Giữa lúc người đàn bà đang lo lắng, bỗng thấy có người điệu lên xét hỏi. Mấy hôm trong tù, lão mù như một con chó, mặt tái nhợt cắt không còn giọt máu. Người đàn bà thấy dữ nhiều lành ít không dám nói thẳng với chồng, nước mắt lưng tròng. Liếc nhìn người quỳ cạnh mình, nhận ra Phó Tứ Quan, người bán vải dạo nọ, thị giật mình, nhưng vẫn không biết duyên cớ gì. Chẳng lẽ số vải ấy là do hắn ăn cắp bán cho mình, bây giờ lại kiện vì bán rẻ chăng? Thị nghĩ bụng: "Thôi cứ để nhìn thấy vải hãy hay”. Thẩm Công nói: - Mụ kia, hãy khai rõ từ khi lớn lên và đi lấy chồng tới nay. - Con là Trâu Thị, - người đàn bà nói, - chồng trước chết, sau đó về làm dâu nhà họ Lý. - Ngươi chủ mưu giết người, - Thẩm Công nói, - hãy khai ngay, bạc mua vải hãy còn đây. Người đàn bà ấp úng, nói quanh co. Thẩm Công gọi người giúp việc kẹp mụ lại. Người đàn bà bị kẹp, vừa khóc vừa nói: - Không phải con chủ mưu, từ nhỏ con được cha dạy bảo. - Nói bậy. - Thẩm Công nói. Thế rồi ông lệnh kẹp chặt hơn, người đàn bà đau đớn, nói: - Không phải do con, mà là cậu con dạy con. - Mày tham của, giết người chôn tại nhà, - Thẩm Công giận dữ nói. - Còn đổ tội bừa cho người thân thích, còn gì hãy nói mau. - Bẩm quan, - mụ đàn bà nói, - cậu con và cha con không biết lấy bao nhiêu của, giết bao nhiêu nhân mạng. Xin quan hãy truy nã họ. Con chỉ là đàn bà, vì yêu quý người thân con mới làm như thế, xin ngài tha cho. - Cha ngươi là ai, - Thẩm Công hỏi. - Cha con là Trâu Đoản Hồ, - người đàn bà nói, - là tướng cướp nổi tiếng. Cậu con là Vưu Bảo Quan cũng là kẻ cầm đầu một bọn cướp khác. Hai toán cướp này đêm đêm thường tụ tập thành một toán để đi cướp, trong đó còn có một số tên trộm vặt không biết cướp của giết người. Xin ngài hãy tháo kẹp ra con xin khai rõ ràng, tỉ mỉ. Gã tù nhân mù, thấy vợ nói thế rất mừng, không kìm nổi, chỉ chửi thầm: - Đồ lừa dối xấu xa, nói in ít chứ, không khéo mà tuôn ra hết! Thẩm Công nói: - Hãy nới kẹp ra. Rồi ông quát lớn: - Chỉ còn thiếu một người, ngươi còn giấu ta, hãy đánh chết nó đi! Nói xong ông cầm bút viết. Người đàn bà nói: - Con xin khai hết sự thật, chỉ mong ngài tha đánh. Thưa ngài, cha con tên là Trâu Đoàn Hồ, chuyên giết người. Năm nay cuộc sống khó khăn, giết được mười sáu người. Ngươi giết trước đó thì không sao tính xuể. Nay đã năm mươi tám tuổi, trú tại chiếc lều phía bắc làng Hương Bích. Bọn tay chân gồm có: Dương Lạp Lê, Hồ Hỏa chuyên cầm gậy đi đầu, vào nhà cướp bóc, được bao nhiêu họ chia đôi; Bì Họa Mi, giỏi đào tường khoét ngạch, trước tiên bắt trộm chó, rồi sau mới ra tay trộm của cải. Hắn luôn giả chết để đánh lừa người. Lục Cửu Bá, có sức khỏe nâng ngàn cân, chuyên đốt nhà, buôn bán phụ nữ. Đào Tiểu Ngữ biết bay lên hiên, vọt qua tường, ngày đêm chỉ uống rượu; Cường Tao Ôn chuyên tụ tập cướp bóc; Man Đầu Lục đánh người không để lại dấu vết; Lạn Thoái Đinh chuyên đi cướp vàng bạc, không để sống sót một người nào; Võng Câu Quỷ, chuyên thiêu người, đánh đai sắt vào đầu; Quang Đả Quang, vốn là một hòa thượng, giỏi leo thang dây; Miết Kỳ Tôn, chột mắt, giỏi khoét gạch; Du Ngũ, người đen xạm, giả vờ đi bán dầu, chuyên dò la tin tức, cũng cần phải bắt. Ngoài ra còn có một số tên trộm vặt như Thố Toán, Vương Tam chuyên cắt túi người đi đường. Chương Hà Quải chuyên bắt trộm gà. Lại còn có Chu Thư Phu, Lý Thân Gia, Hồ Lục Quan, Giả Biểu Thúc phần lớn là anh em với cậu con. Cậu còn có bốn năm người hầu lúc nào cũng bên cạnh như Tào Giả Ty, Kê Nhi Hoàng, Nồng Bão, A Dậu, Thúc Hỏa Đồng. Những người này rất giỏi, đêm đêm lần mò giết người cướp của, không biết bao nhiêu mà kể. Thẩm Công ghi xong, đọc đi đọc lại, đối chiếu từng dòng, lấy bút đánh dấu từng tên một. Quả nhiên không sai một chữ. Rồi hỏi: - Ngươi làm sao mà nhớ được những tên này? - Từ hồi nhỏ, - mụ đàn bà nói, - con ở nhà. Những lúc rỗi rãi, thường cùng mẹ đếm chơi, không thể nào quên được. Sau đó gọi A Long tới hỏi: - Người khách họ Ngụy bị giết như thế nào? - Con ở ngoài canh cửa, - A Long khai, - không biết họ giết chết thế nào, con có giúp họ đào hố chôn người. Thế rồi Thẩm Công cho tay chân lột hết quần áo đánh mỗi đứa bốn mươi gậy, giam vào ngục. Kiểm kê toàn bộ gia sản của tên mù, giao toàn bộ cho Ngụy Quan Thọ. Thẩm Công rút ra một tờ trát, đưa cho Tào Thăng. Ngày hôm sau dẫn khổ chủ Ngụy Quan Thọ đến nhà Lý Tâm Sở đào xác. Xác Ngụy Ngọc Phủ vẫn còn nhận được mặt. Phó Tứ Quan khóc rống lên, rồi mua quan tài khâm liệm, chôn cất cúng bái. Thẩm Công thương Quan Thọ còn bé, không thể xa mẹ, nên không cưỡng ép nó. Phó Tứ Quan rửa nỗi oan ức cho bạn, được quan trên ban thưởng. Gã mù họ Lý, Trâu Thị bị kết tội. A Long còn ít tuổi, nghe theo lệnh chủ, nên được Thẩm Công tha tội. Mặt khác lại cho người báo cho Từ Lang Trung đến nhận thi thể Ô Tam. Những tên cướp mà Trâu Thị khai ra, Thẩm Công sai tay chân chiếu theo danh sách bắt cho bằng hết, tra hỏi từng tên, rồi giải lên cấp trên. Thời ấy nạn trộm cắp bị quét sạch, dân chúng vô cùng cảm động. Có thơ rằng: Nước an, lòng trời thuận. Quan tốt, dân không oan. Xin chớ làm điều ác. Hãy ngẩng nhìn trời xanh.