Từ khi Tưởng Vân gặp Phùng thị múc nước bên giếng. Lúc nào anh ta cũng tơ tưởng đến nàng. Tuy hàng ngày trông thấy nhau, song Phùng thị lại là một người rất trinh tiết. Dù anh cố ý ân cần, hay xa xôi bỡn cợt, nàng cũng không bao giờ mỉm cười. Bởi thế chỉ được nhìn thỏa thích, chứ không dám động đến nàng. Hôm ấy Tưởng Vân tiễn chân Triệu Tương đến Tú Châu rồi chia tay. Trên đường về Tưởng Vân mừng thầm, anh ta nghĩ: "Cho dù Phùng thị không bằng lòng, Vương thị làm trở ngại, cũng không thay đổi được dịp may hiếm có này. Chi bằng trước hết phải đánh đổ được Vương thị, nhất định con ấy phải trong tay mình". Tính toán xong, thuyền cập bến, trước tiên anh ta vào chào Vương thị, sau mới về nhà dọn dẹp khay chén, tiễn chân chủ thuyền. Ngay hôm ấy, Tưởng Vân mua một con cá tươi, một con gà béo, một ít bánh kẹo, sai vợ là Dương Xảo Cô đi lối cửa sau đến nhà Vương thị. Vương thị thấy thế rối rít cảm ơn, nhận gà, cá và giữ Xảo Cô lại ăn cơm tối, lại đưa Xảo Cô về tận nhà. Về đến nhà Xảo Cô giữ Vương thị ở lại ăn kẹo, nấn ná mãi đến tận khuya mới về. Tưởng Vân lại soi đèn đưa chân Vương thị về, rồi khẽ dặn: - Nhà không có đàn ông, phải chú ý đề phòng bọn trộm. Nếu có động tĩnh nên lắng tai nghe kĩ, chứ đừng coi đó là mèo hay chuột. - Rất cám ơn anh. - Vương thị nói. - Khuya rồi anh về đi. Tưởng Vân đi được bốn năm bước lại quay lại nói: - Dầu tuy đắt nhưng cũng phải đốt một ngọn đèn nhỏ cho vững dạ. - Hiểu rồi. - Vương thị trên gác nói vọng xuống. Từ đó Tưởng Vân năng lui tới nhà họ Triệu. Buổi sáng hết củi thì anh ta đi mua, buổi chiều sang có rượu thì uống. Vương thị rất vui, và còn khâu cho anh ta một đôi giày. Tưởng Vân mang giày về, hai hôm sau Vương thị hỏi: - Giày tôi khâu cho, sao không thấy anh đi, hay là tôi khâu xấu, anh không vừa ý? - Rất cảm ơn mẹ đã tặng con đôi giày ấy. - Tưởng Vân nói. - Tiếc nó còn mới, con không dám xỏ chân, nên đã cất vào trong tủ. Một hôm, Tưởng Vân mang đến một tấm lụa hoa, đòi Vương thị cắt quần áo. Hắn ta cố ý để rơi chiếc thước xuống đất, vờ tìm thước, nhưng tay lại cầm lấy chân Vương thị. Vương thị cười nói: - Anh nhầm rồi, đấy có phải là thước đâu, sao lại cầm chân tôi? Nếu Vương thị là người trinh tiết, thì lúc ấy phải nói cho anh ta biết, để lần sau anh ta bỏ ý nghĩ xấu xa ấy đi. Song Vương thị lại nói, cầm nhầm, há chẳng phải là có tình ý gì ư. Vương thị tuy tuổi đã ba nhăm, nhưng vẫn đẹp nõn nà, trông chỉ khoảng dưới ba mươi. Từ ngày chồng mất đến nay, đã ở vậy được tám năm. Do cô quạnh, trống trải lâu ngày, nay lại có người đàn ông suốt ngày ở nhà mình, mẹ mẹ con con thân thiết như ruột thịt, đừng nói gì đến Vương thị, mà ngay một người đàn bà trinh tiết e rằng cũng nẩy ra ý nghĩ tà dâm. May có Phùng thị là người đứng đắn, luôn bên cạnh. Vương thị còn e ngại, không dám bờm xơm. Vì sắp đến ngày sinh nhật, Vương thị muốn mời ni cô ở chùa Quan âm tên là Tĩnh Chiếu tới nhà đọc kinh. Vương thị nhờ Tưởng Vân mua sắm hoa quả, hương nến. Tưởng Vân mừng thầm, nghĩ bụng: "Chỉ cần ta nói với ni cô, thì việc ấy sẽ xong". Thế rồi ngay hôm ấy hắn mang hai lạng bạc đến chùa đưa cho Tĩnh Chiếu, bàn kín với ni cô sắp đặt mọi chuyện. Tuy chốn cửa Thiền, song Tĩnh Chiếu vẫn quen thói trăng hoa. Thấy bạc, Tĩnh Chiếu tối mắt lại, hứa ngay với Tưởng Vân rằng: - Cư sĩ chẳng cần phải lo, nhờ vào ba tấc lưỡi của tôi thì chắc chắn việc sẽ xong. Nhưng khi xong việc thì phải hậu tạ. Tưởng Vân cười khanh khách, gật đầu ra về. Ngay chiều hôm ấy, Tĩnh Chiếu đến nhà họ Triệu, thấy Vương thị, Tĩnh Chiếu nói: - Mới ít lâu không gặp chị, nay gặp lại, thấy chị đẹp hẳn ra, ngày càng nõn nà. Chắc chị rất vui. - Cuộc sống nghèo túng, góa bụa có gì mà vui. - Vương thị đáp. - Tôi nghe thấy, anh cư sĩ Tưởng là người kết nghĩa anh em, có người giúp đỡ, đấy là cái vui thứ nhất. Lại được tin anh Triệu Tương đi buôn bán xa, kiếm được nhiều tiền, đấy là niềm vui thứ hai. Ngày mừng sinh nhật sắp tới, ấy là niềm vui thứ ba. Lại còn một niềm vui ngoài ý muốn khó mà nói ra được. - Đa tạ. - Vương thị cười nói. - Sư phụ chỉ biết cái vui của tôi, chứ đâu có biết tôi lo gạo nước, củi đuốc, trông nom cửa nhà đúng là khổ hết chỗ nói. Sắp tới là ngày sinh nhật, tôi đã mua hương nến, muốn mời thầy trò sư phụ tới nhà tụng kinh niệm Phật một ngày, chưa kịp sai người đến mời, ai ngờ cơn gió lành đã đưa sư phụ tới đây. - Cũng chính vì thế mà tôi đến đây. - Tĩnh Chiếu nói. - ở nhà ồn ào không tiện, chi bằng chị mang hương nến đến chùa, núi rừng vắng vẻ, cùng với nhà chùa tụng kinh niệm Phật, tiện biết mấy. Không biết ý chị thế nào? - Được thế thì tốt quá Vương thị nói. - Tới hôm ấy tôi sẽ đến sớm lễ chùa. Vương thị định làm cỗ chay khoản đãi, nhưng Tĩnh Chiếu từ chối ra về. Bởi thế có thơ rằng: Mừng thọ trở thành hội uyên ương, Nhà sư đã chỉ đất đưa đường. Hôm ấy, Vương thị dậy sớm trang điểm, để Phùng thị ở nhà, cùng Tưởng Vân và một thằng nhỏ mang hương nến, hoa quả tới chùa. Nhìn quanh thì ở đây quả là chốn thiền môn thanh u tịch mịch. Chỉ thấy: Cửa ngoài rêu biếc một màu xanh, Bên dậu thùy dương khói tỏa cành. Chỉ thấy một làn mây bạc mỏng, Lượn lờ cánh hạc nhẹ nhàng bay. Tĩnh chiếu mời vào chùa, tòa sen đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Thầy trò Tĩnh chiếu đã niệm hết một quyển kinh Dược sư. Vương thị quỳ xuống lễ Phật, rồi được nhà chùa mời tới phòng uống nước. Tĩnh Chiếu nói: - Tưởng cư sĩ cũng tới đây cùng uống trà. - Đa tạ sư phụ, - Vương thị nói, - không có người ngoài, chúng tôi ngồi ăn chung cũng được. Vì đã ăn sáng nên thầy trò Tĩnh chiếu vẫn ngồi tụng kinh trước Phật đường. Tưởng Vân dẫn Vương thị ngắm nhìn phong cảnh xung quanh, luôn nói những lời gợi tình để dụ dỗ. Vương thị chỉ mỉm cười chẳng nói gì. Lát sau Tĩnh Chiếu giục họ tới ăn chay. Chờ cho Vương thị và Tưởng Vân vào phòng. Tĩnh Chiếu nói: - Hai vị cứ ngồi ăn uống tự nhiên, tôi lên thắp một tuần nhang nữa rồi sẽ trở lại tiếp hai vị. Nói xong Tĩnh Chiếu nháy mắt ra hiệu cho Tưởng Vân, rồi khép cửa phòng lại. Tưởng Vân tươi cười đến bên Vương thị, quỳ xuống nói: - Nỗi đau khổ của tôi nàng có biết không? Vương thị đập nhẹ vào vai Tưởng Vân mỉm cười chửi: - Đồ con khỉ, ý xấu của anh tôi đã biết từ lâu rồi, có điều ở đây không thể làm thế được đâu? Nhỡ ra Tĩnh Chiếu đột ngột vào thì ê mặt. Lúc ấy ngọn lửa tình dục của Vương thị đã bùng lên không sao dập được, để mặc Tưởng Vân bế lên giường, cởi quần áo, rồi phút chốc mây mưa. Một chàng trai khinh bạc, một người đàn bà từ lâu góa chồng, chẳng khác nào củi khô bén lửa. Họ tận hưởng khoái lạc đến tột độ, bỗng chốc mồ hôi đẫm áo, hồn vía mê man. Từng có bài thơ chửi Tưởng Vân phụ nghĩa bạc tình như sau: Anh em kết nghĩa đã thề bồi, Ai hay dạ thú lại mặt người. Chi tiếc Phật đường nơi thanh tịnh, Mà sao giường chõng sặc tà dâm. Tưởng Vân thỏa mãn dâm đãng tại chùa, tràn trề sung sướng. Từ đó về sau, cứ cách một đêm lại lẻn tới buồng Vương thị mây mưa khoái lạc. Có điều mẹ chồng nàng dâu ở hai phòng liền nhau, chỉ cách một vách gỗ mỏng, không thể che giấu được những tiếng sột soát. Phùng thị nằm sát vách, nghe rõ mồn một. Thực ra, Tưởng Vân muốn "mượn đường đánh Hoắc", khi đã thông dâm với Vương thị, gã càng táo tợn. Mỗi khi gặp Phùng thị gã sờ tay nắn chân, đùa cợt khêu gợi, Phùng thị không dám lên tiếng, chỉ ngấm ngầm tức giận. Một đêm, sau khi mây mưa, Vương thị bế Tưởng Vân nói: - Tuy được chàng gian díu mấy đêm, chỉ sợ người bên kia vách nên chưa từng có hôm nào là thỏa thích, ngay nói cũng không được, thế thì sao gọi là sướng. - Làm như thế, - Tưởng Vân nói, - anh cũng cảm thấy buồng chán. Từ nay về sau cứ làm bừa đi, chẳng việc gì mà ngại. - Thế sao được. - Vương thị lắc đầu nói. - Nếu nó nghe thấy chẳng hóa ra mặt mo à. - Nếu muốn nó không biết, - Tưởng Vân nói, - thì thôi không làm nữa. Mà giấu thì có giấu được mãi không. Thôi cứ lôi nó cùng xuống vũng bùn để bịt mồm nó lại. Sau này chồng nó về, anh còn dịp đi lại, chứ không đến nỗi đoạn tuyệt với em. - Anh nói đúng. - Vương thị trầm ngâm hồi lâu nói. - Chỉ có điều như thế thì rẻ rúng anh quá. Hai người nói với nhau như thế, càng thấy hứng tình, họ lại tiếp tục mây mưa một lần nữa. Về sau, mỗi khi Tưởng Vân bắt chuyện với Phùng thị, Vương thị cố ý lánh đi chỗ khác. Người xưa thường nói: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Phùng thị là người rất đoan chính, thì Tưởng Vân làm sao lôi kéo được. Song đến khi ngủ, lại nghe thấy những lời dâm đãng, tình dục lâu ngày không được đáp ứng, Phùng thị chịu đựng sao được, chỉ vì sợ mà Phùng thị không dám bước vào con đường tà dâm. Tưởng Vân lại bịa chuyện để đánh lừa: - Hôm qua có một người từ Vũ Xương trở về, nói rằng có một người bạn họ Triệu cùng ở chung đã đi lại với một kỹ nữ, vốn liếng mất hết không về được nhà. Tôi nghĩ rằng, từ đây đến Hồ Quảng không xa, thóc gạo rất dễ mua, sao lại mắc kẹt ở đấy lâu như thế, chẳng thấy tin tức gì? Hay là có việc đó thật, mà ta chưa biết được. Phùng thị nghe xong chẳng biết thực hư thế nào, nổi máu ghen, lòng dạ bỗng nhiên thay đổi, nói: - Anh ấy ở ngoài vui thú, chẳng nhòm ngó gì đến ta, ta hà tất phải giữ mình làm gì cho khổ. Đàn bà vốn là người đoan chính trinh tiết, song sự ghen tuông đố kỵ cũng thật là ghê gớm. Khi ý nghĩ Phùng thị đổi thay, lại có Vương thị bên cạnh luôn luôn khen Tưởng Vân, điều đó khiến Phùng thị càng có cảm tình với Tưởng Vân. Một hôm ba người ngẫu nhiên nói tới chuyện Tây Sương Ký, Phùng thị nói: - Thôi Oanh Oanh là một người con gái thất tiết, nói mà làm gì. Vương thị nghe thấy tái mặt nói: - Dục vọng giữa đàn ông và đàn bà ai ai cũng có. Con hãy xem những người đàn bà trên đời này, giữ được trinh tiết có mấy người. Chỉ cần chọn người mà chơi, không đến nỗi dâm đãng là được. Ngựa nào mà chẳng ăn cỏ. Nhũng chuyện như thế đầy dẫy nói sao hết được. Phùng thị cúi đầu chẳng nói gì. Chạng vạng tối hôm ấy, Tưởng Vân mua một con cá trắm còn tươi rói, mang xuống bếp. Đúng lúc Phùng thị đang đứng một mình. Tưởng Vân nói: - Nghe thấy thím thích ăn cá tươi, anh nhã ý mua con cá này cho thím làm bữa tối. - Tôi chẳng có gì ngon đưa đến biếu anh, sao anh cứ vẽ vời thế. Phùng thị vừa nói vừa giơ tay cầm lấy cá. Tiện tay, Tưởng Vân nắm chặt lấy cổ tay trắng như ngó cần. Phùng thị mỉm cười vờ như không biết, Tưởng Vân mừng thầm thấy cá đã cắn câu, rồi đem lời chòng ghẹo. Thấy Phùng thị cúi đầu, hai tay đỡ lấy ngang hông, vội vàng bước lên lầu, Tưởng Vân rón rén bước theo. Thò dầu nhìn vào, thấy Phùng thị đang mở nắp thùng đi tiểu. Khi đi xong, vén mông đít trắng phôm phốp, lấy giấy lau. Không ngờ Tưởng Vân đứng đằng sau nhìn thấy, lửa tình ngùn ngụt bốc cháy, xông tới ôm chầm lấy ngang lưng. Cuống lên, hai má Phùng thị đỏ nhừ, khẽ kêu lên: - Trời ơi! Giữa ban ngày anh làm trò gì thế, tôi kêu lên thì anh mất mặt. - Anh yêu em vô cùng. - Tưởng Vân nói. - Nếu ôm được tấm thân ngọc ngà của em, anh chết cũng cam, cần gì đến thể diện. Phùng thị van nài mãi, nói: - Nếu thế thì hãy buông tay ra, chờ đến đêm tôi sẽ ngủ với anh. - Chỉ sợ em lừa để thoát thân, rồi giở quẻ. - Phùng thị nói. - Nếu tôi giở quẻ thì tôi sẽ chết. - Phùng thị nói. Lúc ấy Tưởng Vân mới tin, lập tức buông tay. Váy áo Phùng thị chưa kéo xuống, vẫn lộ ra bộ mông nõn nà phốp pháp, Tưởng Vân cứ thế xoa vuốt ở đó rất lâu. Đường lên Vu Sơn(1) đã mở, quả nhiên đêm ấy trở thành giấc mộng mây mưa. Đúng là: Đàn ông dâm đãng hay lừa dối, Đàn bà như nước khó giữ mình. (1) Vu Sơn: núi tiên ở (ND). Tưởng Vân lôi kéo được Vương thị, thế rồi hằng đêm hai mẹ con thay nhau dâm đãng. Từ ngày đó Tưởng Vân hằng ngày ra vào nhà Vương thị chẳng hề sợ sệt. Song cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra, làm sao mà giấu được tai mắt mấy nhà hàng xóm. Anh thợ may Đổng Cận Tuyền, thường đem chuyện kín ra mua vui, hòng gạ gẫm Tưởng Vân. Anh ta nghĩ, mình là người biết chuyện kín của họ, nếu muốn bớt đi những điều thị phi sau này, thế nào Tưởng Vân cũng mời uống rượu. Song Tưởng Vân cậy mình đi lại chốn quan trường, kết thân với những người chức sắc, không coi Đổng Cận Tuyền ra gì, nên không muốn hoài của mời anh ta. Thấy không được mời chào, Cận Tuyền bực bõ không vui. Chỉ chờ Triệu Tương về là anh ta mách Triệu Tương bắt bọn gian dâm. Triệu Vân Sơn cùng Triệu Tương rời khỏi nhà, suốt dọc đường không có chuyện gì xảy ra. Đến thành Hồ Nam, vào trạm giao dịch buôn bán. Giữa lúc đang định mua hàng, vì một tranh chấp nhỏ mà xảy ra đánh nhau. Hai người bị bắt, song Triệu Tương may mắn được tha, còn Triệu Vân Sơn phải ngồi tù. Hằng ngày Triệu Tương đưa cơm và lo lót nha môn cho Triệu Vân Sơn, từ đầu tháng sáu đến cuối tháng chín, lưng vốn cạn kiệt, lúc đó Vân Sơn mới được tha. Hai người ấm ức thất vọng, đành thu xếp hành lý trở về, lúc đó đã vào giữa tháng mười. Hai người về nhà Triệu Vân Sơn, đặt hành lý xuống, Vân Sơn lấy ra một ít bạc lẻ, đưa cho Triệu Tương, nói: - Tôi với anh vận rủi, mắc phải kiện cáo. Mặc dù tôi đã mất hết vốn, nhưng sao tôi lại để anh tay không trở về. Hãy mang mấy lạng bạc lẻ này về chi dùng. Chờ tôi đòi nợ, sẽ cho anh mượn thêm làm vốn. Triệu Tương xa nhà lâu ngày, thương mẹ, nhớ vợ, chỉ mong nhanh chóng về nhà, vội vàng cầm tiền bỏ vào tay áo, rồi từ biệt Vân Sơn trở về. Tới nhà, mặt trời đã đứng bóng, cổng vẫn chưa mở, gõ cửa liên hồi mấy lần, không thấy mẹ và vợ ra. Vì cùng Tưởng Vân giở trò ma mãnh suốt đêm, nên hai mẹ con gần trưa mới ngủ dậy, đang chải đầu rửa mặt, thì thấy tiếng gõ cửa, lắng nghe, biết là Triệu Tương đã về. Bỗng chốc họ run lên sợ hãi. Phàm là những người đi xa trở về, gặp nhau đáng lý ra phải vui mừng khôn xiết, nhưng vì sao họ lại giật mình sợ hãi, gượng gạo nói cười, nhưng nỗi xấu hổ làm sao che giấu được. Còn người trở nề buồn ủ rủ, mặt mày phờ phạc, cúi đầu thở dài, lại không thấy người vận chuyển hàng hóa, lúc đó Vương thị mới hỏi: - Vì sao con nấn ná mãi ở Hà Quảng đến nay mới về? Mua được những hàng gì? Sao không bảo người ta chuyển về? Triệu Tương bèn kể lại tỉ mỉ chuyện xảy ra từ đầu đến cuối. - Em không tin anh lại gặp tai họa ngang trái như thế. - Phùng thị nói. - Nhất định là do anh say mê bọn kỹ nữ ở đường hoa ngõ liễu, nên mới mất hết cả vốn liếng. Nay mới bịa ra những chuyện không đâu như thế. Triệu Tương đang định phân trần, thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Hóa ra Tưởng Vân đến thăm, Triệu Tương vội vã mời vào, rồi cảm ơn rối rít. Tưởng Vân nói: - Tình cờ tôi gặp Triệu Vân Sơn, biết em đã về. Lại nghe em gặp phải chuyện không may. Thật là đáng tiếc. Thua keo này ta bày keo khác, cũng chẳng muộn gì. Đường còn dài, hà tất em phải bận tâm. - Em là người lỡ thời, thất thế. - Triệu Tương thở ngắn than dài nói. - Em chẳng còn có ngày cất đầu lên được. Triệu Tương lại kể những chuyện đã xảy ra một lần nữa, rồi mới vội vàng chuẩn bị rượu thịt, hoa quả đãi Tưởng Vân. Tối ấy khi đang uống rượu thì mẹ và vợ bước ra tươi cười, liên tục rót rượu mời. Triệu Tương thấy hơi nghi ngờ, tới khi ngủ, lúc vợ chồng ân ái thì Phùng thị tỏ ra miễn cưỡng, không thấy vồ vập thích thú như trước. Khi chuyện ấy xong, Phùng thị cứ khen Tưởng Vân, làm Triệu Tương rất buồn. Sáng hôm sau, Triệu Tương dậy sớm, rửa mặt, chải đầu, sau đó anh sang các nhà hàng xóm thăm dò, cuối cùng tới nhà người thợ may họ Đổng. Đổng Cận Tuyền kéo anh ra sau nhà, bảo anh ngồi xuống, hỏi qua về tình hình làm ăn. Đổng Cận Tuyển nói: - Từ khi anh đi tới nay thấm thoát đã nửa năm, khiến hai chúng tôi luôn luôn mong nhớ anh. Không ngờ anh đi gặp điều chẳng lành, mất hết vốn, nhà lại không người trông nom. Lão già cổ hủ, tuy ở sát nhà, nhưng nhà nào có cổng nhà ấy, sao mà quản được. Từ nay nhất thiết anh đừng đi đâu xa, sớm tối nên có người, với lại cũng phải đề phòng. Thể diện của người đàn ông là rất quan trọng, lão già cổ hủ này cũng nói thế thôi, xin anh đừng giận. Triệu Tương nghe thấy thế ấm ức không vui, đứng dậy ra về. Lúc ấy Triệu Vân sơn và một số bạn bè thân thiết dọn rượu trên thuyền, ở hồ Bạch Long. Người đến mời đang chờ ở nhà, Triệu Tương không thể từ chối, bèn cùng họ kéo nhau ra thành . phố. Tới nơi, cơm sáng nhà thuyền đã chuẩn bị sẵn. Ăn xong, đánh mấy ván cờ tiêu khiển, gần trưa lại dọn rượu ra uống, cho mãi tới vàng vàng mặt trời mới về. Triệu Tương say khướt, bước đi loạng choạng. Sắp tới nhà, anh nhớ lại như in những điều Đổng Cận Tuyền nói. Triệu Tương không đi lối cửa trước, mà vòng ra cửa sau, ghé sát tai vào cửa nghe, quả nhiên thấy Tưởng Vân đang nói bên trong. Lúc đầu họ nói thì thào Triệu Tương không nghe rõ, sau lại chỉ nghe thấy hai câu: "Đụng đầu nhau thì ngượng mặt, anh phải đi lối cửa sau thôi". Triệu Tương lúc ấy đã tỉnh rượu, đột nhiên đùng đùng nổi giận. đang định gõ cửa vào, bỗng nghe thấy tiếng động. Tưởng Vân mở cửa bước ra. Hai người chạm trán nhau, Triệu Tương không kìm nổi, tung người lao tới. Tưởng Vân cho rằng đó là người hàng xóm đến dò la, đột nhiên máu sôi lên. Đè Triệu Tương xuống tống liền mấy quả. Đúng lúc ấy mẹ và vợ mang đèn chạy ra, thấy có người nằm soài dưới đất, vội vàng soi đèn thì thấy đó là Triệu Tương. Sợ quá, Tưởng Vân buông tay chạy vụt đi. Vương thị, Phùng thị hốt hoảng tới, đỡ Triệu Tương dậy, dìu lên gác. Triệu Tương để nguyên cả quần áo rồi ngủ thiếp đi. Mẹ chồng và nàng dâu cùng đi xuống dọn dẹp bát dĩa. Một lát sau, nghe thấy tiếng gọi mang trà, Phùng thị vội vàng pha trà, hai tay bưng lên cho chồng. Triệu Tương mắt trừng trừng cầm lấy, ném vào mặt Phùng thị. May mà Phùng thị kịp thời tránh được, chiếc chén rơi xuống sàn gỗ vỡ tan tành. Phùng thị nói: - Anh đi hàng nửa năm trời, vốn liếng hết sạch, nay về lại sinh ra cái thói rượu chè. - Đồ đĩ, chứa trai trong nhà lại còn già mồm. - Triệu Tương nổi giận lôi đình thét lên. - Tao hỏi mày, thằng vừa đi ra cửa sau là thằng nào? - Anh đừng có nói càn, anh uống rượu say bét nhè rồi ngã, em và mẹ đã dìu anh lên đây, chứ có người nào ra đâu. Anh hoa mắt rồi. - Đồ đĩ! - Triệu Tương gào lên chửi. - Mày chứa trai trong nhà, tao đã biết hết rồi, con dâm phụ kia, sớm muộn tao cũng giết chết mày. Vừa nói Triệu Tương vừa giơ tay túm tóc tống túi bụi vào người Phùng thị. Vương thị dang dọn dẹp bên dưới, nghe thấy tiếng Phùng thị kêu la, bèn hoảng hốt chạy lên giằng tay Triệu Tương, ra sức khuyên can. Nhưng Triệu Tương cứ túm chặt lấy tóc Phùng thị không buông tha. Vương thị cuống lên cắn vào cổ tay, lúc đó Triệu Tương mới buông. Phùng thị thoát thân bỏ chạy. Triệu Tương càng phẫn nộ, định chạy xuống đuổi theo. Vương thị cản lại. Triệu Tương nói: - Tôi phải xé xác con dâm phụ chứa trai ấy, ai khiến bà khuyên can. Bà và nó cũng cùng một giuộc. Câu nói ấy đã động đến gan ruột Vương thị. Bà ta bèn đấm ngực, dậm chân gào khóc, chửi bới: - Mày là đứa súc sinh vô liêm sỉ, bị vợ cắm sừng. Tao là mẹ mày, ở nhà vất vả khổ sở, mong kiếm được bữa rau bữa cháo. Mày mang đi hai trăm lạng không biết vì sao tiêu hết, chỉ còn lại cái túi rỗng mang về. Tao không trách móc mày nửa câu, thế mà mày lại còn đơm đặt ra những điều vô căn cứ để hãm hại người. Thôi thì mày đánh vợ mày cũng được, sao mày lại lôi cả tao xuống vũng bùn. Tao ở vậy từ ngày mày mới mười hai tuổi, đến nay, mày xem, con mẹ mày ăn nằm với đứa nào? Mày đã tận mắt bắt được mấy lần, mà mày lại nói những lời như thế, thằng súc sinh ngỗ ngược kia, tao thà chết quách đi cho xong. Bà ta cứ gào thằng súc sinh chửi mãi cho tới sáng. Triệu Tương ngủ trên giường vừa đau buồn, vừa giận dữ. Đợi khi tiếng chuông báo tàn canh, Triệu Tương dậy tới ngay nhà Triệu Vân Sơn bàn bạc. Trời dần dần sáng, Vương thị dậy xuống nhà dưới. Tìm Phùng thị khắp nơi nhưng không thấy. Đi tới cửa sau thấy cánh cửa khép hờ, sợ Phùng thị đột nhiên phẫn chí nhảy xuống giếng, bà ta bèn lấy chiếc sào phơi quần áo, thọc xuống giếng khua, nhưng vẫn không thấy tăm hơi. Vương thị cuống lên, vội vã chạy tới nhà Tưởng Vân bàn bạc: - Thằng súc sinh chết giẫm, trời chưa sáng đã bỏ đi, không biết nó đi đâu, cả vợ nó, tìm khắp nơi không thấy. Làm thế nào bây giờ? - Tôi đã có cách, - Tưởng Vân nói, - không cần bà lo nghĩ. Việc này nhất định là do Triệu Vân Sơn, hắn biết nhà bà có nhiều tiền bạc, nên đã tìm cách lấy đi hai trăm lạng rồi. Hôm qua nó lại tới gọi đi ăn uống, chắc là hắn lại giở trò gì nữa đây. Chỉ sợ bà không nghe tôi, lại xảy ra xô xát, cãi nhau, khiến bà không mở mồm được. Ngay cả việc ấy nữa, cho dù có kẻ đâm bị thóc, chọc bị gạo, thì người xưa đã nói: phải bắt được trai trên gái dưới, đằng này có ai biết đâu. Theo tôi, phải lên huyện kiện nó về tội ngỗ ngược bất hiếu, để quan trị nó một trận, lần sau sẽ không dám chống đối lại. Nếu không sẽ nuôi nết nó, sau này muốn gì được nấy, sẽ chẳng coi bà ra gì. Nó bị thằng Triệu Vân Sơn bày mưu lừa gạt, thì tôi với bà cũng đoạn tuyệt từ đây. - Anh nghĩ rất đúng. - Vương thị gật đầu nói. - Vậy anh hãy viết cho tôi lá đơn, tôi sẽ lên huyện ngay. - Tôi viết đơn thì không được, - Tưởng Vân nói. - Tôi có một người bạn ở ngay trước huyện đường gọi là Đường Sơn Tử. Chỉ cần bà đến nhà, nhờ anh ấy viết đơn, sau bảo anh ấy dẫn vào. Hiện quan đang ngồi tại huyện đường, việc này không nên chậm trễ, phải nhanh chóng vào thành mới là diệu kế. Vương thị vội vàng ra về, lấy chiếc khăn cũ chít đầu. Khóa cửa, kéo theo Tôn Ẩu, một người hàng xóm bán hoa làm bạn lên huyện đưa đơn kiện. Tưởng Vân biết bố vợ của Triệu Tương là Phùng Bá Nguyên, ngụ tại đầu cầu phía nam, trước Đông Sát Viện. Đi một mạch lên nhà họ Phùng, Tưởng Vân nói với Phùng Bá Nguyên rằng: - Cháu không dám bịa đặt điều gì, song có một việc lạ lùng oan khuất cần nói cho bác biết. Từ khi con rể quý của bác là Triệu Tương đến đất Sở xa xôi buôn bán, người con gái yêu quý của bác ở nhà không ra khỏi cửa, làng xóm ít khi gặp mặt. Ai ngờ Triệu Tương, con rể bác, tối hôm kia trở về. Khi đi anh ấy mang hơn hai trăm lạng bạc, hẳn là do chơi bời tại lầu xanh, nên đã tiêu hết nhẵn số bạc đó. Điều ấy không thể không làm cho con gái bác bực bội. Con rể bác vì thế mà đâm ra thù hận. Đêm qua đã uống rượu say khướt ở hồ Bạch Long, khi về nhà một mực đổ oan cho con gái bác gian dâm, rồi cứ thế đánh từ lúc còn mặt trời cho mãi tới tận canh hai. Đến nỗi uất ức không chịu được, cô ấy đã bỏ nhà đi từ lúc nửa đêm. Sáng nay tìm khắp mọi nơi vẫn không thấy. Theo bà mẹ nói, thì mình mẩy thâm tím, tóc bị đứt mất quá nửa, thật là thê thảm, ai nghe thấy cũng phải đau lòng. Vợ chồng hục hặc với nhau, chẳng liên quan gì đến cháu, song nghĩ, lòng dạ con người thật khó lường, nhất định sẽ bị liên lụy đến láng giềng. Nên cháu đến đây báo cho bác biết. Phùng Bá Nguyên nghe xong, không kìm nổi, nước mắt rơi lã chả, nói: - Già này gần sáu mươi tuổi, chỉ còn mỗi giọt máu này nhưng lại bị thằng súc sinh lăng nhục, nửa đêm đã bỏ nhà ra đi, không biết sống chết thế nào. Già này phải lên huyện cáo quan bắt nó phải đền mạng. May nhờ anh là người trọng nghĩa báo cho biết, tôi vô cùng đội ơn anh. Lát nữa lên huyện tố cáo, tôi muốn nhờ anh làm chứng, liệu có được không? - Cháu là người hàng xóm, - Tưởng Vân nói, - bất đắc dĩ phải đến báo cho bác, còn như đưa đơn kiện, xin bác suy nghĩ kỹ. Việc này can hệ tới tình bố con, không thể vì giận dữ nhất thời mà làm thương tổn đến tình cảm sau này. Nói xong, Tưởng Vân định đứng dậy ra về, bỗng thấy một. người mồ hôi nhuễ nhại chạy đến. Người ấy nói đúng như Tưởng Vân, không sai một câu. Hắn là người được Tưởng Vân nhờ, mạo nhận là láng giềng đến báo tin. Phùng Bá Nguyên lập tức viết đơn tới ngay huyện Hoa Đình. Tri huyện đang làm việc tại công đường, thì Vương thị xin được vào. Nghe Vương thị tố cáo, lập tức tri huyện sai người bắt Triệu Tương thẩm vấn. Vì sao quan huyện lại dễ dàng bắt Triệu tương tới xét hỏi như vậy? Vốn, việc cáo giác con ngỗ ngược, bất hiếu, khác với việc cáo giác khác. Muốn bắt người tra xét, trước tiên phải viết trát đòi lên xét xử, việc đó kéo dài thời gian. Nếu như sai nhân nhận hối lộ còn có thể phải gác lại. Chỉ có kẻ ngỗ ngược bất hiếu là lập tức sai bắt để xét xử ngay. Tri huyện cho gọi Vương thị vào hỏi tỉ mỉ, rồi gọi Triệu Tương hỏi: - Mày mang hai trăm lạng bạc, ra ngoài nửa năm trời, không những không sinh lợi, mà bỏ về tay không. Rõ ràng là đứa con bất hiếu. Hơn nữa, về nhà được hai ngày, uống rượu say, lăng nhục vợ. Mẹ đẻ dùng lời hơn lẽ thiệt khuyên can, mày lại nói những lời vô căn cứ, ngược đãi phản bội lại cha mẹ. Điều ấy có khác gì loài cầm thú. Triệu Tương vừa định thanh minh, thì quan huyện đã rút ra bốn chiếc roi vút xuống. Lính hầu hai bên đồng thanh quát thét lôi Triệu Tương ngã sấp xuống đất. Đáng thương thay, da thịt non nớt chưa từng chịu đòn roi, bỗng chốc bị đánh rách da toạc thịt máu tươi lênh láng. Tri huyện lại gọi Vương thị dặn rằng: - Tội bất hiếu ngỗ ngược xưa nay bản huyện rất căm ghét, đáng lẽ phải đánh chết. Song nghĩ rằng chồng bà chết sớm, chỉ còn một đứa con, ta chỉ đánh trừng phạt để răn dạy sau này. Bà cũng phải hết lòng dạy dỗ, đừng làm tổn thương đến tình mẹ con. Nói xong bảo người đuổi ra. Lúc ấy Phùng Bá Nguyên đã đứng ngoài hiên, chờ xét xử xong mở rèm bước vào, luôn mồm kêu oan khuất. Lính canh vội ngăn lại, nhưng ông ta quỳ ngay xuống trước bàn. Tri huyện cầm lấy đơn xem, đó là lá đơn Phùng Bá Nguyên kiện Triệu Tương. Tri huyện bèn bảo lính hầu gọi Vương thị và Triệu Tương quay lại. Quát hỏi: - Mày đã đánh đập vợ, hiện giờ nó ở đâu? Phùng Bá Nguyên đã đưa đơn kiện mày về nhân mạng, mày hãy trả lời đi. - Con có đánh vợ thật. - Triệu Tương nói. - Nhưng sau đó vợ con chạy xuống dưới lầu. Con bị mẹ con ngăn lại ở trên gác. Đến canh năm con đi khỏi nhà. Hiện vợ con ở đâu con không biết. Quan huyện lúc ấy chưa biết giải quyết thế nào, bèn giam Triệu Tương vào ngục. Chờ bắt được Phùng thị mới xét xử tiếp. Cho tất cả mọi người về. Chỉ có Triệu Tương hai chân đẫm máu, phải giam vào ngục tối. Tới nhà ngục, nước mắt giàn giụa không sao cầm nổi, rồi như một đống thịt đổ xuống nền nhà ngục. Những người coi ngục xúm đến hỏi, thấy vậy ai cũng thương anh. Ngoài cửa bỗng có tiếng gọi. Triệu Tương quay ra, thì đó là Triệu Vân Sơn và thằng nhỏ mang rượu, thịt cá tới thăm. Triệu Tương gặp Triệu Vân Sơn sự uất ức lại nghẹn lên, hai hàng nước mắt trào ra, vừa nhắc đũa gắp một miếng thịt, bỗng nhiên ngất lịm đi ngã lăn ra đất. Triệu Vân Sơn an ủi: - Em ơi, em đã phải chịu hình phạt ở công đường, chắc mẹ em cũng không còn giận nữa. Vợ em rồi sẽ về, em bị giam cũng chỉ mấy hôm là được tha. Em không phải nghĩ ngợi, đau khổ. Rồi Triệu Vân Sơn lại nói với người coi ngục là Lý Kính rằng: - Thưa bác, đây là tai họa không đâu, chỉ tạm giam, khác hẳn tội phạm khác, tôi có lạng bạc, xin bác cầm mua giúp tôi ít thức nhắm, chúng ta cùng uống chút rượu cho khuây khỏa. Còn hai lạng này xin biếu bác, nhờ bác hằng ngày tận tình giúp đỡ Triệu Tương. Nếu có người nào đến xúi bác hại em thì bác đừng làm. Sau này có chuyện gì xảy ra, cháu sẽ bàn với bác. Lý Kính rất vui vẻ, hứa sẽ giúp đỡ. Bởi thế, bị giam cầm, nhưng Triệu Tương không đến nỗi phải chịu khổ. Lúc đầu Vương thị lên huyện tố cáo con, chẳng qua là muốn răn dạy con. Ai ngờ biến giả thành thật, khiến con phải giam vào ngục. Còn vợ Triệu Tương, đã cho người đi tìm khắp nơi mà chẳng thấy. Đêm đêm, Vương thị cứ trằn trọc không sao ngủ được, thấy hối hận về việc đã làm. Rồi một hôm Vương thị dậy sớm, đến bàn với Tưởng Vân. Tưởng Vân nói: - Nếu như đưa biếu quan một ít bạc, thì có thể đảm bảo Triệu Tương được tha. Vương thị phải bán hết đồ trang sức, quần áo được khoảng hơn bốn mươi lạng bạc, rồi giao hết cho Tưởng Vân. Tưởng Vân giao cho Xảo Cô đi thu xếp công việc. Xảo Cô tìm gặp Ly Kính, nói: - Nếu ông thu xếp xử tử được Triệu Tương ngay thì sẽ biếu mười lạng bạc, quyết không sai lời hứa. Rồi Tưởng Vân tìm gặp Phùng Bá Nguyên, nói: - Con gái bác nửa tháng nay vẫn biệt vô âm tín, hẳn là đã chết chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Nếu không bẩm lên quan, điều tra ngay để kết tội, thì con bác phải ngậm oan nơi chín suối. - Lão cũng phải tìm cho ra nhẽ. - Phùng Bá Nguyên nói. Bởi thế còn nấn ná chưa tố cáo. Nay được ông chỉ bảo, tôi vô cùng biết ơn. Sau này xử án, còn mong ông giúp đỡ. Tưởng Vân vâng dạ ra về. Ngay hôm ấy Phùng Bá Nguyên đưa đơn kiện. Đúng lúc quan huyện đang thẩm vấn lại một phạm nhân. Tri huyện lại cho gọi Triệu Tương tới, đánh cho hai mươi roi, rồi cho người cùm kẹp. Triệu Tương chết đi sống lại đau đớn khóc lóc thưa rằng: - Ngài có cùm kẹp chết, con cũng cam chịu. Nếu như tra hỏi vợ ở đâu, thì quả thực con không biết, thế thì con khai sao được. Tri huyện cũng thấy thương tâm, không cùm kẹp đánh đập Triệu Tương nữa, nhưng vẫn phải giam chờ xét sau. Vương thị tận mắt thấy con chịu hình phạt, vô cùng đau đớn. Về nhà oán trách Tưởng Vân: - Tôi phải bán quần áo, đồ trang sức đi, lấy tiền đút lót cho quan, anh bảo đưa rồi quan đã nhận hối lộ sao vẫn còn hành hạ nó như thế? - Nếu quan không nhận được lễ vật của bà, - Tưởng Vân nói, - thì hôm nay đã tra khảo kết tội rồi, chứ đâu được tha thứ. Có điều dù quan có thương tình thì cũng phải trừ tận gốc, bây giờ ta phải nói thẳng với Phùng Bá Nguyên mới được. Rồi Vương thị lại lấy từ trong tráp ra tờ văn khế mười mấy mẫu ruộng giao cho Tưởng Vân định giá, đưa cho Phùng Bá Nguyên để Bá Nguyên im đi. Tưởng Vân vớ được tờ văn khế, lập tức xuống làng gặp chủ thuê ruộng, viết lại tờ văn khế nhận ruộng khác. Xong việc tưởng Vân tới gặp Cố Kính, nói: - Tờ khế ước vay nợ của Triệu Tương lần trước tôi đã sao ra một bản, rồi trả lại. Như vậy bản gốc còn ở chỗ anh. Nay Triệu Tương phạm tội phải tù, mẹ nó còn có nhiều của cải. Nếu anh cùng với mấy người anh em nữa, đến nhà nó làm rùm beng lên, mụ quả phụ ấy sẽ phải đến tìm tôi, thì từ đó, chúng ta có thể gỡ gạc được. Tôi hứa sẽ chia đều cho các anh. Cố Kính thấy thế mừng rỡ nói: - Tôi đâu dám không nghe lời dạy bảo của anh. Ngay lập tức hắn dẫn một số người đến nhà Vương thị gây gổ. Vương thị cuống lên, tìm đến Tưởng Vân nhờ phân xử. Sau đó Vương thị đành phải bán hết bàn ghế, đồ đạc để hoàn trả. Chỉ có lần ấy mà cũng tốn hơn mười lạng bạc. Vương thị ngày càng uất ức, không ăn uống được, chưa đầy một tháng thì đổ bệnh. Đêm lâm chung, bà ta nghiến răng oán hận Tưởng Vân, bà nói: - Nếu không có thằng khốn nạn ấy thì nhà ta sao đến nỗi này. Bà kêu lên một tiếng, máu ộc ra hàng chậu, rồi tắt thở. Từng có bài thơ than tiếc Vương thị: Con vào ngục tối, dâu mất tích, Ân ái đâu ngờ thành nghiệp oan. Nếu như khóa kín phòng xuân lại, Thì sao ngậm tủi dưới suối vàng.