Vào chuyện - Giá cô thiên: Dâu gai rợp lá xanh mơn mởn Tằm xuân ăn rỗi tiếng rào rào Vũ Môn dập dềnh hoa đào sóng Nguyệt Điện xuân sang quế ngát hương Chim bằng sải cánh về biển Bắc Chim phượng bay theo hướng mặt trời. Tay mang kiếm, sách, đường xa lắc Thanh vân dặm thẳng lại ra di Thương tay sĩ tử sao bận rộn. Hàm Dương cách Trường An bốn mươi lăm dặm, một người tên là Vũ Văn Thụ, liền trong ba kỳ thi đều tới Trường An ứng thí. Vậy mà trong ba kì thi anh ta đều không đỗ. Vợ là Vương Thị thấy chồng thi trượt trở về, làm một bài từ chuyên nói về chồng thi hỏng. Đầu đề bài từ là Vọng Giang Nam. Bài từ ấy như sau: Chàng ôm hận mang về nghiên bút. Hoài công nghiền ngẫm dã bao năm, Uổng phí sức sôi kinh nấu sư. Tủi hổ bút nghiên, Đầm đìa nước mắt. Thiếp buồn đơn độc, thuyền một chiếc, Chẳng dám mong bia đá bảng vàng. Tháng ngày nhan sắc phôi pha, Cam phận nương thân xóm vắng. Ý vẫn chưa hết, Vương thị nhìn chồng lại làm thêm bốn câu thơ: Chàng thường tự đắc khoe tài giỏi Cớ sao thi trượt phải trở về. Lần sau chàng nhớ về đêm nhé, Về ban ngày thiếp xấu hổ chàng ơi. Giải nguyên Vũ Văn từ đó phẫn chí nghĩ: "Thi không đỗ, nhất định không về". Tới kì thi năm sau, Vũ Văn thi đậu, cứ ở lì Trường An không về nữa. Vợ Vương thị thấy thế nghĩ rằng: "Ta từng làm thơ chế giễu chàng, bởi thế chàng không về". Vương thị hèn viết một phong thư, bảo quản gia Vương Cát: - Anh hãy giúp ta đưa phong thư này cho chàng. Trong bút thư, trước hết nói chuyện thăm hỏi, sau đó làm một bài từ, đầu đề là Nam Kha tư. Lời bài từ như sau: Đêm qua thiếp thấy hoa đèn nở, Sáng nay chim thước hót trên cành. Quả nhiên cánh én từ xa tới, Báo tin chàng thi đỗ về kinh. Nỗi buồn xưa cũ xua tan hết, Vui mới hân hoan rạng mặt mày. Thiếp xưa lầm trách chàng thua kém, Khiến chàng hờn giận chẳng về quê. Sau bài từ Vương Thị lại viết thêm bốn câu thơ: Tràng An nơi ấy chẳng bao xa, Nước biếc non xanh canh diệu kỳ Chàng nay hiển đạt còn trẻ lắm, Thiếp biết chàng đêm ngủ nơi nao. Vũ văn Thụ nhận thư mở ra xem, đọc hai bài từ và thơ, nghĩ: "Trước đây nàng làm thơ bảo mình phải về vào ban đêm, nay ta thi đậu lại nhắn ta về". Bèn lấy ngay giấy bút, làm bài khúc tên là Đạp sa hành: Chân bước thang mây Tay vin cành quế Họ tên ghi chót vót bảng vàng Cương bạc yên vàng long lánh sáng Dự yến vua ban, ngao du phường phố Ta nay phỉ chí tang bồng. Viết thư báo người khuê các Lần này tớ ra dáng phong lưu. Làm xong bài từ, Vũ Văn lấy một tờ giấy hoa tiên gấp thành phong thư. Định viết cho vợ một lá thư nữa, do xếp lại thư cho ngay ngắn, lỡ tay mực rơi ướt giấy. Vũ Văn gấp một tờ giấy khác, viết xong đưa cho quản gia Vương Cát, bảo anh nói với vợ rằng: - Ta ở Trường An đã đỗ rồi, đến đêm ta sẽ về, chưa tối ta chưa về đâu. Vương Cát nhận thư, đi bốn mươi lăm dặm đường về thẳng Nhà. Vũ Văn Thụ gửi thư đi thì trời đã tối, ở nhà trọ chẳng có việc gì bèn đi ngủ. Vừa mới chợp mắt đã mơ mơ màng màng, thấy mình về nhà. Vương Cát tụt giày cỏ rửa chân. Vũ Văn Thụ hỏi: - Vương Cát đi nhanh nhỉ? Hỏi hai ba lần không thấy Vương Cát trả lời, Vũ Văn Thụ sốt ruột ngẩng đầu nhìn, thì thấy vợ là Vương Thị cầm nến đi vào phòng. Vũ Văn Thụ bước theo gọi: - Mình ơi! Anh đã về rồi! Vũ văn Thụ nói hai ba lần mà không thấy vợ trả lời. Anh liền theo vợ vào phòng, thấy Vương Thị đặt nến trên bàn, rút ngay phong thư ra, rồi lấy chiếc lược vàng cắt phong thư, song trong đó chỉ có một tờ giấy trắng. Người vợ mỉm cười, và dưới ánh nến viết ngay lên tờ giấy đó bốn câu thơ Em vội buông rèm bóc thư ra, Giấy tiên trắng toát vẫn ngời hoa. Mới hay chàng nhớ em da diết, Không chữ mà sao vẫn mặn mà. Viết xong Vương Thị lấy chiếc phong bì khác bỏ thư vào dán kín, rồi lấy chiếc lược gẩy ngọn nến, làm bắn vào mặt Vũ Văn Thụ. Anh giật mình tỉnh giấc, hóa ra là mình đang ngủ ở nhà trọ đèn vẫn còn đang sáng. Nhìn lên bàn, quả nhiên thấy bỏ nhầm tờ giấy trắng gửi về, bèn cầm ngay tờ giấy viết lại bốn câu thơ trên. Đến hôm sau, cơm sáng xong, Vương Cát cầm phong thư của vợ tới, Vũ Văn mở ra xem, trong đó viết bốn câu thơ đúng như bốn câu thơ Vũ Văn nằm mơ thấy đêm qua. Thế rồi Vũ Văn sắp xếp hành lí về nhà ngay. Đó gọi là "phong nhầm thư”. Câu chuyện sau đây lại là “gửi nhầm thư”. Hai vợ chồng người nọ đang ở nhà, thấy có người đưa một bức thư tới cho vợ. Chỉ vì phong thư ấy mà đã xẩy ra một câu chuyện kì quặc. Đúng là: Bụi theo vó ngựa bao giờ hết, Lòng người sớm muộn cũng rõ thôi. Lông mày kẻ nhạt, cài nghiêng lược Chẳng thích phấn son vẫn nuột nà Mây vờn cửa sổ sâu thăm thẳm Vuốt nhẹ hoa tiên học thảo thư Càng nhiều màu sắc càng xinh đẹp Người trần sao cốt cách thần tiên? Thoạt nhìn cứ ngỡ hoa mai nở Nhìn kĩ, hoa mai cũng chẳng bằng. Ở ngõ Táo Sóc, phủ Khai Phong, Biện Châu, Đông Kinh, có một người tên là Hoàng Phủ Tùng. Anh ta năm nay hai mươi sáu tuổi là Tả ban điện trực, vợ là Dương Thị, hai mươi bốn tuổi, nuôi một đứa hầu mười ba tuổi, tên là Nghênh Nhi. Nhà chỉ có ba người, ngoài ra không có ai là thân thích. Hoàng Phủ điện trực được sai mang quần áo ra biên giới, khi về nhà thì đã cuối tháng Giêng. Cách ngõ Táo Sóc không xa có một quán trà, chủ quán là Vương Nhị, hôm ấy vào giữa trưa trà bán hết thì thấy một người đàn ông vào quán. Người ấy lông mày rậm, mắt to, môi dày, đầu vấn chiếc khăn như úp chiếc thùng, mặc chiếc áo rộng tay. Vạt áo gấp lật xuống, chân đi giày. Người ấy bước vào quán. Chủ quán Vương Nhị rót trà bưng tới mời. Người ấy cầm chén trà, uống xong nhìn Vương Nhị nói: - Tôi ngồi đợi người quen một lát. - Xin ông cứ tự nhiên. - Vương Nhị nói. Chờ lúc lâu, thấy một người con gái bưng mâm tới rao: - Ai bánh trứng chim đây! Người ấy vẩy tay gọi: - Cô bán bánh trứng chim ơi! Thấy có người gọi, cô tiểu nhỏ bưng mâm vào quán đặt lên bàn, lấy chiếc tăm tre xâu một ít bánh, rắc thêm ít muối, rồi đưa cho người ấy, nói: - Mời ông ăn bánh. - Ta sẽ ăn, - người ấy nói, - nhưng trước hết ta nhờ cô một việc. - Thưa ông, làm gì ạ? - Cô tiểu hỏi. Người ấy chỉ vào nhà thứ tư trong xóm Táo Sóc, hỏi cô tiểu: - Cô có biết nhà ấy không? - Biết! - Cô tiểu trả lời. - Đó là nhà Hoàng Phủ điện trực. Điện trực mang quần áo ra biên giới vừa mới về. - Nhà ấy có mấy người? - Người ấy hỏi. - Có ba người: Điện trực, Tiểu Nương Tử và một bé hầu. - Cô có biết Tiểu Nương Tử không? - Người ấy hỏi. - Người vợ trẻ thường thì không bước ra khỏi rèm, nhưng cũng có khi mua bánh của tôi, nên tôi biết. Ông hỏi bà ấy làm gì? Người ấy lấy từ chiếc túi kim tuyến ra khoảng năm mươi đồng, đặt vào mâm bánh của cô tiểu. Cô tiểu nhìn thấy thích quá cứ đứng chắp tay, không rời nửa bước, nói: - Thưa ông, có việc gì sai bảo? - Tôi phiền cô một việc. Thế rồi người ấy rút từ trong tay áo ra một tờ giấy trắng, gói một đôi vòng và hai chiếc kim thoa, một tờ thiếp rồi đưa cho cô tiểu nói: - Ba thứ này cô đưa cho Tiểu Nương Tử, không được đưa cho Điện trực. Khi thấy vợ Điện trực chỉ nói là có một người dặn đi dặn lại rằng đưa ba thứ này cho chị. Đừng nấn ná ở đó trở lại báo tin cho ta biết ngay. Cô tiểu đặt mâm bánh trên quầy gửi Vương Nhị, rồi cầm ba thứ đó đi vào ngõ Táo Sóc. Tới cửa nhà Điện trục, cô mở rèm nhìn vào nhà. Hoàng Phủ điện trực đang ngồi trên ghế, thấy đứa nhỏ bán bánh liều lĩnh mở bừa mành nhòm vào rồi lại bỏ đi. Hoàng Phủ quát ầm lên. Thật là: Cầu Đương Dương, Trương Phi dũng mãnh, Quát đuổi, Tào Công trăm vạn quân. Hoàng Phủ hỏi: - Mày làm gì? Đứa nhỏ ấy cùn cụt bỏ đi. Hoàng Phủ chạy thốc ra, tóm lấy tay nó lôi lại, hỏi: - Tại sao mày thấy tao rồi bỏ đi? - Có một người bảo con đưa ba thứ này cho bà, chứ không đưa cho ông. - Thứ gì? - Hoàng Phủ hỏi. - Ông đừng hỏi, không đưa cho ông. - Đứa bé nói. Hoàng Phủ nắm chặt tay tống một phát như trời giáng vào đầu nó, nói: - Hãy đưa ta xem! Đứa trẻ ấy bị đánh, đành phải lấy gói ấy ra, nói: - Bảo tôi đưa cho bà ấy chứ không đưa cho ông! Hoàng Phủ giật lấy gói giấy ấy, mở ra xem thì thấy một đôi vòng vàng, hai chiếc kim thoa và một tờ thiếp, trong đó viết: “Nhân dịp đầu xuân, kính chúc nàng tràn đầy hạnh phúc. Một ngày nào đó ta hân hạnh được nâng chén chúc nàng. Ta luôn luôn tưởng nhớ tới nàng, song không tới được, ta có chút tặng phẩm nhỏ mọn và một bài từ gửi tặng nàng. Kính mong nàng vui lòng nhận cho”. Bài từ ấy như sau: Được biết chồng em đã trở về, Khiến lòng anh đau đớn tái tê. Xuyến vàng đôi chiếc, thoa đôi chiếc, Nhận lấy nghe em, kẻo anh buồn. Từ dạo xa em anh cô quạnh. Một mình vò võ sống đơn côi. Hoàng Phủ xem xong, trợn mắt, nghiến răng hỏi cô tiểu nhỏ: - Đứa nào bảo mày đưa đến? Cô tiểu nhỏ chỉ ra quán trà của Vương Nhị đầu ngõ nói: - Có một người, lông mày rậm, mắt thao láo, mũi hếch, môi dày bảo tôi đem lại cho bà, và dặn không được đưa cho ông. Hoàng Phủ tóm gáy cô tiểu nhỏ điệu ra quán trà. Cô tiểu nhỏ chỉ vào quán trà nói: - Vừa rồi ông ấy ngồi trên chiếc ghế này, và bảo tôi đưa cho bà những thứ ấy, chứ không đưa cho ông, sao ông lại đánh tôi. Mặc cho Vương Nhị phân trần, Hoàng Phủ cứ lôi cô tiểu nhỏ đi. Về tới nhà Hoàng Phủ đóng sầm cửa lại, cài then, cô tiểu nhỏ sợ run cầm cập. Hoàng Phủ gọi người vợ đẹp như hoa từ trong nhà ra, nói: - Cô hãy nhìn những thứ này đi. Người vợ chẳng hiểu vì sao, tới ghế ngồi. Hoàng Phủ cầm những thứ ấy đưa cho vợ xem. Người vợ đọc tờ thiếp, chẳng hiểu ra sao. Hoàng Phủ nói: - Cô thấy tôi đi ba tháng trời áp tải quần áo ra biên giới, không biết ở nhà cô đã cùng đứa nào uống rượu. - Tôi làm vợ anh từ nhỏ. - Người vợ nói. - Từ khi anh đi, tôi chưa từng uống rượu với ai cả! - Không có đứa nào uống rượu, thì tại sao lại có những thứ này? - Tôi không biết. Hoàng Phủ xông vào đánh vợ túi bụi. Vợ ôm mặt gào khóc, chạy vào trong nhà. Hoàng Phủ vào nhà lấy một nắm roi tre ra vứt xuống đất, gọi Nghênh Nhi tới. Nghênh Nhi mới mười ba tuổi, vẫn còn là đứa trẻ, cánh tay nó ngắn cũn, chân vòng kiềng, nó chỉ biết bổ củi gánh nước, biết ăn cơm, biết ỉa đái. Hoàng Phủ lấy chiếc dây trên giá áo xuống, trói chặt lấy hai tay đứa bé, vứt dây qua xà nhà, kéo dây treo đứa bé lên, dùng roi tre đánh. Hoàng Phủ hỏi: - Ta đi ba tháng trời, cô ở nhà có uống rượu với đứa nào không? - Chẳng có ai cả. - Đứa bé nói. Hoàng Phủ dùng roi quất vào mông, vừa đánh vừa hỏi. Đứa bé kêu như lợn chọc tiết, không chịu nổi, nói: - Ba tháng ông vắng nhà, đêm nào bà cũng ngủ với một người. - Ghê thật! - Hoàng Phủ nói. Hoàng Phủ thôi không đánh nữa, cởi dây ra, nói: - Mày hãy lại đây ta hỏi! Cô đã ngủ với đứa nào? Đứa bé lau nước mắt, nói: - Thưa ông, quả thực con không dám giấu. Từ khi ông đi, bà ở nhà thường ngủ với một người, không phải ai khác, đó chính là con. - Mày đừng đùa với tao? - Hoàng Phủ nói. Thế rồi Hoàng Phủ cầm lấy chiếc khóa đi ra, khép cửa vào rồi khóa lại. Đi quanh xóm gọi bốn người tuần tra địa phương, đó là Trường Thiên, Lý Vạn, Đồng Bá, Tiệt Siêu. Về nhà Hoàng Phủ mở khóa đẩy cửa vào, rồi lôi cô tiểu nhỏ bán bánh tráng chim ra, nói: - Phiền các ông bắt giữ lấy con bé này. - Quan phụ mẫu sai bảo, chúng tôi xin tuân lệnh. - Bốn người ấy nói. - Đừng đi vội, vẫn còn người nữa. - Hoàng Phủ nói. Thế rồi Hoàng Phủ gọi Nghênh Nhi và người vợ đẹp như một cành hoa ra, nói: - Giải cả mấy người này đi. - Thưa quan phụ mẫu, - Tiết Siêu nói, - chúng tôi không dám bắt bà. - Các ngươi sợ không dám bắt bà ấy ư? Việc này can hệ đến tính mạng đấy! Sợ quá bốn người tuần tra phải giải vợ Hoàng Phủ, Nghênh Nhi và cô tiểu bán bánh tới Tiền Đại Doãn phủ Khai Phong. Hoàng Phủ chào quan Đại Doãn, rồi trình tờ thiếp lên quan. Tiền Đại Doãn xem qua, lập tức bảo quan cấp dưới xử ngay vụ này. Thời ấy Sơn Định thừa hành giải quyết vụ này. Hỏi cô tiểu nhỏ cô bé trả lời: - Con gặp ở quán trà một người, lông mày rậm, mắt to, mũi hếch, môi dày. Người ấy bảo con đem phong thiếp này cho Tiểu Nương Tử. Ông đã đánh con vẫn khai như thế. Hỏi Nghênh Nhi, Nghênh Nhi đáp: - Con không thấy ai đến uống rượu với Tiểu Nương Tử, con cũng không biết người gửi phong thiếp ấy là ai. Đánh chết con cũng khai thế. Hỏi Tiểu Nương Tử, Tiểu Nương Tử đáp: - Từ thời còn trẻ con làm vợ anh ấy, chẳng có người thân thích nào lai vãng tới, chỉ có hai vợ chồng con. Con cũng không biết kẻ nào gửi thiếp tới. Sơn Định thấy Tiểu Nương Tử gầy gò như thế, làm sao chịu nổi tra tấn, nay truy hỏi cô ấy bằng cách nào đây? Sơn Định gọi cai ngục dẫn ra một phạm nhân. Đây là một tên tướng cướp, biệt hiệu là Tĩnh Sơn Đại Vương. Hắn mặt mày hung tợn như một con quỷ gieo tai vạ cho con người. Tiểu Nương Tử nhìn thấy tên phạm nhân này sợ quá, hai tay ôm lấy mặt không dám nhìn. Sơn Định nhìn Tĩnh Sơn Đại Vương, bảo với người coi ngục: - Hãy treo ngược tên này lên cho ta. Sau đó dùng cành gai đánh, tên cướp kêu như lợn chọc tiết. Sơn Định hỏi: - Ngươi đã từng giết người phải không? - Thưa ngài con đã từng giết người. - Ngươi đã từng đốt nhà phải không? - Thưa ngài con đã từng đốt nhà. Sơn Định cho người giải Tĩnh Sơn Đại Vương vào ngục. Sơn Định quay lại hỏi Tiểu Nương Tử: - Ngươi xem, Tĩnh Sơn Đại Vương cũng không chịu nổi đòn, đã phải nhận tội giết người đốt nhà. Tiểu Nương Tử hãy khai đi, ngươi có chịu nổi những trận đòn như thế không? Tiểu Nương Tử hai hàng nước mắt rơi lã chã, nói: - Thưa ngài, đến nước này thì con che giấu cũng không được nữa. Chúng con lấy nhau từ khi còn trẻ, chẳng có người thân tích nào lai vãng tới. Con không biết kẻ nào gửi thiếp đến. Nay thì tùy quan Đại Doãn quyết định. Hỏi đi hỏi lại mãi, Tiểu Nương Tử vẫn khai như thế. Sau đó ba hôm, Sơn Định đang đứng trước cửa nha môn, chưa biết giải quyết vụ này thế nào, ngẩng đầu lên thì thấy Hoàng Phủ tới vái chào hỏi về việc ấy: - Tại sao vụ án đã ba hôm mà vẫn chưa giải quyết? Chẳng phải ngài đã nhận tiền của kẻ viết tờ thiếp ấy nên cố ý trì hoãn không giải quyết? Sơn Định thấy thế nói: - Vậy thì theo ý ngài như thế nào? - Thôi thì li dị quách cho xong, - Hoàng Phủ nói. Ngay hôm ấy Sơn Định về nha môn trình văn bản lên Tiền Đại Doãn. Tiền Đại Doãn gọi Hoàng Phủ tới nói: - "Bắt cướp thì phải có tang vật, bắt gian dâm thì phải trai trên gái dưới", đằng này vô tang chứng thì bắt tội làm sao được! - Tới nay thì tôi không muốn chung sống với cô ấy nữa, xin tình nguyện li dị. - Tôi làm theo ý ông. - Quan Đại Doãn nói. Hoàng Phủ ra về. Cô tiểu và Nghênh Nhi được thả. Tiểu Nương Tử bị chồng bỏ, khóc sướt mướt bước ra khỏi công đường, nàng nghĩ: "Ta bị chồng bỏ, không người thân thích để nương tựa thôi thì chết quách đi cho xong". Tiểu Nương Tử bước lên cầu Thiên Hán Châu, nhìn xuống dòng nước xiết, định nhảy xuống thì đằng sau có một người túm lấy áo, Tiểu Nương Tử quay lại thì đó là một bà già, búi tóc, lông mày trắng như tuyết, mắt đục lờ, tóc bạc. Bà già nói: - Con ơi! Tội gì con phải chết? Con có nhận ra ta không? - Con không nhận ra bà, - Tiểu Nương Tử nói. - Ta là cô của con. - Bà già nói. - Từ khi con đi lấy chồng, ta nghèo không dám bén mảng tới nhà con. Nay thấy chồng con kiện con, hằng ngày ta vẫn theo dõi con. Bây giờ chồng con bỏ con, việc gì con phải tự tử. - Hiện nay con, trên không chằng, dưới không rễ. Chồng con không cần con, con chẳng có ai thân thích dựa dẫm, không chết đi thì sống làm gì? - Bây giờ con hãy đến nhà cô, rồi sẽ tính sau. Tiểu Nương Tử nghĩ: "Bà này chắc chắn không phải là cô mình, nay không có nơi nương tựa, thôi thì cứ theo bà, rồi sau này sẽ rõ". Tiểu Nương Tử theo bà cô về nhà thì thấy bà chẳng có nghề ngỗng gì, song nhà cửa lại khang trang, cũng có màn xanh, có bàn ghế đầy đủ. Ở nhà bà cô được hai ba ngày, hôm ấy vừa cơm nước xong, thì thấy ngoài cửa có một người gọi ầm ầm. - Bà mang đồ của ta đi bán, sao không đem trả tiền ta. Nghe thấy thế, bà ta vội vã ra mời người đàn ông ấy: - Xin mời ông vào. Tiểu Nương Tử thấy người vừa vào, lông mày rậm, mắt thao láo, mũi hếch, môi dày, vấn chiếc khăn trùm tới tận mi mắt, mặc áo dài cổ rộng nẹp to, giày tất sạch bong. Tiểu Nương Tử bụng bảo dạ: "Rất giống người đàn ông gửi tờ thiếp mà cô tiểu nhỏ đã nói". Người ấy vào ngồi lên ghế, rụt rè nói: - Bà bán cái vật đáng giá ba trăm quan tiền của ta, đã tới hàng tháng rồi sao không đem tiền đến trả? - Cái ấy thì đã bán rồi, song tiền chưa lấy được. Khi nào lấy được tôi sẽ trả ông ngay. - Tiền trao cháo múc, - người đàn ông nói, - sao lại chịu lâu đến thế! Lấy được tiền bà phải đưa ngay cho tôi. Nói xong người đàn ông bỏ đi. Bà già trở vào nhìn Tiểu Nương Tử, nước mắt bà ta ứa ra, nói: - Giờ thì biết làm thế nào đây? - Có việc gì thế! - Tiểu Nương Tử hỏi. - Người này vốn là thông phán Tế Châu, - bà ấy nói, - ông ta họ Hồng. Nay không làm quan, bán một số trang sức bằng ngọc. Trước đây ông ấy bảo ta đi bán, ta đã bị người ta quịt tiền, đến nay không có tiền trả, khiến ông ta sốt ruột. Mấy hôm trước ông ta có nhờ ta một việc, ta vẫn chưa làm được. - Việc gì thế? - Tiểu Nương Tử hỏi. - Ông ta bảo ta tìm cho ông ta một người vợ bé, mà phải là người đẹp. - Bà ấy nói. - Nếu đẹp như Tiểu Nương Tử thì nhất định ông ấy sẽ rất thích. Tiểu Nương Tư bây giờ đã ở đây, chồng lại bỏ, không còn lối thoát, thôi thì cô sẽ nói vun vào cho con lấy ông ấy. Không biết ý con thế nào? Tiểu Nương Tử trầm ngâm hồi lâu, bất đắc dĩ nghe theo lời cô tới nhà người ấy. Thời gian cứ chầm chậm trôi đi, vào mồng một tháng Giêng năm sau, từ khi bỏ vợ, Hoàng Phủ không lúc nào vui, đúng là: Thời gian như gió lửa, Thiêu tàn nỗi khổ đau. Hoàng Phủ nhớ lại: "Hằng năm cứ vào mồng một tháng Giêng, vợ chồng sánh vai nhau tới chùa Đại tướng Quốc dâng hương. Năm nay ta lủi thủi đi một mình". Tự nhiên hai hàng nước mắt ứa ra, lòng buồn vô hạn, đành gắng gượng mặc chiếc áo dài tím, mang vàng hương đến chùa Đại Tướng Quốc dâng hương. Vào chùa thắp hương xong, vừa ra khỏi cửa thì thấy một người đàn ông dẫn theo một người đàn bà. Người đàn ông ấy lông mày rậm, mắt thao láo, mũi hếch, môi dày; người đàn bà đi theo lại là vợ Hoàng Phủ. Chồng nhìn vợ, vợ nhìn chồng, bốn mắt đăm đăm nhìn nhau chẳng ai dám hé răng. Người đàn ông và người đàn bà ấy vào chùa. Hoàng Phủ đang đứng trầm tư ngoài cửa chùa, thấy một bà sư đang xin tiền dầu đèn đứng đó, bỗng thấy hai người ấy đi vào, miệng lẩm bẩm: "Ngươi đã làm đời ta khổ, sao hôm nay ngươi lại đến đây". Rồi rảo bước đi theo. Thấy bà sư đuổi theo hai người ấy, Hoàng Phủ ngăn lại nói: - Có phải bà sư đuổi theo hai người ấy không? - Đúng thế - bà sư nói, - chẳng nói giấu gì ông, lão ta đã làm đời tôi khổ, tới nay tôi không cất đầu lên được là vì hắn. Hoàng Phủ hỏi ngay: - Bà có nhận ra người đàn bà ấy không? - Không. - Bà sư nói. - Người ấy là vợ tôi. - Hoàng Phủ nói thẳng. - Tại sao vợ ông lại theo hắn? Hoàng Phủ kể lại chuyện gửi thiếp và việc mình bỏ vợ cho bà sư nghe. Bà sư hỏi: - Thế là thế nào? Ông có nhận ra hắn không? - Không, - Hoàng Phủ đáp. - Hắn là sư chùa ở Phồn Đài Đông Châu. Chịu khổ hạnh nhất là những người tu hành tại chùa Phồn Đài. Ta vốn là sư, song là giám viện tại chùa này. Ta có trên dưới một trăm đồng, cắt tóc làm đồ đệ của hắn. Cách đây một năm hắn lấy trộm của sư trong chùa hai trăm lạng bạc rồi biến mất tăm. Ta bị tra khảo, đuổi khỏi chùa đi ăn xin, thật là tội nghiệp. Ta lưu lại chùa Đại Tướng Quốc hóa vàng hương. Hôm nay gặp hắn ở đây ta làm sao mà chịu được! Vừa nói xong thì thấy hắn dẫn người đàn bà ấy từ trong hành lang đi ra. Bà sư vén áo rảo bước định lôi hắn. Hoàng Phủ vội ngăn lại, nói rằng, hãy xem rõ hành tung của hắn rồi sẽ kiện lên quan. Hai người cứ bám theo hắn. Người đàn bà ấy nhìn thấy chồng nước mắt giàn giụa, vào chùa thắp nhang rồi đi ra. Trên đường về hắn hỏi người đàn bà rằng: - Tại sao Tiểu Nương Tử nhìn thấy chồng lại khóc? Không phải ta dễ dàng mà lấy được cô. Dạo ấy ta qua cửa nhà cô, thấy cô đứng trước rèm xinh đẹp tuyệt vời, ta đã mê cô từ đó. Ta lấy được cô chẳng phải dễ lắm đâu! Hai người lời qua tiếng lại thì vừa lúc ấy họ về tới nhà. Người đàn bà ấy hỏi: - Thế thì tờ thiếp ấy do ai gửi? - Ta nói cho cô biết, chính ta nhờ cô tiểu nhỏ bán bánh ấy gửi đấy. Chồng cô trúng kế của ta, quả nhiên bỏ cô thật. Người đàn bà ấy nghe xong túm lấy áo hắn kêu: - Ối trời cao đất dày ơi! Nghe thấy người đàn bà kêu, hắn cuống lên, giơ tay bóp cổ muốn cho người đàn bà ấy chết đi. Hoàng Phủ và bà sư theo tới cửa, thấy hắn tức tối đi vào, lại nghe bên trong có chuyện, hai người chạy vào thấy người đàn bà bị hắn bóp cổ đang giẫy giụa. Hoàng Phủ và bà sư bắt luôn giải hắn tới Tiền Đại Doãn phủ Khai Phong. Giai nhân từng đỡ tay người ngọc Tráng sĩ vung gươm chém kẻ thù, Đời đời công tích còn ghi rõ, Cháu con thừa hưởng nghiệp vinh hoa. Đại Doãn ra công trường giải quyết việc này. Hoàng Phủ và vợ kể lại tất cả những sự việc đã xẩy ra. Tiền Đại Doãn đùng đùng nổi giận, lệnh cho sai nha đánh cho hòa thượng một trăm gậy, rồi giải xuống Tả Tư Lý viện để điều tra rõ vụ này. Điều tra thấy đúng sự thực, cho Hoàng Phủ đưa vợ về nhà vợ chồng lại đoàn tụ. Bà sư được khen thưởng. Gã hòa thượng đều phải nhận là âm mưu lừa gạt chiếm đoạt người đàn bà, rồi lại âm mưu hãm hại vợ Hoàng Phủ, bị khép vào tội chết. Còn mụ đàn bà đồng mưu lừa đảo không ra đầu thú, song đã bị bắt đi ở nơi khác.