Lại nó Từ Bằng Tử được học hành tại nhà Lư Hàn lâm, cùng công tử dùi mài kinh sử. Công tử cũng là người có nghị lực thành tâm chăm chỉ chuyên cần, học hành ngày càng tiến bộ. Anh thường đưa bài văn của mình cho cha xem, biết được công lao dìu dắt của Từ Bằng Tử, Lư Hàn lâm rất vui mừng. Năm ấy Đề học mở khoa thi, Lư Hàn lâm nói với Từ Bằng Tử: - Anh đã học thành tài, không nên tự chôn vùi tài năng của mình. Ta đây cho lấy quê quán ở đây để đi thi. Anh hãy đi thi xem sao, đừng làm người anh hùng thở dài tới lúc bạc đầu. Từ Bằng Tử nghe lời, vượt qua các cuộc thi ở phủ, huyện, đạo chẳng mấy khó khăn. Từ Bằng Tử đỗ thứ nhất, Lư công tử đỗ thứ nhì. Lư Hàn lâm vô cùng mừng rỡ, luôn luôn khuyên họ gắng sức học hành, tất cả những việc lặt vặt về việc trường thi không cần họ phải quan tâm, chỉ chờ ngày tới trường thi mang bút nghiêng đi là được. Họ nhanh chóng đậu tam trường. Từ Bằng Tử đỗ giải nguyên, Lư công công tử cũng đỗ thứ năm mươi. Tình hình thay đổi hẳn. Từ Bằng Tử như cây khô tươi lại. Lư Hàn lâm thì coi anh là người tri kỷ. Lư Hàn lâm nói với Từ Bằng Tử: - Vốn học của thằng nhỏ nhà tôi còn nông cạn, may mà được đỗ nên không được tự cho mình đã giỏi. Tôi nghĩ nhân tiện có thuyền lương về kinh, ta sẽ thuê một khoang rộng rãi, yên tĩnh, Từ tiên sinh cùng thằng nhỏ đi một chuyến, trên đường đi nhờ tiên sinh kèm cặp. Tất cả phí tổn tôi lo liệu hết, tiên sinh đừng ngại. Hai người cùng lên kinh, vừa đi vừa học, nếu cả thằng nhỏ nhà tôi và tiên sinh cùng đỗ cả thì học trò sẽ không bao giờ quên ơn thầy. Từ Bằng Tử cúi đầu tạ ơn rồi chào từ biệt Lư Hàn lâm lên thuyền lương đi Bắc Kinh. Nhà Lư Hàn lâm giàu cần gì là có nấy, họ chẳng cần phải bận tâm, suốt ngày miệt mài học tập. Thuyền vừa tới vệ Thiên Tân, hai người bàn nhau: chúng ta trên thuyền lâu ngày bị gò bó, vậy ta thuê xe ngựa đến Bắc Kinh sẽ tiện lợi và thoải mái hơn. Từ Bằng Tử và Lư công tử mỗi người một xe, còn những người khác thì cưỡi ngựa đi theo. Đi chưa đầy bốn năm chục dặm thì thấy một người đàn bà ngồi trên bãi cỏ vệ đường khóc, những người cùng đi chẳng ai thèm để ý tới. Từ Bằng Tử là người trải qua nhiều hoạn nạn, nghe thấy bèn động lòng thương, xe đi qua trước mặt người ấy Bằng Tử lắng tai nghe, thấy tiếng không phải là người miền Bắc, bèn cho dừng xe. Sai người tới hỏi xem người ấy ở đâu, vì sao mà khóc. Người ấy trả lời là người miền Nam. Nghe tiếng nói, Từ Bằng Tử vội nhảy ra khỏi xe, anh hết sức kinh ngạc, hóa ra người ấy là Vương thị vợ mình, bèn hỏi: - Tại sao em lại ở đây? Lúc đầu Vương thị chỉ cúi xuống khóc, thấy người đến nhìn mình cũng không dám ngẩng đầu, vừa nghe thấy tiếng hỏi mới ngẩng lên thì thấy chồng mình, bèn đứng dậy nói: - Đây là mộng chăng, tại sao ta lại gặp nhau ở đây? - Anh đã đỗ cử nhân. -Từ Bằng Tử nói. - Nay vào kinh thi Hội. Sao em lại ở đây, hãy nói cho anh nghe. Vương thị kể chuyện chạy loạn rồi được biết tin chồng nên đã đi tìm, gặp phải nhà thuyền độc ác, bởi thế đang đêm bỏ trốn, vừa đi vừa hỏi vệ quan lần mò tới Bắc Kinh, không ngờ lại gặp anh ở đây. Từ Bằng Tử hỏi: - Nhà thuyền ấy nay ở đâu? - Hắn là Lý Ma Tử, đã cho thuyền tới Bắc Kinh, tới đó chúng ta tìm hắn rất dễ. Từ Bằng Tử mời Lư công tử tới gặp, mọi người vừa vui mừng vừa thương cảm. Lư công tử bèn nhường chiếc xe của mình cho Vương thị ngồi, thuê một chiếc xe khác cùng nhau tới Bắc Kinh. Cùng nhau bên ngọn đèn khuya, Cần tay mà vẫn ngỡ là chiêm bao. Những là rày ước mai sau, Qua gian khổ, mới dạt dào niềm vui. Vương thị từng chịu gian nan khổ ải, gần kề với cái chết, ngờ đâu lại gặp được chồng, mà chồng lại là người vinh hoa phú quý, chứ không phải là anh nghèo kiết xác như trước nữa. Ấy là do Vương thị giữ được tấm lòng trong trắng và cũng là do Từ Bằng Tử không tham dâm được Phật trời đền đáp. Chỉ trong mấy ngày đã tới Bắc Kinh, họ thuê nhà trọ, chuẩn bị đi thi. Chỉ mới thoáng cái mà đã thi tam trường và ngày yết bảng đã tới Từ Bằng Tử đỗ tiến sĩ, Lư công tử không có tên trên bảng. Bằng Tử lại thi Đình, đỗ nhị giáp, sau khi tìm hiểu quá trình. Từ Bằng Tử được bổ nhiệm Chủ sự bộ Hình tại Bắc Kinh. Tới nhiệm sở, Từ Bằng Tử đưa gia quyến về nha môn. Lúc ấy Lư công tử mới từ biệt về nhà. Sau khi Từ Bằng Tử tới nhiệm sở thư lại đưa tới một tập hồ sơ về vụ án Lại bộ lang trung Đinh Toàn, và bẩm rằng, trước hết phải kiểm tra từng người một thuộc gia đình Đinh Toàn (Đinh Hiệp Công) rồi lập danh sách tâu lên triều đình chờ chiếu chỉ. Hôm qua ngài Trưởng khoa họ Túc đã gửi thơ tới thúc giục việc này. Từ Bằng Tử nghĩ: "Đinh Toàn đã đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm là quan, bị báo ứng không biết đã phạm tội gì?", rồi giở bản án ra xem kỹ một lượt, lại lấy tờ sớ của trưởng khoa họ Túc xem, Từ Bằng Tử nghĩ: "Thế này bị đuổi thì chẳng oan". Hôm sau Từ Bằng Tử lên công đường, cho gọi Đinh Toàn tới Đinh Toàn xấu hổ cúi gầm mặt, hết sức bối rối. Đinh Toàn thấy mình xấu xa, gặp người làng hắn cảm thấy đau đớn. Từ Bằng Tử hoàn toàn không muốn truy bức hắn. Bèn giở bản danh sách những người trong gia đình hắn xem qua. Trong đó có một đứa hầu tên là Xuân Anh. Bằng Tử cho gọi tới, nhìn kỹ ra thì đấy lại là đứa hầu nhà mình Bằng Tử hết sức kinh ngạc, gọi Xuân Anh hỏi: - Ngươi có nhận ra ta không? Xuân Anh nhìn lên nhận ra người chủ cũ, nói: - Con nhận ra rồi. Vừa nói xong, nước mắt tuôn lã chã như mưa. Vì đang ở nơi công đường Bằng Tử không tiện hỏi kỹ, rồi nói: - Đã điểm danh xong rồi, đi đi. Sau đó Bằng Tử nói với Trưởng ban rằng: - Đứa hầu nhà họ Đinh tên là Xuân Anh không phải là phạm nhân, tôi sẽ bỏ tiền ra chuộc. ông hãy dẫn cô ta vào nha môn lấy tiền chuộc nộp vào kho là được. Trưởng ban vâng lời đi ngay. Đến tối người ấy đưa Xuân Anh tới nha môn, ngươi thường trực vào báo: - Trưởng ban đã đưa Xuân Anh tới nhà xin lĩnh tiền chuộc. Từ Bằng Tử đã chuẩn bị sẵn mười hai lạng bạc, giao cho trưởng ban, rồi lập tức gọi Xuân Anh vào nha môn. Thấy ông chủ bà chủ, Xuân Anh quỳ xuống nức nở khóc. Thật là: Đoàn viên đêm kể bao nhiêu chuyện, Gà chó cũng còn biết trả ơn. Đùng tưởng uy danh lừng lẫy mãi, Thành quách cũng thành đống gò hoang. Từ Bằng Tử nói: - Ta có phụ lòng ngươi đâu mà ngươi bỏ đi, suýt nữa thì hãm ta vào chỗ chết. - Quả là con đáng tội chết, song trong đó cũng có nguyên nhân. Phu nhân Vương thị nói: - Duyên cớ gì vậy? Ngươi thong thả nói cho ta nghe. - Dạo ấy ông công không thành danh toại. - Xuân Anh nói. - ông rất phiền não, con không biết khu xử, bởi thế ông đã nổi giận. Từ nhỏ con đã chịu ơn ông bà nuôi dưỡng, há đâu lại oán giận ông bà. Không ngờ hôm ấy Chu Bạch Quỷ tới chơi, lúc ấy ông gọi con bưng trà ra, Bạch Nhật Quỷ hỏi: "Sao mày lại khóc đỏ cả mắt lên thế?". Lúc ấy lẽ ra con không nên nói: "Tướng công không đỗ, mấy hôm nay cứ chửi con thậm tệ". Bạch Nhật Quỷ nói: "Thế thì tao thương cho mày quá, mày còn có cha mẹ không? Sao không tạm trốn đi mấy hôm, khi nào ông ấy qua cơn giận dữ thì hãy về có tốt không?”. Con nói với ông ta: "Cha mẹ con ở ngoại thành, con lại không biết đường, nếu trốn đi được vài hôm mới về thì quả là may cho con quá". Bạch Nhật Quỷ nói: "Sáng sớm mai ta sẽ làm phúc giúp mày, đưa mày về nhà vài hôm, sau đó tao quay lại xin với tướng công tha cho". Nào ngờ đâu hôm sau nhân lúc ông bà chưa dậy thì quả nhiên Bạch Nhật Quỷ đến gõ cửa, gọi con ra. Con tưởng ông ta có lòng tốt bèn theo đi. Ai ngờ ông ta dẫn con đến nhà Đinh Toàn rồi sau đó nhốt vào một gian nhà, con không biết gì về bên ngoài cả. Sau đó nghe nói Đinh Toàn mua chuộc cha mẹ con đến cãi nhau với ông bà, lại xúi giục cha mẹ con đi kiện, đã đưa cho viên quan ấy năm trăm lạng đòi phải xử tử ông mới yên tâm. Phu nhân vô cùng kinh ngạc, nói với Bằng Tử: - Anh với nhà họ Đinh có thù oán gì không? Bằng Tử cúi đầu nghĩ: "Mình với ông ta chẳng có thù oán gì sao ông ta lại hại mình như thế?” - Thưa ông bà. - Xuân Anh nói. - Con còn nghe nói bài của ông ta trúng cử nhân là sửa lại bài của ông. Ông từng nói với Bạch Nhật Quỷ phải lên giám trường sát viện kiện ông ta, ông ta là học trò của quan phủ hết sức giúp đỡ, đã lợi dụng con để áp chế ông. Quả là con đáng tội chết. Nói xong Xuân Anh khóc nức nở. Bằng Tử gật đầu nói: - Hóa ra là như thế, khiến ta chẳng biết đầu cua tai nheo thế nào. Chẳng trách hôm tới công đường hắn tỏ ra hết sức lúng túng, ai ngờ đấy là lòng dạ hắn tự bộc lộ ra. - Loại người độc ác như thế, - Phu nhân nói, - tại sao trời còn cho hắn làm quan, suýt nữa thì chúng ta đã bỏ mạng nơi đất khách. - Bây giờ ta được thế này. - Từ Bằng Tử nói. - Mặc dù bị lưu lạc, long đong nơi đất khách quê người vẫn có ngày nhìn thấy mặt trời. Người khác tố cáo hắn, sao lại rơi đúng vào tay ta kết thúc, đây cũng là báo ứng. Nói chưa dứt lời thì có người vào bẩm, ngài trưởng khoa họ Tiêu mời đi dự tiệc. Bằng Tử tới ngay nha môn ngài Tiêu. Đúng là: Giết người thường ở ngay giữa chợ, Gặp nhau mà chẳng dám nhận nhau. Tiếng khóc nghe sao thê thiết quá, Lệ tràn cũng phải ngoảnh mặt đi. Từ Bằng Tử tới nhà Tiêu trưởng khoa, rồi hỏi ngày hôm nay cùng dự tiệc còn có ai. Tiêu trưởng khoa nói: - Tôi chỉ mời riêng ngài, ngoài ra không mời ai cả. Trong bữa tiệc tôi còn có một chuyện muốn thưa với ngài. - Không dám. - Từ Bằng Tử nói. Sau vài tuần rượu. Tiêu trưởng khoa nói: - Tôi là người chịu oan khuất, chính là do Đinh Toàn gây nên. Vụ án đã lập xong, mong ngài sớm đưa ra xét xử, thi hành án không thể chậm trễ, nếu không hắn sẽ lọt lưới. - Tôi cũng đang muốn xin ý kiến ngài một việc. - Từ Bằng Tử nói. - Xin hỏi, tờ sớ của ngài lời lẽ đanh thép, song việc ngài nói về trường ốc tôi không biết rõ sự thực là như thế nào, mong ngài chỉ rõ. - Việc này không nói đến thì thôi. - Tiêu trưởng khoa nói. - Mà nói đến là như đâm vào trái tim tôi. Chỉ tiếc tôi không xẻ thịt lột da ăn gan uống máu hắn. Nếu ngài không sợ làm phiền, tôi xin mượn chén rượu giải sầu này thưa để ngài biết. Tôi học về Xuân Thu, tới lúc tráng niên mới đỗ thi Hương, rồi sau đó thi Hội liền mất khoa mà không đỗ. Người làng đều cho tôi là tú tài “tiền". Lúc ấy chỉ vì một ngôi mộ mà cha tôi cãi nhau với người làng, người ấy đành lòng phải theo ý cha tôi. Vì tôi được cử đi thi Hội, lập tức người ấy nhằm vào sơ hở để trả thù trước lúc lên đường cha tôi dặn: "Tên người làng ấy thù cha đã lâu rồi, chuyến này đi nếu con đỗ tiến sĩ thì nó sẽ thôi không dám làm gì nữa, song nếu không đỗ thì nó sẽ không quên đâu. Con phải cố gắng đoạt lấy tiến sĩ để an ủi sự mong đợi của cha. Hôm nay là ngày con lên xe ra đi cũng là ngày cha mỏi mắt trông chờ". Lúc ấy tôi đáp: "Cha cứ yên tâm, không cần lo lắng gì, lần này ra đi con nghĩ rằng chắc chắn sẽ đỗ, quyết không phụ lòng mong mỏi của cha". Cha tôi gật đầu, tôi từ biệt cha ra đi. Đến khi thi Hội, tôi hết sức cố gắng làm xong bài văn, rồi lại xem đi xem lại và chắc chắn sẽ đỗ. Nộp bài ra khỏi trường thi, báo ngay về cho cha yên tâm. Đến ngày yết bảng thì lại không thấy tên tôi. Tôi vô cùng uất ức. Sau đó tôi tìm lại bài thi bị đánh trượt, nào ngờ tìm thấy bài ngoài bìa có ghi tên tôi lại hoàn toàn không phải là bài của tôi, đó chỉ là một bài viết lèo tèo mấy chữ, chẳng ra sao. Tôi lại tìm những bài đã thi đỗ thì thấy bài của Đinh Toàn giống hệt bài của tôi. Tôi tìm đến người sao lục để hỏi cho ra lẽ thì người ấy nói là việc nhỏ không liên quan gì đến ông, Chính ngài Giám trường đưa cho tôi chép, tôi không đâu dám không tuân lệnh. Tôi định cáo giác để trút đi nổi uất hận trong lòng, song lại nghĩ, tai họa trong nhà vừa lắng đi lại sinh thù oán khác, sợ cha tôi sẽ không yên lòng nên đành nhẫn nhịn. Nhân tôi không đỗ, tên người làng ấy lại kiện cha tôi lên huyện. Nào ngờ tri huyện và tôi vốn không hòa hợp, hắn đã thừa cơ trả thù. Hắn viết lệnh bắt cha tôi, vì uất ức cha tôi đỗ bệnh rồi chết, việc an táng sơ sài. Tất cả đều do tôi không đỗ, không đỗ là do Đinh Toàn, việc ấy đã khiến tôi nhức nhối, đau đớn, muốn đâm hắn để báo thù cho cha. Dứt lời Tiêu trưởng khoa lại nói: - Tiên sinh, mời tiên sinh uống đi, tiên sinh bảo như thế có đáng vạch mặt chỉ tên hắn không? Bằng Tử gật đầu nói: - Đáng lắm. - Tiên sinh ạ. - Tiêu trưởng khoa nói tiếp. - Tôi vẫn chưa chịu cảnh đường cùng, gượng dậy tôi lại đi học. Song ngờ đâu số phận vẫn chưa qua, tôi nhặt được một tờ huấn dụ của học phủ Liễu Châu, Quảng Tây. Mặc dù đường sá xa xôi tôi vẫn mượn tiền làm lộ phí lại chịu đựng biết bao nỗi khổ sở kinh hoàng. Bộ mặt của học quan sao làm cho người ta sợ đến thế. Ở nơi man rợ sợ cướp đường chứ sao lại sợ học quan? Quả là do ăn uống kham khổ, đời mẹ tôi không được toại nguyện, lại chịu sơn lam chướng khí bà đổ bệnh, thuốc thang chạy chữa mất hàng trăm lạng mà vẫn không khỏi. Việc ấy là do thi không đỗ, không đỗ là do Đinh Toàn, bởi thế tim tôi đau buốt, muốn cầm dao đâm hắn để trả thù. Nói tới đây Tiêu trưởng khoa mời: - Tiên sinh, mời tiên sinh uống đi. Tiên sinh thấy đấy, liệu hắn có đáng vạch mặt chỉ tên không? Từ Bằng Tử gật đầu, nói: - Đáng lắm. - Không phải chỉ có thế thôi đâu. - Tiêu trưởng khoa nói. - Ngài bảo đám ma xa hàng ngàn dặm làm sao đưa về quê một cách dễ dàng. Tôi lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ, trong túi không còn một xu, quần áo, đồ trang sức của vợ cái nào bán được thì bán, cái nào cầm được thì cầm, song cũng chỉ được bốn năm chục lạng. Tôi lại phải đến người bạn làm quan vay, họ giúp đỡ cũng chỉ khoảng trên năm mươi lạng. Rất may, một người làm quan ở tỉnh cùng quê, tôi đã trực tiếp đến van nài ông cho vay. Nhờ ông tôi vay được hai trăm lạng, làm văn tự cam kết rằng khi tôi về tới quê thì trả ông ấy. Tôi vô cùng cảm động trên đường đi tiêu pha hết sức tằn tiện, cuối cùng cũng đưa được linh cữu mẹ tôi về quê. Ngài thử nghĩ xem, một cử nhân vừa già vừa nghèo như tôi, trong lúc túng quẩn làm gì mà có tiền trả nợ. Những chủ nợ đến đòi nhiều lần, thấy hoàn cảnh tôi như thế có đòi tôi cũng chẳng có gì để trả, lời ra tiếng vào cuối cùng họ đập cửa chửi toáng lên. Hôm ấy tôi vắng nhà nhưng người đòi nợ vào tận nhà chửi bới lăng nhục, vợ tôi không kìm nổi chửi lại mấy câu. Những người ấy cố ý gây sự, nói: - Nợ đã chịu chày chịu bửa lại còn đánh người. - Họ đẩy vợ tôi ngã rồi ngất đi. Vì uất quá, từ đó vợ tôi đổ bệnh, ốm tới hơn nửa năm trời rồi mất. Việc ấy đều là do không đỗ không đỗ là do Đinh Toàn, bởi thế tôi đau nhói tận tim gan, muốn đâm cho hắn chết đi để báo thù cho vợ. Nói tới đây Tiêu trưởng khoa lại giục: - Tiên sinh, mời tiên sinh cạn chén đi chứ. Tiên sinh thấy đấy liệu hắn có đáng vạch mặt chỉ tên không? - Đáng lắm. - Từ Bằng Tử gật đầu trả lời. - Đấy là ba việc lớn. - Tiêu trưởng khoa nói. - Tôi chỉ kể qua cho tiên sinh nghe. Song thực ra trong đó long đong vất vả, khổ sở còn gấp trăm lần tôi không dám kể hết, sợ làm rát tai tiên sinh. Gần đây tôi mới đỗ tiến sĩ, lúc đầu được cất nhắc lên chức này, thấy được tội ác hắn chồng chất tôi định tố cáo, song mối thù không đội trời chung này chưa thể trả được, đành bấm bụng chịu đựng. May mà nay đã núi lở đá nhào, đội ơn Thánh thượng tôi phải trút hết nỗi căm giận này. Tóm lại phải treo cổ hắn giữa chợ cũng là để thỏa nỗi uất hận ngàn năm. Mong tiên sinh đừng trách tôi, thật là những lời tôi nói làm rác tai ngài. Bằng Tử nói: - Hóa ra là như thế, tôi e rằng những người chịu lụy như thế không ít. - Theo như ngài nói. - Tiêu trưởng khoa nói. - Ngài hiểu biết nhiều, xin ngài cứ dạy. Bằng Tử trả lời một cách mập mờ: - Tôi nói như thế chưa hẳn là chỉ Đinh Toàn. - Tôi khẩn thiết mong tiên sinh xử ngay cho. Họ uống với nhau thêm mấy chén nữa rồi mới cáo từ. Đúng là: Phật thuyết thật từ bi, Chúng sinh nhiều đau khổ. Mong anh niệm Phật kinh, Muôn kiếp do nhân quả. Giết người ngay giữa chợ, Không biết rằng có ta. Bé gái nâng chén rượu. Nước mắt tựa châu sa. Nghe nói ông đau đớn, Giết nó cũng được thôi. Thương cho người đọc sách Không biết tai họa này. Từ Bằng Tử uống rượu xong ra về, nói với Vương phu nhân: - Hóa ra Đinh Toàn gây oan nghiệt không phải chỉ có ta, lên nay mới bị báo ứng nặng nề đến thế. - Hắn gây ra việc gì? - Vương phu nhân hỏi. Bằng Tử kể chuyện Tiêu trưởng khoa, rồi nói: - Bày mưu tính kế để đỗ cử nhân, vội một chút cũng được, song nếu tiến sĩ thì muộn một kỳ thi cũng chẳng sao. Cớ gì hắn phải vội vả làm cho một người phải khuynh gia bại sản để mình được giầu sang phú quý? Tiêu trưởng khoa bị hắn làm cho khuynh gia bại sản, mình so với ông ấy còn đỡ hơn nhiều. Con đường công danh của hai người bị lâm vào cảnh khốn đốn như thế cũng là câu chuyện nực cười. - Tên khốn nạn ấy đã dùng mọi mưu mô gian dối để hại người, nhân cơ hội này phải xử hắn thật nặng để làm bài học cho đời sau, trút đi nỗi uất hận của hai nhà và thỏa ý nguyện của ta. - Đây cũng là tiền oan nghiệp chướng. - Từ Bằng Tử nói. - Hắn nghĩ ra trăm phương ngàn kế để đỗ cử nhân, tiến sĩ chỉ mong tử ấm thê phong, rạng danh tiên tổ, tận hưởng phú quý nhân gian, chiếm hết của cải trong thiên hạ. Ai ngờ hắn đã phải rập đầu trước thềm, chán nản tuyệt vọng như thế cũng là đủ. Nếu lại cứ báo oán lẫn nhau thì sự báo oán đến bao giờ mới chấm dứt được. Theo ý ta, thôi thì hãy tha cho hắn. - Tiêu trưởng khoa đối địch với hắn, mà ta lại tha hắn. - Vương phu nhân nói. - Chẳng hóa ra ta cởi bỏ nỗi oan trên của ta để chuốc lấy sự thù hằn sau này ư? - Tiêu trưởng khoa là người hiểu biết từng trải, chắc ông ấy cũng sẽ tha thứ. Việc ta chịu tội, lâu ngày ta mới nhận ra, tương lai đã thành sự thật thì tất cả những cái trước kia ta xóa đi hết. Nói chưa dứt lời, thấy có người vào thưa, cấp trên có văn thư đến. Bằng Tử cầm lấy mở ra xem cười ha hả. Phu nhân nói: - Có gì mà anh cười thế? - Em bảo báo thù, thì đây chẳng phải là sự báo thù ư? - Báo thù nào? - Văn thư của bộ Hộ gửi tới, - Từ Bằng Tử nói, - là nói về vụ cướp thuyền lương mà Lý Ma Tử là phạm nhân. - A Di Đà Phật, - Phu nhân chắp tay nói. - Tên gian ác ấy ta căm giận đến tận xương tủy, chưa trả thù được, song bây giờ mới chui đầu vào lưới, thế thì mắt trời chưa thật sáng suốt. - Mắt trời chưa thật sáng nhưng mắt người sáng suốt hơn. - Tử Bằng Tử nói. - Tên này phạm vào tội không thể tha thứ, ta phải tìm hiểu cho kỹ, việc này không phải một mình Đinh Toàn. - Ý anh thế nào? - Phu nhân nói. - Thấm vấn xong xuôi mới quyết định. - Từ Bằng Tử nói. Ngày hôm sau cho giải Lý Ma Tử đến công đường, Từ Bằng Tử nói: - Ngươi là Lý Ma Tử có đúng không? - Thưa ngài, đúng ạ. - Ngươi có nhận ra ta là ai không? - Thưa ngài con không dám. - Ngươi có biết người vợ của họ Từ không? Có muốn gặp người vợ họ Từ không? Ta mời ra cho người gặp. Lý Ma Tử biết việc ấy đã bị phát giác, chỉ cuối đầu nói: - Phạm nhân đáng chết, phạm nhân đáng chết. Bằng Tử rút lệnh ra, sai người đánh hắn bốn mươi gậy. Sau đó Bằng Tử nói: - Ngươi là tên hung ác, ngươi chưa vào tay ta cũng biết ngươi phải chết, nay ngươi cướp thuyền lương thì ngươi có chạy đàng trời. - Thưa ngài con là thằng vô lại, đã tiêu một ít tiền lương, con xin chịu hết. - Ngươi muốn chết cũng khó đấy. - Từ Bằng Tử nói. - Ngươi có sản nghiệp gì không? - Thưa ngài con chẳng có gì, chỉ có một mẹ già hơn sáu mươi tuổi, ở trên thuyền để lo cơm nước, ngoài ra con không còn chỗ dựa nào khác. Bằng Tử quát, cho lính giải đi, hôm sau lệnh cho bắt những người chở lương trên thuyền. Bọn này đến. Từ Bằng Tử khuyên kẻ ít người nhiều trợ giúp hắn chút ít. Bằng Tử nói: - Ta vốn vì các người, nếu hắn vu oan làm hại thì các ngươi cũng phải bồi thường, lại còn tốn kém cho nha môn. Hơn nữa góp tiền của để cho một người không phải chịu tội thì cũng đẹp mặt cho cả bọn các ngươi. Mọi người cảm động trước tấm lòng ân nghĩa của Bằng Tử, kẻ nhiều người ít bồi thường cho Lý Ma Tử. Bằng Tử kết luận hắn mắc vào tội vặt, vẫn bồi thường, rồi đuổi ra khỏi kinh thành. Quả là: Bây giờ mới hết nỗi oan, Ngoái đầu cứ hễ bồi hoàn là xong. Vết xưa, Tần Hán, kìa trông, Gió mua sấm chớp bão bùng khóc than. Lại nói, Đinh Hiệp Công đã bị khép tội, song không thấy bộ Hình công bố. Hắn nghĩ: "Mình đã rơi vào tay ông ta, ông ta lại gác lại bao nhiêu ngày như thế, nhất định sẽ thu thập thêm chứng cớ rồi ghép mình vào trọng tội". Bởi thế hắn sai người nói với một người thân trong làng, hiện đang nhậm chức tại kinh đô, nhờ ông ta tới Từ hình bộ nhận tội rằng: Đinh Toàn tự biết mình đáng chết, trước hắn ác quá, song xin ngài nghĩ đến tình người làng, mở cho hắn con đường sống, hắn tình nguyện hiến nhà cửa, ruộng vườn ở quê quán để chuộc tội. - Làm gì có chuyện đó. - Từ hình bộ nói. - Ta kéo dài ra là có ý khác. Đinh Hiệp Công có tội với Tiêu trưởng khoa, chứ đối ta hắn chẳng có liên quan gì. - Cho dù không liên quan, - viên quan ấy nói, - cũng xin ngài làm một Lỗ Trọng Liên, ý ngài thế nào? - Đừng tưởng lầm như thế. - Từ hình bộ nói. - Tôi trì hoãn không có ý gì khác, ba hôm sau sẽ biết. Viên quan về nói lại, Đinh Hiệp Công cứ nghi hoặc mãi. Quả nhiên ba hôm sau nghe chiếu chỉ lập Đông cung Thái tử, đại xá thiên hạ. Từ hình bộ theo lệ, tha tội cho Đinh toàn, chỉ bãi miễn chức, rồi làm văn bản tâu với Hoàng thượng, được Hoàng thượng chuẩn y rồi thi hành, lúc ấy Đinh Toàn mới hiểu Từ hình bộ lấy đức báo oán. Quả là một vị thánh trong quan trường, là vị Bồ Tát trong ân oán. Cả nhà Đinh Toàn vô cùng biết ơn, hôm sau Đinh Toàn khăn áo tới bộ Hình định chờ khi nào Từ hình bộ ra công đường, đích thân tới bái tạ. Bằng Tử biết được, treo một tấm biển đề rằng: "Việc hội thẩm đều theo chiếu chỉ, không cho phép đệ trình". Đinh Toàn thấy bảng đề như thề nghĩ: "Đây là đấng quân tử đức độ có tấm lòng cao cả, không muốn gây ra cái ác đối với con người". Rồi hắn đứng ngoài cửa nghiêm trang vái tạ tám lần, không biết miệng xuýt xoa ca ngợi những gì. Đúng lúc Đinh Toàn đang nghiêm trang bái tạ thì thấy một người quần áo rách nát chạy tới quỳ trước cửa, nói oang oang: - Cầu mong ông bà lớn đời đời công hầu, mãi mãi phú quý con cháu hưng thịnh, hưởng thọ nghìn năm. Rồi anh ta cúi hàng ngàn hàng vạn lạy. Lúc đứng lên, đầu húc vào Đinh Toàn, hóa ra hai tên này thân nhau, bỗng chốc. những chuyện xưa lại hiện về. Hai người chuyện trò về quê nhà chắp tay niệm Phật rồi đi. Bạn có biết người đó là ai không, đó chính là Lý Ma Tử. Sau này họ đều trở thành người lương thiện từ cửa công đường của quan Từ hình bộ. Người gác cửa bẩm chuyện này với Từ Bằng Tử, song ông không hề để ý tới. Các bạn thấy không, Từ Bằng Tử chịu biết bao giày vò, công danh bị người ta chiếm đoạt, tính mạng nằm trong tay họ và ngay tính mạng của người vợ cũng khó bảo toàn. Thế mà Từ Bằng Tử đã lấy đức báo oán, hoàn toàn quên hẳn mối thù. Tuy là một người từng trải, có học vấn, từ trong gian khổ mà ra song về cơ bản ông là một hạt giống của Phật. Còn như Tiêu trưởng khoa không phải là không gian khổ, không rèn luyện, song không thể học được sự quên mối thù của Từ Bằng Tử. Về sau Từ Bằng Tử được chuyển sang bộ Lại, được thăng lên Thái thượng tuần phủ, làm quan tới Thượng thư bộ Lại, hưởng thọ hơn chín mươi tuổi. Phu nhân sinh được hai con trai. Bằng Tử cũng không nghi ngờ gì Xuân Anh, nhớ lại tình xưa nghĩa cũ thời bần hàn, Bằng Tử lấy làm vợ lẽ và cũng sinh được một con trai. Ba đứa nối dõi thư hương. Hai người đỗ tiến sĩ, một người đỗ cử nhân, họ đều làm quan. Tất cả là do vợ chồng nhân từ tích đức mà được vậy.