Phụ nữ hãy nêu cao danh tiết Cần chi tô lục với chuốt hồng. Những người dâm đãng thường diêm dúa Lụy đến chồng con, họa đến thân. Thôn Lạc Gia, huyện Cao Bình, có một người tên là Lạc Niên Phong, vợ là Kim thị, sinh được một người con gái tên là Diễm Cô, dung mạo xinh đẹp. Vợ chồng quý như vàng. Lúc nhỏ cứ để mặc nó ăn diện, lớn lên lại cứ mặc nó chơi bời, chẳng cho tập tành nữ công gia chánh, nhưng mồm mép thì chua ngoa đanh đá. Khi còn nhỏ, Lạc Niên Phong đã hứa gả cho Quách Ngạn Trân. Nhà Quách nghèo, cha thường đi buôn bán xa, Ngạn Trân theo cha nên cũng biết buôn bán. Cha già yếu, giao việc buôn bán cho Ngạn Trân, còn ông thì về mua ruộng cày cấy. Lúc nhỏ, Ngạn Trân ít học hành, chỉ thích ngắm đàn bà con gái, thích chuyện phòng the. Trong làng xảy ra việc gì hay khiêu khích, đâm bị thóc, chọc bị gạo, để họ thù hằn, kiện cáo nhau. Hắn thường lui tới ngõ liễu đường hoa, không tin vào nhân quả báo ứng. May mà buôn bán kiếm được nhiều lời chưa từng lỗ vốn bao giờ. Cha anh ta biết được, khuyên rằng: - Người ta sống trên đời, thì hiếu thảo là cái thiện hàng đầu dâm đãng là cái xấu nhất trong các thói xấu. Cái nợ về dâm đãng nhất định phải trả, gần thì vợ phải trả, xa thì con cháu phải trả, đến nỗi bại hoại cả thanh danh, hết của, mất người. Xưa nay, việc báo oán về gian dâm là ghê gớm hơn cả. Con phải giữ mình hết sức thận trọng. - Lão già thật lắm mồm, - Ngạn Trân nói, - việc buôn bán cứ một vốn một lãi tôi giao đầy đủ, cớ sao ông cứ đặt điều. Xin hỏi ông rằng, việc gì mà chẳng cần tiền? - Không mắc thì tốt, - người cha nói, - mà đã mắc rồi thì đừng tái phạm. - Nếu tôi có sai phạm thì trời báo ứng, mất đầu là cùng chứ gì. - Ngạn Trân thuận miệng nói. Cha chửi ầm lên: - Chẳng qua là tao khuyên mày, chứ ai thách đố với mày! Năm ấy, người cha cưới vợ cho hắn. Diễm Cô về nhà chồng, suốt ngày ngắm vuốt, chẳng chịu làm gì. Mẹ chồng khuyên nhủ bảo ban, chờ mãi không được phải tự làm thay. Mọi việc đều phải chỉ bảo từng li từng tí. Diễm Cô rất ghét, đêm đêm thủ thỉ với chồng, rằng mẹ đày đọa mình. Ngạn Trân quá mê đắm, cũng chẳng dạy bảo vợ. Thấy mẹ sai vợ làm việc này việc nọ, bèn nói: - Bà già lắm mồm, đứa con dâu còn non xương non da, sao bà cứ sai làm suốt ngày, việc trong nhà làm cả ngày cũng không hết được! - Thì chẳng qua tao yêu quý nó, mới dạy nó làm cho quen đi, - mẹ nói, - để sau này khỏi phải tan cửa nát nhà. Đã như thế thì từ nay tao cũng chẳng thèm nới nữa, xem ai sẽ hại ai! Về sau phàm có việc gì Ngạn Trân đều làm thay và cũng không làm việc đồng áng nữa. Diễm Cô biết được tính chồng, càng lười nhác, ngay chiếc chổi đổ cũng không dựng lên. Mẹ thấy con bênh vợ chằm chằm, cũng chẳng nói nhiều. Cha thấy như thế không được, bèn giục con đi buôn, nói mãi tới nửa năm nó mới chịu đi. Diễm Cô về nhà mẹ đẻ. Khi nào chồng về mới về. Qua hai năm, mẹ thúc giục quá, mới cãi nhau với chồng, không cho chồng đi. Ngạn Trân thấy nhiều lãi, đi thêm mấy chuyến nữa. Diễm Cô thấy chồng ở ngoài chơi gái, chửi vỗ vào mặt chồng: - Ngươi là đàn ông mà bạc tình bạc nghĩa, chỉ cốt đi xa để ăn nằm với hết đứa này đến đứa khác, mặc ta ở nhà vò võ một mình, suốt ngày cứ như đứa câm, ban ngày làm việc tối mắt tối mũi, đêm đến bên đông bên tây người ta hú hí với nhau, ta một thân một mình trùm chăn ngủ, mắt cứ chong chong cho đến sáng, sao mà không đau lòng. Nếu lại đi, thì ta liều chết với ngươi. - Con ơi, - người cha nói, - người ta ở trên đời, sĩ nông công thương, mỗi người một nghề. Chồng con mỏng lực, không buôn bán thì ở nhà ôm nhau mà chết à. - Tôi hiểu rồi, - Diễm Cô nói, - cha con ông vào hùa nhau để giết chết tôi! Bố chồng nói mấy câu, thế là Diễm Cô gào lên, vừa khóc vừa chửi bới. Bố chồng uất quá hộc máu mồm, thế rồi ông bàn với con, buôn bán ngay tại quê. Ngạn Trân mua một quầy hàng ở dốc Đại Thụ, cách nhà hai mươi dặm, sáng đi tối về, buôn được mấy năm, kiếm được hơn trăm quan tiền. Một hôm, trời đã tối mà Ngạn Trân vẫn chưa về. Cha bảo người làm công cùng với đứa con ở đi đón. Đi được sáu bảy dặm, bỗng thấy một người cầm chiếc cán cuốc đi tới, người làm công vội hỏi: "Ai đấy?". Người ấy nói rằng: - Mày... mày không biết tao là ông Lã ư? Người làm công soi đèn, thì đó là Lã Quang Minh người cùng làng, khắp người đầy máu, tay cầm chiếc cán cuốc. Người làm công nói: - Vì sao người ông lắm máu thế? - Mày hỏi tao mía lắm nước ư? Tao không trồng mía sao có nước!? Người làm công thấy gã say mèm, ngỡ là hắn ngã, bèn nói: - Ông vấp ngã à? - Tao... Tao chưa mua được dao. - Gã nói. - Thôi, ông cút đi!. - Người làm công nói. - Tao... Tao hôm nay mới uống có tám lạng, làm gì được một cân. - Lã Quang Minh nói. Thấy lão ta say khướt, người làm công cũng không thèm hỏi hắn nữa, bỏ đi. Tới cầu Bình An cũng không thấy. Hút liền mấy điếu thuốc, rồi gọi mấy tiếng. Đứa ở nói: - Bây giờ đã quá canh hai, nhất định anh ấy không về rồi. Chắc là đã uống rượu ở đâu chăng! Họ rủ nhau về . Bên cầu bình An có một người làm đậu phụ, họ Ngô. Ông vốn là một người lao động, trước đây đi làm thuê, nhưng vì lười nhác, tính khí lại ngang ngạnh, hay nói điêu, một năm mà phải đổi chủ tới ba lần. Hơn bốn mươi tuổi mới góp nhặt được bốn năm chục quan tiền, lấy một người vợ trạc hơn ba mươi tuổi, vì sĩ diện, gã thuê ít ruộng trồng cấy. Ai ngờ gặp cơn đen vận túng, chỉ có hai năm mà lỗ đến quá nửa, còn lại hai mươi quan tiền, ông ta thuê một ít ruộng cao ở gần cầu An Bình trồng đậu làm đậu phụ. Hôm ấy, vào canh hai, bỗng nghe đến "uỵch" một tiếng, gã giật mình tỉnh dậy, vội thắp đèn lên xem, thì thấy chiếc nồi thủng một lỗ to, trong bếp đen sì sì, không biết là vật gì, khều ra không được. Gã bê nồi ra xem, nói: - Ôi chao! Nguy rồi! Chiếc đèn cầm trên tay phụt tắt. Vợ hỏi, chuyện gì thế. Ngô Đậu Phụ nói: - Không biết đứa nào bất lương ném cái đầu người vào bếp nhà mình, vỡ cả nồi! - Đừng có la ầm lên, lẳng lặng mang đi mà chôn, kẻo người ngoài biết được. - Vợ nói. Ngô Đậu Phụ mang cuốc ra dốc núi phía sau chôn. Đang đào hố, bỗng có người tới hỏi. - Ông chôn gì thế? Lão Ngô kinh hoàng nghe thấy tiếng gã đồ tể họ Yến. Gã đồ tể họ Yến xuống làng mua lợn, thấy đã khuya, muốn đi lối tắt nên rẽ qua đây. Nghe thấy tiếng cuốc, đến xin lửa hút thuốc, trông thấy đầu người bèn hỏi: - Ông giết người ở đâu, rồi lại mang ra đây chôn? Lão Ngô bảo rằng mình thấy nó ở bếp. Gã đồ tể Yến không tin dọa sẽ nói với mọi người. Không còn cách nào, lão Ngô hứa cho hai quan tiền. Gã đồ tể họ Yến bằng lòng. Lão Ngô đào hố xong gọi lão Yến đến chôn. Lão Ngô bổ một nhát cuốc, lão Yến rơi xuống hố, rồi bổ thêm một nhát nữa, thế là lão Yến đi đời. Rồi chôn chiếc đầu ấy cùng với xác lão Yến. Sáng hôm sau, nghe người ta nói, trước miếu thổ thần bên cầu Bình An có một người bị giết, nhưng không thấy đầu. Ngô Đậu Phụ biết, nhưng không dám hé răng. Chuyện ấy đến tai bố mẹ Quách Ngạn Trân, vì chưa thấy con về nên rất hốt hoảng, họ tức tốc tới xem. Thấy quần áo, giày tất giống con mình, lão Quách nói: - Cánh tay con tôi có ba chiếc nốt ruồi. Vén tay áo lên xem, có ba nốt ruồi thật. - Chiếc quần trắng con tôi mặc, - bà Quách nói, - hôm trước tôi vá cho nó mụn vải xanh. Kéo áo lên xem quả nhiên đúng như thế. Cả hai ông bà già đều nói: - Đúng là con tôi rồi, không biết kẻ nào giết nó, ngay cả đầu cũng bị chúng cắt đi. Thật là đau đớn thay! Thế rồi họ ôm lấy thi thể con mà khóc rằng: Cha: - Thấy con, ta như đứt từng khúc ruột. Mẹ: - Tay sờ vào thi thể con gào lên thảm thiết. Cha: - Con tôi không còn đầu, thật là thê thảm. Mẹ: - Thương thay máu chảy ướt đầm cả áo. Cha: - Không biết vì sao mà nó giết con tôi. Mẹ: - Hằng ngày tôi chẳng tiếc công tiếc sức vì nó. Cha: - Cha nuôi con khổ lắm con ơi. Mẹ: - Tôi vất vả gian truân nuôi nó từ tấm bé. Cha: - Nó buôn bán có tài và ngay thẳng công bằng. Mẹ: - Sáng nó đi, tối nó về mà chẳng hề kêu ca phàn nàn gì. Cha: - Tối hôm kia nó còn mua về một cân rưỡi thịt. Mẹ: - Và còn mua thuốc cho mẹ hút. Cha: - Tôi chỉ nói với nó là phải giữ tròn đạo hiếu. Mẹ: - Tôi về già ai chôn cất. Cha: - Hôm qua nó đi chợ. Mẹ: - Trời tối mịt mà không thấy về. Cha: - Sáng nay nghe thấy người ta nói. Mẹ: - Bên cầu Bình An xảy ra tai họa. Cha: - Cả nhà hốt hoảng tới xem. Mẹ: - Mới biết con mình đã chết rồi. Cha: - Thương thay! Tôi đã sáu mươi tuổi rồi. Mẹ: - Đầu đã bạc trắng phải chôn con tóc còn xanh. Cha: - Vợ nó còn trẻ và xinh đẹp. Mẹ: - Lười nhác, chỉ thích mặc đẹp ăn ngon. Cha: - Gối lạnh chăn đơn chẳng người làm bạn. Mẹ: - Sợ rằng nó ôm đàn sang thuyền khác. Cha: - Nhìn con, chẳng muốn rời xa nó. Mẹ: - Gọi con chẳng thấy thưa, nước mắt lưng tròng. Cha: - Con có linh thiêng đừng đi vội. Mẹ: - Hãy mau mau đến cửa quan, giải nỗi oan này. Hai người khóc lóc, rồi đến báo cho lí trưởng. Lí trưởng nói: - Đúng là con ông bà, thì phải bàn bạc xem kiện thế nào? Người làm công nói: - Đêm qua Lã Quang Minh người đầy máu me, chúng tôi hỏi thì hắn nói hàm hồ, hơn nữa hắn lại mang chiếc cán cuốc còn dính máu, hắn không giết thì còn ai nữa!? - Lý trưởng một mặt sai người lên báo quan, một mặt cử người đi bắt Lã Quang Minh. Lã Quang Minh sống độc thân, nhà nghèo, chuyên đi cày thuê cuốc mướn, đến bốn mươi tuổi cũng kiếm được mấy chục quan tiền cho vay. Mỗi quan tiền mỗi phiên chợ cũng kiếm được năm sáu mươi đồng. Tới nay được hơn một trăm quan, cho người ở dốc Đại Thụ vay. Lão nghiện rượu, nên phiên chợ nào cũng thế, chưa say bí tỉ thì hắn chưa thỏa mãn. Khi uống say là hắn đánh chửi người khác. Ai bán rượu cũng phải hỏi tới ba bốn lần hắn mới trả. Lãi của hắn tháng nào đòi tháng ấy. Sổ nợ lão ghi rõ ràng làm hai bản. Hôm ấy đi chợ, hắn uống say bét nhè, thấy cán cuốc rẻ, hắn mua một chiếc. Trời tối mịt mới về. Đi qua cầu Bình An hắn vấp phải một vật, ngã bổ chủng xuống đất, rồi lổm ngổm bò dậy. Đi được một quãng, gặp người làm công của Quách Ngạn Trân. Về nhà đèn cũng chẳng buồn thắp, hắn mò vào giường ngủ ngay, mãi tới lúc mặt trời lên tới ba quân sào hắn vẫn chưa dậy. Lý trưởng dẫn người vào tận phòng, lấy khóa, khóa tay hắn lại. Lã Quang Minh nói: - Đồ con lợn, sao vô cớ đến đây xích tay, bắt ta đi! Mọi người nói: - Mày là thằng ác độc, giết người còn giả vờ giả vịt. - Tôi giết người ở đâu? - Lã Quang Minh nói. - Ai nhìn thấy? - Mày không giết người à! Mày hãy mở mắt mà nhìn mày xem! - Mọi người nói. Quang Minh nhìn thấy người mình đầy máu, vô cùng hoảng sợ. Lúc này gã đã tỉnh rượu, mới nhớ lại sự việc đêm qua. Người ta lôi gã tới cầu Bình An. Vùng này cách thành hơn ba mươi dặm. Quan thấy vụ án mất đầu, lập tức xuống hiện trường khám nghiệm, đến chiều thì tới nơi. Người khám nghiệm báo rằng trên người có sáu nhát dao, bị một nhát đâm vào ngực, sau khi chết mới cắt đầu. Quan hỏi thân nhân người bị giết: - Có đúng là con người không? - Đúng là con con, - lão Quách nói, - dấu vết vẫn còn nguyên. Quan lệnh cho thân nhân, lý trưởng, hàng xóm và hung thủ tới huyện để xét hỏi. Cho phép khâm liệm xác chết, chôn cạnh miếu Thổ thần. Trở về huyện, ngay đêm ấy quan lên công đường xét hỏi Lã Quang Minh: - Vì sao ngươi giết Quách Ngạn Trân mà ngươi vẫn không khai thực? - Thưa ngài! - Lã Quang Minh quỳ xuống, nước mắt như mưa nói. - Con tuy là nông dân ngu muội, song con cũng biết thế nào là công lý, không hề làm điều ác. Hôm qua con đi chợ mua cán cuốc, rất tiếc rằng con đã uống thêm vài chén với bạn bè. Ra khỏi chợ thì trời tối đen như mục, con đi không vững. Về tới cầu Bình An, con vấp phải một vật, ngã dụi xuống đất. Song con thấy trơn nhẫy, vừa to vừa cứng, say xỉn không biết đó là người chết. Đi được một đoạn thì thấy người nhà của Ngạn Trân tới hỏi, vì sao trên người ông dính đầy máu. Lúc ấy con không nghe rõ, về nhà đi ngủ ngay, tới khi mặt trời lên tới ba quân sào mới dậy. Bỗng thấy có người đến trói con, bảo rằng con giết Ngạn Trân ở cầu Bình An. Họ khóa tay con lôi tới đây và đổ riệt cho con. Bẩm ngài đó là sự thực, xin ngài gia ân thả con về. - Thằng này liều lĩnh thật, làm sao mà chối cãi được. Đúng là lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt! Ngươi hãy khai mau, để khỏi phải tra tấn. - Bẩm ngài. Người ta thường nói, người làm quan như gương sáng, làm sao mà ngài không xét thực tình. Đã giết người thì phải cao chạy xa bay, chứ sao lại ngủ trên giường chờ người đến bắt. - Đồ chó má, giết người không chạy là vì oan hồn không cho chạy. Ta đã gặng hỏi ngươi, ngươi không khai, quân bay đâu hãy đánh nó tám mươi gậy cho ta. - Trời ơi! Đánh hai chân tôi tóe máu muốn lên trời cũng không được, chui xuống đất cũng không xong. Họ căn cứ vào đâu mà bảo tôi giết người? Không thể nghe lời nói vu vơ mà hãm hại người tốt. - Vết máu trên người mày không phải chứng cứ thì là gì? - Quan huyện hỏi. - Trời ơi? Bẩm quan lớn. Đấy là con vấp phải xác chết nên máu dính vào. Tại sao ngài đẩy người vào chỗ chết! - Thằng chó má vẫn còn già mồm cãi. Bay đâu, hãy kẹp nó cho ta. - Trời ơi! Kẹp tôi đến vãi cứt vãi đái, chết ngất đi, sợ khai bừa ra thì toi mạng, mà không khai thì phải chịu tra tấn thê thảm thế này. - Để xem mày có phải khai không! - Đấy là do tôi uống rượu mà bị báo ứng, bị đánh đập, bị cùm kẹp, mình còn trách ai. Xin ngài tháo kẹp ra để con khai, Quách Ngạn Trân là do con giết. - Đầu người vút ở đâu? - Thưa ngài! Tối qua con mang đầu chạy, tâm thần hoảng loạn, không biết rơi chỗ nào, cứ tìm kỹ sẽ thấy. Quang Minh khai xong, bị giam vào nhà tù, rồi bị bọn tù đánh hôi. Hôm sau, quan lại lệnh cho sai nha giải Lã Quang Minh đi tìm đầu. Hai chân Quang Minh nát bét, không đi được, xin ngồi kiệu. Tới cầu Bình An tìm, nhưng chẳng thấy đầu đâu, khóc lóc trở về nhà tù. Bọn phạm nhân thấy Quang Minh cho vay nặng lãi, là người có tiền, nên suốt đêm chúng đánh cho Quang Minh sống dở chết dở. Quang Minh không chịu nổi đành phải bỏ ra một trăm quan tiền, lại không có người thân nên viết giấy bảo người vay đưa cho chúng, mới được tha chết. Ngày hôm sau, quan hỏi không thấy đầu, lại đánh một ngàn roi, rồi lại khiêng vào nhà giam. Phải năm sáu hôm sau, vừa gượng dậy, quan đã đợi đi tìm đầu, trở về huyện lại bị đánh năm trăm roi. Thế rồi cứ dăm ba ngày lại lôi ra đánh, đến nỗi hai chân Quang Minh lòi cả xương, người gầy như que củi, rất uất hận. Quang Minh khóc suốt ngày. Một hôm tới cầu Bình An tìm đầu, tưởng tượng lại những ngày qua, ông vừa đi vừa khóc: - Tìm đầu người, kêu trời không thấy, nghẹn ngào ấm ức không sao nói nên lời. Xưa nay Lã Quang Minh không có tội tình gì thẳng bao giờ đốt nhà, giết người cướp của, dối trời lừa người, chỉ luôn luôn muốn sống yên lành, trong sạch, tai qua nạn khỏi, quanh năm lãi mẹ đẻ lãi con. Trời ơi! Ai xui khiến tôi gặp vụ án mạng, chịu liên lụy; tiền của mất hết, bỏ bê việc nhà. Quan đòi phải tìm ra đầu người mới kết án, đánh tôi đến nỗi nát da máu ứa, đau thấu ruột gan. Trời ơi! Đến nay, kẻ giết người không biết ở đâu, chiếc đầu người không biết ở đâu. Ban ngày giải tôi đi tìm, tiền thuê kiệu đã mất hai quan ba. Đêm về giam trong sân nhà ngục, suốt đêm sương gió không sao ngủ được. Chấy rận, rệp bâu kín đặc, cắn nát thịt da thành ung nhọt, máu tứa ra. Trời ơi, quan thật là dã man, cứ năm ba ngày lại tra khảo một lần. Hai chân rách tướp, mà vẫn còn đánh hàng ngàn roi. Đau đến đứt ruột nát gan, chết đi sống lại. Đây quả thật là tai bay vạ gió, bỗng dưng trời giáng họa. Trời ơi! Có lẽ hằng ngày ta uống quá nhiều rượu, uống đến điên cuồng. Khi say rượu ta cứ ngất nga ngất ngưỡng gây gổ với mọi người. Ta cho vay nặng lãi hết tháng không giao tiền, lôi cả ông bà tổ tiên người ta ra chửi. Trời ơi! Ta thề từ nay không đi uống rượu. Không có việc gì không đi chợ, ta không cho vay nặng lãi nữa. Nếu còn sai phạm, thì ta chết đi làm con chó. Ta khuyên người đời đừng ai nát rượu, đừng ai điên khùng, hãy trông gương ta, đừng nghiện ngập, thì mới sống bình yên, tai qua nạn khỏi. Sai nha thấy Quang Minh khóc lóc, chửi: - Về vụ án của ngươi mà chúng tao phải đi rách nát những hai đôi giầy, còn khóc gì nữa. Hôm nay mà không tìm thấy đầu thì chúng tao giao mày cho quan lớn đánh chết tươi. Lúc ấy Ngô Đậu Phụ đang đứng trước cửa nhà, thấy sai nha chửi, hắn tức cười bèn nói: - Vô duyên vô cớ thì tìm đâu cho thấy. Chiếc đầu người ấy đến Thánh cũng không tìm được. Sai nha nói: - Thế thì nhất định người biết rồi. Ngô Đậu Phụ lập tức im bặt, thấy mình lỡ lời, bèn nói: - Chẳng qua ta cũng chỉ nói thế thôi, chứ ta có biết gì đâu! Sai nha lập tức khóa tay Ngô Đậu Phụ lôi đến dốc Đại Thụ. Vốn là sai nha định vòi tiền, sai người nói với Ngô Đậu Phụ đưa cho bốn quan tiền họ sẽ tha. Ai ngờ một xu gã cũng không đưa, gã nói: - Họ vô cớ xích bừa, đưa ta lên quan huyện, đánh ta một phát đứt làm đôi ta mới chịu nghe. Sai nha bèn lôi gã đi, giao cho quan. Quan hỏi: - Người biết đầu người ở đâu không? - Sai nha muốn vòi tiền, nên đã vô cớ xích tay con, con không đưa tiền, họ bèn bảo con biết đầu người. - Hắn nói là chiếc đầu người ấy thánh cũng chẳng tìm ra. - Sai nha nói. - Chúng con hỏi, hắn chỉ cười mà không nói. Xin ngài xét cho, nếu hắn không biết, thì sao hắn lại cười! - Đúng rồi! - Quan nói. - Không tra tấn thì làm sao mà hắn chịu nhận. Thế rồi ông lệnh mang kẹp tới kẹp. Ngô Đậu Phụ lưng đầm đìa mồ hôi nói: - Thưa ngài, ngài hãy tháo kẹp ra, con xin khai. Ngô Đậu Phụ khai hết chuyện việc nhặt được chiếc đầu người tối hôm ấy. Quan lệnh cho người đi đào đầu người. Bới đất ra thì thấy bên dưới chiếc đầu người có một xác chết. Họ quay về bẩm quan. Quan lập tức cho khám nghiệm, thấy người ấy chết là do cuốc bổ vào người. Quan hỏi Ngô Đậu Phụ, hắn bảo không biết. Quan lại lệnh tiếp tục tra khảo. Hắn mới khai rằng, gã đồ tể Yến thấy hắn chôn đầu người, đòi tiền rồi bị hắn đánh chết. Quan nói: - Đồ chó má! Sao mày độc ác thế! Thấy có người biết sao không làm đơn báo quan, cớ sao lại giết người như thế. Vậy thì Quách Ngạn Trân là do thằng chó đểu này giết chết rồi. - Thưa ngài, thật oan cho con quá. - Ngô Đậu Phụ nói. - Quả thực chiếc đầu người này con thấy ở trong bếp, ngài không tin, xin ngài hãy tới nhà con sẽ rõ. Quan lập tức tới nhà, thấy trên nóc nhà quả thật có một lỗ thúng, nồi cũng thấy thủng một lỗ to, lại thấy đầu người bị mảnh nồi vỡ cào rách toạc. Quan nói: - Căn cứ vào hiện trường thì đúng là Lã Quang Minh vứt, vì tâm thần hoảng loạn, quên mất chỗ, bị người đem chôn, nên tìm không thấy. Thằng chó chết này đã giết đổ tể Yến, cũng phải đền mạng. Thế rồi ông lệnh cho bố mẹ Quách Ngạn Trân đưa đầu về chôn cùng một chỗ với bạn mình. Lại lệnh cho nhà họ Yến mang xác về thôn. Lý trưởng nói: - Yến sống độc thân, không có người thân thích. Quan bảo, làng ấy phải chôn, đưa Ngô Đậu Phụ về huyện giam, rồi giải lên cấp trên xét hỏi. Tới cấp trên Ngô Đậu Phụ cũng cứ khai như thế, còn Lã Quang Minh cứ một mực kêu oan, thế rồi quan trên lại cho giải về huyện.