Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 3
Chém Nhầm Thôi Ninh

Thông minh linh lợi bởi trời sinh
Ngờ nghệch ngu si tự hại mình
Đố kỵ thường vì nhìn thô thiển
Gầm ghè do bởi nói năng thâm
Chín khúc Hoàng Hà lòng hiềm trở
Mười lần giáp sắt mặt gớm ghê
Chỉ vì tửu sắc mà mất nước
Thường thấy thi thư hại người hiền.
 
Bài thơ này nói về cái khó của sự làm người, chỉ vì đường đời trắc trở, lòng người khó lường, đạo lớn đã xa, nhân tình trăm ngả. Ồn ào tất bật đều vì lợi lộc mà đến; ngu si ngốc nghếch mắc họa vào. Gìn giữ tính mạng và gia đình, gặp muôn vàn khó khăn trắc trở. Bởi thế người xưa thường nói: "Cười vì cười, chau mày vì chau mày", cười hay chau mày đều phải thận trọng.
Câu chuyện này kể về một người, chỉ vì sau khi uống rượu đã nói đùa mà dẫn đến tan cửa nát nhà, chết tới mấy nhân mạng. Trước tiên tôi dẫn ra đây một câu chuyện tạm coi là "hồi đầu đắc thắng".
Thời Nguyên Phong có một sĩ tử tên là Ngụy Bằng Cử, tự là Xung Tiêu. Mười tám tuổi Ngụy Bằng Cử lấy vợ, vợ anh là một người đẹp như hoa như ngọc. Vợ chồng lấy nhau chưa đầy một tháng thì gặp kì thi, Ngụy Sinh thu xếp hành lí, từ biệt vợ trẩy kinh ứng thí. Trước khi đi, vợ dặn chồng rằng:
- Thi đỗ hay không cũng liệu mà về cho sớm, đừng bỏ mặc người vợ ái ân ở nhà giường không chiếu lạnh.
- Hai chữ công danh vốn là niềm hi vọng của anh, - Ngụy Sinh đáp, nàng không phải bận tâm.
Ngụy Sinh từ biệt vợ lên đường vào kinh, quả nhiên thi đậu xếp thứ chín giáp bảng. Được vào kinh làm việc, chàng vô cùng sung sướng, viết cho gia đình một lá thư, sai người đón gia quyến vào kinh. Trong thư, Ngụy Sinh viết những lời thăm hỏi và việc mình được bổ nhiệm làm quan, cuối cùng viết thêm một dòng: "Ở kinh đô sớm chiều không ai chăm sóc, anh đã lấy một người vợ lẽ. Chờ nàng tới kinh đô, cùng hưởng vinh hoa phú quý". Người hầu cầm lá thư, đi một mạch về nhà, trước tiên chúc mừng phu nhân, rồi đưa thư cho bà. Phu nhân bóc thư xem, thấy chồng nói thế, bèn nói với người hầu rằng:
- Quan đã phụ tình, mới được làm quan mà đã lấy bà hai.
- Con ở kinh đô, - người hầu nói, - hoàn toàn không thấy việc này, chắc rằng quan chỉ nói đùa thôi. Phu nhân tới kinh đô sẽ rõ đừng bận tâm làm gì.
- Nếu anh đã nói thế, thì tôi tin anh.
Vì thuyền bè chưa tiện, người vợ vừa chuẩn bị lên đường, một mặt tìm người chuyển thư báo tin ở nhà vẫn bình an. Người mang thư tới kinh đô, hỏi thăm tới nơi ở của vị tân khoa Ngụy tiến sĩ, rồi đưa thư nhà, được Ngụy Bằng Cử đãi cơm no rượu say rồi ra về.
Ngụy Sinh nhận được thư, bóc ra xem, chẳng thấy nói chuyện phiếm, mà chỉ viết: "Chàng ở kinh đô đã lấy vợ lẽ, thì thiếp ở nhà cũng lấy một người chồng, sớm muộn sẽ tới kinh đô". Ngụy Sinh thấy thế chỉ cho là vợ nói đùa, hoàn toàn không để ý tới. Chưa kịp cất thư đi, thì được báo bên ngoài có một người bạn học tới thăm. Nơi ở chốn kinh kỳ không được rộng rãi như ở nhà, người ấy là bạn chí thiết, lại biết Ngụy Sinh không có người thân ở đó, đi thẳng vào nhà trong, chuyện trò thăm hỏi mấy câu thì Ngụy Sinh đi tiểu tiện, người bạn học ấy ngẫu nhiên lật qua nhũng giấy tờ trên bàn, thấy lá thư nhà viết đến buồn cười, cố ý đọc to lên. Ngụy Sinh trở tay không kịp, mặt đỏ như gấc chín, nói:
- Chẳng có gì đâu, vì tôi viết thư đùa nàng, nên nàng cũng đùa lại mà thôi.
Người ấy cười phá lên nói:
- Việc này đùa làm sao được.
Anh ta từ biệt ra về. Người này còn trẻ, thích đùa cợt, phút chốc nội dung bức thư đã loan ra khắp kinh thành. Cũng có một số người ghen tị vì Ngụy Sinh đỗ cao, đưa chuyện này thành một tin ngắn tai nghe mắt thấy, tâu lên triều đình, nói Ngụy Sinh trẻ tuổi không biết giữ gìn, không nên để giữ chức quan trọng, mà cho đi nhậm chức nơi xa. Ngụy Sinh hối hận - thì đã muộn. Về sau con đường công danh của Ngụy Sinh rất khó leo lên, bỏ lỡ mất niềm vinh hạnh, một bước đi ban đầu tốt đẹp. Đây chẳng qua chỉ là một câu nói đùa mà để mất một chức quan to.
Lại có một người cũng chỉ vì uống rượu, nói đùa mà làm liên lụy đến ba người. Tất cả phải bỏ mạng chỉ vì câu nói đùa.
Vì sao vậy? Có bài thơ làm chứng:
Đường đời lắm nỗi gian nan
Chỉ vì đua cợt mà oan có ngày
Vô tình mây trắng nào hay
Cuồng phong thổi bạt mây bay khôn cùng.
Thời Cao Tông định đô tại Lâm An, đây là nơi phồn hoa đô hội, không kém gì Biện Kinh xưa kia. Cạnh Tiễn Kiều có một người tên là Lưu Quý, tự là Quân Tiến. Ông bà tổ tiên vốn là người căn cơ nhưng đến đời Quân Tiến thời vận rủi ro. Đầu tiên cũng cắp sách tới trường, nhưng xem ra không học được bèn quay sang buôn bán, chẳng khác nào giữa đường cắt tóc đi tu. Khi mở hàng lại không biết nghề nên cứ lỗ lụi mất cả vốn liếng. Dần dần nhà to biến thành nhà nhỏ, thuê hai ba gian nhà, sống hòa thuận với người vợ là Vương Thị. Vì không có con nối dõi, nên lại lấy một người vợ lẽ họ Trần, đó là con gái của Trần Bán Bánh, người nhà thương gọi là Nhị Thư. Đây là việc xẩy ra khi gia cảnh chưa cùng quẫn. Ba miệng ăn cứ chòng chọc ở nhà. Lưu Quân Tiến vốn rất hiền lành, hòa nhã, được người làng yêu quý, đều gọi anh là Lưu Quan Nhân và bảo rằng: "Anh không gặp vận may nên mới trắng tay, sau này nhất định anh sẽ có ngày mở mày mở mặt". Nói thế thôi, chứ làm sao mà khá lên được. Anh chỉ buồn bã, chẳng có cách nào.
Một hôm đang ngồi chơi, thấy lão Vương, người nhà bố vợ, tuổi gần bảy mươi đến nói với Lưu Quan Nhân:
- Sắp tới ngày sinh nhật của Lão Viên Ngoại, ông cho lão sang mời anh chị tới dự ngày mừng thọ.
- Quả là tôi đang buồn rầu lo nghĩ, nên ngay cả ngày mừng thọ bố vợ mà cũng quên khuấy đi mất.
Thế rồi Lưu Quan Nhân cùng với vợ cả thu xếp áo quần bỏ vào túi, giao cho lão Vương mang đi. Dặn Nhị Thư trông coi nhà cửa:
- Tối nay có lẽ tôi chưa về được, tối mai dứt khoát tôi sẽ về.
Nói xong anh đi ngay. Nhà Vương viên ngoại cách thành hơn mười hai dặm, tới nơi, anh cũng chỉ chuyện trò thăm hỏi sức khỏe bố vợ. Hôm ấy khách khứa đông, chàng rể không thể nói hết cảnh khó khăn túng quẫn của mình. Đến khi khách ra về hết, bố vợ giữ anh nghỉ tại phòng khách. Sáng hôm sau, bố vợ mới chuyện trò với chàng rể:
- Anh Lưu này, anh không nghĩ ư, "miệng ăn núi lở”, "cuống họng sâu như biển" mà "ngày tháng tựa thoi đưa". Anh phải tính kế làm ăn. Tôi gả con cho anh cũng chỉ mong đời nó được cơm no áo lành, không đến nỗi khổ sở vất vả là được rồi.
- Thưa thầy, - Lưu Quan Nhân thở dài nói, - đúng là "lên núi bắt hổ dễ, mở miệng nói ra thì khó". Thời thế ngày nay liệu có ai thương con được như thầy đâu! Con gánh chịu khốn khó thôi. Nếu đi cầu xin người ta thì cũng hoài hơi mà chẳng ích lợi gì.
- Điều này thầy cũng chẳng trách con, - bố vợ nói, - thầy nghĩ rằng con đang lúc khó khăn, thầy giúp con ít vốn, mở bừa một cửa hàng bán gạo, củi, kiếm ít lãi mà độ thân, sao lại không được.
- Thế thì tốt quá, - Lưu Quan Nhân nói. - Con vô cùng cảm ơn thầy.
Ăn cơm xong, bố vợ lấy ra mười lăm quan tiền đưa cho Lưu Quan Nhân, nói:
- Anh Lưu, hãy mang số tiền này về chuẩn bị mở cửa hàng. Hôm khai trương thầy sẽ cho con thêm mười quan nữa. Vợ con hãy tạm ở đây ít ngày, hôm nào mở cửa hàng, thầy sẽ trực tiếp dẫn nó về, chúc mừng con. Ý con thế nào?
Lưu Quan Nhân cứ cảm ơn rối rít, rồi mang tiền về. Đến giữa thành thì trời gần tối, chợt nhớ tới người bạn thân, lại tiện đường qua nhà. Anh ấy lại là người kinh doanh, nên bàn bạc với anh ấy một chút thì tốt biết mấy. Thế rồi Lưu Quan Nhân gõ cửa, thấy có tiếng thưa, và người bạn ra mở cửa chào, rồi hỏi:
- Hôm nay có gì cần dạy bảo mà ông anh hạ cố tới đây?
Lưu Quan Nhân nói hết dự định của mình. Người ấy nói:
- Em đang chơi dùi ở nhà, khi nào anh cần em sẽ tới giúp.
- Thế thì tốt quát - Lưu Quan Nhân nói.
Lưu Quan Nhân nói hết nhưng dự định về công việc mình sẽ làm. Người ấy giữ anh lại, dọn cơm rượu mời anh. Uống với nhau vài ba chén, Lưu Quan Nhân tửu lượng kém, thấy người choáng váng bèn xin phép ra về, nói:
- Hôm nay quấy quả anh quá, sáng mai phiền anh sang nhà tôi bàn việc làm ăn.
Người ấy tiễn Lưu Quan Nhân ra tận ngõ rồi từ biệt về nhà. Nếu như người bạn ấy giữ anh ở lại thì sẽ không đến nỗi xẩy ra tai họa, song Lưu Quan Nhân mang tiền đủng đỉnh về nhà lúc ấy trời đã lên đèn, anh gõ cửa, vợ bé là Nhị Thư ở nhà một mình, không có việc gì làm, thấy trời tối, đóng cửa chong đèn ngủ gà ngủ gật. Lưu Quan Nhân gõ cửa thì vợ sao mà nghe thấy được. Gọi mãi chị mới lên tiếng, rồi đứng dậy mơ cửa.
Lưu Quan Nhân bước vào nhà, Nhị Thư cầm lấy tiền, đặt lên bàn, hỏi:
- Anh lấy ở đâu ra những ngần ấy tiền, định dùng số tiền làm gì?
Lưu Quan Nhân, một là đang chếnh choáng say, hai là tức với vợ vì gọi mãi mới mở cửa, lại muốn dọa vợ chơi, bèn nói:
- Nói ra sợ cô trách, dù không muốn cũng phải nói cho cô biết. Chỉ vì tạm thời không có cách nào khác, đành phải bán cô cho một người. Song vì rất thương cô nên chỉ bán với giá mười lăm quan tiền. Nếu sau này làm ăn khá lên, sẽ dùng tiền lãi chuộc cô về. Nếu như làm ăn không thuận lợi thì đành vậy thôi.
Người vợ bé không tin, song lại thấy mười lăm quan tiền đang sờ sờ trước mặt. Sao từ trước tới nay anh ấy không hề nói cho mình biết, chị cả được sống hạnh phúc, còn mình thì anh ấy lại lòng lang dạ sói, bán mình đi như thế. Chị cứ nghi nghi hoặc hoặc, đành hỏi lại:
- Nếu thế sao anh không nói với cha mẹ em một tiếng?
- Nếu nói với cha mẹ, thì việc ấy nhất định không xong.
- Ngày mai cô đến nhà người ta, rồi dần dà tôi sẽ nói cho cha mẹ biết, cha mẹ cũng không trách được.
- Hôm nay anh uống rượu ở đâu về thế? - Người vợ bé hỏi.
- Bán cô cho người ta, - Lưu Quan Nhân nói, - viết văn tự xong, uống rượu mới về.
- Thế chị cả sao không về? - Vợ bé lại hỏi.
- Vì chị cả không nỡ thấy cô phải bỏ nhà mà đi, ngày mai cô đi khỏi nhà mới về. Đây là hoàn cảnh bức anh phải thế, việc đã quyết rồi.
Nói xong anh bấm bụng cười thầm, để cả quần áo, ngả mình xuống giường rồi ngủ thiếp đi. Người vợ bé nghĩ rằng: "Chẳng biết anh ấy bán mình cho loại người nào. Ta phải về nói cho cha mẹ biết. Ngày mai người ta đến đòi mình thì phải đến nhà mình mới ngã ngũ”. Nghĩ ngợi hồi lâu, chị cầm lấy mười lăm quan tiền đặt vào phía sau lưng chồng. Nhân lúc chồng say, Nhị Thư rón rén thu xếp quần áo mang theo, rón rén mở cửa ra khỏi nhà, rồi lại khép cửa vào. Cô tới nhà một người láng giềng thân thiết là Chu Tam, nhờ vợ Chu Tam cho nghỉ lại một đêm, nói là:
- Hôm nay chồng em vô cớ bán em, em phải về nhà nói với cha mẹ. Phiền chị ngày mai nói với anh ấy một tiếng, đã có người mua thì người ấy phải cùng với chồng em đến nói với cha mẹ em biết.
Sáng hôm sau, người vợ bé từ biệt ra đi. Thật là:
Cá kia thoát khỏi lưỡi câu
Vẫy đuôi cút thẳng, ngoái đầu làm chi.
Lưu Quan Nhân ngủ tới canh ba mới tỉnh. Thấy đèn trên bàn vẫn sáng, không thấy vợ bé bên cạnh, cứ tưởng là vợ còn đang dọn dẹp dưới bếp, bèn gọi Nhị Thư lấy nước. Gọi mãi mà không thấy thưa, làu bàu, rồi lại ngủ thiếp đi. Không ngờ có kẻ xấu, ban ngày thua bạc, bí quá đêm ấy hắn đi khoắng một ít đồ vừa may hắn đi qua nhà Lưu Quan Nhân. Vì vợ bé bỏ đi cửa chỉ khép hờ chứ không cài then, tên trộm khẻ đẩy, cửa mở ngay. Hắn rón rén đi thẳng vào nhà, thẳng có ai hay biết.
Hắn tới bên giường, thấy sau lưng Lưu Quan Nhân có một bọc tiền, bèn rút lấy mấy quan. Không ngờ Lưu Quan Nhân giật mình tỉnh dậy, quát:
- Mày liều thật, tao mượn bố vợ được mấy quan tiền nuôi thân, mày lấy của tao thì tao sống vào đâu.
- Tên trộm chẳng nói chẳng rằng tống thẳng vào mặt. Lưu Quan Nhân né người tránh, đứng dậy chống cự. Tên trộm thấy Lưu Quan Nhân tay đấm chân đá bèn bỏ chạy. Lưu Quan Nhân không buông tha, đuổi tới bếp, định kêu làng xóm dậy bắt. Tên trộm cuống lên, bí quá, thấy chiếc búa bổ củi sáng loáng bên cạnh. Đường cùng, hắn cầm búa bổ vào mặt Lưu Quan Nhân ngã vật xuống, hắn lại bồi thêm một nhát nữa, Lưu Quan Nhân chết hẳn. Tên trộm nghĩ: "Một là sống, hai là chết, ngươi đã đuổi ta, buộc ta phải giết, chứ không phải ta đến để giết ngươi". Thế rồi hắn trở vào phòng, lấy mười lăm quan tiền, xé chiếc chăn đem gói chặt lại, rồi hắn khép cửa ra khỏi nhà.
Sáng sớm hôm sau người láng giềng tỉnh dậy, thấy cửa nhà Lưu Quan Nhân để ngỏ, nhà lại im ắng, liền gọi:
- Lưu Quan Nhân, sáng rồi!
Không ai thưa, người láng giềng bước vào nhà thì thấy Lưu Quan Nhân đã bị bổ chết. Hai hôm trước vợ cả về nhà mẹ đẻ, vợ bé cũng không thấy, họ tri hô lên. Chu Tam người láng giềng mà đêm qua cho vợ bé của Lưu Quan Nhân ngủ nhờ chạy sang, nói:
- Tối qua vợ bé Lưu Quan Nhân ngủ nhờ nhà tôi, chị ta nói là, Lưu Quan Nhân vô cớ bán chị, chị phải về nhà mẹ đẻ, và còn bảo tôi nói với Lưu Quan Nhân là nếu bán cho người khác thì cùng với người ấy đến nói với cha mẹ chị cho ra nhẽ.
Bây giờ một mặt phải cử người đuổi theo bắt chị ta về thì mới biết rõ sự thực, một mặt phải báo cho người vợ cả về rồi mới phân xử.
- Ông nói phải. - Mọi người nói.
Thế rồi họ tới báo tin dữ cho Vương viên ngoại. Được tin, Vương viên ngoại và con gái òa lên khóc, nói với người ấy rằng:
- Hôm kia Lưu Quan Nhân về, lão đã cho mười lăm quan tiền làm vốn, sao lại bị giết như thế?
- Ông và chị ạ! Tối hôm qua Lưu Quan Nhân về thì trời đã khuya, uống rượu say, chúng tôi cũng không biết anh ấy có tiền, về sớm về muộn thế nào. Chỉ thấy sáng nay cửa nhà Lưu Quan Nhân để ngỏ, mọi người đẩy cửa bước vào, thì thấy Lưu Quan Nhân chết gục dưới đất, mười lăm quan tiền mà ông bảo cho chẳng còn một đồng nào, vợ cũng biệt tăm biệt tích. Tri hô lên thì Chu Tam mới chạy tới, nói là tối qua vợ bé anh ấy tới ngủ nhờ, chị ấy nói rằng Lưu Quan Nhân vô cớ bán chị ấy cho người khác, chị ấy phải về nói với cha mẹ. Ngủ ở đó một đêm, sáng dậy ra đi. Bây giờ mọi người cho rằng phải báo cho ông và chị cả biết, và cho người đuổi theo người vợ lẽ. Nếu như giữa đường không tìm thấy thì đến thẳng nhà bố mẹ đẻ, thế nào cũng tìm được chị ấy về hỏi cho ra nhẽ. Xin ông và chị phải về nhà ngay, để lo liệu cho Lưu Quan Nhân.
Vương viên ngoại và vợ cả Lưu Quan Nhân vội vàng chuẩn bị lên đường, sai người dọn cơm rượu mời người tới báo tin, rồi ba chân bốn cẳng về ngay thành.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết