Ý đã định Ngô Ái Đào bèn cho thuyền rẽ thẳng đến Kiến Khang. Trước hết tìm một nơi tạm trú chân, rồi đuổi bọn lính đi theo phục dịch trở về, dần dà tìm nơi cư trú. Thấy thương nhân khắp các ngả đến đây tụ tập, sợ rằng có người biết dược họ tên tìm đến làm nhục, Ái Đào bèn bỏ chữ "khẩu” trong chữ "ngô" đổi họ thành "Ngũ”, hiệu là Hồ Tuyền cũng dựa theo ý chữ "Ái Đào". Ái Đào lại nghĩ rằng xưa nay không có họ "Ngũ” bèn thêm vào chữ "Ngũ” bộ nhân đứng, và dặn người nhà chỉ gọi mình là Viên ngoại, không được nhắc tới chữ "Ngô". Từ đó người ta đều gọi Ngô Ái Đào là Ngũ Viên ngoại. Ngô Ái Đào mua một ngôi nhà lớn, sau đó sửa sang, sắp xếp lại thật đàng hoàng. Không ngờ vợ Ái Đào vì khí uất đã đổ bệnh, chẳng bao lâu thì chết. Ngô Ái Đào tiếc của, khâm liệm ma chay rất sơ sài. Không lâu sau người vợ lẽ sinh con gái, rồi cũng mắc bệnh chết. Ngô Ái Đào mua một mảnh đất chôn hai người vợ ở đó. Thời Ngô Ái Đào làm tú tài, moi móc những việc không đâu mà kiếm được tiền tươi thóc thật. Đến khi làm quan, tiền của cứ chảy vào như nước mà không chi ra, thật là hả hê. Đến nay lấy một đồng trong túi ra tiêu, thấy đau như hoạn, nghĩ: "Người ta thường nói, nhà có tiền kho cũng không thích bằng một ngày kiếm được một hào". Ta nay có một ít vốn nếu không tìm kế sinh nhai, kiếm ít tiền lời thì rồi cũng miệng ăn núi lở. Buôn bán thì xưa nay mình không am hiểu, mà nhờ kẻ giúp việc thì sợ nó cuỗm mất, còn mua ruộng vườn thì ta là quan đã về hưu, lại thay họ đổi tên, thay hình đổi dạng, mà phải thuê kẻ ăn người ở thì phải làm thế nào cho tốt được". Rồi ông ta chợt vỗ tay reo lên vì đã nghĩ ra một lối thoát, nghĩ rằng, nay đang ngồi chơi không, nhàn rỗi cần phải tìm thú vui thanh sắc. Xưa kia ta kết tóc xe tơ, cam sống đạm bạc, quần nâu áo vải. Tuy gọi là bà lớn song chưa từng xa hoa lộng lẫy. Nay nếu lấy vợ lẽ thì trước hết phải mua mất một món tiền lớn. Khi cưới về, nếu để vợ mặc quần nâu áo vải, ăn uống dưa muối đạm bạc thì chẳng ra sao cả. Còn nếu hằng ngày quần là áo lượt cơm trắng cá tươi thì tốn kém tiền của, như thế cũng chẳng phải là người biết tính toán. Thôi thì ta đánh liều bỏ ra mấy ngàn lạng vàng, lấy mấy kỹ nữ đẹp nhất, mở một kỹ viện làm kế sinh nhai trong nhà, lúc nhàn rỗi mình cũng được thú vui, nếu đêm nào không tiếp khách chúng lại ngủ với mình. Hằng ngày rượu quý thức ăn ngon đã có bọn làng chơi mời mọc, quần là áo lượt đã có khách làng chơi tặng cho, như thế thì việc ăn mặc của chúng, mình cũng chẳng phải tốn tiền. Hơn nữa tiền vốn vẫn còn, đêm đêm lại sinh lợi, ngày ngày thu tiền, quả là phong lưu sung sướng. Ngay Đào Chu Công cũng không tính tới khoản kinh doanh này. Huống hồ ông ta cũng chỉ có một Tây Thi, lại phải tốn cơm. Còn ta, nay tìm mấy kỹ nữ, lại kiếm được tiền tươi. Xem ra ta còn hơn hẳn Đào Chu Công. Nghĩ rằng xưa kia Thái thú Cô Tang là Trương Hiến có sáu kỹ nữ đẹp. Người tấu thư gọi là Truyền Phương Kỹ, ngươi dâng rượu gọi là Long Tân Nữ, người dâng thức ăn gọi là Tiên Bàn Sứ, người quản lý giấy tờ gọi là Mặc Ngả, người chuẩn bị lò hương gọi là Xạ Cơ, trông coi việc thơ phú gọi là Song Thanh Tử. Nay ta cũng theo ông ta tìm sáu kỹ nữ. Lão Trương chỉ cốt vui thú một mình ở nhà, cho nên tốn áo, tốn cơm. Còn ta thì sinh tài sinh lợi, chẳng ngại gì cùng mọi người hưởng lạc thú. Từ đó Ngô Ái Đào đi tìm sáu cô kỹ nữ cực đẹp, lại mua một khu nhà lộng lẫy cho họ ở. Chia thành sáu nơi, gọi là lục viện. Cũng học theo Thái thú họ Trương đặt tên: viện thứ nhất gọi là Phương Cơ, viện thứ hai gọi là Long Cơ, viện thứ ba gọi là Tiên Cơ, viện thứ tư gọi là Mặc Cơ, viện thứ năm gọi Hương Cơ, viện thứ sáu gọi là Song Cơ. Mỗi viện có bốn đứa gái hầu để sai khiến, lại tìm thêm một kỹ nữ lọc lõi quản lý sáu kỹ nữ ấy. Người kỹ nữ này tên là Lý Tiểu Đào, người Tiền Đường chuyển đến. Tuy đã hai bảy hai tám nhưng vẫn còn xuân sắc, nghề nghiệp tinh tường, lại giỏi khơi gọi lấy lòng, bởi thế Ngô Ái Đào rất thích giao cho làm chủ trại phấn son. Sáu cô gái này vừa đẹp vừa hiền dịu, nơi phòng the lại bày đặt rất sang trọng, bởi thế Ngũ Gia Lục viện nổi tiếng gần xa, Ngô Ái Đào phong lưu vơ được nhiều lợi tức. Một hôm có một phú ông đến viện hưởng thú vui. Người này là ai vậy? Đó chính là thương nhân họ Uông, người trước đây đã bị Ngô Ái Đào phạt và ông ta đã thiêu hủy số tơ lụa gấm vóc còn lại. Ông vốn là người thi thư, hiểu biết. Vì lần ấy bị hại, bèn thề không bao giờ đi buôn, tới kinh sư mua một ngôi nhà và kiếm một chức quan, rồi tới Quan Tây tìm Ngô Ái Đào báo thù rửa hận. Vì không tìm được cơ hội trả thù nên lại trở về kinh thành. Ông có hai người bạn vay vốn mở hiệu cầm đồ tại Kim Lăng nên tới đây thanh toán. ông Uông nghe thấy kỹ nữ của Ngũ Gia Lục viện đẹp nổi tiếng, đang lúc ở quán trọ vắng vẻ, bèn tìm tới nơi lạc thú. Ông Uông không có người hầu hạ, chỉ đem theo một thằng nhỏ. Tới đây, không ngờ lại gặp Lý Tiểu Đào vốn là người em họ xa ở Hàng Châu, là bạn cố tri nơi tha hương nên vô cùng thân thiết, họ kể cho nhau nghe những chuyện lâu ngày xa cách. Uống trà xong, ông bảo Tiểu Đào dẫn đi thăm sáu viện. Quả nhiên người đẹp tuyệt vời, trần thiết tráng lệ. Ông Uông xem xong cứ thầm thán phục, hỏi Tiểu Đào: - Chủ viện kỹ nữ họ Ngũ này là người ở đâu mà sao vốn to thế? Tìm ở đâu được những người đẹp đưa về đây? - Chủ viện kỹ nữ này không phải tầm thường đâu, - Tiểu Đào nói, - Ông ấy là một người danh tiếng. Dù cho các kỹ viện nổi tiếng ở kinh thành cũng phải bái phục, tôn nơi đây vào bậc nhất. Ông Uông cười nói: - Tôi không ngờ ở đây lại có một chủ tiệm cỡ bự thế này. - Ông chủ sáu viện này, - Tiểu Đào hạ giọng ghé sát vào tai ông Uông nói, - tuy là họ Ngũ, nhưng thực ra là họ Ngô. Cách đây ba năm từng làm Giám thuế Đề cử ở Kim Lăng. Dùng một khoản tiền lớn mua sáu người đẹp này để kinh doanh. Lại lấy tôi để trông coi họ. Người trong nhà đều gọi ông là Viên ngoại, cho nên người ta chỉ biết Lục viện nhà họ Ngũ. Chuyện này là do người nhà ông ta nói riêng với tôi. Xin anh chớ tiết lộ. Nghe xong ông Uông vui mừng khôn xiết, nói: - Hóa ra Ngô Lột Da mở viện kỹ nữ ở đây kiếm tiền. Hay! Hay, hay quá! Số tiền của hắn thu khi hàng hóa đi qua cái cống nhỏ ấy được khá nhiều, song số tiền của thu được không biết có nộp cho nhà nước được một nửa không? Thôi thôi! Hắn xuống dốc thì thù hận cũ ta cũng cho qua. Nay ta cũng cho hắn thêm một chút tiền ăn. Ta thưởng thức hết mùi vị của những cô gái ngọc ngà trong sáu viện này cũng hơn số tiền của nó đã chém mất của ta trước đây. Chẳng khác nào ta mặc áo gấm xí một nhát dao vào kẻ giấu mình trong vỏ ốc mà tiếng xấu còn để đến muôn đời. Thấy thương nhân Uông lẩm bẩm nói rất nhiều, Tiểu Đào chẳng biết vì sao bèn hỏi, nhưng ông chỉ cười mà không đáp lại sau đó gói mười lạng bạc, nhờ tiểu Tiểu Đào đưa cho viện thứ nhất để ngủ với Phương Cơ. Hoan lạc một đêm rồi đề lên tường một bài thơ tứ tuyệt: Xưa được nghe tin thấy lạ kỳ, Xem ra danh tiếng chẳng sai gì. Nếu ta không gặp gió xuân thổi, Sao tới nhà ông gặp Phương Cơ. Rồi lại gói mười lạng bạc đưa cho viện thứ hai để ngủ với Long Cơ. Cũng đề một bài thơ tứ tuyệt trên tường: Rượu ngọt xưa nay rót chén vàng, Đêm qua Long Cơ cứ tiếp tràn Tới nay ta biết Ngô là Ngũ, Nhấp nháp ngọt ngào thật khoái thay. Lại gói mười lạng bạc đưa cho viện thứ ba để mây mưa với Tiên Cơ. Cũng đề một bài thơ tứ tuyệt lên tường: Trăm mùi sao thấy vị này thôi, Lưng đeo kiếm sắc giết nó thôi. Trên bàn rượu ngọt xin cứ uống, Cơm dẻo canh ngon ta cứ xơi. Lại gói mười lạng bạc đưa cho viện thứ tư để làm tình với Mặc Cơ. Cũng đề lên tường một bài tứ tuyệt: Tương tư hai chữ nghĩ mà hay, Mực dẫm thơ khô nửa đêm nay. Biết đúng là người thôn Chín Họ, Lão này vốn từng đếm thẻ dây. Lại gói mười lạng bạc đưa cho viện thứ năm, thưởng thức Hương Cơ. Sau đó cũng đề một bài thơ tứ tuyệt lên tường: Yêu nàng thấy ngát thơm từ rốn. Thân nàng nà nuột tựa mỡ đông. Da nàng ấm áp như hồ nước, Rửa sạch trần ai, mặt nhuốc nhơ. Lại gói mười lạng bạc đưa cho viện thứ sáu. Cũng làm một bài thơ viết lên tường: Chẳng biết làm thơ vẫn cứ đề, Quý Phi nghiên bút vẫn dâng hầu. Chẳng uổng năm sáu mươi lạng bạc, Mua được phong lưu sáu viện này. Thương nhân họ Uông phóng tay tiêu bừa sáu mươi lạng bạc, hoan lạc với cả sáu kỹ nữ tuyệt đẹp trong sáu viện. Đến ngày thứ bảy, trong lòng thầm nghĩ, thù không quá sâu, vui không quá mức, phen này đã rửa xong mối hận, ta phải rời khỏi nơi đây. Họ Uông lại lấy ra mười lạng bạc nữa đưa cho Tiểu Đào. Đang từ biệt, chợt có tin Viên ngoại đến. Chỉ thấy Ngô Ái Đào nghênh ngang đi tới. Tiểu Đào và sáu cô gái vội ra chào đón. Vốn là Ngô Ái Đào đã định ra luật lệ, hằng ngày sáu viện phải tính tiền làng chơi ghi vào sổ sách. Cứ mười ngày Ngô ái Đào đích thân đến đối chiếu thu tiền khách chơi đêm. Đích thân tới các viện kiểm lại một lần, thấy trên tường các viện đều đề thơ. Ngẫm nghĩ từng bài, Ái Đào thấy rất đáng lưu tâm. Vội trở ra, thì thấy thương nhân họ Uông đang chia tay sáu cô gái. Thấy Ái Đào, Uông vờ như không biết, Ái Đào thấy Uông cũng lờ đi như không hay, giơ tay hỏi: - Quý khách ở đâu tới? - Tôi là khách buôn sông ở đất Huy Châu. Trước đây ở Kinh Châu, gặp Ngô Lột Da đã chém đi hàng vạn lạng bạc hàng hóa. Vì hết sạch vốn đã theo các đạo sĩ vân du, học được một ít kiếm thuật để báo thù rửa hận. Nào ngờ hắn tham lam tàn bạo đã bị cách chức, người ở quê hương không cho hắn về, lại nghe nói hắn lẩn trốn ở Kim Lăng nên đến tìm. Song nghe thấy Lục viện nhà họ Ngũ có nhiều cô phong lưu xinh đẹp, trong người lại còn mấy chục lạng tiền vốn, bèn dốc ra cho mấy cô ở đây để tận hưởng sáu đêm lạc thú, coi như trước đây Ngô Lột Da cướp hết. Nay tôi từ biệt để đi tìm Ngô Lột Da để tính sổ ngài có biết hắn ở đâu không? Mấy câu nói ấy khiến Ngô Ái Đào sợ mất vía, cuống lên phẩy phẩy tay nói: - Không biết, tôi không biết. Thế rồi quay lại bảo đứa hầu: - Hãy rót nước mời ông đi. Mồm thì nói nhưng chân thì vội vội vàng vàng đi tọt vào nhà trong, ông Uông thấy thế nói: - Nếu như Ngô Lột Da cũng rụt cổ chui vào hang như thế thì chẳng tìm đâu được nữa. Nói xong ha hả cười rồi ra. Lại đề ở cửa viện một bài thơ Mũ áo cân đai mà chi nữa, Phong lưu ta vẫn chuộng người xưa. Ngũ Hồ rong ruổi tìm dấu cũ. Sáu viện đi qua rũ bụi trần. Người đời nguyền rủa đành cam chịu, Tham ô thuở ấy đáng đời thay, Hắn đã quên rồi liêm với sĩ, Để lại ngàn thu tiếng xấu xa. Người đời mai mỉa như thế, nào ngờ Ngô Ái Đào vẫn cứ vui thú thì quả cũng lạ. Rõ ràng hắn là giòi bọ trong hố phân nên không thấy thối tha. Năm tháng qua đi, con cái Ngô ái Đào đã trưởng thành, cũng phải dựng vợ gã chồng. Tuy Ngô Ái Đào là người giàu có, nhưng lại là dân ngụ cư, mang tiếng Ngũ gia Lục viện nên chả ai dám gả con cái mình cho con Ái Đào. Con trai Ái Đào tên là Ngô Tỉnh, vì đổi thành họ Ngũ nên đảo tên ngược lại là Ngũ Tỉnh Ngô. Hằng ngày Ái Đào vẫn khuyên con học hành, nói rằng: - Ta là dân ngụ cư, không có ruộng vườn, hoàn toàn dựa vào sáu viện để lời lãi sinh sôi nẩy nở. Đây là cây tiền, rung một lần là rơi xuống một đấu, rung mười lần ta được một thạch, quả thực còn hơn cả đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Sau này nếu con được thăng tiến thì không cần phải nói gì nữa. Còn như nếu không có ngày xuất thân, chỉ giữ lấy cái nghề này thì cả đời ăn không hết. Mỗi lần tới kỹ viện thu tiền chơi đêm, Ái Đào thường dẫn con theo. Ở nhà Ngô ái Đào sống đạm bạc, ở viện lại sẵn rượu và thức ăn ngon, lần nào tới viện cũng ăn uống no say mới về. Ngô Tỉnh vốn ham ăn thích uống, tới đây được ăn ngon, thỉnh thoảng lại lẻn đi một mình tới kỹ viện. Gặp thức ăn khách làng chơi ăn thừa cũng cứ chén rồi mới về. Ngô Tỉnh lại mê đánh bạc, thường lấy trộm tiền của Ái Đào đánh bạc với kẻ ăn người ở và những kẻ đi ăn xin. Bọn chúng xúm lại rủ rê, thắng thì đánh mãi, thua thì chuồn thẳng. Trừ khi đến sáu viện thanh toán ra, suốt ngày Ngô Ái Đào đốc thúc người nhà trồng tre nuôi cá, trồng hành cấy rau, gánh tro chuyển phân, chăn nuôi gà lợn, gây dựng sự nghiệp như Đào Chu Công. Thúc giục con học hành, lại coi là việc phụ, nên Ngô Tỉnh rất thích vì được thả cửa chơi bời. Một hôm Ái Đào định tới kỹ viện, vừa ra khỏi cửa được mấy bước, bỗng nhiên ngước lên trời thì thụp lạy kêu liền mấy tiếng: - Đại Lang, Đại Lang, đúng là tôi sai rồi, xin Đại Lang tha cho tôi. Những người nhà đi theo rất kinh ngạc, nói: - Viên ngoại, sao lại thế! Họ vội vã dìu lên, Ái Đào lại ngã dúi xuống. Nói bằng giọng địa phương: - Ngô Lột Da, ngươi vô cớ vu oan giết hại nhà ta bảy người, nay trốn tới đây hưởng lạc, chơi bời, khiến ta đi khắp nơi tìm mà không thấy, nay mới gặp được ngươi, hãy mau mau trả mạng cho ta. Người nhà nghe xong mới biết Vương Đại Lang trước đây đến đòi mạng, sợ toát mồ hôi, chạy ngay về gọi những người hầu tới khiêng Ái Đào về đặt lên giường. Hỏi tới Ngô Tỉnh thì không biết anh ta đã đi đâu đánh bạc rồi, chỉ còn đứa con gái đứng đó nhìn cha. Ngô Ái Đào miệng cứ nói lung tung: - Trước đây ngươi cùm kẹp ta, treo ta lên rồi đánh, tam hình tam cấp đánh đập tra khảo, truy bức ta, bây giờ ngươi phải lần lượt nếm đủ mùi tra tấn để đền lại, trước hết hãy kẹp hắn. Vừa nói xong thì Ái Đào kêu đau đớn, ra sức kêu van xin tha tội. Kêu gào một lúc lại nói: - Hãy cùm nó lại. Hai tay Ái Đào gò lại, kêu đau. Một lát sau lại nói: - Hãy treo nó lên, giần cho nó một trận. Vừa nói dứt thì chân tay quặt ra đằng sau, co dúm lại, đầu cất lên, gò vào tay chân. Lúc ấy Ái Đào kêu gào thảm thiết đau đớn không sao kể xiết. Một lát sau lại nói: - Hãy kẹp nó lại. Kẹp xong lại cùm, cùm xong lại treo, cứ như thế tới ba lần, khắp người Ái Đào thâm tím, toàn thân hiện lên những vết thừng buộc, gậy đánh, mười đầu ngón tay ngón chân đều rụng đi. Gia nhân mua lễ vật đặt lên giường cúng bái, cầu xin tha tội cho Ái Đào, Ái Đào cười khanh khách, cuối cùng lạnh lùng nói: - Thời ấy chúng ta chưa bị đai đầu, nay cho nó nếm thử mùi vị này, coi như chúng ta được lãi. Thế rồi đầu Ái Đào phình to như chiếc đấu, hai mắt lồi ra, xung quanh trán thịt lõm xuống như một cái rãnh. Một lát sau lại nói: - Hãy moi xem tim gan hắn thế nào mà độc ác làm vậy. Trong nháy mắt, từ lồng ngực cho tới bụng thịt thói rữa, lục phủ ngũ tạng bày hết ra ngoài, lúc ấy Ái Đào mới tắt thở, chết hẳn. Đúng là: Xin người đừng ác độc, Ác độc sẽ quả báo; Khi đã làm điều ác, Đau đớn đừng kêu ai. Ái Đào chết, cũng có quan tài khâm liệm. Song da thịt thối rữa khó mà mó tay vào được. Người ta đành để cả quần áo rồi cuộn cả chiếc chăn hắn nằm cho vào quan tài để trong nhà . Lúc ấy Ngô Tỉnh được sống tự do, hắn không ở lục viện chơi gái thì đi tìm người đánh bạc. Bọn ma cô ở địa phương rất đông, thấy Ngô Tỉnh sẵn tiền chúng lân la tới rủ rê lấy tiền của. Chúng bảo với Ngô Tỉnh rằng, gái chơi trong viện tuổi cao, nhan sắc đã tàn, hãy giải thoát rồi kiếm sáu cô trẻ khác. Cứ ra ra vào vào như thế, họ mượn thể bỏ đi mật quá nửa. Những gia nhân thấy ông chủ nhỏ không nên người đều thay lòng đổi dạ, lần lượt tìm cách lấy trộm của cải rồi bỏ đi nơi khác sinh sống. Chẳng bao lâu họ đi hết, chỉ trơ lại đứa em gái trạc mười bốn mười lăm tuổi, trông coi một dinh cơ lớn như thế ai mà chẳng sợ. Ngô Tỉnh thấy nhà cửa trong viện rất nhiều bèn dọn đến đó ở để thu tiền chơi đêm cho tiện. Ngôi nhà lớn bỏ không, Ngô Tỉnh cho khiêng quan tài cha đến chỗ phần mộ mẹ, sau đó bán nhà cho người khác. Tiền bán nhà sau cũng vào sòng bạc hết. Trong vòng hai năm, gia tài Ngô Ái Đào khánh kiệt. Những gái làng chơi, người thì bán đi, người thì theo khách chạy trốn, chỉ còn hai người. Đứa em gái lớn tuổi đã biết mùi đời không ai lấy, thấy trong viện có người khách nào kha khá, bèn lén lút tiếp khách. Lúc đầu thấy ngượng còn dấu anh, sau bén mùi quen đi, cứ công khai nay đón mai đưa. Ngô Tỉnh cũng cứ điềm nhiên mặc kệ, chẳng trách móc gì, ngược lại còn thấy vui vì đã có thêm một người tiếp khách. Không lâu sau hai cô gái làng chơi còn lại cũng bỏ đi, chỉ còn trơ trọi lại một đứa em tiếp khách. Tiền kiếm được của một người trong đêm làm sao cung ứng nổi cho Ngô Tỉnh tiêu xài? Họ đành bán cả cái nhà chứa, phung phí mấy hôm rồi mua hai gian nhà nhỏ khác ở. Nhà cửa tồi tàn, tiền kiếm được một đêm quá ít cuộc sống ngày càng cùng quẫn. Những khách chơi thấy người tiếp ăn mặc không hợp thời, họ cũng không đến nữa. Đứa em gái nghĩ anh mình cờ bạc, chẳng thể giàu được, mà mình thì cũng túng quẫn, thôi thì tìm đường mà đi, thế rồi đứa em theo một khách làng chơi quen biết đi biệt tích. Đận ấy Ngô Tỉnh như một con khỉ, mồm không có cái nhai, tay chẳng biết làm gì, không sao được hắn phải đi đào tường khoát ngạch, trộm cắp qua ngày. Mới trót lọt được mấy lần thì bị người ta bắt được mang về tra khảo. Từ trước tới nay Ngô Tỉnh quen sống quần là áo lượt thì sao chịu được đánh đập. Vừa mới bị treo lên đã khai ra hết. Ngô Tỉnh bị đánh một trận nhừ tử, khép vào tội đồ, thích dấu vào mặt đưa đi đày, sau chết giữa đường. Chiếc quan tài của Ngô Ái Đào khiêng ra nghĩa địa không chôn, gió mưa làm ải mục mủn ra. Đó là kết cục cuối cùng của một tên tham lam tàn khốc. Có một bài thơ xưa còn để lại làm chứng: Việc làm sai đúng tự mình ha, Duyên do họa phúc chớ hỏi ai. Thiên ác cuối cùng sẽ báo ứng, Có điều chỉ sớm muộn mà thôi.