Ăn uống thường cho thêm muối dấm, Nơi không cần đến chẳng nên đi Muốn người coi trọng xin gắng học, Sợ người đời biết, chớ làm chi. Năm Khánh Lịch triều Tống Nhân Tông, cách thành Biện Lương, Đông Kinh ba mươi dặm, có một thôn tên là Lão Nhi. Trong thôn có hai anh em họ Lưu, nhà vốn theo nghề nông. Người anh là Lưu Thiêm Tường, trạc bốn mươi tuổi, vợ chết. Người em tên là Lưu Thiêm Thụy, ba mươi nhăm tuổi, vợ là Điều thị ba mươi tuổi có một đứa con tên là An Trú ba tuổi. Anh em sống bằng nghề cày cấy trồng trọt. Năm ấy vì hạn hán lụt lội mất mùa, một hôm Thiêm Thụy nói với anh rằng: - Mùa màng thất bát, chúng ta lấy gì mà sống? Thôi thì anh em mình dọn đến nhà chú Trương Học Cứu thôn Hạ Mã, huyện Cao Bằng, Lộ Châu nhờ vả một thời gian, ý anh thế nào? - Anh tuổi đã cao đi không được nữa, - Thiêm Tường nói, - mình chú thím đi thôi. - Anh ạ, nhân thể hôm nay em mời lí trưởng Lý làm chứng, viết hai bản văn tự hợp đồng, anh giữ một bản, em cầm một bản, em tới nhà chú nương nhờ, “người ta khó mà lường tính hết được việc trước sau”, anh tuổi cao, ruộng vườn sản nghiệp dù có bán cũng không được, nay viết văn tự làm bằng. - Em nói phải đấy. - Thiêm Tường nói. Thế rồi họ mời lý trưởng Lý tới, viết bản văn tự hợp đồng rõ ràng minh bạch, mỗi người cầm một tờ. Họ làm mâm cơm mời lý trưởng. Trong lúc ăn uống lý trưởng nói: - Tôi có một đứa con gái, nếu ông Thụy bằng lòng xin cho An Trú thì hôm nay cứ nói thẳng. - Ông đã nói thế, - Lưu Thiêm Tường nói, - thì sẽ chọn ngày lành tháng tốt dẫn lễ. Chỉ trong mấy ngày họ đã chuẩn bị xong xuôi. Lưu Thụy thu xếp hành lí, từ biệt anh lên đường. Vì Lưu Thụy đường xa dặm thẳng tới nương nhờ người thân, có người nghĩ: Đi thì dễ, về thì khó. Đúng là: Trời lúc nắng lúc mưa, Nước khi hưng khi thịnh. Muôn sự do trời định Đời người thật long đong. Lưu Thụy đưa vợ con đi ròng rã mấy ngày trời mới tới thôn Hạ Mã huyện Cao Bằng, gặp chồng dì là Trương Học Cứu, kể hết gia cảnh khó khăn và xin nương thân ở đây. Người ấy rất mừng giữ lại nhà. Thời gian thấm thoát, thoáng cái đã được hai năm. Vợ Lưu Thụy lên cái nhọt ở đầu, chạy chữa hơn một tháng mà vẫn đau đớn nhức nhối không ăn uống được, rồi qua đời. Lưu Thụy khóc lóc đau thương lo ma chay cho vợ. Hai tháng sau thấy người gầy rộc, phờ phạc rồi ngã bệnh, chữa trị mãi mà không khỏi. Trương Học Cứu khuyên Lưu Thụy hãy nén đau thương, bồi dưỡng sức khỏe để nuôi dưỡng An Trú nên người. Nửa năm sau do tiết trời thay đổi, Lưu Thụy bị cảm, đầu đau nhức lên cơn sốt. Đúng là "họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai", ốm sáu bảy tháng thì Lưu Thụy lìa bỏ cõi đời. Trương Học Cứu chôn cất vợ chồng Lưu Thụy bên cạnh phần mộ tổ tiên. Ngày tháng thoi đưa, An Trú sống với Trương Học Cứu được mười lăm năm, đã trở thành một chàng trai mười tám tuổi, thông minh đĩnh ngộ, đức độ tài năng, có học và biết lễ nghĩa. Một hôm vào dịp tiết Thanh minh, vợ chồng Trương Học cứu mua sắm lễ vật cùng An Trú đi tảo mộ. Tới mộ phần, bày lễ vật rồi khấn khứa, Trương Học Cứu nói với vợ: - Tôi có câu chuyện muốn nói với bà. Tôi nghĩ rằng An Trú đã trưởng thành. Năm nay lại có nhiều thuận lợi. Tôi định bảo An Trú đem hài cốt vợ chồng Lưu Thụy về quê để nhận bác. Ý bà thế nào? - Ông nói phải lắm. - Vợ Trương nói. - Đây là việc âm đức. Hai vợ chồng bàn bạc xong xuôi, bảo An Trú: - Con hãy cúng mộ tổ, đâu đó đến hai ngôi mộ kia vái mấy vái. - Thưa cha, - An Trú hỏi, - đây là mộ của ai? Vái xong Học Cứu nói: - Con đừng hỏi nữa, hóa vàng hương đi rồi về nhà. - Cha mẹ không cho con biết họ tên người thân đã mất rồi, con sống làm gì nữa, thà rằng con tự vẫn cho xong. - Con hãy lại đây cha nói để con hay. Đấy chính là cha mẹ đẻ của con. Còn ta chỉ là cha mẹ nuôi thôi. Quê con là thôn Lão Nhi cách thành Biện Lương ba mươi dặm. Bác con là Lưu Thiêm Tường, cha con là Lưu Thiêm Thụy, cùng với mẹ con là chị Hai Lưu. Cách đây mười lăm năm, lúc ấy con mới lên ba, vì đói kém, bố mẹ con đã đưa con tới đây nương nhờ. Mẹ con bị lên một chiếc nhọt ở đầu rồi chết. Cha con do thời tiết thay đổi mắc bệnh cảm cũng mất theo. Vợ chồng ta đã lo quan tài chôn cất, và coi con như con đẻ. Không nói ra thì thôi, mà nói ra thì An Trú đến bên phần mộ gào lên khóc nức nở. - Con là đứa con bất hiếu. Con không biết cha mẹ đã qua đời. - Con ơi đừng phiền muộn nữa. - Trương Học Cứu nói. - Con hãy chọn ngày tốt, đem hài cốt cha mẹ về quê, nhận bác Lưu Thiêm Tường, mai táng hài cốt cha mẹ. Đừng quên ơn cha mẹ nuôi là được rồi. - Thưa cha mẹ, công của cha mẹ nuôi còn hơn cả công lao cha mẹ đẻ. Con đâu dám quên ơn. Nếu trời cho khấm khá con xin kết cỏ ngậm vành báo đáp. Hôm sau họ nhờ người chọn ngày tốt, An Trú gói hài cốt cha mẹ, thu xếp quần áo, tiền ăn đường và bản văn tự hợp đồng thành một gánh, chào vợ chồng Trương Học Cứu lên đường về quê. Trương Học Cứu nói: - Xưa kia bố mẹ con tới đây chẳng có một đồng một chữ, một đầu đòn gánh gánh con, còn đầu bên kia là gia tài nghèo nàn. Con đi đường phải cẩn thận, đường rừng núi hiểm trở khó đi, về tới nhà thì gửi thư ngay báo tin cho cha mẹ. - Cha mẹ cứ yên tâm, đừng lo nghĩ gì. Thế rồi An Trú từ biệt cha mẹ nuôi, quảy gánh ra đi. Từ ngày vợ chồng người em ra đi đến nay đã mười lăm mười sáu năm trời, Lưu Thiêm Tường không có tin tức gì về em, nghĩ rằng, chẳng biết là còn hay mất. Vì nhà không có người liền lấy một người nạ dòng là Vương thị, người vợ kế dẫn cả đứa con riêng về nhà. Một hôm, Vương thị nghĩ: "Chồng mình có một người em và đứa cháu đi nơi khác kiếm ăn, nếu về họ sẽ đuổi con mình đi lúc đó thì rầy rà to". Hôm ấy là ngày tế xuân, lão Lưu đi ăn cỗ không có nhà. Mãi tới chiều cỗ bàn xong mới về. Đúng lúc ấy An Trú đương hỏi thăm đường, tới cửa nhà đặt gánh xuống. Vợ Lưu Thiêm Tường hỏi: - Anh tìm ai? - Cháu tìm bác cháu, cháu là con của ông Lưu Thiêm Thụy, cách đây mười lăm năm, bố mẹ con và con đi nương thân nhà người thân thuộc, hôm nay cháu trở về. Đang hỏi han thì Lưu Thiêm Tường rượu say trở về, thấy An Trú, hỏi: - Anh là ai? Đến nhà tôi làm gì" - Thưa bác, cháu là An Trú. - Thế cha mẹ cháu đâu? - Từ khi xa bác, tới nhà ông Trương Học Cứu tại thôn Hạ Mã, huyện Cao Bằng, Lộ Châu nương nhờ, không đầy hai năm sau thì cha mẹ cháu mất, chỉ còn lại mình cháu. Cha mẹ cháu quá cố, cháu được ông Trương Học Cứu nuôi nấng từ ngày đó đến nay. Nay cháu đem hài cốt cha mẹ cháu về quê an táng, xin bác thương tình. Lão Lưu đang say rượu. Vợ Lưu nói: - Nhà ta chẳng có ai đi nơi khác nương nhờ người thân cả, tự nhiên anh ở đâu tới nhận xằng. - Cháu có bản văn tự hợp đồng làm tin, nên mới về đây nhận bác. Vợ Lưu bảo lão Lưu: - Đuổi thằng này đi, nó tới nhà mình nhận trăng nhận cuội. Lão Lưu cầm hòn gạch đập vào đầu An Trú chảy toang máu, lăn quay ra đất. Đúng lúc ấy lí trưởng họ Lý tới hỏi lão Lưu: - Người bị đánh ngã là ai đó? - Nó giả danh là con Lưu Thụy, tới nhận tôi, rồi lại chửi tôi bị tôi đánh. - Tôi nghe người ta nói, - lí trưởng họ Lý nói, - nên tôi tới xem sao. Đừng nói đúng hay không, để tôi dìu anh ta dậy hỏi xem đã. Lý trưởng họ Lý hỏi: - Anh là ai? Cháu là con Lưu Thiêm Thụy, tên là An Trú. - Thế bao năm nay anh đi đâu, bây giờ mới về? - Con được ông Trương Học Cứu thôn Hạ Mã, huyện Cao Bằng, Lộ Châu nuôi nay đã khôn lớn, con đem hài cốt cha mẹ về quê an táng. Song hai bác lại bảo con nhận vơ, con cũng đã đưa văn tự hợp đồng, nhung bác ấy không thèm xem, mà đánh con, may được bác cứu giúp. Lý trưởng bảo: - Hãy gánh những thứ này đi theo ta. Thế rồi đưa An Trú về nhà. An Trú đặt gánh xuống, cúi lạy lý trưởng Lý. Lý trưởng Lý nói: - Bà nó ơi, Lưu An Trú, con rể bà đưa hài cốt cha mẹ về quê đây này! Lý trưởng Lý bảo Lưu An Trú đặt hài cốt trước nhà, rồi nói: - An Trú, ta là bố vợ, còn đây là mẹ vợ của con. Rồi ông gọi con gái là Mãn Đường ra nói: - Con hãy lạy linh cữu của bố mẹ chồng con đi. Họ bày lễ vật, cúng bái, hóa vàng hương xong, dọn cỗ khoản đãi An Trú. Rồi lý trưởng Lý nói: - Ngày mai con tới Bao Phủ doãn, phủ Khai Phong cáo giác con bị bác trai và bác gái đánh trọng thương. Nghỉ lại đó một đêm, tới sáng hôm sau An Trú tới cáo giác với Bao Tướng Công phủ Khai Phong. Tướng Công lập tức sai người đi bắt vợ chồng Lưu Thiêm Tường tới, và mang theo cả bản văn tự hợp đồng lên trình quan. Lại cho gọi cả lý trưởng Lý tới làm chứng. Hôm ấy, tất cả những người có liên quan đều tới phủ đường. Bao Tướng Công hỏi: - Lưu Thiêm Tường, có phải Lưu An Trú là cháu ngươi Không? - Không phải! - Lưu Thiêm Tường trả lời. - Không phải! - Vợ Thiêm Tường cũng nói. - Nếu là cháu ruột, thì tại sao bao nhiêu năm nay chẳng biết sống chết thế nào? Bao Tướng Công lấy hai bản văn tự hợp đồng ra xem, đùng đùng nổi giận giao lão Lưu cho nhà giam tra khảo. An Trú nói: - Thưa Tướng Công, bác con thật đáng thương, tuổi đã già, không con cái, xin tướng công thương tình. - Hãy đưa vợ kế ra tra khảo! - Bao Tướng Công nói. - Mong tướng công trị tội con, hai bác con không có liên quan gì. - An Trú nói. Bao Tướng Công sai người đánh lão Lưu ba mươi gậy. An Trú nói: - Thưa Tướng Công, thà rằng Tướng công cứ đánh con chứ đừng đánh bác con. Thưa Tướng Công, chỉ cần việc nhà rõ ràng minh bạch, con sẽ suốt đời không dám quên ơn Tướng công. Thấy An Trú là người hiếu nghĩa, Bao Tướng Công tha mọi người về nhà, nói: - Chờ ta tâu lên triều đình. Triều đình rất hài lòng thấy An Trú có lòng hiếu thảo, khen ngợi Lưu An Trú hiếu nghĩa song toàn, phong tặng giữ chức huyện doãn Trần Lưu, cho gia đình Lưu Thiêm Tường được đoàn viên. Lý trưởng Lý chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn cho Lưu An Trú với Lý Mãn Đường. Sau đó một tháng hai vợ chồng thu xếp hành trang chào đôi bên cha mẹ, lên đường tới huyện Cao Bằng tạ ơn Trương Học Cứu, rồi trở về huyện Trần Lưu nhậm chức. Vợ chồng Lưu An Trú sống hạnh phúc bên nhau tới tận đầu bạc răng long. Đúng là: Lý trưởng Lý vẫn đợi chờ chàng rể, Vợ Lưu Tường định hãm hại cháu con. Lưu An Trú người hiếu nghĩa song toàn. Bao Tướng Công xử hợp đồng văn tự.