Quả nhiên Từ Minh ra về, chẳng còn lòng dạ đâu mà ăn uống nữa. Trong thư phòng nhỏ ở vườn sau, anh ta hết đứng lại ngồi, muốn tìm ra một kế nào đó. Bỗng thấy người vú nuôi tên là Vương Tĩnh Nương bế đứa con nhỏ của mình vào vườn choi và bón cơm cho nó. Chị vú nuôi mặt mũi tuy xấu nhưng thân hình thon thả, không khác Ái Thư là mấy. Chị có đôi chân nhỏ nhắn, xinh đẹp. Từ Minh trông thấy chị vú nuôi nghĩ: "Con nhỏ này, hàng ngày ta cứ tìm mày, sao hôm nay mày lại lân la đến đây. Ta đã để ý đến cả bọn gia nhân, a hoàn rồi, hôm nay mày lại dẫn xác đến thăm ta, lại còn đến khiêu khích cả vợ ta, ta dùng nó chăng?". Kế đã định, Từ Minh tới ngay nhà Ái Thư. Hai người rất vui ôn lại những chuyện đã qua rồi trở về. Đến ngày cưới, Từ Minh tới tiễn Ái Thư lên kiệu hoa. Giản Thắng vì lấy vợ kế nên cũng không mời thân thích quyến thuộc. Đến tối, kể ra việc ấy thì cả hai người đều thông thuộc chỉ có điều Ái Thư sợ rằng Giản Thắng phát hiện ra mình đã ăn trái cấm, nên cố làm ra vẻ ta đây, Giản Thắng sán đến, mặt đỏ bừng, đầu nghển cao ngấm nguẩy tránh mặt đi, cứ ngồi lì bên ngọn đèn không muốn đi ngủ. Giản Thắng giục mấy lần, cô nói: - Anh cứ ngủ trước đi. Vào trống canh hai Giản Thắng trằn trọc trên giường thò đầu nhìn ra, vẫn không thấy động tĩnh gì. Lát sau lại nhìn ra, Ái Thư vẫn để nguyên quần áo như thế ngồi tựa vào bàn. Giản Thắng nói: - Cô Ái! Đêm đã khuya rồi cô cũng mệt, hãy đi ngủ thôi. Song Ái Thư vẫn không chịu ngủ. Giản Thắng bèn bế cô vào giường, nói: - Đừng ngại. Người khác thì không biết nương nhẹ, song anh thì đã biết rồi, lẽ nào anh không biết chừng mực! Thế rồi Giản Thắng cởi áo cho cô, sờ sờ nắn nắn, lại một canh nữa trôi qua. Giản Thắng đã cởi được giây lưng, và cởi được bảy tám chiếc cúc, song cô cứ giữ chằng chằng không cho cởi. Sốt ruột Giản Thắng hứng tình lên tới cao độ, dứt tung cả dải áo Ái Thư. Cô nói: - Hành kinh. - Sao không nói với tôi từ sớm để tôi phải phí công. Thế rồi anh ta chỉ ôm lấy cô, đùa giỡn khan một lúc rồi đi ngủ. Đến ngày thứ ba là ngày lại mặt, chàng rể mới đến chào bố mẹ vợ. Trong nhà có một thằng nhỏ tên là Phát Tài. Ái Thư nói: - Hôm nay làm chàng rể mới phải mang nó đi hầu, cho đàng hoàng chứ. - Nhà không có ai cơm nước hầu hạ em. - Giản Thắng nói. - Không ngại, một vợ một chồng chẳng phải lo gì. Hôm nay em tự làm lấy. Thấy thế Giản Thắng rất vui. Đi ra khỏi nhà một lúc lâu thì thấy có một gia nhân gánh hai chiếc quả đựng lễ tới, theo sau là một người đàn bà. Ái Thư cũng không quen biết. Thấy nói là nhà họ Từ sai người mang lễ tới mừng. Ái Thư hớn hở vội mang rượu và thức nhắm ra tiếp đãi. Người vú nuôi ấy nói: - Thưa cô! Tôi cũng gần đây thôi, tôi sẽ tới chơi luôn, cô đừng bày vẽ làm gì. Ái Thư bèn kéo cô lại ngồi cùng, tự rót rượu mời cô. Gia nhân đứng bên ngoài chính là Từ Báo, một kẻ hết sức ngang ngược. Ái Thư cũng rót rượu cho hắn uống. Uống được một lát thì cô vú nuôi lấy lễ vật ra, rồi lại được Ái Thư hết lòng mời mọc, nên người vú nuôi ăn uống thoải mái, chẳng mấy chốc đã say mê man chẳng biết trời đất gì cả. Từ Báo vội vàng chạy vào nói: - Để ta làm việc này. Hắn cởi quần áo của người vú nuôi ra và bảo Ái Thư cởi ngay quần áo của mình mặc vào cho cô ta. Mọi việc xong xuôi người vú nuôi vẫn cứ say mê mệt, gáy gỗ khò khò, mặc cho hai người vần đi vần lại. Sợ để lại dấu vết sẽ bị phát hiện. Từ Báo bảo Ái Thư thu dọn hết những đồ ăn thức uống trên bàn, những lễ vật mang tới và tất cả quần áo cũ của vú nuôi bỏ vào trong quả. Sau đó hắn cắt đầu người vú nuôi bỏ nốt vào chiếc quả. Ái Thư đóng giả người vú nuôi, vội vàng ra khỏi cửa. Gió mưa tầm tã máu còn loang, Đỏ tươi chiếc lá đã bay sang. Kỷ Tín mưu thành lừa được Sở Thị phi, phân biệt, mắt tinh đời. Từ Minh mở cửa sau đón Ái Thư, hỏi: - Có ai biết không? - Không! - Không sợ sao? - Sợ đến chết người đi được, cho tới bây giờ vẫn còn run. Vào tới vườn sau, Từ Minh hậu thưởng Từ Báo. Từ Minh sai người mua quan tài bỏ chiếc đầu người vú nuôi vào rồi thuê người mang đi chôn. Chỉ vì hằng ngày người vú nuôi thường đi hết nhà này đến nhà khác chơi bời, sợ người ta không thấy sẽ sinh nghi, hơn nữa khi chồng cô ta tới thăm mộ bèn nói đổ đi rằng cô đã mắc bệnh tim rồi chết. Sau đó Từ Minh thuê một chiếc kiệu, đến ngay nhà họ Bách. Giản Thắng đang định ra về thì Từ Minh nói: - Chú Giản! Trước đây là hàng xóm láng giềng, nhưng nay đã là người thân, sao không để tôi mời thêm một chén! Thế rồi Từ Minh kéo Giản Thắng lại uống rượu mãi. Sau đó nói: - Thôi thôi, tối còn có việc, ép uống say quá chú lại trách tôi mà ngay cả em tôi nó cũng trách. Mọi người cười ồ lên rồi tiễn nhau ra về. Giản Thắng cùng với đứa ở về nhà. Trên đường về, nghĩ: "Uống say rồi, có lẽ hôm nay vẫn còn hành kinh", cứ thế ngật ngưỡng đi. Tới nhà Giản Thắng gọi: - Cô Ái! Tôi đã về đây! Mẹ dặn cô cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi gì. Vừa vào đến nhà thì thấy một xác chết không đầu. Giản Thắng giật mình kêu toáng lên. - Ai... đây. Gọi cô Ái chẳng thấy thưa, tìm cũng không thấy đâu, nhìn kỹ thì thấy đúng quần áo Ái Thư mặc. Giản Thắng mới sống với cô vài ba ngày nên cũng không nhận ra, bèn gào lên khóc. - Ối Ái Thư ơi! Rồi nói. - Kẻ cướp ác độc nào đã giết chết vợ tôi, một người đẹp như hoa cúc. Giản Thắng gào lên kêu trời kêu đất. Những người láng giềng hỏi thì Phát Tài nói: - Không biết kẻ nào đã giết chết bà chủ nhà tôi rồi. Mọi người bước vào, thấy Giản Thắng cứ nhìn cái xác không đầu khóc. Họ hỏi: - Đây có phải là vợ anh không? - Sao lại không, áo mặc thì hoàn toàn là áo vợ tôi, chỉ có điều không có đầu. - Thật là kỳ lạ. - Mọi người nói. Thế rồi họ bảo nhau đi tìm, song vẫn không thấy đầu đâu. Mọi người nói: - Việc này phải cho người đến báo cho nhà họ Bách. Giản Thắng bèn sai Phát Tài đi báo. Bách Thanh Giang uống rượu say, Lam thị cũng đã ngủ. Thấy tiếng gõ cửa, Lam thị hỏi, nghe đó là Phát Tài. Nghe tin dữ, Lam thị òa lên khóc, gọi Bách Thanh Giang dậy. Thanh Giang nói: - Con gái lớn thì phải gả chồng. Bây giờ ở đó nó đang vui thú với nhau, bà còn khóc lóc cái nỗi gì? - Ông say ơi! Con gái ông chết rồi! - Nó sao mà chết? Ta không tin. - Có người đến báo. Lúc ấy Bách Thanh Giang mới lập cập ngồi dậy, nói: - Có việc ấy ư? Thế thì đi ngay thôi. Thanh Giang chẳng kịp khăn mũ, khóa trái cửa rồi kéo Lam thị đến ngay nhà Giản Thắng. Cũng chỉ nhận thấy quần áo ấy là của con mình, rồi khóc rống lên. Hỏi Giản Thắng đòi đầu. Giản Thắng nói: - Tôi vừa ở nhà ông về, tôi cũng không biết. - Lẽ nào nhà anh không có ai ở nhà? Thanh Giang hỏi. - Quả thực không có ai ở nhà. - Ta gả cho ngươi một người nguyên vẹn, - Lam thị nói, - thì ngươi cũng phải trả lại một người nguyên vẹn cho ta. Ta hỏi ngươi tại sao bỗng dưng vô cớ lại xảy ra như thế? Giản Thắng hỏi những người láng giềng: - Các ông các bà có thấy ai vào nhà tôi không? - Chúng tôi đều đi làm cả nên không biết ai vào. Thấy không có ai biết được đầu mối, mọi người nói: - Vậy thì chỉ có bọn cướp thôi... mà cũng kỳ lạ thật, nó chỉ lấy đầu mà chẳng lấy của cải gì cả! Kỳ quái thật! Đoán già đoán non mãi mà không ra, qua một đêm, tới sáng hôm sau họ mới kéo nhau lên báo huyện. Tri huyện Nữu lấy khẩu cung hai nhà, một bên là gả chồng cho con nên không còn liên quan, một bên thì chồng ở nhà bố vợ vừa về, trộm cướp lại không lấy của, kẻ gian cũng không còn tông tích. Tri huyện vội vàng mời Mông Tứ Nha tới bàn bạc. Tứ Nha nói: - Chờ kẻ hậu sinh này đi khám nghiệm sẽ rõ. Tri huyện bèn ủy quyền cho Tứ Nha tới đó xem. Trước hết ông gọi lý trưởng lại nói rằng, ở địa phương xảy ra án mạng sao không báo cho nha môn biết. Thế rồi ông đánh lý trưởng mười tay thước để thị uy. Sau đó hỏi: - Vụ án này rất kỳ lạ, song chúng phải đền mạng chứ không thoát được. Theo ta, nếu không có duyên cớ gì thì kẻ nào dám làm thế. Nhất định là cô dâu mới làm bộ làm tịch không chiều theo chồng, lại động tới Giản Thắng một gã say nên có thể anh ta giết đi. Hoặc cũng có thể vợ chồng Bách Mậu dung túng cho con gái gian dâm, nay thì gian phu đã nổi máu ghen mà giết đi. Tại sao chức trách địa phương lại không biết. Cũng có thể xóm giềng thấy anh ta sắm sửa đầy đủ để cưới vợ mà rủ nhau giết người cướp của. Bây giờ ta hãy đưa lý trưởng tới nha môn, giam vào ngục, ngày mai cùng xét hỏi với hai nhà kia. Bách Mậu và Giản Thắng nhờ hai người hàng xóm đến nói giùm, quan xét xử nói: - Nếu luận tội thì cả hai đều là trọng phạm, song đã đến đây nghe ta phân giải thì ta cho rằng hai vợ chồng Bách Mậu có nhẹ tay hơn, song phải có người bảo lãnh. Mấy người láng giềng và lý trưởng cũng lo đút lót cho quan để được tha về. Ngày hôm sau giải lên công đường, quan huyện nói: - Ta nghĩ rằng vợ chồng Bách Mậu không có liên quan đến việc này, còn hai người hàng xóm chẳng lẽ bỗng dưng lại giết chết người. Vậy việc này chỉ do Giản Thắng mà thôi. Nói xong quan sai ngươi kẹp Giản Thắng. Giản Thắng không chịu được đành phải khai bừa. - Bẩm quan, do con say mà giết vợ. - Vậy đầu ngươi vất đâu? - Con vứt xuống sông, không biết chỗ nào. Quan huyện đánh hai mươi gậy, giam vào ngục. Viết cáo trạng trình lên quan trên như sau: "Giản Thắng mới cưới vợ được ba ngày, chẳng có thù oán gì, chỉ vì say rượu mà giết vợ, rồi vứt đầu đi, thật là thê thảm. Theo luật, vô cớ mà giết vợ phải đền mạng. Hai tên láng giềng là Bính và Khôi trông thấy mà không cứu cũng phải đánh để trừng phạt". Kết tội xong rồi cho giải những người này lên quan trên. Thạch Chính Sử giải quyết việc này, ông bác lại: "Giản Thắng mới lấy vợ được ba ngày, sự yêu hay ghét chưa sâu sắc. Lại khai là say rượu mà giết. Làm gì say đến mức điên loạn mà giết người được? Đầu không tìm thấy, và ngay cả người làm chứng cũng không có, nên khó mà kết án được. Vậy kính mong quan hình sảnh giải quyết". Quan hình sảnh họ Phù nói: - Bọn hiếu liêm này thật nhiễu sự, hắn đã khai đầu vứt xuống sông thì tìm làm sao được. Mà hắn giết người ngay tại nhà thì ai mà trông thấy. Gọi Giản Thắng lại xét hỏi. Thắng vẫn khai như thế. Quan nói: - Giết người là do Giản Thắng khai ra, không có ai qua lại thì đổ bừa cho Bính Khôi, Vinh Hiển trông thấy, coi đó là chứng cớ hắn giết vậy. Tuy vứt đầu xuống sông, thì dòng sông mênh mang biết đâu là chứng tích. Đấy chẳng phải là chỗ hắn thoái thác sao! Thề rồi lại giải lên trên. Thạch Liêm Sử lại không vừa lòng nói: - Xử kiện không mắc oan sai mới tốt, nếu xử oan thì người sống ôm hận mà mối thù của người chết cũng không tan. Rốt cục cả người sống và người chết đều thù oán. Việc này ta phải đích thân xét xử, nay tạm giam phạm nhân vào ngục. Thế rồi ông tắm gội sạch sẽ, đến miếu Thành Hoàng thắp hương khấn rằng: "Thần nắm pháp luật của một tỉnh, thần nhờ ơn thánh thượng hưởng lộc một vùng, minh oan rửa hận. Âm dương tuy u minh cách trở, song tấm lòng không phân biệt u minh. Nếu Bách thị mắc oan, Giản Thắng ôm hận ấy là tội của thần, mà đó cũng là nỗi xấu hổ của Thành Hoàng. Hãy hiển linh để làm rõ sự vu oan này". Thạch Liêm Sử đốt tờ sớ gửi xuống cho thành hoàng. Đến đêm ngồi trong công đường, Thạch Liêm Sử mơ thấy chữ "mạch". Khi tỉnh dậy ông nghĩ: "Chữ mạch có hai chữ nhân (là người), chắc rằng hai người chết". Ông cứ trăn trở suy nghĩ mãi mà không ra. Tự nhiên ông nẩy ra một kế, tỏ rõ nỗi thương xót để xét xử vụ án này. Người ta đồn nhau rằng Thạch Liêm Sử sẽ trực tiếp xét xử lại vụ án, không ngờ mãi đến canh hai ông mới lên công đường. Những người đi xem xử kiện chờ lâu quá đều bỏ về hết. Thạch Liêm Sử lần lượt hỏi từng người một, Giản Thắng nói: - Quả thực oan con quá! Hôm ấy con uống rượu ở nhà bố vợ, con hoàn toàn không giết người. Ông lại gọi Phát Tài tới dọa nạt, song nó vẫn nói như thế. Thạch Liêm Sử bèn gọi hai sai nha tới dặn kín rằng: "Xem bên ngoài có người nào thì bắt đưa vào đây". Sai nha ra ngoài thấy một thằng nhỏ bèn lôi ngay vào. Quan hỏi: - Người là người nhà ai mà tới đây nhòm ngó? Thằng nhỏ run sợ một lúc lâu vẫn không cất nên lời, mãi sau nó mới nói: - Người nhà họ Từ. - Vậy chủ ngươi tên là gì? - Thưa ngài tên là Từ Minh. Thạch Liêm Sử viết hai chữ Từ Minh lên giấy thì quả là có chữ nhân đứng kép và chữ tịch. ông nghi ngay, hỏi: - Gia chủ ngươi có ai là người thân thích? - Ông ấy là cháu ngoại ông già Bách. Thạch Liêm Sử nghĩ: "Chẳng phải hắn đã gian dâm với con gái của Bách Mậu sao, trách nào cô ta đi lấy chồng hắn đã giết cô" Thế rồi ông tha thằng nhỏ này. Đến hôm khác sẽ xét xử tiếp. Người đứng bên ngoài cười ồ lên, nói: - Ngài Thạch giỏi, mà cũng chẳng tìm ra được đầu mối. Cách đó một hôm ông lại gọi hai sai nha tới dặn: - Các ngươi bí mật tới thăm dò hai nhà hàng xóm ở sát vách nhà họ Từ, và bí mật bắt đưa họ về đây. Quả nhiên hai người đi thăm dò việc cưới xin, đến trước cửa nhà họ Từ, hỏi Tạ Đông Sơn người làm nghề bán giày ở bên trái nhà họ Từ và một người tên là Cao Đông Pha làm nghề chếp khăn. Họ lừa hai người này ra cửa rồi nói: - Ngài Thạch mời ông. Hai người ra sức giãy giụa, nhưng sai nha nào có buông ra. Tới công đường Thạch Liêm Sử khẽ gọi Tạ Đông Sơn vào hỏi: - Việc ngày mười một tháng Ba của nhà Từ Minh ngươi có biết không? - Thưa ngài con không biết. - Thế ngày hôm ấy nhà Từ Minh làm gì? - Thưa ngài chẳng làm gì ạ! - Ngươi hãy nghĩ kỹ đi. - Thưa ngài, - lát sau Tạ Đông Sơn nói, - ngày mười một tháng Ba nhà ông ấy chết người vú nuôi. - Thế ai là người khâm liệm và đưa đi chôn? - Lô Lân, người khám nghiệm tử thi. Thạch Liêm Sử lập tức sai người gọi nhân viên khám nghiệm tử thi Lô Lân tới ngay công đường, chờ khám nghiệm thi thể Bách thị. Thạch Liêm Sử gọi Lô Lân vào hỏi: - Ngươi chôn thi thể người vú nuôi nhà họ Từ ở đâu? Tại nghĩa địa ngoại thành. - Thế ngươi nhập liệm à? - Thưa ngài không phải con, con chỉ khiêng đi thôi. - Có thấy gì lạ không? - Thấy nhẹ. Thạch Liêm Sử bèn lên ngay kiệu, đem theo người khám nghiệm tới nghĩa địa, bảo Lô Lân đi xác nhận ngôi mộ ấy. Sau đó Thạch Liêm Sử hỏi lại: - Có đúng là nhẹ không? - Thưa ngài đúng thế ạ! - Hãy đào ngay lên. - Thạch Liêm nói. Quả là khi đào lên chỉ thấy một chiếc đầu lâu lăn lông lốc. Thạch Liêm Sử ra lệnh bắt ngay Từ Minh tới. Một mặt sai người gọi Bách Mậu đến nhận chiếc quan tài đầu lâu. Vợ chồng Bách Mậu nhìn thấy chiếc quan tài òa lên khóc. Giản Thắng cũng khóc. Ai ngờ lẽ trời sáng tỏ, âm hồn người vú nuôi không tan, bởi thế chiếc đầu vẫn còn tươi nguyên như cũ. Vợ chồng Bách Mậu khóc hồi lâu rồi lau nước mắt nhìn nói: - Đây không phải đầu con gái con. - Thật là kỳ quái, - Thạch Liêm Sử nói, - không đào nhầm quan tài đấy chứ? Ông gọi Lô Lân lại hỏi, Lô Lân nói: - Thưa ngài con nhận đúng chiếc mộ ấy. - Chờ Từ Minh tới sẽ rõ. - Thạch Liêm Sử nói. Khi hai sai nha đến thì đúng là Từ Minh đang giấu Ái Thư tại thư phòng. Họ cứ cười nói với nhau rằng Giản Thắng vô tội mà chịu khổ và ngay cả cha cô cũng khóc. Chợt nghe thấy thằng nhỏ vào nói là ngài Thạch cho người tới bắt. Từ Minh nghĩ: "Chắc là lại do thằng nhỏ đi nghe ngóng tin tức mà ra đây. Có bảo ta đút lót cũng vô tang chứng". Ái Thư nói: - Có chắc chắn là vô tang chứng không? Từ Minh cười đáp, mưu mẹo của ta như thần thánh, có trời mà biết được. Vậy ngài biết sao được? Thế rồi Từ Minh đường hoàng bước ra. Không ngờ hai người sai nha không giải hắn về án sát ti mà lại dẫn ra nghĩa địa. Bách Mậu, Giản Thắng đang đứng trước chiếc quan tài đã bật nắp. Từ Minh giật mình nghĩ: "Sao lại xảy ra chuyện này?". Người ta giải Từ Minh đến trước mặt Thạch Liêm Sử. Ông nói: - Ngươi là thằng chó chết, ngươi hãy khai mau hai mạng người này. - Vào tháng Ba, - Từ Minh nói, - ngươi vú nuôi nhà con ốm chết, là người còn nguyên vẹn chứ làm sao chỉ có đầu không. Đây là người nhà khác. - Đây là cỗ quan tài bằng gỗ tùng có ba mảnh ghép, - Lô Lâm nói, - đúng là khiêng từ nhà anh ra. Hôm ấy tôi bảo anh đánh dấu vào, anh bảo không cần, tôi sợ người nhà họ đến tìm sẽ gặp khó khăn, nên tôi đã vạch ba chữ "Vương Tĩnh Nương" trên quan tài, rất may gió mưa như thế mà vết chữ vẫn còn. Thạch Liêm Sử cho giải về nha môn. Tới nơi ông cho người kẹp Từ Minh. Không chịu nổi Từ Minh đành phải khai. Vì muốn gian dâm với người vú nuôi, nhưng người ấy không chịu, bởi thế căm giận mà giết đi. Thạch Liêm Sử nói: - Vậy thì xác người ấy đâu? - Con sai gia nhân là Từ Báo mang đi chôn. Từ Báo luôn luôn thấy Vương Tĩnh Nương hiện hồn về, sợ hãi quá rồi đổ bệnh chết. Hiện nay không biết chôn ở đâu. Thạch Liêm Sử nghĩ. "Nếu đã chôn sao không chôn toàn thây? Tại sao cắt đầu rời ra, chôn đầu một nơi mình chôn một nơi. Nhất định đây là người nhà Giản Thắng. Phải tiếp tục kẹp, bắt khai ra Bách thị ở đâu, chưa biết chừng hắn giết cả hai nhân mạng". Bị kẹp tiếp, Từ Minh buộc phải khai: - Con vốn thông dâm với Bách thị, con muốn lấy cô làm vợ nhưng Bách Mậu không gả mà lại gả cho Giản Thắng. Sợ bị lộ, nhân lúc cô về nhà chồng con vờ cho vú nuôi đến mừng và sai đứa ở là Từ Báo giết chết Vương Tĩnh Nương rồi mặc quần áo của Bách thị cho Tĩnh Nương, sau đó đón Bách thị về nhà. Vì sợ mặt Tĩnh Nương không giống Bách thị nên đã cắt đầu mang về. Lại sợ người nhà Vương thị, nên cho đầu vào quan tài khâm liệm rồi mang đi chôn để che giấu. Hiện Bách thị đang ở tại thư phòng nhà con. Thạch Liêm Sử sai người đi bắt Bách thị về hỏi cung. Bách thị khai khớp với lời khai của Từ Minh. Thạch Liêm Sử cầm bút phán quyết: "Từ Minh là tên gian ngoan quỷ quái, ác độc như rắn rết. Đã gian dâm với Bách thị và dùng mưu kế xảo quyệt giết người cướp vợ Kỷ Tín lừa Sở mà người vô tội bị giết, Phùng Đình vu oan giá họa khiến người vô tội chịu oan. Luật tuy khoan dung song việc giết người là rất hệ trọng. Nay quyết: Từ Minh phải bỏ ra bốn mươi lạng bạc để bồi thường lễ cưới cho Giản Thắng. Bách Mậu lơ là không ngăn ngừa, Lam thị đồng tình với việc bán dâm đều phải đánh bằng gậy. Bách thị tuy không can dự vào mưu chước của Từ Minh, song phản bội chồng trốn đi, thì đáng phải bán cho nhà quan. Từ Báo nghe nói đã chết cho nên không truy cứu. Những người khác tha cho về". Tuyên án xong, nọc Từ Minh đánh bốn mươi gậy. Sau đó ông nói: - Bách thị! Hôm ấy ngươi biết người ta giết người tại nhà mà không ngăn trở, vốn phải ghép ngươi vào tội mưu sát mới đúng. Song ngươi là đàn bà, không hiểu pháp luật, tội ấy đều khép cho Từ Minh. Song chưa chồng mà đã thông dâm, khi lấy chồng thì phản bội chồng bỏ trốn, quả thực vô cùng độc ác. Đánh hai mươi lăm gậy. - Bách Mậu đáng đánh bởi ngươi là chủ nhà bất chính, còn có thể là do ngươi không biết được sự thực, đã kết tội song ta miễn đánh. Lam thị buông thả cho con gái gian dâm với Từ Minh, gây thành mầm họa, đánh mười lăm gậy. Từ Báo gây nên án mạng song đã chết vào ngày mười chín tháng Năm, không truy cứu. Lô Lân khiêng xác đi vốn không biết rõ. Hai nhà láng giềng Bính và Khôi không biết sự việc ấy, không đến cứu, song cũng chịu liên lụy nhiều cũng không đáng khép tội. E rằng trong đó vẫn chưa điều tra hết sự thực, vậy dám mong phủ Lâm Giang xem xét kỹ. Phủ Lâm Giang xét thấy Thạch Liêm Sử đã phán xét kỹ và lập bản án gửi lên phủ, quan phủ hết sức khen ngợi rằng: "Đại nhân đã sáng suốt, phán xử rõ ràng". Sau đó Từ Minh bị giải tới tư giải viện, cấp trên cho rằng việc làm của Từ Minh quả là độc ác, song chưa đến nỗi hành quyết sau đó phải đi đày rồi chết trên đường đi. Cả tỉnh Giang Tây đều khen Thạch Liêm Sử là người sáng suốt. Qua vụ án này ta thấy Thạch Liêm Sử vẫn chưa nghiên cứu giải quyết tới cùng. Vương Tĩnh Nương chết oan chưa được minh oan; Giản Thắng vẫn phải đền mạng, nỗi oan ấy chưa rửa được. Từ Minh hoan lạc với vợ người, há chẳng đáng cho pháp luật trừng trị sao? Còn như Bách Mậu là kẻ nát rượu, Lam thị là kẻ lười nhác, rốt cục làm cho gia phong bại hoại. Từ Minh hiếu sắc, không bảo toàn được tính mệnh; Ái Thư thất thân đến nỗi chịu nhục nhã, tất cả đều là những kẻ xấu xa. Điều ấy khiến cho người đời lấy làm bài học cảnh giác. Chỉ có Giản Thắng bỗng dưng bị tai họa, tuy bị liên lụy nhưng anh không có tội.