Bốn biển đều là anh em, đó là những điều làm cho lòng ta khuây khỏa. Những đứa trẻ trong cùng một nhà quấn quít bên nhau, chúng là anh em ruột thịt. Song có khi hiềm khích nhau, phần lớn là do cha mẹ yêu đứa này ghét đứa khác rồi dần dần chúng xa nhau. Cũng có khi do chị em dâu va chạm nhau, hàng ngày tỉ tê xúc xiểm chồng, rốt cục những người cùng máu mủ sinh ra chia lìa nhau. Cũng có khi bạn bè li gián, kẻ hầu người hạ xúi bẩy. Thường thì lúc đầu anh em hiềm khích nhau, tiếp đó là tranh giành nhau rồi dần dần kiện nhau, thậm chí thù ghét đâm chém nhau chẳng khác người dưng nước lã. Điều ấy thật là quái lạ. Vốn cùng một cha mẹ sinh ra, song lại như nước với lửa. Lẽ nào anh em không phải là đồng bào, không phải là máu thịt do cha mẹ sinh ra? Cho nên ta thường nói, trong lúc bình thường anh em phải như Tư Mã Ôn Công, đến mãi khi đã già vẫn quan tâm tới cái đói cái rét của anh, thương yêu nhau như thời còn bé. Khi lâm sự phải như anh em Triệu Lễ. Thời kỳ nhà Hán thay thế nhà Tần, mất mùa, đói kém khắp nơi trộm cướp nổi lên như ong, anh Triệu Lễ bị bọn cướp bắt ăn thịt, Triệu Lễ biết được đã tự mình đến chỗ bọn cướp nói: "Anh tôi gầy, tôi thì béo, xin các ông đừng giết anh tôi, tôi xin tình nguyện chết thay". Thấy ông là người nghĩa khí, bọn cướp bèn tha chết cho cả hai anh em. Còn như việc anh em họ Điền chia lìa nhau khiến cây tử kinh cũng buồn thương mà khô héo, thấy ba anh em họ Điền đoàn tụ, cây tử kinh lại tốt tươi trở lại. Ta cho rằng họ chưa phải là đấng mày râu, vì họ không làm chủ được mình mà lại nhờ đến sự cảm động của cây cỏ. Hoặc do thời gian tính tình thay đổi có kẻ trí người ngu, thì người anh phải như Ngưu Hoàng, mặc dù em bắn chết mất con trâu kéo xe, song anh không vì thế mà quở trách, chửi bới em. Nếu là em thì phải như Tôn Trùng Nhi, nghi anh là kẻ không đứng đắn đã lăng nhục anh, song anh không vì thế mà oán hận em. Vương tường với Vương Lãm là anh em cùng cha khác mẹ, Vương Tường là người rất có hiếu và đương nhiên rất thương em. Khi mẹ đầu độc Vương Tường thì Vương Lãm giằng lấy chén thuốc độc định uống, vì thế mẹ đành phải đổ thuốc đi. Khi mẹ sai Vương tường làm những việc khó khăn, Vương Lãm đều nhận làm thay anh. Anh em khác mẹ còn thế, huống hồ là anh em cùng cha mẹ sinh ra. Vương triều chúng ta rất coi trọng hiếu đễ, vào đầu thời Hồng Đức ở Phố Giang có Trịnh Nghĩa Môn là người được triều đình nêu gương về sự hiếu đễ, về sau do lỗi lầm bị giải tới kinh và được tha thứ, sau đó triều đình còn cất nhắc tộc trưởng là Trịnh Liên làm tham chính Phúc Kiến. Tất cả các đời sau, mấy đời đều chung sống với nhau, và đều có những cống hiến xuất sắc. Nay tôi xin nêu ra đây một việc cũng như thế, tuy chưa được triều đình biểu dương, song tình yêu thương của họ đối với nhau cũng thật là nổi bật. Thời Tuyên Đức, ở huyện Thái Bình, phủ Đài Châu, Triết Giang, có anh em nhà họ Diêu, anh cả là Cư Nhân, em là Lợi Nhân, dáng người xinh đẹp, tính tình hòa nhã, ý chí mạnh mẽ dám làm việc nghĩa. Không những tính cách của họ giống nhau, mà khuôn mặt họ cũng giống nhau như đúc. Khi còn dưới hai mươi tuổi theo học thầy Phương Phương Thành. Gia cảnh thầy nghèo túng, Mã thị vợ thầy chỉ sinh được một người con gái tên là Mã Tuệ Lương. Trong lớp học của thầy có Hồ Hành Cổ là người thông minh, lanh lợi, luôn chăm chỉ học hành; một người là Phú Nhĩ Cốc, tuy lớn tuổi nhưng ỷ thế nhà giàu, học hành lười nhác lại mới cưới vợ, lúc nào cũng quấn lấy nhau, không chịu đến trường; một người nữa là Hạ Học, học hành dốt nát, tính tình lại gian xảo, rất hợp với Phú Nhĩ Cốc. Nhiều lần thầy khuyên nhủ, song chúng chẳng lọt tai. Năm người cùng học một trường nhưng tính khí thì như nước với lửa. Về sau cha mẹ anh em họ Diêu đều qua đời, gia cảnh nghèo túng phải bỏ học, chỉ có Hồ Hành Cổ tới trường. Hạ Học thường bợ đỡ Phú Nhĩ Cốc. Khi thầy Phương Thành qua đời, học trò rủ nhau đến đưa ma thầy. Hai anh em họ Diêu và Hồ Hành Cổ tới trước, Phú Nhĩ Cốc và Hạ Học tới sau. Thấy con gái thầy đẹp, lại đến tuổi trưởng thành, Phú Nhĩ Cốc lúc nào cũng dán mắt nhìn cô trong nhà tang lễ. Vì nhà đơn người nên cô phải chạy đi chạy lại, khi thì Phú Nhĩ Cốc nhìn thấy đầu, khi thì nhìn thấy đôi chân. Đến khi cô khóc thì tiếng cô như tiếng oanh vàng, khiến cho tai mắt Phú Nhĩ Cốc lúc nào cũng để ý đến cô, lòng hắn cứ rạo rực, hai mắt cứ nhìn vào cô như hai mắt cua. Còn ba người kia không hợp với hắn nên cũng chẳng thèm để ý tới. Chỉ có Hạ Học là nói chuyện với hắn, song hắn cũng chẳng mặn mà. Cỗ bàn xong mọi người ra về, Hạ Học sánh vai đi cùng hắn, nói: - Anh Phú! Sao hôm nay anh như người mất hồn thế! - Tôi có một chuyện riêng cần nói với anh. Tôi đã thích con gái thầy khi còn chưa nuôi tóc, có điều cô còn bé quá, nay xem ra cô cũng tới mười sáu tuổi rồi. Hôm nay trong nhà tang lễ tôi thấy đôi chân cô đi giày trắng, chà chà, trông chẳng khác nào búp măng. Rất may vừa đúng lúc gió thổi tung rèm, quả thực cô như một nàng tiên hút hết cả hồn vía của tôi? Hạ Học, nếu có cách gì khiến cô ấy thuộc về tay tôi thì anh quả là một Cổ áp Nha(1) sống. (1) Cổ áp Nha: một nhân vật hiệp khách thời Đường (ND). - Việc ấy có khó gì? Hằng ngày anh cứ đến đó hộ tang mà thưởng thức là được rồi. - Hạ Học nói. - Hôm nay đã chết mê chết mệt rồi, nếu đi nữa thì e rằng sẽ không về được. Sao anh không nghĩ cách giúp tôi lấy cô làm thiếp? - Được thôi, - Hạ Học nói, - ta còn đi lại nhà anh luôn, nếu giúp mà không được thì tìm người khác cũng chẳng sao! - Anh giỏi lắm. - Phú Nhĩ Cốc nói. - Ngày nào tôi cũng ở nhà anh. Tôi nói câu này anh dừng giận nhé! - Hạ Học nói. - Đêm qua nóng bức như thế sao không lột trần? Phú Nhĩ Cốc thụi cho Hạ Học một quả nói: - Đồ chó! Tính khí đàn bà không làm tới là họ không chịu đâu. Chúng ta bức bối, ra ngoài giải, khuây một chút. Chúng ta không tháo ra, cứ tích mãi trong bụng sẽ thành bệnh, rồi lại phải mua thuốc, anh bảo có đúng không? - Đúng, đúng đấy, chỉ có điều giá lại thêm một cô vợ nữa thì ông anh sẽ dẫn tới tận biên giới phía bắc, suốt ngày đeo kính để che cái mặt mình. Hai người cứ ngặt nghẽo cười, Hạ Học nói: - Việc này phải để cho đàn em này nghĩ kế. Ngày hôm sau Hạ Học đến nhà họ Phương, mượn cớ giúp đỡ việc ma chay. Vợ thầy ra cảm ơn, Hạ Học nói: - Tiên sinh suốt đời làm một ông đồ gàn, nghèo rớt mồng tơi, khiến cô phải đứng dựng lo ma chay cho tiên sinh, quả là một bậc trượng phu trong nữ giới. - Đúng thế, - vợ thầy nói, - trước mắt chi dùng còn tạm đủ sau đây còn phải lo việc chôn cất, song trong nhà không còn một đồng một chữ nào. - Điều ấy có gì khó đâu? - Hạ Học nói. - Trong đám học trò, ngoài Hồ Hành Cổ nghèo kiết xác ra, còn hai anh em nhà . họ Diêu cũng đủ ăn đủ tiêu, nhưng họ rất keo kiệt, chỉ có Phú Nhĩ Cốc là sống rộng rãi. Nếu cô nói với anh ấy một tiếng chắc rằng anh ấy sẽ giúp. - Anh ta và thầy vốn không ưa nhau, sợ anh ta không chịu cho vay? - Chỉ vì tiên sinh thủ cựu, không phóng khoáng như anh ấy. Phú Nhĩ Cốc rất hay giúp đỡ người, mượn độ mươi lạng anh ấy cũng chỉ coi như cái móng tay thôi. Hiện nay vợ anh ấy đang ốm liệt giường, không ai cai quản gia đình, đang muốn bỏ ra mấy trăm lạng để tìm một người vợ lẽ, anh ấy có phải là người tiếc tiền đâu. Chỉ có điều là cô không chịu nói, chứ nếu cô chịu nhún mình thì con sẽ hết lòng vì cô. - Nếu có mượn thì cũng chỉ bốn năm lạng cũng tùng tiệm rồi. - Vợ thầy nói. Hạ Học cáo từ ra về, đến gặp Phú Nhĩ Cốc nói: - Anh Phú, hôm nay tôi tâng bốc anh, từ một gã keo kiệt trở thành một người đại hào hiệp! Tôi nghĩ là họ mẹ góa con côi có thể ép họ được. Thôi thì chọn một ngày nào đó, đưa tới năm mươi lạng bạc, mấy tấm lụa, chỉ nói là cho vay. Nếu bà ấy cảm ơn thì nói vào một câu là xong. Nếu như bà ấy không nghe thì nói đó là lễ vật, rồi ta sẽ nói vun vào. Như thế có được không? - Hai mươi lạng thôi! - Phú Nhĩ Cốc nói. - Không được nói là lễ vật, - Hạ Học nói, - theo ta thì cứ phải đưa năm mươi lạng. Phú Nhĩ Cốc đành nghe theo, lấy năm mươi lạng bạc, hai tấm lụa, hai tấm the đưa cho Hạ Học. Hạ Học để lại mười lạng, rồi gọi đứa ở mang chiếc quả khem bỏ bạc vào đó đến gặp vợ thầy nói: - Thưa cô con đã bảo anh ta là một người rất hào hiệp, khi tới đây rất may có một người đem trả bốn mươi lạng bạc. Khi con nhắc tới chuyện này anh ấy bèn đưa luôn, con bảo anh ấy để số tiền lãi lại, anh ấy bảo: "Cứ mang cả đi tôi sợ rằng bằng ấy vẫn chưa đủ”. Con mang ngay tới đây cho cô. - Tôi chỉ cần bốn năm lạng thôi, số còn lại xin phiền anh hoàn lại cho anh ấy. - Tiên sinh sống một đời gàn dở, tất cả đều nhờ cô, nay của tự nhiên đến thì cứ lấy mà chi dùng, cô đừng ngại. Mã thị còn do dự thì Hạ Học đã chào rồi đi một mạch ra cửa. Tuệ Nương nói: - Mẹ ạ! Anh họ Phú là một người rất keo kiệt, sao lại giúp nhiều như vậy? Dù nhà mình nghèo mẹ cũng nên trả lại anh ta đi. Đến ngày đưa linh cữu ra đồng, mọi người chung nhau phúng viếng, chỉ có Phú Nhĩ Cốc không chung với ai, tự làm một bài văn tế tới tế, bài văn tế như sau: Ô hô! Tiên sinh bố vợ của ta, Nghèo khổ một đời, theo nghề dạy học. Thức khuya dậy sớm, đọc sách giảng bài. ăn mặc xuềnh xoàng, áo vải khăn thâm. Đầu bù râu rậm, cần kiệm thật thà. Không được đỗ cao, bảng vàng mả đá. Bỗng nhiên lâm bệnh, vội vã ra đi. Thầy nghĩ đến con, theo học lâu ngày. Cho tới hôm nay, coi con là rể. Thương tình cốt nhục, lệ nhỏ đầm dìa. Tỏ rõ lòng thành, xin dâng lễ bạc, Lợn đen dê trắng, thay thế bạc tiền, ô hô! Thương thay, thượng hương. Hạ Học nghe xong nói: - Hay, hay tuyệt. - Mình viết không cần phải suy nghĩ gì mà cũng gieo vần đấy chứ. - Phú Nhĩ Cốc nói. - Chẳng biết thế nào mà lại làm con rể tiên sinh. - Diêu Cư Nhân nói. - Anh Phú, anh đã có vợ rồi, sao còn lấy con gái thầy làm thiếp? Diêu Lợi Nhân nói. - Nghiêu gả hai con gái cho Thuấn, một người là vợ cả, một người là vợ lẽ, điều ấy có ngại gì đâu? - Hạ Học nói. - Nói càn! - Diêu Cư Nhân nói. - Việc ấy lọt tai làm sao được! Mã thị bên trong nghe thấy, bước ra nói: - Phú Nhĩ Cốc, tiên sinh vừa mất, anh đừng coi thường con gái tôi như thế! Khi lâm chung tiên sinh đã nhận Hồ Hành Cổ làm con rể, vì đang lúc tang gia bối rối nên tôi chưa nhắc tới, sao anh đến nỗi khinh bạc như thế? - Không những làm nhục con gái tiên sinh, lại còn cướp vợ của bạn, chẳng lọt tai chút nào. - Diêu Cư Nhân nói. - Diêu Cư Nhân? Việc gì đến anh. - Phú Nhĩ Cốc nói. - Anh làm một việc bất nhân, - Diêu Lợi Nhân nói, - thì sao cấm được miệng người ta. - Tôi đã đưa lễ vật rồi, - Phú Nhĩ Cốc nói, - cớ sao anh bảo tôi cướp vợ. - Anh nói càn, - Mã thị nói, - Ai nhìn thấy anh đưa lễ vật? - Điều này có nguyên do của nó, - Hạ Học nói, - hôm trước tôi mang tới bốn mươi lạng bạc, cô nói là mượn anh ấy, song anh ấy bảo đây là sính lễ. - Các ngươi là đồ súc sinh! - Mã thị nói. - Các ngươi đã bày đặt ra để đánh lừa ta. Thế rồi bà vào nhà trong lấy bạc và vải đoạn ra vất bừa xuống sân. Phú Nhĩ Cốc nói: - Bây giờ thì đã muộn rồi, muộn lắm rồi. Rồi kéo Hạ Học định bỏ đi, song bị Diêu Lợi Nhân lôi lại. Hạ Học gầy yếu, bị Lợi Nhân lôi mạnh, ngã bổ chổng, nói: - Ở nhà này mà các ngươi còn dám dở cái thói ấy ra ư? Hãy mang ngay cả, anh Hồ sẽ là người làm lễ. Bạc của học trò chúng tao cũng đủ cho cô chi dùng. Mấy hôm nữa chúng tao sẽ công khai hoàn lại. Hạ Học thấy khó xuôi, nói: - Anh Phú vốn không phải rồi, song vì sợ rằng ở đây anh không lấy được thiếp nên mới làm như thế! Thế rồi họ thu nhặt lấy số bạc và vải đoạn của họ lại, kiểm kỹ thấy thiếu mất năm lạng. Hạ Học nói: - Cô đã dứt khoát gả cho anh Hồ thì anh Hồ phải trả năm lạng này, chứ đời nào anh Phú chịu mất không. Hồ Hành Cổ trong người không có một xu dính túi nên không dám lên tiếng. Thế là Diễu Cư Nhân nói: - Ta sẽ trả cho anh ấy. - Thế thì, - Hạ Học nói, - anh hãy trả ngay đi, khỏi phải chịu. - Chẳng việc gì phải lo, - Diêu Cư Nhân nói, - trong năm ngày ta sẽ trả bằng xong. - Xin anh nhớ cho nhé. - Hạ Học nói. - Đã nói là trả đúng hạn. - Diêu Cư Nhân nói. - Lấy gì để làm tin? - Hạ Học nói. - Thì viết cho anh tờ cam đoan, - Diêu Lợi Nhân nói, - anh còn ngại gì nữa! Hạ Học bèn làm người trung gian, viết xong tờ khế ước và cũng không quên ký tên vào đó. Phú Nhĩ cốc nhận tờ giấy ấy, thế rồi mọi người ra về. Trên đường về Hạ Học trách Phú Nhĩ Cốc: - Việc này giá cứ tà tà để tôi nói cho, anh cứ khoe tài nữa đi làm hỏng cả việc. - Tôi nói là được tiên sinh yêu, để người ta biết mình là có tài, hai là cũng phải nói ra sự thực chứ. - Bây giờ thì hỏng rồi! Hồ Hành Cổ thì không ngại, chỉ có điều anh em họ Diêu thọc gậy bánh xe thôi, nhất định phải cho chúng một trận mới hả giận, phải bẫy chúng vào tròng cho chúng biết tay, lúc ấy tự nhiên Hồ Hành Cổ phải chắp tay lạy mà nhường Tuệ Nương cho anh. - Có khó gì đâu ngày mai tôi sẽ sai thằng ở tới đòi bạc và bảo nó chửi cho nó mấy câu, tất nhiên nó không chịu được sẽ đuổi tới nhà chửi mắng, lúc ấy ta đóng chặt cửa đánh nó một trận cho bỏ tức. Quả nhiên ngày hôm sau Phú Nhĩ Cốc sai thằng nhỏ đi đòi bạc, đúng lúc ấy gặp Diêu Cư Nhân. Cư Nhân nói: - Đã hẹn năm ngày thì đúng năm ngày ngươi tới đây mà lấy. - Người ta bảo, có tiền thì lấy ngay không để cách đêm. - Thằng nhỏ nói. - Ai bảo anh làm hảo hán. - Mày là đứa đầy tớ, đừng có nói láo. - Cư Nhân nói. - Anh bảo ai là đầy tớ, - thằng nhỏ nói, - đồ vô liêm sỉ. Đã nợ người ta còn chửi quàng. Thấy thế Cư Nhân đùng đùng nổi giận, tát nó một cái nói: - Đồ tôi tớ cái tát ấy ta gửi cho Phú Nhĩ Cốc đấy. Bảo hắn trong năm ngày đến đây mà lấy. Thằng nhỏ hậm hực bỏ đi. Thời ấy anh em Cư Nhân đã xong tang, Cư Nhân lấy Lưu thị được hơn một tháng, còn Lợi Nhân cũng đính hôn với con gái Nhự Hoàn người cùng huyện, vẫn chưa cưới. Lưu thị nghe thấy Cư Nhân cãi nhau với thằng ở nhà Phú Nhĩ Cốc, nói: - Anh cố gắng lo thu xếp số bạc ấy cho xong đi, em có một ít đồ trang sức, anh cầm lấy đưa trả cho người ta. - Đúng năm ngày mới trả. Anh sẽ đến tận nhà chửi cho hắn một trận. Đến tối Lợi Nhân về tới nhà, thấy nói thế cũng khuyên: - Chị cả muốn trả cho xong việc thì anh trả cho hắn đi, chẳng cần phải gặp cái thằng ngu xuẩn ấy làm gì.