Có bài từ theo điệu Tây Giang nguyệt rằng: Càn khôn cuồn cuộn sóng biển, Nhật nguyệt vằng vặc đưa thoi, Phúc Thiên, họa dâm khó lòng thoát, Người nên biết lỗi sửa sai. Giàu sang đời trước đã định, Có, không chẳng tự bôn ba, Từ nay yên phận dưỡng tính hòa, Người lành được vui mãi mãi. Khúc Tây Giang nguyệt này nói tới một câu chuyện lạ kỳ chép trong bộ sách lạ kỳ của Trung Quốc. Từ khi vua Khang Hy lên ngôi, sông trong biển lặng, ngũ cốc được mùa, muôn dân vui sướng, nước ổn dân yên. Ở một ngõ đầu tiên qua cổng chào Đông Đơn cửa Sùng Văn có nhà một danh sĩ họ Bành, tên Định Cầu, sau đổi thành Bành Bằng, tên chữ Hữu Nhân. Cha là Đức Thọ làm quan ở kinh đô nhưng mất sớm, mẹ họ Diêu cũng qua đời. Vợ là Mã Thị tính hiền thục lại thông minh. Bành Bằng quyết chí học hành, nhà cũng đủ ăn. Năm Khang Hy thứ 39 (1700), đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn, được bổ tri huyện huyện Tam Hà. Ngày hôm ấy người đưa tin tới nhà báo tin vui, gia nhân là Bành Hưng vào thưa với chủ: - Có người đem tin vui tới nhà báo cho lão gia biết đấy ạ! Bành Công thưởng cho người báo tin vui hai lạng bạc tốt, sau đó đến lạy chào thầy, chào các bạn cùng đỗ, bận rộn suốt mấy ngày. Ngày hôm ấy mọi việc đã xong, Bành Công cho gọi viên quản gia già là Bành An đến trước mặt, bảo: - Bành An, nhà ngươi tuổi gần thất thập nhưng còn khỏe mạnh. Ta nay sắp đi nhận chức, để ngươi ở lại trông coi việc nhà mọi việc trong ngoài người phải lưu tâm lo việc. Ngày mai ta đi thăm mộ, tế nhà thờ họ, bái liệt tổ tiên, định đến ngày kia thì khởi hành. Ngươi hãy thu xếp hành lý cho ta. Ta đem theo một mình Bành Hưng, người khác không dùng đến. Ngươi gọi hắn lên đây. Bành An lui ra, gọi Bành Hưng vào. Bành Hưng tới trước mặt, nói: - Nô tài xin chúc mừng lão gia. Bành Công nói: - Ngươi thu xếp hành lý đi, ngày kia cùng ta lên đường. Bành Hưng đáp: - Nô tài biết rồi ạ! Bành An bảo: - Cháu đi mua ít đồ cúng đi! Bành Hưng đáp: - Vâng. Hai người đi ra, Bành Công tới phòng phu nhân, nói: - Tôi chịu ơn hoàng thượng trao cho chức huyện lệnh huyện Tam Hà. Đấy là nơi vất vả, tôi không thể đưa bà đi cùng. Việc trong nhà, tôi nhờ bà để tâm thu xếp. Sau khi đến nơi nhận chức rồi, có thế nào tôi sẽ sai người về đón bà. Phu nhân Mã Thị là người hiểu tam tòng tứ đức cùng bảy điều phải giữ chữ trinh, chín điều phải giữ tiết liệt, nên vừa nghe chồng dặn đã nói: - Xin lão gia cứ yên tâm, thiếp cũng không thể theo lão gia đi được. Hiện nay thiếp đang thai nghén, đợi sau khi sinh nở xong thì báo tin mừng cho lão gia là được rồi. Phu nhân nói xong, cô hầu Thu Hương thưa: - Cơm tối đã xong rồi, lão gia ăn ở đâu ạ? Bành Công đáp: - Ở đây ta cùng ăn với phu nhân. U già Lưu Thị cùng Thu Hương dọn cơm ra, vợ chồng Bành Công ăn cơm xong, tối hôm đó không có chuyện gì. Sáng hôm sau, Bành Hưng vào thưa: - Nô tài đã mua xong đồ cúng, mời lão gia tới thăm mộ. Bành Công dùng cơm sáng xong, mang theo Bành Hưng ra khỏi thư phòng, tới ngoài cổng thì lên xe. Bành Hưng dắt ngựa, ra khỏi thành tới phần mộ. Người coi mộ đón tiếp lão gia, chào hỏi và chúc mừng Bành Công. Bành Công xuống xe nhìn xem, thấy các nơi cây cối đều ngay ngắn, bèn sai bày đồ cúng, đốt nhang cầu khấn, thầm khấn rằng: - Trên có tổ tiên, con là Bành Bằng cúi lạy tổ tiên phù hộ; nhờ ơn đức thánh thượng, con được trao chức huyện lệnh huyện Tam Hà, nay con đến lạy tổ tiên và xin bái biệt. Nói xong vái tám vái. Lễ mộ xong, người coi mộ tới nói: - Nô tài đã chuẩn bị trà ở nhà trên, xin mời lão gia uống trà. Bành Công tới nhà trên ngồi xuống, gọi người coi mộ tới, nói: - Ta sắp sửa đi nhận chức, ngươi hãy trông nom phần mộ cho tốt và sửa sang cây cối. Người coi mộ tên là Lai Thuận, nói: - Nô tài xin tuân lệnh. Bành Công thưởng cho Lai Thuận tám lạng bạc tốt, sau đó lên xe về nhà. Tới nhà, Bành Công xuống xe, vào thư phòng. Bành An đến nói: - Bẩm lão gia, nay có Viên ngoại lang bộ Lại là Thụy Tam lão gia và Tát Đại lão gia đến chúc mừng lão gia và tiễn đưa, có để lại mấy thứ như trà và bánh điểm tâm, nói rằng sáng sớm mai còn đến tiễn chân nữa. Bành Công nói: - Ta biết rồi! Nhưng Bành Công thầm nghĩ: "Thụy Tam đệ là một người bạn tri kỷ của ta, ta đang muốn gặp ông ấy, nhờ ông ấy trông nom giúp việc nhà. Một khi ta đi nhận chức là phải tận tụy với nước, trừ hại cho dân, trên báo ơn vua, dưới làm dân được yên vui, cắt bỏ cái ác cho người lương thiện được sống yên. Nam tử hán, đại trượng phu đã sinh ra ở đời, ắt phải làm nên sự nghiệp oanh liệt để lưu lại tiếng thơm đến nghìn xưa". Trong lúc suy nghĩ thì trời đã muộn, bèn về phòng an nghỉ. Ngày hôm sau trở dậy, gia nhân vào báo: - Thụy Minh lão gia đã đến, hiện đang ngồi trong thư phòng đợi lão gia. Bành Công nói: - Ta biết rồi! Nói xong tự đi đến thư phòng, nhìn thì thấy Thụy Minh mặc quan phục càng thêm oai nghiêm. Ông này mình cao bảy thước, tuổi gần tam tuần, mặt vuông, mày dài mà thanh tú, hai mắt tinh nhanh, mũi thẳng, mồm vuông, mặc hộ quần áo lụa Ninh màu lam, áo bào đơn có hình rồng cuộn, trùm bên ngoài là áo ngắn lụa hồng thanh may riêng cho quan ngũ phẩm, đầu đội mũ quan, chân dận đôi giày cao cổ bằng đoạn đế trắng. Vừa thấy Bành Công, ông ta đã đứng lên. Hai người hỏi thăm sức khỏe của nhau rồi Thụy Minh nói: - Đại ca được nhận chức ở Tam Hà, đệ xin đến chúc mừng. Bành Công nói: - Hôm qua được huynh hậu tặng, chưa được cảm ơn tận mặt. Nay tôi đang muốn đến phủ thì lại được huynh chiếu cố đến nhà. Hai ta là bè bạn tri kỷ, không cần phải khách sáo. Tôi vốn định hôm nay lên đường nhưng công việc trước sau chưa làm được hết. Tôi còn có một việc muốn nhờ, ấy là việc trong nhà, mong huynh thường xuyên để ý. Tôi lên đường cũng không ngồi xe của nhà mà thuê hai con lừa cưỡi cho thuận tiện. Thụy Minh biết Bành Công là người thanh liêm, trong nhà cũng không giàu có gì, bèn tặng hai chục lạng bạc để đi đường. Bành Công cũng không chối từ. Hai người ăn cơm xong thì Thụy Minh đứng dậy cáo từ. Hôm sau nữa Bành Công mới đem theo văn bằng, thu xếp hành trang, trước hết thuê một cái xe ra cửa Triều Dương, bảo Bành Hưng thuê hai con lừa. Trả xong tiền xe, chất hành lý lên hai con lừa rồi chủ tớ cưỡi lừa theo đường cái mà đi về phía trước. Đi được hơn hai mươi dặm thì đến Tam Giang Phòng, thấy ở phía bắc đường có một quán rượu, cờ rượu treo cao, thêm biển quán trà, hướng chính bắc là năm gian nhà trên, phía trước dựng rạp, chủ tớ bèn xuống lừa. Bành Hưng buộc lừa rồi cùng lão gia vào ngồi trong quán trà. Người hầu trà mang ấm và chén tới, nói: - Hai vị vừa mới tới, có mang trà theo không? - Có trà đây rồi! - Bành Hưng đáp. Bèn lấy trà trong túi ra bỏ vào ấm pha một ấm trà. Bành Hưng rót cho chủ một bát rồi rót cho mình. Đang uống chợt thấy hai người xuống ngựa trước quán rồi đi vào gọi trà uống. Người đi trước tuổi chừng ngoài đôi mươi, mặc bộ quần áo bằng lụa màu lam, chân đi đôi giầy ống bằng đoạn xanh, tay cầm roi ngựa, ngồi vào bàn phía tây, gọi: - Hầu trà đâu, mau mang trà tới đây. Hai chúng ta uống xong còn phải vào trong cửa Tề Hóa mua mấy thứ. Hầu trà vội vàng tươi cười chào: - Hai vị đại gia vừa mới tới ạ! Nói rồi đưa một ấm trà to tới nói: - Trà vừa mới pha, xin mời hai vị dùng. Hai người kia uống liền hai bát rồi bảo: - Thôi chúng ta đi đây! - Hai vị lên đường ạ! - Hầu trà đáp. Bành Hưng hỏi hầu trà: - Sao họ không trả tiền mà nhà anh còn cung kính thế? - Anh bạn không biết đó thôi, hai vị này là quản gia Vũ gia trang ở huyện Hương Hà đấy. Vị chủ nhân trang ấy nổi danh khắp tám huyện miền Đông, chẳng ai không biết. Ông ấy tên Vũ Khuê thuộc Bao Y Kỳ(l) trong Vương phủ Thần Lực, biệt hiệu là Phi Thiên Báo Vũ Thất Thái Tử. Nhà có hai trăm khoảnh ruộng tốt, luyện được đầy mình võ công, Trương quyền đánh ngắn, đao thương côn bổng thứ gì cũng tinh thông, thu nhận vô số môn đồ. Chỉ có một điều không hay là chuyên kết giao với anh hùng lục lâm. Ngày mồng năm tháng Năm năm nay mở hội lớn ở miếu Bà chùa Lý Giang tại Trương Gia Loan, ông Bảy Vũ mời khách đi chơi hội. Hai người vừa nãy tên Vũ Hưng, Vũ Thọ là gia nhân nhà ấy. Ông Bảy Vũ là anh hùng khinh tài trọng nghĩa, năm nay hội miếu náo nhiệt lắm, sao hai vị không đi xem? (1) Bao Y Kỳ: một trong tám tổ chức quân đội và biên chế hộ khẩu của dân tộc Mãn. (ND). - Chúng tôi đang định đi đây! - Bành Công nói. Trả tiền nước xong, Bành Công cùng Bành Hưng nhảy lên lừa theo đường cái. Đến Thông Châu thì dừng lừa, hai thầy trò ra cửa Nam môn, Bành Hưng gánh hành lý, Bành Công theo sau. Qua Trương Gia Loan, đến đầu thôn chùa Lý Giang, thấy người buôn bán đi hội miếu đông lắm, chiêng trống rầm trời. Các loại trò thì có trò cưỡi ngựa, trò ảo thuật, hát tích sử, xem bệnh, bói toán, thôi thì đủ mọi cách kiếm tiền, người đứng xem xúm xít. Chủ tớ đang định đi tiếp thì thấy phía nam có một quán trà dựng bằng chiếu cói, trong quán có sáu bảy chiếc bàn bát tiên, có chừng hơn hai chục người đang ngồi uống trà, đều là người đi xem hội, trẻ già đều có. Bành Công thấy khát, vào ngồi trong quán gọi một ấm trà. Chủ tớ đang uống trà, chợt nghe một khách uống trà bên cạnh nói: - Trò hôm nay hay lắm nhưng không xem được vì người quá đông. Lại một ông già nói: - Chùa Lý Giang hương khói trăm ngàn năm nay, những năm nay không chừng xảy ra chuyện. Một người trẻ tuổi nói thêm: - Ông Bảy Vũ ở Vũ Gia Trang đến đây chơi hội cùng các bạn bè. Tuy ông Bảy là người tốt nhưng bọn thủ hạ làm bậy lắm. Lại còn tay chủ hiệu Tả Bạch Kiểm ở Hạ Điếm nữa, tay này là chủ hiệu lương thực cung cấp cho vua thuộc phủ Dụ Vương, hôm nay cũng đem theo một số người đua ngựa ở mé bắc kia. Hắn có một người cháu họ xa là Tả Khuê, tên hiệu là Tả Thanh Long đem theo toán phỉ quấy phá hung hãn, dám cướp đàn bà con gái nhà người ta. Nay người của cả ba huyện đến đây xem hội, huyện ta này, huyện Hương Hà này, lại cả huyện Thông Châu nữa. Ông già nghe xong, bảo: - Thế quan huyện Tam Hà bị Tả Thanh Long làm hư rồi sao? Một ông già khác gạt đi: - Người anh em nên nói ít chuyện thị phi đi. Thường có câu: "Lời nào vô ích đừng nên nói, Việc chẳng liên quan ít hỏi tra, Chớ quản sương kia rơi mái khác, Hãy lo quét tuyết mái nhà ta". Người xem hội rất đông, lời tôi nói có đúng không nào? Chủ tớ họ Bành đang nghe đến hồi hay thì người trẻ tuổi bị ông già nói cho mấy câu liền không nói nữa. Bành Công đành trả tiền trà rồi thầy trò ra khỏi quán. Vừa hay trước mặt có người đi đến, người này thân cao chín thước, vai rộng lưng tròn, trên người mặc chiếc áo trắng dài, trong mặt bộ quần áo lót bằng vải màu lam, giữa là chiếc áo lụa cùng màu, giày xanh tất trắng, tay cầm chiếc quạt lông, mắt to mày rậm, hai mắt long lanh, mồm vuông, vẻ mặt hung ác, đi theo sau có đến hơn hai chục người, đều mặt mũi dữ tợn, nổi hằn cơ thịt. Bọn chúng mặc quần áo hoa màu tía, chân dận giày ống bằng vải mỏng màu xanh, không ra dáng con nhà lành, theo tên chủ trẻ vào hội miếu. Chủ tớ họ Bành đi theo sau. Chợt trước mặt có một thiếu phụ trẻ trông chừng ngoài đôi mươi đi tới, cao sáu thước, đầu chải bóng mượt, cài trâm đeo hoa bằng vàng, mái tóc giắt bông hoa hải đường, mặt tựa hoa đào, mắt hạnh mày liễu, răng trắng môi son, mình mặc chiếc áo ngắn bằng lụa tuyết thanh, trên lụa trang trí nhiều đường ngang dọc, áo nền màu xanh nhạt, áo giữa màu phấn hồng, đôi gót sen đi giày bằng đoạn màu hồng trên thêu đôi bướm, vai gánh một gánh hoa tứ quí, tay dắt thằng bé chừng tám chín tuổi. Thằng bé tết bím lệch sang một bên, mình mặc áo xanh lam, chân đi đôi giày đế mỏng bằng đoạn xanh lục, tay cầm chiếc quạt tròn, cười hì hì đi theo người thiếu phụ. Dáng đi của thiếu phụ lộ vẻ phong lưu, thật đúng là: Mặt hoa lê nhàn nhạt, Eo dương liễu thon thon, Xinh tươi tô điểm thắm môi son, Quả thật phong lưu thanh tú! Đám người kia thấy thiếu phụ phong lưu xinh đẹp nhường ấy thì anh chen tôi lấn, đổ xô về phía trước. Thiếu phụ nói: - Đừng chen nữa, xô vào người ta rồi! Người trẻ tuổi mặc áo dài trắng dắt theo lũ vô lại vẫn cố ý chen người thiếu phụ. Chủ tớ Bành Công thấy vậy, nghĩ thầm: “Người đàn bà này cũng không nền nếp. Trang điểm thế kia là ít được dạy dỗ, chẳng trách đàn ông bám theo. Bọn kia xúm lại như thế, còn ra thể thống gì nữa!". Trong bọn ấy có một người họ Trương tên Hoằng, biệt hiệu là Thám Hoa Lang Tiểu Hồ Điệp, là quản gia cho Tả Thanh Long Tả Khuê ở Hạ Điếm huyện Tam Hà, cũng đem thủ hạ đi chơi hội. Cùng đến với hắn có tên Hồ Thiết Đinh là loại hư đốn từ lúc còn trứng nước. Thấy đàn bà nào xinh đẹp hơn người, bọn chúng bèn dựa thế chủ, hoành hành mặc sức, bắt nạt người lành cướp bắt phụ nữ, gian dâm đùa cợt, không điều gì mà không dám làm. Hôm nay thấy thiếu phụ này, bọn chúng hùa nhau chen lấn. Nghe thiếu phụ nói "Đừng chen nữa" với giọng thỏ thẻ càng khiến chúng say mê. Tên Thai Lý Hoại(1) Hồ Hắc Cẩu nói một tràng tiếng lóng, có nghĩa là: “Anh em hãy ngoảnh lại nhìn kìa, con bé vừa xinh vừa trẻ, lại không có chồng cùng đi thử hỏi xem nhà nó ở đâu”. Chủ tớ Bành Công đều không hiểu vì đó là tiếng lóng của bọn giang hồ. Trương Hoằng thấy thiếu phụ kêu đừng chen lấn, hắn liền nói: - Sợ chen thì ở nhà, đừng đi chơi hội nữa. Người đông như thế này, không chen sao được? (1) Thai Lý Hoại: hư hỏng từ trong thai, biệt hiệu của Hồ Thiết Đinh, cũng gọi là Hồ Hắc Cẩu (chó mực). (ND). Bành Công nghe hắn nói thế, liền lên tiếng: - Làm người cũng nên có lòng tự tôn. Nhà ai chẳng có đàn bà con gái? Làm việc nên theo lẽ trời, nói lời phải thuận lòng người mới được! Trương Hoàng nghe xong, tức lắm hỏi lại: - Cô ta là thế nào với ông? - Tôi không quen người ta, tôi chỉ khuyên chú không nên chen thôi! - Bành Công đáp. - Nói thối lắm, Trương đại gia đây không cần ngươi khuyên bảo. Người đâu, trói nó cho ta, đem về trang trại xử lý.