Nói xong nước mắt chị đầm đìa. Thi Huệ Khanh nghe xong, mặt tái mét, nói: - Tôi vốn có ý tốt, sao anh chị lại nghĩ tôi như vậy? Lẽ nào tôi lại chiếm đoạt vợ anh ấy. Nói xong, xô bàn đứng dậy bỏ đi. Về tới nhà anh nghĩ: "Không có lí gì mà Tăng Tiểu Tam lại bỏ đi như thế". Rồi anh lại nghĩ: "Nếu quả nhiên anh đi mà không về ngay, ta ở sát vách thế này cũng không ổn. Thôi thì ta dọn đi nơi khác". Hôm sau Thi Huệ Khanh tìm được nhà, rồi dọn đi. Những nhà lân cận đểu nói, Thi Huệ Khanh chỉ vờ thế thôi, chuyển xong chỗ ở thế nào cũng trở lại đón Thương thị. Hôm ấy không thấy Thương thị mở cửa đi đâu. Những người hàng xóm sinh nghi, đúng ngoài gọi không thấy trả lời, đẩy cửa vào thấy cửa khép hờ, chân quay cửa bị đào lên. Mọi người ùa vào xem, thấy Thương thị chết nằm co trên giường, vẫn còn vết tay bóp cổ. Tin Thương thị bị chết đồn ầm khắp làng, họ đều cho rằng: "Người đàn bà này chết đúng vào lúc người thợ giày sát vách dọn đi nơi khác. Vậy chỉ có anh ta giết chứ chẳng ai khác". Lập tức đưa việc này lên quan xét xử. Quan huyện là Thẩm Bá Minh đang ngồi làm việc tại công đường, nghe thấy chuyện giết người, bèn cầm tờ trình xem, hỏi lũ những người đi tố cáo, sau đó ra lệnh bắt Thi Huệ Khanh ngay. Lát sau người ta giải Thi Huệ Khanh tới. Tri huyện quát hỏi, sự việc đã xảy ra thế nào, Thi Huệ Khanh đáp: - Con trả nợ cho Tăng Tiểu Tam, Tăng Tiểu Tam gán vợ là Thương thị cho con. Nhưng con không muốn, nên phải chuyển đi nơi khác để tránh hiểm nghi. Con không biết vì sao Thương thị chết? - Mày không muốn lấy vợ người ta, - quan huyện thét mắng, - tại sao mày lại trả nợ hộ? Rõ ràng mày giả vờ từ chối, rồi lén lút hành dâm, không được, mày đã giết người ta. Thi Huệ Khanh gào lên kêu oan. Nhưng quan huyện nào có tin, sai người đánh đập Thi Huệ Khanh bức phải cung khai rồi tống Thi Huệ Khanh vào nhà lao. Đúng là: Làm ơn lại nên oán, Giúp người hóa chịu oan. Trời ơi! Đâu có tội. Oan này ai thấu cho. Hôm ấy Tăng Tiểu Tam từ biệt vợ, đi lối cửa sau ra khỏi thành tới Ngũ Đài Sơn. Đi được hơn hai mươi dặm thì trời tối, Tăng Tiểu Tam dừng chân, nghỉ tại một quán trọ bên đường. Không ngờ đến nửa đêm thì lên con sốt, sáng hôm sau không cất mình ngồi dậy được. Tăng Tiểu Tam ốm liệt giường đến hơn nửa tháng trời mới khỏi. Hôm ấy đang lúc sửa soạn lên đường thì thấy có người trong thành ra, họ kể lại chuyện Thi Huệ Khanh. Tăng Tiểu Tam giật mình nghĩ bụng: "Thi Huệ Khanh không phải là kẻ giết người. Hơn nữa khi nhường vợ cho anh, mình cũng đã nói trước với Thương thị. Thương thị cũng đã nghe theo. Không biết vì sao Thương thị lại bị giết. Thật là oan cho anh quá. Ta phải về xem sự thể thế nào, nếu không thì người tốt phải chịu oan". Tăng Tiểu Tam quay trở về không rẽ qua nhà, mà đi thẳng vào thành tìm tới nhà tù, van nài người coi tù dẫn Thi Huệ Khanh ra gặp. Tăng Tiểu Tam thấy Thi Huệ Khanh mặc quần áo tù, mình đầy xiềng xích, nước mắt ứa ra. Thi Huệ Khanh nói: - Tôi bị oan là do số trời đã định. Anh đừng nói nữa, tôi biết, lần này chị ấy vô cớ bị hại, điều đó càng làm cho anh thêm đau khổ. - Tôi đã làm cho anh phải liên lụy. - Tiểu Tam nói. - Tôi sẽ lên huyện minh oan cho anh. - Án đã quyết, - Thi Huệ Khanh nói, - quan huyện đâu chịu nhận sai? Anh đừng tốn công kêu oan nữa. - Nếu quan huyện không chịu làm ra nhẽ, ta sẽ lên ngài Lai sát Viện mới tới nhậm chức, bẩm lại việc này, nỗi oan sẽ được làm sáng tỏ. Nói xong Tăng Tiểu Tam từ biệt Thi Huệ Khanh, nhờ người làm đơn, rồi tới ngăn ngựa Lai Ngự sử, kêu khóc dâng đơn. Lai Ngự sử nhận đơn, sai tuần bổ giải Tăng Tiểu Tam về nha môn. Khi giải quyết xong việc công, ông cho Tăng Tiểu Tam tới hỏi tỉ mỉ sự việc đã xảy ra. Rồi ông sai người tới huyện lấy bản án Thi Huệ Khanh và cho gọi những người hàng xóm trước đây đã trình báo lên huyện. Ngày hôm sau, Lai Ngự sử trực tiếp hỏi cung, nghiên cứu tỉ mỉ lại một lần nữa, rồi ông hỏi những người láng giềng. - Sau khi chồng Thương thị đi, có người nào đến nhà không? - Bẩm quan, không thấy ai đến ạ. - Những người láng giềng nói. - Hàng ngày có người thân thích nào hay đến không? - Lai Ngự sử hỏi Tiểu Tam. - Thưa ngài, con nhà nghèo, có mấy người bạn thân, nhưng họ cũng không hay lui tới. - Tăng Tiểu Tam trả lời. - Thường ngày anh hay đi lại với ai? - Lai Ngự sử hỏi Thi Huệ Khanh. - Con sống độc thân, không quan hệ với ai. - Thi Huệ Khanh trả lời. - Trong mấy ngày, từ khi trả nợ giúp, uống rượu, rồi dọn đi nơi khác, có đi lại với ai không ? - Lai Ngự sử hỏi. Thi Huệ Khanh nghĩ một lát rồi nói: - Hôm trả nợ, con có mời hòa thượng Hóa Duyên đến nhà con ăn bữa cơm chay. - Người ấy là hòa thượng chùa nào? - Lai Ngự sử hỏi. - Đó là hòa thượng của chùa Bảo ứng ngoại thành, - Thi Huệ Khanh nói, - tới khuyên giáo xây chùa. Hòa thượng làm chiếc liều nhỏ ở ngay xóm con để đi khuyên giáo. Lúc đầu con định tiến cúng ba mươi lạng đó xây chùa, cho nên con đã mời hòa thượng đến ăn chay. Sau đó vì trả nợ cho Tăng Tiểu Tam, con không tiến cúng vào chùa nữa. - Hòa thượng hiện còn ở đấy không? - Lai Ngự sử hỏi. - Thưa ngài, hòa thượng đi rồi. - Những người láng giềng trả lời. - Đi bao giờ? - Lai Ngự sử hỏi. - Bẩm ngài, đi đúng vào ngày Thi Huệ Khanh dọn nhà. - Những người láng giềng trả lời. Lai Ngự sử trầm ngâm hồi lâu, rồi nói với mọi người rằng: - Vụ án này khó mà sáng tỏ ngay được, hãy chờ đến hôm khác xét xử tiếp Nói xong cho mọi người trở về, Tăng Tiểu Tam chờ xét sau. Từ đó, Lai Ngự sử không nhắc tới vụ án nữa. Để bẵng đi tới hai tháng trời. Một hôm Lai Ngự sử bỏ ra một trăm lạng bạc cho chùa Bảo Ứng thết đãi các nhà sư. Hôm sau lại đích thân tới chùa dâng hương. Nhà sư trụ trì nghe tin Ngự sử đích thân tới chùa, bèn tụ tập các sư ra nghênh tiếp. Lai Ngự sử xuống kiệu vào chùa lễ Phật. Đi quanh chùa một lượt, Ngự sử hỏi: - Xây dựng xong ngôi chùa mất khoảng bao nhiêu? - Phải mất hai ba ngàn lạng. - Nhà sư trụ trì nói. - Muốn chùa sửa sang hoàn thành, phải hoàn toàn dựa vào sự quyên góp sao? - Lai Ngự sử nói. Nhân đó Lai Ngự sử hỏi đã cử bao nhiêu hòa thượng đi quyên góp. Nhà sư trụ trì nói: - Có mười người, được chia đi các nơi. - Thế mười hòa thượng ấy hôm nay có ở chùa không - Lai Ngự sử hỏi. - Hôm nay ngài tới chùa đãi cơm chay, họ đều ở chùa cả. - Hòa thượng trụ trì nói. Lai Ngự sử bảo những người giúp việc rằng, ngoài cơm chay bình thường ra, dọn thêm mười mâm cỗ chay, khoản đãi mười hòa thượng đi quyên góp. Một mặt bảo sư trụ trì gọi từng người tới trình sổ quyên góp cho ông xem, để sau này bản viện tiện tiến cúng. Sư trụ trì tuân lệnh, lập tức gọi mười hòa thượng lại. Song chỉ gọi được chín người, còn một người tìm mãi vẫn không thấy. Lai Ngự sử nghiêm mặt nói: - Ta có thiện chí mời tới ăn chay, tại sao lại trốn biệt không chịu ra gặp ta? Rồi ông quát sai dịch tìm tất cả các phòng, song sao mà tìm thấy được? Thấy Lai Ngự sử quát tháo bắt đi tìm, hòa thượng ấy càng trốn kĩ. Sư trụ trì vội vàng tìm khắp nơi, rồi đi thẳng tới gian bếp cất giữ hương cũ, thấy hòa thượng chui vào chiếc lò hóa vàng hương. Sư trụ trì và các sai dịch lôi ra, giải đến trước Lai Ngự sử. Thấy mặt mũi, chân tay nhem nhuốc như một vị La Hán đúc bằng sắt. Lai Ngự sử gọi người mang nước đến cho hắn rửa mặt. Lại cho gọi Tăng Tiểu Tam và những người hàng xóm của anh đến, hỏi: - Có phải đây là hòa thượng đã đến xóm các anh dựng lều để đi quyên góp không? - Đúng là ông ấy. - Mọi người trả lời. Lai Ngự sử chỉ vào mặt gã hòa thượng ấy quát: - Ngươi đã hãm hại Thương thị, vợ của Tăng Tiểu Tam, giờ ngươi chạy đâu cho thoát. Gã hòa thượng vẫn chối quanh. Lai Ngự sử cho giải các phạm nhân và gã hòa thượng về nha môn để thẩm vấn. Về tới nha môn. Lai Ngự sử mở phiên tòa xét xử giải hòa thượng Hóa Duyên tới, cho lính cùm kẹp. Đau quá không chịu nổi, hòa thượng đành phải khai: - Con là Khứ Phi chùa Bảo Ứng. Vào tháng... con đã dựng lều tại xóm... để đi khuyên giáo. Biết được Thi Huệ Khanh người xóm ấy giúp Tăng Tiểu Tam trả nợ. Tiểu Tam gán Thương thị cho Huệ Khanh rồi bỏ đi. Huệ Khanh không muốn lấy Thương thị. Thương thị ở một mình, phạm tăng nẩy ra ý xấu. Vào tháng... đêm... đã thay quần áo đóng giả Thi Huệ Khanh, lén lút mở cửa vào nhà, lừa dối Thương thị để dâm ô. Bị Thương thị phát hiện kêu lên, phạm tăng sợ người ta biết, đã bóp chết Thương thị. Những điều con khai là đúng sự thực. Lai Ngự sử ghi những lời cung khai tội lỗi, đánh ba mươi gậy, gông cổ, giam hòa thượng vào nhà lao tử tù. Cho gọi sư trụ trì tới mắng: - Ngươi cho đồ đệ đi khuyên giáo, chúng lại làm những việc bất lương, phải chịu tội liên đới. Nay ta tha, phạt ngươi ba trăm lạng, đền cho Thi Huệ Khanh. Sư trụ trì cúi đầu chịu phạt, Lai Ngự sử sai người dẫn Thi Huệ Khanh tới, đồng thời cho gọi tri huyện Thẩm Bá Minh. Viên tri huyện sợ hãi xin nhận tội. Lai Ngự sử quát: - Ngươi đã xử oan, hãm hại người lương thiện, tội ác như thế làm quan sao được. Ngươi đáng phải chịu tội. Nay ta phạt ngươi năm trăm lạng bạc, đền cho Thi Huệ Khanh. Sau đó Lai Ngự sử cho gọi Thi Huệ Khanh lại an ủi: - Anh là một đấng trượng phu đáng được khen thưởng. Ta thưởng cho người tám trăm lạng bạc. Đây là phần thưởng nêu gương điều thiện. Thi Huệ Khanh thưa: - Con đã được ngài minh oan, cải tử hoàn sinh. Nay con xin xuất gia, không dám nhận tám trăm lạng tiền thưởng. Xin một nửa để xây dựng chùa, còn một nửa tặng cho Tăng Tiểu Tam, để anh thờ cúng người vợ đã mất, và lấy người vợ khác. Tăng Tiểu Tam cúi lạy nói: - Từ lâu con đã phát tâm tới Ngũ Đài Sơn tu hành, không muốn nhận bạc, số bạc này để lại xây dựng chùa. Lai Ngự sử nghe xong trầm ngâm nới: - Hai anh không nhận bạc, đều muốn xuất gia. Ta định sẽ giải quyết theo cách khác. Thế rồi ông cho gọi tất cả hòa thượng tới, nói: - Các người đều là lũ trọc đầu không có tấm lòng trong sáng lại muốn làm người tu hành. Phần lớn khi còn nhỏ, cha mẹ nghèo đói, không có nghề nghiệp gì truyền lại, bảo rằng mình gặp cơn đen vận túng phải cho con đi tu. Khi lớn lên dục vọng nảy sinh, làm những điều xấu xa. Hoặc có người nửa đường đứt gánh, hoặc do nghèo túng bức bách đi tu, hoặc vì phạm tội, không còn cách nào phải trốn vào cửa thiền. Rồi được khách thập phương cúng đốn, ăn no mặc ấm, từ đó nẩy sinh ý xấu. Đó gọi là: "Đói rét sinh trộm cướp, no ấm sinh dâm dục". Nay ta cho các ngươi hoàn tục, nếu ai muốn, ta cho năm lạng bạc trở về quê quán làm dân lương thiện. Quá nửa tăng lữ xin hoàn tục, những người đó được Lai Ngự sử cho bạc rồi thả ra. Lệnh cho Thi Huệ Khanh, Tăng Tiểu Tam tạm thời trụ trì chùa Bảo ứng, và Lai Ngự sử dặn họ rằng: - Ta muốn mở đàn tràng cúng cô hồn ba ngày ba đêm tại bản tự, đến ngày đó sẽ cử hành lễ cắt tóc làm hòa thượng cho các ngươi. Việc này cần rất nhiều tăng lữ, song tăng lữ tại địa phương rất ít, có người lại chưa biết hành lễ, bởi thấy cần mời các nhà sư tiếng tăm ở các nơi về, thì mới làm tốt được việc này. Nói xong Lai Ngự sử cho một số người đem bản yết thị dán khắp nơi, từ các cổng thành, đến các vùng thôn quê và chùa chiền. Bản yết thị như sau: - Giám Sát Ngự sử Quảng Đông mời các tăng lữ về hành lễ để chấn hưng Phật giáo. Bản viện chọn ngày lập đàn tràng lớn tại chùa Bảo ứng. Song tăng nhân địa phương không đảm đương nổi việc nhà Phật. Vậy kính mời tăng nhân thập phương về bản tự lập đàn tràng ba ngày ba đêm, cúng các tướng sĩ trận vong, và các cô hồn bị hại ở khắp nơi. Nghĩ rằng các nhà sư đang vân du muôn nẻo, nhất định sẽ có những thánh tăng. Bởi thế mời các vị tới để cử hành khóa lễ trọng thể này". Khi công bố bản yết thị, các nơi truyền tin nhau. Những tăng lữ đang vân du, nghe tin đều lũ lượt về chùa Bảo ứng. Lai Ngự sử đột nhiên đến chùa tiếp kiến, lần lượt ghi danh sách quê quán, và chia về từng phòng yên nghỉ. Bỗng thấy một hòa thượng: Hai mắt tráo trừng. Lông mày dựng ngược. Hùng hùng hổ hổ học thói La Hán cưỡi rồng. Hằm hằm độc ác như thể Thiền sư cưỡi hổ. Chuỗi tràng hạt ở cổ như đốt xương người. Gậy thiền trượng trên tay, như tắm máu tươi. Đó chẳng phải là ai khác, hán chính là gã hòa thượng cách đây năm năm đã đuổi Lai Ngự sử rơi xuống giếng. Hắn không nhận ra Lai Ngự sử, nhưng Lai Ngự sử lại nhận ra hắn. Lai Ngự sử vờ nói: - Đêm hôm qua ta nằm mơ thấy Quan âm Đại Sĩ, nói với ta rằng: "Ngày mai có một vị hòa thượng, tuy dáng vẻ dữ tợn, nhưng lại là một vị cao tăng đức hạnh”. Nay thấy đúng như lời báo mộng, thì đây nhất định là một hòa thượng tốt. Xin mời đến dinh dùng cơm chay. Nói xong sai người dẫn hòa thượng đến nha môn. Sai dịch nói: - Ở chốn nha môn không được mang thiền trượng vào. Họ bảo hòa thượng để thiền trượng ở ngoài, rồi dẫn vào nhà Lai Ngự sử lập tức trở về nha môn. Vừa bước vào cổng, ông thét bọn tay chân trói hòa thượng lại. Hòa thượng vội kêu: - Bần tăng vô tội. - Ngươi vẫn còn nói là vô tội ư? - Lai Ngự sử quát. - Ngươi còn nhớ cách đây năm năm, người đã đuổi một thư sinh rơi xuống giếng không? Gã hòa thượng nhìn kĩ Lai Ngự sử, bỗng chết lặng đi, cứng họng không nói được. Lai Ngự sử nói: - Tại sao hôm ấy ngươi giết người đàn bà? Hãy khai cho ra để khỏi phải tra tấn. - Pháp danh của con là Đạo Hư. - Hòa thượng nói. - Năm ấy cùng với sư huynh là Đạo Vi đi qua ngôi miếu ở ngoài thành thuộc huyện Đồng Hương, ngẫu nhiên thấy một thiếu phụ, rồi nẩy ra ý xấu, bức người ấy vào miếu cưỡng dâm. Không ngờ ngài đi qua gặp được, bởi thế con đã cả gan đuổi ngài rơi xuống giếng. Khi về tới miếu, thấy người đàn bà ấy đã chết, còn sư huynh bỏ đi đâu không biết. Quả thật con đã đuổi ngài, nhưng kẻ giết người không phải là con. - Hiện nay Đạo Vi ở đâu? - Lai Ngự sử hỏi. - Con không biết hắn ta ở đâu? - Đạo Hư nói. Lai Ngự sử trầm ngâm hồi lâu, rồi lấy danh sách những hòa thượng tới chùa Bảo ứng ra xem, thấy cách đó ba hôm Đạo Vi đã tới chùa. Lai Ngự sử lập tức sai người đến chùa bắt Đạo Vi. Quát hỏi: - Sư đệ khai, cách đây năm năm ngươi đã giết người đàn bà tại ngôi miếu cổ. Ngươi hãy thành thật khai ngay. - Con không bạn bè gì với Đạo Hư. - Đạo Vi nói. - Con và tiểu tăng hiềm khích, nên Đạo Hư đã hại con. Xin ngài soi xét. - Rõ ràng ngươi đã giết người đàn bà ấy. - Đạo Hư nghiến răng nói. - Bây giờ người còn chối cãi quanh co. Lai Ngự sử quát, cho người mang kẹp ra kẹp, hắn vẫn không khai. Lai Ngự sử nhìn kĩ, song không nhận được mặt Đạo Vi. Hôm ấy bị đuổi, quay lại nhìn mấy lần ông chỉ nhớ được mặt Đạo Hư, còn gã hòa thượng trong miếu thì không nhớ được. Lai Ngự sử thấy Đạo Vi không chịu cung khai, bèn kẹp, bắt Đạo Hư phải khai đúng sự thực. Đạo Hư chỉ một mực nói là Đạo Vi chứ không hề thay đổi lời khai. Lai Ngự sử nghĩ một lát rồi cho giam riêng mỗi người một nơi, hôm sau xét xử tiếp. Đạo Vi bị giam riêng trong ngục, hắn nghĩ bụng: "Ngự sử đã nhận được mặt Đạo Hư, nên hắn không thể chối được. May mà ông ta không nhớ được mình. bây giờ cứ thối phăng, thì vẫn có thể thoát chết. Ngày mai xét xử dù cò kẹp hai ba chiếc kẹp, ta vẫn cố chịu đựng không khai, nhất định sẽ được tha”. Vào lúc canh ba, giữa đêm tối mịt mùng, Đạo Vi nghe thấy tiếng ma khóc văng vẳng từ xa, rồi sau cứ rõ dần. Đạo Vi tỉnh giấc lắng tai nghe, thấy tiếng nói khe khẽ bên tai: "Đạo Vi, mày giết chết tao, tao khổ lắm, lần này mày phải đền mạng". Đạo Vi chột dạ sợ quá, bất giác kêu thất thanh: "Có phải người là oan hồn người đàn bà không? Ta trong giây lát đã giết chết người, ta sai rồi, ngươi đừng tới đòi ta đền mạng nữa, lần này thoát chết, ta sẽ làm nhiều việc tốt để siêu sinh tịnh độ cho ngươi”. Vừa nói xong, thấy đèn đuốc sáng rực, hai người lính mặc áo xanh ập tới, quát lớn: - Trên trọc đầu! Mày đã tự khai ra rồi. Chúng tao không phải là ma quỷ, mà là người tâm phúc của quan Ngự sử, giả vờ khóc để thử lòng mày. Nay thì chân tướng của mày đã bại lộ. Mày không thể chối cãi được nữa. Đạo Vi nghe xong sợ xanh mặt. Đúng là: Đêm đen đuối lí, Sáng quắc mắt thần. Không một bóng người, Chân tướng lộ ra. Hai người lính lệ, trói chặt Đạo Vi, chờ tới sáng giải hắn lên bẩm quan. Lai Ngự sử cười nói: - Hôm qua ta kẹp, ngươi không khai, đêm qua không kẹp thì tự ngươi khai ra. Nay còn nói gì nữa không. Đạo Vi thấy không thể chối quanh được nữa, đành phải khai rõ sự thật. Ngự sử lấy khẩu cung rồi lại giam vào ngục. Đồng thời lệnh cho chùa Bảo Ứng ngay ngày hôm ấy lập đàn tràng. Sau đó đích thân đến chùa, cắt tóc cho Thi Huệ Khanh, Tăng Tiểu Tam, và đặt pháp danh cho hai người là Chân Thông, Chân Thiết. Sau đó mời hai người làm hòa thượng, chủ trì đại lễ lại lệnh cho sư các chùa đều phải tôn kính hai vị hòa thượng này. Chân Thông, Chân Thiết bẩm rằng: - Hai chúng tôi chỉ biết niệm Phật, không biết tụng kinh, không chủ trì đại lễ được. - Hai vị là bậc cao tăng chân chính có đức hạnh, - Lai Ngự sử nói, - chỉ niệm Phật cũng đủ để siêu sinh tịnh độ cho cô hồn. Thế rồi mời hai vị bước lên đài ngồi, cất cao giọng niệm Phật. Còn các tăng lữ ở dưới tụng kinh, tấu nhạc họa theo, cứ thế ba ngày ba đêm, đại lễ xong. Lai Ngự sử cho làm ba chiếc quan tài lớn, dẫn Khứ Phi, Đạo Hư, Đạo Vi tới trước đàn tràng, đánh mỗi tên một trăm roi, rồi cho vào quan tài, chất củi xung quanh. Cả một biển người từ các ngã ùn ùn đổ về chùa đông nghịt. Đúng vào giờ Ngọ, Lai Ngự sử rút từ trong tay áo ra một tờ giấy, đưa cho Chân Thông, Chân Thiết, bảo họ tuyên đọc. Chân Thông, Chân Thiết cũng biết được ít chữ, mở ra xem thì đó là một bài kệ, bèn đồng thanh tuyên đọc: “Những việc ba người này gây ra không thể nói hết được. nay ta giải oan cho các ngươi, giải oan cho các ngươi. Đốt hết gốc rễ tham lam xấu xa, thiêu hết mẩm dâm dục độc ác. Từ nay diệt tận gốc, không sinh ra kiếp ác độc nữa". Đọc xong Lai Ngự sử nổi lửa, ngọn lửa rần rật bốc cháy, phút chốc ba gã hòa thượng cháy thành tro. Đúng là: Siêu thoát sư ngồi thiền. Đốt chết hòa thượng sống. Tất cả nhập niết bàn. Cõi đời nợ xóa sạch. Lai Ngự sử đã sai người đặt sẵn hai bài vị trên đàn tràng. Trên đó ghi: "Linh hồn Chu thị bị hại" và "Linh hồn Thương thị bị hại". Trước hai bài vị bày hương nến và lễ vật. Thiêu sống xong ba hòa thượng, Lai Ngự sử mời Chân Thông, Chân Thiết đến trước linh sàng hai người đàn bà, cúng rồi hóa vàng. Lai Ngự sử lại rút trong tay áo ra một trang giấy đưa cho hai người tuyên đọc: Thương người đã làm thân phụ nữ, Chớ sao phải chịu chết thảm thương. Nghiệp trước nghĩ rằng chưa xóa hết, Cho nên đời này chịu diệt trừ. Cô hồn mờ mịt nào yên được, Báo oán nỗi oan bao giờ xong. Nay ngươi siêu thoát khỏi kiếp sống, Hãy về nơi cõi Phật Tây Phương. Đọc xong, hóa vàng hương, bài vị. Đàn tràng kết thúc. Hôm sau Lai Ngự sử tập hợp tăng lữ các nơi lại, rồi cho hoàn tục. Nếu người nào không muốn, phải đến nơi chức trách lĩnh giấy chứng nhận sư. Nếu không có giấy, không được phép ra khỏi châu huyện. Người nào vi phạm coi như đạo tặc. Tuyên bố xong, các nhà sư khất đầu lạy tạ ra đi. Quan huyện Đồng Hương, trước đây là Hồ Hồn, vì lầm lỗi nên bị giáng chức xuống làm huyện thừa huyện Long Môn. Tham tướng Quảng Đông trước đây là Cao Huân, dựa vào Cao Cầu nên vẫn trở lại nhậm chức như cũ, Lai Ngự sử cho gọi họ tới dinh quan, quát hỏi Hồ Hồn về tội đã xử oan sai vụ án người rơi xuống giếng. Hồ Hồn sợ quá cúi đầu nhận tội. Lai Ngự sử mắng chửi hồi lâu, rồi bắt hắn phải bỏ ra một ngàn lạng bạc trích ra hai trăm lạng cho Ngưỡng A Nhuận, số còn lại dùng để xây dựng chùa. Sau đó lại gọi Cao Huân, nói rằng hắn dung túng cho quân lính làm hại dân, ta phải tâu lên cấp trên. Can Huân hoảng sợ xin tha tội, và xin bỏ ra một ngàn lạng để xây dựng chùa. Lai Ngự sử nói: - Ngươi vơ vét bóp nặn dân chúng để tiến cúng xây dựng ngọn tháp bảy tầng, thì có khác gì sơn máu mỡ người lên tháp. Nay hãy mang số bạc ấy cứu tế dân nghèo, và phạt ngươi thêm một ngàn lạng bạc nữa mua thóc lúa dự trữ, cứu tế dân khi gặp thiên tai. Hai người ấy đều phải tuân lệnh. Lai Ngự sử lại lệnh cho tri huyện Thẩm Bá Minh, Hồ Hồn, Cao Huân đến chùa Bảo Ứng bái kiến Chân Thông, Chân Thiết, chọn ngày tốt tiễn họ lên Ngũ Đài Sơn. Lệnh cho sư các chùa đánh trống tấu nhạc đi trước. Tri huyện Thẩm Bá Minh, Huyện thừa Hồ Hồn và Tham tướng Cao Huân đi bộ tiễn chân Chân Thông, Chân Thiết ra khỏi thành, lại sai thư lại mang theo tiền lộ phí, trực tiếp tiễn đưa hai ông về Ngũ Đài Sơn. Đúng là: Tìm hòa thượng chân chính. Hãy nhìn vào dân lành. Hai người làm hòa thượng. Một vị làm quan to. Thời ấy nhân dân Quảng Đông, ai ai cũng ngợi ca Lai Ngự sử là người sáng suốt. Ở triều đình, Trương Xu Mật nghe thấy tiếng tăm Lai Ngự sử lừng lẫy, dâng sớ đặc biệt tiến cử, được triều đình thăng làm Điện trung Thị Ngự sử. Lai Ngự sử vâng lệnh về triều, dân chúng sĩ phu Quảng Đông đứng chật đường tiễn chân. Lai Ngự sử về huyện Đồng Hương đón vợ và gia đình Thủy Ngoại Sinh tới kinh đô. Triều đình phong thưởng, cha mẹ vợ con cũng được phong tặng. Lai Ngự sử xin cho Thủy viên Ngoại làm quan, suốt đời được vinh thân phì gia. Về sau Lai ngự sử lại dạy dỗ con cái Thủy viên ngoại học hành đổ đạt, báo đền ơn tri kỉ xưa kia. Đúng là: Trên đời nhất định được minh oan. Ân đức có ngày sẽ báo đền. Những người trí dũng và nhân ái. Suốt đời vẫn giữ trọn hiếu trung. Lai ngự sử cắt tóc cho hai hòa thượng đi tu là bảo vệ Phật; thiêu chết ba hòa thượng là bảo vệ Phật; cho những hòa thượng hoàn tục cũng là bảo vệ Phật. Thời ấy ai ai cũng nói đến phật, gặp sư là vái chào, như thế mới gọi thực tâm mến mộ đạo Phật. Nay chúng ta đọc truyện này, ai ai cũng vỗ tay khen ngợi!