Chử Trung nghe xong run cầm cập, rụng rời cả chân tay, tới lúc này mới thực sự một lòng một dạ đi theo họ, không nghĩ gì khác nữa. Cái Tứ và Sử Đan lại đi lấy cơm gạo hẩm cho họ ăn, chỉ coi đây là chút điểm tâm, chứ không được ăn no. Lục phủ ngũ tạng của hai con rồng này chưa trở lại bình thường, cũng không dám ăn thêm. Thế rồi chúng nằm bừa xuống đất ngủ. Sáng sớm hôm sau, Ngô Lương tới. Cái Tứ nói mấy câu, Ngô Lương gật gật đầu. Trước hết bảo người ngồi ghế ông hổ đi nhận: - Ngày mồng một tháng Tư chúng tôi cạy cửa vào nhà họ Chu ở ngoài cửa Đông lấy mười hai chiếc áo da, một gói đồ trang sức gồm: một chiếc xuyến vàng, hai đôi khuyên vàng, hai chiếc trâm vàng; một vòng cổ bạc, với bốn pho tượng Phật nhỏ bằng đồng, một chiếc áo khoác ngoài bằng đoạn màu thanh thiên, một chiếc áo khoác ngoài bằng nhiễu Hồ đen, một chiếc áo khoác lụa Ninh màu lam, đều là áo lông cừu và chín chiếc áo cộc tay bằng da. Ngươi chỉ nói có hai người đầu sỏ là Triệu Lão Tứ, còn người đứng ngoài canh chừng nhận đồ. Lúc ấy Triệu Lão Tứ ôm một bao ra, đưa cho hai đôi khuyên vàng, một chiếc xuyến còn lại anh lấy hết. Vì anh ấy vào lấy nên đòi chia nhiều hơn. Nếu quan hỏi ngươi, quần áo đâu thì ngươi bảo bán cho người không quen biết được hai đồng, tiện tay đánh bạc thua hết. Hỏi đồ trang sức thì ngươi bảo bán cho thân quyến nhà quan đi thuyền ngang qua chỉ được hai đồng, cũng ăn hết rồi. Hỏi sau đó ngươi đã lấy của ai, ngươi cứ nói bừa là đã lấy trâu của Từ Ngũ và vải của Trịnh Nghĩa Hòa. Hỏi tang vật đâu thì vẫn cứ nói là đã bán cho người không quen biết. Hỏi tiền, thì ngươi nói đã dùng hết rồi. Hỏi xong chẳng qua chỉ đánh ngươi mấy trăm tay thước, ngươi phải chịu đựng qua cửa này, sau này dù ngươi thế nào cũng không đến nỗi chịu thiệt. Ngươi phải nhớ hết từng lời, nếu sai mà lộ ra, bị quan bác bỏ, thì sau này chúng ta không sao trả hết nợ được. Sau đó Ngô Lương lại gọi người kia ra, bắt người ấy phải nhận một vụ án khác, đại khái cũng dặn dò gần như người trước. Sợ rằng người ấy quên, lại bảo Cái Tứ và Sử Đan luyện tập cho người ấy một hồi. Chử Trung nghĩ rằng: "Đây quả thật là những ngày đen tối. Trước đây ta chỉ nghe thấy bị mất trộm thì báo bổ khoái, bổ khoái bèn đi bắt kẻ trộm, nếu không thì quan ắt không dựa vào họ. Nào ngờ họ bất chấp cả trời đất, pháp luật, bắt người tốt phải nhận là trộm cắp. Từ đó mà suy ra, giá không có bổ khoái thì có lẽ trộm sẽ ít đi. Cứ làm theo họ, thì về sau ba người chúng ta, ngoài việc đi lấy trộm ra, còn có việc gì đáng làm nữa, chẳng phải họ đã dung dưỡng toàn những kẻ trộm cắp ư? Ta đã mắc tròng, bây giờ chẳng còn cách gì khác nữa, trước mắt ta theo họ sống cuộc sống bụi đời ít ngày, đợi khi nào họ không phòng bị, thì ba mươi sáu kế, chuồn là tốt nhất. Song tay ta đã có chứng cứ thì phải thế nào mới được! Ít lâu nữa ta phải đi bàn bạc với người anh em họ". Trong lúc Chử Trung đắn đo tính toán, thì thấy Ngô Lương hỏi: - Đã nhớ kĩ chưa? - Nhớ kĩ rồi - Hai người kia vội trả lời. Ngô Lương đích thân hỏi lại một lần nữa, quả thấy rất đúng, rồi không nói gì thêm, bảo họ đi ăn chút cơm, nói đã chiều rồi chắc là quan cũng đã dậy. Rồi dẫn hai người này đi báo quan. Đến tối, Ngô Lương trở về, theo sau còn có hai người và một người còn trẻ bị xích bước vào. Trước hết Ngô Lương bảo người ấy dẫn họ sang gian bên, rồi Ngô Lương tới nói chuyện với Chử Trung: - Ngoài cửa Tây có một nhà giàu họ Trần, xuất thân từ cử nhân, lại có chút thế lực. Quan huyện cũng hết lòng với ông ta. Vì địa phương đang cần một khoản tiền quyên góp, tất cả đều trông ở ông ta. Cờ quạt và tấm biển Chính Đức của ngài quan huyện đều nhờ ông ta đóng góp đầu tiên, nếu ông ta không lên tiếng đóng góp thì dân chẳng ai đóng góp. Nhũng quan nhậm chức trước đây, không ai dám làm mếch lòng ông ấy. Hơn nữa ông ấy đối xử với quan Huyện rất tốt. Không ngờ cuối tháng trước bỗng nhiên ông ấy bị mất một mẻ đồ, đó là hai hòm quần áo trong đó có một số hàng da, hai nén bạc, cả thảy là hơn trăm lạng, lại còn năm mươi đồng bạc thật, ngoài ra còn mất một tờ hóa đơn. Quan hết lòng vì việc nhà của ông, nên kiên quyết phá án. Trước tiên ngài hạn trong nửa tháng phải phá án nay lại gia hạn trong ba ngày. Ta nghĩ việc này cần ngươi phải đương đầu với vụ án này. Chử Trung nói: - Tôi nghe nói tội trạng đầy rẫy, như thế thì nguy hiểm lắm. Tôi nhận thì tính mạng của tôi sẽ ra sao? - Không sao, việc này còn phải bàn. Hôm sau ta đưa ngươi ra tòa, ngươi nói tất cả có bốn người, hẹn nhau vào lấy trộm. Vì tôi là người ngoài nghề, sợ tôi lỡ gây ra điều gì sơ suất, nên họ chỉ bảo tôi đứng ngoài nhận đồ, bởi thế nhà cửa họ Trần thế nào tôi không hay biết. Nếu hỏi họ tên ba người kia, thì ngươi cứ bịa ra họ tên mấy người ấy. Nhưng đã bịa ra thì phải nhớ cho kĩ, lần thứ hai không thể nói sai một chi tiết nào. Quan hỏi ngươi được chia những gì, thì ngươi chỉ nói được chia bốn đồng bạc thật. Nhất định quan không tin, ngươi nói đây là lần đầu tiên tôi nhập bọn, theo lệ thì không được chia nhiều, đây là luật giang hồ. Quan hỏi, những người kia hiện nay ở đâu, ngươi nói không biết. Lúc đầu cùng đến tụ tập tại trang trại nhà họ Chu ở Nam Hương, trang trại này có một người tên là Chu Tử Ngọc, mở cửa hàng tạp hóa lớn, phía sau là nhà ở, cửa hàng quay hướng nam. Đêm lấy trộm đồ, mọi người về nhà Chu Tử Ngọc, họ Chu đón vào, nhặt lấy mấy chiếc áo và giữ lại một nén bạc, còn bao nhiêu chia cho chúng tôi. Vì tôi được chia quá ít, có ý không bằng lòng, Chu Tử Ngọc còn chửi bới, nhiếc móc tôi, và nói rằng lần sau sẽ được chia thêm. Nếu quan hỏi cửa hàng như thế nào thì ngươi bảo cửa hàng nửa cũ nửa mới, quầy hàng bày gọn gàng khéo léo. Trong cửa hàng có bốn người làm thuê. Bước vào thấy có hai cửa trước và hai cửa sau, có ba gian nhà và hai gian nhà trống, chúng tôi đều tới đó ngồi. Đằng sau còn có một vườn rộng, phía tây là bếp, dưới đó là nhà xí phía đông là một cây du to, bên cây du là một chiếc nhà nhỏ đó là nơi thờ Quan âm, bên trong có một cái khám dặt tượng Phật. Tôi thấy Chu Tử Ngọc để những thứ ấy trên nóc khám. Nhà ấy có một bà trạc bốn mươi tuổi, và một đứa trẻ độ tám chín tuổi. Chu Tử Ngọc để râu, mặt rỗ hoa, tóc lưa thưa hói tận chỏm đầu. Còn tai bà kia có một cái sẹo to. Còn những đồ bày trong quầy hàng, không có liên quan nên tôi không nhớ rõ. Những điều trên ngươi phải nhớ kĩ, không được coi thường. Còn những việc khác ta đã sắp đặt xong xuôi cả rồi. Nếu quan bảo ngươi đi phát hiện tang vật, thì ngươi phải nhận lời ngay. Việc này ngươi làm tốt, thì sau này ta sẽ quan tâm đến ngươi. Chử Trung vừa nghĩ vừa vâng vâng dạ dạ. Bàn xong Chử Trung trầm ngâm hồi lâu, rồi đột nhiên hỏi: - Làm như vậy thì Chu Tử Ngọc phá sản ư? - Mặc xác hắn. - Ngô Lương cười nói. - Tôi chẳng sợ gì, chỉ sợ gây ra oan nghiệt. Ngô Lương nghe xong rất bực, nghiêm mặt hỏi lại: - Oan nghiệt thế nào được! Chử Trung thấy thế vội đánh trống lảng: - Nói thế thôi, kể gì oan với nghiệt. Ngô Lương đập bàn nói: - Tốt! Coi như ngươi đã hiểu rõ rồi. Ngươi đừng ngủ, hãy xem ta làm một việc. Chử Trung đành phải nghe theo. Ngô Lương bèn gọi dẫn một người vừa đưa tới. Cái Tứ lôi người ấy ra, rồi bắt quỳ xuống. Ngô Lương nói: - Đây có phải là người mà Phùng Lão Tam tóm được không? - Đúng ạ! - Cái Tứ nói. - Hôm nay đến công đường xét hỏi, đánh một trăm gậy, bảo giam ba tháng mới tha. Ngô Lương cúi xuống hỏi: - Ngươi phạm tội gì? Tên là gì? - Tôi là Từ Lão Bát, người huyện Đồng Thành. Vì nhà nghèo không sao sống nổi, lấy trộm một chiếc quần đã rách phơi ngoài sân, thì bị các ông bắt được. - Ngươi đã ăn cắp mấy lần? - Đây là lần thứ nhất. - Ta xem ra người là một tên trộm già đời, sao lại bảo là lần đầu! Cái chiêu bài ấy của ngươi đã xưa rồi, ngươi không thể che mắt được ta đâu. Ta khác hẳn với ngài quan huyện xét hỏi ngươi hôm nay. Ngươi phải khai thực với ta mới đúng, người thì có tình, nhưng pháp luật không có tình, chắc rằng ngươi hiểu được, ta không cần phải nói nhiều. Từ Lão Bát thấy nói thế, biết rằng không thể giấu được, đành phải khai qua một số vụ án mình đã gây ra. Thấy đây không phải là việc ở địa phương này, Ngô Lương không thèm để ý tới, nghiêm mặt nói: - Ta cho ngươi là một tay già đời quả không sai. Song ngươi đã đến đây cũng phải nói thế nào chứ! - Tôi cũng chẳng biết nói thế nào! - Khá lắm! Cái mồm ngươi chỉ biết ăn thôi ư? - Được ông cho ăn, tôi vô cùng cảm ơn. - Con mẹ mày chứ! Tao không mở hàng cơm, mà mở hàng cơm thì cũng phải trả tiền mới được ăn. Mày đừng giả vờ ngu ngốc, mày xảo quyệt cũng không được lâu. Người xưa nói, nhờ vào núi ăn núi, nhờ vào nước ăn nước, lại nói, chỉ có cá ăn nước, chứ nước không ăn cá. Chúng tao suốt ngày bận bã vất vả, kiếm tiền để nuôi mày ư! - Xin ông bớt giận, - Từ Lão Bát nói, - tôi đã hiểu rồi. Nếu tôi có tiền lẽ nào tôi lại đi ăn trộm! Quả tình tôi không có ăn nên buộc phải đi vào con đường này. Xin ông thương tình, sau này tôi sẽ hết sức báo đền ông. - Khá thật! Tiền ta không lấy mà để lại cho ngươi nợ, ngươi đừng tưởng bở. Ngươi có tiền cũng được, không có tiền cũng được, xem ra ngươi muốn quấy rầy ta. Ta không cần nhắc tới, vả lại ngươi có hiểu được luật vào cửa của ta không? - Tôi không còn cách nào khác, tôi là người nơi khác tới, còn như luật vào cửa phải thế nào tôi cũng xin theo, không dám nói gì. Ngô Lương giận dữ nói: - Được rồi! Được rồi để xem mày có phải thòi tiền ra không. Cái Tứ hãy dạy cho nó biết luật. Vào cửa có ba phép, không để sót phép nào, ngày mai ta sẽ tới. Nói xong Ngô Lương bỏ đi. Cái Tứ gọi Sử Đan tới. Sử Đan nói: - Đây quả là một tên cứng đầu, thế mà ta không nhận ra hắn. - Sao nó lại không biết, đúng là nó chỉ giả vờ ngu ngốc mà thôi. Anh đừng coi nó là người ngoài nghề, chúng ta hãy dạy cho nó biết. Nếu không được, chúng ta lại làm tiếp. Tuy nó chịu khổ nhưng chúng ta cũng rất vất vả. Cái Tứ nói với Từ Lão Bát: - Ông bạn là người trong nghề, đừng có giả vờ ngốc. Ngươi tưởng ngươi ranh mãnh, nhưng chúng tao cũng không phải là thằng ngu. Ngươi đã đến, nếu có thì bỏ ra, ngày rộng tháng dài bạn bè đánh chén mừng gặp mặt. Lẽ nào thầy phải cung đốn cho ngươi ăn ư? Nếu quả ngươi không có thật thì ngươi cũng phải nghĩ cách mà kiếm chớ, chả nhẽ anh em mình không giúp đỡ được nhau sao. Nếu anh cứ quẫn sĩu, nói suông như thế thì sẽ chịu đau đớn hơn những chiếc gậy nhỏ của quan lớn ở công đường. Ngươi lầm rồi hãy nghĩ lại đi. - Trời ơi, cái ăn thì đã ở trong bụng, cái mặc thì đang ở trên người, tôi xa nhà, tứ cố vô thân, cửa quan buộc tôi phải thu nhân tích đức, các ông thương tôi là tốt rồi. Cái Tứ nói: - Ngươi xem đấy, chúng ta nói nghiêm chỉnh, mà cái thằng nhóc này không biết yên thân. Chúng ta chẳng hoài hơi mà nói với nó nữa. Còn thằng này, mày không chịu nổi thì đừng có trách chúng tao. Nói xong bèn bước tới, đẫy Từ Lão Bát ngã xuống, Sử Đan trói chặt chân tay, rồi bước một chiếc thừng treo ngang lưng, đầu kia vắt qua xà nhà, rồi hai người ráng hết sức kéo ngược lên, treo Từ Lão Bát chổng mông lên trời, người rũ xuống, thừng buộc chân tay càng thít chặt. Lúc đầu còn có thể chịu đựng được độ hơn mười lăm phút sau đau đớn cứ kêu gào. Đầu Từ Lão Bát lơ lửng chẳng tựa vào đâu, dộng ngược xuống, xương cổ như sắp đứt. Từ Lão Bát khóc lóc, chừng một giờ họ mới thả xuống. Đúng lúc ấy thì Ngô Lương mang một chiếc túi bước vào, ngồi xuống nói với Chử Trung. - Chúng ta đi làm một việc. Việc chúng ta bàn, ngươi đã nhớ kĩ chưa? Không được quên. Ngày mai chúng ta gặp nhau. - Sau đó lại nói với Cái Tứ. - Ta giao Từ Lão Bát cho ngươi. - Ông cứ yên tâm. - Cái Tứ nói. Ngô Lương mang túi đi ra. Từ Lão Bát được thả xuống, chừng hai giờ mạch máu vừa hoạt động trở lại, Cái Tứ và Sử Đan lại trói Từ Lão Bát vào một chiếc ghế dài, song khác với lần trước là đầu chúc xuống, rồi đốt một đóm giấy, hun vào lỗ mũi. Chử Trung nghĩ bụng: "Đây không biết là trò gì" Lẽ nào làm như thế mà khó chịu ư?. Nào ngờ chưa đầy mười lăm phút, Từ Lão Bát không sao chịu nổi. Lúc đầu còn kêu van, về sau cũng chẳng van xin nữa mà cứ réo cả tam đại tổ tiên họ lên chửi. Cái Tứ và Sử Đan cũng mặc, như chẳng nghe thấy gì. Chử Trung lạnh cả gáy, song cũng nói cho Từ Lão Bát vài câu. Cái Tứ bèn hỏi Từ Lão Bát: - Có nói gì không? - Xin các ông thả tôi ra, tôi sẽ nói. - Thật là phí công. - Cái Tứ nói. - Lúc thì trói, lúc thì cởi, tốn cả thời gian. Ngươi nói thì nói đi, không nói thì lại hun, có thế thôi. - Nó chẳng bay đi đâu mà sợ? Để cho nó thử một chút. Nếu như nó vẫn thế, chúng ta không chơi kiểu này với nó nữa, mà hun bằng vỏ đay. Cái Tứ nghe theo. Chử Trung cũng tới giúp họ cởi thừng cho Từ Lão Bát. Lão Bát thở gấp một cái, vừa mới hoàn hồn, vừa khóc vừa nói: - Tôi hoàn toàn không phải giả vờ ngu ngốc, quả thực tôi không có tiền. Dù cho các ông có giết chết tôi thì cũng thế, nếu các ông có cách nào thì cứ bảo tôi, dù phải gieo mình xuống sông hay lao người vào đống lửa tôi cũng làm. - Ngươi đã nói thế, - Sử Đan nói, - ta cũng không thể nào từ bi bác ái được, ta sẽ cùng ngươi nghĩ cách. Chờ thầy về, người nói là người có mất tấm lụa, để tại cửa hàng lụa Vĩnh Thuận Hòa ngoài phố. Ta sẽ nói thêm cho ngươi mấy câu thì nhất định thầy sẽ cùng ngươi đi lấy. Tới đó ngươi đừng nói khác đi. Cho dù thầy có đánh chửi, ngươi cũng đừng nản chí, việc ấy cũng là giả thôi. Ấy là ta chỉ ra con đường sống cho ngươi. Từ Lão Bát nghe xong, tính toán một hồi rồi theo họ. Đến chiều hôm sau, Ngô Lương tay không trở về, Cái Tứ nói quả thực Từ Lão Bát không có tiền, chỉ có bốn tấm lụa, gửi lại hàng lụa Vĩnh Thuận Hòa, có thể lấy được. Họ nhìn nhau, hiểu ra ngay, và cũng không nói gì thêm. Ngày hôm sau Ngô Lương dẫn Chử Trung đi thú tội. Khi quan tới công đường, Chử Trung bước lên nói rành rọt theo đúng như Ngô Lương đã dạy. Quan huyện nghe thấy có nhà oa trữ, đang định cử người đi bắt, thì Ngô Lương quỳ xuống nói: - Con đi điều tra vụ án, nhiều lần nghe người ta nói nhà họ Chu có một nơi oa trữ. Nhưng dò hỏi không ra. Nay Chử Trung đã nói rõ ràng, xin mong ngài nhanh chóng cử sai nha mang lệnh bắt, nếu không e rằng biết được tin chúng sẽ tẩu tán mất. Nghe xong quan huyện gật gật đầu, lập tức cử bốn thân binh và bốn sai nha theo bổ sảnh đi phát hiện tang vật, bắt người. Chử Trung bị áp giải tới nơi oa trữ, nói sẽ thẩm vấn tiếp ở nơi cách thành không xa, bổ khoái dậy rất sớm, dẫn thân binh và sai nha đi cùng với Chử Trung, Ngô Lương tới trang trại nhà họ Chu, gặp địa bảo (lính bảo an địa phương), tới thẳng cửa hiệu nhà họ Chu, quát thét xông vào. Bọn người vào nhà thấy gì lấy đó, Chu Tử Ngọc thấy ồn ào chạy ra, Ngô Lương trông thấy tóm ngay, bảo bổ khoái khóa tay lại. Sau đó tới nóc khám tại nhà thờ Quan âm khám xét, quả nhiên thấy một túi, trong đó có gói quần áo và năm mươi đồng bạc thật. Nhà cửa, phương hướng trong cửa hàng đúng như Chử Trung nói. Họ vẽ ngay một bản sơ đồ. Bổ sảnh muốn đuổi những người làm thuê ra khỏi nhà, rồi niêm phong. Sau đó rất may có một giám sinh ra, nói là cửa hàng này có phần của ông ta, thế rồi không phải niêm phong nữa, chỉ niêm phong phòng ở. Vợ của Chu Tử Ngọc cũng bị khóa tay giải vào thành. Chỉ có đứa con chín tuổi, bỏ đi cũng chẳng ai hỏi tới, còn có một người chú họ xa cùng đi với gia đình Chu Tử Ngọc. Lần rắc rối này, không chỉ những đồ trang sức quý hiếm của Chu Tử Ngọc không còn mà ngay cả những quần nâu áo vải, tất cả đều không cánh mà bay. Ngay cả hai con lợn và mười con gà cũng mất. Chu Tử Ngọc khóc lóc, chẳng biết mình phạm tội gì, đành phải chịu xích tay theo mọi người vào thành.