Vốn là, vào lúc canh tư đêm ngày mười chín tháng Ba, bọn trộm đã lẻn vào cửa hiệu này, lấy đi một số vàng bạc, ngoài ra châu báu quần áo không mất thứ gì. Chiếc khăn này cũng bị chúng lấy cắp, không biết vì sao chúng vứt đi. Lai Nguyên nhặt được, hôm nay gói quần áo tới rồi bị sa lưới. Chẳng cần nói lôi thôi, họ trói ngay lại giao cho người hầu, giải lên huyện Giang Đô thẩm vấn. Lai Nguyên khai anh là người nhà cử nhân họ Mạc, chiếc khăn này nhặt được vào sáng ngày hai mươi tháng Ba. Tri huyện cũng nghĩ "Đã lấy cắp của nhà người ta thì tại sao lại mang tang vật đến cửa hàng người ta mà bán? Người này hẳn không phải là trộm thật". Rồi tống Lai Nguyên vào nhà giam, cử người đi điều tra, sau đó mới xét xử tiếp. Nào ngờ Tư Viên ngoại nghe thấy nói việc này, lại nghĩ rằng con gái mình đã theo bọn trộm cướp. Không biết trút giận vào đâu, bèn gửi thư lên quan huyện nói: "Buổi sáng Lai Nguyên đã lẻn vào trong vườn nhòm ngó, hắn đúng là tên trộm, không còn nghi ngờ gì nữa". Tri huyện xem thư, bảo đem Lai Nguyên ra thẩm vấn lại. Lai Nguyên vẫn khai là người nhà của cử nhân họ Mạc. Tri huyện hỏi, cử nhân họ Mạc ở đâu, Lai Nguyên khai thực rằng: - Cử nhân đã bỏ nhà đi từ ngày mồng ba tháng Ba, tới nay không biết là đi đâu. Tri huyện cười nói: - Có lý nào chủ đi đã lâu mà người nhà lại không biết, đúng là khai láo. Thế rồi ông ra lệnh cùm kẹp và tra tấn cực hình. Lai Nguyên không chịu được đành khai là kết đảng với bọn trộm cướp phân tán tang vật. Cuối cùng quan huyện nói, chỉ có một chiếc khăn không cũng khó mà kết tội được, vẫn giam vào nhà giam, lệnh cho sai nha đi truy lùng bọn trộm cướp rồi xét xử sau. Lai Nguyên bị giam tại nhà giam Giang Đô, vì chưa định được tội danh, trong người không có một xu dính túi, không có người thân thích đem cơm, trước mắt chỉ có con đường chết mà thôi. May mà Chu Tiểu Kiều, người chủ quán trọ, biết đích xác đây là quản gia của cử nhân họ Mạc, anh ta hằng ngày thật thà chất phác, ban đêm chẳng bao giờ ra khỏi quán trọ, mà ban ngày sao lại gặp tai họa như thế. Cho nên ông chăm sóc Lai Nguyên như một người thân. Rồi ông đích thân đến nhà giam an ủi: - Tướng công của anh còn rất nhiều quần áo cất trong hòm, hiện việc đang cần kíp có thể đem bán đi, chờ khi nào chủ anh về thì mọi việc sẽ rõ. Lai Nguyên giàn giụa nước mắt cảm ơn lòng tốt của ông. Từ đó Lai Nguyên yên tâm nghỉ ngơi tại nhà giam, mỏi mắt trông chờ chủ nhà đến cứu. Đúng là: Mai rùa muốn nát mà vô kế, Dâu khô gặp họa chẳng nói năng. Lại nói, Mạc Thúy Hà đưa Tử Anh và Liên Phòng về huyện Lâm Quế, chỉ nói là thi trượt trở về, qua Dương Châu cưới một người thiếp, và mua một thị tì. Anh em bè bạn đều không biết chuyện này. Từ xưa tới nay mối tình trăng hoa đắm say hơn nhiều so với ân ái vợ chồng kết tóc se tơ. Về nhà được mấy tháng thì đẻ con trai, hai năm sau lại sinh thêm đứa con nữa. Liên Phòng tuy được "chút cơm thừa canh nguội” không biết là tử cung mắc chứng hàn lãnh, nên không có con. Đáng buồn cười là, sau khi Mạc Thúy Hà lấy được Tử Anh cũng không đi chơi bời lăng nhăng nữa, mà chỉ quanh quẩn ở nhà với Tử Anh. Năm Mạc Thúy Hà hai mươi hai tuổi, lại đúng vào kì thi Hội. Tháng Mười lại thu xếp lên đường tới kinh đô. Khi chia tay, Tử Anh mỉm cười nói: - Lên kinh đô lần này nhất định sẽ qua Dương Châu, không cần phải nán lại chùa Quỳnh Hoa nữa. Liên Phòng nói: - Nán lại chùa Quỳnh Hoa cũng chẳng ngại gì, có điều không cần đến bể thả sen bằng đá ở đài Đổng Trọng Thư đọc sách để rửa tay nữa. - Hai người vốn là nói đùa, nhưng họ cũng nhắc lại việc vô lại đã xẩy ra cách đây hai năm. Mạc Thúy Hà toát mồ hôi, im lặng không sao đối đáp được. Trầm ngâm một lúc, Thúy Hà mới nói: - Lần này qua Dương Châu, tiện đường ta sẽ tìm Lai Nguyên thôi, còn việc trai gái này khác thì ta đã chán ngán rồi, các em không cần nghĩ ngợi lo lắng làm gì. Chia tay hai người, Mạc Thúy Hà lên đường, thẳng tới kinh đô. Dọc đường, đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ, chẳng bao lâu đã tới kinh thành. Lần thi ấy, Mạc Thúy Hà đỗ Hoàng giáp. Đến tháng Ba được cất nhắc làm Tri huyện huyện Nghi Chinh, lĩnh bằng rồi lập tức tới nhiệm sở. Đi qua Dương Châu thì tới nội địa huyện ấy, trước hết Thúy Hà tới quán trọ xưa kia. Quang cảnh ba năm trước đây vẫn thế, chỉ khác đi chút ít Chủ quán trọ Tiểu Kiều trông thấy, vội cầm tay nói: - Mạc tướng công, ông đi đâu lâu thế, khiến cho Lai Nguyên bị nhà họ Trần, người Huy Châu vu cho ăn trộm, bị tra tấn hết sức đau đớn khổ sở. Ông kể lại hết từ đầu cho Thúy Hà nghe. Thúy Hà nói: - Ông đừng có ầm lên. Lần trước không đi thi Hội được tôi rất lo lắng, nên tạm tới nơi khác giải sầu. Không ngờ đi tới ba năm, đến nỗi làm đứa quản gia phải khổ. Nay tôi đã đỗ tiến sĩ rồi, và được cất nhắc làm chức tri huyện huyện Nghi Chinh, chờ khi nhậm chức xong tôi sẽ tới tìm hiểu thêm. Chu Tiểu Kiều thấy Thúy Hà nhậm chức tri huyện một huyện gần đây bèn quỳ xuống khấu đầu. Mạc Thúy Hà vội vàng đỡ dậy, nói: - Ngươi là người quen biết cũ, đừng thi lễ như thế. - Rồi nói thêm. - Việc đến nhậm chức là quan trọng, nên tôi không thể lưu lại đây lâu được ông đừng tiết lộ việc này với ai, và cũng đừng đến nói trước cho Lai Nguyên biết. Sau này Lai Nguyên ra khỏi ngục, nhất định sẽ tới tìm ông. Ông cứ lẳng lặng đưa đến Nghi Chinh, tôi sẽ hậu tạ. Nói xong Thúy Hà xuống thuyền tới ngay huyện Nghi Chinh nhậm chức. Mấy hôm sau sai gia nhân về đón Tử Anh, Liên Phòng tới nha môn. Năm ấy quan Tuần án mới là Án Lâm, là quan trên của Mạc Thúy Hà, hai thầy trò rất tâm đầu ý hợp. Mạc Thúy Hà nói lại chuyện Lai Nguyên bị vu khống. Tới mùa thu năm ấy Tuần án đến huyện Giang Đô, Dương Châu, tìm hiểu tình hình, giải quyết các vụ án. Tuần án xét đến vụ án Lai Nguyên, lật đi lật lại thấy vô bằng cớ, ông phê ngay vào bản án rằng: "Kẻ trộm cướp vàng bạc, châu báu rồi vứt khăn ra đường, Lai Nguyên nhặt được. Người kia vứt thì người này nhặt đó chẳng phải là người nước Sở được cung nước Sở. Không bắt được bọn trộm cướp mà chỉ bắt Lai Nguyên thì quả là oan vậy. Mong huyện Giang Đô phúc thẩm để làm sáng tỏ". Giấy gửi tới huyện Giang Đô, quan huyện đưa Lai Nguyên ra phúc thẩm. Lúc ấy nhà họ Trần người Huy Châu không còn mở cửa hàng ở Dương Châu nữa. Tri huyện tha Lai Nguyên ra, nói: - Đáng tiếc là người chủ mất của không còn ở đây nữa, nếu còn thì phải ghép hắn vào tội vu cáo mới đúng. Lai Nguyên về quán trọ, thấy Chu Tiểu Kiều, anh bái tạ cảm ơn. Chỉ nói rằng nhờ trời được tha, chứ đâu có biết vì sao. Chu Tiểu Kiều nói lại cho Lai Nguyên biết hết mọi chuyện, rồi ngay đêm ấy dẫn Lai Nguyên tới huyện Nghi Chinh. Chu Tiểu Kiều tạm nghỉ bên ngoài. Lai Nguyên được lệnh cho vào nha môn, thấy gia chủ, anh quỳ xuống khấu đầu, kể lại chuyện bị vu cáo và phải chịu nhục hình như thế nào. Lai Nguyên vừa nói vừa núc nở, khóc đến nỗi làm cho nước sông Hoàng Hà trong lại, đáy biển nứt nẻ! Mạc Thúy Hà nói: - Tuy gia chủ bỏ rơi ngươi song ngươi cũng tự phải thấy rằng mình đã gặp phải rủi ro. Lai Nguyên khóc xong mới tới chào phu nhân Tử Anh. Nghe tiếng nói, Lai Nguyên biết phu nhân là người Dương Châu, nói: - Hóa ra bà cũng là người Dương Châu, ngài cưới từ bao giờ thế? Mạc Thúy Hà vẫn còn lương tâm, thấy Lai Nguyên hỏi thế mặt đỏ bừng, nói rằng cưới đã lâu rồi. Hôm ấy họ bày cơm rượu thịnh soạn, Lai Nguyên đánh một bữa say túy lúy. Sau đó lấy ra ba mươi lạng bạc, sai người đưa cho Chu Tử Kiều để đền ơn. Từ đó Mạc Thúy Hà cải tà quy chính, trên con đường công danh rất thanh liêm chính trực, thói trăng hoa không còn nữa. Một hôm Thúy Hà nói với Tử Anh: - Ta xem ra Lai Nguyên đã vì ta mà bị tù tội, chịu khổ sở ròng rã ba năm trời, ta rất thương. Nay Lai Nguyên đã lớn tuổi mà vẫn chưa vợ con, Liên Phòng vẫn hầu hạ ta, song rất mừng là vẫn chưa có con, ta muốn vun vào cho Lai Nguyên và cho chúng về làm quản gia, để họ sống với nhau cho thoải mái, khỏi phải sống bó buộc tù túng ở nha môn. Lúc ấy Liên Phòng giả vờ không nghe, song kì thực Liên Phòng tính vốn ưa hoạt động, "một ngựa một yên", có gì mà không được. Tử Anh lại cũng là người có tình nghĩa, nên đã nói vun vào cho họ nên vợ nên chồng. Đám cưới cũng tổ chức đàng hoàng. Tuy không để danh bảng vàng nhưng vẫn coi là động phòng hoa chúc. Cưới nhau xong được tròn một tháng, họ lên đường về Quảng Tây, tuy không phải là áo gấm về quê, nhưng cũng rạng rỡ mặt mày. Đúng là: Nếu không rét lạnh thấu xương Thì hoa mai chẳng ngát hương hỡi chàng. Tử Anh ở huyện Nghi Chinh được một năm, nàng nói với chồng: - Từ khi theo chàng, miễn cưỡng em trở thành vợ chồng, suốt đời không gặp cha mẹ. Mẹ thiếp chẳng may đã mất, song cha thiếp vẫn còn. Thiếp nghĩ từ huyện Nghi Chinh cách Giang Đô không đầy trăm dặm, giá chàng cho em được gặp cha một lần cũng tốt. Nói xong, Tử Anh nước mắt cứ trào ra, cảm thấy mình xót xa tủi hổ. - Phu nhân đừng quá lo lắng, - Mạc Thúy Hà nói, - hãy để ta lo liệu dần dần. Hôm sau nhân dịp đi công cán tới Dương Châu, Mạc Thúy Hà bèn tới nhà Tư Viên ngoại xin bái kiến. Chàng gửi danh thiếp Viên ngoại thấy trong danh thiếp viết: "Kẻ hậu sinh Mạc Phủ cúi đầu bái kiến". ông cứ ngỡ là quan huyện láng giềng đến đón mời, nào ngờ đâu đó là con rể của mình. Mạc Thúy Hà cứ ngồi lì ở đấy, Tư Viên ngoại đành cho dọn tiệc khoản Đãi. Trong khi ăn ngẫu nhiên hỏi: - Quan phụ mẫu là cụ khánh ư? Phàm là những người đỗ tiến sĩ, cha mẹ còn sống thì gọi là “cụ khánh” nếu cha còn mẹ mất thì gọi là "nghiêm thị"; mẹ còn cha mất thì gọi là "từ thị", cha mẹ đều mất thì gọi là "vĩnh cảm". Mạc Thúy Hà nghe Tư Viên ngoại hỏi thế, giàn giụa nước mắt, nói: - Thưa ngài, song thân tôi đều đã qua đời, tôi không được hầu hạ phụng dưỡng. - Quan phụ mẫu song thân đã mất sớm, còn ta, không có con cái thì cũng buồn khổ như nhau thôi. Nói xong Tư Viên ngoại tự nhiên ứa lệ. Chẳng ai còn lòng dạ nào mà ăn uống, rồi cả hai đều buông đũa. Khi chia tay, Mạc Thúy Hà nói: - Hôm nay chia tay với ngài, không biết bao giờ mới được gặp lại? Nếu ngài không chê tệ huyện hẻo lánh tồi tàn thì kẻ hậu sinh này cũng xin quét cửa đón tiếp ngài. - Phần mộ tổ tiên của tôi tại chân núi Tây Hà. - Viên ngoại nói. - Hằng năm vào mùa xuân tôi đều tới đó tảo mộ và đi qua quý huyện, sau này chúng tôi sẽ tới bái kiến quan phụ mẫu. Sau đó Mạc Thúy Hà bái biệt ra về. Vào tháng Ba năm sau quả nhiên Viên ngoại đến Nghi Chinh đáp lễ. Mạc Thúy Hà biết tin, báo cho Tử Anh: - Cha nàng hôm nay tới đây, nàng có gặp ông hay không? - Thiếp luôn luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục của cha, cũng phải mặt dày mày dạn mà gặp ông. Nghe xong, Mạc Thúy Hà một mặt cho người chuẩn bị bữa tiệc, một mặt ra đón Tư Viên ngoại vào trong nha môn dự tiệc. Trong lúc ăn uống, Mạc Thúy Hà nói: - Quan muốn dạy bảo điều gì? - Tư Viên ngoại nói. - Kẻ hậu sinh này rất xấu hổ chưa nói tới chuyện thông gia, từ nay trở đi con sẽ là con rể của ngài, vợ con sẽ ra bái kiến ngài. - Tôi đâu dám. Tư Viên ngoại vừa nói xong, thấy Tử Anh đi ra quỳ xuống lạy Tư Viên ngoại mắt đã kém nhẻm, nhìn không rõ, bỗng chốc cũng quỳ xuống lạy, đứng dậy nhìn, kêu toáng lên: - Vì sao? Vì sao lại thế này? Trách nào chiếc giày mầu hoa đào đánh rơi trong vườn có người nói là của Mạc Cử nhân, đến bây giờ mới rõ. Nói xong ông rất giận dữ. Mấy năm trời mất con, ông không cảm thấy nỗi vui mừng đột ngột như từ trên trời rơi xuống, mà chỉ thấy lửa giận trong lòng ngùn ngụt dâng lên. Ông than thở rằng "Con gái mình không ra gì, thì oán sao được người ta". Rồi nói với Mạc Thúy Hà: - Lúc đầu đứa con gái tôi cũng chẳng ra gì, nó là đứa vô liêm sỉ, đã làm bại hoại gia phong, không cứng cỏi, bị rơi vào địa ngục, dạo bị cướp đi tôi đã nói dối rằng nó đã chết để che mắt Hồ Thông Phán. Nay nếu tin đó lộ ra, tôi xấu hổ, anh cũng xấu hổ, từ nay đến khi chết anh cũng đừng gặp tôi nữa. Nói xong ông phủi áo bỏ đi. Hậm hực chửi Mạc Thúy Hà một kẻ liều lĩnh, coi trời bằng vung. Thúy Hà đành ngậm đắng nuốt cay tiễn Tư Viên ngoại ra về. Tử Anh về phòng, ốm liệt ba tháng trời chẳng nói chẳng rằng, không biết là bệnh gì. Năm tháng cứ trôi đi, Mạc Thúy Hà ba năm mãn nhiệm, rồi lần lượt được thăng tới chức bố chính sứ Phúc Kiến. Hối hận vì sự lỗ mãng của mình thời trai trẻ, đã làm tổn hại đến gia phong, làm hại con gái người ta. Bởi thế rất nghiêm khắc dạy dỗ con cái, tuân theo phép tắc chuẩn mực. Đứa con lớn đặt tên là Mạc Ngã Như (không như ta), đứa bé đặt tên là Mạc Ngã Tự (không giống ta). Cả hai đều thi đỗ tiến sĩ, làm quan tại kinh sư. Ngờ đâu gặp hạn lớn, Mạc Thúy Hà đang làm quan tại Phúc Kiến thì đổ bệnh. Mà chứng bệnh này cũng rất kì quái không phải là chứng thất tình(1) lục dục(2) không phải là chứng hàn nhiệt phong thấp, không phải là chứng nội thương ngoại cảm, chỉ là chứng hôn mê trầm uất, cáu gắt, khi cười khanh khách, khi hát rống lên, khi vật vã cung đao múa kiếm, tự cắt vào da thịt mình. Miệng cứ nói là có ma quỷ, có trộm cướp, có kẻ rình mò. (1) Thất tình: bảy thứ tình cảm của con người: mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn. (2) Lục dục: những tình dục do lục căn mà sinh ra. Tử Anh ngày đêm phụng dưỡng thuốc thang, không dám rời nửa bước. Một hôm Mạc Thúy Hà đang nằm ngủ, đột ngột nhổm dậy nói: - Ta chẳng phải là thần nào khác, ta chính là Đức Già Lam ở chùa Quỳnh Hoa, Mạc Khả là gái điếm ở Quế Lâm. Đại phú gia hứa chuộc cô gái điếm này về làm vợ. Bỗng nhiên Đại phú gia này nuốt lời hẹn ước, bỏ về Dương Châu. Người đàn bà ấy phẫn uất tự tử. Bởi thế người đàn ông đầu thai thành con gái, người đàn bà đầu thai thành con trai, nên mới xẩy ra chuyện đời nay. Đời nay Mạc Khả phú quý, hai con đều thi đỗ, ấy là vì khi đời trước làm gái điếm, từng chu cấp những người nghèo đói, xây cầu dựng quán, cho nên mới được báo đáp như thế. Gần tới lúc chết mắc bệnh hiểm nghèo, là vì đã vô cớ cưỡng bức Tử Anh, buộc Tử Anh phải theo mình. Làm bại hoại lương tâm nên bị quả báo. Quả báo là đời sau phải chịu, còn họa báo thì chịu hại ngay nhãn tiền. Bởi thế ta khuyên người đời hãy sớm tu nhân tích đức là điều thiện. Nói xong Mạc Thúy Hà lại nằm vật ra ngủ, vẫn hoàn toàn trở lại Mạc Thúy Hà như ngày thường. Phút chốc hộc ra mấy chậu máu rồi chết. Ô hô! Thương thay! Nghe thấy Già Lam hiển thánh, Tử Anh lại một lần nữa kinh dị. Khâm liệm Mạc Thúy Hà, đưa quan tài về Quảng Tây. Vợ chồng Lai Nguyên ra đón. Để tỏ lòng biết ơn tình xưa nghĩa cũ, Liên Phòng vô cùng đau thương. Sau đó gặp hai người con của Thúy Hà về chịu tang. Mãn tang ba năm, Tử Anh cũng đổ bệnh. Gọi hai con đến bên giường dặn rằng: - Cha con sinh ở Quế Lâm, mẹ sinh ở Giang Đô, mộng hồn đều có chốn về, vì duyên số ngẫu nhiên đời nay gắn bó với nhau. Đó là lời di chúc của ta. Nói xong Tử Anh trút hơi thở cuối cùng. Hai người con nghe thấy nói thế cũng chẳng hiểu gì, chỉ nói là lúc lâm chung đã nói bừa, và cũng chẳng tìm hiểu tường tận. Ngờ đâu Tử Anh đến lúc chết vẫn còn minh mẫn, đó cũng là lời giáo hóa của Đức Già Lam ở chùa Quỳnh Hoa. Người đời sau đã làm một bài thơ rất hay. Bài thơ ấy như sau: Trai gái mắc oan đều có gốc, Phong tình đâu phải chuyện bỗng dưng. Oan trái đời nay chưa trả được, Chỉ sợ đời sau mắc vạ lây.