Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 11
Gã Tham Lam Mua Nhà Chứa Bán Dâm

Chí sĩ không dám nói,
Tích lại thành tai ương.
Tiểu nhân vô nghề nghiệp,
Muốn người làm mối manh.
Giải thoát được u uất,
Mới biết mở mắt nhìn.
Cửa son ác như hổ,
Phần lớn bị đuổi về.
 
Bài thơ này là của tú tài La Ẩn nói về đồng tiền. Hai câu cuối nói về các vị quan trong công đường. Nói rằng, dù còn người hung ác như hùm sói, nhưng nếu có tiền thì con người không còn hung ác nữa. Tiền khiến cho quan lại mặt mày hớn hở, cho tai qua nạn khỏi, hà hơi tiếp sức đều rất công hiệu. Bởi sức mạnh của đồng tiền, nên có những người bất chấp tất cả trở thành kẻ tham lam tàn ác, mặt dày mày dạn, táng tận lương tâm, hằm hằm nổi giận, khiến người sợ hãi, rồi sau đó ra sức vơ vét tiền bạc của người. Nhưng người nào chẳng may bị chúng động tới đều thịt nát xương tan. Đó chính là tệ nạn phổ biến xưa nay, từ quan trên đến quan dưới, nên chẳng ai bảo được ai. Thảng hoặc có người giữ mình liêm khiết, thì thường bị chúng đố kỵ, cho rằng, nếu không giả dối che đậy thì cũng là chạy theo danh vọng, rồi hùa nhau bài xích, chèn ép đổi trắng thay đen, dìm người ấy xuống tận đất đen, không sao cất đầu lên được. Bởi thế, ngạn ngữ có câu: "Quan to không cần tiền thì về làm vườn; Quan nhỏ không đòi tiền thì như con gái không biết lấy chồng". Thế mới biết kẻ tham lam thì phú quý; người liêm khiết thì mãi nghèo khổ. Bởi nhìn vào tấm gương như thế, nên thấy tiền tài là họ bất chấp cả tính mạng, dù bị chê cười khinh bỉ, vẫn chẳng chút xấu hổ. "Mặc cho người đời chê cười, ta vẫn là ông quan tốt." Hai câu nói ấy vẫn là hiện thực.
Tuy nói thế, song tiền tài vẫn là nguồn sống không thể thiếu. Nếu như ngang nhiên nhai xương hút tủy thì quả là không được. Chẳng hạn như Phạm Sử Vân thời xưa, từng làm quan lệnh ở Lai Vu nhưng vẫn vui lòng sống cuộc sống đạm bạc. Lại như Nhậm Ngạn Thăng làm tới Thị trung mà ngày ông chết, con ông áo quần vẫn rách tả tơi, che không kín thịt da, điều ấy ta cảm thấy mủi lòng. Theo ta thì cũng không muốn người ta tham lam, chỉ có điều lấy nó phải theo đạo lý, đừng vô liêm sỉ. Ta cũng không muốn cấm người ta tàn khốc, song đánh người phải có pháp luật mà không được thương luân bại lý. Trong sách có nói: "Xuất phát từ cái lợi mà làm". Đây là một lời nói hay về sự không tham lam. "Người biết yêu người thì luôn luôn được người yêu mến". Đó là một lời nói hay về sự không tàn ác. Lại có chỗ nói rằng: "Tài vật nhiều vô tận sẽ trả lại tạo hóa; phúc nhiều vô tận thì trả về cho con cháu”. Những bậc thánh hiền xưa kia chẳng ai không khuyên người ta làm điều thiện, chẳng ai là không khuyên người ta cứu giúp mọi người.
Song một điều nực cười là, người trong thế gian biết được tệ nạn không được phép làm ấy lại ngồi ở bên trên. Dù cho anh nói bã bọt mép song cũng như gió thoảng ngoài tai. Nếu không bị quả báo công minh, thì những tệ hại ấy cứ như buồm xuôi gió, luôn đi về phía trước mà không bao giờ quay đầu trở lại. Nay tôi muốn kể một câu chuyện về sự tham lam tiền của để thức tỉnh những người còn đang mê muội. Thơ rằng:
Tiền của ai ai mà chẳng thích,
Phong lưu ai chẳng có lòng tham.
Chỉ vì mất hết lòng liêm sỉ,
Ngàn năm không xóa sạch vết nhơ.
Thời Tống, ở Tây Hòa, có một người tên là Ngô Ái Đào. Vì được xem cuốn sách lạ nói về Đào Chu Công trở nên giàu có. Ái Đào rất thích, nghĩ rằng: Đào Chu Công trước kia tên là Phạm Lãi, đã giúp Việt Vương diệt Ngô, sau đó công thành danh toại, đưa Tây Thi lên thuyền rong chơi Ngũ Hồ, đổi tên là Đào Chu Công, làm nghề buôn bán mà trở nên giàu có. Đây là một nhân vật phong lưu vào bậc nhất xưa nay, ta là người có học và tài năng chẳng kém gì Đào Chu Công, sau này công thành danh toại ta cũng học theo cách sống phong lưu khoáng đạt của ông ta. Nhất định ta sẽ làm nên sự nghiệp như Chu Công. Bởi thế Ái Đào bèn đổi tên thành Chu Công. Xưa kia Tây Hòa nằm trong vùng Ung Châu cổ, vốn thuộc đất Tây Khương. Thời Tần thuộc Lâm Triệu, thời Ngụy đổi thành Mân Châu. Cổ thi có câu: "Sơn Đông tể tướng, Sơn Tây võ tướng". Vùng Tây Hòa rất ít văn nhân, chỉ có Ngô Ái Đào, từ nhỏ đã xuất chúng, sách chỉ xem qua là nhớ ngay. Thấy của người cũng cứ nhớ mãi, tìm mọi cách lấy cho bằng được. Khi còn nhỏ đi học lấy cả những mẩu mực thừa, những mảnh giấy vụn của bạn bè. Còn vật dụng của mình thì giữ bo bo chẳng cho ai lấy một ly. Tính tình Ái Đào lại hung hăng, nóng nảy, bạn bè nói không vừa ý là lửa giận bốc lên, túm tóc kéo áo, ném gạch ném đá, không chiếm được một chút lợi lộc không chịu yên. Đây là tâm tính hung ác tham lam bỉ ổi sẵn có từ khi còn trong bào thai, ngay cả trời cũng chẳng làm gì nổi Ái Đào.
Thôn Cửu Gia có chín họ, nên đặt tên thôn là Cửu Gia, Ái Đào là người sinh ra ở đó. Số người trong chín họ này rất đông, nhung từ xưa tới nay chưa có một tú tài nào. Ngô Ái Đào là tú tài đầu tiên của thôn, không lâu sau được cất nhắc làm người coi giữ lương thực. Vùng này không có ai đỗ đạt, nên Ngô Ái Đào đỗ tú tài chẳng khác nào đỗ trạng nguyên. Hắn ngông nghênh, tự do thâu tóm, quyết đoán mọi việc trong làng. Về lý thì không được thu tiền, nhưng Ái Đào vẫn cứ thu. Cả thôn đều thiệt hại, song chẳng biết kêu đâu. Đỗ liền hai khoa, cậy tài giỏi Ngô Ái Đào càng ngày càng làm bừa, khiến dân chúng như chim lồng cá chậu, không ai thoát khỏi tay Ái Đào. Nào ngờ Ái Đào là người thi đỗ cao nhất Tây Hòa, nhưng so với những người tài cao ở các huyện vùng Quan Tây thì Ái Đào chẳng đáng kể gì. Thi liền mấy khoa, Ái Đào không kiếm được một chiếc áo màu lam. Mỗi khi Ái Đào đi thi, những người trong thôn Cửu Gia đều đến đền Thổ Cốc, miếu thờ Thành hoàng, đền thờ Văn Xương Đế Quân khấn vái, mong cho Ái Đào thi trượt. Sau khi yết bảng không thấy người mang giấy báo về thôn, mọi người lúc ấy rất vui mừng, tự nguyện góp ít tiền mua lợn về bái tạ thần linh.
Ngô Ái Đào thi trượt, mất hết cả nhuệ khí, song hằng năm vẫn đi thi theo bổn phận của người học trò, cũng như gió xuân theo mùa mà thôi. Mãi tới ngoài năm mươi tuổi mới được cử làm cống sinh. Khi Ái Đào tựu trường, trong phủ cũng có cờ biển tiễn đưa, khiến trường học trở nên rất náo nhiệt. Ngô Ái Đào thì lên mặt, còn người trong thôn thì chẳng ai vui mừng, chỉ lo Ái Đào tới quấy nhiễu. Ngô Ái Đào tỏ ra công bằng, chia toàn bộ kẻ giàu người nghèo trong toàn thôn thành ba loại thượng, trung, hạ, ghi vào sổ sách, báo hết danh thiếp, rồi cho người nói rằng: "Một là ta may mắn được cử làm cống sinh, được tôn làm người chức sắc trong thôn. Hai là lên kinh đô thiếu tiền chi tiêu, mỗi nhà phải cho ta vay ít tiền, đợi khi làm quan ta sẽ trả lãi. Nếu ai không bằng lòng thi ta ghi vào sổ là không cho mượn". Những người thôn quê thường sợ rắc rối, chỉ muốn yên thân nên chẳng ai dám chống lại. Kẻ giàu người nghèo đều phải dâng hiến, tất cả số bạc ấy đều phải cân lại, nếu chất lượng bạc xấu đều phải bổ sung cho bằng đủ.
Đầu tiên Ngô Ái Đào cướp không những người trong thôn một khoản tiền lớn, dương dương đắc ý đem theo người hầu vào kinh thi Đình. Ngô ái Đào rà xét lại tỉ mỉ những người làm quan, phàm là những người Quan Trung làm quan tại kinh đô, bất luận là chức tước to hay nhỏ, Ái Đào đều viết một tờ thiếp, với danh nghĩa là học trò thân quyến đến bái yết xin được họ chú ý và hy vọng trong kỳ thi đình được xếp thứ hạng cao. Song xưa nay lòng người khác nhau, người thì ghét chạy chọt, lại có người thích xu phụ. Ngô Ái Đào theo lối quảng canh, nhất định Ái Đào được những người thân thiết, thích danh dự nhận là học trò, và được họ nâng đỡ. Quả nhiên thi Đình, Ái Đào được xếp thứ hạng cao và được bổ nhiệm làm Nho học Huấn đạo. Được hơn một năm, đúng vào dịp mở khoa tiến sĩ, Ngô Ái Đào đã làm một bài phú về việc quản lý tiền tài rất hay và đã trúng tuyển. Được điều làm giám thuế đề cử tại lộ Kinh Hồ. Ái Đào tới đó nhậm chức, cho người về đón vợ con. Vợ cả Ngô Ái Đào không có con. Người vợ lẽ sinh được một trai một gái. Con trai lên mười tuổi tên là Ngô Tỉnh, con gái tám tuổi đều được đưa tới nha môn, đóng tại thành Kinh Châu. Sau khi đi hành hương ba buổi sáng, Ngô Ái Đào bèn khởi thảo một bản yết thị, treo trước nha môn. Yết thị ghi:
"Ta vốn sinh trưởng ở Tây Bưu vì ngẫu nhiên được đảm nhiệm chức vụ này, trên giao cho ta trông coi việc thuế má ở vùng quan trọng. Ta xấu hổ vì thân phận thấp kém, cho nên luôn đau đáu trong lòng, song trông coi việc thuế khóa cho dù một thước hay một tấc cũng không để thất thoát được, ta làm hết sức mình, đặt ra phép tắc, không cho phép thương nhân thay đổi. Hơn nữa, bản thân luật pháp làm theo ý chí, không bàn tới nhân tình. Hàng hóa phải tính theo kích thước và trọng lượng. Trừ những kẻ không đi theo cửa quan trốn thuế, phải nộp một nửa số hàng hóa ra, số còn lại phàm là chở thuyền hay gánh bộ, hàng hóa lớn hay bé đều phải báo quan, đánh thuế bằng một phần mười. Nếu ai không tuân theo thông cáo này sẽ phải phạt. Nay yết thị".
Sau khi đưa ra tờ yết thị này, lại gọi các nhà hàng tới nói rằng:
- Xưa nay tệ lậu thuế ở các bến đò cửa khẩu rất nhiều, ta đều biết hết. Các ngươi phải thận trọng tuân theo phép công, không cho phép các thương nhân thông đồng trốn tránh thuế má, có nhiều báo ít, lừa dối quan phủ. Nếu ta điều tra ra, nhất định sẽ xử theo pháp luật.
Thấy bản yết thị, và lại nghe Ngô Ái Đào nói thế, biết đây là một viên quan hà khắc, quả nhiên không ai dám làm bậy. Tất cả những khách buôn đều phải nộp đơn khai báo thành thực song vẫn phải kiểm tra lại. Nếu gặp những thương nhân buôn bán lớn, họ bới lông tìm vết, moi ra những sơ hở rồi phạt rất nặng. Hằng ngày thu thuế nhập vào tư dinh, Ái Đào đích thân lần lượt kiểm tra, không được mảy may rơi rụng. Theo lệ cũ thư lại và những nhân viên thu thuế đều có thưởng, song tới nay hoàn toàn bãi bỏ việc này, ngay cả tiền lương cũng không chịu cấp phát. Ái Đào nghĩ rằng những thuyền qua lại tại các bến sông khi qua trạm thuế này nhất định sẽ có thuyền còn sót lại chưa đóng thuế. Thế rồi Ái Đào cho người đón đường các bến đò, cầu cống buộc phải đi qua trạm thuế.
Vào một buổi sáng vừa mở cửa trạm, thấy có mấy thuyền chở lợn con, đi theo sau là mấy thuyền chở hàng, Ngô ái Đào quát:
- Đây là thuyền lậu thuế, phải bắt lại.
- Thuyền bán lợn con, xưa nay không phải đóng thuế. - Khách buôn nói.
- Nói láo! - Ngô Ái Đào nói. - Nếu đều không nộp thuế thì thuế nhà nước làm sao có được.
Người buôn lợn cứ năn nỉ rằng:
- Hàng này lệ cũ đều được miễn trừ, trước cửa nha môn đã dựng bia ghi như thế, xin ngài kiểm tra lại thì sẽ rõ.
- Bây giờ có lệ mới, - Ngô Ái Đào nói, - không cho phép. Xem lại bia cũ làm gì?
Rồi bảo, cứ mười con lợn phải nộp vào nha môn một con. Nếu kẻ nào bướng thì phạt gấp đôi. Không sao được, người buôn lợn đành ngậm đắng nuốt cay nộp thuế mất một phần mười số lợn. Vừa cho thuyền lợn con đi, thì đằng sau lại có một thuyền nhỏ đi tới. Ngô Ái Đào bảo người coi cống xem là thuyền gì, người ấy xem xong bẩm rằng đó là thuyền chở dân địa phương. Trong thuyền chỉ có hai phụ nữ và mấy hộp lễ vật, ngoài ra không có hàng hóa gì khác. Ngô Ái Đào nói:
- Đàn bà cũng giống hàng hóa, tại sao không nộp thuế, lẽ nào người không bằng súc vật ư? Vả lại khắp noi bọn buôn người rất đông, ta không thể xem xét tỉ mỉ được. Từ nay người đi trên thuyền, bất kể là nam hay nữ, mỗi người phải nộp năm phân. Người mười lăm tuổi trở xuống cho tới các đứa ở, chỉ phải nộp ba phân. Những người nhà quê gần đây nếu như chở thóc gạo, đậu, lúa mạch, bất luận là đi trả tô hay nộp thuế, đều phải nộp. Ngoài ra buôn gà vịt, cá tươi, hoa quả, rau và các loại cỏ củi rừng đều phải nộp thuế một phần mười. Những người gánh, đội, buôn các loại thúc ăn gia súc, đi lại trong chợ đều phải nộp như thế. Những người đi qua có hành lý, trừ những vật giấu trong người không khai báo, nếu khám ra sẽ nhập vào nha môn một nửa, còn lại ai không có hàng hóa, mỗi người đều phải nộp năm phân. Những hàng buôn được nha dịch bao che nếu điều tra ra sẽ phạt ba mươi gậy, cùm một tháng, và vẫn phải phạt để bồi thường.
Những luật lệ ấy vừa đưa ra, khắp nơi xa gần đều nhao nhao đồn ầm ĩ, không ai không kinh hãi. Những người buôn bán, ai ai cũng kêu ca thấu tận trời xanh. Có mấy vị quan chức già về hưu, thấy sự việc đáng nực cười, bèn cùng nhau tới báo Ái Đào rằng:
- Thuế thu vốn đã có quy định cũ, không nên tự ý thu tăng lên. Dân chúng truyền nhau nói toang ra khắp nơi, nếu dân thường nghe thấy cũng chẳng sao, chỉ sợ tin ấy truyền đến kinh sư, thì e rằng tiên sinh sẽ gặp trở ngại.
Ngô Ái Đào nghe xong, cúi xuống nói:
- Xin nghe theo lời dạy bảo của các vị.
Song sau khi chia tay họ, Ngô Ái Đào cười nói:
- Người nào làm quan, người ấy lập pháp, bàn đến luật cũ hay lệ mới làm gì. Hơn nữa các quan chức cũ đã nghỉ việc thì quản làm sao được việc của quan địa phương.
Ái Đào ngày càng hà khắc, ngay cả thuyền những giám sinh mà các quan đã cử đi qua đây, trừ những quan đương chức quan trọng ra, còn tất cả đều phải thi hành. Dù cho ai đó gửi danh thiếp xin miễn thuế, Ái Đào cũng không tiếp, họ tức khí chửi mấy câu, Ái Đào cũng coi như không nghe thấy. Những quan lại ấy không làm gì được Ái Đào, dù có tức cũng bấm bụng cho qua.
Có một hôm vừa ra khỏi nha môn, thấy người trong làng gánh một gánh cỏ nước, Ái Đào bèn bảo tay chân gọi lại hỏi:
- Gánh cỏ nước này bao nhiêu cân, tại sao không nộp thuế?
- Cỏ nước là để cho lợn, - người ấy bẩm, - xưa nay có phải nộp thuế đâu!
- Đều là thức ăn gia súc, tại sao lại không đóng thuế.
Rồi Ngô ái Đào gọi cửa hàng đem cân tới cân, cứ một trăm cân lấy mười cân, đưa vào nha môn nuôi lợn. Một hôm đang ngồi trong nhà, thấy một người mang chiếc thùng gỗ đi qua, tưởng đó là hòm tơ lụa, Ái Đào bèn vội vàng gọi vào, thì hóa ra đó là nhà tu hành đi khất thực, mang một thùng cơm chay. Ngô Ái Đào cũng cứ mười bát bắt nộp một bát đưa cho kẻ hầu người hạ và nha dịch điểm tâm. Ngay cả những thuyền đánh cá đi qua, cũng phải nộp một phần mười tôm, cá, cua, lươn để nhắm rượu. Chỉ có những người ăn mày xin được ít cơm thừa canh cặn là không phải nộp để chi dùng. Quả thật thượng vàng hạ cám tất cả đều thu bằng hết, không sót một ai. Những thương nhân bên ngoài, hai đường thủy bộ, coi như không để sót một nguồn lợi nào. Đến lúc Ngô Ái Đào tính đến các hiệu buôn và những thư lại trong nha môn. Họ đã nhiều năm chiếm cứ ở đây và làm rất nhiều việc. Ái Đào cho rằng những việc ấy đã xâm hại đến thuế khóa nhà nước, phải thu lại một ít để sử dụng. Thoạt đầu Ái Đào soi mói những sai sót của thư lại, dùng trượng gậy đánh, rồi tống giam hoặc kìm kẹp. Những người này hằng ngày quen ăn ngon mặc đẹp, da thịt mỡ màng làm sao chịu được khổ sở. Họ hiểu rằng bản quan làm thế chỉ vì tiền, bèn mang ngay vàng bạc đến thế mạng. Nếu chưa thỏa mãn, quan vẫn không tha. Ngay những nhân viên thu thuế trong nha môn chỉ để kiếm cơm ăn áo mặc còn không thoát được, thì những cư dân lân cận, tại bản ti, chẳng có chút liên quan gì thì họ thoát sao được.
Bởi thế người vùng này gọi Ngô Ái Đào là Ngô Ái Tiền hay là Ngô Lột Da. Lại có người hiếu sự, viết thư nặc danh, muốn tụ tập thương nhân đốt nhà đuổi Ái Đào đi. Biết được Ngô Ái Đào có phần sợ hãi, một mặt cho dò la tìm ra người cầm đầu, một mặt chiêu mộ mấy chục binh lính để đề phòng, mỗi người một ngày được trả công năm phân. Số tiền công này Ngô Ái Đào không bỏ ra, mà bắt những thương nhân phải nộp thêm để bù đậy. Ngô Ái Đào phát hóa đơn cho binh lính, xem số hàng hóa trên đơn nhiều hay ít thì chủ hàng phải theo đơn nộp một số tiền để trả công. Nắm được hóa đơn, những người này hạch xách thương nhân, thỏa mãn yêu cầu của họ mới thôi.
Những sai dịch trong ty thuế chỉ có những binh lính ấy mới được Ngô ái Đào ban cho ân huệ này. Bởi thế những kẻ tâm phúc làm tai mắt cho Ngô Ái Đào càng ra sức gây sự để làm hại dân địa phương. Những ai vô phúc đụng đến Ngô Ái Đào đều phải gặp tai họa. Tiếng kêu oan vang trời dậy đất, lan truyền khắp nơi. Những khách buôn giang hồ thường hay thề với nhau rằng: "Nếu tôi dối trá thì Ngô Lột Da sẽ hại tôi". Lời thề ấy kinh sợ chẳng khác gì câu: "Trời đánh thánh vật". Song đây lại là nơi xung yếu, tất cả hàng hóa lên rừng xuống biển đều phải qua, chẳng trốn tránh vào đâu, đành để Ngô Ái Đào làm tình làm tội. Thơ rằng:
Táng tận lương tâm không biết nhục
Núi sông vơ vét sạch sành sanh
Ích kỷ hại người vô đạo đức
Đầu độc dân đen chính bọn này.
Ở Huy Châu có một phú thương họ Uông, mua lụa là gấm vóc ở Tô Hàng hết mấy nghìn lạng bạc tới Xuyên Trung bán. Qua Kinh Châu đã nộp thuế theo lệ, nhưng bọn binh lính thấy hàng hóa cực nhiều, lại đòi thương nhân họ Uông nộp thêm mười lạng bạc. Xưa nay khách buôn một đồng cũng phải tính toán, chỉ có tiền thuế do triều đình đặt ra, không còn cách nào đành bấm bụng nộp. Nghe nói phải nộp theo hóa đơn mười lạng bạc, rõ ràng là đòi cả tính mạng của mình thì làm sao mà nộp được, phú thương họ Uông nói:
- Ta đi buôn đã lâu, ngay gần đây ta đi qua các ty thuế Bắc Tân, Hử Dã cũng không có lệ ấy.
- Đây là lệ mới của ông lớn, - bọn lính nói, - trừ phi không qua cửa này, chứ đã qua thì dù chỉ thiếu một xu cũng không cho đi.
Một người khách buôn bên cạnh nói:
- Đề cử mới nhậm chức ở Hử Dã, so với ở đây cách nhau một trời một vực. Hôm kia có một thuyền nhỏ chở một số vải, vì tham chút lợi nhỏ không nộp thuế, đi qua cầu nhà họ Trương, bị bọn côn đồ ăn khống ùa lên thuyền như ong vỡ tô lục soát. Kẻ đánh người cướp, phút chốc mất hết cả thuyền vải. Ngay quần áo mặc trên người chúng cũng lột bằng hết. Người khách buôn ấy cuống lên vật vã kêu trời kêu đất, chết đi sống lại. Đúng lúc ấy, Đề cử Hà Kỳ đi thăm bạn trong quận trở về, thuyền qua cầu, nghe thấy tiếng kêu oan, ông sai người bắt đưa về nha môn xét hỏi: "Thuyền nhỏ đi qua cửa sông, tuy là chở ít hàng, song lậu thuế đáng phải phạt". Rồi ông phạt người khách buôn ấy mười lăm gậy. Sau đó ông bảo bọn côn đồ rằng: “Đã bắt kẻ chống lại, tại sao không bẩm quan trừng trị, lại tự ý đánh và cướp hàng, tội ấy còn nặng hơn lậu thuế. Phạt mỗi đứa năm mươi gậy, cùm ba tháng". Ông lại nói với mọi người rằng: "Đã đi buôn thì tại sao không biết luật pháp, quả là ngươi tự chuốc lấy tội. Song ta thấy hàng hóa không nhiều, lại đã bị trách phạt, ta sẽ trả lại hết số hàng ấy. Từ nay về sau đừng liều lĩnh thế nữa". Nhũng lời nói tốt đẹp ấy thật là nhân từ, chẳng khác nào cha mẹ dạy bảo cháu con! Bởi thế, chẳng thương nhân nào không khen ông là người liêm chính. Nếu ở đây mà vi phạm như thế thì ông ấy đánh cho tuốt xác, may mà sống được thì phúc to bằng cái đình.
Mọi người nghe xong đều nói:
- Quả đúng thế thật, nếu không có núi cao thì làm gì có đất bằng.
Bọn lính trợn mắt quát người vừa nói:
- Cứ theo anh ví như thế thì ông lớn của ta là người xấu ư?
Người khách ấy thấy mình lỡ lời, im lặng rồi vội vã trốn ngay để khỏi phải rắc rối.
Thương nhân họ Uông đang lúc bực tức, nói tiếp:
- Người ta thường nói: "Chuông trong chùa nhưng tiếng ở ngoài", lại nói: "Miệng người đi đường là bia" tốt hay xấu đều được người ta đồn đại, bịt làm sao được miệng người đời.
Ông vừa nói xong, thì bọn lính nổi khùng tát thẳng vào mặt, quát:
- Đồ ngu, phát hóa đơn lại không nộp tiền, thối không ngửi được.
Thương nhân họ Uông là một phú ông giàu có, chưa từng bị sỉ nhục bao giờ bất chợt nổi giận chửi toáng lên:
- Đồ chết đâm! Ta đã nộp hết thuế rồi, cớ sao còn hạch sách lấy thêm tiền, rồi đánh ta, đúng là đồ vô lương tâm, thôi thì ta cũng vì mấy lạng bạc ấy mà chơi với mày một trận.
Nói xong quay lại, định nhổ neo đi, tên lính đó lôi lại, tống thương nhân họ Uông thêm mấy quả, chửi:
- Đồ ngu, mày chửi ai đấy? Hãy về gặp ông lớn.
Ông Uông kêu mọi người đến cứu, thấy binh lính hành hung, không ai dám dây vào. Ông Uông bị bọn này lôi về nha môn. Ngô Ái Đào ra khỏi dinh mở cửa, bọn lính quỳ xuống bẩm:
- Thuyền tên Uông hàng hóa rất nhiều, khai báo còn giấu giếm, hắn lại còn chỉ trích lệ mới ban hành của ông lớn hà khắc và chửi bới tàn tệ.
Ngô Ái Đào thấy thế nổi giận lôi đình, đập bàn quát:
- Có việc ấy ư? Hãy lục soát ngay hàng của hắn.
Ông Uông cứ kêu khan kêu vã là vì lính hạch sách, đánh đập chửi bới nên mình mới thế, song Ái Đào nào có nghe. Chỉ trong phút chốc chúng khuân hết hàng hóa về dinh và lần lượt kiểm tra, không ngờ, quả nhiên khai thiếu mất hai hòm. Ngô Ái Đào quát:
- Hãy tóm cổ, đánh cho hắn năm mươi gậy.
Bọn lính đánh xong. Ngô ái Đào nói:
- Lậu thuế, theo lệ phải nhập vào công quỹ một nửa.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết