Nghèo khó, hơn thua phận tại trời, Ranh ma hết cách cũng công toi, Tham lam, voi nọ rắn đòi nuốt, Rốt cuộc ve kia bọ ngựa xơi. Chuyện kể rằng xưa có một ông nhà giàu họ Trương, góa vợ, không có con trai, chỉ có một con gái đã có chồng, chồng ở rể nhà vợ. Ông Trương đã ngoài tuổi cổ lai hy, vì vậy giao hết ruộng vườn của cải cho chàng rể và ăn chung với các con, nhờ chúng phụng dưỡng, coi đó là kế an hưởng đến hết đời. Con gái, con rể ông chỉ giả bộ vâng lời phụng dưỡng khiến ông già không tính đến chuyện sinh con trai nữa. Không ngờ chúng dần dần xao lãng, lười nhác khiến ông chịu không nổi. Rồi một hôm, ông già đang đứng chơi ngoài cửa, thấy thằng cháu ngoại đi ra tìm "ông" vào ăn cơm. Ông già Trương hỏi cháu: - Cháu tìm ông vào ăn cơm đấy à? Thằng cháu ngoại đáp: - Cháu tìm ông của cháu cơ, không phải ông đâu! Ông già Trương nghe cháu nói thế thì buồn lắm, nghĩ thầm: "Con gái đẻ ra đã là con nhà người ta, câu này thật không sai. Ta tuy đã già song tinh lực chưa suy, sao không kiếm lấy một người vợ kế, may ra sinh được con trai để nhà họ Trương cũng có người hương khói?". Nghĩ thế liền mang số tiền dành riêng nhờ bà mối làm mai cho ông lấy con gái nhà họ Lỗ. Cưới được ít lâu quả nhiên người vợ có thai, gần năm sau thì sinh con trai. Ông già mừng mừng khôn xiết, bạn bè quen thuộc đều đến chúc mừng, chỉ riêng con gái và con rể ông già là ngầm bực bội. Ông Trương đặt tên con trai là Nhất Phi, nên mọi người gọi cậu bé là Trương Nhất Lang. Được vài năm, ông Trương ốm, bệnh ngày một nặng. Biết sắp lâm nguy, ông già bèn viết hai tờ di chúc, một tờ đưa cho vợ là Lỗ thị, dặn rằng: - Tôi chỉ vì con gái và con rể bất hiếu nên mới lấy thêm cô về may mà trời thương, đẻ được con trai. Tôi vốn định giao hết gia tư điền sản cho thằng bé song nó còn bé quá, vả cô lại là đàn bà, không thể tự gánh vác, trông nom nhà cửa được. Tôi bất đắc dĩ phải giao cho con rể quản lý, song nếu tôi nói rõ nó sau này phải trao trả cho con trai thì lại sợ thằng rể ngầm tính kế hại con mình, vì thế trong di chúc tôi gài một câu đố có hai cách giải. Cô hãy cất giữ thật kỹ, đợi khi nào con lớn lên thành người thì đưa ra nhờ công lý phân xử, may gặp được quan thanh liêm sáng suốt, ắt ông ấy có chủ trương riêng. Lỗ thị theo lời cất kỹ tờ di chúc. Rồi ông Trương cho gọi con gái, con rể vào dặn dò mấy câu và đưa tờ di chúc thứ hai cho chúng. Người con rể nhận lấy, mở ngay ra đọc: "Trương Nhất Phi con trai ta, gia tài giao hết con rể, người ngoài không được tranh chiếm". Con rể xem xong cả mừng, liền trao cho vợ cất giữ. Ông Trương đưa tiền dành riêng của mình cho hai mẹ con Lỗ thị tiêu dùng hàng ngày, lại thuê một căn phòng cho hai mẹ con ở. Mấy ngày sau, bệnh càng nặng, ông cụ qua đời. Sau khi chôn cất bố vợ xong xuôi, nghĩ đến việc gia tài bây giờ là của mình hết thảy thì cả hai vợ chồng đều dương dương đắc ý, không cần nói nhiều cũng đủ biết. Còn Lỗ thị chỉ chăm nuôi dạy con trai. Dần dần thằng bé cũng đã trưởng thành. Nhân nhớ đến tờ di chúc, Lỗ thị bèn dẫn con trai đến cửa quan trình bày. Quan nghe nói bức di chúc do chính tay ông già viết, và đã viết như thế thì toàn bộ tài sản là của con rể. Hơn nữa anh con rể nhờ có tiền lo lót nên chẳng ai chịu phân xử cho hai mẹ con. Họ hàng và bè bạn đều bất bình thay cho Trương Nhất Phi, đều nói: - Ông Trương ốm đau lú lẫn mất rồi. Chuyện buồn cười như thế thật không ai hiểu nổi! Một thời gian sau, có ông huyện mới được chuyển đến. Ông này rất giỏi. Lỗ thị lại dẫn con đến huyện đường trình bày rõ: - Chồng tôi trước khi mất có dặn rằng trong di chúc có ngầm gài câu đố đấy ạ. Quan huyện giở di chúc ra coi, coi xong thì vỡ lẽ, bèn sai người cho gọi con gái, con rể cùng họ hàng phụ lão ở địa phương của ông Trương đến huyện. Tri huyện bảo anh con rể: - Cha vợ anh thật là người thông minh, trí tuệ. Nếu không có tờ di chúc này thì suýt nữa gia tư điền sản bị anh chiếm hết. Hãy nghe ta đọc đây: “Trương Nhất Phi con trai ta, gia tài giao hết. Con rể người ngoài, không được tranh chiếm". Lập tức quan nâng bút phê vào tờ di chúc, gia tài thuộc cả về Trương Nhất Phi. Mọi người đều chúc mừng người con trai rồi ra về. Đến lúc này mọi người mới hiểu, ngay từ lúc đặt tên cho con trai, ông già Trương đã tính đến nước cờ này rồi.