ kêu bừa đi mấy câu”. Rồi ông kêu:
- Lạy ông đi qua, bà đi lại, hãy thương tôi cho tôi một bát, hay nửa bát, dù cơm cháy cơm khê cũng được.
Lúc đầu còn hứng thú, vì là đi do thám. Sau đó chẳng ai để ý tới ông thầm nghĩ: "Như thế này thì dò la làm sao được". Tự nhiên thấy lo lắng, sốt ruột. Mặt trời đã lặn về tây, trời sắp tối may mà sau ngày rằm, trời tuy tối, song ở phương đông đã thấy một vầng trăng nhô lên.
 

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết