Ngồi trên thuyền suốt một đêm, sáng hôm sau thuyền cập bến, họ lên bờ. Ở đây cư dân rất ít, lại sống rải rác khắp nơi, thấy một khu đất rộng rãi, nhà cửa thâm nghiêm, nhà nào cũng kín cổng cao tường, bao xung quanh khu dân cư là một con sông nhỏ. Đây là một trang trại biệt lập. Hy Đà chắp tay mời vào nhà khách. Gia nhân mang trà ra, rồi Hy Đà bảo làm cơm. Cơm xong, chủ nhân nói với Nhậm Viễn: - Tôi định sang năm mới mời thầy, nay đã lưu được ông ở đây thì ngày mai khai trương. Hàng quý tôi trả tiền cho ông, ông thấy thế nào? - Nhà tôi còn một số việc, - Nhậm Viễn nói, - muốn về thu xếp khi nào xong tôi sẽ tới ngay. - Như thế này vậy. - Hy Đà nói. - Tôi sẽ sai người đem tiền quý này đến nhà ông, và mang thư người nhà về đây cho ông, còn ông không phải viết thư nữa. Thế có được không? Nhậm Viễn mừng rơn, nói: - Rất cảm ơn sự nhiệt tình của ông! Có tiền lương một quý thì tôi không phải về nữa. Đêm ấy, Hy Đà đưa ông tới thư phòng nghỉ ngơi. Hôm sau là ngày tết, hai đứa học trò đến chào thầy, thấy chúng khôi ngô tuấn tú, Nhậm Viễn hỏi tuổi, thì đứa lớn mười bảy tuổi, đã biết học văn, đưa bé mười sáu tuổi, đã học cổ văn. Hai đứa trẻ khá thông minh, Nhậm Viễn dạy chúng cũng nhàn nhã, giảng bài là chúng hiểu ngay. Mấy hôm sau Nhậm Viễn nhận được thư nhà, biết nhà đã nhận được tiền lương. Từ đó Nhậm Viễn yên tâm dạy học, không cần phải lo nghĩ gì việc nhà nữa. Trường đầy đủ tiện nghi, thầy trò rất tương đắc. Khi nào học sinh không tới lớp, ngồi một mình trong phòng, Nhậm Viễn cảm thấy cô đơn lạnh lẽo, sau mới hỏi học sinh: - Ở đây có chỗ nào dạo chơi cho đỡ buồn không? - Ở đây hoang vắng, chẳng có chỗ nào đáng đi. Chỉ có một điều chúng con muốn dặn thầy là: tối đến không có việc chi thì cứ đi ngủ sớm, đừng bước ra khỏi thư phòng nửa bước. Thầy nhớ kỹ nhé! Nhậm Viễn nghĩ bụng: "Bên ngoài thư phòng thì là nội thất cho nên nó dặn mình không nên ra". Thế rồi ông gật đầu nói: - Hiểu rồi, hiểu rồi. Năm sau, vào tiết Thanh minh, lại nhận được thư nhà, nói rằng ở nhà đang rất cần tiền, tiền lương tiết Thanh minh đã nhận đủ rồi. Ngoài tin đó ra, thì là những chuyện lặt vặt trong nhà. Nhậm Viễn nói với học trò rằng: - Người nhà mang tiền đi cũng nên nói qua với thầy một Câu, thầy cũng muốn gửi thư về nhà. - Viết thì cũng chẳng khó gì - học trò nói. - Chỉ có điều trong thư đừng viết địa chỉ ở đây, nếu viết cha sẽ quở trách. Hỏi vì sao, thì chúng chỉ cười mà không nói. Nhậm Viễn nghĩ: "Ông ấy không muốn mình viết rõ địa chỉ, chắc là ông ấy sợ người nhà mình biết được, hoặc người khác tìm đến quấy rầy, như thế cũng là cố chấp. Song cũng phải thừa nhận là, ông đã mang tiền lương tới cho gia đình, và đem thư trả lời của người nhà, nên mình cũng yên tâm, chẳng cần viết thư làm gì khiến ông mất vui". Tới mùa hè, ông dạy người học trò lớn làm văn, còn người học trò bé học văn chương của các bậc tiền bối. Học trò rất thích thú. Chỉ có ông chủ, thì sau khi gặp lần đầu đến nay chẳng thấy bóng dáng ông đâu, thỉnh thoảng có hỏi đến thì chúng bảo không có nhà. Điều ấy ông cũng không hề để ý tới. Vào một đêm, đúng vào lúc Trung thu, học trò nghỉ học, Nhậm Viễn dạo quanh sân. Trăng sáng rất đẹp, thấy thư phòng mở, ông ra cổng nhìn, không phải là nhà trong. Ông lặng lẽ bước ra, thấy bên cạnh có một lối đi nhỏ, hai bên là tường cao quét vôi trắng, trăng sáng vằng vặc như ban ngày, trông xa, không một bóng người. Nhậm Viễn lững thững dạo bước, thấy một luồng gió tanh mùi thịt sống phả vào mặt, lại nghe văng vẳng đâu đây có tiếng kêu rên thảm thiết. Đi thêm mấy bước nữa, thì thấy mấy gian nhà thấp lè tè, tiếng rên rỉ từ trong đó vọng ra, bên trong có ánh đèn leo lét. Nhìn qua khe cửa, ai ngờ, không nhìn thì thôi, khi nhìn vào, ôi thôi, hồn bay phách tán, bủn rủn chân tay, run như cầy sấy. Bạn biết trong nhà có gì không? Đều là những người thân thể không trọn vẹn. Có người mất mũi, có người mất tai, có người cụt chân, nền nhà sâu tới mấy thước. Có những người máu chảy đầm đìa, nằm chết vật dưới đất. Tất cả những người đó đều rên rỉ đau đớn. Trong chiếc rãnh bao quanh nền nhà, máu, thịt, còn ngổn ngang bừa bãi. Nhậm Viễn vội vã rời khỏi nơi đó, tim cứ đập rộn lên, như ma đuổi. Ông nghĩ: "Chẳng phải ta nằm mơ ư? Lẽ nào ở đây lại là âm ti địa ngục? Thoát ra khỏi địa ngục này đâu phải dễ". Suốt đêm hôm ấy Nhậm Viễn không sao ngủ được. Sáng hôm sau, thức dậy, Nhậm Viễn cứ ngồi thờ thẫn trong phòng. Nhậm Viễn nghĩ: "Chẳng trách nào bọn học trò bảo mình đừng bước ra khỏi phòng, đó chính là vì thế". Lát sau học trò vào thấy sắc mặt thầy tái nhợt phờ phạt, chúng nói: - Đêm qua thầy có dám ra ngoài không? - Không. - Nhậm Viễn đáp. - Thầy đừng giấu con, chỉ e thầy sợ, - học trò nói. Thấy nó đoán đúng, Nhậm Viễn nói: - Thầy đang muốn hỏi con, vì sau nhà con lại có người tàn tật khổ sở như vậy. - Bây giờ không thể nói thẳng cho thầy biết. Những người bị thương ở trong đó đều do cha con cắt thịt họ làm thuốc. Chỉ vì xưa kia cha con tìm được cuốn sách thuốc bí truyền. Phàm là những người mắc bệnh đều cần những bộ phận trong cơ thể làm dược liệu để chữa trị. Chẳng hạn như, đau ở tai mắt, tứ chi, thì cắt tai mắt, tứ chi luyện thành thuốc; chống ung thư trong lục phủ ngũ tạng thì cắt lục phủ ngũ tạng làm thuốc chữa trị. Chẳng có bệnh nào là không kiến hiệu. Bởi thế, đi bắt một số người về để làm dược liệu, người nào chết thì vứt đi, người nào còn sống thì để dùng đến. Bởi thế mà họ ở đấy chịu khổ sở đau đớn. - Những người bị cắt thịt lấy ở đâu? - Nhậm Viễn hoảng sợ nói. - Có người làm nghề thủ công, - học trò nói, - có người là khách giang hồ, cha đã lừa họ tới, rồi không cho họ ra. Tuy Nhậm Viễn mồm hỏi, song sợ đến thót tim, mặt như chàm đổ, nước mắt lã chã, nói: - Số phận ta nhất định cũng phải như thế chăng? - Thầy đừng sợ. - Học trò nói. - Trước đây mời thầy về cũng định thế. Nay mang ơn thầy dạy dỗ, chúng con quyết không bao giờ hại thầy. Sau ba năm sẽ cho thầy về. Song nay thì không về được, thầy phải sống ở đây thôi. Nhậm Viễn nắm chặt lấy tay học trò, nói: - Thầy sẽ.. ở lại đây, tính mạng của thầy trong tay các con, miễn chết cho thầy là tốt rồi. Học trò an ủi thầy mấy câu rồi đi ra. Từ đó trở đi, ngày ngày Nhậm Viễn như ngồi trên đống lửa, muốn chạy trốn nhưng tường vây quanh rất cao, làm sao có cánh mà bay được? Lại sợ học trò thay lòng đổi dạ, tính mệnh khó bảo toàn, chỉ đành vờ vịt phụng thờ chúng, làm chúng vui lòng. Nghĩ rằng hằng ngày phải tụng "Bạch y Quan âm thần chú” là đấng cứu khổ cứu nạn, mỗi ngày tụng niệm hàng ngàn lần, sớm tối hướng về phía tây, quỳ lạy để cầu mong Quan âm cứu vớt. Vào một đêm, Nhậm Viễn mơ thấy một người đàn bà mặc áo trắng, nói với ông rằng: - Phải thoát tai họa, chờ gặp vải. Mấy hôm sau, bỗng thấy học trò mang đến một tấm vải dài khoảng năm sáu trượng, nói là biếu thầy may quần áo, chờ thợ may đến cắt, rồi để ngay trong phòng. Nhậm Viễn nhớ đến giấc mộng, bỗng nghĩ ra một kế. Vào lúc đêm khuya thanh vắng, không một bóng người, ông nhúng vải vào chậu nước cho ướt sũng, buộc vào chiếc bàn, đặt bên cạnh tường, đứng lên đó, rồi cầm lấy đầu kia tung qua tường, vải ướt dính chặt vào bên kia tường, lôi thử thấy đã chắc, rồi sau đó kéo vải bò lên mặt tường. Nhìn xuống dưới là vườn rau, ông lại theo vải đu mình xuống. Đi khỏi vườn rau, vượt ra bờ rào, thấy một con sông nhỏ chặn lối. May mà từ bé Nhậm Viễn đã biết bơi, thế là ông vượt qua sông lên bờ, vắt chân lên cổ chạy. Đúng là: Bơ vơ như chó mất chủ Vội vã như cá sẩy câu. Chạy thục mạng cho tới khi trời sáng, được khoảng mấy dặm, ai ngờ gặp phải đường cùng, trước mắt là Thái Hồ rộng mênh mông bát ngát. Nhậm Viễn tuy đã trốn chạy, sợ có người đuổi sau bắt được thì chỉ có đường chết. Trước mắt không thấy chiếc thuyền nào đi qua, cuống lên không còn biết cách nào khác. Đợi một lát, thấy đằng trước có một chiếc thuyền buồm đi tới. Nhậm Viễn gào lên kêu cứu. Chiếc thuyền ấy hạ buồm ép mạn vào bờ. Nhậm Viễn nhẩy phốc lên thuyền. Nhà thuyền thấy ông ướt như chuột lột, dáng vẻ kinh hoàng, bèn hỏi: - Có phải ông gặp cướp không? Bây giờ đi đâu? - Đúng là gặp cướp, - Nhậm Viễn nói. - Bây giờ cho tôi về núi Động Đình. - Về đấy cũng thuận đường, - nhà thuyền nói, - Cho ông đi nhờ tới đó được rồi. Thế là họ kéo buồm lên. Chưa đầy hai giờ thì tới núi Động Đình. Từ biệt nhà thuyền lên bờ, Nhậm Viễn đến ngay nhà người bạn thân. Người bạn trông thấy vội hỏi: - Tôi nghe thấy anh đang dạy học ở nơi xa, sao trông anh lại phờ phạc thế này. Có phải bị đắm thuyền không? - Chuyện dài lắm, nói một câu không hết được - Nhậm Viễn nói. Thế rồi anh kéo bạn đến chỗ vắng, kể lại hết hành động của Ma Hy Đà và việc tranh bị lừa thế nào cho bạn nghe. Đã như thế - người bạn kinh hãi nói, - phải đi báo quan ngay. Thế rồi họ cùng nhau tới Thái Hồ Sảnh bẩm quan. Quan Thái Hồ Sảnh gọi vào, hỏi tỉ mỉ từng việc, rồi lệnh cho nha lệ biết. Đồng thời báo cho phó tướng Thái Hồ mang quân lính phối họp cùng đi bắt. Cho Nhậm Viễn làm nhân chứng sống, cùng đến Tiêu Hạ Loan. Hôm ấy bọn học trò dậy, không thấy thầy đâu, còn tấm vải thì vắt trên tường. Biết là thầy đã vượt tường chạy trốn. Song nơi này không có thuyền làm sao chạy thoát. Chúng gọi người nhà vạch bãi lau sậy, tìm khắp nơi, không thấy Nhậm Viễn đâu. Lúc ấy Ma Hy Đà ở Hồ Châu chưa về, bọn người nhà hết sức lo lắng. Thế rồi bất chợt quan quân kéo đến, gác chặt cửa trước cửa sau. Nhậm Viễn dẫn quân quan đánh thốc vào tìm thấy rất nhiều người cụt tay chân. Hai đứa con trai Ma Hy Đà thấy việc đã bị phát giác, hồn bay phách lạc, nhìn thầy gào lên khóc. Nhậm Viễn thấy tình cảnh của chúng hết sức thương tâm, nhưng cũng chỉ biết nói với chúng rằng: - Cha các con tội ác tầy trời, ta không giúp nổi các con. Quan phủ cùm tất cả bọn người nhà Ma Hy Đà lại, rồi giải về nha môn. Sau đó gởi giấp đến phủ Hồ Châu bắt Ma Hy Đà về xét xử. Khi Ma Hy Đà bị giải đến không cần phải kiềm kẹp truy hỏi gì hắn đã khai hết tội ác của mình. Ngay lập tức quan hạ lệnh đánh bốn mươi gậy, tất cả gia thuộc đều bị tống ngục. Sau đó khép Ma Hy Đà vào tội lăng trì, vợ con đều bị chém đầu. Tịch thu toàn bộ tài sản, cấp cho người bị oan, mai táng xương thịt còn vứt ngổn ngang. Hai phủ Tô, Hồ thời ấy đồn ầm lên về chuyện kỳ quái này. Từ đó Nhậm Viễn thờ phụng Quan âm, cả nhà đều quy cửa Phật, không dám ra ngoài dạy học nữa. Đúng là ác giả ác báo. Nhậm Viễn kính cẩn tụng kinh niệm Phật, thì cuối cùng được Đại Sĩ phù hộ, thoát khỏi địa ngục trần gian. Có người nói: - Hai đứa học trò không nỡ hại thầy, tại sao thầy lại hại chúng. Như thế có phải bất nhẫn không? Họ không hiểu rằng, trừ hại cho một vùng, tức là một vùng được hưởng phúc. Người xưa thường vì đại nghĩa mà diệt người thân, con còn chẳng tiếc, thì tiếc gì học trò.