Gió mát phất phơ bay tà áo, Một đời hành pháp chẳng hề sai. Thềm son lạnh toát đầy uy vũ, Ánh sáng ngàn thu rực sáng soi. Xưa nay những vụ án oan quả là khó xử. Người đời thường nói: "Bao Công đời Tống từng xử bảy mươi hai vụ án không có đầu mối". Triều chúng ta cũng có một người giống Bao Công. Trước khi vào câu chuyện chính, tôi xin kể một chuyện, gần như oan uổng mong những người làm quan trên đời chớ có coi thường. Mạng người có liên quan đến trời, đây là điều hết quan trọng đừng xem nhẹ, xin hết sức thận trọng. Đúng là người chết không thể sống lại, nếu làm họ chết oan thì dưới chín suối họ không nhắm mắt, hẳn họ sẽ báo ứng. Chuyện kể rằng năm Bính Tuất thời Vạn Lịch, ở kinh thành có một người đàn bà họ Lâu, trước đây thường thông dâm với La Trường Quan. Những người xung quanh đều biết cả. Về sau có việc phải đi xa, Trường Quan không lui tới nữa. Chồng người đàn bà ấy đi làm ăn hàng năm không về. Là một người hết sức dâm đãng, thấy chồng đi biền biệt, ngọn lửa tình dục cứ bùng lên. La Trường Quan lại lâu ngày không đến, không sao chịu nổi, bởi thế đêm nào chị ta cũng rên rỉ kêu lên: "Sướng, sướng quá anh Trường Quan ơi!”. Tiếng gọi La Trường Quan không đêm nào dứt, hàng xóm đều nghe thấy. Họ nghĩ rằng Trường Quan lại đến với người tình cũ. Có một người là Giang Hổ Côn từ lâu đã mê Lưu thị, lại thấy thị thông dâm với La Trường Quan, nhiều lần đến gạ gẫm, song người đàn bà này nhất định không chịu. Giang Hổ Côn rất tức, nghĩ "Mày đã thông dâm với La Trường Quan, tại sao mày lại không chịu thông dâm với tao, chả lẽ tao không bằng thằng Trường Quan ư?”. Anh ta vô cùng tức giận, ngấm ngầm định hại hai gian phu dâm phụ này cho hả giận. Một hôm, chồng Lưu thị đi xa trở về, có tiền nên họ mua sắm thức ăn, ăn uống với nhau. Cơm xong họ lên giường nằm. Sau một hồi mây mưa, họ lăn ra ngủ mê mệt. Giang Hổ Côn ghé sát tai vào vách nghe, không thấy tiếng mụ gọi La Trường quan, mà anh ta cũng không biết chồng Lưu thị về. Hắn nghĩ thầm: "Con đĩ lẳng lơ này đêm nào cũng gọi La Trường Quan, sao đêm nay lại không, chắc La Trường Quan không ở đây, nhất định thị ngủ một mình. Ta phải vào mới được, nếu lần này nó không cho, thì giết luôn con đĩ này, rồi giết La Trường Quan sao cũng không muộn". Nghĩ một lát, hắn về nhà lấy một con dao nhỏ, rồi lẻn vào nhà Lưu thị. Nghe thấy hai người gây gổ, Giang Hổ Côn cho đấy là Trường Quan. Hắn nổi giận, rút dao giết chết cả hai người rồi bỏ đi. Hôm sau, Tuần thành Ngự sử bắt hai người láng giềng kế bên xét hỏi nguyên do vợ chồng Lưu thị bị giết, những người láng giềng đều nói: - Thưa ngài, trước kia người đàn bà này thông dâm với La Trường Quan, gần đây đêm nào người đàn bà ấy cũng gọi tên của La Trường Quan. Song chỉ thấy chị ta la như thế mà không thấy tông tích La Trường Quan. Đêm nay cả hai vợ chồng đều chết có thể do La Trường Quan ghen mà giết đi cũng chưa biết chừng. Ngự sử bèn bắt ngay La Trường Quan tới xét hỏi, cũng không cho phép phân trần, bèn khép ngay vào tội chết. La Trường Quan van nài nói: - Thưa ngài, trước đây quả thật con có gian dâm, nhưng lâu nay có việc đã hơn bảy năm nay con không hề qua lại, tại sao ngài lại khép con vào tội chết? Ngự Sử nói: - Láng giềng đều nói, đêm đêm Lưu thị đều gọi tên La Trường Quan, không phải ngươi thì ai vào đây nữa? La Trường Quan không sao thanh minh được, quan ghép vào tội vì ghen mà giết người, chờ tới mùa thu sẽ hành quyết. Trước khi hành quyết, Lưu Trường Quan gào lên kêu oan, phủ quan tạm miễn hành hình. Hôm ấy Giang Hổ Côn thấy sắp xử trảm Lưu Trường Quan, trong lòng cứ bồn chồn không yên. Hắn tới pháp trường xem hành quyết Lưu Trường Quan, ngấm ngầm than thở. Chẳng biết thần xui quỷ khiến thế nào, mà hắn về nói ngay với vợ: - Trên đời có nhiều người oan uổng, ta giết người mà Lưu Trường Quan phải đền mạng, đáng lẽ ra bắt ta chết mới đúng. - Vì sao vậy. - Vợ hắn hỏi. - Đã giết vợ chồng người ấy à? Giang Hổ Côn kể hết lại đầu đuôi với vợ. Không ngờ vợ hắn lại thông dâm với một người. Hôm ấy hắn đến hành dâm với thị. Đang lúc khoái thì Giang Hổ Côn về, gian phu vội vã nấp vào chỗ tối, nghe thấy hết chuyện Giang Hổ Côn kể lại. Tên gian phu này đang nghĩ cách trừ khử Giang Hổ Côn, để độc chiếm vợ anh ta, thì nay chuyện ấy lại lọt vào tai hắn. Thế là hắn bàn với vợ Giang, nhân cơ hội này kết liễu đời Giang để sống với nhau lâu dài. Hắn bảo vợ Giang tố cáo việc này lên quan. Có nhân chúng sống, Giang Hổ Côn làm sao chối được bèn khai ra hết, rồi bị chém ngay. Thế là Lưu Trường Quan thoát chết. Quả là: Gian dâm, gian dâm diệt, Ác nhân, ác nhân giết. Tôi kể chuyện này để thấy rằng xử án khó biết chừng nào, và vì thế mà từ xưa tới nay biết bao người chết oan! Các bạn thân mến, bạn có biết ngài Thành Hoàng Chiết Giang tên gì không? Nghe nói vị thần này vốn người Nam Hải, Quảng Đông, họ là Chu Đan, húy có mỗi chữ "Tâu”, đầu tiên được châu tiến cử làm ngự sử, dám thẳng thắn hạch tội, hoàng thân quốc thích vô cùng sợ hãi, không khác gì Bao Công thời Tống. Ông Bao Chửng này không cười, người ta đã nói rằng nếu ông cười thì nước sông Hoàng Hà sẽ trong. Người ta còn nói: "Của hối lộ chưa tới tay đã thấy Diêm La Bao Công" cho nên người ta còn gọi ông là "Diêm La Bao Lão". Vị thần sống này của triều ta, được người đời ca ngợi là "Chu Công mặt lạnh như sắt", ngài Vĩnh Lạc cũng biết tiếng tăm của ông, giao cho ông làm án sát Phúc Kiến, Vĩnh Thuận, Bảo Tĩnh. Phàm những nơi dâng sớ mời, ông đều tới cả. Về sau ông được cất nhắc làm án sát sứ Vân Nam, rồi sau đó chuyển làm án sát sứ Chiết Giang. Khoan nói tới việc làm quan của vị thánh sống này, mà hãy nói tới một người bị tù oan uổng ở phủ Kim Hoa, Chiết Giang, người này tên Vương Khả Cửu, nhà giàu có. Vương Khả Cửu thu mua một số hàng đến Chương Châu, Phúc Kiến, bán, một người bạn cùng đi với anh lại vượt biển. Thời ấy biển cấm rất nghiêm ngặt, người bạn ấy tham lãi cứ mong buôn một lãi mười. Ra tới biển thì bị lính tuần tra bắt được rồi đưa vào nhà tù. Cai ngục cho rằng họ giả vờ để gây tai họa, bởi thế Vương Khả Cửu cũng phải vào tù, chịu biết bao khổ sở, đằng đẵng tám năm trời mới được về. Vợ Vương Khả Cửu là người còn trẻ và có nhan sắc, thấy chồng biền biệt bảy năm không về, chị rất lo lắng. Nghe trên phố có một người thầy bói tên Dương Càn Phu, chị bèn tới nhà hắn, nói rõ ngày sinh tháng đẻ của chồng để gã đoán. Dương Càn Phu thấy chồng chị đã bảy năm không về, chị lại là người xinh đẹp, không vướng víu gì về con cái không có chú bác ràng buộc, hơn nữa lại giàu có. Hắn vừa đoán vừa nảy ra ý định tà dâm, giả vờ kinh ngạc nói: - Ngày sinh tháng đẻ người này thì mệnh rất xấu, số đại bại. Năm kia là năm hạn, phạm vào Tuế Quân, lại không có cát tinh (sao tốt) cứu hộ, chết đã ba năm nay, còn xem làm gì nữa. Cảnh thị thấy nói chồng chết, hai hàng nước mắt ứa ra. Dương Càn Phu khuyên nhủ: - Đừng khóc nữa, sợ rằng trong phút chốc sơ tâm, chưa biết chừng xem sai cũng nên. Hãy để ngày sinh tháng đẻ lại đây, để tôi thư thả lưu tâm xem kỹ cho chị, mấy hôm nữa đến thì biết chắc. Cảnh thị bèn tháo chiếc nhẫn vàng trên tay đưa cho Dương Càn Phu nói: - Xin phiền ông xem kỹ cho chồng tôi. - Nói xong chị ra về. Mấy hôm sau Cảnh thị đến để biết tin chính xác. Dương Càn Phu cứ than thở rằng: - Tôi cứ ngữ rằng lúc đầu mình xem chưa kỹ còn có chỗ sai sót nào chăng. Suốt mấy ngày trời tôi tính rất kỹ về năm tháng, ngày giờ, xem ra số của anh ấy đã hết, không còn hy vọng nữa. Dần Thân tương xứng, Thái Tuế chiếu mệnh, đúng là đã chết vào tháng Bảy kia rồi. Nay thì số người ấy đã vào vận nhập mộc và thành đống xương khô dưới mồ rồi. Song không biết số của chị thế nào, để tôi xem kỹ rồi sẽ biết. Cảnh thị nói rõ ngày sinh tháng đẻ của mình, Dương Càn Phu tính một lát rồi nói: - Số chị tốt không phải đối nghịch với chồng. Song tháng Bảy năm kia thuộc vào Táng Môn sao Bạch Hổ động, ấy là cái họa chủ hình thương khắc chồng. Vả lại không có con cái gì thì chị có thể bước đi bước nữa, song lại rất tốt. Năm nay là năm có sao Hồng Loan, Thiên Hỷ. Hẳn là sẽ có chuyện vui mừng. Cảnh thị nghe nói thế rất xúc động rồi quay về. Từ đó, ngày nào cũng thế, cứ tới đêm khuya, Dương Càn Phu len lén đến bên tường nhà Cảnh thị, giả tiếng ma kêu quỷ khóc hoặc ném gạch ngói vào nhà cho Cảnh thị sợ. Quả nhiên Cảnh thị hoang mang lo lắng. Thế rồi Dương Càn Phu sai người mối tin cậy của mình đến ngỏ lời với Cảnh thị. Cảnh thị chỉ nói rằng chồng đã chết thì đành phải thế thôi. Dương Càn Phu là một gã lọc lõi về thủ thuật phòng the, hắn mặc sức cùng với Cảnh thị hành lạc theo lối khác thường, Cảnh thị vô cùng thích thú. Dương Càn Phu làm cho Cảnh thị rất mãn nguyện, bởi thế hắn đã chiếm hết gia sản của gia đình Cảnh thị. Vương Khả Côn bị mươi năm tù nay mới được tha, trong người không một xu dính túi, phải xin ăn lần hồi về tới quê. Tới nhà, thấy nhà và gia sản đã thuộc về tay người khác. Hỏi ra mới biết Dương Càn Phu đã lấy vợ mình, chỉ đứng ngoài cổng xem tình hình thế nào, đúng lúc Cảnh thị đang đứng đó. Quần áo Vương Khả Cửu rách như tổ đỉa, vá chằng vá đụp, hơn nữa bị giam trong ngục nhiều năm, người trông như ma quỷ ngay cả Cảnh thị cũng không sao nhận ra. Thấy vợ, Vương Khả Cửu khóc lóc kể lể những nổi khổ sở cay đắng mình đã phải trải qua, Dương Càn Phu thấy thế bèn đánh Vương Khả Cửu hết sức dã man, khắp người bị trọng thương. Hắn còn nói Vương Khả Cửu vượt bể, lọt lưới, rồi cáo giác lên phủ. Các bạn thử nghĩ xem, Dương Càn Phu có ghê không? Hắn đã dốc hết hàng mấy trăm lạng mà Vương Khả Cửu lâu nay tích góp được mua cuộc bọn quan lại, từ trên xuống dưới. Vương Khả Cửu không sao biện bạch nổi, cuối cùng bị khép vào tội vượt biển, giam vào ngục và sau đó sẽ bị thanh toán ngầm. May mà trời Phật cũng phù hộ độ trì, một vị thánh sống tới đạo, biết ở đây có nhiều người oan uổng, vội đưa các phạm nhân ra xét xử từng người một. Vương Khả Cửu được đưa ra xét xử, ngài Chu hiểu ngay sự việc, liền cho đánh chết Dương Càn Phu ngay lập tức còn bọn nha lại làm sai pháp luật và bọn môi giới đều bị xử tội. Cảnh thị biết sự thực mà không cứu, bị phạt trượng rồi bán làm nô tỳ. Gia tài ruộng vườn trả lại cho Vương Khả Cửu. Nếu ngài Chu đến muộn mấy hôm nữa thì Vương Khả Cửu đã chết ngay trong ngục. Ngay ngày hôm ấy ngài Chu tống cổ viên quan tri phủ ngu tối ra khỏi phủ đường. Từ đấy trở đi luật pháp nghiêm minh. Trên đường tới Chiết Giang, ngài bỗng thấy một đàn nhặng xanh tới mấy ngàn con bay vo ve trước ngựa, xua thế nào chúng cũng không đi. Ngài biết ngay ở đây có điều gì oan uổng, bèn sai nha lệ tới chỗ nhặng đậu, đào lên thì thấy một xác người, chết mới mấy hôm, bên người còn có một con dấu dùng để đóng vào vải của thương nhân. Ngài Chu cởi lấy con dấu bằng gỗ ấy mang về nhiệm sở, rồi ngầm sai người ra chợ mua vải, xem người nào có loại vải đóng bằng con dấu này thì bắt ngay về thẩm vấn kỹ từng người một. Quả nhiên tìm thấy tên cướp số vải của người ấy, truy hoàn tang vật, gọi người nhà của lái buôn đến mang về. Lúc ấy họ mới biết người nhà của mình bị cướp giết chết. Sau đó ngài khép tên cướp vải vào tội chết. Có một người khách buôn từ Huy Châu tới Phu Dương, thấy bên đường có một người bẫy chim buộc hai con chim khách trên ngọn sào cao. Hai con chim thấy người khách Huy Châu đi qua, chúng kêu rất bi ai như có ý cầu cứu. Người khách Huy Châu rất thương xót, đưa cho người bẫy chim hai lạng bạc mua hai con chim ấy rồi thả ra. Khi mở gói bạc người khách không cẩn thận nên người dắt lừa trông thấy ông có rất nhiều bạc nén, còn bạc rời thì nhiều vô kể, hắn ta sinh lòng tham. Chờ đến tối, tới nơi vắng vẻ, hắn đẩy người khách xuống, dùng đá đập chết rồi chôn xuống vệ đường, lấy được gói bạc mà chẳng ai biết được. Ai ngờ hai con chim khách đã đền ơn, chúng bay thẳng tới dinh quan án sát. Đang trên công đường, ngài Chu thấy hai con chim khách bay đến bên bàn kêu thảm thiết như là tố cáo nỗi oan. Lính lệ đuổi đi, nó lại sà xuống kêu hết sức ai oán. Ngài Chu nói: - Ngươi có nổi oan gì cần tố cáo chăng? Nếu oan ức thì hãy bay tới bàn kêu lên mấy tiếng. Quả nhiên hai con chim khách bay tới bàn và kêu lên, rồi ngoáy đầu vẫy đuôi loạn xạ. Ngài Chu bảo chúng: - Nếu quả thật có nỗi oan khuất thì ta sẽ sai hai người lính lệ đi theo các ngươi. Ngài liền sai hai người lính lệ đi theo hai con chim khách, quả nhiên họ thấy hai con chim rất tinh khôn. Chúng vừa bay vừa kêu như vẫy gọi, sau đó nó bay xuống chỗ người bị giết ở Phúc Dương, rồi đậu trên một mô đất kêu táo tác mãi. Lính lệ đào lên thì thấy một xác chết bị đánh vỡ sọ, bên người còn có một chiếc roi ngựa. Lính lệ mang chiếc roi ấy về báo cho ngài Chu. Đêm ấy ngài Chu mơ thấy một người đầu tóc rối bù, khóc lóc kêu rằng: - Con là người chết oan, con không phải là Đào (cây Đào) là Lý (mận) cũng không phải là Tọa (ngồi) là Hành (đi), xin ngài soi xét cho. Người ấy nói xong thì bỏ đi. Sáng hôm sau ông lên công đường nghĩ rằng chiếc roi này đúng là của bọn phu đuổi lừa ngựa đánh roi. Ngài lập tức lệnh cho huyện Phú Dương lập ngay danh sách phu đuổi lừa ngựa trong toàn huyện để ông kiểm tra. Huyện Phú Dương nộp danh sách những người này lên, trong đó một người tên là Lý Lập. Ngài Chu hiểu ngay “không phải Đào là Lý, là ngồi là đi”, thì chẳng phải là "Lý Lập" thì là gì nữa, rồi lập tức cho bắt ngay Lý Lập. Thấy ngài Chu, Lý Lập chưa bị đánh đã khai là hắn đã mưu sát. Ngài cho truy hoàn số bạc ấy, thì hắn đã tiêu mất một nửa. Hắn bị ghép vào tội chết. Cho gia quyến chôn cất người khách Huy Châu. Có bài thơ làm chứng như sau: Chim khách cảm ơn biết đáp đền, Bay ngay tới phủ để kêu oan. Nếu quan không giỏi như thánh sống, Oan khuất ngàn năm ai rửa cho. Truyện kể rằng, thời ấy ở cửa Cân Sơn, có chùa Thúy Phong, xây dựng thời Ngũ Đại, cách thành rất xa. Trong đó có rất nhiều sư không an phận. Tuy cắt tóc đi tu, nhưng ruộng đất vườn tược rộng mênh mông, nuôi lợn, dê, gà, vịt, chăn tằm kéo tơ, thả cá nấu rượu, hoàn toàn như người dân thường, chỉ có điều là đêm đêm không có đàn bà đẹp làm bạn. Xưa nay người ta thường nói: "No cơm ấm cật, dậm dật cả đêm". Những hòa thượng này lắm thịt nhiều cá, ngày ngày thả sức ăn uống, béo tròn béo trục. Trong vườn lại sẵn măng non, họ lấy về hầm với thịt chó để ăn. Đúng như Lỗ Trí thâm đã nói: "Ba ba bụng to, lại béo ăn rất ngậy. Thịt chó ta cũng ăn, thiện với ác cái quái gì!" Tuy nói thế song nào họ có được lòng ngay dạ thẳng như Lỗ Trí Thâm đâu. Những hòa thượng này do sư tổ truyền lại chẳng tin gì vào sự báo ứng nhân quả, rượu thịt quen rồi và nói đấy là điều vốn có trong cửa Phật. Không nghĩ rằng mình không chịu học hành mà chỉ oán hận cha mẹ đã đưa họ vào chùa, lạnh lẽo vắng vẻ, đêm đêm không được ngủ với đàn bà. Có bài thơ làm chứng: Đi tu là phải sống thanh bần, Nếu sống dư thừa hại đến thân, Sao chẳng tụng kinh và niệm Phật, Rượu chè phè phỡn phải trầm luân. Trong số đó có hai hòa thượng trẻ là tồi tệ nhất. Chúng đều là quỷ đói hiếu sắc. Một gã là Điệu Cao, một gã là Tuệ Lang. Hãy tạm chưa nói tới hai gã hòa thượng trẻ xấu xa này mà hãy nói tới một người đàn bà trong làng là Hoắc Tứ Nương trạc hai mươi tám tuổi, có chút nhan sắc, vợ chồng đều sống bằng nghề nông. Một hôm chị về nhà mẹ đẻ, vì đường xa phải dậy sớm chải đầu, mặc quần áo rồi lên đường. Vì dậy quá sớm, hơn nữa hàng xóm lại thưa thớt, đường đi không một bóng người, Hoắc Tứ Nương đi một mình, tới chùa thấy người mệt chị dừng chân ngồi nghỉ tạm trước cổng. Bạn thử nghĩ xem, nơi vắng vẻ này con gái đẹp có nên nghỉ chân ở đây hay không. Đúng lúc ấy thì hai gã hòa thượng trẻ bước ra, đụng phải. Thấy chị đẹp chúng nghĩ thầm: "Vợ ta đến rồi". Chúng bước tới giả vờ lễ phép hỏi: - Chào chị. Xin mời chị vào chùa xơi nước. - Không cần. - Hoắc Tứ Nương nói. - Chị đi đâu mà sớm thế! - Đường xa nên phải đi sớm. - Hoặc Tứ Nương nói. - Đường còn xa, - hai gã ấy nói, - sao không vào chùa uống chén nước cho lại sức? - Tôi đi đây. Hoắc Tứ Nương nói rồi đứng dậy đi, hai đứa tiếc ngẩn ngơ. Thấy đường vắng ngắt không có bóng người, chúng bèn ôm chặt lấy chị lôi vào chùa, định cưỡng dâm, Hoắc Tứ Nương không chịu, gào lên chửi thậm tệ: - Đồ trọc đầu chết tiệt. Hai gã hòa thượng phát khùng, dùng dao thái thịt chém chết rồi chôn dưới gốc cây đông thanh(1) cổ thụ, chẳng ai biết. Vì chùa rộng mênh mông, phòng ở cách xa nhau, phòng này làm gì phòng kia không biết, hơn nữa sáng sớm không ai nghĩ rằng có việc ấy xảy ra. (1) Đông thanh: một loại cây cao to, quả có thể dùng làm thuốc. (ND) Oan hồn không tan, quả là lẽ trời. Một hôm ngài Chu ngồi trên công đường, bỗng thấy một trận gió xoáy thổi bay những lá cây đại thụ vào công đường lượn xung quanh bàn làm việc của ngài, gió lạnh thấu xương, hình như lại nghe thấy tiếng khóc bi ai thê thảm văng vẳng trong tiếng gió. Ngài Chu nói: - Nhất định có oan uổng chi đây. Ngài gọi mọi người xung quanh lại xem những chiếc lá, họ đều nói trong thành không có loại lá to này, chỉ ở chùa Thúy Phong ngoài cửa Cân Sơn cách rất xa là có cây đông thanh cổ thụ này. Ngài Chu hiểu ngay: "Hẳn là sư trong chùa giết người chôn dưới gốc cây, oan hồn đến báo cho ta".