Nghe xong bọn cướp đều khai rõ họ tên: Quách Nghĩa, Triệu Lục, Ngô Lão Tử, Trương Bát, Chu Cửu, Lưu Ngũ, Vương Kiều Bát, Vương Tam Hoán, Đỗ Lão Thúc, Triệu Nhân, Hồ Thất. Thi Công bảo thư lại ghi rõ họ tên, rồi sai người dẫn chúng đi nơi khác, không cho Cửu Hoàng gặp mặt. Sau đó lại cho gọi người kiện Thổ thần. Anh ta lập tức quỳ trước công đường. Thi Công hỏi: - Có phải người kiện Thổ thần không? - Vâng, chính con ạ! - Người ấy đáp. - Hãy khai rõ sự thực. - Thi Công nói. - Bẩm quan lớn. - Người ấy thưa. - Con không biết làm thế đành liều mạng kiện Thổ thần. Con sống tại thôn Đào Hoa, ngoài huyện thành. Tên là Lý Chí Thuận, vợ là Vương thị người cùng thôn. Vợ chồng lấy nhau từ thời còn trẻ. Cha mẹ đều đã qua đời, lại không có anh em con cái. Vì nhà nghèo, không còn cách nào đành phải ra ngoài làm ăn. Con tay trắng tới nhà một người thân, người này có cửa hàng bán thuốc, con học buôn bán. Ba năm vất vả, góp được năm sáu chục lạng bạc. Thương người vợ không nơi nương tựa, con đành xin về, đóng giả người ăn mày. Hôm ấy về nhà muốn thử lòng vợ, con vào miếu Thổ thần, thấy quanh mình không có ai, con giấu bạc trong lư hương, giao cho miếu Thổ thần của làng con giữ hộ. Thấy vợ con vẫn chịu khó chịu khổ, giữ tròn trinh tiết, con vô cùng kính trọng. Hôm sau con tới miếu lấy bạc, thì ôi thôi, bạc đã không cánh mà bay. Con không còn cách nào khác, tới đây kiện Thổ thần. Cúi mong ngài phán xử. Thấy thế Thi Công mỉm cười, tất cả mọi người cũng cười theo. Thi Công hỏi: - Lý Chí Thuận! Ngươi giao bạc cho Thổ thần, tuy không ai nhìn thấy, song thần là tượng đất, sao tới đây kiện liều, đáng đánh đòn. Bây giờ ta cho phép người về, ngày mai tới hầu tại miếu. Ta sẽ đến hỏi Thổ thần. Lý Chí Thuận cúi lạy rồi bước ra. Thi Công gọi hai người đàn ông và một người đàn bà đưa đơn kiện tới xét hỏi. Họ quỳ trước công đường. Thi Công hỏi: - Các người kiện về việc gì? Hãy nói mau, không được bịa đặt. Các người phải biết rằng, phép quan như sấm sét. Một người cao to nói: - Thưa quan lớn, con là Chu Thuận ngụ tại gần cầu, cách thành năm dặm. Cha mẹ vẫn còn sống, con không có anh em. Người đàn bà này là vợ con. Thị là người hiền lành, nghèo nhưng rất trong sạch. Nhà con xưa nay vẫn luôn luôn làm ăn lương thiện, song tai họa bỗng dưng ập đến. Đó là tên câm họ Võ, không có quê quán, vì thương hắn nghèo khổ nên giữ lại để làm người sai bảo trong nhà. Ai ngờ cho hắn ăn no mặc lành hắn lại thay lòng đổi dạ. Hắn quả là tên lang sói, nhận bừa vợ con là vợ hắn, rồi hắn cầm gậy cầm dao liều mạng với con. Con chẳng biết làm sao đành cùng với vợ con lên huyện dâng đơn kiện. Cúi xin quan lớn phân xử để con được minh oan. Anh câm đứng bên cạnh cứ gào lên, hai mắt mở trừng trừng, nước mắt trút xuống như mưa. Nói không được, anh câm cuống lên, đấm ngực, vò đầu bứt tai, chẳng kể gì đến phép tắc, cứ kêu á á rầm lên như một người điên. Cả công trường đều không nhịn được cười. Thi Công nhìn xuống nói: - Ngươi không cần phải lo lắng. Ngươi và Chu Thuận hãy ra ngoài, chút nữa sẽ kết án. Thi Công nghĩ cách hỏi người đàn bà rằng: - Ta hỏi ngươi, ta nghĩ rằng vợ chồng ngươi có lòng thương người. Anh câm vốn là người thật thà, ngươi và Chu Thuận thương anh ta nghèo khổ, giữ lại nhà để sai bảo, điều ấy có thật. Song đáng tức là nó không sợ pháp luật, sinh lòng gian dối, nhận ngươi là vợ hắn. Ta cũng căm phẫn hắn lòng lang dạ sói, phải đánh cho hắn một trận, rồi đuổi hắn ra ngoài biên cảnh để vợ chồng ngươi khỏi phải khổ vì hắn, đó là lý. Song ta cũng hỏi thật ngươi, rốt cuộc ngươi là vợ anh câm hay là vợ của Chu Thuận? Hãy khai ra mau! Người đàn bà đáp: - Con là vợ Chu Thuận. - Ta nghĩ rằng, - Thi Công nói, - ngươi vốn không có quan hệ thân thích với anh câm này, thì tại sao lại gọi vào nhà cho ở mà không từ chối lẫn tránh. Chỉ cần ngươi nói thực là ta lập tức đánh tên câm ấy chết đi, chứ quyết không để cho hắn làm loạn Giang Đô. Ngươi hãy nói mau! Thi Công vờ nói thế, người đàn bà tưởng thật, nói ngay: - Con không dám nói dối. Người câm ấy là anh con, con là em gái của anh ấy. Vì chồng con cho anh ấy sống trong nhà, ai ngờ anh ấy thay lòng đổi dạ, mặt người nhưng dạ thú. Bởi thế không cách nào khác hơn mới đi kiện. Thi Công dụ dỗ, thấy nói thực tình, ông không hề nổi giận, cho người đưa thị ra ngoài, rồi gọi Chu Thuận vào quỳ trước công đường. Thi Công mỉm cười nói: - Chu Thuận! Ta mới tới Giang Đô nhậm chức. Ta rất ghét bọn côn đồ. Ngươi đối xử tốt với người ta, lại trở thành thù oán. Tên câm là một kẻ côn đồ bất lương, ta phải đánh đập cùm kẹp tên này trước mọi người. Ta hỏi ngươi, tên câm này không phải là người thân thích, thì tại sao lại giữ lại nuôi? Người lạ mặt sao lại cho ở nhà mình? Nhất định là tên câm vô lý, đã mắc tội với ngươi, chẳng còn tình nghĩa gì nữa. Hãy nói thực với ta. Thấy Thi Công hỏi thế, Chu Thuận rất bối rối, cuống lên, cứ ớ người ra không nói được. Thấy thế, Thi Công nói: - Chu Thuận, ngươi đừng lo lắng, hãy nói mau! Lính hầu bèn bày dụng cụ tra tấn, Chu Thuận thấy truy hỏi căng thẳng. Hắn vô tình nói: - Con và tên câm cũng có chút thân tình. - Rồi hắn lại nói tiếp. - Là con cô con cậu. Thi Công cười ha hả, nói: - Rút cục các ngươi là con cô con cậu. Rồi sau đó ông bảo đưa Chu Thuận ra ngoài. Gọi anh câm tới hỏi. Bỗng thấy hai người tới, đó là ni cô ở am Địa Tạng và Vương Tự Thần, họ quỳ trước công đường. Vương Tự Thần nói: - Lão sư phụ, lâu nay tôi là láng giềng của ni cô, ngươi hãy nói hai chiếc đầu treo trước cửa chùa tối qua, nay đâu rồi, ngươi cứ nói thực đi. Thi Công nghe nói, quát lớn: - Tên kia! Trước công đường không được nói bừa, việc ấy đã có ta xét hỏi, ngươi hãy ra ngoài. Vương Tự Thần được người đưa xuống dưới. Thi Công lại hỏi ni cô: - Ni cô, ngươi đừng sợ, theo ta nghĩ, nếu như ngươi giết người trong am, thì sao lại treo đầu trước cửa chùa? Hẳn là sáng sớm khi ra cửa, nhìn thấy sợ quá nên giấu đi thôi. Nghe thấy thế, ni cô sợ run lên. Thấy vậy Thi Công nói: - Ni cô không phải lo lắng gì cả, chỉ cần ngươi nói thẳng, ta sẽ có cách giải quyết. - Thưa quan lớn, - ni cô nói. - Cha con vốn ở huyện này. Cha mẹ đều chết hết, con phải đi tu từ nhỏ, luôn luôn giữ gìn phép tắc nhà Phật. Nay tự nhiên đại họa giáng xuống, con không biết có đầu người, xin quan lớn thương cho. Nghe ni cô nói, Thi Công cố ý mỉm cười nói: - Ni cô, đúng là Vương Tự Thần vu cáo. - Vương Tự Thần, - Thi Công quay sang hỏi Vương Tự Thần - Ngươi thấy đầu người treo trước cửa am, ngươi có báo cho ni cô trụ trì không? Tại sao ni cô lại nói không có. - Thưa quan lớn, - Vương Tự Thần nói. - Con và ni cô xưa nay không thù không oán gì nhau, sao dám bốc lửa bỏ tay không. Xin mong ngài dùng hình phạt để tra hỏi. Nếu không có việc ấy con hoàn toàn chịu tội. Nói xong, Vương Tự Thần cúi đầu vái lạy. Thi Công bảo kẹp ni cô lại. Lính hầu xông tới kẹp ni cô. Ni cô đau quá kêu cha kêu mẹ, sợ run cầm cập, nói: - Bẩm quan lớn, con xin khai. Con mở cửa am, thấy hai cái đầu treo trước cửa, bỗng chốc sợ quá, con gọi Lão Đạo cho lão ta năm lạng bạc bảo lão vứt ra ngoài đồng. Đó là sự thực. Thi Công thấy thế nói: - Tên ni cô ác độc này to gan thật. Thấy đầu người thì phải khai báo chứ. Hãy tạm đưa nó xuống dưới kia. Lính hầu vâng lệnh, đưa ni cô xuống, gọi Lão Đạo, người trong am đến đối chất. Lão Đạo tới, quỳ xuống run cầm cập. Thi Công hỏi: - Lão Đạo, ngươi vất đầu chỗ nào? Hãy khai thực! - Con năm nay bảy mươi nhăm tuổi, - Lão Đạo khai, - sống cô đơn, nương tựa nơi cửa am. Hôm ấy được ni cô đưa cho mấy lạng bạc, con đã gói đầu người đem đi. Sợ người ta trông thấy, con ném sang nhà bên, rồi quay về am. Đó là sự thực. Thi Công nghe xong nói: - Đồ ngu! Sau đó, Thi Công bảo sai nha cùng Lão Đại đến nhà ấy đem đầu về. Nếu không thấy đầu thì bắt chủ nhà về đây. Chẳng mấy chốc, sai nha dẫn một người vào quỳ trước công đường, thưa: - Chúng con cùng Lão Đại tới nhà ấy, đó là sân sau của cửa hàng bán hàng Quảng Đông. Chúng con hỏi họ về việc này, thì chủ cửa hàng bảo "không thấy đầu người", chúng con đã bắt chủ hiệu giải về đây. Xin ngài định đoạt. Thi Công nghe xong hỏi Lão Đạo: - Có đúng ngươi vứt đầu người sang nhà người ta không? - Bẩm quan lớn, đúng ạ! - Lão Đạo đáp. Thi Công hỏi người chủ hiệu: - Lão Đạo vứt đầu sang sân nhà ngươi, ngươi có thấy không? Hãy nói thẳng, việc này ngươi vô can. - Xin quan lớn cho con nói. - Người ấy cúi đầu thưa. - Cha con sống ở Sơn Tây, nay đến Giang Đô buôn bán, ba gian mặt tiền bán hàng Quảng Đông, nhà sau có năm tầng, con đã buôn bán ở đây hơn mười năm nay. Con tên là Lưu Quân Phối, năm mươi tuổi. Cửa hàng của con có hơn mười người làm công. Đâu dám vô cớ lừa dối ngài. Hơn nữa nhà con đông người, ai mà không biết, xin ngài soi xét. Thi Công nghe xong, cho gọi một người làm công tới. Chẳng mấy chốc sai nha dẫn một người tới quỳ trước công đường. Thi Công thấy người này áo mũ hợp thời, tuổi trạc tứ tuần, ông hỏi: - Ngươi là người làm thuê cho Lưu Quân Phối phải không? - Thưa vâng ạ! - Người ấy đáp. - Lão Đạo trong am Địa Tạng nói đã vứt hai chiếc đầu vào sân sau nhà Lưu Quân Phối, có đúng không, hãy khai mau! - Bẩm quan lớn, cho phép con khai tỉ mỉ. Cha con người Sơn Tây, cùng quê với ông chủ con. Con tên là Vương Công Bật, bốn mươi nhăm tuổi, có người em họ cũng làm ở đây. Sáng hôm sau ra sân sau không thấy về, không biết là đi đâu mất tích. Đang lúc con buồn phiền, thì ngài sai người đến tìm đầu người. Con hoàn toàn không biết, xin cầu mong ngài gia ân, tìm người em họ con. Nói xong người ấy khóc lóc thảm thiết. Thi Công nói: - Kỳ lạ thật! Đang truy tìm đầu người, lại thấy chuyện quái lạ này. Ông suy nghĩ hồi lâu, rồi nảy ra một kế, sao không làm... như thế, đối chiếu sự việc. Nghĩ xong, ông hỏi: - Vương Công Bật, em họ anh ra sân sau, rồi không thấy nữa phải không? - Thưa ngài, - Vương Công Bật nói. - Đúng thế ạ! Hôm ấy con nghe ông chủ nói: "Anh họ ra sân sau, nhảy qua tường rồi mất tích". Thi Công nghe xong, hiểu ra, rồi bảo với Vương Công Bật rằng: - Ngươi hãy lui xuống dưới kia. - Rồi nói tiếp. - Hãy kẹp Lão Đạo cho ta. Lính hầu khiêng gông lớn đến đặt trước công đường, Lão Đạo thấy thế sợ quá. Chưa kịp hoàn hồn thì lính hầu đã đẩy ông ta ngã sấp, lôi tuột giày tất ra rồi kẹp. Thi Công quát: - Hãy kẹp thật đau. Lão Đạo ngất lịm, họ hắt nước vào mặt, ông ta tỉnh lại, thưa: - Thưa ngài, đúng là con vất vào sân sau. - Tháo kẹp ra, - Thi Công nói. - Khiêng lão ra một bên. Rồi lại cho gọi Lưu Quân Phối, nói: - Ngươi nghe rõ chưa? Nếu ngươi không khai, ta sẽ kẹp ngươi. - Quả thật con không thấy. - Lưu Quân Phối nói. Thi Công đùng đùng nổi giận, bảo lính hầu kẹp rồi sẽ hỏi. Họ kẹp Lưu Quân Phối, gã ngất đi, hắt nước vào mặt, gã tỉnh lại song vẫn không khai. Thi Công sai mang đến mấy chiếc cùm. Lưu Quân Phối không chịu nổi tra tấn phải nói: - Con xin khai. - Phép quan như sấm sét. - Thi Công nói. - Không sợ ngươi không khai. Hãy mau nói ra! - Hôm ấy trời vừa tảng sáng, - Quân Phối khai, - con đau bụng đi ngoài, tới sân sau bỗng nghe tiếng động, nhìn ra thì đó là hai cái đầu đàn ông và đàn bà. Con ra ngoài sân xem, không thấy bóng người. Lúc ấy em họ của Vương Bật cũng mở cổng sân sau. Hắn cũng nhìn thấy đầu người, nhất định hắn sẽ vòi tiền. Nếu không cho thì hắn sẽ đi kiện. Bởi thế con nảy ra ý định giết hắn, rồi lừa hắn tới cạnh hố. Đang lúc không phòng bị, con dùng gậy đập vào đầu hắn chết. Con đã hất hắn xuống hố, chôn cùng với hai cái đầu. Trong cửa hàng chẳng ai biết cả. Đó là sự thực. Thi Công nghe xong, bảo người ghi khẩu cung, lập tức sai người đi khám nghiệm đầu người, đối chứng kết án. Một lát sau, sai nha trở về công đường. Thi Công thấy hai chiếc đầu người đặt trước công đường. Ông sai người gọi Đăng Cử tới. Đăng Cử vào, vừa cúi chào, thấy đầu người, nhìn kỹ thì đó là đầu cha mẹ mình. Đăng Cử ôm lấy khóc rống lên. Thi Công nói: - Ông Hồ! Đây là đầu của cha mẹ ông ư? - Thưa ngài, vâng ạ! - Hồ Đăng Cử đau đớn nói. - Ngài hãy bắt ngay hung thủ để minh oan cho cha mẹ tôi, tôi vô cùng cảm ơn ngài. - Ông hãy chờ một chút. - Thi Công nói. - Ta sẽ kết án ngay. Thi Công cho gọi hòa thượng Cửu Hoàng vào xét hỏi. Một lát sau, sai nha giải Cửu Hoàng vào, hắn ngang nhiên đứng trước công đường. Thi Công nổi giận quát: - Tên côn đồ kia, sự việc đã bại lộ, ngươi vẫn còn ngang ngạnh. Hãy kẹp hắn cho ta! Sai nha dạ ran, đẩy hắn ngã sấp, mang kẹp tới kẹp. Hắn kêu lên một tiếng rồi ngất lịm. Họ hắt nước vào mặt. Hắn tỉnh dậy: - Thưa quan lớn, con xin khai hết sự thể. Thi Công cho gọi các chú tiểu lại đối chất. Sai nha giải hai chú tiểu tới quỳ trước công đường. Thi Công hỏi: - Ta hỏi các ngươi, tại sao giết vợ chồng ngài Hồ Hàn lâm lại treo đầu trước cửa am ni cô? Hãy nói mau, ta tha chết. - Thưa ngài. - Chú tiểu nói. - Con biết rất rõ. Cửu Hoàng thường uống rượu trong chùa, chúng con thường phải đứng hầu. Hắn thường thông dâm với Thất Chư. Ông Hồ Hàn Lâm vốn là thí chủ của chùa. Hôm ấy ông cùng phu nhân và tiểu thư tới chùa thắp nhang, thấy họ dâm loạn ông rất khó chịu, bèn giục phu nhân và tiểu thư về. Thất Chư vô cùng xấu hổ. Cửu Hoàng đi trả thù cho Thất Chư. Hôm ấy uống rượu xong hắn nhảy qua tường ra khỏi chùa. Một lát sau xách về hai chiếc đầu lâu Thất Chư rất mừng. - Sao Cửu Hoàng lại treo đầu trước cửa am ni cô? - Thi Công hỏi. - Hãy khai mau. - Thưa ngài. - Chú tiểu nói. - Cửu Hoàng là con quỷ dâm dục. Hôm ấy, khi đi qua am Địa Tạng, Cửu Hoàng thấy ni cô xinh đẹp hắn mê tít, nhưng không hành dâm được. Trở về chùa hắn buồn bã vì đã không chiếm được ni cô, hắn nghĩ nếu treo đầu người trước cửa am, thì ni cô này sẽ bị kháo tay giải lên huyện. Nhân lúc đêm khua, hắn dùng phép bay lên hiên nhảy qua tường, đánh lừa hành dâm. Nếu không nghe theo sẽ đâm chết. Nghe xong, Thi Công bảo dẫn chú tiểu xuống dưới. Rồi ông hỏi tên ác tăng Cửu Hoàng: - Ngươi đã nghe rõ chú tiểu nói chưa? - Nghe rõ rồi. - Tên ác tăng nói. - Ta đã đến ngày tận số, ngài không phải hỏi nữa, ta sẽ khai. Thi Công cho mời Hồ tướng công tới. Hồ Đăng Cử tới, đứng sang một bên. Thi Công cười nói: - Vừa rồi đối chất với Cửu Hoàng, Thất Chư, ngài đã nghe rõ chưa? - Tôi đã nghe thấy hết tất cả rồi. - Hồ Đăng Cử đau đớn nói. - Cúi xin ngài nghiên cứu kết án. Thi Công nói: - Tai họa do mình dẫn đến, nên sự việc mới xảy ra. Cha ngài nửa đời trong triều, làm quan tới chức hàn lâm. Ngài cũng từng đọc sách thánh hiền. Từ nay về sau đừng gần bọn sư sãi ni cô. Nếu cha ngài không tới am ni cô, thì làm sao xảy ra tai họa? Đúng là làm ơn nên oán, cho nên Cửu Hoàng, Thất Chư mới lòng lang dạ sói như thế. Ngài hãy mang đầu ông bà về an táng. Xin ngài hãy nén đau thương, chờ giấy báo chém đầu bọn côn đồ. Hồ Đăng Cử nghe xong quỳ xuống lạy, nói: - Xin đa tạ ngài đã dạy bảo, ngài đã báo thù cho kẻ học trò này, tôi xin suốt đời kết cỏ ngậm vành. Nói xong Đăng Cử khấu đầu đứng dậy, lùi sang một bên, cởi bọc lấy đầu cha mẹ, rồi ôm vào lòng, ra khỏi nha môn. Thi Công bất giác thở dài, rồi ông cho gọi Lưu Quân Phối đối chất với Vương Công Bật và ni cô am Địa Tạng để kết án. Trước hết ông hỏi ni cô: - Tai họa do ngươi gây ra, hãy nghe ta phán quyết. Thấy đầu nếu khai báo thì sao đến nỗi gây ra tai vạ để liên lụy đến nhiều người. Dùng tiền thuê Lão Đạo vứt đầu, tên ngu muội hám tiền, quên hết kiếp sống cuối đời. Vứt đầu người sang sân nhà người khác để gieo tai họa. Quân Phối đáng lẽ phải báo quan, song không báo. Việc ấy lại sinh ra mầm tai họa khác. Khi anh em họ Công Bật trông thấy, nảy sinh ra ý bất lương, đòi năm trăm lạng bạc. Lưu Quân Phối tiếc tiền, quẫn chí dùng gậy đánh chết, chôn cùng một chỗ. Lưới trời lồng lộng, thưa mà không sao lọt được. Ông lại hỏi tiếp: - Lão Đạo, quê ngươi ở đâu? - Con, người Hà Nam. - Lão Đạo nói. - Tên là Ngô Lâm. Vì nhà nghèo lưu lạc tới Giang Đô. - Ni cô cho ngươi năm lạng bạc có đúng không?- Thi Công hỏi. Ngô Lâm rút bạc từ trong thắt lưng ra, đưa cho sai nha đặt lên bàn. Thi Công hỏi ni cô: - Ngươi dấu đầu người, làm hại người khác, phạt ngươi mười lăm gậy. Sau đó Thi Công gọi Vương Tự Thần nói: - Về việc này người có công. Thưởng ngươi năm lạng bạc của Lão Đạo. Sau đó ông bảo giam Lão Đạo vào ngục chờ xét xử. Ông nhìn xuống dưới nói: - Vương Công Bật, Lưu Quân Phối, các ngươi hãy nghe ta nói đây. - Cúi lạy ngài, - Công Bật nói. - Ngài đã báo thù cho em con. - Ta sẽ trình hồ sơ lên cấp trên, chờ kết án. Ngươi hãy mau chóng về mai táng em khi nào quyết án báo thù minh oan ta sẽ báo. Nghe xong Vương Công Bật cúi đầu tạ ơn. Thi Công gọi Quân Phối nói: - Quân Phối, nếu hôm ấy thấy đầu người, ngươi báo ngay thì sao đến nông nỗi này! Vì ngươi nảy ra ý định hại người, thì phải đền mạng. Ta chờ trên báo về sẽ phán quyết. Thi Công cho sai nhân dẫn Quân Phối về cửa hàng thanh toán sổ sách, giao cho Vương Công Bật rồi giải về giam vào ngục.