Quan huyện tuy xuất thân từ khoa bảng, song hết sức phóng túng, không nghe lời thầy. Thấy quan trên bác bỏ hồ sơ vụ án, nói rằng không có hung khí để kết án, rồi ông ta lại lôi Hà Lương Dị ra xét hỏi: - Mày là đồ chó má. Đêm ấy mày giết Vương Mậu Sinh, vậy mày để dao đâu? Hãy khai mau để khỏi phải tra tấn. - Trong lúc vội vã, con không biết dao thất lạc ở đâu. Quan đùng đùng nổi giận, cho tay chân kìm kẹp. Lương Dị không còn cách nào khác, đành phải đẩy cho Quế Anh, nói: - Con đưa cho Quế Anh. Quan lại lôi Quế Anh ra truy hỏi. Quế Anh nói: - Tên cướp giết người rồi chạy trốn, làm sao mà biết được dao. - Mày là dâm phụ, - quan chửi, - mày lại phản cung ư? Thế rồi quan lập tức lệnh tát bốn mươi cái. Quế Anh uất nghẹn cổ, gào lên khóc lóc. Quan thấy Quế Anh không nói, lại gào tra tấn tiếp. Quế Anh bỗng nghĩ ra một kế, rồi nói: - Đêm ấy con bỏ dao vào hòm mang lên huyện, trên đường đi vào nhà vệ sinh con vứt nó ở bên đường, không biết ai đã nhặt được. - Nói bậy! - Quan quát. Rồi lại hô vả hai mươi cái nữa. Quế Anh dù chết vẫn khai là mất rồi, không sao được, quan đành lệnh tống giam: Cứ năm hôm lại bức cung một lần, Quế Anh đau đớn khó lòng mà chịu đựng nổi. Cha biết tin con vào ngục tới thăm, thấy Quế Anh mặt mày sưng húp, mắt thâm quầng, người gầy như que củi, nói: - Con ơi! Sao con tới nông nỗi này. Thấy cha hỏi, Quế Anh nghẹn ngào mãi không nói nên lời, khóc: - Đau lòng lắm cha ơi. Cha biết sao được nỗi khổ của con, cha hãy nghe con nói. Đúng là "Người nghe phải đau lòng, người thấy phải rơi nước mắt". - Thấy cha, con như đứt từng khúc ruột, không cầm nổi nỗi thương tâm, nước mắt con ướt đầm vạt áo. Chẳng biết con kiếp trước mắc tội gì mà đêm động phòng hoa chúc, cướp đã giết chồng con, khiến con phải liên lụy. Người ta lại vu oan cho anh ngoại con, rồi trói anh giải lên huyện, nói rằng anh đã thông dâm với con, mưu giết chồng con. Quan không cho phép chúng con phân giải. Không khai quan kẹp mười đầu ngón tay đau buốt tận ruột gan. Không còn cách nào, con đành nhận để khỏi phải tra tấn, chỉ nghĩ rằng chết quách để khỏi phải bị hành hạ, ai ngờ rằng không có dao thì không thể kết án được, bởi thế quan bức cung đến chết đi sống lại. Lần đầu vả con bốn mươi cái, bàn vả bằng da rách nát, đánh đến nỗi răng rụng máu tuôn ra như suối. Cứ năm ngày lại truy bức đòi dao, vết thương chưa lành lại bị đánh trọng thương không sao ăn uống được. Vào nhà giam chấy, rận, rệp kéo đến hàng đàn cắn lở loét khắp người. Hằng đêm đến mãi canh năm vẫn không tài nào chợp mắt được. Ban ngày nghĩ đến nỗi khổ đau nước mắt chảy đầm đìa. Ôi, cha ơi! Chưa nói nên lời mà lòng đau như cắt nghĩ đến số con khổ sở vô cớ chịu oan. Nếu như đao phủ đến chém đầu, thì mong cha hãy thu nhặt xác con đừng để cho chó tha đi. Vào những ngày tuần tiết hãy đặt ngoài cửa cho con bát cháo bát cơm, đốt cho con ít giấy tiền. Cha hãy tha thứ cho con chưa chút báo đền ơn dưỡng dục, sau này con không thể tiễn đưa cha về nơi chín suối. Thôi, tình cha con từ nay đứt đoạn, có chăng chỉ gặp nhau trong giấc mộng mà thôi. Hai cha con khóc lóc mãi, rồi ông trở về. Trong ngục, Quế Anh nghĩ, ta thích thêu chữ, hay làm dáng, xem kịch xem đèn, khiến cho bọn lãng tử thèm muốn, cho nên mới gây ra tai họa này. Mình làm mình chịu còn trách ai nữa! Có điều vì liên lụy mà chồng bị giết, anh họ bị oan khuất, quả là ta mắc tội tầy đình. Quế Anh cứ hối hận mãi không thôi. Thu qua đông tới, vì trái ý quan trên, hơn nữa có nhiều người kháng cáo, quan huyện bỗng chốc bị triệu hồi, bổ sung người khác. Quan mới là Bạch Lương Ngọc, người huyện Tử Đồng, Tứ Xuyên, thanh liêm tài giỏi, xuất thân từ tiến sĩ, ông lĩnh văn bằng tới nhậm chức vào mùa đông năm Khang Hy thứ bảy. Ông đi gần tới huyện Cao Bình thì gặp một trận mưa tuyết rất to. Ông cho dừng kiệu nghỉ chân, Lương ngọc ra khỏi kiệu ngắm nhìn. Thấy bầu trời trong như ngọc, mặt đất như dát bạc, ánh sáng lạnh ngòi chiếu, tất cả đều bừng sáng, lòng ông khoan khoái. Chợt thấy ngôi mộ mới trên dốc núi, không mọc một nhánh cỏ nào, mà cũng không thấy một bông tuyết nào. Trên mộ chỉ có một nhánh lúa xanh tươi, trông thật đáng yêu bông lúa đang vào mây. Ông nghĩ lúa là loại cây trưởng thành vào mùa hạ, kết hạt vào mùa thu, không chịu rét. Nay đang lúc cuối đông, vạn vật khô héo, song chỉ có mỗi cây lúa này là tươi tốt, há chẳng phải là điều lạ lùng ư? Đang lúc băn khoăn, thì những người trong huyện đường đến nghênh đón. Ông hỏi đây là mộ của ai. Họ nói: - Đây là Vương Gia Câu, chúng con không biết là phần mộ của ai. Lúc ấy có một ông già chăn trâu, tới bẩm: - Đây là ngôi mộ Vương Mậu Sinh, con Vương Chính Bang. Vợ anh ta thông dâm với một người đưa dâu rồi âm mưu hãm hại. Người ta đã trói hai người này giải lên quan, nay vẫn đang bị giam giữ. - Đã khai chưa? - Lương Ngọc hỏi ông già. - Trước thì không khai, - ông già nói, - sau đó họ bị cùm kẹp nên đã khai ra rồi. Lương Ngọc lập tức truyền lệnh gọi lí trưởng tới hỏi, lý trưởng cũng đều nói thế. Lương Ngọc nói: - Vụ án này nhất định mắc oan sai, các người cho người coi giữ cây lúa này, không để trâu ăn hoặc dẫm nát. Về tới huyện nhậm chức, ông lệnh đưa ngay hồ sơ vụ án Hà Lương Dị. Xem xong Lương Ngọc đập bàn nói: - Người học trò này mắc oan rồi, làm gì có chuyện gian dâm giết chồng, mà người đưa dâu lại giết người. Ông gọi ngay hai người tới xét hỏi, Lương Dị kêu oan, Quế Anh nhân đó nói rằng tên cướp từ trong gầm giường chui ra rồi giết chồng. Quan gật đầu, song vẫn lệnh cho giam vào ngục, rồi lập tức cho tay chân tới hiện trường. Quan trực tiếp tới xét hỏi cây lúa. Hôm sau, ông tới ngôi mộ xem xét kĩ lại một lần nữa, rồi cho người đào lên. ông lại dặn người đào phải hết sức cẩn thận, không để đứt rễ lúa. Mà cây lúa này cũng lạ thật, chỉ có một chiếc rễ mọc ra từ quan tài, mở quan tài ra xem, thì thấy nó mọc từ mồm xác chết ra. Quan nghĩ: "Điều này chắc ẩn chứa nỗi oan ức chi đây, hoặc là họ tên của hung thủ. Suy xét kĩ về nghĩa của hai nữ sinh hòa (cây lúa sống) tức là ngậm thóc (cốc) rồi sau đó mới suy ra, ý của nó có lẽ là "Hàn Cốc Sinh" chăng? Thế rồi ông cho lấp ngôi mộ lại và trở về nha môn hạ lệnh nội trong nửa tháng phải bắt bằng được Hàn Cốc Sinh. Sai nha cầm lệnh truy nã lùng sục khắp mọi nơi. Một hôm họ đến Đà Tử Điếm, thấy trong miếu đang giảng kinh, hai sai nha vào nghe, bài giảng là "Yết lục Văn” của Văn Đế, rồi lại giảng đến sự quả báo về gian dâm. Bỗng thấy có một người nói bô bô: - Ông đang dùng những lời nói tầm phào quái quỷ để mê hoặc mọi người, ta một đời dâm đãng, người không cho chơi cũng cứ chơi, không gian dâm được cũng cứ gian dâm, mà ta chẳng thấy báo ứng gì cả. Người đang thuyết giảng nói: - Anh này lạ thật, đây là lời Bồ Tát khuyên mọi người, anh tin thì nghe, anh không tin thì đừng nghe nữa. Có phải là Bồ Tát nói bừa đâu. Mọi người nói: - Sao lại có loại người quái lạ như thế. Đây là lời huấn dụ của hoàng đế, khuyên người ta hãy trở lại đạo làm người, sao ngươi lại phỉ báng, chúng tôi không nghe theo anh đâu. Thế rồi anh ta bực tức bỏ đi. Hai sai nha nghe xong, về quán ăn cơm, thấy gã đồ tể đứng bên phản thịt gần cửa quán. Sai nha mua nửa cân thịt, gã cắt một miếng rồi đưa cho. Sai nha nói: - Anh hãy cân lại xem có đủ không? Gã đồ tể quắc mắt nói: - Ông Hàn Cốc Sinh này cắt thịt không cần phải cân lại, cả cái huyện Cao Bình này ai mà không biết tiếng! Sai nha nghe thấy tên vừa giật mình vừa vui mừng, lặng lẽ lấy xích sắt khóa tay lại, lôi vào cửa hàng. Mọi người hỏi vì sao, sai nha đưa lệnh truy nã cho họ xem. Có người nghe thánh dụ nói: - Vừa giờ hắn còn nói là gian dâm không bị báo ứng, ai ngờ rằng chưa đầy một giờ sau hắn đã lập tức gặp báo ứng, bị sai nha bắt, thế mới biết hôm nay trời thấp, hắn không gây được tội ác. Hôm sau sai nha giải về huyện, quan ngồi trên công đường quát: - Hàn Cốc Sinh, tại sao ngươi giết chết Vương Mậu Sinh, trước mặt ta, không khai ư? - Con mở cửa hàng thịt, - Hàn Cốc Sinh nói, - chưa từng làm điều gì xấu, ngay Vương Mậu Sinh con cũng không biết mặt, thì sao có thể giết được? - Ngươi đã giết Vương Mậu Sinh, cớ sao còn chối? - Quan nói. - Con là người đức hạnh, - Cốc Sinh nói, - tại sao ngài đổ oan cho con? Sai Nha nói: - Khi chưa bị bắt, người này còn khoác lác rằng cả đời dâm đãng, mà chẳng thấy báo ứng đâu cả, bây giờ anh ta còn chối quanh. - Không tra khảo thì ngươi không khai. - Quan nói. Thế rồi ông gọi tay chân mang cùm kẹp ra, Cốc Sinh sợ run cầm cập, bỗng nhiên bên tai thấy có người quát "khai mau”, biết rằng oan hồn vẫn theo bám mình, khó mà thoát tội, đành phải khai rõ sự thực. - Mong ngài đừng tra tấn nữa, con xin khai hết. Con ở Đà Tử Điếm, tên là Hàn Cốc Sinh. Con là tay dao thớt, mở cửa hàng giết mổ. Một hôm xuống làng mua lợn, thấy một cô gái xinh đẹp đến nhà hàng xóm xem rước đèn. Hôm sau con tới nhà họ Liêu mua lợn, thấy cô ấy ngồi trên lầu thêu hoa, vừa thêu vừa hát bài tình ca gọi con, cô ấy nhổ nước bọt xuống mồm con. Con định lên lầu nói với cô ấy những lời yêu thương, song lầu cao không có lối nào lên được. Hỏi cha cô mới biết ngày mười sáu tháng Tám cô ấy đi lấy chồng. Con đến nhà họ Vương làm cỗ, rồi lẻn vào phòng cưới, chui vào gầm giường, chờ khách khứa đi ăn cỗ hết, con sẽ thông dâm với cô dâu. Ai ngờ khách khứa nườm nượp, kẻ ra người vào. Họ chơi bời uống rượu mãi tới canh ba mới tan cuộc. Cô dâu cởi áo lên giường ngủ. Con nghĩ mình chui dưới gầm giường quả là nhục nhã, thịt chưa được ăn mà đã phải muối mặt. Chậm một chút nữa thì thật là khó coi thế là con lập tức chui ra. Lửa tình ngùn ngụt bốc cháy, con lôi lấy tay cô dâu. Chàng rể trên giường trông thấy, nắm lấy tay con đá cho mấy cái. Đang lúc giằng co, con khó mà thoát thân, thế là con đâm một nhát, anh ta chết. Sợ quá cô dâu kêu ầm lên, con chạy ra khỏi phòng lẩn vào bóng tối. Chính Bang mở cửa vào xem, con đã lẻn vào bếp ngủ. Hôm sau thu xếp về nhà. Nghĩ rằng trời cũng không thể nào biết được. Ai ngờ ngài vô cùng sáng suốt, bắt con xét hỏi, cùm kẹp tra tấn, thấy thế con run sợ. Đành phải khai thực, xin ngài tha thứ cho con. Khai xong, quan cho cùm lại rồi tống ngục. Cho Quế Anh, Hà Lương Dị ra, rồi lại gọi Vương Chính Bang, Liêu Chương Đức tới Quan nói với Quế Anh rằng: - Vụ án này là do ngươi thích đi xem kịch xem rước đèn mà ra, nghe những câu hát tà dâm để giải khuây, nên bọn du đãng để ý tới mới gây ra tai họa này. Cũng mừng vì ngươi vô tâm, mới được ta minh oan cho. Sau đó ông lại nói với Vương Chính Bang: - Ta thấy người con gái này trẻ đẹp, khó lòng mà thủ tiết được thôi thì cho cô đi tái giá. - Con chỉ thương mình già cả, đã sáu mươi tuổi rồi, khi qua đời không ai hương khói. Con dâu con tuy không giết người nhưng nó gây ra mầm họa, con muốn nó thủ tiết để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, để an ủi quãng đời còn lại. - Người ta thường nói: "Không có cây thì chim không đậu”. - Quan nói. - Con ngươi không còn thì cô ấy dựa vào ai. - Con định nuôi con nuôi. - Chính Bang nói. - Ngươi muốn nuôi con nuôi ư? - Quan nói. - Ta nghĩ rằng, ngươi đã làm cho Hà Lương Dị oan khuất, chịu biết bao nhiêu đau khổ, sao không lấy đức báo đức, gả con dâu cho anh ấy có phải đẹp cả đôi đằng không? - Tốt thì tốt đấy, - Chính Bang nói, - song không biết Lương Dị có ưng không? Quan lại gọi Lương Dị nói: - Ngươi có mấy anh em, đã vợ con gì chưa? - Con có năm anh em. - Lương Dị nói. - Con đã lấy hai đời vợ mùa xuân năm nay bỗng nhiên chết, hiện nay con vẫn chưa lấy vợ khác. - Việc này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, - quan cười nói, - như có người xui khiến vậy. Nay ngươi hãy nghe lời ta nhận làm con Chính Bang, kết duyên với Quế Anh. - Con có cha có mẹ, -: Lương Dị nói, - há rằng lại bỏ cha mẹ sinh ra mình đi phụng dưỡng người khác sao? Hơn nữa Chính Bang đã vu cáo cho con, là kẻ thù của con, sao lại nhận ông ấy làm cha được!? - Ý ngươi cũng quá đáng, ngươi gặp tai họa này vốn là Chính Bang, ngộ nhận mối quan hệ giữa ngươi và Quế Anh Thôi. Quế Anh không mắc oan, thì không thể là vợ ngươi, ngươi không chịu oan thì cũng không thể làm chồng cô ấy. Hơn nữa Chính Bang vốn tố cáo là nghi cho ngươi, và không phải chỉ có Vương Chính Bang nghi, mà ngay cả quan huyện trước cũng nghi cho ngươi, sao ngươi lại trách sự lầm lỡ của ông ấy. Ta nghĩ rằng ngươi nên nhận ông ấy làm cha nuôi thì trên mới hợp ý trời, dưới mới họp lòng người, khiến ngươi không vợ mà có vợ, Quế Anh không có chồng mà có chồng, Chính Bang không có con mà có con, thì việc ấy có gì là không tốt. - Con xin nghe theo lời dạy bảo của ngài. - Lương Dị nói. - Song con còn cha mẹ, con không tự ý quyết định được. - Ta có cách xử trí việc này. - Quan huyện nói. Thế rồi ông thả hai người, lệnh cho hai người ở tại quán trọ điều dưỡng, quan sẽ chọn ngày lành tháng tốt làm lễ cưới ngay tại huyện đường. Rồi ông sai người bảo vợ chồng ông Hà tới huyện đường, nói rõ ý định của mình. Lão Hà rất vui. Đến ngày lành tháng tốt, quan ngồi trên sảnh đường, gọi cha mẹ đôi bên gia đình tới, bảo Hà Lương Dị trước hết lạy Vương Chính Bang nhận làm cha, tặng hoa hồng. Hai người lạy trời đất, sau đó lạy quan huyện rồi lạy bố mẹ vợ, bố mẹ đẻ. Lạy xong quan cho dùng kiệu của mình đưa hai người về nhà làm lễ hợp cẩn. Dọc đường đốt pháo tấu nhạc tiễn cô dâu chú rể. Mọi người đổ ra đường xem, ai ai cũng khen, đây là một đôi tài tử giai nhân rất hợp nhau, và ca ngợi tài năng của ngài Bạch Lương Ngọc. Từ đó trở đi hai vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận. Họ đều sửa đổi lỗi lầm xưa, thề trước thần thánh, nguyện suốt đời làm điều thiện, giữ gìn phẩm hạnh làm gương cho người khác. Quế Anh khuyên Lương Dị cố gắng học hành, năm sau đỗ tú tài. Quan giải quyết xong vụ án này, đệ trình văn bản lên cấp trên, cấp trên ra lệnh chém đầu Hàn Cốc Sinh. Bởi thế người ta sống trên đời, con gái không nên xem hát xướng, phải biết rằng trang điểm diêm dúa là khiêu dâm. Con trai đừng bàn tới chuyện phòng the, mới không dẫn đến tai họa: Ta hãy thử xem, nếu Quế Anh không trang điểm, không ra ngoài thì sao có thể dẫn đến tên đồ tể giết chồng, mắc oan chịu khổ! May mà thành tâm hối cải, cho nên gặp được ngài Bạch Lương Ngọc minh oan. Hà Lương Dị hay nói bừa nên vô cớ chịu oan. Về sau biết hối cải lỗi lầm trước đây nên mới chuyển họa thành phúc. Vương Chính Bang cay nghiệt mà trở thành giàu có rồi gia tài cũng rơi vào tay người khác. Vợ Chính Bang nuông chiều thói xấu của con nên không có người hương khói. Vương Mậu Sinh vì ăn uống mà sát sinh quá nhiều, chơi gái, đánh bạc, không vâng lời cha mẹ, cho nên bị giết. Hàn Cốc Sinh trông thấy sắc đẹp là nghĩ đến dâm ô, nên bị chém đầu. Từ đó ta thấy, kẻ gây ra tội ác dù mưu kế có tinh vi bí mật đến thế nào chăng nữa, nhưng mà người hiểu biết mưu cao mẹo giỏi sắc sảo nhạy bén, lại được trời báo ứng, thì sớm hay muộn tội ác cũng sẽ bị trừng phạt.