Đến hôm thi, Từ Bằng Tử cũng không chờ đến tối mới ra khỏi trường thi. Anh bước vào nhà với nét mặt rạng rỡ vui mừng, anh thắp hương lễ bái gia tiên. Vương thị hỏi: - Anh làm bài thế nào? - Chẳng phải nói hay, bày bài văn anh đều làm được cả. Sợ rằng khi làm có chỗ còn sơ xuất anh đã viết rất cẩn thận, sạch sẽ ngay ngắn, đọc đi đọc lại, quả thật lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Trình lên ban giám khảo chắc chắn ai cũng khen ngợi, trừ phi quan giám khảo mù, hoặc bới lông tìm vết cũng phải cho đỗ. Vương thị thấy thế mừng không sao xiết. Mấy ngày sau, kết thúc kỳ thi, báo rằng sớm mai là ngày yết bảng. Vợ chồng Từ Bằng Tử làm sao mà ngủ cho được, nghe thấy tiếng trống báo canh năm, vẫn thấy bên ngoài yên tĩnh, dần dần thấy trời hừng sáng mới nghe thấy ngoài đường có tiếng cười nói ồn ào. Lúc ấy anh không kìm nổi được nữa, hai chân cứ muốn nhảy ra đường. Vừa ra khỏi cửa, thấy một người đi báo tin vui chạy như bay, qua cửa nha môn thấy người ấy chạy chậm lại, anh hỏi: - Ai đậu giải nguyên đấy? Anh chạy theo người ấy qua mấy nhà, người ấy mới chịu trả lời. Từ Bằng Tử nghĩ: "Có điều gì đáng nghi, trời đã sáng lắm rồi hãy đến chỗ yết bảng xem sao?". Tới nơi chỉ thấy hai chữ "Xuân Thu”, thấy người đỗ thứ ba là Xuân Thu, anh đọc tiếp thì đó là người Nhân Hòa, bên trên đó là Đinh Toàn. Anh nghĩ bụng, anh này mà cũng đỗ ư? Hằng ngày anh ta rất dốt, vì sao lại đỗ. Thôi mặc hắn. Tiếp đó anh xem từ đầu đến cuối bảng, rồi lại xem từ cuối bảng ngược lên, đọc kỷ từng dòng, hoàn toàn không có tên mình. Lúc ấy anh bủn rủn cả chân tay, nước mắt cứ chực trào ra, anh nuốt nước mắt, dựa vào cột bảng, đờ đẫn như người mất hồn. Đến khi người xem bảng thưa dần, anh cảm thấy chán chường, buồn bã quay về. Con đường về nhà sao mà dài dằng dặc, anh khó khăn lắm mới lên bước tới nhà. Đúng là: Tướng quân thua trận, vợ thất tiết, Thích mặt cướp đường, phạm tội quan. Gặp mặt người quen, ôi xấu hổ, Hỏng thi cũng thế khác gì đâu Đinh Toàn đỗ cao, nhân viên trường thi chạy như bay tới báo cho nhà họ Đinh. Đinh Hiệp Công thưởng tho người tới báo và lập tức diện quần áo chỉnh tề đi dự yến tiệc. Ngày hôm sau vội vàng đến bái lạy quan giám khảo Mạc Lão Tổ và tạ ơn quan chủ khảo. Rồi mở tiệc ăn mừng, khách khứa đông nghịt ồn ào náo nhiệt. Quả là giàu sang phú quý không ai bằng. Quả là: Nhà đông sầu thảm nhà tây hát, Cùng một ông trời sao khác nhau. Lại nói Từ Bằng Tử xem yết bảng trở về, vô cùng đau đớn, đôi chân anh bước đi tựa ngàn cân, bước không qua nổi bậc cửa. Vương thị chờ tới lúc mặt trời lên cao cũng chẳng thấy tin túc gì, biết chắc không ăn thua. Một mình buồn trong nhà buồn rười rượi. Vào nhà chồng không nhìn mình, biết anh chẳng còn vui thú gì nữa. Từ Bằng Tử ngồi cạnh vợ thở dài thườn thượt, oán trời giận đất, đập bàn đập ghế, chửi quan giám khảo là đồ mù, không biết thế nào là văn chương hay dở. Rồi cứ nói một mình như ma ám. Nhà anh có một đứa ở tên là Xuân Anh, tuổi chừng mười sáu mười bảy, người cũng trắng trẻo sạch sẽ. Từ Bằng Tử coi nó như một món nhắm ngon, đôi khi cũng nếm thử. Vương thị tuy không nghẹn lồng nghẹn lộn, song thấy việc ấy cũng chẳng ra thể thống gì cả, nên có khi cũng răng đe Xuân Anh một vài câu, đó cũng là lẽ thường tình. Vài hôm nay ông bà chủ lo lắng buồn rầu, Từ Bằng Tử thì hết ra lại vào, đang ngồi không yên, trách móc chửi mắng, xô bàn đập ghế, không khí gia đình hết sức nặng nề. Vương thị muốn an ủi chồng, song trong lúc gia đình đau buồn, không sao cất lời lên được. Dẫu có nói thì lời lẽ lại bộc trực, sợ rằng không những không khuyên giải được mà lại càng như lửa đổ thêm dầu. Nên Vương thị đành nín nhịn và thường bảo Xuân Anh hầu hạ chàng. Song ngờ đâu Từ Bằng Tử đùng đùng nổi giận, làm sao mà hiểu nổi? Ngay một người đẹp như hoa như ngọc mà Từ bằng Tử mê đắm, thì giờ đây chàng ghét bỏ. Không trông thấy thì thôi hễ trông thấy là hạch sách, rồi chửi toáng lên, tức khí còn đuổi theo đá cho mấy cái mới yên. Thấy chồng chửi bới gắt gỏng, Vương thị nghĩ rằng Vương Anh không ý tứ giữ gìn, mà xúc phạm đến anh, nên không thể không nói cho Xuân Anh một vài câu. Đúng là trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Tuy thế Xuân Anh vẫn không oán hận, chỉ có điều không chịu nổi sự giằn hắt của hai người, cô khóc đỏ mắt, suốt ngày chẳng khác nào nữ tú tài thi trượt. Một hôm Từ Bằng Tử đang buồn rầu ủ rũ, thì bạn bè trong trường đưa đến tập bài làm của năm thí sinh đỗ đầu Bằng Tử vội mở ra xem, nghĩ: "Bài của giải nguyên cũng không hay bằng bài của mình”. Sau đó xem đến bài người đỗ thứ ba là Đinh Toàn. Anh đọc thuộc làu làu từ mở đề, kinh ngạc nói: - Bài văn này là của tôi. Tiếp đó anh đọc bài thứ hai, thứ ba cho đến thứ bảy, giống bài của mình không sai một chữ. Anh nghĩ "Bài làm của mình hôm ấy lẽ nào do ma quỷ làm cho mình ư? Sao mà giống nhau đến thế, hay là mình ngồi gần anh ta, nên anh ta nhìn trộm bài của mình rồi chép vào. Ngay dù có chép trộm đi chăng nữa thì cũng khó tránh khỏi sai một chữ nào". Anh kinh ngạc và ngờ vực: "Đúng rồi, đúng rồi, ta phải đi tìm lại bài của ta, đối chiếu xem giám khảo phê thế nào". Anh tới ngay nơi lưu giữ những bài thi trượt, tìm số báo danh, tìm đi tìm lại, song chẳng thấy đâu. Sợ rằng bài thi của anh lẫn vào trường khác, anh lại tới Hàng Châu tìm, song vẫn không thấy bài của mình. Anh trở về với tâm trạng hết sức ngờ vục. Vừa về tới cửa thì thấy một người say rượu đi tới, đứng lại nhìn thì thấy: Hai mắt lờ đờ, Mồ hôi nhuễ nhại, Chân đi bước thấp bước cao, Chẳng khác nào con rối. Quần áo xộc xà xộc xệch Như người giấy đèn cù. Tới gần thì đó là Bạch Nhật Quỷ. Từ Bằng Tử nói: - Mấy hôm nay không thấy anh, mời anh vào uống nước. - Đã gặp nhau, lẽ nào đi qua cửa mà không vào. Từ Bằng Tử đón anh vào nhà, nói: - Uống rượu ở đâu về mà say như thế? - Tôi đánh chén ở nhà quý nhân mới. - Nhà ai thế? - Nhà ông Đinh Hiệp Công. - Không nhắc tới Đinh Toàn thì thôi, mà nhắc tới Đinh Toàn thì thấy một chuyện rất kỳ lạ. - Chuyện gì mà kỳ lạ thế? - Bài của Đinh Toàn giống bài của tôi không sai một chữ, không biết hắn có thủ đoạn thần thánh gì mà ghê đến thế. - Lẽ nào lại có chuyện ấy? - Nếu anh không tin tôi lấy cho anh xem. Từ Bằng Tử đứng dậy đi vào trong, rồi gọi Xuân Anh rót nước mời ông Chu. Mấy hôm bị đánh chửi, Xuân Anh vội vã rót nước mang ra. Từ Bằng Tử đi tìm bài thi, tìm mãi mà không thấy anh lục lọi hết mọi nơi, mới tìm thấy dưới gối của mình, lật đật mang ra. Bạch Nhật Quỷ đang ngồi trên ghế ngáy khò khò. Từ Bằng Tử lay dậy, nói: - Anh Chu xem này. Bạch Nhật Quỷ cầm lấy, nói: - Đây là năm bài thi đỗ đầu bảng, tôi xem lâu rồi. Vậy xin hỏi bài của anh hiện ở đâu? - Chính vì thế mới lạ chứ. - Từ Bằng Tử nói. - Tôi tìm tất cả những bài đánh trượt nhưng không thấy bài của tôi, đây là một việc tệ hại đáng ngờ. Tôi định đến ban giám khảo tố cáo, để một là làm rõ sự tệ hại này, hai là để hả nỗi uất hận của tôi. - Nếu bài của anh còn thì mới có thể đối chứng. - Bạch Nhật Quỷ nói. - Nếu không tìm ra là do ghen ghét mà gây sự. Theo tôi khó mà xoay chuyển được. Hắn chào một tiếng rồi đi thẳng. Vốn là bài Từ Bằng Tử, Trần Hựu Tân cắt phách đưa cho Đinh Hiệp Công chép rồi giấu đi rồi. Bạch Nhật Quỷ thừa biết việc này nên nói thế dọa Từ Bằng Tử. Lúc ấy vì Từ Bằng Tử chợt tức giận mà nói thế thôi, chứ đi kiện chưa chắc đã thắng. Nào ngờ Bạch Nhật Quỷ coi đó là một chuyện cơ mật vội vàng về báo cáo ngay với Đinh Hiệp Công. Đúng là: Gặp người thì nói cho hả giận, Biết gian cũng chẳng trị được đâu. Đinh Hiệp Công lúc ấy cũng hoang mang, hỏi Bạch Nhật Quỷ: - Việc này làm thế nào cho ổn thỏa, tôi phải đến ngay ban giám khảo Mạc Công Tố để cầu cứu, còn lão Từ thì mong anh chú ý theo dõi hành động của hắn. Tôi sẽ hậu tạ chứ không dám quên ơn. Bạch Nhật Quỷ gật đầu nhận lời. Lại nói Từ Bằng Tử, vì thi cử không toại nguyện nên hôm ấy dậy muộn. Mặt trời lên cao mà không thấy Xuân Anh mang trà tới. Anh gọi không thấy thưa, bèn vào phòng Vương thị hỏi: - Xuân Anh đi đâu rồi? - Từ sáng đến giờ tôi cũng không thấy nó, anh gọi lại xem sao. Hai người đi tìm khắp lượt, mà vẫn không thấy bóng dáng Xuân Anh đâu cả. Vương thị nói: - Mấy hôm nay anh đánh chửi nó ghê quá, có thể nó theo người khác rồi. - Nó ở với ta từ khi còn bé, nó biết đi đâu, hay nó về nhà mẹ. Tôi phải tới đó tìm xem sao. Thế rồi Từ Bằng Tử thu xếp đến nhà mẹ đẻ Xuân Anh. Mẹ Xuân Anh nói: - Không thấy nó về nhà, xưa nay nó có về một mình bao giờ đâu, nó không biết đường, lẽ nào hôm nay nó lại về một mình. - Nếu nó không về, - Từ Bằng Tử nói, - thì tôi nhờ bà đi tìm giúp. Mẹ nó nhận lời. Thế là Từ Bằng Tử về nhà nói với vợ: - Xuân Anh không về nhà với mẹ đẻ. - Lạ nhỉ, thế thì nó đi đâu? Nói chưa dứt lời thì thấy bên ngoài có tiếng chửi rủa ầm ĩ: - Đang lúc thanh bình thì có kẻ giết người giấu xác đi, hãy mau mau đem trả con cho ta. Nếu không ta bắt hai đứa chúng mày phải đền mạng. Từ Bằng Tử đứng cửa nhìn ra, thấy bố mẹ Xuân Anh dẫn đến rất nhiều người, chửi bới đập phá lung tung. Từ Bằng Tử tức lộn ruột, bước ra chửi: - Sao các người trắng trợn, ngang ngược như thế, con gái người ở cho ta đã nhiều năm, ta giết nó để làm gì? Tại sao các người ăn nói càn rỡ đến thế. Cha Xuân Anh sấn tới tống Từ Bằng Tử, chửi: - Mày là thằng càn rỡ, sống phải trả người, chết phải trả xác. Dù cho mày là ông gì chăng nữa mày cũng phải đền mạng. Thấy tình thế gay go Từ Bằng Tử bèn lui vào, chỉ bọn người này nói: - Không cần phải vội, ngày mai ta phải kiện bọn vô lại các người lên huyện cho các người biết tay. Bọn người này thấy Từ Bằng Tử đi vào, họ đứng ngoài chửi bới, đập cửa thình thình một lúc lâu rồi về. Phiền não sao bỗng dưng ập đến, Khiến người ta phút chốc bạc đầu. Dù anh có ngồi nhà, đóng cửa, Tránh sao kẻ ném đất giấu tay. Từ Bằng Tử phẫn uất nói với vợ: - Bọn đáng ghét này, hãy chờ ta làm đơn đưa lên huyện, trị cho chúng một trận. - Anh đang bực bội cũng không nên làm điều ác với họ làm gì, hãy dần dà tìm ra manh mối, lúc ấy sẽ bịt mồm họ lại. Từ Bằng Tử chỉ nói thế thôi chứ hơi sức đâu mà làm chuyện ấy. Sáng hôm sau nghe thấy người trên huyện về gọi. Từ Bằng Tử ra thì thấy hai người mặc áo xanh hỏi: - Các anh ở đâu tới? - Chúng tôi là người do quan hình sảnh họ Mạc sai tới. - Có việc gì thế, Từ Bằng Tử hỏi. - Đây là việc có liên quan đến nhân mạng nên chúng tôi tới mời ông. Nói xong họ đưa trát cho Từ Bằng Tử. Trên tờ trác ghi rõ bố mẹ Xuân Anh tố cáo Từ Bằng Tử giết người. Chưa xem hết anh tức đến run lên, miệng không nói nên lời. Một lát sau mới nói: - Thưa các vị xin hỏi, sáng sớm mai tôi đến gặp quan lớn có được không? Hai người ấy sấn đến túm áo nói: - Làm gì mà được tự do như thế. Đây là việc liên quan đến nhân mạng, lại còn ra vẻ ông tướng. Ông lớn đang chờ tại sảnh đường, phải đi ngay. Thế rồi họ lôi Từ Bằng Tử đi. Thấy mất thể diện, không còn cách nào Từ Bằng Tử đành phải đi theo. Về tới cửa dinh họ lập tức thưa: - Bẩm ngài, đã bắt hung thủ tới. Quan phủ họ Mạc lập tức lên công đường, nói: - Phạm nhân quỳ xuống. Từ Bằng Tử sao chịu được sự nhục nhã như thế. Anh cứ đứng sừng sững, mắt trừng trùng nhìn lên, giận sôi máu như muốn cãi nhau với quan phủ, quan phủ họ Mạc nói: - Ngươi bảo ngươi là thư sinh trúng tuyển ư? Trước mắt ta ngươi có quỳ không? Ngươi phải biết rằng tính mạng có quan hệ đến trời không? - Căn cứ vào đâu mà ngài bảo con giết người? Ngài là quan lớn sao ngài lại đổ riệt cho con? Câu nói ấy đã động chạm tới lòng dạ thầm kín của quan phủ họ Mạc, quan phủ đùng đùng nổi giận, quát: - Ngươi là tú tài ta không xử được ngươi ư? Thế rồi ông gọi tay chân giam Từ Bằng Tử vào ngục ngày mai thẩm vấn. Lập tức bảo thư lại lập văn bản trình lên học đạo. Đúng lúc ấy học đạo tại đó xem cử nhân mới trực tiếp lễ tạ. Quan phủ họ Mạc lập tức cho lệnh vào gặp rồi nói thẳng với học đạo, quan học đạo phê ngay vào văn bản: " Cẩn xóa tên Từ Tất Ngộ ngay". Hôm sau quan phủ họ Mạc đưa Từ Bằng Tử ra thẩm vấn: - Văn thư của học đài đang ở đây, quyền thi cử của ngươi đã bị tước đoạt, ngươi còn cứng đầu cứng cổ ư? - Rồi ông quát. - Đánh Bọn nha lệ chẳng nói chẳng rằng, lôi Từ Bằng Tử đánh ba mươi gậy. Quan phủ họ Mạc nói: - Nhân mạng chưa tìm ra, ta hạn cho ngươi trong ba tháng phải tìm ra Xuân Anh, nếu không thì ngươi phải đền mạng, ngươi đừng trách ta. Thế rồi ông ta tống Từ Bằng Tử vào nhà giam, chẳng cho nói lấy nửa lời. Sai nha lôi Từ Bằng Tử vào nhà giam. Đúng là: Trời quang mây tạnh nghe sét đánh, Trong chén tìm đâu thấy rắn bò. Từ khi đỗ cử nhân, Đinh Hiệp Công ngày nào cũng tiệc tùng ăn uống. Lại được quan phủ họ Mạc ra sức giúp đỡ, hắn càng ngày càng lên mặt. Hắn tạ ơn Bạch Nhật Quỷ rất hậu, từ đó hắn chuẩn bị lên kinh thi Hội. Nghĩ rằng trên đường từ Nam Kinh tới Hoài Dương có mấy người quen biết làm quan, nhân thể hắn tạt vào bâu víu. Hắn nghĩ, bây giờ ta là cử nhân mới, tiếng tăm lừng lẫy, khác hẳn với tú tài trước đây, chắc chắn rằng họ phải cung phụng mình thoải mái. Lộ phí trên đường tới kinh đô không cần phải bỏ tiền túi nhà mình. Chuẩn bị xong xuôi, hắn chọn ngày tốt lên đường. Trên tấm biển hắn cho khắc hai chữ "thi hội", trên đèn lồng hắn cũng đề quan hàm mà khảo thí ban cho hắn. Hắn mang theo hơn mười người phục dịch, đều quần áo mới, cưỡi ngựa tốt. Trên đường dáng vẻ rất oai hùng. Đúng là: Chưa thấy sắc xuân vườn Thượng Uyển, Ngắm nhìn khách điếm mấy nhành hoa. Họ tới Nam Kinh thì trú tại chùa Thừa ân. Đầu tiên hắn tới bái kiến Thị lang bộ Lại là người đồng khoa với cha hắn. Thị lang mừng rỡ, mời rượu rồi gởi mấy phong thư nói với các nha môn giúp đỡ hắn. Hắn càng trở nên ngạo mạn nói: - Ngài Thị lang bộ Lại rất chiều chuộng nịnh nọt ta, chẳng qua ta là cử nhân nổi tiếng mà thôi. Bởi thế hắn càng nghênh ngang ngạo nghễ đi lại trên đường phố Nam Kinh. Nay dạo chơi vườn hoa, mai yến ẩm, hết cô này đến cô khác. Người lớn trẻ con thành Nam Kinh ai mà chẳng biết cử nhân Đinh công tử là người thân quen của ngài Thị lang bộ Lại. Không ngờ con của quan chủ khảo đạo Giang Tây họ Kim, người Chiết Giang cũng đỗ cử nhân. Người cử nhân này cũng đi thi hội qua đây, cũng đến nhờ vả quan ngự sử, trước sau hắn đã mượn quan tới hơn một ngàn lạng mà vẫn chưa đi. Đang lúc quan ngự sử chưa biết làm thế nào để thoát khỏi sự phiền toái này thì bỗng nhiên nhận được một phong thư của ngài Kim ở Chiết Giang. Ngài ngự sử thành Nam Kinh bóc thư ra xem thì quả nhiên đúng là chữ của thầy mình. Cuối thư có viết thêm một dòng: "Thằng nhỏ nhà tôi cũng may mắn được đi thi hội, nó vội vàng đi thuyền tới Bắc Kinh rồi, không tới chào và đưa lá thư này cho ông được. Ra giêng cháu về sẽ đến thăm ông".