Những việc không giúp ích cho người khác, thì những người có lương tâm không bao giờ dám làm, thế thì kẻ nào dám cả gan giết chết người để chiếm đoạt ruộng đất? Kẻ nào nhẫn tâm làm điều ác sẽ khiến trời nổi giận, và Chu Hổ, kẻ gây ra điều ác, đã phải chuốc lấy tai họa. Có người hỏi, con giải đã nuốt con trai Chu Hổ, sao nó không nuốt luôn Chu Hổ, thế có phải sướng không. Chu Hổ kẻ độc ác đã giết người để chiếm đoạt bãi sông, khiến trời tức giận. Nếu như con giải nuốt hắn, thì con hắn vẫn còn, tài sản của hắn vẫn chưa bại hoại. Nay con giải nuốt con hắn, cái đầu của hắn bị chặt, bêu giữa chợ, hắn bị tuyệt tự, vợ thì dâm loạn, gia tài khánh kiệt. Người ta cho rằng kế của Chu Hổ đã tàn ác, ai ngờ kế của trời còn ghê gớm hơn hắn nhiều. Bất hiếu là tội ác nhất trong các tội ác. Gã ăn mày họ Tào mưu đồ tiến thân, tuy còn một người mẹ mù, nhưng hắn nói dối chỉ có một mình. Khi đã được tiến thân, được ăn no mặc đẹp hắn bỏ mặc người mẹ mù lòa đói rách khổ sở, không cho mẹ lấy một miếng cơm, manh áo, ấy là cái xấu xa nhất của Tào. Nếu gã không bị Chu Hổ dùng gậy đập vỡ sọ, thì nhất định cũng bị Thiên Lôi đánh dập đầu, cái xác to béo của hắn cũng không mang nổi đầu hắn. Thời Thuận Trị, vùng bãi Tam Giang, làng Đông, huyện Giang Đô, cách sông khoảng bốn năm dặm, có một bãi đất mới bồi khoảng hơn một ngàn mẫu, người dân Giang Đô đã nộp đơn xin bãi đất này để cày cấy. Một người huyện Đan Đồ là Chu Chính Dần nhà rất giàu có, đã năm mươi tuổi, có hai người vợ nhưng lại chỉ có một người con trai. Mượn cớ là người trông coi việc thuế má, Chu Chính Dần quen thói chiếm đoạt ruộng đất của người, gian dâm với vợ người khác. Trong nhà hắn nuôi một lũ côn đồ, trái ý là hắn cho người bắt tới đánh đập, nên người ta sợ hắn như sợ cọp. Tên là Chính Dần, dần cầm tinh con hổ, nên người trong làng đặt cho hắn biệt hiệu là Hổ Bãi Bồi, rồi gọi hắn là Chu Hổ, nghe thấy mọi người gọi thế hắn rất khoái. Một người nữa ở huyện Đan Đồ, họ Triệu, gia tài anh ta tuy không bằng Chu Hổ, nhưng lại quen thuộc quan lại, cũng muốn chiếm đoạt bãi bồi, bởi thế mà trở thành địch thủ của Chu Hổ. Thấy giữa sông có một bãi bồi, Chu Hổ và người họ Triệu, ai cũng muốn là của riêng mình. Chu Hổ nói: - Đây là bãi mới bồi, bao nhiêu năm nay tôi đã nộp thuế khống, nên nó phải là của tôi. - Bãi mới bồi này, - người họ Triệu nói, - nằm sát bãi bồi cũ của tôi, nó phải là của tôi. Người huyện Giang Đô lại nói: - Bãi mới bồi này địa giới Giang Đô rất gần, mà cách địa giới huyện Đan Đồ rất xa, nên bãi bồi này là của chúng tôi. Họ cứ kiện cáo nhau. Phụng Viện ty ủy quyền cho hai phủ Trấn, Dương dẫn hai huyện cùng nhau hoạch định, hơn ba năm vẫn không giải quyết được. Bên cạnh nhà họ Chu có một vị họ Trương, đã soạn ra hai bài từ ngắn, sai người dán lên tường. Chu Hổ mở ra xem, trên đó viết như sau: "Đừng tranh nhau, đừng tranh nhau nữa. Tranh nhau sẽ gây oán chuốc thù. Bãi bể nương dâu nào ai biết được, mà trước mắt kiện nhau vẫn chưa dừng. Đừng tranh nhau nữa, tất cả hãy quay về nhìn lại đời sau. Hãy tranh nhau, hãy tranh nhau nữa. Tranh nhau đâu sá kể chuốc oán mua thù. Chỉ mong cháu con giàu có. Một thời liều mạng dấn thân. Hãy tranh nhau, chẳng quản ngày nay, quản đời sau”. Chu Hổ xem xong, cho rằng bài từ không hợp ý mình, hắn bỏ đi và vẫn không hề thay đổi. Ngày nào hắn cũng nghĩ, nhưng chưa tìm ra kế sách. Một hôm đi thăm bạn về, hắn gặp một người ăn mày béo tốt, khỏe mạnh, trạc ba mươi tuổi. Chu Hổ gọi đến chỗ vắng, tươi cười nói: - Anh tuy là ăn mày nhung dáng vẻ đôn hậu, hẳn sau này sẽ rất phú quý. Nhưng vì sao lại nghèo khổ đến nỗi phải đi ăn mày? - Con là người họ Tào, vốn là con cháu nhà quan, sa cơ lỡ vận, không việc làm, đành phải đi ăn mày. - Nhà anh còn ai không? - Chu Hổ hỏi. - Ông hỏi tới người nhà tôi làm gì? - Tên ăn mày trả lời. - Nếu như ngươi chỉ có một mình thì ta dễ quản. - Chu Hổ nói. Tên ăn mày họ Tào vẫn còn người mẹ già mù lòa, song hắn nói dối rằng: - Con chỉ một thân một mình, nếu được nương nhờ nơi ông thì ơn ấy chẳng khác gì ơn sinh thành. - Thế này nhé, dễ lắm. - Chu Hổ cười nói. - Ta có một người con cả, chết ở nơi xa không ai biết. Anh đến nhà, nhận ta là cha đẻ, làm con cả của ta, ta giả vờ giận dữ chửi, rồi sau đó mới nhận. Tên ăn mày bằng lòng theo về nhà. Chu Hổ giận dữ hỏi: - Mày là đồ súc sinh, mày lang thang phiêu dạt ở nơi nào, mày là đứa đê tiện, làm xấu mặt nhà tao. Sau đó Chu Hổ định đánh và đuổi đi, tên ăn mày van nài cầu xin, tự sửa chữa lỗi lầm. Lúc đó Chu Hổ mới bằng lòng, cho người tắm rửa, mặc quần áo mới, dặn dò người nhà phải gọi bằng ông. Tên ăn mày rất đỗi vui mừng, một phút lên tiên, được ăn ngon mặc đẹp. Chu Hổ ra ruộng bãi thu tô, cắt lau đều cho tên ăn mày đi theo. Hơn ba tháng sau Chu Hổ dẫn người nhà và những tên côn đồ cùng với tên ăn mày đến bãi mới bồi trồng lau sậy. Hắn biết, trồng lau ở bãi mới bồi nhất định sẽ đánh nhau. Triệu X. biết tin, cùng với năm tên đồng đảng và hơn trăm người nữa gậy gộc gươm đao ào ào xông tới bãi mới bồi, chặn lại đánh. Chu Hổ chỉ có hơn ba mươi người, lực lượng ít không thể chống lại được. Hôm ấy, hai bên giao chiến, gậy gộc giáo mác vung lên quay tít, quật bừa vào nhau, tiếng thét vang trời dậy đất. Phe Chu Hổ rất nhiều người bị thương. Nhân lúc ẩu đả, Chu Hổ dùng gậy quật mạnh vào đầu tên ăn mày, óc phọt ra, chết ngay tại chỗ. Xong việc hắn gào lên khóc lóc: - Bọn chúng bay đã đánh chết con tao giữ ban ngày ban mặt, chúng bay coi trời bằng vung, coi thường pháp luật. Bọn Triệu X. thấy người chết nằm vật dưới đất, sợ quá bỏ chạy. Chu Hổ lập tức gào thét báo quan. Vì quan hệ đến tính mạng con người, ngay ngày hôm sau quan huyện đích thân đến khám nghiệm tử thi. Quả nhiên thấy con Chu Hổ bị đánh vỡ đầu, phọt óc. Một mặt ông cho mua quan tài chôn cất, một mặt sai người lùng sục các nơi truy tìm hung thủ. Khóa tay sáu người thuộc phe cánh Triệu X. cho vào ngục. Qua nhiều lần xét hỏi, cùm kẹp tra khảo, Triệu X. buộc phải cung khai. Quan huyện bắt Triệu X. phải đền mạng. Triệu X. thấy mình đã thất bại, bèn nhờ mấy viên chức trách trong làng đến nói với Chu Hổ, xin hiến toàn bộ bãi bồi mới cho hắn, và xin hắn rộng lòng tha thứ. Chu Hổ cứ khăng khăng từ chối. Cuối cùng hắn chỉ chịu nhận bãi bồi mới, còn việc lo lót quan lại từ trên xuống dưới Triệu X. phải hoàn toàn lo liệu. Từ đó vụ án mới kết thúc. Triệu X. phải bán hết gia sản chạy khắp nơi xin cứu giúp. Chu Hổ đã thực hiện mưu kế ác độc, chiếm không toàn bộ bãi đất mới bồi, hắn hả hê sung sướng. Thế rồi hắn cùng với đứa con thật dẫn mấy người ở đi khắp bãi nhận mốc giới. Lúc ấy trời nóng nực oi ả, nhà coi ruộng trên bãi lại thấp lè tè, giữa đêm nóng quá, hai cha con kê phản ngủ ngoài trời cho mát. Đến nửa đêm, nghe thấy tiếng kêu thất thanh, Chu Hổ bật dậy, thấy một con giải to như cái nhà, mồm như một chậu máu đang nhai đứa con trai của mình. Chu Hổ sợ mất vía, kêu toáng lên, rồi lấy gậy quật thục mạng vào đầu con giải, nhưng nó đã nuốt con hắn mất quá nửa người, chỉ còn lại hai chiếc cẳng chân. Chu Hổ khóc rống lên, rồi ngất lịm, mãi sau mới tỉnh lại. Người ta vội vàng mua quan tài, thu nhặt những mẩu thịt còn thừa bỏ vào đó, rồi đem chôn. Ngay sau đấy thấy ba người lính của huyện mang trát có đóng dấu đỏ của quan về bắt Chu Hổ. Chu Hổ xem thì trong trát có viết: "Lệnh bắt Chu Chính Dần tại bãi mới, chờ quan huyện ngày mai đích thân về xét nghiệm". Chu Hổ xem xong kinh hoàng nói: - Con tôi bị giải nuốt chết, chứ việc gì mà phải khám nghiệm? Những người lính đều trả lời không biết. Các chức trách địa phương dựng rạp chuẩn bị lập phiên tòa xét xử. Hôm sau, quan huyện cùng một vị học quan về làng, áp giải sáu phạm nhân thuộc phe họ Triệu, một bà già mù. Cùng đi với quan là những người khám nghiệm tử thi, có mang theo đầy đủ dụng cụ xét nghiệm. Khi các vị quan ngồi oai nghiêm trước phiên tòa, quan huyện quát dẫn các phạm nhân vào. Chu Hổ quỳ xuống lẩm bẩm rằng: - Con của giám sinh, quả thực đêm qua bị con giải dưới sông bò lên nuốt chết, chứ không phải do người làm chết, hiện đã thu nhặt xác bỏ vào quan tài đóng đinh rồi, xin quan lớn cho phép miễn mở quan tài khám nghiệm. - Ngươi hãy quỳ sang một bên. - Quan huyện cười nói. Sau đó quan huyện cho những người khám nghiệm tử thi và những người sai dịch khiêng tới chiếc quan tài của người bị đánh vỡ đầu trước đó ba tháng. Quan huyện bảo mở nắp quan tài ra, đích thân rời khỏi bàn đến xem, bảo người đàn bà mù chích máu ở ngón tay nhỏ vào xương tử thi, quả nhiên máu thấm vào trong. Sau đó lại bảo Chu Hổ chích máu ngón tay nhỏ vào tử thi, thì máu cứ nổi lên không thấm. Quan huyện lệnh cho đậy nắp quan tài lại, cho người khiêng về chỗ cũ. Lập tức gọi Chu Hổ quát: - Ngươi đã làm gì, hãy khai hết sự thực. Chu Hổ thấy việc bại lộ, buộc phải khai hết những việc hắn đã lừa dối người ăn mày, và đánh chết người ấy thế nào. Quan huyện nói: - Mày là kẻ thương luân bại lý, coi tính mạng như trò đùa. Hôm nay có vị học quan ở đây, chứng kiến ta xử tội một tên đại gian, đại ác chứ không phải xử tội một giám sinh. Tuy ngươi đã khai thực, nhưng việc làm của ngươi vẫn phải chịu cùm kẹp và đánh bốn mươi gậy. Chu Hổ bị đánh xây xẩm mình mẩy, sau đó xích tay tống vào nhà giam tử tù. Còn sáu người trong phe Triệu X. được tha về, chờ xét xử sau. Những người dân vùng bãi đều hả lòng hả dạ. Có người tò mò hỏi kỹ những người tùy tùng của quan, thì biết rằng, khi quan làm việc tại Xuyên Đường, trong lúc mệt mỏi gục xuống bàn, tự nhiên thấy một người mình mẩy đầy máu me, đau đớn van xin rằng: - Bẩm quan lớn, con là người họ Tào, đi ăn mày để sống qua ngày, bị Chu Hổ lừa dối nhận làm con. Trong lúc mọi người đánh nhau hỗn loạn, hắn đã dùng gậy đập vỡ toác đầu con, âm mưu dùng cái chết của con để chiếm bãi sông. Oan hồn con vẫn u uất chưa tan. Hiện con còn người mẹ đang nằm cầu ngủ quán, vất vưởng ăn xin ngoài Tây Môn. Cầu mong quan giải oan cho con. Tỉnh dậy, quan huyện bí mật sai người tìm hỏi cặn kẻ bà lão ăn mày mù, biết bà có người con trai thật. Sợ giấc mộng không đúng sự thực, quan huyện cho người mở quan tài, nhỏ máu bà cụ vào tử thi, thì thấy đúng như thế. Nghe xong, mọi người mới hiểu hết ngọn ngành. Xét xử xong, quan huyện cùng với học quan tới ngay nhà họ Chu, tịch biên tài sản. Một đứa ở nhà họ Chu bẩm với quan huyện rằng: - Mẹ Chu Hổ cùng với vợ của hắn, thấy việc bại lộ, đã gom hết vàng bạc châu báu theo bọn côn đồ chạy trốn. Nghe xong quan huyện nói: - Đây là quả báo đối với vợ con của bọn gian dâm. Sau đó, ông cho ghi toàn bộ tài sản, nhà cửa vào sổ sách định giá bán hết. Giao cho bà lão mù năm mươi lạng để chi dùng vào việc chôn cất con và dưỡng già. Số bạc còn lại nhập kho để cứu tế người nghèo. Còn hơn ba ngàn mẫu ruộng của Chu Hổ chia cho nhũng người mù lòa, tàn tật, cô quả tại các làng, và đem số tiền đã nhập kho cứu tế những người nghèo. Không lâu sau cả kinh thành biết được tội ác của Chu Hổ rất nghiêm trọng, yêu cầu quan xử Chu Hổ, đưa Chu Hổ tới bãi mới chém cổ, bêu đầu cho mọi người biết. Người nào cũng vui mừng và phỉ nhổ tên giết người tàn ác ấy. Từ đó sáu người trong phe họ Triệu và những người ở huyện Giang Đô không ai dám xâm phạm bãi bồi. Những người trong làng làm một bài vè lời lẽ quê mùa mộc mạc như sau: Hai chiếc quan tài Một thật, một giả Con giả khóc giả Con thật lòng đau Cướp của giết người Cháu con tuyệt tự Vợ con dâm đãng Nhà nát cửa tan Tấm gương tày liếp Báo ứng rõ ràng Nhắn nhủ mọi người Trông đó làm gương Đừng theo điều ác Làm điều tốt lành.