Bên cống Thanh Hồ ngoài Vũ Lâm Môn có một người chuyên sống bằng nghề đóng giày, tên là Trần Văn, vợ là Trình Ngũ Nương. Hôm ấy vào đầu tháng Mười Hai, vợ chồng to tiếng, Trần Văn đến ngay chợ da bên cầu Lý Bồ rồi không thấy về, mãi tới chiều hôm sau cũng không thấy bóng dáng đâu cả. Trình Ngũ Nương rất sốt ruột, lại qua một đêm nữa vẫn biệt vô âm tín. Trình Ngũ Nương ở nhà một mình lo đứng lo ngồi. Gần một tháng trời vẫn không thấy tin tức chồng, Trình Ngũ Nương buộc phải vào thành, tới chợ hỏi các cửa hàng bán da. Họ đều nói: - Hàng tháng nay có thấy chồng chị tới mua da đâu? Hay là chết ở đâu rồi!? Có nhiều người lại hỏi: - Khi đi chồng chị mặc áo gì? - Cách đây một tháng, khi đi nhà tôi mặc áo lụa xanh, - Trình Ngũ Nương nói, - đội khăn chữ vạn, nói là đi chợ mua da, tới nay đã một tháng vẫn không thấy về. Chẳng biết đã đi đâu? Mọi người đều bảo chị cứ đi quanh quẩn trong thành mà hỏi thì may ra sẽ biết tin. Trình Ngũ Nương cảm ơn mọi người, rồi đi vào thành tìm suốt một ngày mà vẫn không thấy tin tức gì. Hai hôm sau, ăn cơm sáng xong, chị lại vào thành, vừa tới Tân Kiều, thấy có người đứng bên bờ sông kêu toáng lên: - Có người chết dưới sông, mặc áo xanh, đang nổi phập phờ dưới nước. Nghe thấy thế Trình Ngũ Nương vội đến bên cầu, rẽ đám đông vào xem, thì thấy một xác chết mặc áo xanh, dập dềnh dưới nước, nhìn xa thấy hao hao chồng mình. Trình thị bèn gào lên khóc: - Anh ơi, vì sao anh lại chết dưới sông này. Mọi người đều sững sờ. Trình thị bảo với mọi người rằng: - Bác nào vớt xác chồng em lên em sẽ biếu năm mươi quan tiền uống rượu. Lúc ấy có một người sa cơ lỡ vận, gọi là Vương Tửu Tửu, chuyên nịnh nọt bợ đỡ, lừa người lấy của. Hắn là một tên lưu manh, nên chẳng ai dây với hắn. Thấy Trình Ngũ Nương hứa biếu năm mươi quan tiền uống rượu, hắn bèn bước tới nói: - Chị ơi, tôi sẽ lôi chiếc xác ấy lên để chị xem. Ngũ Nương gạt nước mắt nói: - Nếu bác giúp được, em vô cùng cám ơn. Vương Tửu Tửu thấy một chiếc thuyền đi ngang qua, bèn nhảy xuống thuyền gọi: - Bác lái, hãy dừng thuyền lại một chút, chờ tôi giúp chị này kéo chiếc xác lên bờ. Vương Tửu Tửu đứng trên thuyền, dùng chiếc sào đẩy xác chết vào bờ, hắn nhận ra đây là xác Đổng Tiểu Nhị, nhưng không nói ra. Trình thị tới, nhìn thấy mặt đã bị nước làm tướp da, không nhận ra được. Song nhìn quần áo thì hao hao như chồng mình, bèn gào lên khóc thảm thiết, nói với Vương Tửu tửu: - Phiền bác đi với cháu mua chiếc quan tài về khâm liệm rồi hãy tính toán sau. Vương Tửu Tửu bèn đi theo Trình Ngũ Nương, tới báo cho Lý Đoàn người trông coi việc khám xét tử thi, mua quan tài, gọi hai người tới bờ sông khiêng xác bỏ vào quan tài, rồi đặt bên bờ sông. Thời ấy bên cầu không có nhà nào ở, hằng ngày chỉ có thuyền bè qua lại. Trình thị lấy ra năm mươi quan tiền đưa cho Vương Tửu Tửu. Được tiền rồi, Vương Tửu Tửu đến ngay quán rượu của Cao thị, lấy cớ là mua rượu, hỏi Cao thị: - Vì cớ gì nhà bà lại đánh chết Đổng Tiểu Nhị vứt dưới cầu sông Tân Hà, nay đã nổi lên. Bà bảo có buồn cười không, có một người ở đâu nhận lầm là chồng mình, mua quan tài khâm liệm, hôm nào đó sẽ đến chôn cất. - Vương Tửu Tửu, ông chỉ nói liều, - Đại Nương nói, - thằng Tiểu Nhị đã ăn cắp đồ trang súc rồi bỏ trốn, truy tìm không thấy, làm gì có chuyện đó. - Đại Nương, - Vương Tửu Tửu nói, - bà đừng chối nữa! Giấu người khác chứ che mắt ta làm sao được. Nếu bà đưa cho ta một ít tiền nói khó với ta thì ta lờ đi, để người đàn bà ấy nhận nhầm cho xong chuyện. Nếu như cãi khuấy, không chịu đưa tiền cho ta, thì ta sẽ lên phủ tố giác bà giết người. Cao thị nghe xong, chửi ầm lên: - Ngươi là thằng lưu manh cướp của giết người, là thằng ăn mày mạt kiếp. Chồng ta đi vắng đến đánh lừa ta. Vương Tửu Tửu bị chửi, hằm hằm tức giận, bỏ đi, và việc này đã liên quan tới bốn nhân mạng nhà họ Kiều. Nếu người đàn bà ấy cứ cho bừa hắn một ít tiền thì không đến nỗi xẩy ra việc ấy. Trời tuyết cò kia bay mới thấy, Liễu xanh anh vũ hót mới hay. Tội ác dù nhỏ, Xin chớ có làm. Áo mặc cơm ăn, Do mình cày cấy. Ôi cuộc sống ấy, Vui thật là vui. Bị Cao thị chửi cho một trận, Vương Tửu Tửu đến ngay An phủ ty quận Ninh Hải tố giác. An phủ tướng công đang ngồi trong sảnh đường, sai tay chân gọi Vương Tửu Tửu vào hỏi: - Ngươi có việc gì oan khuất? Vương Tửu Tửu quỳ trước sảnh đường nói: - Con là Vương Thanh, người huyện Tiền Đường, nay tới cáo giác. Láng giềng con có một người tên là Kiều Tuấn đi buôn bán xa chưa về. Vợ anh ta là Cao thị, thiếp là Chu thị, con gái là Ngọc Tú đã gian dâm với một người làm thuê là Đổng Tiểu Nhị. Không biết vì duyên cớ gì mà mưu sát Đổng Tiểu Nhị, vứt xác xuống sông Tân Kiều, nay xác nổi lên. Con đã nói việc này với Cao thị, song Cao thị đã mắng chửi con tàn tệ. Nhà Cao thị có một người làm công tên là Hồng Tam, dám cùng họ mưu sát Tiểu Nhị. Thấy việc ấy con không đang tâm, bởi thế con lên bẩm báo với ngài. Xin ngài đèn trời soi xét. - An phủ nghe xong, bảo viên lục sự ghi lại lời khai của Vương Thanh, đồng thời viết lệnh, sai hai người dẫn Vương Thanh đi bắt ba người nhà của Kiều Tuấn và Hồng Tam, cấp tốc giải về sảnh đường. Sai nha tới bắt Cao thị, Chu thị, Ngọc Tú và Hồng Tam, rồi khóa cổng, giải về phủ. Những người này quỳ trước sảnh đường. Tướng Công tên là Hoàng Chính Đại người Thái Châu, là một người giảo hoạt, tham lam và tàn khốc. Ông ta hỏi Cao thị: - Đổng Tiểu Nhị hiện ở đâu? - Đổng Tiểu Nhị lấy trộm đồ đạc, hiện không biết trốn đâu? Cao thị nói. - Xin Tướng Công cứ hỏi Hồng Tam sẽ rõ. - Nha lại nói. An phủ bèn đánh Hồng Tam năm mươi roi gai, hai chân Hồng Tam tóe máu. Không chịu nổi đòn, Hồng Tam khai: - Thoạt tiên Đổng Tiểu Nhị gian dâm với Chu thị, sau đó dọn về nhà, lại gian dâm với Ngọc Tú. Cao thị biết được, sợ chồng về làm nhục gia phong, cho nên vào đêm rằm tháng tám, thưởng trăng Trung thu, Cao thị đã cho con và Tiểu Nhị uống rượu. Cả hai đều say. Con sợ lỡ việc, về gian nhà cất rượu ngủ. Đến canh năm, thấy Cao thị, Chu thị tới gọi con ra vườn sau, ở đó con thấy xác Tiểu Nhị nằm trên vũng máu. Con mang ra sông vứt. Trở về con hỏi Cao thị, tại sao lại giết Tiểu Nhị. Cao thị nói: "Nó và Chu thị thông đồng lừa dối con gái ta để gian dâm, nếu bất chợt Kiều Tuấn về biết được làm thế nào. Đuổi nó đi thì không được, lại sợ nó nói ra sự thực, không còn cách nào khác, ta đã dùng thừng thắt cổ nó". Con là người thực thà, bèn nói: "Nó là một tên vô lại, phải trừ khử ngay đi". Thưa Tướng Công, đó là sự thực. Thấy đã rõ ràng, An Phủ bắt Hồng Tam điểm chỉ vào bản ghi lời khai. Hồng Tam đã khai hết sự thực, hai người đàn bà hồn xiêu phách lạc, Ngọc Tú run cầm cập. An Phủ hỏi Ngọc Tú, Ngọc Tú khai: - Thoạt tiên Chu thị gian dâm với Tiểu Nhị, mẹ con gọi hai người về nhà. Tiểu Nhị chòng ghẹo con nhiều lần, con không chịu nghe. Sau đó cưỡng bức con ra vườn sau để gian dâm. Đến ngày rằm tháng tám, chuẩn bị cỗ bàn trông trăng, ăn uống xong mẹ con giục con đi ngủ. Con hoàn toàn không biết chuyện Tiểu Nhị chết. An phủ lại hỏi Chu thị: - Ngươi đã gian dâm với Tiểu Nhị, tại sao ngươi lại làm hại con gái ngươi, hãy khai mau. Chu thị hai hàng nước mắt đầm đìa, khai hết sự thực. An phủ lại hỏi Cao thị: - Tại sao ngươi mưu giết Tiểu Nhị? Không thể chối cãi được, Cao thị đành phải khai rõ từ đầu. Sau đó tất cả đều bị tống vào nhà lao. An phủ căn cứ vào lời khai, lập bản án. Hôm sau sai huyện úy cùng với pháp y áp giải bọn Cao thị tới cầu Tân Hà khám nghiệm tử thi. Hôm ấy cả trong và ngoài thành đều náo động, người ta lũ lượt đi xem, không sao kể xiết. Huyện úy áp giải họ tới Tân Hà, bật nắp quan tài, lôi xác chết ra khám nghiệm, rồi lại bỏ vào quan tài. Huyện úy dẫn bốn người ấy về thưa với An phủ: - Đổng Tiểu Nhị tuy bị búa bổ vỡ sọ, song vẫn còn vết thắt cổ. An phủ cho sai nha đánh mỗi người hai mươi gậy, tất cả đều ngất đi, một lúc sau mới tỉnh. Họ lấy một chiếc cùm dài cùm Cao thị và dùng xích sắt xích Chu thị, Ngọc Tú, Hồng Tam lại, rồi tống ngục. Vương Thanh theo nha môn xử lý. Vợ người thợ khâu giày biết mình nhận lầm xác chồng cũng không khóc nữa, thấy khủng khiếp quá, không dám gặp mọi người. Ngọc Tú trong tù không ăn uống được, hôm sau thì chết. Hai hôm sau nữa Chu thị cũng chết. Hồng Tam ốm nặng, lính coi ngục bẩm báo An phủ, An phủ sai thầy thuốc chữa trị, nhưng không khỏi, rồi cũng chết. Chỉ có Cao thị mình mẩy sưng húp, chỗ bị đánh đau đớn nhức nhối không sao chịu nổi, cơm tháo không ăn được, thuốc uống cũng vô dụng, rồi chết nốt. Thật đáng thương, chưa đầy nửa tháng mà bốn người lần lượt chết trong nhà tù. Lính coi ngục bẩm báo, Tri phủ nói với thư lại: - Kiều Tuấn đi đã lâu không trở về, ở nhà thê thiếp mưu sát người, đáng phải đền mạng. Bọn gây ra tội ác đã chết. Hãy viết tờ biểu tâu lên triều đình, rồi mới quyết đoán. Chưa đầy một ngày thì chiếu chỉ của triều đình tới, mở ra đọc: "Kẻ gây ra tội ác đều đã chết, nay tịch thu toàn bộ gia sản nhập vào công khố. Thi thể Tiểu Nhị không thấy thân chủ tới nhận, thì đem hỏa thiêu". An phủ lập tức sai nha lại mở cổng nhà Kiều Tuấn, đem toàn bộ của cải gia sản nhập vào công quỹ, và hỏa thiêu xác Đổng Tiểu Nhị. Lúc ấy, Kiều Tuấn đang sống vất vưởng khổ sở tại nhà Thẩm Thụy Liên ở Đông Kinh, hoàn toàn không hay biết ở nhà đã xẩy ra việc gì. Ở đó được hai năm thì vốn liếng hết sạch, mụ chủ nhà chứa nói: - Con gái ta mê ngươi, nên không tiếp khách, cứ thế này mãi sao được? Ngươi có tiền thì bỏ ra mà chi dùng, không tiền thì hãy rời khỏi nhà ta, để cho con ta tiếp khách, chứ cứ ở đây thì cả nhà ta chết đói. Trước đây Kiều Tuấn là người lắm tiền, song nay nhẵn túi, bị chủ nhà chứa đuổi xơi xơi, Kiều Tuấn nước mắt lưng tròng, muốn lần mò về quê, nhưng không tiền ăn đường. Thấy Kiều Tuấn khóc, Thẩm Thụy Liên cũng giàn giụa nước mắt nói: - Anh Kiều, em đã làm khổ anh. Trước đây em cũng góp nhặt được ít tiền, anh hãy cầm lấy mà ăn đường. Nếu anh còn thương em thì hãy về nhà lấy ít tiền rồi trở lại. Kiều Tuấn rất mừng, ngay tối ấy thu xếp quần áo cũ, Thẩm Thụy Liên đưa cho ba trăm quan tiền, Kiều Tuấn bỏ vào túi hành lí, chào chủ nhà chứa, đeo túi cầm gậy chào Thụy Liên. Hai người bịn rịn chia tay. Kiều Tuấn đáp thuyền, chưa đầy một ngày tới Bắc Tân Quan thì trời đã tối, bèn sang chiếc thuyền người quen tá túc, sáng hôm sau vào thành. Nhà thuyền trông thấy Kiều Tuấn ngạc nhiên nói: - Anh Kiều, sao lâu nay anh ở đâu mà không về? Người thiếp là Chu thị của anh gian dâm với một người làm thuê. Cao thị gọi về nhà, không biết thế nào anh ta lại gian dâm với con gái anh. Tôi nghe người ta nói, không biết thế nào mà Cao thị lại mưu sát người làm thuê, Hồng Tam mang xác ra vứt ngoài sông Tân Kiều. Được hai tháng thì xác nổi lên, vợ một người thợ giày đến nhận nhầm. Sau đó lại có một người nhận ra đó là xác người làm thuê nhà anh, rồi tố giác lên An phủ ty Quan cho người về bắt Cao thị, Chu thị, Ngọc Tú và Hồng Tam. Họ không chịu nổi tra tấn đã phải cung khai. Quan giam vào nhà lao, không chịu nổi. Đến nay cả bốn người đều chết. Triều đình đã ra lệnh tịch thu toàn bộ gia sản. Bây giờ anh đi đâu? Kiều Tuấn nghe xong chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Kiều Tuấn sững sờ, chết lặng người không sao nói được. Người chủ thuyền dọn cơm rượu ra, song Kiều Tuấn không sao nuốt nổi, hai hàng nước mắt chảy xuống như mưa, khóc nấc lên, anh nghĩ: "Không ngờ nay đến nỗi có nhà không về được, có nước không sống được, bây giờ làm sao đây?". Trằn trọc suốt đêm không sao ngủ được, hôm sau khi trời chưa sáng rõ, Kiều Tuấn từ biệt chủ thuyền khăn gói quả mướp vội vã tới Vũ Lâm Môn. Đến cửa hàng bán đồ cổ của Vương Tương Sĩ đối diện với nhà mình, thấy nhà cửa đã bị phá dỡ, chỉ còn lại một mảnh đất hoang tàn. Đúng lúc ấy Vương Tướng Sĩ mở cửa, Kiều Tuấn đặt khăn gói xuống chào: - Thưa bác! Không ngờ con ra đi nhà cửa lại đến nỗi tan nát thế này. - Anh Kiều Tuấn! - Vương Tướng Sĩ nói. - Anh đi đâu mà mãi không về? - Chỉ vì mất hết vốn liếng, - Kiều Tuấn nói, - nên cháu không về được, và cháu cũng không hề biết tin tức gì ở nhà. Vương Tướng Sĩ mời Kiều Tuấn vào ghế ngồi rồi nói: - Cháu ơi, hãy nghe già nói: "Sau khi cháu đi...", - ông kể lại hết những việc đã xẩy ra rồi nói - Chỉ buồn cười vợ anh thợ giày vì chồng đi đâu rồi chết, đã nhận nhầm xác. Sau đó bị thằng Vương Tửu Tửu đi báo, vợ con anh và Hồng Tam bị bắt, rồi bị tra tấn, không chịu nổi đã bị chết trong nhà tù, gia sản đều bị tịch thu. Bây giờ anh đi đâu? Kiều Tuấn nghe xong hai hàng nước mắt cứ trào ra, chẳng còn biết đi đâu nữa, thở dài não nuột, nói: - Thôi thế là hết rồi! Tôi năm nay bốn mươi tuổi, không vợ con, không nhà cửa, tài sản hết nhẵn, biết dựa vào ai! Kiều Tuấn tới chiếc cầu thứ hai trên Tây Hồ, nhìn hồ nước mênh mông, rồi nhẩy xuống đó chết. Cả nhà Kiều Tuấn đều chết cả, thật đáng thương thay! Ngàn năm trăng gió Tây Hồ, Chuyện xưa còn mãi đến giờ chưa khuây. Thi thể không được liệm vào quan tài chôn xuống đất, đó là kết cục của kẻ tham dâm háo sắc. Vợ đẹp như hoa chết trong tù, Kiều Lang đành phải nhẩy xuống hồ Chỉ bởi gây nên điều ô nhục, Gia tài bỗng chốc thuộc đế vương.