Thấy tiểu thư tức giận, Liên Phòng vội chạy xuống chân đài nói lại những lời của tiểu thư với Thúy Hà rồi trả lại bạc. Song Mạc Thúy Hà không nhận, nói: - Ngươi là người nhà Tư Viên ngoại, không cần số bạc của ta, nhưng phải biết rằng ta là cử nhân thi Hội, lẽ nào lại mong tiểu thư tiếc thay cho bộ quần áo của ta, mà đưa khăn cho ta. Liên Phòng thấy anh ta ăn nói chẳng ra sao, không thèm trả lời vứt bạc xuống đất chạy vụt lên đài nói với tiểu thư: - Số bạc ấy con đã vứt trả anh ta rồi. Người ấy không phải là người vùng ta, tự xưng là cử nhân thi Hội. Nói rất vô lí, con cũng mặc xác anh ta. - Ta chơi ở đây đã lâu, chắc nhũng đứa hầu đang chờ ngoài kia, ta phải ra ngay đi. - Tử Anh nói. Liên Phòng dìu tiểu thư đi theo đường rải sỏi vòng đến núi Giả Thái Hồ, Mạc Thúy Hà đứng đó cản đường, nói: - Tiểu thư hãy nán lại một chút, tôi có câu chuyện muốn nói với nàng. Tiểu thư giật mình lùi lại, nấp vào núi giả Thái Hồ, bảo Liên Phòng nói với anh ta rằng: - Anh đã tự xưng là cử nhân thi Hội, thì phải biết giữ phép của người có học, cớ sao lại ngăn đường ta. Liên Phòng nói lại với Thúy Hà. Mạc Thúy Hà cười khanh khách nói: - Ta là người Quảng Tây, đi mấy ngàn dặm tới đây, may mắn được gặp tiểu thư, há chẳng phải là số trời dun rủi ư? Ta chẳng có ý gì, chỉ mong được gặp mặt chào tiểu thư, nói với tiểu thư một đôi câu rồi sẽ để tiểu thư đi. Liên Phòng nói lại với tiểu thư. Tử Anh đùng đùng nổi giận, lại bảo Liên Phòng nói với Thúy Hà rằng: - Anh là cử nhân Quảng Tây, thì chỉ giở thói côn đồ ở Quảng Tây chứ không thể giở trò ấy ở Dương Châu của ta được. Hãy để cho ta đi, nếu vẫn còn vô lễ ta sẽ gọi người nhà tới thì e rằng ngươi sẽ mất mặt. Hơn nữa ta là người nhà Viên ngoại chẳng đụng được đến ta đâu. Ta về thưa với Viên ngoại thì ngươi khó mà thoát được. Thấy thế Mạc Thúy Hà bèn nghĩ ra một kế nói: - Tiểu thư chỉ dọa được người nhà quê thôi, dù cho Viên ngoại có ghê gớm cũng chẳng làm gì được một cử nhân từ nơi xa đến như ta. Cửa vào ta đã đóng chặt cả rồi, những đứa ở nhà tiểu thư dù có biết bay cũng không vào được. Và cũng chẳng sợ tiểu thư bay đi đâu cả, lẽ nào ta tha thiết cầu mong tiểu thư như thế mà lại thả tiểu thư ra một cách vô ích! Chẳng hóa ra cuộc đời ta vô vị nhạt nhẽo lắm sao? Nếu không đáp lễ nói chuyện với ta thì cũng phải thế nào ta mới cho đi. Bằng không thì đến tết cũng chẳng đi được. Liên Phòng lại nói lại những lời ấy với tiểu thư. Tiểu thư rất lo lắng, oán trách Liên Phòng. - Ngươi là đồ đê tiện, đã rủ rê ta tới đây, đến nỗi gây ra chuyện rắc rối này. Liên Phòng nhanh trí đáp: - Lúc đầu đúng là con sai, nhung chính cô bảo con đưa khăn tay cho anh ta cơ mà. Tử Anh bị câu nói ấy chẹn họng, cứ hối hận mãi. Song cô lại sợ rằng nếu hắn cưỡng bức thì biết làm thế nào bây giờ. Tiểu thư rất hoang mang. Nàng bèn lấy từ tay áo ra một chiếc khăn là màu hồng, giao cho Liên Phòng đưa cho Mạc Thúy Hà và bảo Liên Phòng nói rằng: - Chàng là người quân tử có học, phải hiểu đạo lí. Ta với chàng chẳng thân thích chẳng bạn bè gì, hoàn toàn không có chuyện gặp nhau. Chiếc khăn lụa này chỉ là chút quà để chàng mở cửa cho ta đi mà thôi. Mạc Thúy Hà nhận chiếc khăn tay, cười nói: - Ta không phải là người gác cổng chùa Quỳnh Hoa, nên ta không cần tiền mở cửa. Chiếc khăn tay trước là của cô, chiếc khăn tay này là của tiểu thư. Tiểu thư cho ta gặp thì thôi, nếu không ta sẽ đưa chiếc khăn này tới nói cho Viên ngoại biết, mọi người sẽ nghi ngờ mối quan hệ của chúng ta, song việc này nhờ cô bàn bạc với tiểu thư. Liên Phòng là một đứa hầu nhát gan, thấy thế sợ quá, tim cứ đập rộn lên. Chạy như bay tới nói với tiểu thư - Việc này nguy to rồi, người ấy cứ ăn vạ, sao tiểu thư không cho hắn gặp. Nếu như hắn nói với Viên ngoại thật thì con sẽ bị đánh chết mất. Thôi thì cứ liều gặp hắn, xin hắn cho về là xong. Tử Anh biết rằng về nhà sẽ rắc rối to, song hối không kịp nữa. Trù trừ do dự một hồi, không còn cách nào khác đành phải theo Liên Phòng tới bể giả Thái Hồ. Liên Phòng vẫy tay nói: - Tiểu thư bằng lòng rồi, hãy tới gặp tiểu thư ngay. Mạc Thúy Hà mừng quá, mặt mày rạng rỡ hẳn lên, bước tới chào rất lễ phép. Tử Anh quay lại đáp lễ. Chào xong, Mạc Thúy Hà bước tới chắp tay nói: - Tôi là cử nhân tân khoa huyện Quế Lâm, phủ Quế Lâm, Quảng Tây, tên là Mạc Khả, nhân dịp lên kinh đô ứng thí, đi qua quý phủ, nghe thấy tiểu thư là người đẹp vô song, bởi thế không muốn lên kinh, ngụ tạm ở đây tìm gặp tiểu thư. Không ngờ trời cũng chiều lòng người, dun rủi ta được gặp tiểu thư ở đây, đúng là mối lương duyên tiền định. Lại được tiểu thư ban ơn tặng chiếc khăn là, đó là một vật báu của đời ta. Song mối lương duyên sau này khó gặp, ngày hội ngộ cũng không thể hẹn trước được. Vậy tiểu thư bảo ta làm gì bây giờ? Nghe thấy thế Tử Anh mặt đỏ bừng, vừa tức giận vừa buồn cười nghĩ thầm: "Biết nói thế nào đây". Thế rồi tiểu thư ghé sát vào tai Liên Phòng nói thầm: - Ngươi hãy bảo với anh ta rằng, vừa rồi anh nói là được gặp sẽ cho đi, bây giờ đã gặp rồi còn muốn gì nữa. Liên Phòng nói xong, Mạc Thúy Hà nói: - Ta chẳng có ý gì khác, chỉ cần tiểu thư xếp đặt ta thỏa đáng, nếu không thì dù ta có chết cũng không cho tiểu thư ra. Lúc ấy Tử Anh thấy tiến thoái lưỡng nan, tự than thở với mình: "Thế là đời ta hết rồi! Đây là nỗi oan nghiệt kiếp trước của ta". Rồi khe khẽ bảo Liên Phòng nói với anh ta rằng: - Ngày mồng một tháng Ba tới là ngày giỗ của phu nhân. Hôm đó làm cỗ chay, cúng tới mồng ba mới xong. Tối hôm ấy, khi hóa vàng hương, tiễn đưa bồ tát, tôi chờ gặp ở cửa, lúc đó sẽ trả lời anh. Mạc Thúy Hà nghe thấy nói thế hớn hở vui mừng, chẳng khác nào nhận chiếu chỉ của vua, rồi nói: - Tiểu thư không lừa tôi đấy chứ? Tử Anh lại bảo Liên Phòng trả lời là: - Nếu như thất tín thì lúc ấy anh cứ việc nói cho Viên ngoại biết. Mạc Thúy Hà gật đầu, vội vàng chắp tay chào, nói: - Những lời vàng ngọc của tiểu thư sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim ta. Nói xong Mạc Thúy Hà vội vã mở cửa Tử Đồng các, rồi lẩn vào trong những lùm cây rậm rạp. Thúy Hà đi rồi, Tử Anh thầm nghĩ, anh ta cũng là một nhân vật phong lưu, và không tránh khỏi đôi phần rung động. Mặc dù như thế, xong rốt cục vì là đàn bà mà bỗng nhiên gặp phải chuyện không đâu, khiến cho tiểu thư khi thì mặt đỏ bừng lên, khi thì tái nhợt đi, trống ngực đập hơn trống làng, không sao trấn tĩnh được. Tử Anh vội vàng cùng với Liên Phòng xuống khỏi Tử Đồng các. Những ngươi hầu và phu khiêng kiệu chẳng thấy bóng dáng tiểu thư đâu cuống cuồng bổ nhào đi tìm khắp mọi nơi không biết đã bao lâu rồi. Tử Anh không dám chậm trễ, lên ngay kiệu về nhà. Tới phòng rồi mà vẫn còn hốt hoảng. Thơ rằng: Lửa gần rơm trở thành tai họa, Gỗ kia có mục mọt mới ăn. Hoa đào không chảy theo dòng suối, Ngư ông sao biết được lối vào. Tuy tiểu thư đã hẹn, song Mạc Thúy Hà vẫn còn nghi hoặc, chẳng biết thực hư ra sao. Mấy hôm ấy anh ta cứ bồn chồn, bấm đốt ngón tay đã tới ngày mồng một tháng ba, bèn lân la tới cửa nhà họ Tư nghe ngóng. Thấy nhà ấy làm chay thật, Thúy Hà khấp khởi mừng thầm: Chắc rằng tiểu thư không nói dối. Và Thúy Hà rất hy vọng sẽ gặp được Tử Anh. Thế rồi anh ta sực nghĩ ra, đi vòng từ cổng trước ra cổng sau, nghiêng nghiêng ngó ngó. Cửa trước thông ra đường cái quan, cửa sau thông ra một con đường nhỏ. Phía đông là cửa thành, phía tây gần một con sông. Thúy Hà đã thuộc hết đường đi lối lại. Đến chiều ngày mồng ba, Thúy Hà len lén mặc chiếc áo xanh và đội chiếc mũ nhỏ của Lai Nguyên lẻn ra khỏi quán trọ, đi thẳng tới nhà họ Tư. Chờ tới lúc vàng vàng mặt trời mà vẫn chưa thấy rước Phật, anh ta rất sốt ruột, nghĩ: "Không biết tới lúc rước Phật tiểu thư có ra không?”. Vừa lo sợ vừa nghi hoặc. Ngờ đâu đêm ấy Tử Anh còn lo sợ nghi ngờ bằng mấy Thúy Hà. Nàng bàn với Liên Phòng, định ra nhưng lại sợ xảy ra việc chẳng lành, mà không ra thì lại sợ Thúy Hà đã giữ được chiếc khăn làm bằng chứng, hắn sẽ giở trò đểu cáng lu loa lên, thì mất hết cả danh dự. Liên Phòng nói: - Con thấy hành tung của hắn, phong lưu cũng thực phong lưu mà đểu cáng cũng thực là đểu cáng, tiểu thư nghĩ thế không sai. Theo con, thôi thì tới khi rước Phật hãy ra xem sao. Chỉ cần hắn trông thấy là chạy tọt vào ngay. Đã trông thấy rồi thì không phải là thất tín, chỗ đông đúc, mọi người nhìn thấy thì hắn sẽ không dám lôi lấy tiểu thư đâu. Đã đến nước này, Tử Anh đành làm theo lời Liên Phòng. Hôm ấy người rất đông, các nhà sư đến tụng kinh, những người trong thân tộc đến chung vui đều có kẻ ăn người ở theo hầu. Thúy Hà cũng mặc như kẻ ăn người ở, trà trộn với những người hầu. Người nhà nọ cứ tưởng người nhà kia, chẳng sao phân biệt được. Vào khoảng gần tối, hòa thượng rước Phật đi hóa, Tử Anh lẻn đến bên cửa ngấp nghé ngóng trông. Mạc Thúy Hà đi lẫn trong đám đông, mắt đăm đăm liếc nhìn, thấy tiểu thư đứng bên cửa, anh ta quay ngoắt lại bước lên thềm, hai người vừa giáp mặt nhau, Liên Phòng thấy đích xác hai người nhìn thấy nhau rồi, lập tức lôi ngay tiểu thư vào. Tiểu thư quay ngoắt vào nhà, lúc ấy hòa thượng đọc kinh chưa xong, tiếng trống tiếng thanh la ầm ĩ huyên náo, ai ai cũng ngước nhìn hòa thượng, chẳng để ý gì đến những việc khác. Nói thì chậm, nhưng thực ra lúc ấy thấy tiểu thư quay ngoắt vào, Mạc Thúy Hà nhanh như chớp, soạt một cái chui qua khe cửa. Cũng bởi vì duyên số nên chẳng ai nhìn thấy. Thúy Hà bám sát gót tiểu thư, đi thẳng vào phòng. Đêm hôm khuya khoắt như thế mà anh ta đột nhập vào nhà, lỡ ra có người bắt được thì chắc chắn cho rằng anh ta không phải là trộm cướp cũng là gian dâm, họ lập tức đánh chết cũng chẳng sao. Thúy Hà mê gái cả gan liều mạng xông vào, dù cho có bị chém một nhát chết tươi cũng chẳng kể gì. Thấy Mạc Thúy Hà xông vào phòng, tiểu thư như hồn lìa khỏi xác, chỉ sợ người ta trông thấy thì nguy to. Nàng chẳng kể gì đến thể diện, cùng Liên Phòng ngáng cửa đẩy hắn ra. Mạc Thúy Hà là một gã con trai mới lớn, hai người con gái đẩy làm sao nổi. Thúy Hà nói: - Tiểu thư đừng nóng vội, hãy cho tôi nói một câu đã. Liên Phòng đưa tay bịt mồm hắn lại, nói: - Đây là nơi ngươi nói được sao? - Dù không được nói thì cũng cho tôi nói một câu thôi. - Thúy Hà nói. - Tôi là cử nhân Lĩnh Thạch, đi thi Hội qua đây, vì ngưỡng mộ tài sắc của tiểu thư, tôi phải vứt bỏ cả công danh chờ đợi ở đây. Không hẹn mà được trời xe mối lương duyên, gặp nàng dưới chân đài Đổng Trọng Thư. Mang ơn tiểu thư tặng khăn để làm tin, hẹn đêm nay gặp tôi, tôi dám liều chết đến đây, cả gan vứt bỏ cả tấm thân đỗ liền hai khoa, đánh đổi cửa rồng, tìm đến thềm phượng. Lẽ nào nàng không ưng thuận. Nói xong Mạc Thúy Hà quỳ xuống. Tiểu thư nói: - Ai bắt ngươi quỳ, ai bắt ngươi lạy, ngươi hãy mau mau ra đi. - Đến nước này thì tôi làm sao mà ra đi. Tôi nghĩ rằng, ra cũng chết, mà tiểu thư không ưng cũng chết. Thôi thì hãy chết trong phòng ngủ của tiểu thư, còn hơn chết bên ngoài phòng tiểu thư. Nói xong Thúy Hà rút từ trong tất ra một con dao nhỏ, đâm vào yết hầu. Khiến cho ba hồn bảy vía tiểu thư lìa khỏi xác, nàng giơ tay cướp lấy dao. Thúy Hà buông dao ra ôm ghì lấy ngang lung tiểu thư, lúc ấy không sao được, tiểu thư đành mặc cho Thúy Hà vồ vập. Liên Phòng coi chặt ngoài cửa theo dõi động tĩnh. Chỉ thấy: Một bên là Nam cung học sĩ, Một bên là Đông các giai nhân. Nam cung học sĩ thèm thuồng sắc đẹp, Đông các giai nhân e sợ rụt rè. Một đằng chưa biết mùi đời, sao hiểu được mây mưa vân vũ. Một dằng lão luyện phong tình, biết hết cả thương ngọc tiếc hương. Thoả thuê đùa bỡn hoa hai đường hồng tươi khoe sắc Ngả nghiêng rung cây ngọc cánh hoa lả tả tuôn rơi. Đêm ấy họ trở thành vợ chồng. Họ chưa từng quen, song đã như mạ già ruộng ngấu. Tới đêm hôm sau, Thúy Hà lại tằng tịu với Liên Phòng, thấy tiểu thư cho phép, Liên Phòng sao dám chối từ. Từ đó trên dưới hòa hợp, trở thành một giuộc. Ban ngày họ kê một chiếc giường giấu sau tấm bình phong, đêm khuya khi mọi người yên ắng, Thúy Hà mới ra. Bởi thế trong nhà chẳng ai biết được, chỉ có bọn con hầu mang cơm nước tới phòng, song vì đã vi phạm gia phong, tiểu thư ngày đêm lo âu, chỉ sợ sự việc bại lộ. Hơn nữa Mạc Thúy Hà là người phóng đãng, sống trong chiếc giường giấu sau bình phong mười mấy ngày, cảm thấy bí bức buồn chán, bàn nhau trốn về Quế Lâm. Tính toán xong họ thu xếp những đồ trang sức quý hiếm gói lại. Tiểu thư, Liên Phòng và Thúy Hà trang điểm như nhau, nhân lúc đêm khuya mở cửa vườn sau, men theo con đường nhỏ đi ra. Đường đi lối lại ở đây Thúy Hà thăm dò kĩ. Chỉ có điều, khi đi vội vã Thúy Hà đã đánh rơi mất chiếc giày. Ra khỏi cửa sau, hành lí gọn nhẹ, đường đi thông thuộc, họ tới ngay bến đò, thuê thuyền về thẳng Quảng Tây, bỏ mặc cả Lai Nguyên ở lại quán trọ. Thơ rằng: Xấu xa trên bộc với trong dâu Chim cút mà sao cũng hao cầu Tơ đã nhúng chàm không trắng lại, Xuôi theo dòng nước chẳng ngoái đầu. Tư Viên ngoại thấy con gái và đứa hầu Liên Phòng biến mất tăm, biết rằng đây là chuyện tư tình, không dám làm ầm ĩ lên, giấu kín như bưng. Song chỉ sợ nhà Hồ Thông Phán đến cầu hôn, không thể từ chối được. Rất may có một đứa ở tên là Lan Hương bị bệnh thương hàn, đứa ở này cũng khá xinh đẹp, Tư Viên ngoại bèn nghĩ ra một kế, cho uống một thang thuốc không theo quân thần tá sứ, trong khoảnh khắc đứa ở đã chết. Tư Viên ngoại nói đổ đi rằng tiểu thư ốm chết, rồi báo với nhà Hồ Thông Phán. Nhà họ Hồ sai một người đàn bà đến hỏi thăm, người ấy không biết mặt tiểu thư, thì làm sao biết được tiểu thư thật hay giả. Tư Viên ngoại làm ma khá linh đình, khóc than thảm thiết. Tụng kinh niệm Phật bảy tuần, rất tốn kém. Thân bằng cố hữu đều tới thăm hỏi phúng viếng. Cháu của Hồ Thông Phán tuy chưa nên vợ nên chồng, song cũng mặc tang phục tới đưa ma. Hồ Thông Phán cũng đích thân đến nhà. Thế là sự việc xấu xa ấy đã dựa vào cái chết của đứa con hầu để che giấu mọi người. Đúng là: Trương Công uống rượu Lý Công đền, Đầu độc gái hầu, gia chết con, Tuyền đài ôm hận không nơi tố, Thế gian nguyền rủa gã Mạc Thùy. Đêm ngày mồng ba tháng Ba, thấy chủ đột ngột bỏ đi suốt đêm không về, Lai Nguyên cho rằng Thúy Hà không chịu nổi sự vắng vẻ tĩnh mịch, đã tới lầu xanh tìm vui thú. Ăn cơm sáng xong, sửa soạn đi đón chủ về, thì chẳng thấy khăn áo của mình đâu cả. Lai Nguyên thấy rất lạ, lẽ nào chủ lại mặc áo của mình. Đến khi đi tìm khắp mọi nơi thì chẳng thấy đâu. Đã năm sáu ngày ròng rã Lai Nguyên đi tìm chủ, vậy mà chẳng thấy tăm hơi, anh không còn đủ kiên nhẫn đi tìm nữa, đành phó mặc cho số phận. Hôm sau dậy sớm ra nhà xí, Lai Nguyên nhặt được một chiếc khăn vàng, trong đó có thêu ba chữ "hiệu Vĩnh Hưng". Nghĩ thầm "Âu cũng là trời dun rủi, một chiếc khăn to dùng để gói quần áo cũng được, gói gạo cũng được, mà làm chăn đắp cũng được". Thế là Lai Nguyên hớn hở nhặt mang về. Tính ra đã hơn hai mươi ngày rồi mà vẫn không thấy chủ về củi gạo cũng hết nhẵn, trong người không còn một xu dính túi. Nghĩ rằng: "Không biết chủ vui thú ở nơi nào mà để mặc ta chịu khổ ở đây. Đến nay một hạt gạo cũng không còn, lẽ nào ta chịu ở đây chết đói ư? Thôi thì ta hãy mang hai bộ quần áo của chủ đi cầm lấy mấy lạng bạc, mua ít gạo, củi để lót lòng rồi sẽ tính sau. Nghĩ thế, Lai Nguyên lấy luôn hai bộ quần áo lụa, lại sợ hiệu cầm đồ làm bẩn, anh lại lấy luôn chiếc khăn vàng mới nhặt được gói lại, rồi khóa cửa ra khỏi nhà trọ. Trên đường đi Lai Nguyên không biết nên đến hiệu cầm đồ nào thì mới bán được giá cao, rồi lại nghĩ, mình đã có hàng thì lo gì chỗ bán, chỗ nào mà chẳng bán được, thôi chẳng tính toán làm gì. Đang lúc gặp xúi quẩy, Lai Nguyên cũng chẳng cho điều ấy là hệ trọng, cứ bước bừa. Không ngờ đi qua con đường nhỏ sau nhà Tư Viên ngoại, thấy một dải tường đá, trên một chiếc cổng lầu nhỏ, thấy treo tấm biển, trên đó viết hai chữ "Túc Cơ”. Hai cánh cửa vườn nửa khép nửa mở. Lai Nguyên biết đây là vườn hoa của người ta, bước vào xem. Đang lúc vào cuối tháng Ba, cây cối xanh um, hương thơm ngào ngạt, cành mơ trĩu quả, chim oanh đậu trên cây thùy dương hót líu lo, trong bồn đá, hoa đỗ quyên nở rộ. Lai Nguyên nghĩ: "Ở huyện Lâm Quế của mình lúc này cũng có oanh hót trong liễu biếc, chỉ có điều mình không về được!”. Đang miên man nghĩ ngợi, bỗng thấy một chiếc giày màu hồng nhạt dưới gốc cây, nhặt lên xem, nhận ra đây là chiếc giày của chủ mình. Tại sao chiếc giày ấy lại rơi ở chốn này? Anh bỗng sinh nghi, cứ thì thầm nói một mình, trầm ngâm mãi, muốn đi mà không sao dứt được: Nào ngờ, Tư Viên ngoại mất con gái, tuy đã nói dối rằng con ốm chết để che giấu người ngoài, song trong lòng lúc nào cũng u uất, vừa rầu rĩ, vừa tức giận. Ông đang đi tản bộ trong vườn hoa để nỗi lòng khuây khỏa, bỗng thấy Lai Nguyên tay cầm chiếc giày thẫn thờ suy nghĩ. Viên ngoại quát hỏi: - Ngươi là ai, sao dám xộc vào cửa sau nhà ta, chẳng phải là người tới ăn trộm ư? Thế rồi ông hô người tới bắt. Mấy người hầu chạy vụt ra, chẳng hỏi han gì, cứ thế lôi xềnh xệch, đấm đá túi bụi. Lai Nguyên nói: - Xin các ông đừng đánh tôi, tôi là quản gia của cử nhân tướng công. Mọi người thấy thế dừng tay, Viên ngoại hỏi: - Ở thành Dương Châu có mấy vị cử nhân, vậy ngươi là người nhà của vị nào? - Chủ tôi không phải là cử nhân của bản châu, mà là cử nhân Mạc ở huyện Lâm Quế, phủ Quế Lâm, Quảng Tây. - Đã là nơi khác đến thì làm sao mà xác nhận được. - Tư Viên ngoại nói. - Ta chỉ hỏi ngươi tới đây làm gì? - Tướng công nhà con lên kinh đô thi Hội, từ mùa đông năm ngoái, ngày mồng ba tháng Ba vừa rồi ra khỏi nhà, gần một tháng rồi mà vẫn chưa thấy về. Vì hết cả gạo, củi, con đành mang mấy bộ quần áo đi bán để lấy tiền chi dùng, nhân tiện hỏi dò tướng công hiện đang sống ở đâu. Con đi qua đây, thấy trong này có nhiều hoa đẹp nên vào xem. Ngẫu nhiên con nhặt được chiếc giày dưới gốc cây bách, đó lại là chiếc giày của tướng công con, cho nên con cảm thấy nghi ngờ. Viên ngoại cầm lấy chiếc giày xem, thầm nghĩ "Kẻ đi đôi giày này đúng là một đứa khinh bạc". Rồi ông hỏi: - Tướng ông của ngươi là cử nhân, vì sao không đi thi Hội? - Chỉ vì tướng công của con giữa đường bị ốm, phải nghỉ tại đây nên đã lỡ mất kì thi. - Tướng công của ngươi bao nhiêu tuổi, thường ngày thích gì? - Tướng công của con mới hai mươi tuổi, người trắng trẻo, phong lan khoáng đạt, cầm kì thi họa đều rất tinh thông, phong hoa tuyết nguyệt đều ưa thích. Nghe thấy nói thế, Tư Viên ngoại nghĩ thầm: “Vốn là một người không chịu tuân theo phép tắc, song tại sao chiếc giày của người ấy lại rơi tại nhà ta? Hay là con gái ta bị người ấy dụ dỗ? Chỉ có điều xưa nay con gái ta chưa từng ra khỏi nhà, nên người ấy không thể nhìn thấy được". Ông lại nghĩ tiếp: “Chỉ có hôm mười chín tháng Hai nó tới chùa Quỳnh Hoa dâng cành phan, trừ phi đó là ngày chúng đã hẹn nhau từ trước, sự việc thật khả nghi. Chỉ có điều đã che giấu người ta rồi, hơn nữa không vạch áo cho người xem lưng, nên cũng không nhắc đến nữa”. Ông nói với Lai Nguyên: - Ngươi không phải là trộm thì đi đi, không nên quanh quẩn ở đây mà bép xép. Lai Nguyên mang gói quần áo và chiếc giày ra khỏi vườn hoa, tới một cửa hiệu cầm đồ bán. Cửa hiệu cầm đồ này là của nhà họ Trần, người Huy Châu, ở ngay sát nhà Tư Viên ngoại. Người chủ quán mở chiếc gối ra xem, thấy trong đó có thêu ba chữ "hiệu Vĩnh Hưng" bèn nói: - Hay quá, nhà ta mất đồ đạc đã tìm ra manh mối rồi! Những người trong cửa hàng thấy thế hò nhau đến xem, họ đều nói: - Không cần phải nói nữa, đúng rồi. Thế là họ lấy ra một chiếc xích, xích vào cổ Lai Nguyên. Lai Nguyên phân trần, họ bạt cho mấy cái tạt tai. Chửi: - Mày là tên ăn cắp, tang vật sờ sờ ra đấy mà còn cãi bướng.