Diễn Tộ tìm được Hoàn Lang, vui mừng không sao kể xiết, lên đường về ngay nhà. Nghi Nam mừng quýnh, bế bổng Hoàn Lang nước mắt giàn giụa. Trước đây vì thương nhớ con, Nghi Nam đau ốm luôn, nay Hoàn Lang đã trở về Nghi Nam dần khỏe trở lại. Song vì Hoàn Lang ở nhà họ Hầu bị hắt hủi, no đói thất thường, lại phải đi xa nên bị ốm. Diễn Tộ mời thầy thuốc về chữa chạy, Hoàn Lang mới dần dần hồi phục. Thầy thuốc lại kê cho một đơn thuốc, bảo Diễn Tộ hoàn tán thành viên nhỏ cho Hoàn Lang uống dần. Theo lời, Diễn Tộ đến hiệu thuốc của Tất Tư Hằng mua thuốc. Vốn là Diễn Tộ tuy có biết Tất Tư Hằng, nhưng không thân quen, đơn thuốc giá hai lạng bạc, Diễn Tộ giả nhầm thành ba lạng. Tư Hằng thấy thừa trả lại một lạng. Diễn Tộ tạ ơn nói: - Thật là quý hóa, hiếm có người nào tốt như ông. - Nay tôi trả lại ông một lạng, - Tư Hằng nói, - có gì lạ lắm đâu! Trước đây tôi mang mười lăm lạng bạc đi mua thuốc, nhưng để quên ở quán trọ. Hai hôm sau mới đi tìm, tưởng là đã mất, ngờ đâu gặp người tốt bắt được, họ gửi lại chủ quán trả tôi. Song rất tiếc không biết họ tên người ấy. - Có phải ở quán trọ nhà ông họ Trương không? - Diễn Tộ nói. - Số bạc mất là chín nén rưỡi, ngoài gói có in một chiếc dấu nhỏ màu đỏ là "Chi thứ hai họ Tất" phải không? - Sao ông biết? - Tư Hằng ngạc nhiên hỏi. - Chẳng phải người bắt được chính là ông ư? - Vâng. - Diễn Tộ cười nói. Tư Hằng vội bước ra khỏi quầy, cung kính vái lạy Diễn Tộ. Ông bảo người giúp việc coi hàng, sau đó mời Diễn Tộ vào nhà trong dọn rượu khoản đãi. Nhân đó hỏi Diễn Tộ có mấy con trai. Diễn Tộ nói: - Chỉ có một đứa lên tám tuổi. Rồi kể lại chuyện được chị dâu Tư Hằng che chở, sau bị thất lạc, mới gặp được nhau. - Đó là sự báo đền ân đức của ông vậy. - Tư Hằng nói. Rồi nhân đó Tư Hằng hỏi Diễn Tộ đã tìm người nâng khăn sửa túi cho cậu ấy chưa. Diễn Tộ đáp: - Chưa. - Tôi có một cháu gái, - Tư Hằng nói, - cũng vừa tròn tám tuổi, muốn gả cho cháu, ý ông thế nào? - Ông đã thương thì đâu dám chối từ. - Diễn Tộ nói. Tư Hằng rất vui. Hai người vô cùng mãn nguyện. Họ chia tay nhau. Diễn Tộ về nhà nói cho Nghi Nam biết. Nghĩ tới ân nghĩa của Đan thị, cũng muốn thông gia với nhà họ Tất. Rồi bảo với chồng, nhờ Trần Nhân Phủ làm mối, chọn ngày lành tháng tốt đưa sính lễ. Hai nhà tổ chức buổi lễ rất trọng thể. Song ngờ đâu lại động đến lòng tham của Kỷ Vọng Hồng. Hắn đến nói với Trần Nhân Phủ rằng: - Lẽ ra chú con phải nhận con làm người thừa tự mới phải. Không hiểu vì sao lại đi nhận thằng Hoàn Lang ở đâu đâu về làm con. Cha phải nghĩ kế thế nào để chú nhận con làm người thừa kế. Nhân Phủ xưa nay vốn ghét con rể là đứa vô lại. Nên thấy Vọng Hồng nói thế cũng mặc, không thèm để ý. Vọng Hồng tức tối, làm đơn kiện lên quan. Vốn là Thiêm phán Biên Phương Dận, trước đây đã rời nhiệm sở, nay lại vừa được thăng lên chức Thái thú ở phủ này. Vọng Hồng đến chỗ ông, đưa đơn kiện. Biện Công nói: - Việc này trước đây ta đã xử rồi, sao bây giờ còn kiện? Vọng Hồng tố cáo sự thực như đã nói trên. Biện Công cho bắt ngay Diễn Tộ tới xét hỏi. Diễn Tộ nói, Hoàn Lang ba tuổi bị mất, nay lên tám tuổi đã tìm thấy. Biện Công nói: - Người căn cư vào đâu mà cho nó là con mình. - Chân nó có ngón liền nhau. - Diễn Tộ nói. - Người trong thiên hạ cũng nhiều, - Vọng Hồng nói, - sao thấy đứa con giả của Tất Hình Bộ lại nhận là con đẻ của mình? - Trước đây người đã chích máu để tìm ra cha đẻ, - Biện Công nói với Diễn Tộ, - bây giờ lại chích một lần nữa để tìm ra có đúng người là cha đẻ không. Ngay lúc đó, Diễn Tộ cùng Hoàn Lang chích máu, thấy hoàn toàn giống như lần trước. Biện Công nói: - Hai người này là cha con, không nghi ngờ gì nữa. Song không biết vì sao con ngươi lại sống ở nhà ngài Tất Hình Bộ. Phải làm sáng tỏ việc này. Tất Hình Bộ là bạn học của tôi, chờ tôi hỏi công tử của ngài thì mới rõ ngọn ngành. Sau đó Tất Hình Bộ bảo Diễn Tộ và các phạm nhân ra ngoài, chờ hỏi Hoa Công Tử rồi sẽ xét sau. Biện Công rời khỏi công đường, lập tức sai người mang danh thiếp đến nhà Tất Công tử, mời Tất Hiến Phu đến nói chuyện. Lúc ấy Tất Công tử vừa đưa linh cữu về hộ tang tại nhà bỗng thấy Biện Công mời không dám nấn ná, đến ngay dinh quan phủ. Biện Công mời vào nhà trong, coi như tình chú cháu, hàn huyên xong, hỏi lại chuyện người em bị anh bỏ, và sao lại biết là đứa em giả, nếu là giả thì có chứng cứ gì không? Tất Công tử kể lại chuyện Loan Di đổi gái lấy trai. Công tử nói: - Đây là việc thằng hầu tên là Hỷ Tường gây nên. Sau đó lại do chính hắn nói ra, nên cháu mới biết. Chỉ có điều không biết đứa bé ấy là con nhà ai. - Thế bây giờ Hỷ Tường ở đâu? - Biện Công nói. - Tôi sẽ cho người gọi hắn đến tra hỏi. - Thằng ấy gần đây vì ăn trộm pho tượng Phật của cha cháu để lại, bị cháu truy ra, hiện đang bị bắt giam tại Bổ Nha chờ xét xử. Bác cần sẽ giải đến ngay cho bác. Biện Công hỏi đó là pho tượng Phật thế nào? Và Tất Công tử nói rõ nguồn gốc pho tượng ấy. Thật may thay, pho tượng nhà Công tử vốn là pho tượng đồng đúc lẫn vàng của Kỷ Diễn Tộ. Cát Tường và Dung Tam bán cho Hô Diên phủ, song được Nghê thị Loan Di thờ trong nội thất. Khi lấy Tất Đông Ly, Loan Di lại mang pho tượng ấy đi. Loan Di chết, pho tượng này ở chỗ Tất Công tử. Hỷ Tường lại ăn trộm bán đi chỗ khác kiếm tiền, không ngờ vừa lấy đi đã bị người hầu trong nhà biết được báo cho công tử. Tất Công tử vô cùng giận dữ, truy ra tượng Phật, giải lên quan chờ xét xử. Công tử nói xong, Biện Công cười nói: - Pho tượng ấy vốn ở chỗ tôi. Rồi sau đó kể lại chuyện xét xử vụ tượng đồng. Tất Công tử nói: - Chính cháu định nạp pho tượng ấy đúc tiền. Nay thấy bác nói thế cháu sẽ lập tức mang ngay pho tượng tới. Nói xong công tử cáo từ ra về. Biện Công cho người đến Bổ Nha giải Hỷ Tường tới, xét hỏi cùng với Diễn Tộ, Vọng Hồng. Thấy Hỷ Tường, Kỷ Vọng Hồng kinh sợ đứng ngây người ra. Biện Công gọi Hỷ Tường lại hỏi: - Đứa con người chủ cũ của ngươi, cớ sao lại là đứa con giả của chủ mới? Lúc đầu Hỷ Tường không chịu nói, sau đó ông dùng hình phạt buộc hắn phải khai ra Kỷ Vọng Hồng bắt trộm rồi đem bán. - Việc đó có không? - Biện Công quát hỏi Kỷ Vọng Hồng. Không thể chối cãi được, Kỷ Vọng Hồng phải thừa nhận. - Hai người, một đứa là cháu hại chú, anh bán em, một đứa là đầy tớ phản chủ, bán con chủ. Tình lí khó mà dung tha. Rồi Biện Công sai người đánh Vọng Hồng ba mươi gậy. Hỷ tường năm mươi gậy. Phạt xong, lại hỏi Hỷ Tường rằng: - Mày đã được chủ nhờ cậy, lại ngấm ngầm đổi nữ lấy nam, vì sao sau đó lại nói với công tử. - Lúc đầu bà chủ hứa sẽ trọng thưởng, - Hỷ Tường nói, - nhưng sau lại không thưởng. Bà chủ và ông lớn đã mất, bởi thế con nói ra mong được công tử thưởng. - Mày là thằng ở lòng tham vô đáy. - Biện Công cười nói, rồi lại hỏi thêm. - Con gái bà chủ gửi ở đâu? Có phải là con ruột của ngài Tất không? Hãy nói để công tử đón về. - Tiểu thư là chủ sinh ra, nuôi tại cửa hàng đậu phụ nhự của Vương Tiểu Tứ. Công tử đã sai người đến đón, song Vương Tiểu Tứ đã chuyển tới huyện Ninh Lăng. Khi con đến Ninh Lăng tìm tới nhà hỏi thì biết tiểu thư đã mắc bệnh chết cách đó một năm. - Ta e rằng mày chưa nói thật. - Biện Công nói. - Con trai người chủ cũ mày có thể cướp đi bán, thì e rằng đứa con gái người chủ mới cũng bị mày bán đi. Mày phải khai cho thực, tiểu thư đã chết thật chưa? - Quả thực tiểu thư đã chết rồi, con không dám bịa đặt. - Khó mà tin mày được. - Biện Công lắc đầu nói. - Hãy chờ ngày mai ta gọi Vương Tiểu Tứ hỏi trực tiếp. Nói xong, ông lệnh giam Hỷ Tường và Kỷ Vọng Hồng, chờ ngày định tội. Diễn Tộ lạy tạ Biện Công rồi trở về. Ra khỏi công đường, Diễn Tộ thấy Tất Tư Hằng và Trần Nhân Phủ đang la cà trước cửa công đường nghe ngóng tin túc. Diễn Tộ thuật lại lời xét hỏi của Biện Công, nói tới việc Vương Tiểu Tứ cho gửi con gái, Tất Tư Hằng kinh sợ, giật thót mình nói: - Nói thế thì con gái của ta là tiểu thư của nhà quan họ Tất rồi. Diễn Tộ thấy thế ngạc nhiên hỏi vì sao. Tư Hằng nói: - Quả thực tôi không giấu ông, đứa con gái nhỏ của tôi là con nuôi. Khi tôi đến huyện Linh Lăng mua thuốc, Vương Tiểu Tứ, người mở cửa hàng đậu phụ nhự cũng nuôi một đứa con gái, bảo là có một người họ Tất dẫn đến, nói rằng nó là người họ Tất. Nay vì mẹ nó chết, nên bố nó muốn bán. Tôi thấy đứa bé gái ấy mặt mũi sáng sủa, đã mua ông ta với giá mười hai lạng. Diễn Tộ thấy thế nói: - Đã như thế, thì không cần phải chờ Vương Tiểu Tứ tới xét hỏi, mà ông nên vào bẩm lại việc này với Biện Công. Lúc ấy Biện Công vẫn còn ở công đường, Diễn Tộ cùng với Tư Hằng vào công đường bẩm báo việc này cho ông. Biện Công lập tức gọi Hỷ Tường quay lại đối chất. Thấy Hỷ Tường, Tư Hằng nói: - Chính người này dạo ấy bán đứa bé. Theo anh ta nói thì anh ta là người họ Tất, và nó là con của anh. Chứ ai biết đâu anh ta là người hầu nhà họ Tất, đã bán trộm con gái chủ nhà. Lúc ấy Hỷ Tường không thể chối cãi được nữa. Biện Công nổi giận nói: - Ngươi là thằng hầu, hai lần bán chủ, tội mày đáng chết. Sau đó quát lính hầu đánh hắn một trăm gậy, Hỷ Tường chết ngay tại chỗ. Còn Kỷ Vọng Hồng, Biện Công bắt hắn sung vào đội quân vùng biên giới xa xôi. Vụ án đã xử xong. Hôm sau Tất Công tử mang pho tượng đồng tới xin gặp Biện Công. Ông nhận tượng đồng và mời công tử vào nhà trong, nói với công tử rằng: - Tuy em trai công tử là giả, nhưng trước đây cha công tử rất yêu quý, nên công tử cần đối xử tốt với nó như thời cha công tử còn sống mới phải. Nay bỗng chốc bỏ đi thì quả là không nên. Hiện em gái của công tử chưa chết, lại nhẹ dạ tin theo lời đứa hầu phản nghịch, để nó mang đi bán trộm không chú ý xem xét e rằng sẽ làm tổn hại đến đạo hiếu. Tất Tư Hằng nuôi em công tử làm con, mà cũng khéo thay, lại kết duyên với người em giả của công tử. Em trai tuy giả, mà gái lại là thật. Công tử hãy cho em gái ba trăm lạng làm của hồi môn, để chuộc lại sai lầm trước đây. Nghe xong Tất Công tử băn khoăn ngượng ngùng, cảm ơn Biện Công và rối rít nhận lời. Biện Công ra về, Tất Công tử viết danh thiếp mời Kỷ Diễn Tộ và Tất Tư Hằng đến nhà, đưa cho Tất Tư Hằng ba trăm lạng bạc làm của hồi môn. Mọi người đều bái phục Biện Công xét xử sáng suốt. Đúng là: Con trai làm rõ thật hay giả. Con gái làm rõ sống hay chết. Biện Công đã phân xử rõ việc con trai và con gái của hai nhà, sau đó lại gọi Dung Tam hỏi rõ pho tượng Phật ấy có phải là pho tượng gốc hay không. Dung Tam nói: - Đây chính là pho tượng Phật đúc lần đầu. - Trước đây ngươi nấu pho tượng này không chảy, - Biện Công nói, - nay ngươi hãy nấu chảy pho tượng ấy ngay tại đây để ta xem. Theo lệnh, Dung Tam đem lò đến trước công đường nhóm lửa nấu. Song kỳ lạ thay, dù đốt thế nào chăng nữa pho tượng vẫn cứ trơ trơ, chẳng mảy may suy suyển. Thấy thế Biện Công kêu lên: - Lạ, thật là kỳ lạ. Thế rồi ông bảo dừng lại không đốt nữa, đặt ra một bên, rồi nói với Dung Tam. - Phật là đây, song vẫn chưa bắt được Cát Phúc. Theo lời khai thì ngươi bị Cát Phúc xúi giục, lại chia cho hắn một nửa số tiền, nay chưa có người đối chứng, khó mà kết luận được. Dung Tam chưa kịp nói thì nghe thấy ngoài cửa có tiếng kêu oan. Biện Công quát hỏi, "Đó là ai? Hãy giải vào". Trong phút chốc công sai đã áp giải hai người vào quỳ trước công đường. Hai người chưa kịp khai thì Dung Tam chỉ vào một trong hai người ấy kêu lên: - Đây là Cát Phúc. Vốn là, Cát Phúc trước đây đã chạy trốn đến huyện Thành Ngu ở với vợ chồng Đào Lương, đổi họ tên, làm sai dịch tại huyện ấy. Sau đó cậy thế thân quen với nha môn, Cát Phúc chiếm đoạt vợ Đào Lương, đuổi Đào Lương đi. Đào Lương uất ức nghĩ rằng không thể kiện được hắn ở huyện Thành Ngu, chờ cho Cát Phúc đi công cán ở huyện ngoài, Đào Lương tóm được lôi ngay vào phủ kêu với quan. Biện Công truy hỏi việc lấy cắp tượng Phật, Cát Phúc đành phải cung khai. Đào Lương lại tố cáo hắn đã chiếm đoạt vợ, rồi đuổi mình đi, lại xúi bẩy vợ anh dùng nhân mạng giả lừa dối để hại chủ nhân, lấy đi một số thóc tô... Biện Công lệnh đánh năm mươi gậy, tống vào nhà giam. Dung Tam bị phạt sai dịch đã lâu nên chỉ đánh hai mươi gậy rồi tha về. Cát Phúc phải đi lính, vì bị đánh quá đau, vết thương tái phát rồi chết giữa đường. Đó là sự báo ứng việc lừa dối chủ. Biện Công xử xong vụ án bọn Cát Phúc, lệnh đem pho tượng đồng đúc lẫn vàng đích thân đưa lên kiệu rước tới chùa Long Hưng thờ. Lúc ấy chùa Long Hung chỉ có hòa thượng Tĩnh Tu trụ trì. Hòa thượng Huệ Phổ không ở chùa, vì có người nói đã gian díu với ni cô Ngũ Không, Ngũ Không mắc bệnh chết, Huệ Phổ sợ mắc tội, không biết trốn đi đâu biệt tích. Biện Công tới chùa, Tĩnh Tu ra tiếp đón. Biện Công chỉ vào pho tượng đồng, nói với Tĩnh Tu: - Pho tượng đồng này nấu không chảy, nghĩ rằng Phật linh thiêng, mượn cớ đó để cảm hóa triều đình. Nay hãy tạm đặt tại đây thờ phụng, đợi ta dâng sớ tâu lên, chờ lệnh triều đình định đoạt. Tĩnh Tu chắp tay bẩm rằng: - Tướng công không cần phải dâng sớ. Đã có lệnh hủy Phật đúc tiền, tượng Phật vốn là hình ảnh ảo, lẽ nào nung không chảy, bần tăng sẽ nung chảy để tướng công xem. Thấy thế Biện Công nửa tin nửa ngờ, lập tức lệnh cho tay chân đặt hỏa lò, xem Tĩnh Tu nấu chảy tượng Phật: Tĩnh Tu lệnh cho người hầu đặt pho tượng vào lò, vừa nhóm lửa, vừa chắp tay tuyên đọc bài kệ sau: Phật vốn hư vô, Không có hình hài, Vàng giả là hình giả, Vàng thật há là hình thật được sao? Quái lạ! Thật thật giả giả đã bao phen, Từ nay trừ hết mọi chướng ngại. Tĩnh Tu tuyên đọc xong bài kệ, bỗng thấy pho tượng đồng tan chảy hết. Biện Công vô cùng kinh ngạc, hỏi: - Xin hỏi nhà sư, tại sao trước đây nung không chảy, mà bây giờ lại chảy. - Trước đây thật giả chưa rõ ràng, - Tĩnh Tu nói, - cho nên lưu lại để làm chứng. Nay thật giả đã rõ ràng, không cần phải giữ lại chứng tích nữa. Biện Công gật đầu khen phải. Rồi lệnh đem đồng nung chảy giao cho Tiền cục đúc tiền, còn số vàng trong đó, trao trả cho Kỷ Diễn Tộ. Giải quyết xong ông lên kiệu về dinh. Diễn Tộ tiến cúng số vàng ấy cho Tĩnh Tu, Tĩnh Tu cảm ơn chối từ: - Tôi xuất gia dùng vàng làm gì, ông hãy dùng số vàng này làm việc từ thiện, tốt hơn là cho lão tăng này. Phàm là Phật tâm đâu cũng có, nhưng hình hài Phật thì không thể rõ được chỉ vì ông đúc tượng bằng vàng nên mới sinh ra nhiều rắc rối. Từ nay về sau phải nhớ rằng Phật tại tâm thứ không hiện hình. Diễn Tộ vái lạy theo lời. Về tới nhà, quả nhiên dùng số vàng ấy làm nhiều việc thiện. Sau đó Kỷ Vọng Hồng được tha, ốm chết, Diễn Tộ chôn cất tử tế, rồi lại nuôi vợ cháu là Trần thị. Hoàn Lang sau khi lấy vợ đẻ liền ba người con trai. Diễn Tộ cho một đứa con thừa tự Vọng Hồng, khiến cho việc thờ phụng hương khói người anh là Kỷ Diễn Tự không đến nỗi đoạn tuyệt. Tất Tư Hằng cũng cho một đứa con của mình làm con thừa kế chị dâu là Đan thị để báo đền tấm lòng trinh tiết của bà. Sau đó lại bảo Đan thị đón Trần Nhân Phủ về nhà để hưởng hết tuổi trời cho. Từ đó Kỷ Diễn Tộ và Tất Tư Hằng con cháu đều đông đúc và vinh hiển. Thời ấy có người hiếu sự, đem chuyện phân biệt người, phân biệt Phật viết thành mấy câu sau: Nước thì thử người, Lửa thì thử Phật. Thử Phật, thử vàng, Thử người thử máu. Thử máu không tan, Thử vàng không mất. Phật có ba ngôi, Người thì một nghiệp. Rốt cục vô hình, Hóa trong chớp mắt. Tồn, không trường tồn, Hợp, đâu hợp mãi. Tướng người tướng ta. Đều là hư ảo. Tuổi thọ con người, Như hoa trên gương, Như trăng dưới nước. Sao mà người đời Mê muội chẳng thông. Các bạn thân mến, người có hình hài nhất định nhưng Phật không có hình tượng cụ thể. Hữu hình lại vô hình, vô tướng lại là hữu tướng. Khi nhận ra cái thật, thì cái giả khó mà lẫn với cái thật; khi nhận ra cái giả, thì cái thật cũng là giả. Hãy xem việc kiện con giả, bắt trộm con giả, bán con giả, mua con giả, vứt bỏ con giả, và việc đúc tượng vàng, oán tượng vàng, trộm tượng vàng, đổi tượng vàng, trả tượng vàng... cũng chỉ vì lòng tham dẫn đến. Rốt cục vợ cả ghen ghét thiếp, thiếp khinh chồng, cháu diệt chú, anh bỏ em, đầy tớ phản chủ. Cho đến cha nuôi, lúc đúng lúc sai, họ xa, lúc thân lúc sơ, quý khách cậy thế chiếm của, phú ông xu nịnh gian dối, tăng ni không giữ phép tắc nhà Phật, kẻ tá điền người làm công ngấm ngầm lấy của. Tất cả lòng tham ấy phỏng có ích gì? Thôi thì đừng tham nữa là tốt nhất. Thơ rằng: Cuồng phong nổi lên, Kẻ tham bại hoại.