Cả một đời Triệu Thành được lợi, chỉ có lần quan hệ này chịu thiệt mà không biết. Chu Huyền theo Triệu Thành tới khắp mọi nơi, hết quán rượu này đến nhà chứa khác, hết sòng bạc này đến sòng bạc kia, không chỗ nào là chúng không thông thuộc. Dần dần Chu Huyền thành kẻ chơi bời du đãng không sòng bạc nào, không nhà chứa nào là hắn không đến. Ngay những vật mà vợ Triệu Thành tặng hắn cũng tiêu xài hết. Lưu Trại ở Bao Kiếm Doanh Tiền, cũng bỏ số vốn kiếm được mua gái làng chơi về tiếp khách. Mụ trở thành tú bà, quản gia và luôn thể hái hoa thưởng nguyệt. Chu Huyền thường lui tới đây. Đinh Kỳ là khách buôn bán vải vóc người Gia Hưng, đến nhà Lưu Trại chơi gái rồi quen Chu Huyền. Lưu Trại dụ dỗ bọn đánh bạc. Đinh Kỳ là một con bạc lọc lõi, Chu Huyền là một đứa mới chơi tập tọng, chỉ có mấy ván đã cháy túi, ngay cả chiếc trâm vàng mà Hoa thị tặng cũng không còn. Lúc ấy vào khoảng tháng Năm không ai chít khăn, nhận được trâm Đinh Kỳ cài ngay lên đầu. Tan cuộc, Chu Huyền buồn rầu bỏ đi. Đinh Kỳ còn ở lại uống rượu với gái làng chơi. Lúc ấy Triệu Thành tới, Lưu Trại mời Triệu Thành cùng ngồi uống rượu với Đinh Kỳ. Triệu Thành thấy chiếc trâm trên đầu Đinh Kỳ giống chiếc trâm của vợ mình, mượn xem, chợt giật mình. Đinh Kỳ nói: - Vừa rồi Chu Nhất Quan thua bạc đã gán chiếc trâm này cho tôi. Triệu Thành biết chắc vợ mình thông dâm với Chu Huyền, hắn nghĩ mình đã dụ dỗ Chu Huyền làm điều xấu xa này, thôi thì ta hãy che giấu cái xấu của gia đình mình đi, rồi sẽ kiếm cớ trị Chu Huyền. Kế đã định, hắn đi tìm Chu Thiệu, rất may Chu Thiệu đang ở nhà. Chu Thiệu vốn là tay hiếu động, quen biết nhiều nhà quyền quý, những người trong nha môn và cũng biết sơ sơ một vài người trong đạo lộ. Triệu Thành tới chào hỏi xong, hắn nói ngay tới việc Chu Huyền đánh bạc với Đinh Kỳ, thua bạc phải gán cả trâm vàng. Chu Thiệu nói: - Thảo nào trong nhà đồ đạc mất khá nhiều. Hóa ra là thằng mất dạy ấy lấy đi biếu bố. Có điều thằng con tôi không có trâm vàng, không biết nó lấy ở đâu ra. - Trong cờ bạc, được thua là chuyện thường, ông để ý làm gì đến nguồn gốc của nó? - Triệu Thành nói. - Nay ngài quan huyện Tiền Đường mới nhậm chức, sao ông không đi tố giác nó. Cũng chỉ vì tội ác Triệu Thành lâu nay đã chồng chất, bởi thế trong mấy trăm đơn kiện thì đơn kiện này ngài quan huyện xử ngay. Ông lệnh cho gọi đương sự tới xét hỏi. Vì là quan mới tới nhậm chức, không ai dám thờ ơ. Chỉ trong vài ngày đã bắt hết bọn phạm nhân tới. Vương Tùng Sự ra lệnh xét hỏi ngay từ buổi trưa. Vào khoảng giờ Mùi, Vương Tùng Sự ra công đường, gọi các phạm nhân tới quỳ trước hiên. Thoạt tiên Vương Tùng Sự hỏi nguyên cáo Chu Thiệu: - Ngươi có mấy người con? - Thưa ngài con chỉ có một đứa. - Ngươi là một người khá giả, mở cửa hàng vải vóc ở Dương Châu, lại chỉ có một đứa con sao không biết dạy dỗ nó mà để nó chơi bời hư hỏng. - Cũng là cái nghiệp của con, bỗng chốc không làm nó thay đổi được. Tri huyện lại gọi Chu Huyền tới, nhìn qua rồi hỏi: - Ngươi còn ít tuổi sao không chịu học hành mà đã trai gái cờ bạc, lấy tiền của cha mẹ đi tiêu xài! - Quả thực con không lấy tiền của cha mẹ để tiêu xài. - Đồ nói càn! Ngươi không lấy tiền của cha mẹ thì sao cha mẹ ngươi lại đi cáo giác. Trước mặt ta ngươi còn quanh co. - Rồi quát thét. - Hãy lôi nó ra đánh cho ta. Sai nha dạ ran. Họ lôi Chu Huyền sềnh sệch, chẳng khác nào chim ưng vồ nhạn. Chu Huyền sợ quá hồn xiêu phách lạc. Vốn là Triệu Thành muốn dựa vào việc kêu này để trị Chu Huyền, trả mối thù hắn đã gian dâm với vợ mình. Nay thấy tri huyện trị tội Chu Huyền, Triệu Thành rất hả dạ, nháy mắt ra hiệu cho nha lệ đánh cho Chu Huyền một trận nên thân. Song ngờ đâu tri huyện nhìn thấy, cho rằng nha lệ ăn tiền đút lót mà nương nhẹ. Ông hiểu ngay rằng người này quen biết nhiều người trong nha môn. Thấy Chu Huyền kêu khóc thảm thiết thương hắn còn ít tuổi, ông quát: - Thôi! Dừng lại không đánh nữa. Chu Huyền được tha, chẳng khác nào chết đi được sống lại. Tri huyện gọi Đinh Kỳ hỏi: - Ngươi dụ dỗ Chu Huyền chơi gái đánh bạc, lại cướp tiền bạc của hắn, rồi đánh Chu Thiệu trọng thương, hơn nữa ngươi là tên buôn muối, đáng khép vào tội đồ. - Thưa ngài, - Đinh Kỳ nói, - con tới đây buôn bán tơ lụa chứ không phải là người bán muối. Đây là lần đầu tiên con gặp Chu Huyền, tại sao lại bảo con dụ dỗ anh ấy đi chơi gái đánh bạc, rồi cướp tiền của anh ta. Đây hoàn toàn là bịa đặt, vu tội cho con. Tri huyện lại hỏi Chu Thiệu: - Ngươi là người khá giả, nếu quả thực ngươi không bị người khác dụ dỗ thì tại sao lại đi kiện đứa con yêu quý của mình? Chu Thiệu cúi đầu nói: - Ngài quả thật là đèn trời soi xét. - Chu Huyền chơi gái đánh bạc, - Đinh Kỳ nói, - có thể là do người khác dụ dỗ, chứ thực ra con không có liên can đến việc này. - Đúng là Đinh Kỳ dụ dỗ con con, - Chu Thiệu nói - chứ quả thực không có ai khác. Tài sản mà hắn cướp đi có tờ ghi chép tỉ mỉ đây ạ. Thế rồi Chu Thiệu lấy từ trong tay áo ra một mảnh giấy trình lên quan huyện. Triệu Thành nói chen vào: - Còn có một chiếc trâm vàng nữa ạ. Tri huyện đùng đùng nổi giận quát: - Ngươi là người làm chứng, ta không hỏi, sao người dám cướp lời? Quan gọi nha lệ vả vào mồm Triệu Thành. Nha lệ dùng chiếc bàn vả bằng tre, vả một thôi một hồi tới hai mươi chiếc, quan mới bảo dừng lại. Mặt Triệu Thành sưng vác lên. Tri huyện hỏi: - Trâm vàng hiện ở đâu? Đinh Kỳ không dám che giấu, nói: - Trâm vàng hiện con đang cầm. - Đã giữ trâm, - quan huyện nói, - thì đúng là ngươi cướp của rồi. - Con là khách, - Đinh Kỳ nói, - đến nhà Lưu Trại ngủ qua đêm, ngẫu nhiên gặp Chu Huyền, rồi đánh bạc. Chu Huyền thua, đem chiếc trâm gán cho con, đó là sự thực, còn số bạc mà Chu Thiệu tố cáo trong đơn đều là bịa đặt, xin ngài hỏi Lưu Trại thì biết rõ. Đinh Kỳ vừa nói vừa rút chiếc trâm vàng từ tay áo ra. Nha lệ cầm lấy trình lên quan. Tri huyện cầm trâm xem, thấy chiếc trâm có bốn chữ "Vương Kiều trăm năm". Đó chính là sính lễ ngày cưới của ông. Gặp lại kỷ vật xưa, tri huyện vô cùng kinh ngạc. Ông thầm nghĩ: "Chiếc trâm này do Chu Huyền lấy trộm, nhất định là vật của vợ Chu Thiệu. Xem ra tên bán người chính là Chu Thiệu ư? Song phu nhân lại nói hắn người họ Hồ, mắt phải bị đâm mù. Nay lại là họ Chu, còn cả hai mắt, tạo sao lại thế?”. Trầm ngâm một hồi ông thấy rất khả nghi. Bảo dẫn bọn chúng đi, ngày mai sẽ thẩm vấn lại rồi kết thúc buổi làm việc. Những người trong nha môn đều nói: - Một việc nhỏ như thế, nặng thì cùm, nhẹ thì tha. Có gì khó đâu mà phải hỏi cấp trên. Mọi người cho là tri huyện bất tài, chứ sao biết được ông đang nghĩ gì. Vương Tùng Sự thu lấy chiếc trâm vào nha môn đưa cho Kiều thị, nói: - Đúng lúc ta đang dò xét kẻ thù, không ngờ việc ấy bỗng dưng đem đến. Có một vụ kiện về đánh bạc, lại tra ra chiếc trâm này. - Có phải nó họ Hồ không? Mắt phải có mù không? - Chỉ vì hắn không phải họ Hồ, - tri huyện đáp, - mà mắt phải không mù nên anh mới nghi hoặc, về hỏi nàng. - Sao thế nhỉ? - Kiều thị kinh ngạc nói. - Thế hắn có con cái anh em gì không? - Đều không có. Tri huyện không sao quyết được, cứ suy đi nghĩ lại mãi rồi nói: - Ta đã có cách, cứ truy hỏi Chu Thiệu lấy chiếc trâm ở đâu thì sẽ tìm ra thủ phạm. Hôm sau ông ra công đường, cũng không nhận đơn, không giải quyết việc gì khác chỉ gọi những đương sự thuộc vụ kiện đang giải quyết ra xét hỏi. Tri huyện hỏi Chu Thiệu: - Chiếc trâm vàng là của ngươi ư? - Vâng ạ! - Chu Thiệu trả lời. - Ngươi tự đánh lấy, hay đổi cho người khác, nó nặng bao nhiêu? Chu Thiệu ấp úng không trả lời được, tri huyện quát: - Hãy kẹp nó cho ta. Sai nha vội vàng lấy kẹp ra. Chu Thiệu cuống lên nói: - Quả thực chiếc trâm ấy không phải là của con, không biết con con lấy ở đâu. Thằng nhỏ này hôm qua đã bị ăn đòn, nay thấy mang kẹp đến, hắn run sợ đành phải khai thực. - Chiếc trâm ấy của vợ Triệu Thành cho con. - Có đúng ngươi đã gian dâm với vợ Triệu Thành không? Chu Huyền không dám trả lời. Tri huyện lập tức gọi Triệu Thành tới hỏi.Triệu Thành quỳ trước công đường, tri huyện nhìn kỹ, thấy mắt phải hắn bị mù. Ông đột nhiên hiểu ra: "Kẻ bắt người ban ngày ấy chính là hắn. Hắn nói hắn họ Hồ cũng là do hắn sợ hậu họa nên đã giả mạo tên mà thôi". Thế rồi Vương Tùng Sự hỏi: - Có phải ngươi thù Chu Huyền đã gian dâm với vợ ngươi, rồi dựa vào việc đánh bạc của Đinh Kỳ, ngấm ngầm xúi bẩy Chu Thiệu cáo giác con để kết liễu Chu Huyền không? Bị nói đúng tim đen, Triệu Thành vô cùng kinh hãi, hắn cố chối quanh: - Quả thực Chu Huyền có đánh bạc tại nhà Lưu Trại, chính mắt con trông thấy rồi báo cho cha hắn. Bởi thế hắn trả thù, cố ý vu khống vợ con cho hắn. - Điều ấy có thể có - Tri huyện nói. - Ngươi có biết vợ ngươi lấy chiếc trâm này ở đâu không? - Việc ấy con không biết. - Ngoài vợ ra ngươi còn mấy thiếp và nàng hầu. - Con còn hai thiếp và bốn nàng hầu. Quan huyện thầm nghĩ: "Nó khai đúng như Kiều thị nói, thế thì đúng rồi". Quan huyện hỏi: - Ngươi là người thế nào mà lại có tới hai thiếp bốn nàng hầu. Nhất định ngươi đã cưỡng đoạt người ta rồi. - Thưa ngài, con là người an phận thủ thường, sao có thể làm những điều thương luân bại lý như thế. - Ta xem ra ngươi là một tên gian ác. - Rồi quan huyện hỏi tiếp. - Tại sao mắt ngươi lại mù? Nghe quan hỏi thế, Triệu Thành như sét đánh ngang tai, cứng họng không sao nói được. Tri huyện biết đích xác là hắn rồi. Ông nói: - Ngươi là một tên gian manh, không biết ngươi đã gây ra biết bao tội ác, hãy khai ra mau, ta sẽ tha chết. - Thưa ngài, quả thực con không làm điều gì xấu xa. Tri huyện quát: - Hãy kẹp nó cho ta! Ba bốn nha lệ xông tới, lôi tuột giày tất hắn ra, mắc kẹp vào. Triệu Thành kêu như bò chọc tiết, song nhất định hắn không khai. Tri huyện viết một tờ trát đỏ, gọi hai nha lệ sừng sỏ tới khe khẽ nói với họ. Nha lệ tuân lệnh chạy như bay ra khỏi công đường. Chẳng mấy chốc họ đã giải vợ cả, hai thiếp và bốn nàng hầu của Triệu Thành tới nha môn, một xâu phạm nhân bị trói quỳ trước công đường. Nha lệ bẩm báo: - Thưa ngài vợ con hắn, nha lệ đã bắt hết giải về đây. Lúc ấy Triệu Thành bị ba chiếc kẹp kẹp chặt, ngất đi song hắn không chịu khai nửa lời. Vợ con hắn trông thấy khiếp mất vía. Tri huyện gọi Hoa thị tới, đưa chiếc trâm vàng cho thị xem. Hỏi: - Có phải ngươi đã cho Chu Huyền chiếc trâm này không? Vợ Triệu Thành thấy chồng ngất lịm đi như chết, lại thấy tri huyện rất oai nghiêm, không khác nào một vị thánh sống, đâu dám không nhận tội. Thị vội vàng nói: - Thưa ngài đúng là con cho anh ấy. - Ngươi và Chu Huyền thông dâm đã lâu chưa? - Thưa ngài đã gần một năm rồi. - Hoa thị nói. - Cả lớn lẫn bé trong nhà con đều thông dâm với Chu Huyền chứ không phải chỉ mình con. - Bắt đầu từ đâu? - Vốn là chồng con dụ dỗ Chu Huyền đến nhà ngủ đêm, Hoa thị nói, - thế rồi thông dâm. - Hóa ra là như thế. - Tri huyện nói, rồi lại hỏi tiếp. - Chiếc trâm này ngươi lấy ở đâu? Tại sao chồng ngươi bị mù mắt? Hằng ngày hắn tàn ác thế nào? Phải khai thực, ta sẽ tha tội. Hoa thị chỉ sợ những chiếc kẹp kia kẹp vào chân mình, nên thị đã khai hết từ đầu đến cuối về những việc gian ác hàng ngày của chồng và việc bắt cóc rồi bán Kiều thị... Tri huyện nói: - Ta đã biết hết rồi không cần phải nói nữa. Tri huyện lệnh tháo kẹp cho Triệu Thành, chọn chiếc gậy to nhất đánh hắn một trăm chiếc. Máu thịt trên hai chân của Triệu Thành bay tung tóe. Thấy Triệu Thành sắp toi mạng, tri huyện gọi Hoa thị nói: - Ngươi là đồ đê tiện, đã giúp chồng ngươi làm điều ác, lại mắc tội gian dâm, ngươi cũng phải đánh bốn mươi gậy. Còn bọn thiếp và gái hầu mỗi đứa đánh hai mươi gậy. Rồi ông cầm bút phê: Xét thấy Triệu Thành độc ác như lang sói, lòng dạ hắn như rắn rết. Bắt vợ con người khác, gian dâm tới hàng trăm người. Cướp đoạt tài sản của người khác. Hắn còn dụ dỗ trai tơ đễ hành dâm. Tội ác hắn chồng chất không sao kể xiết. Hắn còn đầu têu cho thê thiếp hành dâm làm thương luân bại lý. Hoa thị ngẫu nhiên cướp trâm vàng để tặng kẻ hoan lạc với thị. Triệu Thành xúi bậy kiện tụng đễ rữa mối nhục riêng, Đinh Kỳ bị hắn hiềm khích. Chu Thiệu bị hắn xúi bẩy. Tuy mọi việc đều có nguyên do, song tạo ra nghiệp ác này chỉ xuất phát từ Triệu Thành. Chặt hết trúc không ghi hết tội ác của hắn. Căn cứ vào tội ác ấy thì xé xác hắn ra từng mảnh cũng chưa thỏa đáng. Nhưng việc trước khó mà liệt kê hết. Âm mưu không có chứng cứ. Hắn bí khép vào tội thành đán(1) Quả thực vẫn chưa đền hết tội. Lưu Trại là gái bán hoa, lại chứa cờ bạc, phải phạt bằng gậy để răn đe. Đinh Kỳ là lái buôn lại ngang nhiên đánh bạc, phải trừng phạt để răn đe. Chu Huyền bị dụ dỗ cờ bạc, trai gái, phạt bằng gậy để răn đe. Hoa thị và thê thiếp của Triệu Thành đánh đau bằng roi để cho chúng biết nhục, theo pháp luật phải bán cho nhà quan làm nô tì. Chiếc trâm vàng nhập kho. Chu Thiệu được miễn tội. (1) Thành đán: một loại hình phạt có từ thời Tần, Hán. Ban đêm thì coi giặc giã ban ngày thì đắp Trường Thành. Phán quyết xong, các phạm nhân đều được giải ra và gọi người bảo lãnh. Giam Triệu Thành vào ngục. Ngay đêm ấy hắn đổ bệnh. Thương thay cả một đời độc ác, đến nỗi phải chết trong tù ngục. Vợ con rơi vào tay người khác. Đúng là: Thiện ác cuối cùng sẽ báo ứng. Có điều chỉ sớm muộn mà thôi. Vương Tùng Sự trở về tư dinh kể lại chuyện này cho Kiều thị. Được trả mối thù xưa, Kiều thị vô cùng mãn nguyện, chắp tay lạy tạ trời đất. Chiếc trâm này phải giao lên cấp trên, nên họ đánh một chiếc trâm khác nhập kho. Dân chúng ở Lâm An biết được đã xử xong vụ kiện này, chứ sao biết được sự thực bên trong của vụ án. Qua vụ án này tri huyện đã rửa được mối hận cho mình. Thời ấy ai ai cũng hết lời ca ngợi tri huyện, từ một vụ cờ bạc nhỏ mà đã tìm ra kẻ xúi bẩy, trừ được một tên đại gian ác. Tiếng tăm quan huyện ngày một lừng lẫy. Ba năm mãn nhiệm, ông được thăng lên chức thông phán phủ Thiệu Hưng. Sau đó vì công tích lớn, ông lại được thăng làm thái thú phủ Thiệu Hưng. Làm được hơn một năm thì Kiều thị ra sức khuyên ông trí sĩ, trở về Biện Lương. Vương Tùng Sự theo lời Kiều thị, lập tức dâng đơn lên thượng cấp, cáo bệnh về hưu. Các nha môn đều phê chuẩn theo nguyện vọng, Vương Tùng Sự thu xếp hành lý trở về quê. Thuyền đến Tô Châu, họ nhớ tới ân đức của Vương Tri huyện, bèn ghé thuyền vào Xương Môn, hỏi thăm nơi ở của Vương Tri huyện, biết Vương Tri huyện ở Tiễu Hương Kinh, Linh Nham Sơn, Vương Tùng Sự mua sắm lễ vật, neo thuyền tại Độc Thôn, cùng Kiều thị đi kiệu tới Tiễu Hương Kinh. Trước tiên họ sai người tới đưa danh thiếp. Vương Tri huyện lập tức ra nghênh tiếp. Vốn là Vương Tri huyện trước đây từng trả thiếp cho Vương Tùng Sự, ân đức cảm động tới trời, bởi thế mà phu nhân của ông năm mươi mốt tuổi vẫn sinh được một con trai, đặt tên là Đức Hưng, lúc ấy đã bảy tuổi, học hành rất thông minh. Khi ra cửa đón Vương Tùng Sự, thấy hai chiếc kiệu bèn hỏi: - Tại sao lại có hai chiếc kiệu? Tùy tùng đáp: - Phu nhân của thái thú cũng tới đây. Vương Tri huyện thấy không yên tâm, sai người nói với Vương Tùng Sự rằng: - Ta với ngài thái thú là bạn cũ nên mới ra đón tiếp ngài, còn phu nhân của ngài không có lý gì tới đây gặp ta. Người tùy tùng nói với Vương Tùng Sự rằng Vương Tri huyện không cho phu nhân thái thú tới gặp. Thực ra họ cũng không hiểu vì sao. Kiều thị quay kiệu về thuyền. Vương Tùng Sự lưu luyến Vương Tri huyện, hai hôm sau mới cáo từ. Tới Biện Lương, thời thế đã yên hàn. Vương Tùng Sự tìm một ngôi nhà nhỏ có vườn hoa ở Biện Lương, hàng ngày hai người sống thanh nhàn trong khuôn viên yên tĩnh này. Kiều thị cuối cùng vẫn không có con, Tùng Sự nuôi đứa con trai của anh họ làm người thừa tự, đặt tên là Linh Phục, có nghĩa là con nuôi. Vương Tùng Sự sống được mấy năm thì qua đời. Kiều thị ở vậy mười lăm năm sau mới chết. Trước lúc lâm chung, dặn Linh Phục rằng: - Lúc còn trẻ ta mắc tội với cha con, khi ta chết không được chôn cùng cha. Di hài của cha chôn chỗ mộ phần tổ tiên, còn quan tài của mẹ thì chôn ở chỗ khác. Linh Phục nghĩ bụng: "Xưa kia cha mẹ ta rất thương yêu nhau, làm gì có chuyện mắc tội". Định hỏi lại xem sao thì mẹ đã nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng. Linh Phục nghĩ rằng bà bỗng chốc bị lẫn mà dặn như thế, chứ đâu biết được những chuyện đã xảy ra trước đây. Thời ấy tại nhà Triệu Thành bà mơ thấy ba ba nói, sau này nếu không làm món ba ba cho Vương giáo thụ ăn thì làm sao có chuyện giáo thụ thấy vật mà nhớ đến người, rồi thổ lộ việc riêng của mình với Vương Tri huyện. Cái gọi là giết ta cũng sớm, đốt ta cũng sớm, quả là linh nghiệm thật. Nếu thời ấy chiếc trâm vàng không bị vợ Triệu Thành cướp đi thì sau này làm sao mà báo thù Triệu Thành được. Cái gọi là tìm được cũng tốt, tìm không được cũng tốt cũng thật đúng với điều trong mộng. Lúc ấy lấy Vương Tùng Sự sau đó bị Triệu Thành bắt cóc. Cái gọi là ông Vương này cũng chưa hết, thì sau này lại được Vương Tri huyện trả lại cho Vương Tùng Sự, ấy là cái gọi ông Vương kia cũng chưa hết. Giấc mộng ba ba cái gì cũng đúng cả. Người đời sau đã làm một bài thơ ca ngợi Vương Tri huyện không vì hiếu sắc mà quên nghĩa, đã làm cho vợ chồng Vương Tùng Sự được tái hợp. Bài thơ như sau: Thấy sắc ai mà chẳng động lòng, Thương thay người đẹp gặp gian manh. Năm năm trăng lạnh Tây An huyện, Khách quán đào hoa rực rỡ khai. Bút tích mới hay tân giáo thụ, Hầm canh mới biết món ăn xưa. Nếu Vương Tùng Cổ không trọng nghĩa, Ngọc bích sao về với Triệu quân. Nhân phu nhân Vương Tri huyện năm mươi tuổi sinh con trai, về sau lại đỗ tiến sĩ nối tiếp mạch thư hương, thấy Vương Tri huyện được báo đền ân đức, người đời sau đã làm một bài thơ tứ tuyệt để ca ngợi: Những mong cưới thiếp để sinh con, Thiếp mất đào hoa rực rỡ xuân. Chẳng phải học tài duyên không dứt, Mà vì ân đức mới hiển vinh.