Tứ quan(1) vốn là mê hồn trận Tửu sắc quả là nguy hiểm thay Việc gì cũng phải nên đúng mức Đừng quá đắm say phải ngồi tù. (1) Tứ quan: rượu chè, cờ bạc, trai gái, tiền tài. Ở huyện Lâm Tri, Thanh Châu, có một người giàu có, tên là Hà Giáp, cha là Hà Vĩnh, mẹ là Thân thị. Hà Vĩnh là người tham lam, hay tính toán chi li, cho vay nặng lãi, xuất ra thì cân nhẹ, thu vào thì cân nặng. Phàm những việc gì lợi mình hại người, thì hắn tìm mọi cách làm bằng được. Gia sản của hắn có tới hàng vạn lạng. Năm bốn mươi tuổi mới sinh được Hà Giáp. Hắn quý con như vàng, nhưng chẳng dạy dỗ gì. Khi Giáp mười bốn tuổi, thì Vĩnh mắc bệnh cấp tính chết. Thân thị quá thương chồng rồi cũng lần lượt qua đời. Từ đó Hà Giáp vênh vang đắc ý, tuy tiếng là học trò, nhưng dốt đặc, rượu chè, trai gái thì chẳng ai bằng. Ngày tới đường hoa đêm thăm ngõ liễu, tiêu tiền như rác. Mãn tang hắn lấy Phùng thị, do lúc còn nhỏ cha mẹ hỏi cho. Phùng thị là con nhà danh giá, tính tình hiền thục, cử chỉ đoan trang, rất giỏi nữ công gia chánh, dung nhan xinh đẹp, không ưa chải chuốt, không hay cười cợt chớt nhả. Hà Giáp không thích, cứ bảo là vụng về. Một hôm hắn nói với cô: - Cô như một con lợn dịch, là đàn bà thì cũng phải trang điểm, thì dung nhan mới đẹp. Ta giàu có, vợ không như hoa như ngọc thì cũng phải yểu điệu thướt tha chứ. Trong nhà thiếu gì phấn son, lụa là, đồ trang sức, tại sao không dùng, cứ làm ra vẻ nghèo khổ ngu độn, khiến ta tức giận. Nhân lúc chồng nói, Phùng thị lựa lời khuyên chồng: - Anh ạ, người đàn bà phải đoan trang nền nã, điều dáng sợ là phóng đãng dâm loạn. Hầu hạ chồng, điều tối kị là ăn diện. Trong tứ đức tuy có nói tới dung nhan, song không cái gì hơn là ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, há đâu cứ phải quần là áo lượt. Người đàn bà không hiền thục suốt ngày phấn son, mê hoặc chồng, buông thả tình dục, đến nỗi người đàn ông phải chết yểu, nếu không thì bệnh tật suốt đời. Anh cứ nghĩ xem, điều ấy có ích lợi gì chăng? Hà Giáp chửi: - Ngươi không biết ta đã quen sống ở ngõ liễu đường hoa, những người ta gặp đều là những gái đẹp như tiên giáng thế, tiếng nói như oanh vàng thỏ thẻ. Ta ghét nhất là cái dáng nhà quê bảo cô trang điểm một chút mà cô vẫn còn cưỡng lại ư? - Anh ơi, người ta thường nói, trong hàng vạn cái xấu thì dâm là hàng đầu, trong hàng trăm việc làm thì hiếu là hàng đầu. Trong Địch dục văn có nói: "Mộ của kẻ tuyệt tự hoàn toàn là bọn hiếu sắc cuồng loạn, giống kĩ nữ đều là kẻ dâm đãng". Gần thì báo ứng đến vợ con, xa thì báo ứng đến cháu chắt, anh phải hết sức giữ gìn. - Gái điếm vốn là một nghề sống, - Hà Giáp nói, - thì có gì là tội lỗi? - Gái điếm có năm tội. - Phùng thị nói. - Một là hủy hoại phẩm chất; hai là mất hết gia sản; ba là gây ra tai họa, bốn là sinh ra bệnh tật; năm là tổn thương tính mạng. Anh ơi, gia sản của cha để lại lớn như thế, lẽ ra phải lập chí trau dồi phẩm hạnh, làm việc thiện để được phúc đúc, trở thành người hào kiệt, có ích, an ủi linh hồn cha mẹ dưới suối vàng, để lộc cho con cháu, mới không uổng phí đời người. Cớ sao cứ gây ra oan nghiệt, sống chịu quả báo, chết vào địa ngục! Giáp đùng đùng nổi giận, chửi: - Mày là đồ hèn hạ, mày nói thối lắm, ông đường đường là một đấng đại trượng phu, lẽ nào lại để cho đứa đàn bà dạy dỗ! Thế là hắn giơ tay định tống, Phùng thị vội tránh được. Từ đó Hà Giáp thường mắng chửi rồi bỏ đi chơi bời ít khi về Nhà. Thấy khó mà khuyên được chồng, Phùng thị đành phải mặc quần áo mới một chút để vừa lòng hắn. Một hôm hắn uống rượu, Phùng thị cầm bình rượu, Giáp đã ngà ngà say, cười nói: - Trông em thế mà xinh, nếu em mặc thêm quần áo đẹp, thì quả là làm cho người khác hồn vía lên mây. Rồi hắn bảo Phùng thị trang điểm. Phùng thị không nghe. Giáp tự lấy đồ trang sức và quần áo ra, bắt Phùng thị phải trang điểm. Phùng thị khăng khăng không mặc, Giáp đột nhiên nổi khùng, đập bàn chửi: - Đồ chó má đê tiện, ông tức không chịu nổi. Ông là con nhà giàu có, đã thích thì chơi thả cửa. Ngay như đứa ở con sen cũng phải trang điểm, huống hồ người vợ mà hằng ngày ta đụng chạm vào da thịt, tuổi trẻ phải vui chơi thỏa thích. Mày là đồ đê tiện, không khác nào đống đất, chẳng đẹp đẽ gì. Ngay những kẻ quê mùa mộc mạc cũng còn yểu điệu được cơ mà. Đồ trang sức và quần áo đầy rẫy, thả cửa cho mày ăn diện, phải mặc quần hoa đi giày thêu, gót cao ba tấc, mặt hoa da phấn, lông mày lá liễu, thướt tha dạo bước ngoài hiên như hồ li tinh. Khi uống rượu hát khúc sa song, tiếng hát thánh thót như oanh vàng. Dáng vẻ phong lưu ấy mới thú, không uổng phí một đời người. - Anh nghĩ quá đáng, em ở nhà mẹ đẻ, cha mẹ dạy em phải đoan trang, không được làm dáng. Tính em vốn đã như thế rồi, nay anh cứ bắt em phải chải chuốt, ăn diện, em không làm thế được đâu. - Cái ngữ đoan trang ấy cứ chọc vào mắt làm tan tức lộn ruột. Mày là con ma lem hiện hình, mày còn gân cổ làu bàu. Hãy mau mau diện cho thật đẹp vào rồi tiếp rượu ông. - Tiếp rượu việc gì phải trang điểm, e rằng như thế sẽ làm nhục tổ tiên. - Bảo trang điểm mày không làm, lại còn dùng những lời xấu xa cãi lại, khiến ông tức uất đến cổ. Hôm nay ông phải tống khứ con ma này đi. - Em không đi đâu cả, xem hôm nay thành con ma gì. - Đồ đê tiện, mày nói càng làm ông thêm lộn tiết, mày ương ngạnh như con lừa. Mày như thế, ông không chịu nổi nữa. ông đá cho mày một cú cho chết mẹ mày đi. Hà Giáp đùng đùng nổi giận, mượn rượu đá thẳng vào bụng dưới. Hà thị ngã lộn nhào xuống đất, mồm há hốc mắt trợn ngược . Hà Giáp vội kéo dậy, nhưng ôi thôi Hà thị đã tắt thở. Khi tỉnh rượu gã hối hận vô cùng. Hôm sau hắn cho người đến nhà mẹ vợ báo tin, nói dối rằng vợ đã mắc chứng bệnh cấp tính chết. Anh em Phùng thị thấy bụng dưới có vết thương, làm rùm beng lên không nghe. Hà Giáp nhờ người nói khó xin cho và hứa sẽ làm ma linh đình. Hôm thiêu quan tài, một số tên vô lại nhà Phùng thị tới ngăn trở, khăng khăng đòi kiện lên quan. Hà Giáp khiếp sợ quá, phải đút lót một trăm quan tiền, lập đàn tràng cúng lễ bảy ngày mới yên ổn. Ít lâu sau hắn cưới vợ khác. Đỗ Thái Hòa người trong thành, có một đứa con gái tên là Thúy Nương, người xinh đẹp, trước đây từng tư thông với Hà Giáp, khi còn nhỏ đã hứa gả tho nhà họ Trần. Hà Giáp thấy cô xinh đẹp muốn lấy cô. Thái Hòa biết được, cố ý không gả, khi chăn gối, Thúy Nương lại hẹn non thề biển, Giáp đã bỏ ra hai trăm quan tiền cho Thái Hòa buôn bán, Thái Hòa mới bằng lòng gả cho. Song nhà họ Trần không nghe, Giáp lại phải tung tiền ra mới ổn thỏa. Lúc sắp cưới, họ Trần lại nói là phải đến cướp dâu. Giáp phải nhờ hơn một trăm người mang khí giới đến đón dâu. Mọi người không nghe, nói rằng đất nước thanh bình, tại sao lại tụ tập đông người mang giáo mác gậy gộc như thế. Sau đó họ bắt nộp phạt bốn mươi quan tiền. Giáp đón vợ về, tính ra hết hơn năm trăm quan. Thúy Nương về nhà chồng, suốt ngày tô son điểm phấn, hát xướng tiếp rượu Hà Giáp, thả sức phóng đãng, áo không đẹp không mặc, thịt không ngon không ăn. Chỉ trong vòng hơn bốn năm, tiền của hết nhẵn, rồi bán hết cả mảnh đất cao chân đồi, chưa đầy hai năm cũng tiêu hết nhẵn, sau đó vay mượn để tiêu, về sau mượn cũng không được nữa, đành bán cả ruộng đất nhà cửa trang trại. Thanh toán hết các khoản nợ, chỉ còn lại bốn mươi quan tiền, thuê ruộng người khác trồng cấy. Thúy Nương bán quần áo trang sức mua rượu thịt, suốt ngày chửi chồng là đồ bất tài. Hà Giáp nhẫn nhục chịu đựng không dám hé răng, đành phải đi bán ít hoa quả bánh kẹo. Thúy Nương ở nhà bán dâm, đưa người cửa trước rước người cửa sau. Hà Giáp biết mà không dám nói. Láng giềng có một người hàng xóm tên là Vương Ngũ, tính tình hung bạo, nổi tiếng là một tên giang hồ, kết giao với bọn đỏ đen, mở sòng bạc. Hắn thường đưa thịt trâu đến nhà Thúy Nương cùng nhau ăn uống rồi ngủ qua đêm ở đó, một mình chiếm Thúy Nương, không cho quan hệ với bất cứ ai. Mỗi lần đến nhà, bắt Hà Giáp phải nhượng giường chiếu, Hà Giáp vội vàng bỏ trốn, thảng hoặc có khi không vừa ý là Vương Ngũ chửi liền. Uất ức quá không chịu nổi, thấy trong thành hạt bồ đề(1) rất đắt, Hà Giáp đi buôn. Từ đó Vương Ngũ ở lì tại đó sống với Thúy Nương như vợ chồng. (1) Hạt bồ đề tròn, màu đen. Người ta thường dùng làm tràng hạt (ND). Trong làng có một người tên là Hồ Thành, khỏe mạnh cương trực tranh nhau một cây mọc nơi đất giáp ranh với Phùng An ở Tả Loan. Họ đôi co nhiều lần nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Hồ Thành mượn nhiều người đến chặt cây. Phùng An đi kiện. Hồ Thành không kiện cứ gặp là đánh. Không sao được, Phùng An đành thôi, rồi luôn luôn tìm cơ hội trả thù. Thế là Phùng An hạ mình kết thân, lâu ngày Hồ Thành cũng quên đi, rồi họ luôn đi lại với nhau. Năm ấy, lên tuổi bốn mươi, Hồ Thành làm cơm, khách khứa không mời ai, chỉ mời con rể và những người lân cận. Phùng An cũng tới chúc mừng, cùng vui vẻ nâng chén. Khi đã chếnh choáng hơi men, Hồ Thành say sưa nói về sự tài giỏi trong cuộc đời mình: - Người ta không cướp của không giàu, ngựa không ăn cỏ đêm không béo, chỉ cần bất lương là phát tài ngay. Phùng An ton hót thêm: - Ông Hồ Thành ơi! ông phát tài nhanh bằng cách nào sao không nói cho mọi người nghe, để chúng tôi học làm giàu. - Đương nhiên rồi, anh hãy đến đây để thầy dạy cho. Thế là Hồ Thành khoa chân múa tay nói oang oang: - Các bạn thân mến, hãy lắng tai, tôi nói cho mà nghe để biết tôi đột nhiên có tiền vạn như thế nào. Tôi sinh ra vốn là con nhà khốn khó, tôi không nói dối đâu, hiện tôi có rất nhiều bạc. - Có bao nhiêu? - Tuy không nhiều, nhưng cũng có tới hơn mấy chục nén. - Tôi e rằng đó là bạc làm bằng giấy. - Hoàn toàn không phải bạc bằng giấy. - Thế thì bạc anh lấy ở đâu ra. - Hôm ấy, tôi đi chợ về, qua Nam Lĩnh, lúc ấy đã nhá nhem tối. Bỗng một lái buôn đi thu tiền về quận, thấy túi bạc nặng trình trịch, thế là tôi giơ thẳng cánh đập gậy vào đầu, đến bốp một cái hắn hộc máu, rồi về chầu trời. Tôi vứt xác hắn xuống một chiếc giếng cạn, lấy bạc mang về nhà. - Nói mãi tôi cứ tưởng thật, hóa là là ông say rượu. - Ông Phùng nói thế làm mọi người cụt hứng. Hôm nay tôi đã uống nhiều đâu. Nói về tửu lượng tôi thường uống tới bốn năm cân mà vẫn chưa say đến mức nói liều, làm bậy bao giờ. Hơn nữa Hồ Thành đường đường là một đấng oai phong lẫm liệt, lẽ nào lại khoác lác để đánh lừa các ông. - Ông Hồ này, - Phùng An nói, - ông cứ lấy bạc ra đây cho chúng tôi xem thật mục sở thị, thì chúng tôi mới tin. - Nghe các ông nói làm tôi nóng mặt, chắc rằng các ông cả đời chưa nhìn thấy bạc bao giờ. Các ông hãy ngồi đấy, tôi đi lấy mấy nén cho các ông xem cho hai năm rõ mười. - Số bạc ấy là của chồng chị Trịnh gửi anh mua đất, - vợ Hồ Thành nói, - sao ông cứ nói vớ vẩn lung tung, không sợ người ta chọc gậy vào ư? - Đúng là đàn bà nhát như cáy, - Hồ Thành nói, - phải biết nói khoác mới làm người ta kinh hãi, bà cứ mặc tôi, việc ai người ấy lo, tôi sẽ lấy bạc ra ngay. Anh Phùng lại đây, mở to mắt ra mà nhìn, trắng toát óng a óng ánh, trông có thích mắt không? Hoàn toàn là bạc thật đấy, tất cả là mười tám nén. Các bạn thấy có sướng mắt không. Anh Phùng, từ nay trở đi hãy thật lòng tôn kính ta, nếu không ta sẽ làm như thế. Phùng An nghe xong mừng thầm, về nhà báo quan, nói là Hồ Thành đã cướp của giết người, vứt xác xuống giếng Nam Sơn. Nơi ấy là vùng đất Lâm Tri nổi tiếng ai ai cũng biết. Quan huyện Lâm Tri là Phí Y Chỉ, xuất thân từ khoa bảng, thanh liêm có tài. Thấy tờ trình Phùng An đệ lên, ông lập tức ra lệnh bắt Hồ Thành về xét hỏi. Hồ Thành nói: - Thưa ngài, đấy là do con say rượu nói bừa, chứ hoàn toàn không có việc đó. Vả lại số bạc ấy là của Trịnh Luân, anh rể con nhờ mua đất. Phùng An thù hằn con nên tố giác bừa. Quan gọi Trịnh Luân tới hỏi, Trịnh Luân cũng nói đó là số bạc anh nhờ Hồ Thành mua đất. Quan lệnh giải Hồ Thành tới giếng xem có xác chết không. Họ về bẩm rằng quả thật, có một xác chết không đầu. Hồ Thành sợ mất vía, kêu oan. Quan quát mắng: - Mày là thằng chó má, cướp của giết người, hiện vẫn còn tang chứng, còn oan nỗi gì. Thế rồi ông lập tức tống giam, gửi thông báo ai có người chết đến nhận xác. Hôm sau, vợ Hà Giáp là Đỗ Thúy Nương tới trình đơn nhận xác, nói rằng Hà Giáp bán ruộng đất, còn thừa mấy trăm lạng bạc, tới huyện buôn bán. Trên đường về nhà qua Nam Lĩnh, bị Hồ Thành đánh chết, cướp số bạc ấy. Khẩn thiết mong ngài soi xét Quan nói: - Tại sao người biết đó là chồng ngươi? - Chồng con nói là đến ngày ấy mang bạc về, - Thúy Nương nói, - song nay đã quá hạn mà không thấy về, thế thì đó không phải là chồng con thì là ai! - Chồng ngươi mặc quần áo gì - Quan hỏi. - Chồng con mặc áo lót đã rách. Quan ra lệnh khám nghiệm, lập tức áp giải Hồ Thành tới giếng, lệnh cho người lôi thi thể lên, quả nhiên thi thể không có đầu mặc áo rách. Thúy Nương từ đằng xa òa lên khóc: - Chồng tôi chết thật là thê thảm, bỗng chốc lòng tôi như vò xé. Thân xác cứng đơ, toàn thân rữa nát, không còn đầu tựa như một khúc gỗ nằm bên giếng. Tưởng rằng anh ấy đi buôn, kiếm được nhiều tiền, vợ chồng sống mãi tới già. Khốn khổ thân tôi tuổi còn trẻ mà không có người làm bạn, đôi uyên ương giờ đây chia lìa đôi ngả. May mà chàng linh thiêng, trời có mắt, đã nói ra kẻ giết người. Thiếp quỳ bên thi thể chàng, cầu mong quan lớn nghe thấu lời con: tên Hồ Thành đã cướp của, chặt đầu chồng con, làm hại đời con, khiến con không có cơm ăn áo mặc, sống lẻ loi đơn độc một mình. Mong quan lớn chiếu luật thi hành, khiến chồng con được mang ơn nơi chín suối. Quan hỏi: - Nhà ngươi có mấy người? - Trời ơi, bẩm quan lớn, thương thay bố mẹ chồng con đã mắc bệnh qua đời, không có con cái cháu chắt, anh em. Mong quan lớn thương tình, truy hoàn số bạc cho con. Quan huyện nói: - Chờ giải quyết xong vụ án Hồ Thành, ta sẽ đứng ra cho phép ngươi tái giá. - Con vô cùng biết ơn lòng nhân ái từ bi của quan lớn, con sẽ suốt đời kết cỏ ngậm vành đền ơn quan lớn. Quan lệnh cho người khám nghiệm, thấy nạn nhân chết do một nhát dao đâm vào ngực, rồi sau khi chết mới cắt đầu. Thể rồi quan cho phép chôn xác chết, và an ủi Thúy Nương rằng: - Ngươi hãy về nhà, ngươi còn trẻ không nên xuất đầu lộ diện, nay đã bắt được phạm nhân rồi, chờ tìm thấy đầu, vụ án kết thúc, rồi hãy tái giá. Thúy Nương cúi đầu vái lạy ra về.