Một hôm Bao Công cùng với Bao Hưng bí mật tới huyện Định Viễn. Họ tới một hàng cơm nghỉ chân ăn lót dạ. Đang ăn, họ thấy có một người vào, người bán hàng mang ra hai bình rượu, hai chiếc chén. Người ấy hỏi: - Có mình tôi, sao ông lại mang ra hai bình rượu, hai chiếc chén? - Vừa thấy đi sau ông là một người đầu tóc bù xù, áo quần loang lổ máu. Tôi nghĩ rằng ông là người khuyên ông ấy hòa giải, không biết sao bây giờ đã biến mất. Chưa biết chừng hay là tôi hoa mắt. Thấy vậy, người ấy hoảng sợ mặt tái nhợt, cử chỉ gượng gạo luống cuống, khác hẳn với dáng vẻ nghênh ngang khi mới bước vào. Bỗng chốc anh ta ngơ ngơ ngác ngác, đến rượu cũng không uống, vội vàng trả tiền bỏ đi. Bao Công thấy thế hỏi chủ quán: - Người ấy là ai? - Anh ấy là Bì Hùng, - chủ quán nói, - là chủ cửa hàng buôn ngựa. Anh ấy có tới bốn con ngựa quý. Bao Công ghi lại họ tên người ấy. Ăn cơm xong, Bao Công lệnh ngay Bao Hưng tới huyện truyền dự, nói rằng ông lớn sắp tới nhiệm sở. Sau đó Bao Công bước ra khỏi hàng ăn. Chưa tới huyện đã thấy các quan và nha lại ra nghênh tiếp. Tới huyện quan giữ văn thư giao ấn tín cho ông, và bàn giao tất cả mọi việc. Bao Công xem hết cuốn hồ sơ xét xử, thấy trong đó có vụ án Thẩm Thanh giết sư, tại điện Già Lam, tình tiết hết sức tỉ mỉ. ông bèn lệnh mở cửa công đường xét hỏi vụ án Thẩm Thanh. Tất cả nha lại đã biết rằng, trên đường tới huyện, ngài đã bí mật điều tra, thế mới biết ngài là người rất ghê. Bởi thế ai ai cũng phải hết sức cẩn thận, chuẩn bị chu đáo. Vừa nghe thấy truyền lệnh, lập tức những người liên quan đến xét xử vụ án đã đứng xếp hàng tề tựu hai bên. Bao Công tới công đường, rút lệnh sai gọi Thẩm Thanh. Lát sau, nha lệ đã dẫn Thẩm Thanh từ nhà giam tới, quỳ trước công đường. Bao Công chăm chú nhìn, thấy người này chưa đầy ba mươi tuổi, run lẩy bẩy, nằm bò trên đất, không giống một tên hung thủ. Bao Công nhìn xong nói: - Thẩm Thanh, vì sao ngươi giết người? Hãy khai thực. - Con đi thăm người nhà trở về, - Thẩm Thanh vừa khóc vừa nói, - lúc ấy đã muộn, trời lại mưa mù mịt, đường lầy lội rất khó đi. Con vốn nhát gan, không dám đi đêm, ở phía nam huyện cách đấy ba dặm có một ngôi miếu cổ, con vào đó tránh mưa. Ai ngờ hôm sau trời chưa sáng, đang trên đường về, công sai thấy người con có vết máu, mới hỏi con từ đâu tới. Con nói rằng hôm qua con đi thăm người thân về, trời đã muộn, con vào điện Già Lam trong chùa nghỉ tạm. Không ngờ công sai ngăn con lại không cho đi, bắt con tới chùa xem sao. Trời ơi! Khi con cùng công sai tới chùa, thì thấy một vị sư bị giết bên cạnh tượng Phật. Quả thực con không biết kẻ nào đã giết vị sư ấy. Bởi thế hai vị công sai giải con tới huyện rồi bảo con giết sư. Con, thật là oan uổng, xin ngài đèn trời soi xét. Thấy thế Bao Công hỏi: - Ngươi ra khỏi chùa lúc nào? Lúc trời chưa sáng. - Thẩm Thanh đáp. - Vì sao áo ngươi có vết máu? - Bao Công hỏi. - Con ở Thần Trù, - Thẩm Thanh nói, - máu chảy qua, thấm vào áo con. Bao Công nghe xong gật đầu, cho người dẫn Thẩm Thanh giam vào ngục. Rồi ông lập tức gọi kiệu, đến ngay điện Già Lam. Bao Hưng đỡ ông lên kiệu, gài thật tay vịn rồi cưỡi ngựa theo sau. Ngồi trên kiệu Bao Công nghĩ: "Hắn ta đã giết sư, tại sao áo quần không có vết máu, mà chỉ có vệt máu sau lưng? Hơn nữa tuy là giết bằng dao, sao lại không có hung khí?". Ông cứ ngẫm nghĩ mãi cho tới khi đến điện thờ. Ông xuống kiệu, chỉ mình ông vào chùa không cho ai theo. Tới trước điện, thấy tượng Phật bằng gỗ đã mục nát, đổ sập, ông đi vòng ra sau lưng tượng, nhìn kĩ trên dưới, bất giác lặng lẽ gật đầu. Quay lại nhìn kĩ dưới Thần Trù, thấy dưới đất có vết máu lờ mờ nhoe nhoét, bên cạnh đó có một vật, ông lặng lẽ nhặt lên xem, rồi nhét ngay vào tay áo. Sau đó ông lập tức lên kiệu về ngay nha môn. Tới thư phòng, Bao Hưng dâng trà, nói rằng: - Lý Bảo đã mang hành lý tới. Bao Công thấy thế, bảo ông ta vào. Lý Bảo vội vàng vào cúi đầu vái lạy Bao Công bèn bảo Bao Hưng gọi người đầu mục trực phiên tới. Bao Hưng tuân lệnh, lát sau dẫn đầu mục vào quỳ trước mặt Bao Công. Anh ta nói: - Con là Hồ Thành xin cúi đầu lại ngài. Bao Công hỏi: - Trong huyện các anh có thợ mộc không? - Có ạ Hồ Thành đáp. - Anh hãy gọi tới đây mấy người. - Bao Công nói. - Ta có một việc quan trọng phải làm ngay, sáng sớm mai hãy gọi họ đến đông đủ. Hồ Thành vội vàng tuân lệnh, rồi ra khỏi phòng. Sáng hôm sau Hồ Thành vào bẩm: - Con đã gọi thợ mộc đến đây cả rồi, họ đang đứng ngoài chờ lệnh ngài. - Hãy chuẩn bị cho ta một số bàn thấp, một ít nghiên bút tới phòng khách phía sau, không được làm lỡ việc, đi thôi. Hồ Thành vâng lệnh vội vàng đi chuẩn bị. Bao Công chải đầu xong, cùng Bao Hưng tới phòng khách, bảo dẫn những người thợ mộc vào. Tất cả có chín người, đều quỳ xuống nói: - Chúng con xin cúi đầu chào ông lớn. Bao Công nói: - Ta muốn làm các kiểu đôn để chậu hoa, kiểu cách phải mới lạ. Các anh mỗi người vẽ một cái, ta chọn cái nào đẹp sẽ trọng thưởng. Nói xong ông sai người đặt nghiên bút giấy mực lên bàn. Thấy chín người thợ mộc ngồi thành hai hàng, ai ai cũng vắt óc suy nghĩ, muốn vẽ một kiểu thật đẹp để được lòng Bao Công. Trong số đó có người quen dùng bút tre không cầm được bút lông; cũng có người sợ quan run cầm cập vẽ chẳng ra gì, cũng có người tự nhiên không sợ hãi, chỉ loáng một cái đã vẽ xong. Bao Công ngồi trên chăm chú nhìn. Một lát sau họ vẽ xong, lần lượt trình lên. Ông lớn nhận xem từng tờ một, rồi hỏi: - Anh tên gì? - Con là Ngô Lương. - Người ấy đáp. Bao Công nói với những người thợ mộc rằng: - Cho các ngươi về, giải Ngô Lương lên công đường. Mọi người dạ ran, lập tức đánh trống mở công đường. Bao Công đập bàn quát: - Ngô Lương, vì sao ngươi lại giết sư? Hãy khai thực, khỏi phải tra tấn đau đớn. Thấy thế Ngô Lương vô cùng hoảng sợ nói: - Con sống bằng nghề thợ mộc, là người rất yên phận, đâu dám giết người. Xin ông lớn đèn trời soi xét. Bao Công nói: - Xem ra thằng này không chịu khai. Các ngươi đến ngay điện thờ Phật, khiêng tượng phật tới đây. Cấp dưới vâng lệnh đi ngay. Một lát sau họ chuyển tượng Phật tới công đường. Mọi người thấy khiêng tượng tới công đường xét hỏi, ai ai cũng muốn đến xem chuyện kì lạ này. Thấy Bao Công rời khỏi bàn, đón tượng để xuống, rồi với dáng vẻ như hỏi tượng. Mọi người thấy thế tự nhiên bật cười. Ngay cả Bao Hưng cũng nghĩ thầm: "Không biết ông lớn nhà mình cố làm ra vẻ như thế để làm gì?". Rồi thấy Bao Công trở về chỗ ngồi, nói: - Ngô Lương! Vừa rồi Phật nói rằng, hôm ấy khi ngươi hành hung, còn để lại sau lưng Phật một dấu vết riêng. Hãy đưa Ngô Lương xuống đọ. Cấp dưới vâng lệnh dẫn Ngô Lương xuống, thấy chỗ bả vai sau lưng Phật quả nhiên có vết bàn tay trái sáu ngón. Ai ngờ tay trái của Ngô Lương cũng có sáu ngón, khi đọ thấy không sai một li. Ngô Lương sợ quá hồn xiêu phách lạc, ai ai cũng phải lè lưỡi kính phục: "Ngài thật là thần thánh, làm thế nào mà ngài biết được gã thợ mộc Ngô Lương". Họ hoàn toàn không biết hôm ấy Bao Công khi tới miếu khám nghiệm, ông nhặt được một vật dưới nền đất, đó là chiếc tầu mực của thợ mộc. Và ông lại thấy sau lưng tượng Phật có vết bàn tay sáu ngón, bởi thế ông nghĩ tới thợ mộc. Sai nha dẫn Ngô Lương vào quỳ trước công đường. Bao Công đập bàn quát: - Ngô Lương, chứng cớ đã rành rành, mà ngươi vẫn không chịu khai thực. Nha lại quát thét: - Khai mau, khai mau! Ngô Lương vội khai: - Bẩm quan lớn, xin quan bớt giận, con sẽ khai hết sự thực. Thư lại bên cạnh ghi lời khai. Ngô Lương nói: - Con chơi thân với hòa thượng trong chùa, hòa thượng rất thích rượu, con cũng là một tên bợm rượu. Vì hôm ấy hòa thượng mời con uống rượu, ai ngờ ông say. Con khuyên ông nên nhận một đồ đệ, để sau này lỡ ra viên tịch. Ông nói: "Bây giờ đồ đệ rất khó tìm. Dù sau này có viên tịch ta cũng chẳng sợ. Mấy năm nay ta kiếm được hơn hai chục lạng bạc". Nhân lúc đang say, con mới hỏi rằng: “Số bạc ấy ông giấu chỗ nào, nếu mất thì thật là uổng công mấy năm trời". ông ấy nói: "Mất làm sao được chỗ ta giấu chẳng ai ngờ tới". Con bèn hỏi: "Thế ông giấu ở chỗ nào?" Ông ấy nói: "Chúng ta thân thiết nhau, tôi mới nói cho anh biết, anh chớ nói với người khác nhé!". Thế rồi ông bảo rằng, ông giấu vào đầu tượng Phật. Lúc ấy con mới nổi máu tham, lại thấy ông ấy say, đã lấy rìu giết chết ông. Thưa ngài, xưa nay con dùng rìu phạt gỗ đã quen rồi nhưng chưa từng phạt người bao giờ. Bỗng nhiên phạt người con bủn rủn cả thân tay. Nhát rìu đầu phạt sẩy, ngờ đâu con gặp phải loại sư hổ mang định cướp rìu của con, con không chịu buông tha, đè ông ta xuống, chém liền mấy nhát, ông ta chết. Hai tay con đẫm máu, cứ thế lên bệ tay trái đỡ lấy lưng tượng, tay phải moi bạc trong đầu tượng ra, không chút để ý, để lại dấu tay. Nay bị ngài sáng suốt tìm ra, con quả thực đáng chết. Thấy đã khai thực, Bao Công lấy chiếc tàu mực đưa cho Ngô Lương xem. Ngô Lương nhận ra đó là chiếc tàu mực của mình, vì rút rìu ra, chiếc tàu mực ấy đã rơi xuống. Bao Công bảo hắn kí vào bản lời khai, rồi cùm tay, tống hắn vào nhà giam. Thẩm Thanh vô cớ chịu oan, Bao Công thưởng mười lạng bạc, rồi cho về. Vừa định kết thúc phiên xét xử, bỗng nghe thấy tiếng trống kêu oan. Bao Công lập tức cho phép vào. Thấy hai người từ cửa ngách bước tới. Một người trạc hai mươi tuổi, một người khoảng trên dưới bốn mươi, cả hai đều quỳ trước công đường. Người trẻ tuổi nói: - Con tên là Khuông Tất Chính, có người chú mở cửa hàng bán vải đoạn, tên là Khuông Tất Hưu. Vì chú con có một tua quạt bằng san hô nặng một lạng tám, mất ba năm nay chưa tìm thấy. Không ngờ hôm nay lại thấy người này đeo vật ấy bên hông. Sợ rằng mình nhận lầm, con định mượn để xem xem. Ai ngờ người ấy không cho xem, mà còn chửi là con vu cho ông ấy, rồi ông ấy giữ chặt con lại. Xin ngài phán xét. Người ấy nói: - Con là người Giang Tô, tên là Lã Bội. Hôm nay tại chỗ đường hẹp con gặp anh này, anh ta ngăn con lại, cứ khăng khăng nói rằng chiếc tua san hô con đeo bên hông là của anh ấy. Giữa thanh thiên bạch nhật mà dám đón đường ăn cướp, anh này quả thực là một kẻ xấu. Cầu mong ngài phán xét. Nghe xong, Bao Công cầm lấy chiếc tua san hô xem, thấy quả đúng như thế, nó mầu hồng nhạt bóng loáng, đẹp tuyệt vời. Bao Công hỏi Khuông Tất Chính: - Ngươi vừa nói chiếc tua này nặng bao nhiêu? - Thưa ngài, nặng hai lạng tám. - Khuông Tất Chính nói. - Nếu không đúng, và không giống hệt nhau, thì con không dám đổ cho ông ấy. - Ngươi có biết chiếc tua này nặng bao nhiêu không? - Bao Công hỏi Lã Bội. - Chiếc tua này là bạn con cho. - Lã Bội trả lời. - Con không biết nó nặng bao nhiêu lạng. Bao Công quay lại gọi Bao Hưng lấy cân tiểu li cân. Quả nhiên nặng đúng một lạng tám. Bao Công nói với Lã Bội: - Nếu theo trọng lượng, thì anh ta nói không sai, theo lí mà nói, chiếc tua này là của anh ấy. - Trời ơi! Bẩm ngài, chiếc tua này vốn là của bạn con cho con. - Lã Bội lo lắng nói, con cân làm gì cơ chứ? Người Giang Tô chúng con không dám nói dối. - Nếu là của bạn cho, thì bạn tên là gì? - Bao Công nói. - Hãy khai thực. - Bạn con là Bì Hùng, - Lã Bội nói, - anh ấy là lái buôn ngựa ai cũng biết. Bao Công bỗng nhiên nghe thấy hai tiếng Bì Hùng, bèn bảo dẫn hai người này xuống dưới, rồi lập tức truyền lệnh bắt Bì Hùng tới xét hỏi. Bao Công tạm rời khỏi công đường dùng cơm. Một lát sau, có người đến báo, Bì Hùng đã tới. Bao Công trở lại công đường, nói: - Giải Bì Hùng vào. Bì Hùng quỳ trước công đường, nói: - Thưa ngài, ngài gọi con tới có việc gì? - Nghe nói ngươi có chiếc tua quạt san hô, có đúng không? Bao Công hỏi. - Có ạ! Bì Hùng nói. - Ba năm trước, con nhặt được. - Chiếc tua ngươi có đưa cho ai không? - Bao Công hỏi. - Con không biết ai đánh mất, - Bì Hùng nói, - thì con dám đưa cho ai. - Chiếc tua ấy hiện ở đâu? - Bao Công hỏi. - Hiện đang ở nhà con. - Bì Hùng nói. Bao Công bảo cho Bì Hùng đứng sang một bên, rồi gọi Lã Bội tới. Bao Công hỏi: - Vừa rồi hỏi Bì Hùng, thì anh ta bảo, chưa bao giờ tặng anh chiếc tua này, vậy thì chiếc tua này tại sao đến tay anh? Hãy nói mau! Tự nhiên Lã Bội cuống lên, mới nói rằng Liễu thị vợ Bì Hùng cho. Bao Công thấy trong đó có manh mối, hỏi ngay: - Tại sao Liễu thị lại cho ngươi chiếc tua này? Hãy nói thực ra. Lã Bội không nói. Bao Công lệnh vả vào mồm hắn, sai nha vội bước lên, thì Lã Bội đã xua tay nói: - Thôi thôi, xin ngài bớt giận, con xin nói. Thế rồi hắn thuật lại, hắn đã thông dâm với Liễu thị và Liễu thị tặng hắn như thế nào. Bì Hùng thật không ngờ vợ mình lại thông dâm với Lã Bội. Bao Công lập tức cho gọi Liễu thị tới. Ngờ đâu Liễu thị rất căm giận chồng, vì hắn không chung thủy với mình, hằng đêm đã thông dâm với gái. Bởi thế tới công đường, không cần tra hỏi, Liễu thị đã tố cáo Bì Hùng thông dâm với Tất thị, vợ Dương Đại Thành, rằng: - Vật này Bì Hùng lấy của Tất thị về giao cho con hai ba năm nay. Con thân thiết với Lã Bội rồi ngấm ngầm tặng anh ấy. Bao Công lập tức lệnh bắt Tất thị đến xét hỏi. Đang lúc xét xử, thì bỗng nghe thấy tiếng trống kêu oan, Bao Công tạm thời cho những người này đứng sang một bên, và cho gọi người đánh trống kêu oan vào. Người vừa vào trạc năm mươi tuổi, tên là Khuông Tất Hưu, chú Khuông Tất Chính. Vì nghe thấy người ta lôi cháu mình tới cửa quan nên vội vàng tới thưa: - Cách đây ba năm, con không nhớ ngày, con tới cửa hàng bán vải đoạn của Dương Đại Thành mua đoạn, và dùng chiếc tua này làm vật thế chấp. Mấy hôm sau, con đến cửa hàng hỏi, thì không thấy Dương Đại Thành tới cửa hàng, và cũng không thấy chiếc tua này. Bởi thế con đến nhà Dương Đại Thành, ai ngờ Dương Đại Thành đã chết đúng vào tối hôm ấy, và cũng không biết tăm tích chiếc tua ấy, đành ngậm đắng nuốt cay. Không ngờ hôm nay đứa cháu của con nhìn thấy, rồi bị người ta đưa lên quan. Xin quan lớn đèn trời soi xét, để con được minh oan. Nói xong ông vái đầu cúi lạy. Bao Công nghe xong hiểu ngay, cho Tất Hưu xuống, rồi lập tức giải Bì Hùng, Tất thị lên xét hỏi. Bao Công hỏi Tất thị: - Chồng ngươi chết vì bệnh gì? Tất thị chưa trả lời, Bì Hùng đứng lên đáp: - Chết vì đau tim. Bao Công đập bàn quát: - Đồ chó chết! Tại sao ngươi biết chồng chị ta chết vì đau tim? Đúng là vì gian dâm mà âm mưu giết đi. Hãy khai rõ sự thực ngươi đã mưu hại Dương Đại Thành thế nào. Lính hầu hai bên cũng quát thét để uy hiếp: - Khai mau, khai mau! Bì Hùng hoảng sợ nói: - Quả thực con đã thông dâm với Tất thị, song con không mưu hại Dương Đại Thành. - Thằng này vẫn còn che giấu. - Bao Công nói. - Ngươi còn nhớ khi ngươi ở hàng ăn không? Ngươi vào hàng, thì có một người đầy máu me theo vào, chủ hàng nói, ngươi sợ hãi không dám uống rượu, trả luôn tiền rồi bỏ đi. Nay trước công đường ngươi còn dám chối quanh. Các người đâu mang dụng cụ tra tấn ra đây. Bì Hùng sợ quá, cứng họng, thầm nghĩ: "Ngay cả việc uống rượu này ngài cũng biết rồi, thì việc khác giấu sao được. Nếu không khai thực thì sao tránh khỏi tra tấn đau đớn". Nghĩ xong, hắn gật đầu nói: - Xin ngài đừng giận dữ, con xin khai. - Khai mau. - Bao Công nói. - Chỉ vì tâm đầu ý hợp, con gian dâm với Tất thị. - Bì Hùng nói. - Sợ rằng Dương Đại Thành biết được sẽ ngăn chặn, bởi thế chúng con âm mưu, chuốc anh ấy uống rượu say, rồi giết đi lén lút bỏ vào quan tài, rồi nói là anh ấy chết đột ngột về bệnh tim. Lúc ấy thấy tua san hô, con cầm lấy mang về nhà, đưa cho vợ con cất đi. Thưa ngài, con đã khai hết sự thực. Nghe xong, Bao Công bắt ký vào tờ khai. Rồi lập tức định tội: Tất thị bị lăng trì; Bì Hùng bị chém đầu; đánh Lã Bội bốn mươi gậy rồi tha về. Liễu thị bán cho nhà quan; chú cháu nhà họ Khuông được mang tua san hô về. Bởi thế ai ai cũng khen Bao Công tài giỏi như thần thánh. Khắp nơi đều ca ngợi truyền tụng.